03.10.2016
Sau khi khoảng 10.000 người biểu tình hôm 2/10 ở Hà
Tĩnh để phản đối việc nhà máy của Formosa gây thảm họa môi trường, Giáo sư Đặng
Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, nhận định với
VOA rằng nhà máy này có thể phải rút đi nếu chịu áp lực từ chính quyền về trách
nhiệm bảo vệ môi trường.
Giáo
sư Võ cho rằng tuy cuộc biểu tình khổng lồ tạo tiếng vang
lớn nhưng không phải là yếu tố quyết định dẫn tới nhà máy Formosa có rút đi hay
không. Ông nói:
“Cái việc rút thì phải là họ quyết định rút đi dưới
cái áp lực rất là mạnh của phía lãnh đạo của Việt Nam ở trung ương cũng như ở địa
phương là yêu cầu giải quyết vấn đề về môi trường, yêu cầu về bảo vệ môi trường
rất là chặt chẽ, theo đúng quy định của pháp luật và theo đúng cam kết của dự
án đầu tư. Chuyện người dân biểu tình cũng không đến mức làm nhà đầu tư quyết định
rút hay không rút, mà câu chuyện nó nằm ở chỗ chính sách của Việt Nam yêu cầu dự
án đầu tư này phải thực hiện vấn đề về môi trường như thế nào”.
Hồi tháng 4, nhà máy của Formosa ở Hà Tĩnh đã xả thải
trái phép gây thảm họa môi trường, làm cá chết hàng loạt dọc 4 tỉnh miền Trung
Việt Nam. Sau đó vài tháng, Formosa đã nhận trách nhiệm và cam kết đền bù 500
triệu đôla cho chính phủ.
Theo vị cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nếu
Formosa theo đuổi phương pháp sản xuất rẻ tiền và không thân thiện với môi trường,
thậm chí “có ý thức gây hại môi trường”, Formosa sẽ “không tồn tại được” ở Việt
Nam.
Ông Võ cho rằng trong trường hợp đó, vì Formosa vi
phạm pháp luật và cam kết trong hợp đồng đầu tư nên phía Việt Nam sẽ không phải
đền bù khi họ rút dự án. Ông nhấn mạnh một sự ra đi như vậy “không ảnh hưởng gì
đến kinh tế của Việt Nam cả”.
Mặc dù vậy, Giáo sư Võ cho rằng còn quá sớm để
nói về sự ra đi của Formosa:
“Cái chuyện Formosa ở lại hay là rút lui, cái điều
này còn phụ thuộc diễn biến tiếp cái tình hình ô nhiễm môi trường do Formosa
gây ra như thế nào và quan điểm và giải quyết của chính phủ Việt Nam về câu
chuyện này như thế nào. Tôi cho rằng về phía chính phủ Việt Nam tôi đã thấy thể
hiện những ý chí rất cương quyết trong việc chúng ta phải đảm bảo vấn đề môi
trường cho Việt Nam. Nếu mà chúng ta nói về giả định không rút, chắc chắn là Việt
Nam phải giám sát câu chuyện môi trường rất là chặt chẽ và không thể để ảnh hưởng
tiếp tục đến người dân, và phải giải quyết tận gốc những cái ô nhiễm môi trường
đã xảy ra trong thời gian vừa qua”.
Cuộc biểu tình hôm 2/10 được công chúng Việt Nam xem
như một sự kiện chưa từng có. Báo chí nhà nước hầu như không đưa tin gì về sự
kiện hàng ngàn người đã tràn ngập trước cổng nhà máy Formosa, ngoại trừ một tin
ngắn đăng trên trang web của báo Hà Tĩnh vào gần cuối buổi chiều cùng ngày, sau
khi cuộc biểu tình kết thúc vào buổi trưa.
Báo Hà Tĩnh nói hàng ngàn giáo dân đã “tụ tập, có những
hành động quá khích, vi phạm pháp luật”, làm “ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động
của Công ty Formosa”. Theo bài báo, “lực lượng chức năng đã có mặt để tuyên
truyền, vận động bà con giáo dân, không nghe theo những lời xúi giục, lôi kéo của
kẻ xấu” và sau đó “những người tụ tập đã giải tán”.
Trong khi đó, tường thuật bằng ảnh và video trên mạng
xã hội của những người tham gia biểu tình cho thấy nhiều người mặc đồng phục cảnh
sát, quân đội đã chạy khỏi khu vực các cổng của nhà máy. Một số người thậm chí
còn thay áo đồng phục màu xanh để mặc áo trắng sau khi chạy đi.
Nhiều người bình luận trên mạng xã hội rằng hình ảnh
đó cho thấy nhà chức trách đã “run sợ” trước “sức mạnh” và “đòi hỏi chính đáng”
của nhân dân.
Những người biểu tình nói họ đã tự ra về vào buổi
trưa sau khi đã đạt mục đích là bày tỏ sự phẫn nộ đối với Formosa cũng như lên
tiếng đòi chính quyền phải lựa chọn giữa bảo vệ dân, bảo vệ môi trường hay đứng
về phía Formosa.
Linh
mục Phêrô Trần Đình Lai, Chánh xứ Đông Yên, Giáo phận
Vinh, đã có mặt trong cuộc biểu tình và kêu gọi mọi người có thái độ ôn hòa.
Ngài bình luận với VOA về hành động rút chạy của những nhân viên công an, quân
đội tại hiện trường:
“Hôm qua là một bài học cho họ hiểu cái sức mạnh của
quần chúng. Người dân Việt Nam sống trong một đất nước tự do, có chủ quyền
nhưng mà không hơn gì một người nô lệ, rất là tệ. Do đó mà họ phải đứng lên họ
đòi lại quyền sống của mình thôi. Nhà cầm quyền phải nhận ra điều đó để thay đổi
cách lãnh đạo của mình, cách phục vụ dân của mình”.
Linh mục nói thêm cuộc đấu tranh này là của những
người dân, vì dân tộc nói chung và vì người dân miền Trung trên một bình diện hẹp
hơn, chứ không chỉ là một hoạt động của những người Công giáo.
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động vì dân chủ
Hoàng Dũng nhận xét:
“Tôi cho rằng chính nghĩa đã thể hiện ra sự chiến thắng
ban đầu bởi vì những người lính đó họ cũng hiểu là những người dân họ xuống đường
vì lý do gì. Bởi vì người ta cho rằng người ta đang chống lại nhân dân, chống lại
cha mẹ hay là anh em của mình. Do vậy mà người ta sẽ phải rút lui, và cái hình ảnh
rất là đẹp”.
Nhận định về việc xử lý các đơn kiện Formosa do vài
trăm ngư dân nộp hồi tuần trước ở Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Linh mục Phêrô Trần Đình Lai
cho rằng có thể nhà chức trách sẽ tìm cách trì hoãn. Ngài nói:
“Theo Luật Dân sự của Việt Nam, phải trả lời trong vòng
30 ngày, trả lời có thụ lý hồ sơ hay không. Tôi nghĩ lúc đó người ta bị đông
quá và sức ép khiến cho họ phải nhận đơn thôi. Thế còn họ sẽ tìm cách để chối
quanh chối quắt thôi. Thụ lý cũng phức tạp và cũng nguy hiểm, mà không thụ lý
thì cũng rất là phức tạp”.
Hôm 26/9, 600 ngư dân tỉnh Nghệ An đã đến tòa án thị
xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn kiện nhà máy Formosa. Luật sư Võ An Đôn nói
về mặt lý thuyết nếu các ngư dân có đầy đủ bằng chứng cho rằng nguyên nhân thiệt
hại là do Formosa gây ra thì việc này thắng kiện là 100% vì trước đó Formosa đã
nhận trách nhiệm và đồng ý chịu bồi thường.
No comments:
Post a Comment