Friday, August 10, 2018

SLOVAKIA TRỪNG PHẠT NGOẠI GIAO VIỆT NAM VÌ VỤ BẮT CÓC TRỊNH XUÂN THANH (tin tổng hợp)




10/08/2018

Mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Slovakia chính thức rơi vào khủng hoảng sau khi Bộ Ngoại giao Slovakia tuyên bố sẽ không cử đại sứ tới Hà Nội vì phía Việt Nam giữ im lặng trước cáo buộc của Đức liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Bộ trưởng Ngoại giao Miroslav Lajcak cho biết Slovakia sẽ thực hiện các biện pháp ngoại giao cụ thể đối với Việt Nam sau khi Hà Nội không cung cấp bằng chứng sau cáo buộc của Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Các nhà điều tra Đức và cảnh sát Slovakia – những người nói họ chứng kiến vụ bắt cóc, cho biết một phái đoàn quan chức Việt Nam đã sử dụng một chuyến thăm chính thức tới Slovakia để đưa ông Thanh, cựu lãnh đạo ngành dầu khí mà mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Đức, từ Bratislava sang Moscow để về Việt Nam.

Việt Nam đã không cung cấp bằng chứng để chứng minh cáo buộc này là sai, theo Bộ Ngoại giao Slovakia.

“Tại thời điểm này chúng tôi không có đại sứ tại Đại sứ quán ở Hà Nội,” người phát ngôn Bộ Ngoại giao Slovakia Boris Gandel cho VOA biết hôm 10/8. “Chúng tôi sẽ không thay đổi quyết định này cho tới khi chúng tôi xác minh được liệu Slovakia có bị phía Việt Nam lợi dụng hay không.”

Truyn thông Đức cáo buc chính ph Slovakia giúp các quan chc Vit Nam, trong đó có Bộ trưởng Công an Tô Lâm, thực hiện vụ bắt cóc ông Thanh – người mà Việt Nam lúc đó đang truy nã vì tội làm thất thoát hơn 3.200 tỷ đồng trong thời gian làm chủ tịch một công ty xây dựng của tập đoàn dầu khí PetroVietnam.

Hình ảnh Trịnh Xuân Thanh trên báo Suedeutsche Zeitung của Đức. Chính phủ nước này cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Thanh trong khi Hà Nội nói ông Thanh tự về đầu thú.

Theo một số sỹ quan cảnh sát Slovakia tham gia hộ tống đoàn quan chức cấp cao Việt Nam được nhật báo Dennik N trích lời xác nhận rằng ông Thanh bị bí mật đưa về Việt Nam trên một máy bay công vụ của chính phủ Slovakia.

Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh của chính phủ Slovakia, Anton Hrnko, hôm 1/8 nói phía Đức đã đưa ra một cáo buộc nghiêm trọng và “chúng ta phải làm tất cả những gì có thể để bác bỏ. “Nếu chúng ta không làm được, chúng ta phải có hành động cương quyết để giải quyết vấn đề,” ông Hrnko được TASR trích lời nói.

Trong những ngày gần đây, truyền thông Slovakia đăng tải nhiều về vụ việc này và cáo buộc phía Việt Nam “lợi dụng” chính phủ Slovakia để đưa ông Thanh ra khỏi châu Âu.
Đại sứ Việt Nam tại Slovakia, Dương Trọng Minh đã bị triệu tập để giải thích về các cáo buộc trên, theo trang web của Đại sứ quán Slovakia tại Hà Nội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết ông Minh sẽ bị triệu tập lần nữa để giải trình sự việc mặc dù không cho biết thời gian cụ thể.

Nếu như phía Slovakia xác minh được rằng Việt Nam đã lợi dụng họ trong vụ bắt cóc mà phía Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam tiến hành thì “sẽ có những hậu quả nghiêm trọng cho các mối quan hệ chung” giữa Việt Nam và Slovakia, theo người phát ngôn Gandel.

Thủ tướng Peter Pellegrini nói sẽ làm tất cả những gì có thể để điều tra khả năng dính líu của chính phủ nước ông tới vụ bắt cóc này.

