Phạm Văn Bản
Thứ Ba, 13/09/2011
Phạm Văn Bản, nguyên sĩ quan phi công VNCH, nhà giáo dục của Trường Đại Học Western Washington University, và là chuyên viên The Save Children Foundation của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc. Hiện nay đang là chuyên viên phát triển của hãng chế tạo máy bay Boeing với 4 loại 747, 767, 777 và 787.
----------------------------------
Mục đích của hiến pháp là bảo vệ từng cá nhân trong cộng đồng chính trị. Tiếp đến là ứng dụng vào việc phân chia quyền lực chính trị, nguyên tắc phân quyền, được coi là mục tiêu thứ hai của hiến pháp. Một chính quyền hiến định, là một chính quyền đó phải bị hạn chế quyền hành qua phương pháp phân quyền, tản quyền, chia quyền… nhằm ngăn ngừa sự tập trung quyền lực vào một chính quyền trung ương.
Đọc bản Hiến Pháp của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, tôi có cảm tưởng rằng, ông chủ muốn dựng ngôi nhà tình thương cứu người. Nhưng khi xây cất lên, ông lại thay đổi ý định, muốn bế quan tỏa cảng, và ra lệnh cho đám thợ vít kín các ngõ ngách ra vào, để khiến cho mọi người sống trong nhà bị ngộp thở, bệnh họan, thiếu sinh khí! Dù rằng trên nóc gia trang, ông chủ có cho thợ sơn phết tấm bùa lỗ bang “Độc lập – tự do – hạnh phúc.” Nhưng lá bùa hộ mệnh này dường như hết hiệu nghiệm… và từ chủ chí nô, đều mắc chứng kinh phong lở lóet, ngứa ngáy khó chịu, sức mỏi trí mệt! Vì mình hại mình!
Phải thừa nhận rằng, đảng Cộng Sản Việt Nam cũng có kinh nghiệm soạn thảo 3 bản hiến pháp, nhưng tới bản thứ 4 viết vào năm 1992, thì tự dưng lại làm mất hết tín chỉ, hay cái gọi là “tích sạn chính trị” vì đã không theo bài bản và lịch sử chính trị của các nước dân chủ thế giới. Ngược lại, đảng ta lại học hỏi Bác Kim nhằm thực hiện chế độ độc tài toàn trị, và sọan thảo cái bản hiến pháp ngược đời. Hiến pháp của các nước dân chủ không ghi nhận chủ nghĩa, không ấn định độc đảng, không ghi các tổ chức ngoại vi Đoàn Thanh Niên, Nghiệp Đoàn, Mặt Trận Dân Tộc… Và từ đó Hiến pháp CHXHCNVN đã trở thành một văn kiện vô nghĩa, vô giá trị vì không đặt căn cứ theo sự thỏa thuận của hai phía, chính quyền và nhân dân, trên nền tảng của lý thuyết khế ước, mà ngược lại, xây dựng trên căn bản của chủ nghĩa Marx-Lenin, lấy Đảng Cộng sản làm giai cấp lãnh đạo, như Lenin từng nói, “Đảng Cộng sản đứng trên và đứng ngoài luật pháp.”
Theo đó, khiến chúng ta liên tưởng tới thời đại nông nghiệp xa xưa, khi còn sinh hoạt chính trị quân chủ, vua là con Trời, thế thiên hành đạo, đứng trên và đứng ngoài luật pháp như Lenin từng nói. Cũng như vua, Cộng Sản cũng đứng trên mà truyền lệnh xuống, lệnh của họ là lệnh của Trời, và ai trái ý Trời, trái ý “bác đảng” đều bị mang đi cải tạo, chu di tam tộc, hoặc bị đảng lôi ra bờ đìa đập đầu và cho đi mò tôm!
Việc làm rõ ràng như thế mà họ lại lấp liếm gọi là hiến pháp? Phải chăng chỉ là loại pháp lệnh, được cải danh hiến pháp cho có vẻ che đậy trước trào lưu dân chủ tiến bộ của nhân loại. Ngày xưa khi người dân bị áp bức, bị kèm kẹp tới tận cùng thì họ vùng lên đòi hỏi quyền làm người, đòi tự do dân chủ. Những ông vua đã phải nhượng bộ, phải lập ra hiến pháp để giới hạn quyền của vua, mà thêm quyền hạn cho dân. Nhưng hôm nay giai cấp cầm quyền mới, người Cộng Sản lại đi ngược trào lưu tiến hóa chính trị của loài người, mà dùng pháp lệnh là thứ hình luật được áp dụng trong cai trị, nhằm củng cố địa vị quyền hành, gia tăng độc tài chuyên chế, và phát triển bạo lực tội ác.
