Saturday, January 6, 2018

BẢN TIN TỐI 6/1/2018 (Báo Tiếng Dân)




Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên bàn về thế trận hỏa lực của Trung Quốc trên Biển Đông. Theo các thông tin do Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) tổng hợp về quá trình quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc: “Bắc Kinh đang hình thành một thế trận bao gồm khả năng tấn công từ xa bằng chiến đấu cơ, kết hợp cùng hệ thống tên lửa đối không và tên lửa đối hải để chống tiếp cận” tại các căn cứ tiền phương ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa.

Trao đổi với Thanh Niên, bà Bonnie Glaser, Giám đốc Chương trình nghiên cứu sức mạnh Trung Quốc (thuộc CSIS), đánh giá, “Bắc Kinh đang hoàn thiện lực lượng để đủ sức tuyên bố thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông”, với khí tài chủ lực gồm các loại chiến đấu cơ đa nhiệm và mạng lưới tên lửa, điển hình là tên lửa đối không và tên lửa đối hạm.

Bản đồ hỏa lực của Trung Quốc. Ảnh: AMTI/TN

Trang Viet Times đưa tin, Trung Quốc điều tàu sân bay Liêu Ninh xuống Biển Đông huấn luyện. Tối 4/1/2018, thông tin từ quân đội Đài Loan cho biết, “biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của quân đội Trung Quốc đêm ngày 4/1 đi xuyên qua eo biển Đài Loan để xuống khu vực hoạt động (Biển Đông) của Hạm đội Nam Hải, tiến hành huấn luyện”Hạm đội Nam Hải chính là lực lượng hải quân được Bắc Kinh xây dựng để chuyên phụ trách các nhiệm vụ ở Biển Đông.

Tác giả cho biết, “trước đây, tàu sân bay Liêu Ninh đã có vài lần đến Biển Đông. Trong đó, vào đầu năm 2017, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh đã đến Biển Đông tiến hành huấn luyện và thử nghiệm”.

Biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina/VietTimes

RFI bình luận: Trường Sa: Trung Quốc biến đá Chữ Thập thành căn cứ không quân. Không ảnh đá Chữ Thập từng được chiếu trên đài truyền hình trung ương Trung Quốc, do trang Philstar vừa đăng lại ngày 5/1/2018, cho thấy, “một khu căn cứ không quân có diện tích 2,8 km2 trên đảo này. Đường băng được xây trên đá Chữ Thập đủ dài để máy bay ném bom chiến lược H-6K có thể hạ cánh”.


Chính trường Việt Nam đầu năm
Báo Nhân Dân bàn về chặng đường quyết liệt làm trong sạch Đảng. “Chặng đường” ấy dĩ nhiên là chiến dịch “đốt lò” do bác Tổng phát động, để vừa thanh trừng nội bộ bằng hình thức “chống tham nhũng”, vừa hợp thức hóa chuyện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản nắm cả quân đội, công an, các nhánh quyền lực, và công khai tham gia vào hoạt động của Chính phủ.

Tác giả thừa nhận, “ở thời điểm hiện nay, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đang nổi lên như những nguy cơ sát sườn sinh mệnh Đảng”. Hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng đã trở thành nỗi ám ảnh của các lãnh đạo và bộ máy tuyên truyền trong giai đoạn cuối năm 2017, đầu năm 2018.

Sóng chưa lặng ở chính trường Đà Nẵng: “Thành phố đáng sống” có thể chấp nhận một lãnh đạo có nhiều vi phạm hay không? Tác giả nhắc lại lời phát biểu của cử tri Lê Chí Bảy trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 12/12/2017, “Trung ương cần có hướng xử lý nghiêm minh hơn đối với vi phạm của ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng”.

