Saturday, January 6, 2018

NGƯỜI NÔNG DÂN CẦM SÚNG (FB Luân Lê)




Tôi nói đến hình ảnh này là bởi tôi muốn nhắc đến vụ án đầy ám ảnh và xót xa vừa xảy ra, mà trong sự tuyên phạt sau những nhát búa chát chúa của luật pháp, một người nông dân đã vừa phải nhận lấy một bản án có lẽ là khắc nghiệt nhất và trong sự thiếu đi sự đánh giá toàn diện sự thật khách quan của nó.

Vào năm ngoái, khi xảy ra sự việc nổ súng rúng động tại Đăk Nông, với việc một số người dân làm nương rẫy đã phản kháng lại những hành động côn đồ ngang nhiên từ một nhóm người của công ty đóng vai là chủ đầu tư dự án mà đang có sự nhập nhằng (tranh chấp) về ranh giới, diện tích đất với những người dân nói trên – bằng cách họ đã buộc phải nổ súng khiến 3 người chết và theo thông tin lúc ấy thì cùng 19 người khác bị thương, nhưng sau đó xác định là chỉ có 13 người – ngay tại thời điểm đó, tôi đã có nhận định rằng tranh chấp đất đai chính là nguồn cơn của những xung đột dân sinh, xã hội về lợi ích lớn nhất và cũng là sâu sắc nhất, mà một bên là kẻ có tiền sẵn sàng dùng những gói dự án béo bở thông qua chính quyền thu hồi đất để biến chúng thành những kho vàng vô cùng giá trị, một bên là những người dân thấp cổ bé họng, đơn độc và dường như trong cuộc chiến đó, luật pháp không đứng về phía họ mà nằm trong túi của những kẻ vô lương khác.

Và tôi đã đặt câu hỏi cuối bài viết mang tính tu từ, rằng, câu cảm thán của Chí Phèo gần một thế kỷ trước ngay trước khi hắn chết lại một lần nữa được vang lên đầy ác nghiệt giữa cái thời mà người ta luôn ca tụng với nhau là tươi đẹp, rực rỡ và an bình nhất – ai cho tao lương thiện bây giờ? Nhưng ngày đó tay Bá Kiến cũng chết – tên ác nhân đại diện cho cường quyền, và người khốn cùng nhất của xã hội được duy trì nhờ sự bóc lột hà khắc cũng chết – người bị áp bức và dồn đẩy bởi những bàn tay quyền lực man rợ, ma quái và gớm ghiếc.

Người dân, nếu được bảo vệ dầy đủ và vững chắc nhất các (quyền) tài sản cũng như tính mạng bằng luật pháp theo một lẽ công bình và nghiêm minh nhất, thì chắc chắn đã không thể có câu chuyện hàng trăm hộ dân đang sinh sống và khai thác lợi ích từ những mảnh đất khai hoang và cả được giao quyền hợp pháp để tạo lập, xây dựng cuộc sống phải bị dồn đẩy và dần mất hết những tấc đất vốn như từng phần máu thịt và là nguồn sống quan trọng của họ vào tay của một vài công ty tư nhân nhưng lại thể hiện chúng đầy quyền lực nào đó.

Không những thế, họ không chỉ không thể nắm giữ hay bảo vệ tài sản của mình bằng tư cách một người chủ sở hữu tài sản mà theo Hiến pháp đã quy định, đó là những quyền bất khả xâm phạm cũng như được bảo hộ nghiem ngặt, họ còn bị chà đạp một cách tàn bạo từ những kẻ được sai khiến nhưng hoàn toàn không đại diện cho hay nhân danh pháp luật cũng như lực lượng công quyền. Họ, những người dân nơi đây, đã bị bạo hành, bị đánh đập, ức hiếp, bị hãm hại bằng đủ trò và liên tiếp trong một thời gian khá dài (rất nhiều năm) trước sự thờ ơ (hoặc biết mà không ngăn cản, hoặc từ những đám có quyền mà có lợi ích cùng muốn đám tư nhân vô lương kia thâu tóm) của chính quyền địa phương.

Khi mà cơ quan hành pháp không giải đáp khiếu nại của dân triệt để, khi mà toà án không phân xử những đơn kiện của những người tha thiết van xin và bấu víu vào vạt áo công lý, khi mà những tình trạng người dân phải tự liên kết bằng tất cả những gì nguyên sơ nhất để chống chọi lại những cuộc tấn công bằng bạo lực của những đám côn đồ được bảo kê, thì rõ ràng rằng, những người dân không có lựa chọn nào khác trước sự tấn công bất hợp pháp luôn muốn trực tiếp xâm hại tài sản, thậm chí tước đoạt mạng sống của họ hay người thân họ, thì những quyền năng cơ bản và cũng là quan trọng nhất của một con người là quyền tự vệ được Hiến định và bảo hộ tối cao luôn là thứ có hiệu lực và hữu ích nhất với chính họ.

Những phát súng của người nông dân ấy, nó chỉ được bục phát ra trước tình thế khốn cùng nhất mà không còn lựa chọn nào khác khi những kẻ côn đồ bất chấp bằng mọi cách đang tấn công họ một cách quyết liệt nhất. Dù trong nhiều năm ròng đã nhiều người dân nơi đây phải mất mạng, chịu thương tật, bị đánh đập mà không tìm được sự bảo vệ của luật pháp, dẫu rằng chính người nông dân chân chất buộc phải cầm súng tự vệ đã dùng sự nhân nhượng và chút lương tâm được cân nhắc kỹ lưỡng ở điểm giới hạn cuối cùng của mình mà bắn chỉ thiên để cho đám người hung hãn kia hãy chấm dứt ngay tức khắc những hành động tấn công côn đồ đang áp đảo và bất chấp để đạt mục đích của mình nhắm vào họ. Nhưng chính những kẻ kia đã lựa chọn sự ác nghiệt với bản thân chúng, khi mà chúng đã tiếp tục thực hiện đến cùng hành vi tấn công với mục đích quyết xâm hại sức khoẻ, tính mạng của những người nông dân nhỏ bé và đơn độc kia.

Phiên toà xử người nông dân tự vệ để bảo vệ tài sản và tính mạng của mình, mà làm ngơ cũng như bỏ qua những kẻ ra lệnh cho đám người thực hiện hành vi bạo lực nhằm vào người dân vì mục đích muốn chiếm đoạt tài sản là đất đai của họ, với tội danh giết người cùng với mức án tử hình là một sự kết liễu đau đớn đối với thân phận của luật pháp.

Trước phiên toà, họ không còn gì, chỉ còn chút hy vọng mong manh đầy dè dặt vào việc sẽ tồn tại điều kỳ diệu cuối cùng nào đó sẽ hiện hữu để cứu lấy tất cả những hậu quả nghiệt ngã mà thực chất một phần lớn nguyên nhân khởi tạo nên sự việc này là do sự thờ ơ, bỏ mặc của chính nơi mà nó với vai trò đại diện cho họ để duy trì luật pháp cũng như có nghĩa vụ phải bảo vệ họ.

Về luật pháp, trong việc vận dụng và thực thi trong vụ án này, người ta đã bỏ qua quá nhiều tình tiết quan trọng mà có lợi để giảm nhẹ đúng mức cho một lương tri khốn cùng phải cầm súng tự vệ, để tuyên một cái án tử hình dành cho họ thì quả là một nỗi đau đớn dành cho thân phận của người nông dân, bởi họ chịu quá nhiều những bất công và nơi đáng ra để dẹp bỏ nó lại tước đoạt thân phận của họ thêm một lần nữa.

Những kẻ tham nhũng hàng ngàn tỷ, làm điêu đứng xã hội và tạo ra những bất ổn cho đất nước còn khủng khiếp hơn bội lần những hành vi đơn lẻ vượt quá giới hạn của sự phòng vệ chính đáng, nếu nộp lại 3/4 số tài sản tham nhũng có thể thoát án tử, nhưng người nông dân chân chất lam lũ chỉ mong được sống an bình trong cuộc đời mình phải bứt lên sự phản kháng trước cảnh bị dồn đẩy vào chỗ khốn cùng trong sự làm ngơ của hệ thống đại diện công quyền lại dễ dàng bị tước bỏ mạng sống đến mức mà khiến cho người ta cảm thấy rằng, mọi thứ có lẽ đã cạn đáy thực sự: công lý, luật pháp và cả tình người.



----------------------------------------

LIÊN QUAN :


















No comments:

Post a Comment