Saturday, February 19, 2022

RỘ THÔNG TIN ỨNG VIÊN XÉT GS.PGS 2021 ĐĂNG BÀI TRÊN TẠP CHÍ GIẢ MẠO (Thanh Niên Online)

 



Rộ thông tin ứng viên xét GS, PGS 2021 đăng bài trên tạp chí giả mạo

Quý Hiên  -  Thanh Niên Online

07:15 - 18/02/2022

https://thanhnien.vn/ro-thong-tin-ung-vien-xet-gs-pgs-2021-dang-bai-tren-tap-chi-gia-mao-post1430453.html

 

Nhiều ứng viên được đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS nhưng giới khoa học cho là không xứng đáng, thậm chí còn đăng cả loạt bài trên tạp chí giả mạo.

 

Hội đồng Giáo sư nhà nước công bố danh sách ứng viên được hội đồng ngành, liên ngành đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS. Trong đó, có nhiều ứng viên được giới khoa học cho là không xứng đáng, thậm chí còn đăng cả loạt bài trên tạp chí giả mạo.

 

Đề nghị rà soát lại việc xét GS, PGS

 

Sau khi Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐ GSNN) công bố danh sách ứng viên được hội đồng ngành, liên ngành đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS; GS Ngô Việt Trung, thành viên HĐ ngành toán học, HĐ GSNN, đã lên tiếng trên nhiều diễn đàn, đồng thời gửi thư đề nghị HĐ GSNN cho rà soát lại việc xét công nhận GS, PGS ở các HĐ ngành, không chỉ bởi chất lượng công bố quốc tế của một số ứng viên “có vấn đề” mà còn có biểu hiện vi phạm liêm chính khoa học ở nhiều ứng viên.

 

https://image.thanhnien.vn/w2048/Uploaded/2022/wsxrxqeiod/2022_02_18/ro-thong-tin-7576.jpg

Tạp chí Turcomat gốc (trái) tại địa chỉ https://dergipark.org.tr/en/pub/turkbilmat và tạp chí mạo danh (phải) tại địa chỉ https://turcomat.org.  DƯƠNG TÚ

 

Một ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng trên được GS Ngô Việt Trung nêu đích danh là ông Ng.M.T, ứng viên GS Hội đồng liên ngành triết học - chính trị học - xã hội học. Theo GS Trung, ứng viên này đã công bố công trình của mình trên các tạp chí quốc tế mạo danh. Chẳng hạn, ông Ng.M.T có công trình “Preventing and Combating Political Opportunists in Vietnam Today” (Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay) đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Giáo dục toán học và máy tính Thổ Nhĩ Kỳ) 12, no. 10 (2021), viết tắt là Turcomat. Kiểm tra sơ bộ cho thấy HĐ biên tập tạp chí này chỉ có 4 người, đứng đầu là TS Đinh Trần Ngọc Huy (tự xưng là GS về ngân hàng và tài chính ở TP.HCM), 3 người còn lại có chuyên môn kỹ thuật hoặc tài chính, không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính, và tất cả đều không làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nêu thêm một số yếu tố có tính chuyên môn khác nữa, GS Ngô Việt Trung khẳng định: “Rõ ràng đây là một tạp chí mạo danh”.

 

