Saturday, January 6, 2018

CHUYỆN XĂNG Ở VIỆT NAM (FB Bùi Văn Thuận)




Như quý vị đã biết, xăng RON 92 đã bị cấm bán, xăng RON 95 tăng giá chóng mặt. Cả hai việc này đều nhằm mục đích: Hoặc phải móc thêm nhiều tiền cống nạp để đổ RON 95 an toàn; hoặc đổ xăng E5 (chưa kiểm chứng về an toàn) nhằm cứu các nhà máy ethanol nghìn tỷ công nghệ Tàu đang đắp chiếu, bù lỗ.

Nhân chuyện này tôi viết về xăng và xăng E5 đồng thời cũng muốn cung cấp thêm các thông tin lung tung khác mà tôi biết hoặc cóp nhặt trên sách báo, internet.

Trước hết, vấn đề thế nào là xăng RON 92, RON 95? RON là viết tắt của cụm từ Research Octane Number có nghĩa là “Trị số octan tìm thấy”.

Nôm na thế này ạ, người ta quy ước lấy isooctan (C8H18) là chất có chỉ số chống kích nổ 100, còn n-heptan (n-heptane, C7H16) có khả năng chống kích nổ bằng 0. Xăng có chỉ số chống kích nổ (chỉ số octan) càng cao thì càng khó cháy, càng thấp càng dễ cháy. (Tất nhiên là cháy trong động cơ).

Tôi lấy ví dụ: xăng RON 95 có nghĩa là trong xăng có 95% là isooctan 5% là n-hetan (cái này không chính xác tuyệt đối, chỉ là nôm na thôi ạ), hay khả năng chống cháy nổ của RON 95 = 95% của Isooctan. Tương tự như vậy cho RON 92, 90, 83…

Ngoài RON, chúng ta còn nhìn thấy một số cây xăng có các chữ như Mogas 95 hay A 95. Cả Mogas hay A đều hàm ý tương tự như RON. (Mogas = Motor Gasoline; Còn A= ASTM- American Society for Testing and Materials, là một tiêu chuẩn của Mỹ). Về bản chất, ý nghĩa thì RON= A=Mogas về giá trị.

Một lưu ý nhỏ là không phải cứ RON “to” là tốt, ví dụ tôi đi xe Loncin Tàu thì RON 90 hoặc 92 là tốt nhất, còn mấy anh chị đi SH, Liberty LX thì RON 95 lại phù hợp hơn. Cái này do cấu tạo, khả năng vận hành của bộ chế hóa khí và buồng đốt của xe.

Làm cách nào để tăng chỉ số RON của xăng? Trước đây, người ta dùng tetraetyl chì (Pb(C2H5)4) để tăng khả năng chống kích nổ của xăng. Nhưng chất độn này có quá nhiều tai hại cho môi trường nên đã bị cấm. Ngày nay người ta dùng các phụ gia khác (nhiều loại) để tăng RON. Ngoài ra, trong quá trình lọc hóa dầu các phương pháp như Cracking (bẻ gãy) hay Reforming (kết nối, khâu mạch) cũng được áp dụng để tăng chỉ số RON cho xăng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam sản xuất chủ yếu là xăng RON 92. Nay xăng đó bị cấm nên nhiều chuyện vui sẽ xảy ra. Gọi là xăng E5 nhưng thực chất loại xăng này chứa 95% là xăng RON 92 + 5% ethanol (C2H5OH). Như vậy bài toán bỏ RON 92 để bán E5 thực tế là vừa cứu Dung Quất vừa cứu các nhà máy ethanol đang đắp chiếu, lỗ và hầu hết chờ bán đồng nát.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất trước đây được đưa vào các bài học trong sách địa lý, lịch sử như một biểu tượng của “Thời kỳ đổi mới” nhưng khi hoàn thành thì hóa ra lại là cái cục nợ.

Cũng như hầu hết các công trình,công ty của nhà nước, Dung Quất sản xuất xăng đắt hơn giá trung bình của thế giới và làm đến đâu lỗ đến đó, càng làm càng lỗ. Và do đó nhân dân Việt Nam anh hùng lại phải đổ mồ hôi háng để bù lỗ cho cái đống của nợ này. Với việc dân hầu như bắt buộc phải dùng E5 (thực tế là RON 92 pha) thì bài toán Dung Quất phần nào được giải quyết, tất nhiên cũng là móc từ nhân dân.

(Tạm kết thúc đã, bài sau sẽ nói đến chuyện ethanol và các vấn đề xung quanh các nhà máy cục nợ, quả đấm nghìn tỷ vào mặt nhân dân).