Ông Ngô Văn Sửu, cựu Vụ trưởng Vụ I, cho rằng “hình thức kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền chưa tương xứng/ phù hợp với những vi phạm của ông Thơ và những bê bối của Đà Nẵng thời gian qua”. Hiện tượng “mafia đỏ” Vũ “nhôm” nhiều khả năng có liên quan đến một số lãnh đạo cao nhất ở Đà Nẵng, trong đó có ông Huỳnh Đức Thơ.

Về vấn đề sai phạm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng ở Đông Nam Bộ: Tăng cường thanh, kiểm tra đất quốc phòng. Ngày 6/1/2018, Đảng ủy Quân khu 7 tổ chức hội nghị phiên cuối năm 2017, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Bí thư Đảng ủy quân khu, thừa nhận rằng hoạt động khắc phục sai phạm “trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch thao trường huấn luyện trên địa bàn còn chậm”.


Vụ án “củi mạ nhôm”
Báo Đất Việt đánh giá: Vũ nhôm bị bắt: Không dừng ở ”lộ bí mật nhà nước”. Trao đổi với Đất Việt, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn đề cập những sai phạm khác của Vũ “nhôm” trong vấn đề thao túng đất công ở Đà Nẵng, bên cạnh “hành vi làm lộ bí mật nhà nước mà cơ quan điều tra đã khởi tố”.

Tác giả nhắc lại quan điểm của ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương: “Phan Văn Anh Vũ đã bị bắt thì tất cả những gì liên quan đến cá nhân này phải được làm rõ”, đặc biệt là vấn đề: Thế lực nào đã chống lưng cho Vũ “nhôm”. Ông Hùng cho rằng, Vũ “nhôm” không phải là hiện tượng “mafia đỏ” duy nhất ở chính trường Việt Nam.

Trang VOV đặt câu hỏi: Từ vụ Phan Văn Anh Vũ trốn ra nước ngoài: Lỗ hổng ở đâu? Không chỉ Vũ “nhôm”, Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy đều là những trường hợp “đại gia sai phạm” đã từng trốn được mạng lưới an ninh Việt Nam. Riêng trường hợp Vũ Đình Duy đến nay vẫn chưa rõ tung tích. Tác giả thừa nhận, “những đối tượng này còn trở thành lực cản trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước”.

Nhiều đại biểu Quốc hội từng hỏi thẳng: Tại sao “lực lượng công an tinh nhuệ với những chiến công hiển hách” vẫn để xảy ra “những cuộc ra đi êm ái theo kiểu ‘con voi chui lọt lỗ kim’ để phải phát lệnh truy nã quốc tế”. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng “lỗ hổng” ở đây là điều 21, Nghị định 136 năm 2007 của Chính phủ.

Blogger Hiệu Minh bàn về chuyện Vũ đi Vũ về và kiểm soát quyền lực. Tác giả khẳng định: “Ông Vũ ‘nhôm’ là sản phẩm từ thời TT Dũng và ông Nguyễn Bá Thanh Đà Nẵng, dựa vào thế lực để làm giầu”. Đây là dạng “sản phẩm” được tạo ra trong một môi trường chính trị thiếu những cơ chế giám sát quyền lực hiệu quả.


Vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
Trang Zing có bài tổng hợp: Vì sao ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh phải hầu tòa? Bước ngoặt tạo nên hồi kết cho cả sự nghiệp chính trị của ông Trịnh Xuân Thanh và ông Đinh La Thăng đã bắt đầu từ chuyện “chiếc xe Lexus biển xanh của Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang”. Sau gần 1 năm, an ninh Việt Nam đã tìm cách bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin và đưa về nước.

Ông Dương Thanh Biểu, cựu Phó viện trưởng VKSND Tối cao, từng đánh giá rằng sự kiện Trịnh Xuân Thanh “đầu thú” đã mở ra “những cánh cửa để làm rõ những vấn đề báo chí phản ánh”. Trong vòng nửa năm, từ một “mắt xích” là Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an đã bắt hàng loạt cán bộ, cựu cán cao cấp trong “đường dây PVN”, trong đó có ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV PVN.