Nhìn lại từ cái thuở loài người mới kết xã, chưa có tiền tệ, chưa có chữ viết, chưa có luật lệ thì những giao tiếp, trao đổi hay liên hệ thường theo bản năng, thỏa thuận, giao ước từ hai phía, hai người, hai nhóm hoặc hai gia đình. Và lối giao tiếp, liên hệ này dần dà biến thành thói quen, thành ra cái lệ mà người ta gọi là tục lệ.
Tục lệ đã được bổ túc, biến cải cho thích hợp với nếp sống và phát triển của mỗi dân tộc qua bao ngàn năm. Những người sống chung trong xã hội, phần đông tuân theo, noi theo luật lệ theo thói quen của lớp tiền nhân thuở trước mà cư xử với nhau. Đang khi, phần nhỏ đã không tuân giữ điều lệ tự nhiên, nghĩa là trong giao tiếp họ có bội ước, bội tín và lật lọng, hành động ngang ngược đã khiến cho số đông phải chọn ra một Trưởng Lão, là người sống lâu và có nhiều kinh nghiệm, uy tín trong thôn làng hay bộ lạc mà phán quan xét xử.
Rồi những vụ xét xử như thế, dẫn đến kết quả bên đúng bên sai, bên có tội bên vô tội… dù là oan hay ưng, người ta đã phải ngăn ngừa tội lỗi mà đặt ra hình phạt cho kẻ có tội, để làm gương cho những người khác. Từ đó, luật lệ ra đời.
Nói rõ ràng như thế, thì trước khi có hình luật được khai sinh, con người đã có tục lệ, tức là những luật lệ dựa trên căn bản của sự thỏa thuận, thỏa hiệp để tồn tại và cùng phát triển của hai người, hai nhóm.
Vậy thì luật pháp phải chăng đã là cách gọi chung của hình luật và tục lệ. Và cả hai hình thức luật pháp này được đưa vào tổ chức cai trị để giúp cho xã hội phát triển, ổn định và điều hòa.
Tiếp đến, các dân tộc khắp nơi trên thế giới, khi thành lập quốc gia thì tục lệ đã giữ một vai trò quan trọng và thiết yếu trong việc điều hòa xã hội; và tổ chức cai trị, tức triều đình áp dụng hình luật để giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.
Hai hình thức của luật pháp: Tục Lệ có nhiệm vụ giữ gìn thuần phong mỹ tục, vun bồi luân lý đạo đức; và Hình Luật giữ nhiệm vụ trừng phạt những kẻ thác loạn, vi phạm hệ thống giá trị của xã hội và con người.
Theo thời gian, các vua quan của nền quân chủ cũng bỏ quên vai trò của Luật Pháp và Tục Lệ, và chỉ xử dụng một hình thức luật pháp, đó là hình luật. Hơn thế nữa họ phá bỏ nhiệm vụ trong sáng của hình luật ban đầu, là bảo vệ hệ thống giá trị của xã hội và con người. Họ xử dụng hình luật như một thứ vũ khí để tiêu diệt hay bịt miệng những ai có can đảm phê phán, chống đối hành động độc tài của họ.
Bởi thế trong suốt 3500 năm của lịch sử quân chủ phong kiến, chuyên chế thì người dân đã bị tròng lên đầu một thứ luật pháp duy nhất, là hình luật, là pháp lệnh khắc nghiệt và bất công.
Vào khoảng 500 năm trước nhật lịch, ở Á Châu có Khổng Tử, triết gia đã nhìn ra sự độc đoán, phi lý của pháp lệnh, nên đã thu góp lượm nhặt những điều tốt từ pháp luật tục lệ mà ghi chép lại thành ra quyển Thượng Thư, một trong những cuốn trong chương trình mà ông biên soạn Ngũ Kinh, nhằm giảm bớt độc tài, độc đoán dã man của các tầng lớp vua chúa quan lại, tức những nhà lãnh đạo chính trị ngày ấy,
Vào khoảng năm 384-322 trước tây lịch, triết gia Hy Lạp Aristotle cũng nhìn thấy sự phi lý của hình luật và nặng về pháp lệnh do giai cấp cai trị đặt ra. Ông cũng đã dựa trên luật pháp tục lệ để đưa ra một ý niệm chính trị, đặc biệt là sự liên hệ thỏa hiệp của giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, được người đời sau biết đến qua cái tên Lý Thuyết Khế Ước. Lý thuyết này xác nhận giai cấp cai trị là chính quyền, và muốn được chính danh, phải dựa trên Giao Kèo, trên sự Đồng Thuận của người dân bị trị.
