Thursday, September 1, 2011

ĐẢNG THÁI TỬ & TRIỂN VỌNG CỦA TRUNG QUỐC (Nguyễn Hải Hoành lược dịch)




Nguyễn Hải Hoành lược dịch
01/09/2011

Đảng Thái Tử [1] mà công chúng Trung Quốc nhiều năm qua thường xuyên bàn tới hiện nay đã trở thành một vấn đề tế nhị có ý nghĩa không bình thường, một đề tài sốt dẻo của giới truyền thông. Báo chí Trung Quốc không được phép đưa tin về vấn đề này. Tra cứu mạngcông cụ tìm kiếm Baidu của Trung Quốc chỉ có thể tìm được một số trang thông tin chung chung về Đảng Thái Tử.
Truyền thông thế giới từ lâu đã quan tâm tới vấn đề Đảng Thái Tử ở Trung Quốc và họ đã đưa khá nhiều tin bài. Dưới đây là một số tin và bình luận của họ trong tháng vừa qua (tức trước ngày 15/7).

Đảng Thái Tử đấu tranh vì quyền lực
Cách đây mươi hôm, khi dư luận chưa hiểu ra sao về việc ông Giang Trạch Dân còn sống hay đã chết thì truyền thông quốc tế và những người Trung Quốc quan tâm chính trị đều tự nhiên cùng nghĩ rằng chuyện đó có ảnh hưởng tới tình hình chính trị Trung Quốc.
Báo Sankei Shimbun một tờ báo hàng đầu ở Nhật hôm 7/7/2011 đăng bình luận dưới đầu đề (Việc Giang Trạch Dân qua đời) có thể làm căng thẳng cuộc đấu tranh bè phái ... Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình trực tiếp quyết đấu với nhau.
Bài báo viết : Giờ đây dư luận chú ý tới sựra đi của cựu Chủ tịch nước Giang Trạch Dân — người được gọi là một nhân vật lịch sử — là có lý do, bởi lẽ ảnh hưởng của ông có liên quan tới việc sắp xếp nhân sự tầng lớp lãnh đạo cao nhất tại đại hội XVII của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) họp vào mùa thu năm 2012. Điều đó liên quan tới tình hình bố trí quyền lực trong đảng.
Trong ĐCSTQ có 3 phái lớn chống chọi nhau. Một phái là tổ chức đảng do Chủ tịch Hồ Cẩm Đào lãnh đạo cùng phái Đoàn Thanh niên cộng sản Trung Quốc. Thứ hai là phái Đảng Thái Tử gồm con cháu các cựu cán bộ cấp cao, với trung tâm là Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình, được coi là nhà lãnh đạo nhiệm kỳ tới của Trung Quốc. Thứ ba, cái gọi là Tập đoàn (« Bang ») Thượng Hải với cột trụ tinh thần là Giang Trạch Dân.

Phái bảo thủ-Phái Đảng Thái Tử
Tờ Tin hàng ngày của Nhật ngày 7/7 đăng bài phân tích của biên tập viên báo này, cho rằng nội bộ ĐCSTQ có hai phái đấu tranh với nhau. Bài báo viết :
Cuộc đấu tranh sắp xếp nhân sự ở tầng lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc sẽ tiếp tục cho tới đại hội ĐCSTQ mùa thu sang năm. Phái Đoàn Thanh niên cộng sản của Chủ tịch Hồ và phải bảo thủ-phái Đảng Thái Tử dưới ngọn cờ của Giang Trạch Dân đang đấu tranh tranh gay gắt với nhau. Giang Trạch Dân sau khi mãn nhiệm vẫn là kẻ nắm thực quyền ở hậu trường ngang bằng với Chủ tịch Hồ. Sở dĩ Tập Cận Bình giành được địa vị Tổng Bí thư ĐCSTQ nhiệm kỳ tới cũng là nhờ có ảnh hưởng của Giang Trạch Dân.
Cho tới hiện nay, phong trào Tiếng hát ca ngợi Mao Trạch Đông do phái bảo thủ-phái Đảng Thái Tử phát động đã lấn át được vị thế của phái Đoàn TNCS. Nhưng nếu chỗ dựa của họ là Giang Trạch Dân ngã xuống thì họ sẽ mất tiền đồ. Rốt cuộc Trung Quốc vẫn là một quốc gia nhân trị.

