Nguyễn Trương Quý
10:54 | Thứ
tư, 22/06/2022
https://nguoidothi.net.vn/cua-o-dem-tan-dan-loi-35151.html
Người
nào đến Hà Nội sau khi đi một vòng, nhẩm tính cũng biết thành phố có nhiều hơn
5 cửa ô và điều này gây thắc mắc cho họ khi họ đã quen với câu hát “Năm cửa ô
đón mừng đoàn quân tiến về” trong bài Tiến về Hà Nội của Văn Cao. Sự thực
là Hà Nội có khá nhiều cửa ô trong quá khứ, nhưng rút cục con số 5 vẫn trở
thành một số đếm mang tính quy ước, giống như “36 phố phường”, những con số được
biểu tượng hóa để thành biểu tượng của Hà Nội.
·
Tiếng
trống vang từ chân cổ lũy
Biến chúng
thành biểu tượng chính là nhờ cách kể chuyện của các sản phẩm truyền thông văn
hóa trong thời cận đại như bài hát nói trên, cho dù là một bài hát tuyên truyền
có màu sắc lãng mạn. Từ khung cảnh trùng điệp “lớp lớp đoàn quân tiến về” được
vẽ nên, cửa ô đã trở thành một khải hoàn môn.
Bản thân cửa
ô không phải là những công trình kiến trúc đặc sắc hay tráng lệ về kiến trúc.
Chúng chỉ trở nên đáng chú ý khi người Pháp xem xét dưới nhãn quan di sản, mà họ
cũng làm việc đó khá muộn mằn như đối với thành cổ Hà Nội. Họ đã trót phá đi phần
lớn khi quy hoạch một thành phố hiện đại, để rồi như vị toàn quyền Paul Doumer
đã tiếc rẻ: “Tôi đã đến quá muộn”.
Cửa ô Hà Nội
tương ứng với khái niệm cổng thành phố (city gate) ở nhiều nơi trên thế giới,
là di sản của một thời đại các đô thị thường có các vòng thành mang chức năng
phòng thủ. Khi người Pháp bắt đầu xây dựng thành phố Hà Nội, họ đã nhiều lần nhắc
đến bức lũy Đại La xây năm 1749 để xác định làm giới hạn quy ước của đô thị Hà
Nội. Lá thư của Thống sứ Bắc kỳ gửi Đốc lý Hà Nội ngày 30.12.1889 đã nhấn mạnh:
“Bức lũy cũ phải được coi như giới hạn của thành phố”.
Dãy lũy đất
xen kẽ xây gạch này có tên gọi là “la thành” (nghĩa là vòng thành bao ngoài),
tương ứng với đường vành đai I ngày nay - chúng cũng là những con đê cao
hơn phố xung quanh, nhưng nay đã bị bạt đi khá nhiều: Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt,
La Thành, Giảng Võ, Ngọc Hà, Hoàng Hoa Thám… tổng cộng dài 16km. Chiều dài này
có thể hơn nếu tính phần đường Bưởi mà một số nghiên cứu cho rằng là la thành từ
trước đó.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/00432190-9dd1-4239-b487-483ba663b2dc.jpg
Ô Cựu
Lâu (Tây Luông) năm 1873, trong cuốn Hà Nội giai đoạn 1873-1888 của André Masson. Nay ở
vị trí quảng trường trước cửa Nhà hát Lớn.
Các cửa ô
qua dãy lũy này đã có một vai trò quan trọng để các nhà quy hoạch xác định hướng
giao thông chính và vùng dân cư, đồng thời chúng trở thành nét đặc trưng còn lại
của Hà Nội thời trước khi người Pháp chiếm đóng. Khu vực địa lý mang tên “Hà Nội
gốc” đã được khoanh vùng chủ yếu trong phạm vi các cửa ô. Từ khu vực địa lý, chẳng
mấy chốc đã biến thành khu vực văn hóa thị dân Hà thành, thứ phân biệt với các
vùng quê mùa xung quanh.
Có nhiều
đô thị ở nước ta có thành quách, thậm chí cũng có vòng la thành với các cổng
vào, nhưng chỉ Hà Nội mới gọi là cửa ô, hoặc thậm chí, từ cửa ô đã được dùng
luôn để gọi các cửa ngõ vào các thành phố khác, kể cả nước ngoài như trên các mặt
báo thời thuộc Pháp. Tên gọi “ngoại ô” cũng được mượn từ chính sự phân vị này
(Người Trung Quốc dùng một tên gọi khác: “giao khu”, nghĩa là khu vực bên ngoài
thành, người Việt cũng có tên gọi nữa tương đương là “ngoại thành”).
