Monday, October 3, 2016

NHỮNG GÌ CÒN LẠI SAU CUỘC BIỂU TÌNH CHỐNG FORMOSA (Mặc Lâm - RFA)




Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-10-03
.
Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh.
 Citizen photo

Không có bạo động

Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. Không một vết thương, không một tì vết nào sau khi cuộc biểu tình kết thúc, tuy nhiên cuộc biểu tình này có thực sự đóng lại hay chưa khi nguyện vọng của người dân không được một cấp chính quyền nào chính thức trách nhiệm giải quyết?

Sau năm 1975 có lẽ cuộc biểu tình sớm nhất vào ngày 9 tháng 12 năm 2007 có hàng trăm người biểu tình ôn hòa ở Hà Nội và Sài Gòn phản đối việc Trung Quốc lập thành phố hành chính cấp huyện Tam Sa nhằm quản lý quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa và Trường Sa.

Những cuộc biểu tình sau đó tuy có lý do chống Trung Quốc nhưng lại bị chính quyền thẳng tay đàn áp. Có người vào tù, có người bị sách nhiễu liên tục trong nhiều năm và từ đó tranh cãi diễn ra trong việc có nên thông qua luật biểu tình hay không tại diễn đàn quốc hội vẫn nhắc nhở người dân rằng biểu tình không được nhà nước hoan nghênh dù bất cứ lý do gì.

Các cuộc biểu tình có khi chỉ vài người dân oan đòi đất, lâu lắm mới quy tụ hơn ngàn người chống Trung Quốc nhưng cứ mỗi lần xảy ra biểu tình thì hầu như bắt bớ, đánh đập diễn ra không ngừng. Đây là lý do khiến người dân cả nước ngạc nhiên khi cuộc biểu tình của giáo dân hạt Kỳ Anh diễn ra tại hai cổng ra vào khu công nghiệp liên hợp Formosa tập trung hơn 10 ngàn người nhưng không có một cuộc bạo động nào.

Cảnh sát cơ động dàn hàng ngang đối diện với người biểu tình nhưng rất im lặng và tự kềm chế có lẽ do đám đông vượt con số mà lực lượng an ninh dự đoán. Những chiếc loa của Formosa bị người biểu tình tháo xuống, hàng chục người leo lên nóc cổng của Formosa cho thấy người dân hoàn toàn làm chủ tình hình. Nhưng chỉ tới mức ấy thì dừng lại, loa phóng thanh của nhà thờ liên tục nhắc nhở không được xông vào công ty Formosa để tránh sự phản công của lực lượng chống biểu tình.

Lúc 11 giờ 45 đoàn người khổng lồ ấy rút lui về nhà giống như khi họ kéo tới. Trước khoảng sân rộng lớn của Formosa không có gì để lại ngoại trừ âm hưởng của nó. Người dân khắp nước theo dõi qua trang mạng xã hội đã đọng lại trong lòng cảm giác vừa phấn khích lẫn hy vọng. Họ nhìn người biểu tình với tấm lòng chia sẻ và trong thâm tâm mọi người biết rằng cuộc biểu tình này vẫn chưa kết thúc bởi những gì nó đòi hỏi được đáp lại bằng một sự im lặng từ chính quyền.

Cuộc biểu tình chống Formosa vào sáng Chủ Nhật 2 tháng 10 năm 2016 quy tụ hơn 10 ngàn người được người dân cả nước xem là một cuộc cách mạng của người dân Kỳ Anh Hà Tĩnh. Citizen photo.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động trong lĩnh vực xã hội dân sự từng bỏ nhiều thời gian, công sức ra tận Kỳ Anh Hà Tĩnh để quan sát và viết nhiều bài viết hiện trạng của người dân tại đây cho biết góc nhìn của anh sau khi cuộc biểu tình kết thúc:

“Tôi nghĩ cuộc biểu tình ngày hôm qua nó không kết thúc mà đôi khi nó mới bắt đầu. Nhiều sự kiện sôi động khác trong thời gian sắp tới cũng theo chiều hướng như thế. Thứ hai nữa là tuy tôi không bất ngờ nhưng rất cảm động khi thấy được rằng đa số người dân tham gia biểu tình tại Kỳ Anh đã giữ được thái độ ôn hòa, các linh mục còn ra sức kêu gọi những người biểu tình tránh tối đa những hành vi bạo lực tránh xô xát, va chạm với phía lục lượng cảnh sát đang ở đấy. Cái điểm này đã làm cho tôi xúc cảm hơn vì trong tình huống như vậy, trong cơn sôi sộng như vậy mà người ta vẫn giữ được hoàn toàn không gây ra bất kỳ thiệt hại nào về người và của cho nhà máy Formosa thì đấy là điều rất đáng quý.”

Sức mạnh của nhân dân

Qua cái nhìn của một cán bộ công an cao cấp từng công tác tại Bộ Công an, Đại tá Nguyễn Đăng Quang cho rằng đây là sức mạnh của nhân dân mà không một thế lực nào có thể kềm giữ nỗi:

“Cuộc biểu tình của bà con giáo dân ở thị xã Kỳ Anh Hà Tĩnh thì tôi cảm nhận được thứ nhất người dân Hà Tĩnh nói riêng và người dân cả nước nói chung thì hình như đã vượt qua nỗi sợ. Họ dám biểu thị cái ý muốn của mình. Thứ hai nữa qua hình ảnh cuộc biểu tình này tôi cảm nhận một điều nữa đó là sức mạnh của quần chúng nhân dân rất vô địch không một thế lực nào, không lực lượng quân đội hay cảnh sát nào có thể ngăn cản được, đấy là hai cảm nhận của tôi sau khi xem những hình ảnh hầu như tường thuật tại chỗ cuộc biểu tình của bà con.”

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cũng từng có mặt tại Đông Yên, Kỳ Anh Hà Tĩnh sau khi thảm họa môi trường do Formosa gây ra đã quan sát cuộc biểu tình này với niềm tin của một người làm báo:

“Cái mà người ta để lại sau khi rút đi là niềm tin của người dân cả nước hướng vào đồng bào Hà Tĩnh, Nghệ An và người ta tin rằng cuộc đấu tranh phải thắng lợi. Vời thái độ, với cư xử như vậy tôi tin cuộc dấu tranh này sẽ thắng lợi với phương pháp bất bạo động như vậy.”

Tuy nhiên người dân vẫn đang để lại những vấn đề cần giải quyết tại nơi họ vừa bỏ đi các nguyện vọng về bồi thường, về giải quyết môi trường, về mơ ước trở lại biển với con thuyền của mình và nhất là buộc Formosa phải ra đi mới thôi.

Anh Nguyễn Anh Tuấn nhận xét thái độ của nhà nước trước các nguyện vọng chính đáng này:
“Nhà nước họ không có thói quen xem xét lại những quyết định của họ và thừa nhận đã mắc sai lầm do đó tôi không nghiên về phương án là họ sẽ xam xét lại phương án bồi thường hay tìm cái hướng giải quyết khác cho Formosa chẳng hạn, tôi thấy phương án đó rất khó xảy ra có thể họ sẽ xử dụng biện pháp nghiệp vụ trong trấn áp đám đông để giữ tình hình ở đó cho nó êm ấm hầu ngăn chặn những cuộc biểu tình tiếp theo sẽ diễn ra.”

Qua cái nhìn của một cán bộ nhiều năm phục vụ trong ngành công an, Đại tá Nguyễn Đăng Quang nhận định:

“Việc phản ứng của chính quyền tôi cho rằng là có thể những người lãnh đạo cấp cao biết trước cái phản kháng của người dân trong vụ việc này sẽ không dừng lại ở đây mà càng ngày càng đông đảo quyết liệt hơn cho nên họ cần rất thận trọng họ sợ rằng nếu họ điều động lực lượng cảnh sát mà đàn áp người dân thì có thể cái sảy nó nảy cái ung cho nên họ tạm thời ngưng lại để nghiên cứu tình hình để ra đối sách.
Thế nhưng ngay sáng hôm nay báo Hà Tĩnh, báo địa phương, tiếng nói của Đàng bộ của tỉnh ủy Hà Tĩnh, đã lên tiếng phê phán và coi những người giáo dân biểu tình hôm qua là những người phá rối trật tự công cộng và có ý đồ xấu. Là những phần tử lôi kéo kích động để chống đối nhà nước, chính quyền. Tôi thấy đây là một tín hiệu cần nghiên cứu theo dõi.”

Bài báo của Hà Tĩnh như lời cảnh báo của ông Nguyễn Đăng Quang cùng với sự kết án người dân từ cơ quan truyền thông quốc gia VOV không giúp mang lại cách giải quyết tốt của chính quyền mà ngược lại hai cơ quan này đang làm sôi thêm cơn sốt của người dân tại đây khi mà sự chịu đựng của họ gần đạt tới lằn ranh của kiên nhẫn.




No comments:

Post a Comment