Hôm 6/8, Thủ tướng Slovakia nói chính phủ ông sẽ làm tất cả những gì có thể để điều tra khả năng dính líu của chính phủ nước ông tới vụ bắt cóc này.

Hôm 9/8, Radio Slovakia cho biết ông Lê Hồng Quang, cựu cố vấn Thủ tướng Slovakia Robert Fico, cựu đại biện lâm thời Slovakia tại Hà Nội đã “mất tích”. Được biết ông Quang là nhân chứng rất quan trọng trong việc móc nối cho Tô Lâm mượn máy bay của Chính phủ Slovakia để bắt cóc ông Thanh, đưa từ Bratislava sang Moscow hôm 26/7/2017.

Vụ việc đã gây căng thăng trong mối quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam kể từ khi Đức cáo buộc Việt Nam bắc cóc ông Thanh vào ngày 23/7/2017 trong khi Hà Nội nói ông Thanh tự về đầu thú.

VIDEO :
Slovakia trừng phạt ngoại giao Việt Nam vì vụ Trịnh Xuân Thanh (VOA)

-------------------------

Đăng ngày 10-08-2018

Thứ Tư ngày 8/8/2018, hãng thông tấn TASR của Cộng Hòa Slovakia nhận được một Thông cáo báo chí của bộ Ngoại Giao Slovakia và các vấn đề châu Âu (MZVaEZ) cho biết, bộ và người đứng đầu là ngoại trưởng Miroslav Lajčak (thuộc đảng Smer-SD), đã tiến hành những bước đi cụ thể và hiệu quả trong lĩnh vực ngoại giao liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Ngoại trưởng Cộng Hòa Slovakia Miroslav Lajčak(wikipedia.org/Sebastian Kurz and Miroslav Lajcak)

Thông cáo nêu rõ : "Trong chính sách đối ngoại có một số công cụ mà bộ Ngoại Giao Slovakia có thể sử dụng, trong đó có biện pháp một lần nữa triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Slovakia để chất vấn và giảm đại diện ngoại giao Slovakia tại Việt Nam".
Điều này có nghĩa là tại thời điểm hiện nay, chúng tôi không có đại sứ tại Việt Nam - và chúng tôi thậm chí không có kế hoạch bổ nhiệm một đại sứ đến Hà Nội. Đây là một bước rất nghiêm trọng trong thực tiễn ngoại giao, biện pháp này không phải là đơn giản hoặc không đáng kể. Và đây không phải là bước đi duy nhất", ngoại trưởng Lajčák giải thích.

Lãnh đạo bộ Ngoại Giao Slovakia cho biết, ông buộc phải thực hiện những bước đi cụ thể này, bởi vì Việt Nam không cung cấp cho Slovakia những bằng chứng cho thấy kết luận của các nhà điều tra Đức là không đúng sự thật.

Bộ Ngoại Giao Slovakia cũng tuyên bố sẵn sàng có những biện pháp mạnh mẽ hơn nếu vụ việc được xác định rằng phía Việt Nam đã lợi dụng Slovakia.

Trong một bài bình luận trên tờ báo mạng pravda.sk ra ngày 07/08/2018, ngoại trưởng Lajcak viết nguyên văn như sau :

"Không còn hoài nghi rằng kết luận của các nhà điều tra Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là nghiêm trọng và cho thấy thông tin do phía Việt Nam cung cấp cho đến nay rất đáng ngờ về sự đúng đắn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là tất cả mọi thứ đưa trên báo là đúng sự thật, hoặc đã đủ để chúng tôi đưa ra tòa án. Cho đến chừng nào vụ việc này chưa được kiểm tra kỹ lưỡng và các chi tiết chưa được làm rõ, thì chúng tôi không thể dựng lên giá treo cổ được.
Vụ việc đã gây ra những căng thẳng nghiêm trọng trong quan hệ Slovakia-Việt và Đức-Việt, nhưng may mắn chưa gây căng thẳng trong quan hệ Slovakia-Đức.
Cộng Hòa Slovakia tiếp xúc chặt chẽ với các đối tác Đức trong việc điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin, lợi ích chung của hai nước là điều tra sáng tỏ vụ bắt cóc này và buộc người chủ mưu phải chịu hậu quả. Đây là cách mà các đối tác Đức trình bày với chúng tôi, và chúng tôi cũng trình bày như thế với các đối tác Đức.
Cơ sở này được đặt dưới sự lãnh đạo của tôi với các bước rõ ràng và cụ thể ngay từ đầu đối với phía Đức và phía Việt Nam, và không có nghi ngờ gì về việc chúng tôi đứng về phía nào : về phía sự thật và công lý.
Trong lúc phiên tòa tại Berlin đang diễn ra, phía Đức tuyên bố rằng họ đã có những dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy nạn nhân bị bắt cóc đã được đưa bằng máy bay từ Bratislava (thủ đô Slovakia) đến Matxcơva. Nhiệm vụ của chúng tôi là thẩm tra những cáo buộc qua thông tin liên lạc với phía Việt Nam. Bác bỏ, nếu cáo buộc không đúng.
Vì Việt Nam cho đến nay đã không cung cấp cho chúng tôi những bằng chứng đáng tin cậy cho thấy rằng cáo buộc của các nhà điều tra Đức là không đúng, cho nên chúng tôi đã buộc phải thực hiện một bước cụ thể - giảm đại diện ngoại giao của chúng tôi tại Việt Nam. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không có đại sứ tại Việt Nam vào thời điểm này - và chúng tôi không có kế hoạch bổ nhiệm một đại sứ đến Hà Nội cho đến khi nào chúng tôi giải quyết xong vụ việc. Đây là một bước rất nghiêm trọng trong thực tiễn ngoại giao, biện pháp này không phải là đơn giản hoặc không đáng kể. Và nó không phải là bước duy nhất.
Nếu vụ việc này được xác định rằng Cộng Hòa Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng dụng, thì cần thiết phải có những biện pháp tiếp theo".

Chính phủ Slovakia hiện nay được thành lập từ liên minh cầm quyền gồm 3 đảng đang bị các đảng đối lập chỉ trích nặng nề vì đã để xẩy ra khủng hoảng chính trị, chưa tiến hành điều tra triệt để về việc cựu bộ trưởng Nội Vụ Robert Kalinak bị cáo buộc đã tiếp tay cho bộ Công An Việt Nam, bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, đưa người này từ Bratislava sang Matxcơva bằng chuyên cơ của chính phủ Slovakia hôm 26/07/2017.

Bên cạnh đó, việc ngoại trưởng Lajčák lên tiếng cảnh báo chính phủ Việt Nam về việc "chưa bổ nhiệm đại sứ đến Hà Nội" cũng là một biện pháp bày tỏ thái độ rõ ràng của Bratislava đối với cuộc khủng hoảng này, nhưng cũng có thể coi đây là động thái nhằm xoa dịu dư luận đang tập trung chỉ trích chính phủ Slovakia trong suốt thời gian qua.

--------------------------------

Trần Vinh
09/08/2018

Về quan điểm của tôi trong việc mật vụ VN bắt cóc tên quan tham Trịnh Xuân Thanh ở thủ đô Berlin (CHLB Đức), Tôi thấy trong số bạn bè của tôi, trên mạng cũng như ngoài đời, chưa hiểu vụ việc nên vẫn cứ cho là nước Đức bao che, dung dưỡng cho quan tham nước ngoài như Thanh loe. Vậy tôi xin có mấy lời như sau:

Chính tôi đã dịch và post lên FB bài báo tiếng Đức trên báo www.tageszeitung.de tường thuật chuyện mật vụ VN sang Đức bắt cóc Thanh loe giữa thanh thiên bạch nhật ngay sau khi bài báo xuất hiện trên mạng. Theo tôi, đó là hành vi vô pháp & vô luân như trong các bộ phim trinh thám thời chiến tranh lạnh, khiến chính quyền Đức bị bất ngờ và tức giận.

Mọi người cần phân biệt cho rõ 2 hành vi không liên quan gì đến nhau là:

1- Trịnh xuân Thanh phạm tội tham nhũng ở VN xong trốn sang Đức theo đường hàng không, nghĩa là có kẻ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh ra đi đàng hoàng như một khách du lịch vậy.

