Thursday, September 22, 2011

CÁC CƯỜNG QUỐC CHÂU Á ĐANG TIẾN TỚI ĐỐI ĐẦU ? (Ravi Velloor, Jakarta Globe)


Ravi Velloor, Jakarta Globe  20-09-2011

Trúc An dịch
Posted by basamnews on 21/09/2011

Hơn 2 năm qua, các quan chức cấp cao Ấn Độ luôn giảm nhẹ thông tin được báo chí liên tục đưa tin về các hoạt động tuần tra gây hấn của Trung Quốc dọc biên giới tranh chấp giữa hai nước, bằng cách chỉ ra rằng nơi đó rất yên bình trong hơn 20 năm qua.

Các nhà phân tích, những người đề cập đến chiến lược “Chuỗi ngọc trai” bao quanh Ấn Độ bằng các căn cứ ở Pakistan, Sri Lanka và Myanmar, được trấn an rằng, những chiếc vòng ngọc trai là vũ khí giết người “khá vô ích”.

Giờ đây, New Delhi không thể ngừng giương cao những lá cờ đỏ đối với mối đe dọa Trung Quốc. Hơn nữa, nước này dường như đã sẵn sàng nghênh mặt trước nước láng giềng lớn hơn và mạnh hơn mình.

Tuần trước, Ấn Độ, nước đang gia tăng xây dựng một mối quan hệ chiến lược với Việt Nam, và theo một số người, thậm chí còn để mắt tới sự hiện diện hải quân ở Cảng Cam Ranh, đã tuyên bố rằng nước này sẽ đồng ý tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông, bỏ ngoài tai sự phản đối của Trung Quốc.

Trong khi đó, hai lực lượng tấn công có thể chọc thủng các tuyến phòng thủ của Trung Quốc ở Tây Tạng đang được xây dựng, cùng với các bước cho một sự cải thiện chung về cơ sở hạ tầng quốc phòng dọc biên giới Trung Quốc.
Một số chuyên gia chiến lược cho rằng, quan trọng là phải giảm khẩu khí trước khi hai cường quốc châu Á va chạm nhau quá mạnh.
Chuyên gia Trung Quốc Sujit Dutta nói: “Hai ba năm qua không dễ dàng gì, Trung Quốc gây đủ thứ áp lực lên Ấn Độ. Tôi không cho rằng bên nào quá ngu xuẩn, quan trọng là phải chuẩn bị sẵn sàng. Với Trung Quốc, bạn phải luôn cảnh giác“.

Hai nước đã trải qua một cuộc chiến biên giới ngắn vào năm 1962, vào lúc quân đội Ấn Độ hoàn toàn chưa được chuẩn bị trước. Ký ức về sự thất bại đó tiếp tục giày vò người Ấn Độ, mặc dù đường biên giới chung rất yên bình trong nhiều thập niên và các mối quan hệ thương mại được cải thiện nhanh chóng.

Các quan chức Ấn Độ cũng thừa nhận rằng Trung Quốc, nước từng huận thuẫn các phong trào nổi loạn ở khu vực đông bắc hẻo lánh và bất ổn của Ấn Độ, dường như đã ngừng chính sách đó vào năm 1988.

Tuần trước, Giám đốc Cục Tình báo Ấn Độ, Nehchal Sandhu, phát biểu tại một cuộc họp của các chỉ huy cảnh sát quốc gia, rằng đã đến lúc thảo luận “chứng cớ mới về mối quan tâm của Trung Quốc đối với các vấn đề của các nhóm phiến quân Ấn Độ”. Đây là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy lo ngại đang gia tăng của New Delhi, nhiều tuần sau khi nước này cảnh báo Bắc Kinh hãy ngừng xây đập và đường sá ở phần Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Nỗi lo đó là một làn sóng nổi dậy mới ở vùng đông bắc sẽ khiến Ấn Độ phải điều động nhiều binh lính hơn, dàn mỏng hơn nữa các nguồn lực của quân đội. Bên cạnh đó, nó càng làm tăng thêm những cơn ác mộng về an ninh nội địa hiện thời, khi một phần ba số quận của nước này phải đối phó với các mối đe dọa ở nhiều cấp độ khác nhau của phiến quân theo chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông.

Giới phân tích cũng cho rằng, mặc dù Kashmir tương đối yên bình trong gần suốt năm qua, có khả năng các nhóm thánh chiến sẽ chuyển ý định của chúng sang khu vực này một khi Mỹ bắt đầu rút quân từ từ khỏi Afghanistan. Điều đó có thể buộc Ấn Độ phải giữ hàng trăm nghìn binh sĩ ở Jammu và Kashmir. Hơn một phần ba quân đội của Ấn Độ hiện đang đóng tại đó.

Bên cạnh việc xây dựng lực lượng quân sự dọc đường biên giới Tây Tạng, một yếu tố then chốt trong đối áp của Ấn Độ là tạo dựng các quan hệ với Việt Nam, nước có một bề dày lịch sử về các mối quan hệ gay gắt với Trung Quốc. Tuần trước, Hà Nội lần lượt đón tiếp Thứ trưởng Quốc phòng và Bộ Trưởng Ngoại giao Ấn Độ.

Có tin Ấn Độ đang tìm kiếm sự tiếp cận đối với các cơ sở hải quân ở Vịnh Cam Ranh khi căn cứ này mở cửa vào năm 2013, và trong lúc dó nước này sẽ bắt đầu huấn luyện cho các sĩ quan Việt Nam về chiến tranh tàu ngầm.
Ấn Độ cũng bỏ ngoài tai những phản đối của Trung Quốc đối với các kế hoạch thám hiểm dầu khí nước ngoài của Tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh nhằm tiến hành các hoạt động tìm kiếm khoáng sản ở Biển Đông với PetroVietnam ở các lô mà gã khổng lồ BP bỏ không. Nước này nói các phản đối của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý, bởi vì các lô này là của Việt Nam.

Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói: “Trung Quốc quan ngại, nhưng chúng tôi đang làm theo những gì các quan chức Việt Nam nói với chúng tôi, và đã truyền đạt điều đó cho phía Trung Quốc“.

Giới phân tích cho rằng, như vậy có nghĩa là New Delhi ngầm chấp nhận lập trường của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc, điều này có thể gây ra nhiều hậu quả. Nhà phân tích chiến lược Bahukutumbi Raman thuộc Viện Chennai về Các nghiên cứu có tính thời sự cảnh báo: “Kết quả sau cùng có thể là một cuộc đối đầu với Trung Quốc ở các vùng biển liền kề đại lục, một cuộc đối đầu mà Ấn Độ không thể hy vọng sẽ chiến thắng, và một sự suy giảm toàn diện trong các mối quan hệ“.

Một số quan chức Ấn Độ thừa nhận các mối nguy hiểm này nhưng họ nói rằng lùi bước còn nguy hiểm hơn nhiều về lâu về dài.
Một quan chức nói: Tuyên bố của “các nước khác” về các nguồn lực trong khu vực là hợp lý như nhau. Nhưng chơi theo cảm giác chủ nghĩa siêu dân tộc và dựng lại lịch sử, Trung Quốc cũng đang khích động công luận ở cả Ấn Độ. Tất cả những điều này khiến cho sự dàn xếp trở nên khó khăn hơn nhiều.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments: