Saturday, February 19, 2022

KÍNH GỬI GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM (Nguyễn Thùy Dương)

 



Kính gửi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam!   

Nguyễn Thùy Dương

19/02/2022  03:57  

https://www.facebook.com/thuyduong2890/posts/5099054053448448

 

Kính gửi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam!

 

Lời đầu tiên, con kính chúc chư vị Tăng Ni đệ tử Phật lời chúc sức khoẻ, bình an trong năm mới. Sau nữa, con có đôi điều trăn trở xin được gửi tới quý Tăng Ni trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

 

Kính thưa Chư vị!

 

Tăng, Ni cắt ái, li gia, tầm sư học đạo, gia đình bỏ lại, đoạn tuyệt ái ân máu mủ ruột rà vào chốn thiền môn. Nơi nương tựa duy nhất là niềm tin vào Chư Phật, là con đường Chư Tổ đã đi, là Thầy Tổ, là Sư Phụ, là Huynh Đệ, Tỷ Muội. Người với người sống để thương nhau, trước khi thành Phật, ngay khi đã thành Phật, Thế Tôn vẫn là một con người ở giữa muôn vạn người. Có chăng, con người đó đặc biệt và ấm áp, sáng ngời chân lý giác ngộ hơn.

 

Thế Tôn thương đệ tử mù loà, cần mẫn ngồi khâu manh áo, Thế Tôn đêm thăm giấc ngủ đệ tử, dặn dò chốn an toàn. Người Thầy như người Cha lặng thầm lo lắng cho các con, là bóng cả, là tùng là bách cho chúng đệ tử nương theo. Thế Tôn nhập Niết Bàn, Chư Tổ truyền bá đạo hạnh khắp nơi. Câu chuyện Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đích thân chèo thuyền đưa Lục Tổ Huệ Năng qua sông lưu truyền bao đời nay về hình tượng Thầy Trò - Sư Đồ. Dưới Sư Đồ là tình huynh đệ đồng tu, cùng bước chân vào một Phật Môn, cùng chung một thời tu tập. Tình nghĩa đó có khác chi thủ túc tay chân.

 

Ni Trưởng Hải Triều Âm mất đi, chúng đệ tử mất đi chỗ dựa, nương nhờ ai? Dựa dẫm ai? Chẳng phải là các đồng môn của Thầy Tổ mình cũng tức là đồng môn của mình? Vậy mà, khi chi nhánh chùa Dược Sư 2 bị náo loạn, khi Ni chúng bị tấn công, khi dòng suối dội vào ngôi nhà đó, khi loa công suất lớn quấy nhiễu họ ngày đêm, khi những người giống cán bộ cấm họ có hoạt động Tôn Giáo, Đồng Môn của Thầy Tổ họ, Đồng Môn của họ ở đâu?

 

Trên có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, dưới có Giáo Hội tỉnh Lâm Đồng, các vị có phải là đồng môn của của những Ni Sư, Ni Cô đó không? Xưa, Ngài A- Nan ba lần thỉnh Phật ý cho người nữ xuất gia. Hàng đệ tử chẳng ai thắc mắc hay ngăn cản. Dù nam nữ cách biệt, vẫn tôn trọng và hỗ trợ nhau tu học. Nay, gần ngay đó, xe có đó, điện thoại bốc lên là gọi được, sao để Quý Sư Cô khó khăn lâu vậy? Bị vây lâu vậy? Cái tình, cái nghĩa, cái đồng môn liệu có bạc lắm không?

 

Ni Trưởng Hải Triều Âm nếu hương linh còn đọng lại, liệu người có đau, có buồn cho thế thái nhân tình không, thưa Chư vị? Đồng môn không bảo vệ được, thì Chư vị bảo vệ Phật tử bằng cái gì?

 

Kính Bạch trên Giáo Hội!

 

Báo Tuổi Trẻ Cười đăng một câu chuyện vui về thanh niên nọ lên núi méc Thiền sư rằng chàng bị vợ đánh. Thiền sư đáp, ta cũng từng như vậy. Kẻ đọc qua kinh điển, nhớ tích Ngài Na- Tiên cũng từng nói có kẻ chán đời mà đi tu.