P.s: À quên, gọi ethanol cho nó sang mồm thôi, thực tế đó là cồn, như cồn chúng ta hay nướng mực, rửa vết thương thôi ạ. Phần lớn đàn ông Việt chúng ta nạp ethanol hàng ngày qua việc uống rượu, bia…


_____


Như đã nói, xăng E5 = 95%RON 92 + 5% cồn. Tất nhiên đây là cồn gần tuyệt đối chứ không phải loại cồn 70 hay 90 độ dùng nướng mực hay rửa vết thương khi…ngã xe máy. Theo lý thuyết thì sử dụng E5 sẽ giúp bảo vệ môi trường (cái này chưa được chúng minh thuyết phục), giảm được việc đào bới nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, vấn đề xăng E5 của Việt Nam lại quá mạo hiểm với người dân. Tại sao lại như vậy? Có mấy lý do chính như sau:

– Cồn (ethanol) pha xăng ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất với công nghệ Trung Quốc, điều này gây ra quá nhiều sự nghi ngờ về chất lượng cồn. Nếu cồn lẫn quá nhiều nước hay methanol (CH3OH),các anđehit, hay axit hữu cơ thì động cơ xe có nguy cơ vứt đi rất nhanh.

– Cồn là chất ưu nước và hòa tan rất tốt trong nước, do đó nguy cơ xăng E5 hút nước từ không khí, khi lụt lội, rửa xe là dễ xảy ra. Nếu có nước trong xăng thì động cơ cũng nhanh vứt lắm.

– Điều gây khó chịu nhất chính là việc các nhóm lợi ích trục lợi trên vấn đề bảo vệ môi trường này. Theo các tính toán thì chi phí sản xuất 1lit cồn vào khoảng 14.000 đồng, nếu không trộn cồn mà chỉ bán A92 thì ngân sách quốc gia sẽ có 9000 đồng/lit xăng, nhưng nếu dùng E5 thì ngân sách hụt đi 250đ/lit E5.

Do việc dùng xăng E5 có chất lượng chưa được kiểm chứng cùng với việc người dân phải bỏ tiền ra nhiều tương tự A92 để cứu các nhà máy ethanol sắp vỡ nợ là điều quá vô lý. Khi dùng E5 cả đất nước sẽ phải chịu thiệt đơn thiệt kép. Người dân vẫn bỏ tiền như mua A92 nhưng thực tế là ngân sách lại không thu về được số tiền chênh lệch này mà nó chảy thẳng vào các ông chủ đứng sau các nhà máy ethanol sắp vỡ nợ.

Nhân đây cũng xin nói sơ qua về công nghệ sản xuất ethanol: Có hai cách chính được dùng trong công nghiệp.

Cách 1: Dùng etilen (C2H4) cho hợp nước có xúc tác trong các tháp trao đổi- hấp phụ. Etilen là sản phẩm của ngành lọc dầu, có lẽ đây là cách mà nhà máy ethanol Dung Quất sản xuất.

Cách 2 là đi từ các nguyên liệu nhóm cacbonhiđrat (Khoai, sắn bã mía, lõi ngô, rơm rạ, mùn cưa…). Các nguyên liệu được rửa sạch dùng men hoặc axit để thủy phân tạo thành đường glucozo rồi sau đó lên men thành cồn, sau đó tách nước; tách tạp chất để thu cồn. Đây có lẽ là công nghệ của các nhà máy ethanol ở Đồng Nai, Bình Phước, Quảng Nam với nguyên liệu là sắn (khoai mì)…

Cả hai con đường trên đều vường vấn đề tách nước để thu cồn gần tuyệt đối 99,5%, vì chỉ loại cồn có hàm lượng lớn hơn bằng 99,5% mới trộn được với xăng để tạo thành E5. Tách nước đã khó, tách các tạp chất trong ethanol cũng khá phiền phức. Quá trình lên men tạo ethanol luôn sinh ra methanol, các anđehit hay axit hữu cơ.

Với các nhà máy sản xuất cồn công nghệ Trung Quốc, liệu chất lượng của cồn có đảm bảo tinh khiết hay lẫn lung tung các loại tạp và do đó xăng cũng dính tạp chất? Điều đó đành chờ vì thú thực tôi không tin vào các hệ thống kiểm định, kiểm tra hay thông số mà các cơ quan quản lý đưa ra về chất lượng ethanol.

Chờ ở đây là chờ dân bị hỏng xe kêu ca phản đối chứ không thể chờ các chuyên gia đầu ngành hay các cơ quan chức năng.

Xin nói thêm một chút, “trào lưu” xăng sinh học bắt nguồn từ thời giá dầu 100 USD/thùng, nếu đầu tư vào xăng ethanol thì sẽ rẻ hơn xăng thông thường.Khi đó thế giới mới lao vào sản xuất E5. Nhưng bây giờ, giá dầu tụt đến nỗi Nga, Venezuela còn chết đói thì đầu tư vào E5 lại là chuyện hơi ngu vì chi phí cao hơn xăng thường, và thế giới đã bỏ phần lớn rồi (Báo chí VN viết về trào lưu E5 trên thế giới có vẻ rầm rộ lắm, thực ra là nó đang khá teo tóp).