Trang Thời Báo đặt câu hỏi: Từ chối không cho bà luật sư Đức của Trịnh Xuân Thanh nhập cảnh vào Việt Nam là chính đáng hay không? Bài viết phản hồi một số ý kiến của độc giả cho rằng, “theo luật pháp thì như vậy là đúng: Công dân Đức được nhập cảnh VN 15 ngày không cần visa nếu vào Việt Nam với mục đích du lịch; còn đi bào chữa, hành nghề luật sư thì phải xin visa mới đúng”.

Câu trả lời nằm ngay trong Thông báo chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức về Quy chế miễn thị thực 15 ngày cho công dân Đức: “Từ ngày 01/07/2017 – 30/06/2018, công dân CHLB Đức, CH Pháp, CH Italy, Vương quốc Tây Ban Nha, Vương quốc Anh và Bắc Ireland được miễn thị thực, không phân biệt loại hộ chiếu và mục đích nhập cảnh”.

Báo Trí Thức Trẻ viết: Trịnh Xuân Thanh: Từ xoay sở với dự án nhiệt điện tỷ đô đến “tiện tay” tham ô bạc tỷ. Tác giả cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng – Quảng Trạch, “ông Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, ông Thanh được ăn chia 4 tỷ đồng và chịu trách nhiệm cùng các đồng phạm trong việc sử dụng chung khoản 1,5 tỷ đồng”.


Đồ họa giải thích ông Đinh La Thăng có sai phạm gì trong dự án 31.000 tỷ


Vụ án Phạm Công Danh, Trầm Bê
Báo VnExpress đưa tin: 70 luật sư tham gia đại án Phạm Công Danh – Trầm Bê. Tòa án nhân dân TP HCM cho biết, sẽ mở phiên xử ông Phạm Công Danh, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và Trầm Bê, cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng Ngân hàng TMCP Thương Tín, cùng 44 người khác về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” vào ngày 8/1/2018.

Trước đó, ông Danh và các đồng phạm đã bị cáo buộc để xảy ra sai phạm “trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của nhà băng này”. Một trong ba luật sư bào chữa cho ông Phạm Công Danh, LS Phan Trung Hoài, đồng thời bào chữa cho ông Đinh La Thăng trong phiên tòa xử vụ PVN diễn ra ngày 8/1/2018.

Báo Người Lao Động bàn về bí mật của ông Trầm Bê trong thương vụ cho vay 1.800 tỉ đồng. Theo tác giả, “ông Trầm Bê đã sử dụng quyền của mình tại Sacombank chỉ đạo cấp dưới cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỉ đồng gây thiệt hại nghiêm trọng”. “Bí mật” ở đây là Phạm Công Danh đã có mối quan hệ thân thiết với ông Trầm Bê “từ khi ông Bê còn ở Ngân hàng TMCP Phương Nam”.


Đặng Văn Hiến: Bước đường cùng
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Ai đã đẩy bị cáo Hiến đến cảnh khốn cùng? Sau khi TAND tỉnh Đắk Nông tuyên án tử hình Đặng Văn Hiến, dư luận mạng xã hội “đã gọi bị cáo Hiến là người khốn cùng vì bị cáo và nhiều hộ dân khác phạm tội trong hoàn cảnh bị đẩy vào con đường cùng”.

“Người đẩy Hiến vào con đường ấy không ai khác là chính quyền địa phương”. Những cán bộ vừa vô cảm, vừa tắc trách ở địa phương không những không giải quyết được tranh chấp đất đai, mà còn hỗ trợ cho hành động chiếm đất của bảo vệ Công ty Long Sơn, đẩy những người nông dân như ông Đặng Văn Hiến vào hoàn cảnh phải nổ súng để bảo vệ đất.

