Friday, September 23, 2011

CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG TRUNG QUỐC THÁCH THỨC QUYỀN LỰC, ĐẨY MẠNH BẦU CỬ (Chris Buckley, Reuters)



Chris Buckley
Biên tập: Brian Rhoads và Robert Birsel
Reuters   21-9-2011

Thủy Trúc dịch   
Posted by basamnews on 22/09/2011

Bắc Kinh – Hàng trăm ứng viên độc lập chạy đua để giành các ghế đại biểu hội đồng nhân dân địa phương vốn dỉ tẻ nhạt, đang mở một mặt trận mới trong cuộc tranh giành quyền chính trị ở đất nước này, thu hút cử tri ngoài phố và trên mạng Internet, bất chấp sự kiểm soát về chính trị.

Đảng Cộng sản cầm quyền nói rằng các đại hội đại biểu hội đồng nhân dân ở các tỉnh, thành, là cơ sở cho một nền dân chủ kiểu Trung Quốc. Tuy nhiên, giới phê bình cho rằng các hội đồng này – đầy những quan chức trong đảng, không có quyền kiểm soát ngân sách và không có ý định phản biện chính sách – là những ban bệ đã được thuần hóa để tạo ra cái vẻ ngoài là chính quyền từ trên xuống dưới đều được dân chúng hoan nghênh.

Dù vậy, các nhà hoạt động cho biết, năm nay, những ứng cử viên độc lập, với một số lượng chưa có tiền lệ, đang tìm cách thay đổi điều đó, đương đầu với một danh sách ứng viên được Đảng hậu thuẫn, đông đảo hơn họ rất nhiều – bất chấp cuộc trấn áp người bất đồng chính kiến và cơ hội giành ghế rất mong manh.

Lý Phàn (Li Fan), giám đốc Viện Thế giới và Trung Quốc – một nhóm nhỏ ở Bắc Kinh, do tư nhân tài trợ, giám sát bầu cử – cho biết: “Có rất nhiều ứng cử viên hơn trước. Không đưa ra được con số chính xác, nhưng đông hơn hẳn hồi trước. Có hai lý do. Thứ nhất là tâm trạng bất mãn trong xã hội trở nên sâu sắc hơn trước, do đó có nhiều người muốn làm đại biểu hội đồng nhân dân để thúc đẩy quyền của người dân. Thứ hai là vai trò của mạng xã hội. Blog đóng một vai trò to lớn”, ông Lý nói.

Theo Quốc hội Nhân dân, tức hội đồng nhân dân cấp quốc gia ở Trung Quốc, thì trong các cuộc bầu cử khắp Trung Quốc những tháng vừa qua và sắp tới, cử tri Trung Quốc sẽ chọn ra khoảng 2 triệu đại biểu để đại diện cho họ ở các hội đồng địa phương.
Ở một số khía cạnh, việc bầu cử người vào các cơ quan này không khác với các hội đồng chính phủ, có chức năng điều hành các tiểu bang và thành phố trên khắp nước Mỹ và những nước khác. Nhưng sự tương đồng nhanh chóng tan biến.
Nhiều cử tri ở Trung Quốc có xu hướng chọn ngay tên các ứng viên của Đảng, không nghĩ ngợi gì hết. Nhưng luật bầu cử, trên lý thuyết, cho phép các ứng viên độc lập được tự đứng ra tranh cử.

Trong các cuộc bầu cử trong quá khứ, diễn ra 5 năm một lần, vài ứng viên độc lập đã giành điểm để lọt được vào các hội đồng địa phương, và họ sử dụng nó làm nơi để mở các chiến dịch chống lại việc chính phủ lạm quyền, thu đất của dân.
Năm nay, các ứng viên độc lập cho hay họ phải đối mặt với rất nhiều rào cản để có thể được ủy nhiệm chính thức: sự quấy nhiễu từ công an, sự phá hoại bằng thủ tục hành chính, và thái độ cảnh giác của rất nhiều cử tri vì phải đề phòng rắc rối một khi bỏ phiếu cho các ứng viên độc lập. Ngay cả khi một số người có thể được chấp nhận thì hy vọng chiến thắng của họ cũng rất mong manh.

Ông Zhou Decai, xuất thân từ nông dân, ông là một doanh nhân, tranh cử để kiếm một ghế trong hội đồng nhân dân ở tỉnh nhà, Hà Nam (Henan), miền trung Trung Quốc, đã nói: “Chúng ta cần giải quyết những lỗi hệ thống của Trung Quốc, và chìa khóa để tạo đột phá là bầu cử. Kể cả nếu có vài người vào được (hội đồng), thì cũng chẳng thay đổi gì” – ông Zhou phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ở Bắc Kinh. Ông cho biết ông đã nói chuyện với luật sư và những người ủng hộ về chương trình hành động của mình.
Nhưng bầu cử có thể bộc lộ ra những vấn đề trong hệ thống của Trung Quốc, và đó luôn luôn là một cách để gây sức ép lên quan chức chính quyền địa phương” – ông Zhou nói. Người đàn ông chắc nịch, tóc húi cua này từ lâu nay đã đấu tranh với vấn nạn tranh chấp đất đai ở quê ông, huyện Cổ Thủy (Gushi).