Cơ sở vững chắc nhất của lựa chọn đầu tư vào E5 đó là thắp lên hy vọng làm giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (khí cacbonic, CO2). Nhưng xét trên bình diện hóa học cả xăng và ethanol khi cháy đều sinh ra CO2 (tất nhiên ethanol sinh ra ít hơn khoảng 4 lần). Nhưng để làm ra ethanol thì CO2 cũng sinh ra rất nhiều khi lên men. Do đó việc tính toán về lượng CO2 sinh ra chưa đủ sức chắc chắn và thuyết phục.

Một điểm cần lưu ý nữa đó là công nghệ dầu đá phiến mới được đưa vào sản xuất sẽ làm giá dầu giảm thêm, và nguy cơ thiếu dầu giảm xuống. Các cảnh báo về thiếu lương thực quy mô toàn cầu cũng khiến nhiều người e ngại khi nói đến sản xuất xăng E5. Muốn làm được cồn phải trồng ngô, cao lương, sắn để lên men, do đó diện tích đất để trồng các loại cây này là rất lớn, nguy cơ thiếu lương thực sẽ tăng lên. Đó là chưa kể một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón cũng tàn phá môi trường không ít. Ở một số quốc gia như Brazil, người ta còn phá hàng trăm ngàn hecta rừng rậm Amazon để trồng ngô nhằm sản xuất xăng sinh học để “bảo vệ môi trường” chống biến đổi khí hậu. Kinh chưa?

Quá trình lên men sinh khối (ngô, sắn) thì cứ khoảng 2kg sắn sẽ sinh ra 1 lít cồn (nặng khoảng 800gam) phần 1,2kg còn lại là CO2 và các loại phụ phẩm, chất thải. Các loại chất thải này nếu không được xử lý đàng hoàng thì môi trường cũng sẽ lãnh đủ. Tất nhiên,mô hình vận hành kiểu XHCN cộng với công nghệ Trung Quốc, tôi có niềm tin vững chắc rằng các nhà máy ethanol ở Việt Nam hiện nay xử lý môi trường “rất tốt” như Formosa năm 2016 vậy.

Với việc ép buộc dùng E5, ngân sách sẽ thủng một lượng lớn thu được từ thuế nhập xăng. Điều đó buộc ông nhà nước phải tìm nguồn khác để thu bù, có lẽ chuyện đầu năm 2018 tăng hàng loạt sắc thuế cũng có công sức của E5 đóng góp.

Lợi nhất vẫn là các công ty sản xuất ethanol, vừa bán được và thu lãi từ vụ E5 (nếu nhập khẩu thì cồn cũng rẻ hơn cồn các nhà máy nghìn tỷ đang đấm vào mặt dân), vừa không lo bị chửi là lỗ,mất vốn, dắp chiếu. Lợi nữa là Dung Quất, giảm nhập khẩu xăng A 92 thì xăng của họ sẽ được bao thầu hết, bất chấp càng làm càng lỗ. Và các nhà “chiến lược” đứng sau hay liên quan đến Dung Quất, đến các nhà máy ethanol đắp chiếu sẽ nhếch mép cười vì mọi thứ lại đúng quy trình.

Kết luận: Việc dùng xăng E5 ở Việt Nam hay không là do “cảm xúc” của mỗi cá nhân. Ai “yêu nước” muốn góp công sức để cứu các dự án ethanol nghìn tỷ thua lỗ sấp mặt, muốn cứu các công ty nhà nước làm đến đâu lỗ đến đó thì dùng thoải mái nhằm giúp đất nước tiến mạnh lên CNXH, bất chấp chất lượng ra sao. Những người ghét bọn tàn phá đất nước, ghét bọn phe nhóm làm dự án ethanol đã ăn dày vì làm láo nay lại được E5 cứu thì không dùng cũng chả sao, tẩy chay cũng được. Tùy tâm, tùy cảm hứng và cảm xúc của quý vị vậy.

(Tút biên cố gắng ngắn nhất và không đi vào chi tiết, do đó quý vị nào phản biện xin đừng xoáy vào chuyện tôi viết chưa kỹ ạ. Nếu kỹ, nguyên cái quy trình lên men sản xuất ethanol đã tốn ít nhất vài chục trang).

P.s: Xin ý kiến chút thế này quý vị ạ: Nếu quý vị muốn share xin hãy cóp nguyên bài dán lên tường ạ. Share nhiều quá sợ bị 10.000 LL47 report lắm. Quý vị có thể dẫn nguồn hoặc ghi là cóp nhặt trên mạng cũng chả sao. Xin cảm ơn



-----------------------------------

Minh chứng rõ nhất cho 2 bài chém lung tung về xăng đây ạ. https://news.zing.vn/xang-a92-bi-khai-tu-nha-may-ethanol-dung-quat-thoat-canh-dap-chieu-post809678.html
NEWS.ZING.VN

*
THESAIGONTIMES.VN

*
Thuan Van Bui Chuyện Dung Quất sấp mặt và cú đấm vào mặt nhân dân anh hùng  http://trithucvn.net/.../nha-may-loc-dau-dung-quat-thua...
TRITHUCVN.NET

*
KINHDOANH.VNEXPRESS.NET

*
NLD.COM.VN










No comments:

Post a Comment