Trang Luật Khoa có bài: Hoa Kỳ: Công dân có quyền giết người để bảo vệ đất đai và nơi cư trú. Lãnh đạo Việt Nam thường tự hào rằng, “dân chủ nước ta cao gấp vạn lần dân chủ tư sản”, nhưng tòa án Việt Nam đã kết án tử hình người nông dân bị lực lượng cưỡng chế đất đẩy vào đường cùng. Trong khi đó, “quyền được dùng vũ khí sát thương để bảo vệ tính mạng, đất đai, hoặc nơi cư trú của công dân, đều được các tiểu bang Hoa Kỳ cho phép”.

Blog VOA có bài của nhà báo Trân Văn: Từ vụ Đắk Nông: Nghiêm mà không minh chỉ là bạo ngược. Sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương trong vụ nông dân nổ súng giữ đất là “hệ thống công quyền ở tỉnh Đắk Nông, bao gồm cả công an từ xã đến tỉnh giả câm và giả điếc trong tất cả các đợt cưỡng chế – thu hồi đất mà Công ty Long Sơn thực hiện”, người dân Quảng Đức chỉ còn cách “tự vũ trang với súng tự chế”.

“Hệ thống công quyền từ Đắk Nông đến Hà Nội chỉ chuyển động sau khi có 3 người chết, 13 người bị thương”. Tuy nhiên, lúc đầu, hệ thống này chỉ biết tính chuyện trừng phạt những người nông dân buộc phải nổ súng trước lực lượng cưỡng chế đất. “Phải đến khi dư luận thành bão, hệ thống này mới chĩa mũi dùi vào Công ty Long Sơn”.


Nhân quyền ở Việt Nam
VOA ghi nhận: Quan điểm bất đồng bị ‘đàn áp chưa từng thấy’ ở VN trong năm 2017. Liên đoàn Quốc tế vì Nhân quyền (FIDH) và tổ chức thành viên của họ, Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam (VCHR), cho rằng, trong năm 2017, “nhà chức trách Việt Nam đã tùy tiện câu lưu hoặc bỏ tù ít nhất 46 nhà hoạt động và những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có bảy người phụ nữ”, chỉ vì những người này muốn “thực thi quyền tự do biểu đạt và tự do tụ tập ôn hòa”.

Về một loạt phiên tòa xử người đấu tranh và người bất đồng chính kiến diễn ra chỉ trong tháng cuối năm 2017, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR, bình luận: “Cuộc đàn áp tăng tốc của Việt Nam vào cuối tháng 12 được hoạch định một cách chiến lược để trùng thời điểm với những thứ gây phân tâm trong dịp lễ cuối năm”.

Mời đọc thêm: Có nên hợp tác với cơ quan an ninh?(VNTB/TD).

Lại chuyện tăng thuế
Báo Thanh Niên đưa tin: Hàng triệu người ảnh hưởng vì cách tính thuế mới. Bộ Tài chính đã hoàn tất quá trình lấy ý kiến các bộ, ngành và địa phương về dự thảo mới nhất sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cùng với 4 luật thuế khác, hiện đang được Bộ Tư pháp thẩm định. “Trong năm 2018 sẽ trình Chính phủ và Quốc hội cho ý kiến thông qua”.

Về dự thảo sửa đổi luật Thuế TNCN, Bộ VH-TT-DL cho rằng, “tại bậc 2, gộp thu nhập tính thuế trong khoảng từ trên 10 triệu đồng/tháng đến 30 triệu đồng/tháng (cách nhau 20 triệu đồng) cùng chịu chung mức thuế suất 15% là bất hợp lý”. Thanh tra Chính phủ đánh giá, “dự thảo giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc làm cho chênh lệch phần thu nhập tính thuế rất lớn,…  là chưa hợp lý”.


Xăng tăng giá
Facebooker Bùi Văn Thuận bàn về chuyện của xăng. Về chuyện xăng RON 92 đã bị cấm bán, xăng RON 95 đang tăng giá, tác giả bình luận: “Cả hai việc này đều nhằm mục đích: Hoặc phải móc thêm nhiều tiền cống nạp để đổ RON 95 an toàn; hoặc đổ xăng E5 (chưa kiểm chứng về an toàn) nhằm cứu các nhà máy ethanol nghìn tỷ công nghệ Tàu đang đắp chiếu, bù lỗ”.