 

Vài cây đại thụ trong Giáo Hội lên án báo gay gắt, bắt báo xin lỗi.

 

Nhạc Trung Quốc có bài Độ Ta không độ nàng. Vài vị Đại Đức lên án kịch liệt vì xúc phạm hình tượng Tăng nhân.

 

Vậy mà, du lịch Tâm Linh phá đồi, san núi, lấp suối, dời sông, mượn hình tượng Phật đi ngược với Giáo lý tôn trọng thiên nhiên, không xâm hại môi trường sống của chúng sinh khác. Sao Quý vị không lên án như cách Quý vị lên án báo Tuổi Trẻ Cười hay các ca sĩ hát bài Độ Ta không độ nàng?

 

Một đồng tiền, một ngôi chùa, một lễ hội được cung cấp bởi tiền bẩn thì oai danh, sự lưu truyền của Phật Pháp bị cộng nghiệp thế nào cùng cái bẩn đó?

 

Kính thưa Giáo Hội!

 

Không phải uy danh là chùa lớn, không phải bản lĩnh là xe biển số xanh đỏ, không phải khẳng định mình bằng tiền bạc. Cái các vị làm ma vương nể phục, cái các vị lấy làm sức mạnh bảo vệ chúng sinh chính là Đức độ, Uy nghi của bậc chân tu không bị khuất phục bởi sinh tử, bạc tiền, danh vọng. Khí tiết đó đủ hoặc dư khiến kẻ tâm ma phải khuất phục.

 

Thưa Giáo Hội!

 

Giáo Hội nhìn vào mảnh đất Thủ Thiêm, Giáo Hội có đau lòng không, khi nhà thờ Thủ Thiêm sừng sững ở đó? Trong khi, hàng chục ngôi chùa, kể cả chùa Lá lâu đời ở Thủ Thiêm bị dời đi? Mất cân bằng Tôn Giáo sẽ gây ra hệ luỵ gì với một nền Văn hoá? Giáo Hội lúc đó có lên tiếng bảo vệ một ngôi chùa nào ở lại tại Thủ Thiêm không?

 

Người ta ví bậc chân tu oai dũng như mãnh sư. Chắc lúc đó, người ta chưa thấy mấy con hổ bị nuôi nhốt trong hầm tối ở Nghệ An. Khi được giải cứu, chúng sốc môi trường mà c.hết sạch. Chuyện ngỡ như đùa nhưng lại là thật. Mãnh sư bị nuôi nhốt có khác gì chó kiểng, mèo mum?

 

Kính Bạch trên Giáo Hội!

 

Hôm nay, con tự lấy đá đập vào chân mình, tự lấy dao đ.âm vào tim mình. Đau không? Đau chứ. Chữ nghĩa của con là từ Phật môn mà ra. Nay chữ nghĩa này lại trăn trở về chính Phật môn dưới sự lãnh đạo của Giáo Hội. Giáo Hội có đau không? Có thấy tàm thấy quý hay không? Và Giáo Hội sẽ lái tiếp con thuyền Phật Pháp đi về đâu trong bối cảnh xã hội như hiện thời? Đó là chuyện của Giáo Hội, riêng con, con đang rất tuyệt vọng khi nhìn vào Giáo Hội. Liệu mai này, trong bùn đất còn có kim cương nào trỗi dậy hay không?

 

Đôi lời chân thành cùng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, nếu có gì khiến chư vị phật ý. Xin chư vị ngó nghĩ Đức Thế Tôn mà cư xử như một bậc chân tu. Con xin phép được dừng tại đây.

———-

NTD 19-02-2022

D3D

 

Ảnh phù điêu Ngũ Tổ chèo thuyền đưa Lục Tổ qua sông.

https://www.facebook.com/photo?fbid=5099043196782867&set=a.611611512192747

 

.

193 BÌNH LUẬN  

 





No comments:

Post a Comment