Monday, November 3, 2014

RỪNG SÁT : VỀ VIỆC BỊ KIỂM DUYỆT Ở VIỆT NAM - KỲ 4 (Thomas A. Bass)





Thomas A. Bass
Phạm Nguyên Trường dịch
Tháng 11 3, 2014

ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO?

Cho đến nay, đã có sáu cuốn sách viết về Phạm Xuân Ẩn, ba cuốn bằng tiếng Việt, một cuốn bằng tiếng Pháp, và hai cuốn bằng tiếng Anh. Tiểu sử “chính thức” do ông kể, cuốn Điệp viên hoàn hảo, được xuất bản ở Mĩ năm 2007 và một năm sau đó thì được dịch sang tiếng Việt. “Chúng tôi đã bôi đỏ cả cuốn sách”, một người am hiểu về xuất bản ở Việt Nam cho biết. Nói cách khác, các nhà kiểm duyệt Việt Nam đã tô đậm thêm màu yêu nước trong bức chân dung đã được chọn lọc của một anh hùng dân tộc.

Ngay từ nhan đề trở đi, người ta đã hiểu rằng Điệp viên hoàn hảo miêu tả Phạm Xuân Ẩn là một người vì dân tộc và một nhà ái quốc của Việt Nam. Cuốn sách này cũng khẳng định rằng ông đã vui vẻ nghỉ hưu khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Vấn đề là, dường như đó không phải là sự thật. Mỗi điệp viên đều có một vỏ bọc, họ giấu cuộc đời đằng sau vỏ bọc đó trong khi phải sống hai cuộc đời, còn trường hợp của Phạm Xuân Ẩn là những bốn cuộc đời, vì, có lúc ông làm việc cho Phòng Nhì (Deuxième Bureau) của Pháp, lúc thì làm việc cho CIA, lúc thì làm việc cho cơ quan tình báo của cả miền Nam lẫn miền Bắc Việt Nam. Công tác gián điệp cho Pháp được thực hiện ngoài giờ làm việc, lúc đó ông đóng vai người kiểm duyệt tại bưu điện, xử lí những điện tín của Graham Greene gửi cho tờ Paris Match. Công việc của ông cho người Mỹ thì bao gồm cả việc ông được Edward Lansdale và những nhân viên CIA khác đào tạo về chiến tranh tâm lý trong những năm 1950.

Công việc ông làm cho tình báo miền Nam Việt Nam, nơi ông từng là cánh tay phải của trùm mật vụ Trần Kim Tuyến, được coi là đã chấm dứt năm 1962, khi ông Tuyến bị sa thải sau một cuộc đảo chính bất thành. Nhưng ông vẫn giữ liên lạc với Trần Kim Tuyến, người vẫn là lão làng trong việc “kích hoạt những cuộc đảo chính”. Ông đã cung cấp thực phẩm và thuốc men cho ông Tuyến khi điệp viên bậc thầy này bị quản thúc tại gia (chắc chắn trong những lô quà gửi có cả thông tin nhét kèm). Sau đó, ông còn giúp ông Tuyến một lần cuối cùng nữa. Ông đã cứu mạng sống cho ông Tuyến. Bức ảnh nổi tiếng năm 1975 chụp chiếc máy bay trực thăng cuối cùng của Mỹ rời mái nhà số 22 đường Gia Long cho thấy một cái thang ọp ẹp bắc lên trực thăng. Người cuối cùng trèo lên thang – nhờ sự can thiệp của người từng là cánh tay phải của mình – là Trần Kim Tuyến. Vì sao Phạm Xuân Ẩn lại giúp trùm tình báo miền Nam trong một thời gian dài thoát khỏi tay cộng sản? “Tôi biết rồi sẽ gặp rắc rối”, Phạm Xuân Ẩn nói với tôi. “Đó là trùm tình báo, một nhân vật quan trọng cần phải bắt ngay, nhưng ông ấy là bạn tôi. Tôi mắc nợ ông ấy.” Ai biết được những ràng buộc nào của lòng trung thành đã giúp vào chuyện này, hay bao nhiêu câu hỏi khó trả lời sẽ không bị đặt ra nữa, khi ông Tuyến bay thoát, sang sống lưu vong ở Anh.