Lý thuyết này cũng được Thomas Hobbes và John Locke khai triển vào cuối thế kỷ 17 ở Anh, và Jean Jacques Rousseau ở Pháp và cuối thế kỷ 18, với những nguyên tắc của Lý Thuyết Khế Ước là:
- Sự chấp thuận, thỏa thuận phải là giao ước nền tảng của sự cai trị
- Tối quyền của cá nhân đối với xã hội văn minh, và quyền lợi đối với nghĩa vụ
- Bảo vệ các quyền tự nhiên, nhân quyền là mục đích cuối cùng của chính quyền
- Quyền khởi loạn, làm cách mạng
- Tối quyền của cá nhân đối với xã hội văn minh, và quyền lợi đối với nghĩa vụ
- Bảo vệ các quyền tự nhiên, nhân quyền là mục đích cuối cùng của chính quyền
- Quyền khởi loạn, làm cách mạng
Lý thuyết khế ước phân tích nguyên nhân căn bản của con người, từ đó dẫn đến những căn bản về đời sống chính trị. Theo thuyết này, nhân loại chịu ảnh hưởng bởi hai nguyên nhân chính là kiêu hãnh và sợ hãi.
Sự sợ hãi của con người dẫn đến sự xác định là, con người có những quyền tự nhiên như quyền tự vệ và cá quyền liên quan như tự do và sở hữu. Sự kiêu hãnh thì tạo ra mâu thuẫn và xung đột. Nếu thiếu đời sống xã hội văn minh thì sự xung đột này sẽ dẫn đến chiến tranh.
Bản tính tự nhiên của con người là gây chiến, và để tránh sự ghê gớm này, cũng như bảo đảm các quyền tự nhiên của con người, thì chính quyền phải được thành lập do khế ước. Các chính quyền đều bị hạn chế bởi mục đích đã đưa đến sự thành lập chính quyền. Nếu chính quyền nào vượt quá mục đích thì người dân có quyền phản kháng, khởi nghĩa và làm loạn.
Do đó, chính quyền được hiện hữu trong một xã hội, thì bộ luật thành văn phải được lập ra, và được sự đồng ý bởi những người bị cai trị. Sự đồng ý thỏa thuận về pháp luật của thành phần cai trị và bị trị trong chính trị được gọi là Hiến Pháp.
Từ những luận cứ này, nhiều định nghĩa về hiến pháp được xuất hiện. Theo quan điểm của pháp lý, thì hiến pháp được gọi là Luật Căn Bản, là bộ luật mẹ trên đường hướng hợp nhất với các luật lệ căn bản trong ý niệm cộng đồng, và trong ý niệm cai trị một nước. Bởi thế, định nghĩa về hiến pháp thời nay là sự tổ chức công quyền, các bộ, sở của chính phủ và sự liên quan của các cơ sở đó.
Tóm lại, đọc hiến pháp của CHXHCNVN, chúng ta đã thấy ngay rằng những người CSVN chỉ xử dụng Hình Luật và sản sinh ra pháp lệnh. Đang khi, Tục Lệ mới giúp sản sinh ra Hiến Pháp, như những điều mà người viết đã trình bày rõ ràng ở phần trên. Tuy rằng luật pháp là cách gọi chung, nhưng hiến pháp và hình luật là hai vấn đề, hai mục đích trong việc thi hành luật. Mục đích của hiến pháp là bảo vệ các thành phần cá nhân trong cộng đồng chính trị, chống lại sự can thiệp của quyền lực tiến vào đời sống tự do, tự trị của từng cá nhân.
Với phạm vi cá nhân, nhân quyền là tự chủ. Nhân quyền là quyền tối thượng của con người và vượt trên phạm vi quốc gia. Dân quyền là tự do. Chính quyền là dân chủ. Chính quyền và dân quyền được tôn trọng ngang nhau theo nguyên tắc bình quyền. Đó chính là xã hội nhân bản.
Nhưng trên thực tế, nhân quyền thường bị thay đổi theo tùy nơi, trường hợp và thời đại. Bởi thế nhân quyền tại Việt Nam lại trở thành vấn đề phức tạp nhiêu khê vì do nhà cầm quyền sở tại ấn định. Vậy chúng ta muốn đánh giá hay xác định nấc thang giá trị của một chính phủ, chúng ta cần phải khảo sát về quyền cá nhân mà chính quyền tuyên bố trong hiến pháp, và so sánh thực tế tự do cá nhân của nước đó đang hưởng ra sao.
Tóm lại, mục đích của hiến pháp là bảo vệ từng cá nhân trong cộng đồng chính trị. Tiếp đến là ứng dụng vào việc phân chia quyền lực chính trị, nguyên tắc phân quyền, được coi là mục tiêu thứ hai của hiến pháp. Một chính quyền hiến định, là một chính quyền đó phải bị hạn chế quyền hành qua phương pháp phân quyền, tản quyền, chia quyền… nhằm ngăn ngừa sự tập trung quyền lực vào một chính quyền trung ương, một đảng chính trị cầm quyền như đảng Cộng sản tại Việt Nam. Bởi thế, mỗi chế độ chính trị đã cần có một Khung Tổ Chức để phân chia quyền hành của một cơ quan công quyền, một hệ thống định nghĩa quyền cá nhân, và một quy chế cộng đồng.
.
.
.
No comments:
Post a Comment