Hoặc với một công trình khác, ông Ng.M.T đăng trong tạp chí PalArch về khảo cổ học ở Ai Cập và Ai Cập học, một tạp chí có tổng biên tập và phó tổng biên tập đều là người Thái Lan, một người có chuyên môn về quản trị kinh doanh, người kia về hành chính công (và ghi địa chỉ làm việc ở Trường ĐH D.T). Toàn bộ các bài báo của số báo mà ứng viên Ng.M.T đăng bài không liên quan gì đến khảo cổ. Dựa vào các dữ liệu này, GS Ngô Việt Trung khẳng định đó là một tạp chí mạo danh. Ngoài ra, ứng viên Ng.M.T còn đăng bài trên một số tạp chí “quốc tế” có nguồn gốc không rõ ràng và không có ban biên tập.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, TS Dương Tú, ĐH Purdue (Mỹ), cho rằng GS Ngô Việt Trung gọi các tạp chí trên mạo danh là chính xác. Chẳng hạn Turcomat là một tạp chí đã giả mạo tên, mã ISSN và toàn bộ thông tin nhận diện của một tạp chí khác. Tạp chí gốc vốn được xuất bản trên DergiPark, một nền tảng chung của nhiều tạp chí ở Thổ Nhĩ Kỳ, tại địa chỉ https://dergipark.org.tr/en/pub/turkbilmat. Tạp chí này do Karadeniz Technical University (KTU), một ĐH công của Thổ Nhĩ Kỳ, xuất bản từ năm 2009. Đến năm 2018, Turcomat lần đầu tiên lọt vào danh mục Scopus, nhưng chỉ 2 năm sau đó nó đã bị loại với lý do quan ngại về hành vi xuất bản bất thường. Sau đó, KTU đã quyết định chấm dứt hoạt động của tạp chí này. Ngày 25.12.2020, một kẻ nào đó đã nhanh tay đăng ký tên miền turcomat.org và mạo danh tạp chí của KTU đã ngừng hoạt động để bắt đầu trò lừa đảo.

 

                                                             *

 

Hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí giả mạo, phi pháp

 

Theo ông Phạm Văn Thịnh, cán bộ Trường ĐH Thủ Dầu Một, do đặc thù công việc của mình (kiểm tra hoạt động xuất bản bài báo khoa học của các cán bộ, giảng viên trong đơn vị), ông đã phát hiện việc hàng loạt nhà khoa học VN đăng bài ở các tạp chí mạo danh để có thành tích công bố quốc tế khi làm hồ sơ xét GS, PGS, phổ biến là các ngành trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn. Ông đã lên tiếng ở một số diễn đàn về hiện tượng này liên quan tới đợt xét GS, PGS năm ngoái nhưng không được chú ý.

 

Năm nay, khi HĐ GSNN công bố danh sách ứng viên được các HĐ GS cơ sở đưa lên, ông đã lên diễn đàn Liêm chính khoa học kêu gọi nhà nước ngừng ngay việc xét GS, PGS năm 2021 với lý do “hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài được kê khai trong hồ sơ ứng viên chức danh GS, PGS năm 2021”.

 

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Thịnh cho biết số lượng bài báo đăng ở các tạp chí phi pháp, giả mạo ở nước ngoài trong hồ sơ ứng viên năm 2021 tăng phi mã so với hồ sơ ứng viên năm 2020. Nếu như với đợt xét năm 2020, bài báo giả mạo và phi pháp chủ yếu có trong hồ sơ ứng viên ở các HĐ triết học - chính trị học, giáo dục học, thì năm 2021 đã “lan tỏa” nhiều ngành như tâm lý học, luật học, y dược, kinh tế… (dù các ngành triết học, chính trị vẫn chiếm ưu thế). “HĐ GSNN “đá bóng” cho HĐ ngành và HĐ cơ sở về đảm bảo chất lượng bài báo và tạp chí nhưng không có hướng dẫn và tiêu chí cụ thể. HĐ ngành và HĐ cơ sở không đủ năng lực kiểm tra, phát hiện các tạp chí bất hợp pháp, giả mạo và “đá bóng” cho HĐ GSNN với lý do là chưa có khuyến cáo gì về việc xem xét các tạp chí bất hợp pháp, giả mạo này”, theo ông Thịnh. (còn tiếp)

 

                                                                   *

 

Đăng bài trên những tạp chí mà không biết nhiều về nó !?

 

Trả lời phóng viên Báo Thanh Niên, ứng viên Ng.M.T (hiện là PGS ngành chính trị học) nói: “Tôi là ứng viên làm hồ sơ đề nghị được xét GS là như vậy, còn HĐ chọn bài nào và đánh giá ra sao với từng bài đó là quyền của HĐ. Còn HĐ chọn thế nào, đánh giá ra sao thì HĐ sẽ có trách nhiệm trả lời trước các cơ quan chức năng; báo chí muốn tìm hiểu thì phải tìm đúng nơi có thẩm quyền kết luận. Việc mạng xã hội nói này nói kia, đó là họ nói, còn tôi chỉ trông chờ vào việc làm rõ của cơ quan nhà nước; nếu được thì tốt, còn nếu không được tính thì sẽ bị loại ra”.