Tuy nhiên,
dường như tên gọi “cửa ô” mới chỉ được dùng từ sau khi chúa Trịnh Doanh đắp lại
vòng tường thành năm 1749, trên cơ sở bức tường lũy thời Mạc.
Một số văn
bản chữ Hán đã dùng từ “ổ môn” (塢門)
để gọi các cửa ô, với chữ “ổ” nghĩa là lũy, ụ. Các văn bản địa chí chính thức
nói đến cửa ô như Bắc thành dư địa chí do tổng trấn Lê Chất tổ
chức biên soạn dưới thời Minh Mạng. Sau đó, các cuốn Hà Nội địa dư (Dương
Bá Cung, 1851, soạn theo sắc chỉ của Tự Đức), Phương Đình dư địa
chí loại (Nguyễn Văn Siêu và Bùi Ngọc Quỹ, 1882, khắc in năm
1900), Thăng Long cổ tích khảo tịnh hội đồ (Đặng Xuân Khanh
biên soạn, EFEO 1956) đều xác định có 21 cửa ô: “Đến năm Kỷ Tỵ [1749] đời Cảnh
Hưng, cho rằng Kinh sư vốn là vùng đất căn bản, bá quan lục quân đều đóng ở đấy,
thế mà bốn phía hở thông thống chẳng có thành lũy gì che chắn, bèn lệnh cho dân
ở các huyện ven kinh kỳ khởi công đắp thành... Nay thành ấy còn lại di chỉ dài
7.762 tầm, với 21 cửa ô” (Dương Bá Cung, Hà Nội địa dư, tuyển
tập địa chí Thăng Long - Hà Nội).
Cho đến giờ,
chúng ta cũng chỉ biết tên 18 cửa ô, trong đó một cửa ô không biết vị trí. Bản
đồ các năm 1873, 1885 diễn họa khá chi tiết hình thức các cửa ô. Cùng với đó, một
số bức ký họa hay ảnh chụp đã kịp ghi lại cho ta hình dung được quy mô thực của
các cửa ô, cơ bản có hai loại: loại có cửa vòm và lầu gác bên trên (có thể xây
thành lối tam quan như Ô Quan Chưởng), và loại chỉ có hai trụ biểu cùng hai
cánh cổng gỗ mở vào.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b21cb7d9-d48f-49bd-b27a-0f304969dd97.jpg
Sơ đồ
các cửa ô trên cơ sở bản đồ Hà Nội 1831, theo Trần Huy Bá.
Tất nhiên
bằng chứng xác đáng nhất còn lại ngày nay là di tích Ô Quan Chưởng với biển đề
chữ Hán “Đông Hà môn”. Cửa ô này được xây năm 1817 trên nền đình Thanh Hà được
di dời. Những cửa ô khác chỉ tồn tại đến thập niên cuối cùng của thế kỷ XIX,
như Ô Cựu Lâu bị phá năm 1886 khi mở trục đường rải đá đầu tiên của Hà Nội là
Hàng Khảm (Tràng Tiền - Hàng Khay) và Ô Cầu Dền bị phá vào tháng 9.1895 là cửa
ô tồn tại sau cùng ngoài Ô Quan Chưởng. Những cửa ô trên những bức ảnh ở tình
trạng không được chăm sóc, chỉ còn là bằng chứng của một quá khứ suy tàn.
Đó là những
thông tin có tính khảo cứu về mặt số liệu và hình thái vật chất của cửa ô. Vậy
từ lúc nào con số 21 hay 18, lại chỉ còn là 5?
Ý niệm số
đếm tương ứng phương vị của địa lý nằm trong văn hóa trọng các tập hợp hệ thống
của người Á Đông và người Việt cũng không phải ngoại lệ. Con số “Hà Nội băm sáu
phố phường” là một tiêu biểu, vốn dĩ có thực để chỉ số phường của Thăng Long -
Hà Nội qua nhiều thời kỳ, song trải rộng trên một diện tích rất rộng, đến thời
cận đại đã được mượn để chỉ một sự ước định: “rủ nhau chơi khắp Long thành, ba
mươi sáu phố rành rành chẳng sai”, chủ yếu là những phố tên Hàng trong khu vực
phố buôn bán hình tam giác kẹp giữa sông Hồng và thành cổ Hà Nội, nằm ở phía Bắc
Hồ Gươm ngày nay.
