Wednesday, October 25, 2017

LỊCH SỬ 'ĐƯỢC LÀM VUA, THUA LÀM GIẶC' (Triều Giang)




Triều Giang
October 20, 2017

Trong hai Tháng Tám và Tháng Chín vừa qua, cộng đồng người Việt khắp nơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, dư luận sôi nổi vì phim The Vietnam War do truyền hình PBS sản xuất, đồng đạo diễn bởi hai nhà làm phim tài liệu nổi tiếng vào bậc nhất tại Hoa Kỳ hiện tại, ông Ken Burns và bà Lynn Novick.

Hầu hết mọi người Mỹ Gốc Việt sau khi xem phim The Vietnam War không khỏi buồn phiền, tức giận vì sự sai, sót, thiên vị và chủ đích nhằm rửa mặt cho sự hèn nhát và sai lầm của phe phản chiến được cổ xúy và hỗ trợ nhiệt tình của Hệ Thống Truyền Hình PBS, một hệ thống truyền thông đã đóng vai trò quan trọng trong việc thất thủ của miền Nam, Việt Nam. Là một trong những vai chính trong cuộc chiến tranh nhưng phim The Vietnam War chỉ dành cho Việt Nam Cộng Hòa một chỗ đứng mờ nhạt của một vai phụ để rồi họ đã không được nói lên tiếng nói của mình; vì sao họ phải chiến đấu trong cuộc chiến tranh khốc liệt máu lửa trên 20 năm, vì sao họ phải buông súng, và những gì đã xảy ra cho họ và gia đình họ trong suốt cuộc chiến tranh, nhất là sau khi cuộc chiến chấm dứt?

Để phản bác lại, đã có nhiều bài viết được đăng trên các báo giấy, báo điện tử, trên Internet, và nhiều ý kiến được nêu lên tại các buổi thảo luận do PBS tổ chức tại nhiều thành phố trên khắp nước Mỹ trước và sau khi phim The Vietnam War được chính thức chiếu vào trung tuần Tháng Chín vừa qua. Những ý kiến phản bác bằng cả hai thứ tiếng Việt và Anh đã được người Nam Việt Nam và cả cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến tại Việt Nam, từng phải hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến qua những bài tranh luận sâu sắc và giá trị, với những chứng cứ rõ ràng từ kinh nghiệm sống, từ tài liệu đã được giải mật của thư khố quốc gia, Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ, và từ những thư khố của các đơn vi quân đội của Hoa Kỳ để vạch rõ những sai sót, một chiều của cuốn phim dài 18 tiếng, tốn kém đến $30 triệu, 10 năm làm việc của hằng trăm người và một chương trình quảng bá sâu rộng, ồn ào vào bậc nhất của hệ thống truyền hình PBS trong những tháng ngày qua.

Thế nhưng, những cuộc tranh luận dù sôi nổi đến đâu cũng sẽ có ngày lắng xuống và dần quên đi theo năm tháng. Cái còn lại là cuốn phim đồ sộ này vẫn sẽ còn đó, mãi mãi để cùng với những cuốn phim tài liệu đồ sộ về sự tốn kém cũng như chiều dài của nó như phim Vietnam Ten Thousand Day War gồm 26 phân đoạn, dài 13 tiếng do nhà báo phản chiến gốc Canada, Michael Maclear đạo diễn và nhà báo Peter Arnett viết truyện phim (1980), hay phim Vietnam, A History Television dài 13 tiếng gồm 13 phân đoạn do hệ thống PBS WGBH-TV in Boston sản xuất, với bốn đạo diễn: Judith Vecchione, Austin Hoyt, Martin Smith, Bruce Palling và tám người viết truyện phim: Martin Smith, Elizabeth Deane, Richard Ellison, Marilyn Mellowes, Bruce Palling, Judith Vecchione và Austin Hoyt (1983). Năm 1997 phim này được cắt xén cón lại 11 giờ với 11 phân đoạn được cho chiếu lại trên hệ thống PBS và được liệt kê vào danh mục phim nói về kinh nghiệm của người Mỹ (American Experiences), Cuốn phim này được quảng bá là cuốn phim tài liệu thành công nhất của PBS với ước lượng 9% tổng số các nóc gia xem với số lượng 9.7 triệu người. Cả hai phim kể trên làm nền tảng cho cuốn sách “Vietnam, A History” của Stanley Karnow trở thành sách bán chạy nhất trong năm 2004.

Những văn hóa phẩm phim ảnh, sách báo kể trên đều có liên quan đến hệ thống truyền hình PBS mà quan điểm chống chiến tranh Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua đã không hề thay đổi; quan điểm cho rằng Hoa Kỳ đã sai lầm trong việc “xâm lăng” (invade) Việt Nam, thay thế Pháp để phải tốn kém hàng nhiều trăm tỷ đô la và nhất là tổn thất trên 58,000 sinh mạng của người Mỹ để ủng hộ cho phe ác (wrong side – ý chỉ miền Nam Việt Nam). Lý do Mỹ và miền Nam thua là vì Quân đội Nam Việt Nam hèn nhát, không chịu chiến đấu, chính phủ Nam Việt Nam thối nát, lính Mỹ vào Việt Nam thì hiếp phụ nữ, giết trẻ con… Luận điệu này được đóng góp thêm bởi hàng trăm những cuốn sách được viết bởi những tác giả phản chiến, xin đơn cử một vài tác giả như Frances Fitzgerald (Fire In The Lake, 1972), Neil Sheehan ( A Bright Shining Lie, 1988), Marylyn B. Young (The Vietnam War, 1945-1990), Gerald Nicosia (Home To War, 2004)… Đặc biệt luận điệu này còn được phụ họa bởi một số chính trị gia còn có những ảnh hưởng trong chính trường đương đại như cựu bộ trưởng Ngoại Giao John Kerry, Bob Kerry, Henry Kissinger…

Tất nhiên, không phải các tác giả nào cũng thuộc phe phản chiến, một số cuốn sách có giá trị phản ánh sự thật viết bởi các tác giả nổi tiếng, với công tâm và nghiên cứu kỹ lưỡng như Giáo Sư Tiến Sĩ Lewis Sorley (A Better War, 1999), Giáo Sư Tiến Sĩ Robert F. Turner (Vietnamese Communism, Its Origin and Development, 1975), James E. Parker Jr. (Last Man Out, 2000 & Vietnam War and Its Ownself, 2015), và một số tác giả gốc Việt viết sách bằng tiếng Anh như Cựu Đại Sứ Bùi Diễm (In the Jaws of History, 1999), Trương Như Tảng (A Viet Cong Memoir, 1986), Yung Krall (A Thousand Tears Falling, 2011), Lan Cao (The Lotus and The Storm, 2015)… nhưng con số này còn tương đối ít ỏi. Riêng về phim tài liệu bằng tiếng Anh thì ngoài cuốn phim VIETNAMERICA (2015) của Hội Bảo Tồn Lịch Sử và Văn Hóa Người Mỹ Gốc Việt (VAHF) và phim tài liệu có diễn xuất Ride The Thunder (2015) do Koster Films, LLC sản xuất, chúng ta cũng có phim Journey To The Fall của đạo diễn Trần Hàm, nhưng phim được làm theo thể loại phim truyện, dù là làm dựa theo truyện thật nhưng vẫn được xem như có hư cấu nên việc dùng vào sách giáo khoa sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn lại thì hầu như không có cuốn nào khác có tầm cỡ được chiếu tại các rạp.

Nhìn vào cuộc diện trên, chúng ta tự đặt câu hỏi: liệu chúng ta có thể làm gì để có thể thay đổi? Để trả lại sự thật cho lịch sử? Để nói lên chính nghĩa của miền Nam Việt Nam và nhất là nói lên lời công đạo cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và hơn 2 triệu người lính Mỹ đã tham chiến, hy sinh để bảo vệ tự do cho miền Nam Việt Nam? Để cho nhiều triệu người phải bỏ mạng trong cuộc chiến tranh khỏi phải chết vô nghĩa, và nhất là để con cháu chúng ta khỏi phải cúi mặt tủi hổ mỗi khi học về lịch sử chiến tranh Việt Nam?

Cộng đồng người Việt hải ngoại và nhất là tại Hoa Kỳ đã sống trong thế giới tự do này tuy chưa lâu như một số cộng đồng khác, nhưng cũng đủ dài để chúng ta hiểu được rằng chúng ta có thể làm bất kỳ chuyện gì mà chúng ta muốn, trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Vì thế, việc viết sách, làm phim tài liệu có liên quan đến chiến tranh Việt Nam bằng tiếng Anh để nói lên sự thật, để không phải chấp nhận cảnh “được làm vua, thua làm giặc” là điều chúng ta cần làm và phải làm.

Một điều may mắn là dù dư luận bị hỏa mù bởi nhóm phản chiến, nhưng vẫn có những người có công tâm nếu chúng ta trình bày câu chuyện của chúng ta với chứng cớ, với lý luận vững chắc, với công tâm, vấn đề vẫn được chấp nhận và đón nhận. Lấy ví dụ của cuốn phim VIETNAMERICA đã ra mắt khán giả hơn 2 năm qua, đi trình chiếu gần 20 thành phố tại Hoa Kỳ và Canada và được sự bảo trở của Cộng Đồng Người Việt Liên Bang Úc Châu, hội VAHF đang chuẩn bị một Tour trình chiếu vào đầu tháng 12, 2017 tại 7 thành phố tại Úc Châu và New Zealand; qua các thành phố Victoria, Melbourne, Adelaide, Sydney, Wollongong, Brisbane và Auckland, New Zealand. Cuốn phim cũng đã được chọn trình chiếu tại Viện Bảo Tàng Truyền Thông Hoa Kỳ là cơ quan cao quý nhất của truyền thông Hoa Kỳ và cả thế giới vào Tháng Mười, 2015.

Nội trong hai Tháng Tám và Tháng Chín, 2017 vừa qua, dư luận sôi nổi đổ dồn vào phim The Vietnam War, thì phim VIETNAMERICA cũng đã đón nhận được một số thành quả đáng kể như đầu Tháng Tám, phim được chọn trình chiếu tại Quốc Hội Hoa Kỳ đi kèm với một buổi Thảo luận với các diễn giả nổi tiếng như Lewis Sorley, Robert F. Turner, khoa học gia Dương Nguyệt Ánh, nhà sản xuất Nancy Bùi, Bác sĩ Cựu Đại tá Không Quân Mylene Huỳnh, Charlie Quý Tôn, CEO của Regal Nails và một cuộc triển lãm tranh của nhiều họa sĩ Mỹ Gốc Việt danh tiếng như Ann Phong, Vũ Hối, CHÓE…

Cùng trong Tháng Chín, 2017, phim VIETNAMERICA được chính thức phát hành vào hệ thống thư viện Hoa Kỳ và được đánh giá bởi nhà phát hành The AVCafe’ là phim đứng vào hạng đầu của loại phim tài liệu năm 2017 của Thư Viện “The 2017 Best Librarians Documentaries.”

Tờ Library Journal’s số ra ngày September 1st, 2017 đã trân trọng giới thiệu tới độc giả với nhận xét: “Câu chuyện (phim VIETNAMERICA) tuyệt vời này sẽ giúp khán giả hiểu biết và mang ơn vấn đề của người tị nạn, điều mà số báo này đặc biệt đặt trọng tâm vào.”

Riêng tờ Video Librarians phát hành vào Tháng Chín đã cho điểm phim VIETNAMERICA ngang hàng “Highly Recommended” với phim The Vietnam War của Ken Burns và Lynn Novick cũng được điểm phim trong cùng số báo.

Chúng tôi cũng được biết hội VAHF đã phỏng vấn trên 700 nhân vật Mỹ Việt liên hệ đến cuộc chiến và người tị nạn Việt Nam. Dự định ban đầu của hội là làm một bộ phim dài 10 tiếng, 6 tập nhưng vì không đủ ngân quỹ nên gói gọn vào 90 phút thành phim VIETNAMERICA và đặt trọng tâm vào lý do của cuộc chiến và tị nạn, cùng hành trình gian khổ tìm tự do để giới trẻ hiểu được nguồn gốc tị nạn của mình và phải tạm gác những phần quan trọng khác. Hiện hội đã và đang đưa những cuộc phỏng vấn vào thư khố điện tử để giới thiệu tới các đại học qua địa chỉ: http://vietdiasporastories.omeka.net/ .

Từ những tài liệu có được, việc thực hiện một bộ phim tài liệu có tầm vóc để đưa vào dòng chính về chiến tranh Việt Nam và hậu chiến tranh sẽ chỉ còn là ngân quỹ. So sánh ngân quỹ $350,000 để thực hiện cuốn phim VIETNAMERICA được người Mỹ đánh giá không thua gì phim The Vietnam War với kinh phí trên $30 triệu thì ngân quỹ cần thiết để hoàn tất VIETNAMERICA toàn tập sẽ chỉ là một con số thật khiêm nhường mà theo thiển ý của chúng tôi, cộng đồng người Việt hải ngoại của chúng ta sẽ đủ sức để hoàn thành. Khi đó, khi các nhà sử học nói đến chiến tranh Việt Nam, họ có thêm tài liệu để có thể nghe tiếng nói về phía chúng ta để chúng ta không còn phải sống với lời than vãn “Được làm vua, thua làm giặc!”

Cha ông của chúng ta vẫn dạy rằng” Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.” Chúng ta muốn để tiếng như thế nào về thế hệ của chúng ta trong những bài học lịch sử lưu truyền cho con cháu chúng ta?

Người Mỹ vẫn có câu nói mà chúng ta cần học; đó là “Don’t get mad, get even.” Tạm địch là “Đừng tức giận, hãy lấy lại công bằng!” Nếu người Việt chúng ta quyết tâm làm được điều này thì con cháu chúng ta sẽ không phải cúi mặt trước những bài học lịch sử mà thế hệ chúng ta lưu truyền lại. Và chúng ta phải làm ngay bây giờ vì những nhân chứng lịch sử cả người Việt lẫn người Mỹ đang ở lứa tuổi trên 60 trở lên, họ sẽ không còn nhiều thời gian để chờ đợi chúng ta. (Triều Giang)



-------------------------------------------------------------

VÀI NÉT về TRIỀU GIANG NANCY BÙI

18-10-2017


14-5-2015




















No comments:

Post a Comment