Phạm Xuân Ẩn đã dùng vỏ bọc là một nhà báo trong suốt 20 năm, nhưng khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, vỏ bọc này mất giá trị thì ông xây dựng được vỏ bọc thứ hai – đóng vai một chiến lược gia tầm cỡ thế giới vui hưởng tuổi hưu và suốt ngày tán gẫu với các nhà báo và du khách phương Tây khác. Tôi vừa được xem đoạn phim nữ diễn viên Hollywood Tiana Silliphant, một người Việt tị nạn, phỏng vấn Phạm Xuân Ẩn năm 1988. Lúc đó Tiana đang thu thập tài liệu cho bộ phim tài liệu có tên Từ Hollywood đến Hà Nội. Trong cuộc phỏng vấn, Phạm Xuân Ẩn tình cờ ngồi trên bậc thềm trước nhà ông, đằng sau không phải một mà là hai con béc-giê Đức canh chừng. Tiana hỏi thẳng về những người mà ông đã phản bội và những người bạn đã bỏ mạng vì hoạt động gián điệp của chính ông. Phạm Xuân Ẩn nhướn tròn mắt rồi đảo ngang liếc dọc. Người ta thấy ông đưa ra câu trả lời ngay tại trận, bằng cách bắt đầu lái câu chuyện nhằm xây dựng vỏ bọc thứ hai của mình. “Tôi đã nghỉ hưu trong quân đội cách đây vài tuần”, ông nói. “Tôi không bao giờ phản bội bất kì ai.”

Phạm Xuân Ẩn nói trong băng thu âm rằng ông nghỉ hưu trong quân đội năm 1988. Nhưng, cũng trong băng thu âm, ông lại nói rằng đã nghỉ hưu năm 2002 và một lần khác thì nói là năm 2005. Khi khách thấy một chiếc TV lớn, màn ảnh phẳng, trong phòng khách nhà ông, thì ông nói đó là quà hưu trí do “bạn bè” ở Tổng cục II – cơ quan tình báo quân sự Việt Nam – tặng. Có nhiều khả năng là Phạm Xuân Ẩn không bao giờ nghỉ hưu, ông vẫn là một thành viên của cơ quan tình báo cho đến khi qua đời. Dưới vỏ bọc đầu tiên, đóng vai một nhà báo, ông làm điệp viên từ những năm 1950 cho đến khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc năm 1975. Dưới vỏ bọc thứ hai, đóng vai một chiến lược gia đã nghỉ hưu, ông làm điệp viên thêm ba mươi năm nữa – thậm chí còn lâu hơn giai đoạn đầu trong sự nghiệp của mình. Những gì mà ông, một nhân viên tình báo vẫn còn hoạt động, đã làm trong thời gian này thì hiện chưa ai biết, nhưng chắc chắn là ông đã viết báo cáo về những người khách đến thăm ông và đưa ra các phân tích chính trị mà ông rất thành thạo. Với những câu chuyện đầy vẻ châm biếm về sự thất bại của những người cộng sản trong việc “cải tạo” ông, Phạm Xuân Ẩn đã đánh lạc hướng mọi nghi ngờ rằng ông vẫn là một điệp viên đang hoạt động. Mãi sau khi ông qua đời, khía cạnh này của cuộc đời ông mới được tiết lộ, qua bài diễn văn mà Tướng Nguyễn Chí Vịnh – lúc đó đang lãnh đạo Tổng cục II – đọc tại lễ tang Phạm Xuân Ẩn. Tướng Vịnh nói về “thành tựu quân sự đặc biệt” của Phạm Xuân Ẩn, khi ông sống “trong lòng địch”, và liệt kê một loạt huân, huy chương quân sự, mỗi tấm đều thể hiện một câu chuyện quan trọng về cuộc đời ông.