Thực tế có
đến hơn 70 phố từng có tên loại này, nhưng con số 36 được chọn có lẽ vì được xếp
vào loại số đẹp trong lĩnh vực dịch học, liên quan những sự phân loại vừa thực
tế vừa huyền hoặc.
Về mặt
phương vị thời Nguyễn, Hà Nội ở vào trung tâm khu vực đồng bằng và bán sơn địa
Bắc bộ, với mặt phía Bắc và Đông giáp với sông Hồng tiếp nối đi lên Kinh Bắc tới
tận Ải Nam Quan và về miền Hải Phòng - Quảng Yên, mặt phía Nam là con đường
thiên lý xuyên Việt, mặt phía Tây Bắc đi lên miền Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên
Quang (“Sơn Hưng Tuyên”), mặt phía Tây Nam đi về Hòa Bình - Sơn La, lên Tây Bắc
và sang Lào. Sự phân bố này dựa trên hệ thống “tứ trấn” thời Lê, tạo ra hình
thái năm ngả đường, và đây cũng là cơ sở cho những sự phát triển giao thông thời
thuộc địa. Nhưng để thực sự hình thành một con số 5 thì cần một yếu tố thị giác
rõ ràng.
Các thi sĩ
và nhạc sĩ của cuộc Cách mạng tháng Tám đã nhìn thấy và tìm thấy cảm hứng từ
ngôi sao vàng năm cánh trên lá quốc kỳ, vốn được diễn giải là đại diện cho năm
tầng lớp sĩ, nông, công, thương, binh. Với vị thế “cố đô rồi lại tân đô/ nghìn
năm văn vật bây giờ là đây” như lời một bài ca dao tân thời, họ đã dùng thủ
pháp chập hình ảnh trên tấm bản đồ Hà Nội như một bài hát hồi tưởng ngày độc lập
đã viết: “Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô” (Ba
Đình nắng - Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch, 1947). Hình ảnh này đã nhấn
mạnh tính chất quy tâm của Hà Nội như một ý niệm chính trị, văn hóa, mặt khác
“ngôi sao - năm cửa ô” tạo ra một truyền thống mới về khắc họa tư duy sử thi cho
nơi chốn, mà các cuộc kháng chiến sau đó bồi đắp tiếp.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b0455f77-bb1b-4f82-a11b-285bbad1cf3d.jpg
Bìa bản
nhạc Ba Đình nắng (Bùi
Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Địch),
Không phải
duy nhất và sớm nhất viết về biểu tượng này, nhưng bài ca Tiến về Hà Nội của
Văn Cao viết năm 1949 có vị thế phổ biến giúp cho cảm nhận về “năm cửa đón mừng
đoàn quân tiến về, như đài hoa đón chào nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm
long lanh”, có lẽ nhờ vai trò tác giả hàng đầu của tân nhạc thời độc lập. Điều
lý thú là những người đầu tiên nghe Văn Cao hát bài này ở chiến khu lại là hai
họa sĩ, Tạ Tỵ và Bùi Xuân Phái.
Nếu Bùi
Xuân Phái suốt đời sẽ thành danh với danh xưng “phố Phái” thì Tạ Tỵ mang một nỗi
hoài niệm về khi ông không đứng cùng đoàn quân tiến về Hà Nội cùng Văn Cao, mà ở
vị thế cách biệt trùng trùng khi đã di cư vào Nam, như những câu thơ ông viết
năm 1955:
Tôi đứng
bên này vĩ tuyến
Thương
về năm cửa ô xưa
Quan
Chưởng đêm tàn dẫn lối
Đê cao
hun hút chợ Dừa
Cầu Dền
mưa dầm lầy lội
Gió về
đã buốt lòng chưa?
