Wednesday, October 25, 2017

TÔI THƯƠNG ANH RAMON (Nguyễn Đạt Thịnh)




Nguyễn Đạt Thịnh
Monday, 23/10/2017

Hôm thứ Năm, 19 tháng 10 tuần qua, trong bài diễn văn đọc tại viện nghiên cứu chính sách, của tổ chức George W. Bush Institute, Nữu Ước, Tổng Thống George W. Bush nói, “I love you Ramon, thank you very much for being here.” (Anh Ramon, tôi thương anh; cảm ơn thật nhiều vì anh đã đến đây). Ramon đến nghe bài diễn văn của Tổng Thống Bush nói về anh, bênh vực anh và những thương phế binh khác -những người đã để lại một phần thân xác họ trên chiến địa do chính ông Bush tạo ra.

Cựu Tổng Thống Bush nói, “Anh Ramon, tôi thương anh.”

Hình Ramon đứng bên ngoài Ngũ Giác Đài, chỗ hàng ngày anh làm việc.

Ramon Padilla bị thương nặng trên chiến trường A Phú Hãn- nặng đến mức phải cưa một phần cánh tay trái; anh là một trong vài chục ngàn nạn nhân của cuộc chiến tranh chống khủng bố mà Tổng Thống Bush là người phát động và chỉ huy.

Nhiều nhà bình luận Mỹ và các quốc tịch khác đã chỉ trích cuộc chiến tranh đó là “không cần thiết” và tai hại cho Hoa Kỳ. Trong số những người viết báo Việt ngữ tại Hoa Kỳ, tôi có góp một tiếng nói nho nhỏ lên án cuộc chiến tranh; trong những năm đó có một cô chủ bút bảo tôi, “Coi chừng; nhiều độc giả gọi anh là nhà dân chủ fana (tên cuồng tín dân chủ) rồi đấy.”

Lời chỉ trích đó có ưng, mà cũng có oan. Oan là sau vô khối cái nón cối, tôi được những người không ưa tôi chụp cho cái mũ “dân chủ fanatic,” trong lúc chưa bao giờ tôi ghi danh để trở thành đảng viên Dân Chủ.

Tôi còn nhớ đại để tôi chỉ trích việc Tổng Thống Bush treo cổ nhà độc tài Saddam Hussein để xây dựng dân chủ cho Iraq, và viết là người Mỹ đã làm việc “xây dựng quốc gia” hộ người khác tại VN và đã thất bại vì họ không biết cách làm.

Họ tưởng muốn cho người VN cũng được tự do, cũng hưởng dân chủ như người Mỹ, họ chỉ cần du nhập những sinh hoạt chính trị của Mỹ sang VN; họ đã nhái lại gần giống như vậy để chỉ tạo ra những chính khách nịnh bợ Mỹ, và tạo cho Việt Cộng cái chính nghĩa “đánh Mỹ, cứu nước.”

Sự thật giản dị là không người nào -dù người Nga, người Pháp, hay người Đức- giúp người Mỹ viết ra Hiến Pháp Mỹ được; sự thật đơn giản đó, người Mỹ cũng không hiểu. Họ giúp người Việt từ A đến Z, họ tự tay làm mọi việc -từ quân sự, đến chính trị, kinh tế, ... kể cả việc chọn cho người VN một vị lãnh tụ.
Tổng Thống Ngô Đình Diệm bảo họ làm sai, họ giết ông để không còn ai chống lại những sai lầm của họ. Họ đã trả giá rất đắt cho những sai lầm đó, trả bằng sinh mạng lính Mỹ, lính VN, cuối cùng bại trận, họ đã bán đứng đồng minh VN trong lúc tháo chạy.

Cho đến ngày 19 tháng Ba, 2003 -ngày ông Bush xua 177,194 chiến sĩ Mỹ và đồng minh vào cuộc tấn chiếm Iraq- vị tổng thống -tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ- lại tái phạm lỗi lầm “xây dựng quốc gia” cho người Iraq; lỗi mà ông Bush chưa kịp hiểu lỗi chỗ nào, hỏng chỗ nào.

Trung Sĩ Nhất Ramon Padilla không chết như gần 60,000 người lính Mỹ đang ngồi buồn trên “bia đá đen” Việt Nam; không lên bia, anh lên bìa quyển sách của tác giả George W. Bush -quyển “Chân Dung Của Can Đảm, Sự Dâng Hiến Của Một Tổng Tư Lệnh Dành Cho Những Chiến Sĩ Hoa Kỳ.”

Mới xuất bản, quyển sách đang được nồng nhiệt đón nhận; họa sĩ chính là cựu Tổng Thống Bush. Ông vẽ chân dung 66 thương phế binh, và bốn bức tranh treo tường, căn cứ trên hình chụp của 98 cựu chiến binh đã trở thành tàn phế trong lúc tham dự cuộc chiến Trung Đông.

Bìa sách là chân dung bảy cựu chiến binh -Trung Sĩ Nhất Ramon Padilla, Trung Sĩ Daniel Casara, Hạ Sĩ Timothy John Lang, Trung Sĩ Nhất Michael R. Rodriguez, Trung Sĩ Leslie Zimmerman, Trung Sĩ Michael Joseph Leonard Politowicz và Trung Tá Kent Graham Solheim -theo thứ tự từ trái qua phải, và từ trên xuống dưới. 

Ảnh bìa quyển “Chân Dung Của Can Đảm”

Vợ chồng anh Ramon Padilla chụp với cựu Tổng Thống Bush trên sân golf.

Ngày đó -chín, mười năm trước- tôi chỉ trích Tổng Thống Bush về cuộc chiến tranh khiếp đảm nhất trong lịch sử Hoa Kỳ mà ông tạo ra; mặc dù cuộc chiến tranh đó -cuộc chiến chống khủng bố Hồi Giáo- không tổn thất đến 407,316 tử sĩ như quân đội Hoa Kỳ đã tổn thất trong Thế Chiến Thứ Nhì, không gây bất đồng trong cảm quan của người Mỹ, như cuộc chiến VN; nhưng cuộc tấn công Iraq là hành động không cần thiết, và việc treo cổ nhà độc tài Saddam Hussein là một sai lầm tai hại. Mặc dù tàn bạo, nhưng Saddam là tảng đá chặn cửa hang hùm, là cái nút bít kín bầu hồ lô nhốt bọn ác quỷ khủng bố. Vứt cái nút đi, Bush thả ác quỷ ra tàn phá thế giới. Đại họa đó chưa biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ.

Góc nhìn mới của Bush -yêu thương, quý trọng những quân nhân đã xả thân bảo vệ đất nước Hoa Kỳ- đang tạo cảm kích cho mọi người; ông còn đi xa hơn nữa trong bài diễn văn đọc ngày thứ Năm; ông nói, “Thái độ hẹp hòi, cố chấp đang được khuyến khích, khiến sinh hoạt chính trị bị ảnh hưởng bởi những giả thuyết mưu đồ.”

Ông không gọi đích danh, nhưng rõ ràng là ông chỉ trích chính sách hiện tại của tổng thống Trump.
Câu Bush nói “I love you, Ramon” vô cùng giản dị nếu Ramon không là một phế binh, và không là người gốc Nam Mỹ -những đối tượng của chính sách bài di dân hiện đang diễn ra.

Thành phần quan trọng thương binh, tử sĩ trên mọi chiến trường đều là người gốc Phi Châu, gốc Mễ, khiến tổng tư lệnh Bush có một góc nhìn khác về người lính Mỹ, và về giá trị “hiệp chủng” của Hoa Kỳ.
Ông nói, "Phải ý thức được lý tưởng Dân Chủ của Hoa Kỳ; Dân Chủ là chân tướng của chúng ta; mất Dân Chủ là chúng ta mất lý lịch."

Bush thương anh Ramon, thương cái dân tộc Mỹ có Ramon và những người di dân khác đã trở thành công dân Mỹ; ông cũng chỉ trích những độc ác, những cố chấp đang làm xấu đi những nét đẹp dân chủ, yêu thương, nhân đạo, ... của người Mỹ.

Trước Bush vài ngày, Nghị Sĩ John McCain cũng đã chỉ trích như vậy, và Tổng Thống Trump cảnh cáo ông McCain là nên giới hạn ngôn ngữ, nếu không tổng thống sẽ phải trả lời.

Cả ba vị -McCain, Bush, và Trump- đều là những nhân vật nòng cốt của đảng Cộng Hòa; vị nào đại diện cho lý tưởng Cộng Hòa? Và lý tưởng đó có ngăn cấm anh Ramon yêu nước Mỹ, rồi trở thành công dân Mỹ vì chiến đấu bảo vệ sự tồn tại của Hoa Kỳ và của những giá trị Hoa Kỳ -như nhân bản, dân chủ, tự do, ... không?







No comments:

Post a Comment