10:52:am 26/02/15
Bà Angela Merkel chẳng những không có nét sắc xảo của
cố Thủ Tướng nước Anh Margarett Thatcher hay vẻ cương nghị của cựu Ngoại Trưởng
Hillary Clinton, dáng dấp của bà còn giống như một người phụ nữ bình thường và
hiền lành của Âu Châu. Vậy mà trên đôi vai của bà mang nhiều gánh nặng, các quyết
định của Thủ Tướng Merkel sẽ để lại hậu quả lâu dài đến hai cơ cấu quan trọng
nhất của Âu Châu từ sau khi chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh lạnh chấm
dứt tức liên minh quân sự NATO và khối tiền tệ chung Euro. Hai cơ cấu này tuy đủ
mạnh để tồn tại trong giông bão, nhưng nếu kém lèo lái sẽ bị tổn hại trầm trọng
trong nhiều thập niên sắp tới – vị trí mà nước Đức và bà Merkel hiện đang giữ
vai trò trung tâm.
Nếu mục tiêu trước mắt của nước Nga nhằm ngăn chận
không cho Ukraine trở thành một thành viên của NATO thì khối Âu Châu đang lo ngại
trường hợp Tổng Thống Putin tiến thêm bước kế tiếp nhằm vạch trần tính vô hiệu
của điều khoản số 5 của NATO quy định rằng khi một quốc gia trong liên minh bị
tấn công thì toàn khối sẽ phản ứng đáp trả.
Mục tiêu của Putin nhắm vào ba quốc gia hội viên
vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Lithunia bằng cách cho quân nhân Nga trá
hình trà trộn vào tập thể số đông người gốc Nga sinh sống trong khu vực để khuấy
động và đòi tự trị như từng làm tại bán đảo Crimea hay ở vùng Đông Ukraine.
NATO sẽ bị chia rẽ bởi quyết định can thiệp quân sự
hay không khi đối diện với hình thức chiến tranh phi quy ước trong lúc căng thẳng
có thể leo thang đến mức trực tiếp đối đầu với quân đội Nga trên một vùng đất vốn
chưa từng là trọng tâm của Âu Châu? Hoa Kỳ và Ba Lan chắc chắn sẽ đòi bảo vệ
vùng Baltic trong khi Putin đã thu phục được vài chính quyền Âu Châu theo
khuynh hướng ít nhiều thân thiện hay thỏa hiệp với Nga gồm Hung Gia Lợi, Áo và
Hy Lạp. Ngay bây giờ thì Putin có thể đang thăm dò quyết tâm của NATO và nhất
là của Anh- Pháp- Đức trước khi quyết định liệu có ra tay ở vùng Baltic hay chỉ
dừng lại ở chổ làm tiêu mòn ý chí và sự đoàn kết của NATO bằng cách liên tục
khuấy phá Ukraine.
Thủ tướng Merkel là một trong số ít người hiểu Putin
nhất do bà thông thạo tiếng Nga và đã lớn lên ở nước cộng sản Đông Đức. Bà sang
Hung Gia Lợi vào tháng 2-2015 để thuyết phục Thủ Tướng Viktor Orban đoàn kết với
khối EU nhưng tỏ ra nguội lạnh khi ông này hô hào về một nền dân chủ “phi tự
do” (!).
Khó khăn kế tiếp của bà Merkel khi chính quyền cánh
tả vừa được bầu lên tại Hy Lạp lại khơi dậy lịch sử và manh nha đòi nước Đức bồi
thường cho Chiến Tranh Thứ Hai với mục đích khích động dư luận nhằm tạo thế mạnh
khi thương lượng về số tiền nợ Hy Lạp đang vướng mắc. Chẳng những thế mà Thủ Tướng
Hy Lạp Tsipras còn tỏ thái độ kình chống khối EU bằng cách bênh vực Nga.
Thách thức của bà Merkel là bảo vệ được sự đoàn kết
của NATO trong lúc Putin tận dùng đủ thủ đoạn để chia rẽ các quốc gia kể cả đe
doạ bằng quân sự hay nhử mồi khí đốt; nhưng đồng thời bà không thể để căng thẳng
với Nga leo thang đến mức không còn vãn hồi vì quyền lợi kinh tế và an ninh của
Âu Châu vẫn gắn liền với Nga; bên cạnh đó còn vấn đề làm thế nào để giúp
Ukraine ổn định và phát triển trong hoàn cảnh Putin dùng mọi phương cách về
kinh tế và quân sự để khuấy phá nhằm tạo ra gánh nặng cho Âu Châu.
Nếu đối phó với Putin là vấn đề của toàn khối Tây
Phương thì nước Đức và bà Merkel giữ vai trò quyết định trong việc giải quyết
khủng hoảng kinh tế ở các nước Nam Âu. GDP của Hy Lạp chỉ bằng của một tiểu
bang trung bình ở Mỹ như Lousiana nên dù có phá sản vẫn không thể ảnh hưởng
toàn khối Âu Châu. Nếu Hy Lạp tiếp tục nằm trong khối Euro cũng như một ung nhọt
không thể chửa vì nước này không thể phá giá đồng bạc nhằm phục hồi kinh tế;
còn tách ra khỏi Euro là tạo ra một tiền lệ quan trọng không khác gì NATO vi phạm
quy định phòng thủ tập thể. Nhưng còn một tiền lệ khác ít được nhắc đến trong
trường hợp Hy Lạp là “moral hazard” hay ỷ thế làm liều nay áp dụng cho một quốc
gia thay vì chỉ một xí nghiệp trong nền kinh tế. Đối với Hy Lạp và không ít các
chuyên viên kinh tế Âu-Mỹ thì áp đặt chính sách khắc khổ trong khủng hoảng là
quyết định kinh tế sai lầm nếu không muốn nói là biện pháp trừng phạt quá đáng;
nhưng đối với không ít người Đức thì đây chỉ là luật công bình có vay có trả
nên nguyên tắc này không thể bị vi phạm.
Ngoài việc đối phó với nước Nga và khủng hoảng kinh
tế lại còn thêm vấn nạn của khủng bố Hồi Giáo và làn sóng chủ nghĩa dân tộc chống
di dân và chống Hồi Giáo. Các thử thách đều vô cùng nghiêm trọng, gánh nặng
trách nhiệm chia xẻ không đồng đều nên đè nặng trên đôi vai của bà Thủ Tướng
Merkel.
No comments:
Post a Comment