Yên Phụ
đôi bờ sóng vỗ
Nhị Hà
lấp lánh sao thưa
Cầu Giấy
đường hoa phượng vĩ
Nhớ
nhung biết mấy cho vừa…
Cửa ô
ơi, cửa ô
Năm ngả
đường đất nước
Trôi từ
vạn nẻo sông hồ
Nắng
mưa bốn hướng đổ vào lòng Hà Nội
Gục đầu
nhớ tiếng võng đưa!…
(Thương
về năm cửa ô xưa, trích - Tạ Tỵ, 1955)
Bản thân
cuộc “tiến về Hà Nội” đã diễn ra đúng như lời ca của Văn Cao: “Các đơn vị chủ lực
của quân đội nhân dân ở đường đê La Thành từ 3 giờ chiều hôm qua, đã chia làm
nhiều cánh tiến vào 5 cửa ô chính rồi tỏa ra các khu” (“Ngày 9.10.1954, Quân đội
Nhân dân Việt Nam đã tiếp thu hoàn toàn Thủ đô Hà Nội”, Nhân dân 11.10.1954).
Ở đây bài báo đã nhắc đến “5 cửa ô chính”, nghĩa là có những cửa ô phụ khác.
Nhưng lùi
lại thời điểm 1949, bài hát của Văn Cao gặp một số ý kiến phê bình khi ông bị
cho là “lạc quan tếu” khi vẽ ra viễn cảnh khải hoàn quá sớm trong lúc cuộc
kháng chiến hãy còn trong giai đoạn cầm cự. Cụm từ “lạc quan tếu” mặc dù khá
sáo mòn nhưng có lẽ những người phê bình Văn Cao cảm thấy không an tâm với sự
lãng mạn của lời ca về mong ước “chúng ta ươm lại hoa, sắc hương phai ngày xa,
ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu”.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/357fa9eb-f0ef-4ef4-af7d-59003329ee07.jpg
Bìa bản
nhạc Tiến về Hà
Nội (Văn Cao).
Nỗi hoài
niệm bị coi là tiểu tư sản này chẳng có gì khác với người nông dân “làng tôi
theo đoàn quân chiến thắng, đánh tan lũ quân thù, về làng xưa” với tiếng chuông
nhà thờ xưa lại ngân trong bài hát Làng tôi của chính Văn Cao.
Những từ “xưa” này xem ra nguy hiểm bởi man mác một ký ức chẳng có điểm dừng,
mà Tạ Tỵ cũng dùng để gọi - Thương về năm cửa ô xưa.
Ở trong
bài thơ của Tạ Tỵ, ông liệt kê tên 5 cửa ô: Quan Chưởng, Chợ Dừa, Cầu Dền, Yên
Phụ, Cầu Giấy. Vì sao là 5 cửa ô này mà không có những cửa ô Đồng Lầm, Đống
Mác, Cựu Lâu, Thụy Chương,… những cái tên vẫn còn tồn tại đến lúc ấy? Một lý do
có thể giải thích là 5 cửa ô trên là những cửa ô còn lại dấu tích hoặc bị phá
sau cùng, kịp để lại ký ức về hình dáng trong cộng đồng, cũng như chúng nằm
trên những tuyến đường chính đi các ngả quanh Hà Nội.
Các cửa ô
mà Tạ Tỵ gọi tên được bố trí cân xứng như hình một ngôi sao năm cánh trên bản đồ,
chính là năm hướng của thời “xưa”: Yên Phụ phía Bắc, Cầu Giấy phía Tây, Quan
Chưởng phía Đông, Chợ Dừa - Tây Nam và Cầu Dền - Đông Nam. Dẫu Tạ Tỵ không nói
đến hình ảnh ngôi sao nào, nhưng sự định vị năm nẻo đường từ Hà Nội tỏa đi là một
gợi nhớ bố cục không gian trong bài ca của Văn Cao. Bài thơ này cũng được một
nhạc sĩ di cư là Y Vân phổ nhạc, và năm cửa ô còn xuất hiện trong bài hát Mưa
Sài Gòn, mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương với ca từ của Hoàng Anh Tuấn,
đều là những người đã bỏ lại Hà Nội sau lưng.
Nhưng cũng
như vai trò nguyên thủy của chúng là những cánh cổng ra vào thành phố, năm cửa
ô dẫn đến năm ngả đường đất nước, nhưng cũng chính thức đóng khung Hà Nội trong
một phạm vi. Cửa ô là chỉ dấu của giới hạn, của một trạng thái ngăn cách, và có
hàm ý đóng. Một lý giải khác cho con số năm có thể tìm thấy ở sự phân bố các
tuyến tàu điện lập từ thời Pháp, tỏa đi 5 ngả trước khi hoàn thành tuyến cuối
cùng vào năm 1943. Sự giản lược thành năm cửa ô giúp cho tính biểu tượng dễ nhập
tâm hơn nhiều so với 21 hay 18. Con số năm đã thành số đếm hợp lý.
Những lời
thơ hay bài ca chung đúc một cảm thức không gian Hà Nội đã láy lại hình tượng
năm cửa ô nhiều lần, đến độ tựa như một mỹ danh tuyên truyền: “Ta còn em năm cửa
ô năm cửa gió” (Em ơi Hà Nội phố, thơ Phan Vũ), “Đường lộng gió thênh
thang năm cửa ô” (Hà Nội niềm tin và hy vọng, nhạc Phan Nhân), “Hà Nội
ngàn xưa, năm cửa ô mỗi ngày thêm mới” (Tình yêu Hà Nội, nhạc Hoàng
Vân).
Thậm chí
hình tượng này còn được dùng cho một thành phố khác là Hải Phòng qua câu thơ của
Tố Hữu, với tư cách Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng vào năm 1984: “Bốn cống ba
cầu năm cửa ô/ Đào kênh lấn biển mở cơ đồ/ Làm ăn hai chữ à ra thế!”. Những câu
thơ dạng tứ tuyệt bị bỏ lửng câu cuối này có một hậu chuyện về cuộc thi viết nối
tiếp thơ để cổ vũ sự phát triển của thành phố. Nhưng ở đây, Hải Phòng không tồn
tại một di tích la thành nào để có những cửa ô thực sự như câu thơ ban đầu của
Tố Hữu.
https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/c424d47f-95a9-4ff0-a56b-1ce0fc915831.jpg
Ô Quan
Chưởng - tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Bỉnh Sơn.
Một nhà
thơ khác, Trần Dần, người có một số phận ngược chiều với Tố Hữu trong thời kỳ Nhân
văn Giai phẩm, gọi ngả vào thành phố quê hương Nam Định của mình là “cổng tỉnh”
như tên một tập tiểu thuyết bằng thơ dài khởi thảo từ năm 1959. Nam Định là nơi
có dấu tích tòa thành thời Nguyễn cùng khu phố cổ cũng có những cái tên giống
Hà Nội như Hàng Đồng, Hàng Nâu, Hàng Giấy, nhưng Trần Dần dùng một cách gọi
bình dân để làm thành nhãn tự của ông.
Nhưng cũng
như những tên gọi phố Hàng có ở Nam Định, rút cục người ta nghĩ ngay đến những
phố cổ hay những cửa ô của Hà thành, thứ đã có một đời sống kinh tế và văn hóa
quy mô tập trung hơn. Ngay bản thân những phố Hàng của Hà Nội cũng nhiều hơn
con số 36, tương tự là số cửa ô nhiều hơn 5, song nhu cầu tạo dựng biểu tượng
đã tạo ra chúng.
Năm cửa ô
hay nhiều hơn thế, ngày nay đã nằm lọt giữa một vùng đô thị rộng lớn của Hà Nội
thế kỷ XXI. Chúng chỉ còn lại những cái tên được dùng lại ở một vài tuyến phố
hay tên phường hành chính làm kỷ niệm, ngoại trừ Ô Quan Chưởng mỗi ngày một bé
nhỏ giữa những ngôi nhà nhiều tầng xung quanh. Nhưng chẳng phải ở đất này, những
cái bé nhỏ lại là thứ khiến chúng được đồng cảm đó sao: “Tôi bồi hồi khi chạm
bóng cửa ô, như ngày xưa chạm vai gầy áo mẹ” (nhạc Phú Quang, thơ Thanh Tùng)?
Chúng còn sống là nhờ những ký ức được đọc lên, hát lên, tạo ra sự giằng néo của
người hôm nay với nơi chốn định hình họ.
Nguyễn
Trương Quý
(*) Bài
viết có tham khảo thông tin tư liệu của nhà nghiên cứu Hán Nôm Quách Hiền
·
Ngã
tư dặt dìu cung bậc âm dương
·
“Ánh
nê-ông pha biếc buổi chiều...”
·
“Cuộc diễn
ca của tương lai”
·
Nguyễn
Trương Quý: Hình dung một chiếc thắt lưng xanh...
No comments:
Post a Comment