Theo một tham chiếu vắn tắt trong cuốn Điệp viên hoàn hảo, Phạm Xuân Ẩn đã được tặng mười huân huy chương khác nhau. Nhưng thực ra, tổng cộng là mười sáu, trong số đó có sáu huân huy chương được trao sau năm 1975. Mười bốn trong tổng số và bốn trao sau năm 1975 là những huân huy chương chiến công. Đấy không phải là vì những thành tích trong việc phân tích chiến lược, mà là vì những chiến công quân sự cụ thể. Phạm Xuân Ẩn được trao huân huy chương cho những đóng góp chiến thuật ở nhiều trận đánh khác nhau, từ Ấp Bắc năm 1963 và Ia Đrăng năm 1965 đến Tết Mậu Thân năm 1968 và tiếp theo là Chiến dịch Hồ Chí Minh, dẫn đến kết thúc cuộc chiến tranh năm 1975. Ông có những thành tích gì để được trao thêm bốn huân chương chiến công sau năm 1975, điều đó không ai biết.

Không tính đủ số huân huy chương của Phạm Xuân Ẩn, lờ đi tầm quan trọng của chúng, và bỏ qua sự kiện là nhiều tấm đã được trao sau năm 1975 là một phần của chiến dịch nhằm biến Phạm Xuân Ẩn thành một “điệp viên hoàn hảo”, một nhân vật ôn hòa – tương tự như Hồ Chí Minh – tách khỏi sự bạo lực kinh hoàng khắc họa nên những cuộc chiến tranh chống thực dân của Việt Nam. Trong Điệp viên hoàn hảo, những khía cạnh khác trong sự nghiệp của Phạm Xuân Ẩn đã bị cắt bớt hoặc lấp liếm đi. Những lời chỉ trích của ông về sự bất tài và tham nhũng của cộng sản, những lời nhận xét chua chát của ông về ảnh hưởng của Nga ở Việt Nam, những lời tấn công của ông trước sự can thiệp của Trung Quốc vào những vấn đề quốc gia, câu chuyện của ông về việc bị đưa đi “cải tạo” năm 1978, và sự phản đối của ông đối với phe thân Trung Quốc đang nắm quyền đã được làm nhẹ bớt đi. Những tình tiết giải thích lý do vì sao vợ và bốn người con của ông được đưa sang Mĩ năm 1975 và một năm sau lại được đưa về Việt Nam cũng được giảm nhẹ hoặc bỏ qua. Trong phiên bản dành cho công chúng thưởng thức, và theo tường thuật của người viết tiểu sử “chính thức” của Phạm Xuân Ẩn thì vào thời điểm chiến tranh kết thúc, ông vẫn ở Sài Gòn để chăm sóc mẹ bị ốm. Trong thực tế, các cơ quan tình báo Việt Nam đã lập kế hoạch đưa Phạm Xuân Ẩn tới Mĩ để tiếp tục làm gián điệp cho cộng sản. Khi kế hoạch này bị Bộ Chính trị bác bỏ thì ông mới buộc phải ở lại Việt Nam và đưa gia đình trở về. Thông tin về những hoạt động thời hậu chiến của Phạm Xuân Ẩn cho thấy Việt Nam đã có kế hoạch – và chắc chắn là thành công – trong việc cài gián điệp vào Mĩ trong giai đoạn kết thúc chiến tranh. Nó cũng cho thấy sự rạn nứt giữa các cơ quan tình báo và Bộ Chính trị mà bộ máy tuyên truyền của Việt Nam muốn bôi xóa bằng câu chuyện về người mẹ bị ốm.

