Wednesday, March 30, 2011

XIN LỖI CHO PHẢI PHÉP (Ngân Hà, SGTT)

Ngân Hà  -  SGTT
Ngày 30.03.2011, 15:33 (GMT+7)

SGTT.VN - Câu chuyện về Thiều Hà Quang Nghĩa với bộ phim “Đường Kiến” đoạt giải Cánh diều bạc 2010 (không có giải vàng), theo như lời Nghĩa là đã lấy ý tưởng từ một truyện ngắn của nhà văn Kinh Dương Vương viết cách đây vài chục năm chứ không phải chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên. Chuyện tưởng đã kết thúc sau bức thư xin lỗi của cậu thanh niên chưa tốt nghiệp trường Đại học cùng với sự tha thứ của tác giả đăng tải trên báo chí mấy ngày gần đây.

Nhưng dư luận vẫn đặt câu hỏi, giả như nếu bạn bè của tác giả không phát hiện, không lên tiếng thì cậu ta có quyết tâm đi tìm tác giả để ghi tên tác giả truyện ngắn rõ ràng vào bộ phim của mình và xin chia tiền thưởng không?

Có người cho rằng biết xin lỗi là có văn hóa. Nhưng cũng ý kiến cho rằng, không hẳn cứ ‘thuổng” của người khác, đến khi bị phát hiện, nói một câu xin lỗi là xí xóa. Người tử tế khi lấy của ai, phải đi tìm chủ và mượn đàng hoàng, người ta cho rồi mới lấy. Không thể thấy vật ấy đang nằm đó, hay hay, rất muốn nhưng ngó dáo dác không thấy chủ đâu, lấy đại rồi sau đó tính. Chủ quên thì thôi, chủ biết thì xin lỗi, có chết ai.

Nhà văn Kinh Dương Vương tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh, sau này giới văn nghệ biết đến anh nhiều hơn vì anh trở thành một họa sĩ khá nổi tiếng ký tên Rừng.
Nhân dịp anh về Việt Nam cách đây hai ngày, PV báo SGTT hỏi anh về chuyện này, anh đã trả lời thêm một lần nữa về sự thông cảm của mình, nhưng sau đó anh cũng nói rõ quan điểm của mình: “Nghĩa không thể nói là anh chỉ lấy ý tưởng từ truyện ngắn mà chính xác phải là chuyển thể truyện Đường kiến thành phim, chứ không chỉ là ý tưởng nữa. Chỉ khác là anh đổi nhân vật người lính miền Nam thành lính Mỹ. Sự thay đổi thoạt nhìn không quan trọng, nhưng anh đã thay đổi ý tưởng của tác giả. Những chuyện như vậy phải được sáng tỏ hẳn. Nếu để nguyên, phim chưa chắc qua cửa kiểm duyệt.
Tôi thông cảm được với hai bạn trẻ nhưng về mặt lý phải xem lại. Ban giám khảo không để ý truyện phim có nguồn gốc từ đâu, có lẽ do bận bịu quá. Nhưng khi đã trao giải thì phải biết nó từ đâu mà ra. Đó là một thiếu sót. Tinh thần của tôi là dĩ hòa vi quý. Nhưng Nghĩa và Hoàng phải đối phó với công luận, về mặt này tôi không xía vào được.
Nghĩa đã viết thư xin lỗi tôi nhiều lần. Anh rất có thiện chí. Nhưng phải nhận thức rõ sai sót của mình.
Nghĩa nói muốn chia sẻ với tôi khoản tiền thưởng. Nhưng tôi không nhận, bởi tôi thấy chỉ cần Nghĩa và Hoàng đã rút ra bài học cho mình sau này thôi. Tôi cũng thấy vui vì thế hệ trẻ tìm thấy được ý nghĩa của một câu chuyện mà tôi đã viết ra từ cách đây 42 năm trong thời chiến tranh”.

Thiều Hà Quang Nghĩa sinh năm 1984, hiện là sinh viên khoa Đạo diễn Điện ảnh khóa 27 của Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. Trong bức thư Nghĩa gởi cho tác giả có đoạn: “Cháu xin lỗi vì bác đã không biết rằng bọn cháu vì yêu mến ý tưởng này mà làm thành một phim ngắn, đây thực sự là thiếu sót của chúng cháu”. Điều này có nghĩa là Nghĩa vẫn khẳng định chỉ là lấy ý tưởng chứ không phải là lấy nguyên cốt truyện chuyển thể thành phim. Khi chính cậu chưa nhận ra chân sự thật thì lời xin lỗi của cậu học trò này vẫn chỉ là… phép xã giao cho nó phải phép, chứ không hề thật sự thấy lỗ hổng từ chính sự thiếu tôn trọng tác giả, thiếu cả sự hiểu biết về pháp luật (ở đây là quyền tác giả).

Như vậy đã rõ, chỉ thấy tiếc cho người bạn trẻ sắp trở thành một đạo diễn điện ảnh, một nghệ sĩ của công chúng, nếu bắt đầu sự nghiệp bằng một việc làm tử tế hơn là sự toan tính, kiểu lập lờ đánh lận con đen như thế sẽ tốt hơn cho anh rất nhiều nếu tác phẩm đầu tay của mình không tỳ vết.

Thiết nghĩ, lẽ ra chính Hội điện ảnh Việt Nam cũng phải lên tiếng chính thức về vấn đề này như một lẽ công bằng cho tác giả và cho chính uy tín của giải thưởng.

Ngân Hà

--------------------------------------








.
.
.

No comments:

Post a Comment