 

Khi được hỏi có biết đấy là những tạp chí giả mạo không, ông Ng.M.T trả lời: “Tôi không biết. Nếu biết thì tôi gửi bài cho họ làm gì!”. Rồi ông Ng.M.T nói: “Quan trọng là bây giờ cần có một cơ quan nhà nước đứng ra để cho biết tạp chí nào được, tạp chí nào không được để anh em còn biết đường. Năm đầu tiên tôi làm hồ sơ xét GS nên cũng phải tự lọ mọ thực hiện nên cũng không tránh khỏi cái việc mình đăng bài trên những tạp chí mà mình không biết nhiều về nó! Nên tôi nghĩ nếu tôi được cũng tốt, mà không được cũng tốt, không sao cả. Tôi chỉ là ứng viên, còn HĐ đánh giá, cái nào được cái nào không thì người ta phải có trách nhiệm trước nhà nước, trước xã hội”.

 

                                                                     *

 

7/8 bài báo đăng ở tạp chí hoạt động phi pháp

 

Ông Phạm Văn Thịnh khẳng định trong 8 bài báo quốc tế uy tín mà ứng viên Ng.M.T kê khai trong hồ sơ thì có 7 bài đăng ở các tạp chí hoạt động phi pháp, giả mạo ở nước ngoài.

 

Ngoài tạp chí Turcomat còn có thể kể tên cụ thể các tạp chí giả mạo sau: Tạp chí Journal of Contemporary Issues in Business and Government (ISSN 2204 1990), nơi ứng viên có 3 bài, là tạp chí không có địa chỉ hoạt động, tên tổ chức xuất bản là tên ma, không có trong thực tế, không thể xác minh, không có trong dữ liệu ESCI WOS, Scopus như ứng viên kê khai. Tạp chí Psychology and Education (ISSN: 0033 - 3077), nơi ứng viên có 2 bài, không còn trong Scopus từ năm 2019. Ứng viên đăng bài trên tạp chí giả mạo, cùng tên nhưng chỉ số là ISSN 1553-6939, thời điểm đăng bài là năm 2021. Theo TS Dương Tú, tạp chí rởm sử dụng tên Psychology and Education Journal, tức là thêm chữ Journal, đổi mã ISSN thành 1553-6939, danh sách ban biên tập hoàn toàn trống trơn, website tạp chí rởm đặt link đến trang SCImago của tạp chí gốc để đánh lừa rằng tạp chí vẫn còn nằm trong Scopus.

 

Tạp chí PalArch’s Journal of Archaeology of Egypt/Egyptology (ISSN 1567-214X), ứng viên có 1 bài, xuất bản từ năm 2003 đến năm 2018, đã giải thể và không còn tên gọi này từ năm 2018. Website của tạp chí hiện nay là giả mạo (website khi còn hợp pháp là www.palarch.nl nhưng không truy cập được). Chủ sở hữu thông báo rõ đã bán cho tổ chức chuyên kinh doanh tạp chí open access tên là OAText. Chủ sở hữu mới sáp nhập ban biên tập vào các đơn vị của tổ chức, không sử dụng tên gọi và chỉ số ISSN của Pal Arch nữa. Chủ tịch Pal Arch cũng thông báo chỉ những bài báo xuất bản từ 2003 - 2018 mới có giá trị; dữ liệu này được lưu trữ trên website có tên miền là palarch.nl. Một tổ chức hay cá nhân phi pháp nào đó đã lấy tên miền giả mạo là https://archives.palarch.nl để lừa đảo.

 

----------------

Tin liên quan

 

·         Tin tức giáo dục đặc biệt 18.2: Có đề xuất rà soát lại việc xét GS, PGS

·         Xét GS, PGS: 14 ứng viên xin rút, 4 ứng viên không đủ phiếu tín nhiệm

·         Xét GS, PGS phải lùi lại do nhiều đơn tố cáo !





No comments:

Post a Comment