Khi những mảng tối được ghép trở lại vào cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn, các nhà kiểm duyệt chắc chắn sẽ phản đối câu chuyện chưa-hoàn-hảo về ông. Thật vậy, họ sẽ mất năm năm để viết lại câu chuyện và đấu tranh để nó càng gần với phiên bản chính thức thì càng tốt. Nước cờ của Nhã Nam đã sai. Một cuốn sách của một người phương Tây viết về Phạm Xuân Ẩn được dịch và xuất bản ở Việt Nam không có nghĩa là cuốn thứ hai sẽ dễ dàng được thông qua. Thật vậy, như gần đây chúng ta được biết, ngay cả phiên bản đã “tô hồng” cuộc đời của Phạm Xuân Ẫn cũng khó lọt. Điều này được tiết lộ trong một bức điện tín của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2007, do Wikileaks công bố năm 2011.  Bức điện – do một quan chức trong Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh đánh đi – cho biết bản dịch tiếng Việt tác phẩm Điệp viên hoàn hảo, dù được một nhà xuất bản quốc doanh ấn hành, suýt nữa thì bị các nhà kiểm duyệt ở Bộ Công an nghiền thành bột. Họ phản đối “nhiều lời phàn nàn của Phạm Xuân Ẩn rằng Việt Nam chỉ đơn giản là thay một bạo chúa này bằng một bạo chúa khác – Liên Xô – và những lời phê phán của ông về chính sách thời hậu chiến”. Các biên tập viên đã gặp rắc rối vì đã “ủng hộ việc xuất bản cuốn sách, trong đó, một trong những anh hùng nổi tiếng nhất của đất nước đã tung ra những lời tấn công mãnh liệt vào chính sách của chính phủ Việt Nam thời hậu chiến và tính chất khép kín của xã hội Việt Nam”. Theo bức điện của vị lãnh sự thì “phe ủng hộ cải cách trong chính phủ Việt Nam “chỉ giành được” thế thượng phong đối với “phe chống đối cải cách” khi đích thân Chủ tịch nước Việt Nam ủng hộ việc xuất bản cuốn sách này.

Những câu chuyện về kiểm duyệt ở Việt cho thấy chế độ thượng tôn luật pháp được thay thế bằng chế độ thượng tôn luật rừng như thế nào. Những kẻ nắm quyền sẽ làm mọi thứ có thể để bảo vệ đặc quyền của họ. Tôi thì lo lắng về những chuyện đó, nhưng nhiều người lại ngáp khi tôi nói với họ về việc kiểm duyệt ở Việt Nam. “Ông hi vọng gì nhỉ?”, họ nói. “Có gì đáng ngạc nhiên đâu”. Ngay cả những người bạn Việt Nam của tôi cũng đầu hàng số phận và có một niềm tin kỳ lạ rằng họ có thể đọc được những gì ẩn giữa hai hàng chữ”. “Tôi có thể đoán được tác phẩm bị cắt ở chỗ nào”, nhà văn Bảo Ninh khẳng định với tôi. “Chúng tôi biết những gì bị cắt. Chúng tôi chỉ không thể nói về những điều này mà thôi”.

Thật khó lập luận để chống kiểm duyệt khi sự vô liêm sỉ lan tràn, nhưng Amartya Sen, người từng được Giải Nobel về kinh tế, gần đây đã có một nỗ lực đáng trân trọng. Trong một tiểu luận viết cho tạp chí Chỉ số Kiểm duyệt (Index on Censorship) năm 2013, Sen đã lên án Ấn Độ, quê hương ông, vì ý tưởng bắt chước Trung Quốc, một đất nước dường như đang là hình mẫu về việc các chính phủ độc tài có thể đánh đổi tự do cá nhân lấy tăng trưởng kinh tế. Sen khẳng định quan điểm ngược lại, rằng “tự do báo chí là tối quan trọng đối với sự phát triển”. Tự do ngôn luận có “giá trị tự thân”, ông nói. Nó là “điều kiện thiết yếu của nền chính trị có kiến thức”. Nó cho “những người kẻ yếu thế và bị xao lãng” một tiếng nói, và nó vô cùng cần thiết cho sự “hình thành những ý tưởng mới”. Dường như lúc này Trung Quốc vẫn đang khá thành công, nhưng Sen – nhà kinh tế học với công trình đoạt giải về sự khan hiếm – nhắc nhở chúng ta, điều gì sẽ xảy ra khi lấy tuyên truyền thay thế thông tin.

“Hệ thống độc tài nào cũng có những điểm dễ tổn thương khó tránh”, ông viết. Trong thời gian qua, hiện tượng này xảy ra ở Trung Quốc, với những cuộc cải cách ruộng đất trong giai đoạn Đại Nhảy vọt, khiến nước này phải trải qua một trong những nạn đói khủng khiếp nhất trên thế giới. “Nạn đói ở Trung Quốc giai đoạn 1959-1962… làm ít nhất 30 triệu người thiệt mạng khi chế độ bất lực không hiểu chuyện gì đang diễn ra và áp lực của công chúng – như trong một nền dân chủ vận hành bình thường – lại không hiện diện để chống lại chính sách của chính phủ.”

“Những sai lầm của chính sách vẫn được duy trì suốt ba năm diễn ra nạn đói khủng khiếp đó”, Amartya Sen nói. “Hệ thống kiểm duyệt và kiểm soát truyền thông của nhà nước đã che giấu thông tin hoàn hảo đến mức chính phủ cũng bị bộ máy tuyên truyền của chính mình lừa bịp và tưởng rằng đất nước có 100 triệu tấn gạo nhiều hơn là trong thực tế. Cuối cùng, đích thân Chủ tịch Mao đã đọc một bài phát biểu nổi tiếng năm 1962, phàn nàn về “thiếu dân chủ”, một sự thiếu với hậu quả chết người. Ấn Độ và những nước khác trên thế giới có thể muốn noi theo Trung Quốc, khi nước này có tốc độ tăng trưởng lên đến hai con số, nhưng Amartya Sen cho rằng chỉ có ngu mới đi áp dụng các biện pháp bài dân chủ, tức những biện pháp làm suy yếu chính hệ thống toàn trị và khiến chúng dễ tin vào những lời dối trá của chính mình.

NHỮNG THÓI QUEN THỜI CHIẾN

Ông Nguyễn Thế Vinh, biên tập viên của Nhà Xuất bản Hồng Đức, là người kiểm duyệt cuối cùng mà tôi gặp trong chuyến thăm Việt Nam của tôi. Tôi đã đến một hội chợ sách ở Hà Nội để kí tặng sách và sau đó ngồi bàn chủ tọa buổi thảo luận về cuốn sách của tôi. Cạnh tôi là ông Vinh, khô khan, thích sách hơn thích tác giả, như nhiều biên tập viên khác, và một quý ông nữa, ông Dương Trung Quốc, người cũng dự phần trong việc xuất bản cuốn sách của tôi. Ông Quốc là một nhà sử học và một nhà chính trị. Tôi không biết ông viết kiểu lịch sử nào, nhưng là một đại biểu Quốc hội Việt Nam thì ông Quốc – một người niềm nở, trông như một Bill Clinton của Việt Nam – hẳn là một nhà chính trị thành công.

Tôi tìm cách che giấu sự khó chịu vì hầu hết buổi tối hôm đó được dành để thảo luận về Phạm Xuân Ẩn, như một “điệp viên hoàn hảo”. Xin nhớ rằng, ông Vinh đã biên tập và kiểm duyệt cả hai cuốn, cả tiểu sử “chính thức” của Phạm Xuân Ẩn lẫn tác phẩm của tôi. Người ta bảo tôi là nên giữ mồm giữ miệng và đừng làm hỏng việc bán cuốn sách của tôi. Cực hình này kéo dài suốt bữa tối, tôi thì vẫn giữ mồm giữ miệng, trong khi ông Vinh và ông Quốc đánh chén một bữa thịnh soạn. Dù đã cắt gọt tác phẩm của tôi lần cuối, nhưng hai vị này là những người có thế lực để tác phẩm này được xuất bản. Tôi nợ họ mấy đồng nhuận bút, mà tôi nghĩ rằng sẽ đem tặng cho vài trong hàng triệu sinh linh nghèo túng trong cộng đồng Việt sau chiến tranh ở hải ngoại. Lúc chúng tôi chuyển từ món rau xào sang cá hấp thì lưỡi tôi đã đủ trơn để bắt đầu nói về đề tài kiểm duyệt.

“Theo luật thì ở Việt Nam không có kiểm duyệt”, ông Vinh nói. “Chủ yếu là chúng tôi tự kiểm duyệt.”
Ông Quốc, nhà chính trị, đồng ý với người bạn văn chương của mình. “Ở Việt Nam, kiểm duyệt nằm trong não trạng của tất cả mọi người”, ông nói. “Biên tập viên đã cắt gọt tác phẩm của bạn, chứ không phải là chính phủ.”

Tôi đề nghị họ lí giải sâu hơn, vì sao một đất nước không có bộ máy kiểm duyệt lại kiểm duyệt được nhiều người cầm bút đến như thế. “Tất cả các nhà xuất bản đều của nhà nước”, ông Vinh nói. “Mọi người làm việc trong hệ thống đều hiểu điều đó. Vì mục tiêu cao hơn của dân tộc, họ phải hy sinh một cái gì đó. Ở Việt Nam chúng tôi có câu: Giết lầm còn hơn bỏ sót”.

Ông Quốc để một nụ cười lan ra trên mặt, trước khi nhẹ nhàng nhắc bạn. “Anh nói cứ như chính trị viên”, ông bảo.

Cũng trong buổi tối hôm đó, rồi ông Quốc sẽ gợi ý vì sao cuốn sách của tôi cuối cùng đã được ấn hành sau năm năm bị chặn. “Những cuốn tiểu sử tự thuật của Phạm Xuân Ẩn đều là tác phẩm tốc ký”, ông nói. “Người ta in những gì ông ấy bảo họ in. Cuốn sách của ông khác hẳn. Nó được ghi chép và nghiên cứu, nhưng quan trọng hơn, nó nắm bắt được con người của Phạm Xuân Ẩn. Đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng phải xuất bản tác phẩm này.”

Tôi nhận lời khen, nhưng lưu ý rằng cuốn sách xuất bản ở Việt Nam không thực sự là tác phẩm của tôi. Đó chỉ là một đoạn quảng cáo để bán, còn một bản dịch tiếng Việt hoàn chỉnh chỉ có thể lưu hành ở bên ngoài, khi cuốn sách được dịch lại và phát hành ở Berlin, trong một file lưu trữ ở một chiếc máy tính được gia cố nhằm chống lại những cuộc tấn công của các nhà kiểm duyệt của Việt Nam. Việc Việt Nam có các nhà kiểm duyệt tìm cách với tay ra khắp thế giới và vô hiệu hóa đến cả máy tính ở Berlin khiến những nhân viên này ít hiền lành hơn nhiều so với điều mà ông Vinh muốn tôi tin. Trong trường hợp này, các nhà kiểm duyệt không làm việc như những người làm vườn tự do, cắt tỉa tạo dáng cây cảnh trong đầu óc họ, mà như những nhà hoạt động chính trị thực hiện mệnh lệnh tấn công người ở nước ngoài.

Khi chúng tôi chuyển từ cá sang thịt nướng thì ông Quốc tỏ ý là ông sẽ cho tôi biết riêng một thông tin quan trọng. Sau khi chiến tranh kết thúc, Phạm Xuân Ẩn không chỉ tiếp tục làm việc như một điệp viên, mà còn làm việc đó ở cấp cao nhất. “Sau chiến tranh, ông ấy là hiệu trưởng Trường Tình báo Quân sự ở thành phố Hồ Chí Minh”. Tám tháng ở Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc năm 1978 ở Hà Nội là để chuẩn bị cho nhiệm vụ quan trọng này.

Tôi không thấy bằng chứng nào chống lưng cho phát ngôn này, và, quả thực, tôi ngờ rằng đấy là một phần của chiến dịch tuyên truyền nhằm biến Phạm Xuân Ẩn thành một cán bộ hoàn hảo. Lời tuyên bố này lại càng vô lí hơn, vì lúc trước, cũng trong buổi tối hôm đó, ông Quốc đã thừa nhận rằng Phạm Xuân Ẩn là người miền Nam, từng làm việc cho Mỹ, các đồng nghiệp miền Bắc không bao giờ tin ông. “Những người như Phạm Xuân Ẩn không được chính phủ tin cậy”, ông nói. “Có rất nhiều câu hỏi về ông ấy.” Rõ ràng là còn lâu những câu hỏi này mới tìm được câu trả lời. “Ít nhất là bảy mươi năm nữa thì các tài liệu ở Việt Nam mới được giải mật”, ông Quốc nói.