Nghịch lý

Phong trào ứng cử độc lập lan rộng càng làm rõ một nghịch lý, rằng ngay cả khi Đảng Cộng sản cố gắng ngăn chặn bất đồng chính kiến, thì các nguồn gây bất mãn mới vẫn tiếp tục tích tụ, thường là được tiếp sức thêm bởi sự phổ biến của Internet.

Những người ủng hộ phong trào nhận xét, làn sóng đấu tranh dựa vào bầu cử là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự đàn áp của chính phủ – mà kết quả là đã làm hàng chục người bất đồng chính kiến bị bắt giữ năm qua – đang phải đương đầu với tinh thần đối kháng ngày càng mạnh mẽ.
Điều này cho thấy nhu cầu về các quyền chính trị đã lan rộng, và giờ đây nhiều thường dân đang dự phần” – ông He Depu, một người bất đồng chính kiến hoạt động lâu năm, vừa được trả tự do đầu năm nay và hiện giờ đang ủng hộ các ứng viên độc lập ở Bắc Kinh, phát biểu.
Ông He bảo: “Cơ hội để họ được chọn làm đại biểu hội đồng nhân dân rất mỏng manh, nhưng quan trọng là quá trình tham gia, bởi vì quá trình ấy cho thấy rằng mọi người đều có những kỳ vọng chính trị mà cuối cùng cũng phải được đáp ứng”.
Ông phát biểu như vậy trên điện thoại sau khi – theo lời ông kể – công an nhắn rằng ông không nên gặp phóng viên nước ngoài. Ông không được phép ra tranh ghế ở quốc hội bởi vì ông vẫn đang trong tình trạng bị tước bỏ các quyền chính trị, như là một phần hình phạt cho tội lật đổ chính quyền, ông cho biết như vậy.

Trong một dấu hiệu về thời thay đổi ở Trung Quốc, các ứng viên độc lập đã sử dụng những mạng xã hội ngày càng phát triển ở Trung Quốc để xúc tiến tranh cử. Có thể tìm thấy hàng chục, nếu không nói là hàng trăm website tranh cử như thế, trên trang liên mạng xã hội “Weibo” (tiếng Trung Quốc nghĩa là “blog nhỏ” – ND) lớn nhất nước, của tập đoàn Sina.
Trên trang Weibo của mình, ứng viên Xu Chunliu, 31 tuổi, nói với các ủng hộ viên tương lai rằng: “Là thành viên trong cộng đồng của các bạn, tôi chia sẻ những lời than phiền của người dân”. Ông cũng hứa sẽ giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông và quản lý yếu kém ở khu vực lân cận.

Có nhiều ứng viên độc lập hơn trước đây, tôi nghĩ là bởi vì người dân thường đã hiểu về quyền của họ hơn, và Internet cũng giúp chúng tôi thể hiện mình được rõ hơn, cải thiện khả năng truyền thông của chúng tôi” – bà Liu Xiuzhen, 57 tuổi, ứng viên độc lập ở Bắc Kinh, nói. Bà Liu đã nghỉ hưu, trước bà là công nhân trong ngành vận tải. Bà đang ra tranh cử ở Bắc Kinh, nơi việc bỏ phiếu diễn ra vào tháng 11.
Một số trong chúng tôi là những người bảo vệ quyền lợi của dân, và chúng tôi nghĩ mình có thể giúp đỡ các nhóm yếu thế bằng cách ra tranh cử” – bà Liu nói.
Bà cho biết, bà và khoảng hơn chục ứng viên nữa bị thôi thúc phải ra tranh cử, vì họ thấy chính quyền đã không giúp họ lấy lại được khoản tiền đã mất trong những vụ đầu tư có tính chất lừa đảo.

Đảng Cộng sản đã coi việc thắt chặt kiểm soát là một ưu tiên trong thời gian tiến tới sự kiện chuyển giao lãnh đạo vào cuối năm tới. Bất chấp lớp vỏ dân chủ bề ngoài, một số ứng viên độc lập cùng làm việc với ông He, người bất đồng chính kiến, nói rằng họ đã bị bắt khi đi vận động các ủng hộ viên tiềm năng.

Diêu Lập Pháp (Yao Lifa), “cha đẻ” của phong trào ứng cử độc lập ở Trung Quốc kể từ khi giành được một ghế trong hội đồng nhân dân địa phương năm 1998, đã bị chính quyền bắt giam vài tháng và bây giờ đang bị theo dõi gần như suốt ngày, ở thành phố quê nhà ông tại tỉnh miền trung Hồ Bắc.
Vì chúng tôi đã vào đến giữa quá trình bầu cử rồi, nên họ muốn tôi phải chấm dứt giúp đỡ những ứng viên khác” – ông Diêu nói với Reuteurs trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại lúc đêm khuya. Ông bị mất ghế vào năm 2003, khi các quan chức thành phố không cho ông chính thức tranh cử nữa.
Con số ngày càng tăng lên các ứng viên (độc lập) cho thấy rằng tham nhũng và chia rẽ trong xã hội đang đẩy nhiều người dân thường đến việc phải đứng lên vì chính họ” – ông Diêu, vốn là một cán bộ trong ngành giáo dục, nhận xét.
Ông bảo: “Nhưng chính quyền ngày càng cứng rắn hơn. Họ chỉ muốn tỏ ra vẻ dân chủ, nhưng họ rất sợ màn trình diễn sẽ tuột khỏi vòng tay kiểm soát của họ”.
.
.
.

No comments: