Thursday, October 28, 2010

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (14)

Thiện Ý
28/10/2010 | 4:22 chiều

Trong bài “Về tác giả bài ‘Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ’“, nhà thơ Hoàng Hưng viết: “Một thời gian dài sau khi về hưu, Tống văn Công hầu như không xuất hiện trong đời sống báo chí, hoặc chỉ xuất hiện dưới bút danh nào đó với những bài vô thưởng vô phạt, dường như anh đã an phận thủ thường”. “Những bài vô thưởng vô phạt” mà Hoàng Hưng nói đến là bài bàn về tình yêu, hôn nhân, gia đình, viết chung với bút danh Chị Hạnh Dung trên báo Phụ Nữ và viết về văn hóa ẩm thực cho báo Sài Gòn Tiếp thị. Tức là những đề tài cách rất xa chính trị.
Cho tới năm 1980, tôi vẫn còn dùng tên thật làm bút danh, đến khi bài viết ca ngợi ông Võ Văn Kiệt xé rào bị chỉ trích về “ý thức hệ”, tôi bắt đầu dùng bút danh để không ai biết; khi đã có người biết, tôi lập tức đổi bút danh khác. Trong những ngày ấy, tôi rất đau lòng tự hỏi: Tại sao trên đất nước tự do mà tôi phải giấu mình khi lên tiếng những vấn đề lớn thuộc quốc kế dân sinh? Để vượt qua câu hỏi đó, tôi luôn bị “thổi còi”!
Cuối những năm 80, khi đã khá thân nhau, nhà văn Phạm Thị Hoài thổ lộ trước một vài bạn bè tâm huyết ở Hà Nội: “Hồi mới quen anh Công tôi thất vọng lắm, nghĩ thầm, bộ dạng cha này chắc chả dám làm gì!”. Tôi quý chị Hoài vì những ý tưởng mới mẻ, giọng văn có cá tính đang hiếm hoi, những trang viết cách tân, sự ứng xử đường hoàng trước quyền lực.
Sau khi về hưu, có thời gian chiêm nghiệm nhiều điều, nhưng tôi không viết ra. Anh Hoàng Hưng biết, hay nhắc, hỏi. Tôi không viết, nhưng đau lòng lắm, khi nghĩ rằng chế độ này có một phần bồi đắp, dù bé nhỏ của tôi! Tôi đâu có  tư cách  phê phán nó? Mới  đây, blogger Beo viết, nếu được cầm quyền tuyệt đối 24 giờ như talawas giả thiết thì chị sẽ ra duy nhất một sắc lệnh “cấm hưu trí phát ngôn” vì những lý do: “Lão hóa tư duy; Tiếp nhận thông tin gián tiếp; Nói lấy được, bất chấp hậu quả thời ông ta nắm quyền gây ra; Đạo đức giả; Cho mượn mồm; Bạn bè trẻ trung tân tiến Âu Mỹ đâu mà lại phải mượn trí khôn của những người già nua cũ kỹ?”
Tôi im lặng vì vẫn là một “ngu trung” và phần nào bởi tâm trạng lão suy, “Trong thầm lặng riêng sợ khi nhìn thấy cảnh vật đổi mới” (Nguyễn Du, trong “Xuân tiêu lữ thứ”) và có chút mặc cảm, e ngại bị những quy kết khi tuổi tác không cho mình có đủ sức chịu đựng. Chính talawas và tình bạn của Hoài là một chiếc cầu giúp tôi “vượt qua chính mình”. Tôi đã trút tâm sự của mình vào một số bài viết gửi talawas với bút danh mới Thiện Ý. Rồi bài “Đổi mới Đảng tránh nguy cơ sụp đổ”, tôi viết với cả tấm lòng của một kẻ thấy trách nhiệm của mình đối với quá khứ và chân thành mong muốn điều tốt đẹp sẽ đến trong tương lai. Tôi muốn Đảng mà tôi từng phục vụ trong những ngày đòi hỏi chỉ có hy sinh không chút tính toán cho riêng mình, trước hết là vì lý tưởng Độc lập, Tự do, Hạnh phúc và cả những ảo tưởng nhưng rất đẹp trong ước mơ trong sáng ngày ấy: Một xã hội không người bóc lột người! Đảng ấy ngày nay đang bị thách thức trước hai hiểm họa mà hình như nó đang thúc thủ: Ngoại xâm và nội xâm. Tôi muốn kêu lên tiếng nói cảnh báo, nhưng chỉ với  bút danh Thiện Ý, thanh minh cho hành động của mình rất khó được những người đương quyền chấp nhận.
Bản thảo lên mạng do “cướp cò”. Ngay hôm sau, đã có bài viết của một đồng chí, đồng nghiệp của tôi phản công dữ dội. Bài viết phê phán bài của tôi có tiêu đề “Mưu đồ thâm hiểm phía sau lời ‘góp ý’“. Tình huống này đặt cho tôi một lựa chọn: Im lặng sẽ tránh được đòn hiểm của đồng chí quy chụp mình là kẻ địch, nhưng như vậy là vô hiệu hóa bài viết, bởi ai tin được lời của một kẻ đang ở ngoài nước, rắp tâm với “âm mưu thâm hiểm”! Tôi đành quyết định phải bước ra ánh sáng, nhận mình là tác giả, sẵn sàng nhận hậu quả để bảo vệ những điều mà mình tin là chân lý. Bài viết hoàn chỉnh đăng trên talawas là chiếc cầu thứ hai mà  sau khi bước qua, tôi đã lột bỏ tấm ngụy trang cuối cùng, công khai chịu trách nhiệm niềm tin mới của mình, vận mệnh của dân tộc mình.
Nhờ talawas, tôi được nghe những lời khen chê thẳng thắn, chân tình của nhiều bạn bè quen biết và chưa quen biết, anh Hoàng Trường Sa, anh Tưởng Năng Tiến, nhạc sĩ Tô Hải, bác sĩ Phạm Hồng Sơn… rất bổ ích để tôi tiếp tục suy nghĩ. Cả những lời chỉ trích có tính “địch ta” của Chính Văn (dù đăng trên mạng khác, nhưng cũng khởi điểm từ bài của tôi đăng trên talawas) cũng là dịp để cọ xát, làm sáng tỏ thêm lẽ phải còn bị che khuất.
Phải từ giã talawas, tiếc thay! Nhưng tôi không thể tin sẽ đến một kết cục có chút gì tiêu cực đâu! Tôi vẫn cứ tin rằng, chỉ vài ngày tới đây thôi, ngày 3/11/2010, Ban Biên tập talawas và Phạm Thị Hoài sẽ vén bức màn bí mật, cho chúng ta thở phào nhẹ nhõm khi nhìn thấy con đường mới, bản thiết kế mới mời gọi tất cả bạn bè tâm huyết góp sức thi công.
© 2010 Tống Văn Công
© 2010 talawas
.
.
.
Nguyên Trường
28/10/2010 | 11:54 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo anh, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
3. Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Nguyên Trường

I. Theo tôi, Việt Nam hiện nay đang đối diện với MỘT vấn đề hệ trọng: Đảng Cộng sản. Mọi vấn đề khác (đạo đức suy đồi, giáo dục xuống cấp, tham nhũng tràn lan…) chỉ là hậu quả của vấn đề hệ trọng duy nhất nói trên mà thôi.

II. Tôi sẽ làm ngay hai việc sau đây:
1. Giải tán Đảng Cộng sản và xóa bỏ tất cả các biểu tượng của nó.
2. Ban bố một bản hiến pháp minh định rõ ràng rằng Việt Nam là nhà nước pháp quyền, dân chủ và đa nguyên; trong đó nhất định phải có hai điều kiện tiên quyết sau đây:
- Ở nước Việt Nam, sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất được coi là quyền tự nhiên, bất khả nhượng và được pháp luật bảo hộ. Mọi hành vi xâm phạm quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất đều phải bị truy tố trước pháp luật.
- Ở nước Việt Nam, quyền tự do ngôn luận, tự do thể hiện được coi là quan trọng hơn tất cả các chính phủ, quan trọng hơn tất cả các đảng phái; mọi hành vi xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do biểu hiện đều phải bị lên án một cách nghiêm khắc nhất.
Ban bố bản hiến pháp nói trên cũng có nghĩa giai đoạn nắm quyền tuyệt đối của tôi là giai đoạn cuối cùng, là dấu chấm hết cho mọi chính thể độc tài, toàn trị. Sau khi có bản hiến pháp như thế, bất cứ kẻ nào nói rằng hắn ta hay tổ chức của hắn ta chính là những người nắm được chân lí và có thể cầm quyền cho đến muôn đời sau đều sẽ bị nhân dân hất vào đống rác của lịch sử ngay lập tức.

III. Tôi rất bi quan về cộng nghiệp của người Việt Nam. Nói ra sợ làm nản lòng độc giả.
© 2010 Nguyên Trường
© 2010 talawas.
.
.
.
Trần Thị Trường
28/10/2010 | 9:43 sáng

talawas – Ngày 03/11/2010 sắp tới, talawas sẽ tròn 9 tuổi và xin nói lời chia tay độc giả. Chúng tôi sẽ nhìn lại chặng đường 9 năm qua và trình bày nguyên nhân kết thúc hoạt động. Nhân dịp này, chúng tôi cũng mời các cộng tác viên tham gia trả lời 3 câu hỏi của talawas sau đây:
1. Theo chị, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay là gì?
2. Nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chị sẽ làm gì?
3. Hình dung của chị về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030.
____________

Trần Thị Trường

I. Theo tôi, 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt nam hiện nay là:
1. Pháp quyền
Một bộ phận không nhỏ dân số vẫn duy trì mọi quan hệ và trật tự xã hội bằng bản năng chứ không bằng tư duy pháp luật. Mặc dù vẫn có khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” nhưng từ cơ quan công quyền đến công dân vẫn coi chuyện pháp luật là chuyện của toà án, của mấy ông luật sư và mấy kẻ tội phạm. Không coi luật pháp ra gì, có ý nghĩa như thế nào với đời sống cộng đồng và cá thể. Khi phạm luật hoặc là rất sợ luật pháp, chạy tội, chạy án bằng mọi giá, và vì thế nhiều khi các cơ quan công quyền càng coi việc người dân không hiểu luật pháp là điều kiện thuận lợi, là mảnh đất để “cây lộc” phát triển.
Khi không biết nghĩa vụ công dân bao gồm những gì, quyền lợi hợp pháp của mình là bao nhiêu thì người dân dễ hèn yếu. Khi không biết nghĩa vụ công chức là những gì, thì công chức dễ lạm quyền, đẻ ra tham nhũng, tham ô, quan tham và bệnh cửa quyền hay còn gọi là thủ pháp bịt miệng.
2. Văn hóa
Có người nói, cuộc Cải cách Ruộng đất là cú triệt tiêu các giá trị gia đình truyền thống hoàn hảo nhất trong lịch sử Việt thì song song với nó là các chuẩn giá trị bị đảo lộn. Kẻ ít học, ít kinh nghiệm nhưng nhờ sự ngu trung mà chiếm được các vị trí xung yếu khiến cho xã hội loạn chuẩn.
3. Giáo dục
Sự loạn chuẩn diễn ra ở diện rộng khiến cho mục tiêu giáo dục bị nhiễu. Từ đó các căn bệnh học chỉ để lấy bằng chứ không để lấy kiến thức, thậm chí mua bằng, làm bằng giả phát triển không có thuốc trị. Không có kiến thức thật không thể làm ra hiệu quả thật sẽ dẫn đến nhiều căn bệnh khác: nói dối, thành tích, bè phái, phá hoại, liều lĩnh…
4. Y tế
Nếu con người còn quá lo sợ khi phải đối mặt với các dịch vụ y tế, thì bản năng sống sẽ khiến cho con người ấy trở nên tham lam, giành giật một cách vô độ hơn. Với mức độ 3 đến 4 người trên 1 giường bệnh thì con người (cả thày thuốc lẫn bệnh nhân) đều khó có được một ứng xử văn hoá, chưa nói đến điều thiết yếu: bệnh viện phải là nơi an ủi nhất đối với các tâm hồn và thể xác lâm bệnh.
5. Tôi coi 4 vấn nạn trên đẻ ra nhiều vấn nạn khác và hầu như đều rất trầm trọng.