2- Mật vụ VN sang Đức bắt cóc TXT về nước để trị tội.

Xin tóm tắt lại câu chuyện: Thanh loe vừa học xong đại học ở VN, đúng lúc nước Đức thống nhất năm 1990 nên hắn sang Đức làm ăn gì đó, năm 1995 thì về nước. Nhờ có cha làm quan kha khá ở trung ương nên Thanh được xếp cho chỗ ngon trong cơ quan nhà nước (điều này thì tương tự như Dương Chí Dũng vốn đi lao động xuất khẩu ở CHDC Đức về năm 1990, được bố trí chỗ ngon nên lên như diều gặp gió, đến chức tổng giám đốc của Vinashine thì dính đòn, bị xử tử hình).

Ngồi vào chỗ ngon mà “Máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” (Truyên Kiều), Thanh tha hồ tung tác, coi tiền nhà nước như tiền của nhà mình, tha hồ đục khoét, vừa ăn chơi vừa phá vừa tham nên gây thiệt hại to lớn cho nhà nước (3.300 tỷ đồng theo báo chí đăng tải). Thanh chỉ bị phát hiện ra và hạ bệ khi đã được cơ cấu là phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang (?).

Một kẻ phá nát doanh nghiệp nhà nước xong lại được cơ cấu làm phó chủ tịch tỉnh ở mãi tận Nam Bộ, rất xa cơ quan cũ, phải chăng các chuyên gia đạo diễn cho Thanh cho là đi xa như thế thì Thanh sẽ khó bị phát hiện, đưa ra ánh sáng. Thế nhưng “Lưới trời lồng lộng”, không may cho tên quan tham này là vua tham nhũng 3X đã bị cho về vườn sau Đại hội đảng lần thứ XII, cụ đảng trưởng ĐCSVN quyết tâm mở chiến dịch chống tham nhũng (chủ yếu là xử lí số quan tham dưới thời trị vì của tể tướng 3X).

Thanh bị khởi tố bị can hơi muộn sau khi vụ việc được đăng lên báo, thế nhưng rõ là do có tay trong, tay trên, hắn vẫn đàng hoàng lên đường sang Đức xin tị nạn chính trị. Vấn đề ở đây là: ông Tô Lâm là Bộ trưởng Bộ Công an, sao ông ấy không có biện pháp ngăn chặn? Ai đã làm thủ tục, cấp hộ chiếu cho Thanh ra đi bằng đường hàng không?

Khi Thanh bị khởi tố và đã yên ổn trong trại tị nạn ở Berlin rồi, đã thuê luật sư, nộp đơn xin tị nạn rồi, nhân cuộc gặp G20, thủ tướng VN là Nguyễn Xuân Phúc có đề nghị bà thủ tướng Merkel trao trả Thanh cho VN nhưng:

a) Đức là nhà nước pháp trị, không chính khách nào có quyền can thiệp vào công việc của cơ quan tư pháp (ở đây là tòa án hành chính – nơi xét duyệt, chấp nhận hay bác đơn tị nạn của công dân ngoại quốc).

b) Các cơ quan tư pháp Đức làm việc theo qui trình chứ không à uôm như ở xứ độc tài Đông Lào. Mặt khác, giữa VN và Đức chưa kí kết Hiệp định tương trợ pháp lí, Hiệp định dẫn độ tội phạm, nên nhà nước Đức không BẮT BUỘC phải làm theo yêu cầu của nước VN.

Tất nhiên các “đỉnh cao trí tuệ” Ba Đình hiểu ra điều đó, bộ trưởng họ Tô hiểu ra điều đó, nhưng muốn bắt Thanh về chịu tội, và qua lời khai của Thanh còn truy ra các quan tham khác (như Đinh La Thăng chẳng hạn), Tô Lâm đã hành động một cách thiếu cân nhắc kỹ lưỡng, vuốt mặt không nể mũi. Mà mật vụ của Tô Lâm làm ăn như shit ấy, ai đời vừa tống Thanh và bồ của nó lên xe ở công viên Tiergarten (thủ đô Berlin, Đức) đã bị người Đức đi chơi công viên nhìn thấy, gọi điện cho cảnh sát.