Sau đó, để xác minh phát ngôn của ông Quốc về việc Phạm Xuân Ẩn từng là hiệu trưởng Trường Tình báo của Việt Nam, tôi đã đến thăm Bùi Tín trên căn buồng áp mái một phòng của ông ở Paris. Bùi Tín cũng là một phóng viên tình báo nổi tiếng. Ông là Phó Tổng biên tập báo Nhân dân, khi viết một bài xã luận vào mùa Xuân năm 1990, ca ngợi sự kiện Bức tường Berlin sụp đổ và việc đưa các cải cách dân chủ vào thế giới cộng sản. Lúc đó ông sắp bị Bộ Chính trị – đang chuẩn bị ký thỏa thuận liên minh bí mật Việt-Trung – sa thải. (“Thoả thuận Thành Đô tháng 9 năm 1990 là khởi đầu của quá trình thực dân hóa do Trung Quốc tiến hành ở Việt Nam”, Bùi Tín nói.) Để tránh bị bắt, Bùi Tín để vợ và hai người con ở Hà Nội và bay sang Paris dự hội nghị các biên tập viên báo chí cộng sản. Sau hội nghị, ông không trở về nước. Ông nghĩ rằng một hoặc hai năm nữa tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi. Lực lượng tiến bộ của Việt Nam sẽ giành được thế thượng phong và sẽ đưa cải cách dân chủ vào nước này. Hai mươi lăm năm sau, Bùi Tín vẫn còn ở Paris, trong khi vợ ông – từ năm 1990 đến nay ông chưa gặp lại bà lần nào – vẫn nằm “dưới sự giám sát chặt chẽ” ở Hà Nội.

Là đại tá quân đội và người thân tín của Tướng Giáp, đồng thời là đồng nghiệp báo chí, kết bạn với Phạm Xuân Ẩn sau khi hai người gặp nhau năm 1975, Bùi Tín là một nguồn đáng tin cậy để thẩm định thông tin do ông Quốc đưa ra. “Đúng, Phạm Xuân Ẩn đã viết báo cáo về những người khách đến thăm”, Bùi Tín khẳng định, và “thỉnh thoảng người ta cũng đề nghị ông ấy giảng dạy cho những tình báo viên của Bộ Nội vụ được đào tạo ở Sài Gòn. Nhưng ông ấy chưa bao giờ làm to, chưa bao giờ làm hiệu trưởng Trường Tình báo. Chính phủ coi ông ta là một công cụ thú vị. Ông ta là một món đồ trang trí để họ chơi và ngắm nghía. Dùng ông ta để tuyên truyền thì tốt, nhưng họ không bao giờ tin ông ta.”

Bất chấp những phát ngôn đáng ngờ của ông Quốc, tôi đã thân với ông hơn, khi chúng tôi uống hết vại bia này đến vại bia khác và kết thúc buổi tối với những cái tăm cắm miệng, tín hiệu rằng đã ăn uống thỏa thuê. Ông Quốc còn làm tôi ngạc nhiên bằng một lời thú nhận khác. Khác với ngày xưa, ông nói, chính phủ Việt Nam không còn là tập hợp của những người khổng lồ về trí tuệ và những thiên tài quân sự. “Chính phủ Việt Nam bây giờ không đủ thông minh để có thể cho phép một Phạm Xuân Ẩn làm những việc mà ông ấy đã làm”, ông nói. “Phải dũng cảm và thông minh thì mới chỉ huy được một nhà tình báo như thế. Nói bằng tiếng Anh thế nào nhỉ? ‘Nạn nhân đầu tiên của chiến tranh là sự thật’. Ở Việt Nam, chúng tôi vẫn còn những thói quen của thời chiến.”

Lúc này, bạn bè vui vẻ sau khi đã chén tạc chén thù, đồng ý với nhau về hầu như tất cả mọi thứ, những người kiểm duyệt tác phẩm của tôi và tôi bắt đầu nâng cốc chúc mừng nhau, nào, cạn li.

Bản tiếng Việt “Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam”
Copyright © 2014 Phạm Nguyên Trường & pro&contra & Thomas A. Bass


Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam  (4)
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (Toàn bài trong bản PDF)





No comments:

Post a Comment