II.
Là một câu hỏi vui. Tôi cũng trả lời để mua vui thế này. Nếu có 24h cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam, tôi sẽ mời tất cả những ai đã có sẵn câu trả lời này trong đầu, viết ra trên blog, hay trên các trang mạng, ăn kem. Khi nhiệt cơ thể giảm xuống nửa độ, là lúc tôi sẽ hỏi: Nào, vì tổ quốc thân yêu của chúng ta, vì toàn thể người dân Việt Nam thân yêu của chúng ta (dù người đó có là một người hay phản biện) chúng ta sẽ mời ai làm tổng chỉ huy?

III. Tôi hy vọng Việt Nam 10 năm nữa sẽ có một phần tư công dân hiểu rằng trật tự xã hội không chỉ được duy trì bằng những hành động bản năng mà bằng đạo đức và trí tuệ, hay nói cách khác, được duy trì bằng đạo đức pháp luật. Mỗi người dân vừa thoải mái sống trong khuôn khổ pháp luật, với bộ luật được xây dựng trên nền tảng đạo đức văn hoá và mọi người bình đẳng trước bộ luật đó. 20 năm nữa, số người biết mình có quyền từ chối cái gì, hưởng cái gì và phải làm những gì để cái quyền của mình hài hoà với các quyền của người khác và của cộng đồng sẽ tăng lên một phần tư nữa. Điều đó đồng nghĩa với việc xã hội sẽ được ổn định một cách nền tảng, hiện tượng bịt miệng hay mượn mồm ít còn cơ hội xảy ra. Nhưng đó chỉ là hy vọng. Cái hy vọng này sẽ không có cơ hội thành hiện thực khi một trang mạng như talawas bỗng ngừng lại không hoạt động.
© 2010 Trần Thị Trường
© 2010 talawas
---------------------------------

TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (13)  -  Nguyễn Huệ chi – Nguyễn Lệ Uyên
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (12)  -  Lâm Hoàng Mạnh – Phạm Hồng Sơn – Ban Mai
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (11) -  Phong Uyên – Trần Trung Đạo
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (10) -  Song Chi – Lại Nguyên Ân – Trần Kiêm Đoàn
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (9)  -  Hà sĩ Phu – Khuất Đẩu
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (8)  -  Đinh Từ Thức – Nguyễn Trang Nhung
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (7)  -  Trần Vũ – Liêu Thái – Hồ Phú Bông
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (6)   -  Tống Văn Công – Lý Đợi
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (5)  -  Võ Thị Hảo – Nguyễn Chính – Nguyễn Thanh Giang
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (4)  - Trương Thái Du – Dương Tường
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (3)  - Hoàng Hưng – Tieu Dao Bảo Cự
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (2)  - Dương Danh Huy – Bùi Tín – Lê Anh Hoài
TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA TALAWAS (1)   -  Phạm Toàn – Nguyễn Viện
.
.
.

No comments:

Post a Comment