Phái Đảng Thái Tử-Tập đoàn lợi ích
Báo Tin tức miền Tây Nhật Bản ngày 3/7 đăng xã luận với đầu đề Đảng CSTQ 90 năm trở thành tập đoàn lợi ích tách khỏi nhân dân.
Theo dự định, đến mùa thu sang năm Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình sẽ thay thế Chủ tịch Hồ làm Tổng Bí thư ĐCSTQ, trở thành nhà lãnh đạo cao nhất. Ông Tập đại diện cho Đảng Thái Tử của con cái thế hệ 2 cán bộ cấp cao ĐCSTQ. Bản thân từ ngữ Đảng Thái Tử tượng trưng cho việc ĐCSTQ đã biến chất thành tập đoàn lợi ích đã giành được. Số lượng đảng viên ĐCSTQ tăng mạnh cũng là do giới trẻ có ý định mưu cầu thực lợi dễ kiếm được việc làm và trội hơn người khác muốn được vào đảng.
Tờ Tin tức miền Trung Nhật Bản ngày 4/7 đăng xã luận với tiêu đề Diễn văn của Hồ Cẩm Đào tại mít tinh kỷ niệm 90 năm ĐCSTQ không trình bày con đường đi tới xã hội hài hòa. Bài báo viết :
Tại đại hội XVIII ĐCSTQ sang năm, Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào sẽ mãn nhiệm, vì thế sức lãnh đạo của ông có vẻ đang giảm sút. Phó Chủ tịch nước Tập Cận Bình được dự định làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, là con của một vị nguyên lão cách mạng, được gọi là Đảng Thái Tử, ông có quan hệ thân mật với Đảng Thái Tử nắm giữ các công ty quốc doanh lớn. E rằng ông Tập khó có thể ngăn chặn được đặc quyền của tầng lớp cán bộ. Bài diễn văn chẳng có mấy ý tưởng mới của Hồ Cẩm Đào vì thế khiến người ta cảm thấy có chút không yên tâm với tiền đồ của xã hội Trung Quốc.

Đảng Thái Tử đến rồi
Báo Nhà Kinh tế (Economist, Anh) ngày 23/6 có bài với tiêu đề Nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc : Đảng Thái Tử đến rồi — sự thay đổi tầng lớp lãnh đạo vào sang năm sẽ đem lại thế hệ mới các nhà thừa kế chính trị có đặc quyền.
Bài báo phân tích hai vị Đảng Thái Tử là Bạc Hy Lai và Tập Cận Bình như sau :
Bạc Hy Lai dường như không muốn tranh ngôi vị người cầm lái thứ nhất. Hầu như có thể khẳng định chiếc ghế này sẽ trao cho Tập Cận Bình đương kim Phó Chủ tịch nước. Chức Thủ tướng của Ôn Gia Bảo cũng có thể sẽ do Lý Khắc Cường trợ thủ cấp cao của ông tiếp quản. Nhưng rất có thể Bạc Hy Lai sẽ nắm giữ vai ông trùm an ninh trong nước. Hiện nay Châu Vĩnh Khang đang nắm chức vị này. Người ta cho rằng Bạc có quan hệ khăng khít với Châu, điều đó khiến Bạc sẽ có ảnh hưởng lớn trong sự sắp xếp bàn cờ quyền lựcmới. Tháng 12/2010, Tân Hoa Xã ca ngợi Trùng Khánh (do Bạc Hy Lai lãnh đạo) là thành phố « hạnh phúc nhất » Trung Quốc, ngầm tỏ ý Bạc Hy Lai sẽ được trọng dụng.
Bạc Hy Lai và Tập Cận Bình đều thuộc vào thế lực chính trị mới nổi ở Trung Quốc, cũng tức là Đảng Thái Tử mà người ta thường nói. Những người này đều là con cái các cán bộ cấp cao. ... Cha của họ đều từng đảm nhiệm chức vụ cao dưới trướng Đặng Tiểu Bình.
Thập niên 90 rất nhiều người trong ĐCSTQ nhìn Đảng Thái Tử với con mắt nghi ngờ. Họ không chịu phục trước việc Đảng Thái Tử dựa vào quan hệ huyết thống mà được đề bạt lên chức vụ cao.
Nhưng mấy năm nay xem ra người lãnh đạo ĐCSTQ đã chuyển sang ủng hộ Đảng Thái Tử. Có lẽ ban lãnh đạo đảng cho rằng những người như Bạc Hy Lai và Tập Cận Bình có khả năng hơn cả trong việc giữ gìn truyền thống của đảng, điều này vô cùng quan trọng cho việc duy trì độc quyền quyền lựccủađảng.