Chuyện sử dụng xăng E5 lại tiềm ẩn nhiều rủi ro với người dân, vì: “Cồn (ethanol) pha xăng ở Việt Nam chủ yếu được sản xuất với công nghệ Trung Quốc”“Cồn là chất ưu nước và hòa tan rất tốt trong nước, do đó nguy cơ xăng E5 hút nước từ không khí, khi lụt lội, rửa xe là dễ xảy ra. Nếu có nước trong xăng thì động cơ cũng nhanh vứt lắm”.



Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
VOA đưa tin, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia rời chức. Ông Mike Rogers, Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia của Mỹ vừa lên kế hoạch nghỉ hưu trong mùa xuân năm nay. Hiện Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ chưa ra bình luận hay xác nhận tin này.

Báo CATP dẫn nguồn từ CNN, cho biết: FBI tiến hành điều tra Quỹ Clinton. Mục đích là nhắm đến các khoản tiền trao tặng có hợp pháp hay không. Bà Clinton cũng sẽ bị điều tra liên quan đến đến quỹ này, với những “tác động” khi bà còn là Ngoại trưởng. Người phát ngôn của quỹ Clinton đã bác bỏ những cáo buộc này.

Báo Thanh Niên có bài: Tổng thống Trump muốn bao nhiêu tiền để xây tường ngăn Mexico với Mỹ? Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ đề xuất Quốc hội Mỹ chi 18 tỷ USD trong thời gian 10 năm tới. Số tiền này nhằm xây hơn 500 km tường biên giới mới và sửa chữa gần 700 km những đoạn tường khác, dọc biên giới với Mexico. Kèm theo đó là đề xuất 15 tỷ USD cho máy móc và vận hành “bức tường” trong 10 năm đó.

Dư luận Mỹ đang bàn tán xôn xao về việc cuốn sách “Lửa và cuồng nộ: bên trong Nhà Trắng của ông Trump”. Nội dung sách có nhiều cuộc tranh cãi về việc Tổng thống Mỹ D. Trump bất ổn tâm thần. Báo chí, các cơ quan truyền thông, giáo sư chuyên về hành vi và cả giới chức ngoại giao cũng tham gia vào cuộc tranh cãi hấp dẫn này.

Khác hẳn các quốc gia độc tài, nơi mà sức khỏe hay tài sản của quan chức cấp cao là “bí mật quốc gia”, nước Mỹ coi các tranh luận về chuyện ông Trump bị nghi ngờ là tâm thần thì rất bình thường và công khai. Ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng Mỹ vẫn không nghi ngờ sức khỏe tâm thần ông Trump. Ông Tillerson nói: “Tôi chưa bao giờ thắc mắc về sức khỏe tâm thần của Tổng thống. Tôi không có lý do nào để thắc mắc về sức khỏe tâm thần của ông ấy”.


Bá quyền Trung Quốc
Theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc bắt đầu đóng tàu sân bay quân sự thứ ba. Báo South China Morning Post cho biết, “hồi tháng 3/2017, nhà máy đóng tàu Thượng Hải được phê duyệt bắt đầu xây dựng tàu mới (chiếc thứ 3) sau phiên họp hàng năm của Quốc hội Trung Quốc“.

Thông tin trên báo Giao Thông cho biết, năm ngoái Trung Quốc đã đóng mới 1 tàu sân bay, đó là chiếc tàu Trung Quốc tự đóng. Dự tính trong năm nay chiếc thứ 2 này sẽ đi vào hoạt động. Hiện vẫn chưa có thông tin khi nào thì tàu sân bay thứ 3 do Trung Quốc tự đóng này đi vào hoạt động.

Bài viết có đoạn: “Trung Quốc đang cố gắng để thành lập một hạm đội có khả năng hoạt động và gây ảnh hưởng tại đại dương thế giới để đảm bảo an ninh của mình”. 

Như tin đã đưa, nhiều quốc gia nghi ngờ Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự ở Pakistan. Trang Soha có bài phân tích sâu hơn về vấn đề này với tựa đề: Xây dựng căn cứ mới ở Pakistan, Trung Quốc muốn “độc chiếm” vùng Nam Á?Theo bài viết, Trung Quốc sẽ xây dựng tại Gwadar, phía Nam Pakistan một căn cứ quân sự cách biên giới Iran khoảng 80 km.

Nhà phân tích quân sự người Trung Quốc, ông Zhou Chenming cho biết, “Trung Quốc cần thiết lập một căn cứ quân sự tại Gwadar (Pakistan) để hỗ trợ các tàu chiến, bởi Gwadar hiện nay là một cảng dân sự, nó sẽ không thể hỗ trợ bảo dưỡng cho các tàu chiến của Trung Quốc”. Ấn Độ đang theo dõi rất sát hành động này vì lo ngại sự bành trướng của Bắc Kinh sẽ là mối đe dọa an ninh với New Delhi.

Các vấn đề Trung Đông – Iran
Liên quan đến căng thẳng ở Trung Đông, và mới đây là chuyện Mỹ dọa cắt viện trợ cho Palestine, có vẻ Mỹ chưa muốn dừng lại khi hôm nay bất ngờ rộ tin Mỹ “ra đòn” với Palestine xuất hiện trên báo chí.

Theo đó, Mỹ đã đóng băng tài khoản trị trá 125 triệu USD tài trợ cho LHQ để cứu trợ người tị nạn Palestine. Một quan chức giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết “vẫn chưa có quyết định cuối cùng” về số phận khoản tiền này.

Ngày 5/1, hai tổ chức Hồi giáo là Hamas và Jihad đưa ra lời kêu gọi PLO rút lại sự công nhận Israel. Hamas kêu gọi “Chính quyền Dân tộc Palestine nên dừng hợp tác an ninh với Israel”, còn Jihad cứng rắn hơn khi “kêu gọi một cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel trên các vùng lãnh thổ của người Palestine“.

Trong cuộc họp mới đây, Nga, Mỹ bất đồng nghiêm trọng tại Hội đồng Bảo an về tình hình IranTrong cuộc họp khẩn mới đây của HĐBA về tình hình Iran, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cho rằng “những cuộc biểu tình cả chống và ủng hộ chính phủ kéo dài 1 tuần qua tại Iran có thể biến thành một cuộc xung đột toàn diện, giống như ở Syria“.

Đại sứ Nga tại LHQ, Vassily Nebenzia cảnh báo LHQ “chớ nên can thiệp vào các vấn đề của Iran“. Ông cũng nhấn mạnh thêm “cuộc họp khẩn của HĐBA là âm mưu nhằm lợi dụng tình hình rối ren tại Iran để phá hỏng thỏa thuận hạt nhân Iran”.


Tình hình Triều Tiên
Dân Việt có bài: Phát hiện hình ảnh lạ ở Triều TiênBài viết cung cấp “bằng chứng mạnh mẽ cho thấy một tên lửa mới đang được xếp hàng tại Sohae, một điểm xuất phát của Triều Tiên“. Những hình ảnh này cho thấy, Bắc Hàn đang chuẩn bị phóng vệ tinh mới để quan sát Trái đất.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố: Mỹ vẫn để ngỏ giải pháp quân sự với Triều Tiên. Ông Tillerson nhấn mạnh: “Tôi nghĩ Triều Tiên hiểu mục tiêu của chúng tôi và của Tổng thống Trump rất rõ ràng. Để đạt được phi hạt nhân hóa thông qua các nỗ lực ngoại giao vẫn cần hậu thuẫn bằng giải pháp quân sự mạnh mẽ nếu cần thiết. Nhưng đó không phải là lựa chọn đầu tiên“.










No comments:

Post a Comment