Friday, August 10, 2018

MOQTADA SADR : NGƯỜI HÙNG SHIA-IRAK LÀM MỸ LẪN IRAN NHỨC ĐẦU (Tú Anh - RFI)




Tú Anh – RFI
Đăng ngày 10-08-2018

Bàn cờ chính trị tại Irak bị đảo lộn. Vào lúc Washington và Teheran nỗ lực tranh giành ảnh hưởng, chiến thắng của « Tiến bước » một liên minh tôn giáo-thế tục do giáo sĩ tự phong Moqtada Sadr lãnh đạo, có thể cản trở mọi toan tính sử dụng Irak như bàn đạp củng cố thế lực tại Trung Đông của Mỹ lẫn Iran.

Lãnh đạo hệ phái Shia Irak Moqtada al-Sadr (T) và thủ tướng Irak Haider al-Abadi, trong cuộc họp báo tai Najaf, ngày 23/06/2018.REUTERS/Alaa al-Marjani

Cho dù Mỹ và Iran tìm cách cản trở, thủ lĩnh Shia Irak, Moqtada Sadr vẫn thắng lớn trong cuộc bầu cử hồi tháng 05, mà kết quả kiểm phiếu lại đã xác nhận vào thứ Năm 10 tháng 08. Với 54 ghế dân biểu trên tổng số 329, liên minh « Sayroun » hay « Tiến bước để cải cách » do giáo sĩ Moqtada Sadr, 44 tuổi, lãnh đạo, đã về nhất. Trong bối cảnh chính trường Irak chia năm xẻ bảy, liên minh chống tham nhũng không thể một mình lập chính phủ, nhưng điều quan trọng là đã bất ngờ bỏ xa hai tổ chức đã đánh bại Daech là Hachd al Chaabi, hay « liên minh chinh phục » do Iran yểm trợ và « liên minh chiến thắng » của thủ tướng Haidar al Abadi, được Tây phương hậu thuẫn.

Moqtada Sadr là nhân vật rất khó định nghĩa.

Không phải là một trưởng giáo Ayatollah cũng không phải là một nhà thần học uyên thâm, thế nhưng Moqtada Sadr tự xưng là giáo sĩ, thừa hưởng di sản tinh thần của cha, Ayatollah Mohammad Sadeq al-Sadr, lãnh đạo hệ phái Shia lại được lòng của người Sunni và Kurdistan và vì thế bị nhà độc tài Saddam Hussein xử tử vào năm 1999. Thực ra, Moqtada Sadr là một người có tài hùng biện, chống trật tự có sẵn theo lời khen của người cùng phe và mị dân, theo nhận định của những người chỉ trích.

Tuy căm thù Saddam Hussein nhưng sau khi chính quyền Irak sụp đổ , Moqtada Sadr thành lập lực lượng dân quân đánh lại lực lượng Mỹ rất dữ dội. Nhưng không phải vì thế mà thủ lĩnh Shia trẻ tuổi này được giáo quyền Iran tôn trọng, trái lại còn bị khinh thường. Nhật báo L’Orient Le Jour ở Liban thuật lại lời Ayatollah Ali Khamenei sau khi tiếp kiến Moqtada Sadr như sau : « anh ta không có căn cơ một tu sĩ. Khi bị tôi nhìn một cách trưởng thượng, tâm lý chống Iran của Moqtada Sadr đã tăng lên từ lúc bấy giờ ».

Từ chuyên gia sách động quần chúng đến ….ghế thủ tướng
Với chiến thắng bầu cử Quốc Hội, Moqtada Sadr chứng tỏ là một nhà chính trị bản lĩnh biết khai thác tinh thần quốc gia lên rất cao trong dân chúng Irak từ khi chiếm lại được phần lãnh thổ mất về tay Daech. Kẻ bị Hoa Kỳ xem là « chuyên gia xách động » thậm chí « ngoài vòng pháp luật » nay trở thành nhân vật chính tại một quốc gia mà cả Iran lẫn Mỹ đều có quyền lợi.

Trước bầu cử, khi thấy chủ trương « Irak trước đã » và phong trào « chống chế độ » tham nhũng thu hút đông đảo quần chúng về với Moqtada Sadr, cả Mỹ và Iran tìm cách cản trở.

Mỹ chịu nhưng Iran còn nước còn tát
Theo một trang mạng thông tin ở Irak, đại sứ Mỹ ở Bagdad đã yêu cầu tổng thống và thủ tướng Irak đoàn kết với nhau cản đường phong trào « Tiến bước ». Tuy nhiên, Washington loan báo « tôn trọng » kết quả bầu cử.

Trái lại, về phần Iran, mối lo lớn nhất là chận Irak ngã theo Ả Rập Xê Út. Khi kết quả bầu cử được công bố lần đầu hôm 13/05/2018, các ủng hộ viên của « Tiến Bước » chào mừng và hô to « Iran cút đi ». Ngay ngày hôm đó, Teheran gửi tướng Qassem Solimani, tư lệnh lực lượng Al Qods, lực lượng võ trang của « vệ binh cách mạng » Iran hoạt động ở nước ngoài, đến Bagdad. Viên tướng Iran này thường xuyên can thiệp vào nội tình Irak từ hậu trường, tiếp xúc với tất cả các lãnh đạo chính trị Irak, kể cả cựu tổng thống tham ô Maliki, kẻ đã đánh mất một phần lãnh thổ vào tay Daech. Mục đích của Iran là muốn chính quyền liên hiệp tương lai không có Moqtada Sadr.

Nhưng « vỏ quýt dầy gặp móng tay nhọn » : người hùng mới của Irak thận trọng không lật ngửa các lá chủ bài. Báo Al Mada trích một một nguồn tin « thân cận » của Moqtada Sadr cho biết lãnh đạo Shia Irak không xem chức thủ tướng là điều kiện tiên quyết mà muốn « từ hậu trường điều khiển chính trường ».







No comments:

Post a Comment