Xin nói thêm ngoài lề: theo thông tin trên mạng mà tôi đọc được thì mật vụ Tàu sang Úc, Mỹ, Canada bắt cóc nhiều quan tham đem về xử tội nhưng họ làm gọn, bí mật, không một ai ở nước sở tại biết chuyện, mãi cho đến khi quan tham với họ tên đầy đủ bị đưa ra xét xử ở tòa án Trung Quốc thì phía nước ngoài mới ngã ngửa ra là thằng đó đã bị bắt về Tàu rồi. Cái gì VN cũng học theo Tàu, tại sao mỗi chuyện bắt cóc một thằng quan tham lại không học được?

Theo tôi, Thanh loe có bị tuyên hai án chung thân chứ 10 án hay đem bắn hắn 3 lần, đem cho voi dày ngựa xé như hình phạt ngày xưa thì vẫn chưa hết tội. Cũng như những thảo dân thấp cổ bé miệng khác, tôi căm ghét lũ tham quan (đang nhung nhúc như dòi bọ ở xứ thiên đường Đông Lào này). Chính bọn chúng đã làm cho nước yếu, dân nghèo, làm cho VN ngày càng tệ hại xét về mọi phương diện. Chính bọn chúng đã ăn cướp của dân, của nước để làm giàu cho bản thân gia đình, phe nhóm, dòng họ mà không đếm xỉa gì đến tình cảnh của nước (xuống cấp toàn diện, cạn kiệt tài nguyên, môi trường đất, nước, không khí đều bị ô nhiễm trầm trọng).

Thế nhưng đưa mật vụ sang tận thủ đô một cường quốc kinh tế bắt cóc đem về thì lại là chuyện khác. Hành vì đó vừa vi phạm luật pháp của Đức, vừa vi phạm luật công pháp quốc tế, làm mất mặt Nhà nước Đức – một nhà nước dân chủ, tự do, pháp trị. Chính quyền Đức giận điên lên, cho điều tra, truy nã các nhân vật có tên trong đường dây bắt cóc, trục xuất hai cán bộ ngoại giao của VN ở Đại sứ quán về nước, là điều dễ hiểu.

Hậu quả là: hiện nay VN đang sa vào khủng hoảng ngoại giao với Đức và Slovakia – nơi Bộ trưởng công an xứ Đông Lào lợi dụng lòng hiếu khách của bạn để mượn một máy bay chuyên cơ để chuyên chở Thanh loe cùng đám tùy tùng về nước. VN đang đàm phán và hi vọng sẽ ký được Hiệp định thương mại tự do (EFTA) với Liên minh Châu Âu nhưng vụ bắt cóc này, nếu không làm hỏng việc lớn thì cũng làm chậm lại tiến trình đàm phán. Mà cái Hiệp định đó là phao cứu sinh cho kinh tế VN sau khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – sáng kiến của cựu TT Mỹ Obama đã bị đương kim TT Trump hủy bỏ đấy. Như vậy có phải hành vi bắt cóc Thanh loe “Lợi bất cập hại” không? Tôi tin là mỗi người VN trưởng thành, nếu có hiểu biết sơ về luật pháp và bang giao quốc tế, sẽ hiểu ra và tự rút ra kết luận cho chính mình, khỏi cần ai tư vấn.

Xin nhắc lại: Nước Đức, chính quyền Đức chưa và sẽ không bao giờ dung dưỡng, bao che cho quan tham ở nước ngoài cả. Thế nhưng khi quan tham đó đã đến Đức rồi, đã dùng tiền tham được để thuê luật sư giỏi hòng bênh vực hắn trong việc xin tị nạn chính trị để trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật ở quê nhà hắn, thì lại là chuyện khác.

Thanh loe, với hàng triệu đô la tham nhũng được, hẳn là không tiếc tiền để thuê luật sư. Mà luật sư thì ở đâu, ở nước nào chả làm việc, cố gắng uốn ba tấc lưỡi để bênh vực cho thân chủ, vì tiền?







No comments:

Post a Comment