Khó duy trì được hiện trạng
Blog của Arnaud de le Grange, phóng viên thường trú Bắc Kinh của báo Pháp Le Phigaro ngày 6/7 đăng bài Trung Quốc và phiên bản 3.0 của chủ nghĩa xã hội. Bài báo có đoạn viết:
Rõ ràng khó có thể giữ được tình trạng hiện nay của Trung Quốc. Sự phát triển kinh tế và sự xơ cứng về chính trị khiến mọi người ngày càng khó chịu đựng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu được rằng chênh lệch giàu nghèo không ngừng gay gắt đang tiến gần tới giới hạn của thể chế. Giờ đây bức thiết cần tái vũ trang đạo đức. Nhưng họ chưa nhất trí về cách làm.
Một số người như Bạc Hy Lai chủ trương tăng cường sự lãnh đạo của đảng. Ông Sếp này của Trùng Khánh, một thành phố lớn miền trung Trung Quốc, là người phát động phong trào « Đỏ ». Một số nhà phân tích Trung Quốc hy vọng thấy Mô hình Trùng Khánh sẽ đem lại con đường mới cho Trung Quốc, có thể kết hợp chủ nghĩa bình quân cực đoan của Mao Trạch Đông với chủ nghĩa mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình, cấu tạo nên cái mà giáo sư Vương Thiệu Quang ở Đại học Trung Văn Hong Kong gọi là Phiên bản 3.0 của chủ nghĩa xã hội [2].□

Nguyễn Hải Hoành lược dịch

Nguồn :
dadi360.com 15/7/2011

Ghi chú của người dịch:
[1] Đảng Thái Tử, hoặc Thái Tử, (tiếng Anh: Crown Prince Party hoặc Princelings) là danh từ riêng chuyên dùng để nói về những người do có quan hệ huyết thống với tầng lớp thống trị mà giành được địa vị quan trọng trong xã hội; trước đây chuyên để nói về Thái Tử. Tại Trung Quốc, Đảng Thái Tử là danh từ chính trị đặc biệt xuất hiện trong các triều đại phong kiến, nói chung có ý chê bai. Thí dụ Lý Kiến Thành (Thái Tử của vua Đường Cao Tổ) cùng em trai là Lý Nguyên Cát kết bè đảng tranh giành quyền lực. « Đảng » ở đây có thể hiểu là họ hàng.

[2] Socialism 1.0 : Khái niệm do GS Wang Shaoguang ở Hong Kong University đưa ra, còn gọi là thời đại thứ 3 của CNXH tại TQ, nhằm phân biệt với thời đại chủ nghĩa bình quân của Mao Trạch Đông (Phiên bản CNXH 1.0, là Giai đoạn Thiếu thốn, là CNXH thời Mao Trạch Đông, với đặc điểm là thiếu thốn mọi thứ, vì thế phải thi hành chủ nghĩa bình quân tuyệt đối, nếu không thì toàn dân không thể tồn tại) và thời đại Cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình (Phiên bản 2.0 : Giai đoạn No Ấm, là CNXH dưới thời cải cách mở cửa ; khi ấy không cần phân phối bình quân nữa mà cho phép một số người giàu lên trước; ai còn nghèo thì được giúp thoát nghèo). CNXH Phiên bản 3.0 : Giai đoạn Khá Giả. Sau năm 2002 GDP đầu người TQ đã khá cao, cần giải quyết vấn đề chênh lệch giàu nghèo và vấn đề nhà ở và giao thông công cộng. Khái niệm CNXH phiên bản 3.0 còn được Peter Martin và David Cohen nhắc tới trong bài Socialism 3.0 in China.

.
.
.

No comments: