Thanh Phương - RFI
Đăng ngày 27-02-2015 Sửa đổi
ngày 27-02-2015 15:52
Lãnh đạo tình báo Mỹ cho rằng
việc Trung Quốc mở rộng các « tiền đồn » ở Biển Đông là một phần của nỗ lực «
hung hăng » nhằm xác quyết chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
Giám đốc cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ
James Clapper đã tuyên bố như trên ngày
26/02/2015, trong cuộc điều trần về các mối đe dọa toàn cầu trước Ủy ban Quân vụ
Thượng viện Hoa Kỳ. Tuyên bố của ông Clapper phản ánh mối quan ngại của
Washington về những hoạt động của Bắc Kinh bồi đắp các đảo trên Biển Đông, để
có thể xây các bến đậu cho tàu thuyền hoặc các sân bay trên đó. Những hoạt động
này, theo Hoa Kỳ có nguy cơ gây thêm căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước
láng giềng.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ
nói : « Mặc dù đang cố đạt đến mối quan hệ song phương ổn định với Hoa Kỳ,
Trung Quốc lại không ngại gây ra những căng thẳng song phương và khu vực để
theo đuổi lợi ích của họ, đặc biệt là trên các vấn đề chủ quyền biển ».
Ông Clapper mô tả đường 9 đoạn,
còn gọi là đường « lưỡi bò », mà Bắc Kinh tự vẽ lên ở Biển Đông, bao phủ hơn 80
% diện tích vùng này, là « quá đáng ».
Tuy Hoa Kỳ không phải là quốc
gia có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Washington tuyên bố có lợi ích
quốc gia trong việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực có tính chất
trọng yếu đối với thương mại thế giới này. Trung Quốc thì vẫn cho rằng chủ quyền
của họ trên Biển Đông là « có cơ sở lịch sử » và vẫn phản đối điều mà Bắc Kinh
cho là sự can thiệp của Mỹ.
Trong cuộc điều trần hôm
26/02/2015, chủ tịch ủy ban Quân vụ, thượng nghị sĩ John McCain đã đưa ra những
hình ảnh vệ tinh thương mại cho thấy Trung Quốc tiến hành hoạt động mở rộng Đá
Gaven, quần đảo Trường Sa trong năm qua. Ông cho biết đảo được mở rộng của
Trung Quốc có thể cho phép Bắc Kinh triển khai các loại vũ khí, bao gồm vũ khí
phòng không và các phương tiện quân sự khác.
Theo lời giám đốc Tình báo Quốc
gia Mỹ Clapper, Trung Quốc vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, nên hiện chưa rõ
Bắc Kinh có thể triển khai vũ khí hoặc lực lượng nào đến khu vực này. Ông cho rằng
hoạt động bồi đắp đảo của Trung Quốc trong một năm rưỡi năm qua, kết hợp với việc
hạ đặt giàn khoan gần các đảo tranh chấp là một « xu hướng đáng lo ngại ».
------------------------------
No comments:
Post a Comment