03-11-2014
Mới
đọc một bài dài và thú vị của Thomas Bass viết về kiểm duyệt ở VN qua bản dịch
của Phạm Nguyên Trường. (Không rõ bản gốc là gì, chỉ biết đăng trên tạp chí The
New Yorker). Đây là một trong những dịch giả có uy tín và đáng kính, từng được
trao giải thưởng Phan Châu Trinh. Thomas Bass là tác giả cuốn sách nổi tiếng
viết về điệp viên Phạm Xuân Ẩn (The Spy Who Loved Us).
Cuốn
này được Nhà xuất bản Nhã Nam kí hợp đồng để dịch sang tiếng Việt. Nhưng trong
bài này, ông (Thomas Bass) cung cấp cho chúng ta những thông tin hết sức thú vị
và có phần hồi hộp về những chuyện kiểm duyệt hết sức trắng trợn và cực kì thô
bạo đã xảy ra đằng sau bản dịch. Chẳng hạn như việc tác giả không được dùng địa
danh "Rừng Sát", mà phải là "Rừng Sác"! Có lẽ cách hay nhất
là tôi trích nguyên văn bản dịch về những chỗ bị cắt xén, xoá bỏ, kiểm duyệt
dưới đây để các bạn rõ hơn.
Đọc
xong có lẽ các bạn sẽ nói thôi thì kiếm bản tiếng Anh mà đọc cho chắc ăn (nếu
các bạn am hiểu tiếng Anh). Nhưng câu chuyện còn có ý nghĩa sâu xa hơn: đó là
vấn đề sử liệu. Trước đây, sử gia cung đình Trần Quốc Vượng từng có lần nói
rằng ở VN khó có sử liệu thật và chính xác, nên người ta và chính ông phải dùng
đến folklore. Một người bạn gốc Việt và là cố vấn của Thomas Bass tóm lược tình
trạng này rất hay: “Ở Việt Nam anh không viết sự thật được đâu. […] Đất nước
tôi bị lạc trong những lời dối trá. Con người nằm trong trung tâm tác phẩm của
anh, nhưng bây giờ nó đã bị tước hết các chi tiết khiến câu chuyện trở thành
đặc thù và hấp dẫn.” Nói cách khác (và chắc ai cũng nhận ra) sử chính thống
ngày nay ở VN có độ tin cậy rất thấp. Và, đó là một thảm trạng học thuật ở nước
ta.
====
Trích
[…] "Sau khi so sánh phiên bản tác phẩm của tôi ở Nhà Xuất bản Lao Động
với bản thảo của ông Long, bà nói: “Có quá nhiều thứ mà các nhà kiểm duyệt
không thích, họ lập tức cắt, cắt, cắt. Chỉ nhìn cái bản thảo này là tôi đã phát
điên đầu rồi”. Phạm Xuân Ẩn không được phép “yêu” nước Mỹ hay yêu thời kỳ ông
học ngành báo chí ở California. Ông chỉ được phép “hiểu” nước Mỹ. Câu nói đùa
của ông, rằng ông không bao giờ muốn trở thành điệp viên và coi đấy là “việc
của lũ chó săn”, đã bị xóa hẳn. Lời tuyên bố của ông rằng mình sinh ra ở thời
khắc bi thảm trong lịch sử Việt Nam, khi sự phản bội hiện diện khắp nơi, cũng
bị cắt. Chiến dịch quyên góp vàng do Hồ Chí Minh tổ chức năm 1946, khi ông kêu
gọi mọi người đóng góp những khoản hối lộ lớn nhằm thuyết phục quân đội Trung
Quốc phải rút khỏi miền Bắc Việt Nam, bị xoá sạch trơn.
Gia
đình của Phạm Xuân Ẩn không được phép “di cư từ Bắc vào Nam”. Ông cũng không
được phép tham gia nam tiến. Đó là công cuộc tiến về phương Nam diễn ra trong
lịch sử Việt Nam, kéo dài hàng trăm năm, khi người Việt đi dọc dãy Trường Sơn,
chiếm lãnh thổ của người Thượng, người Chăm, người Khmer, và các dân tộc “thiểu
số” khác. Đoạn ca ngợi nền văn học Pháp bị xóa. Phạm Xuân Ẩn không được phép nói
rằng người Pháp đã vẽ ra bản đồ của nước Việt Nam hiện đại. Ý kiến của ông rằng
chủ nghĩa cộng sản là một lý tưởng không tưởng, không thể đạt được trong cuộc
đời thực, cũng bị cắt. Lời ông khen Edward Lansdale là một điệp viên tuyệt vời,
ông học nghề từ chính ông này cũng bị cắt. Trong toàn bộ tác phẩm, cuộc xâm
lăng của miền Bắc được làm giảm bớt đi, trong khi mức độ man rợ của miền Nam
thì bị thổi phồng lên. Đảng viên cộng sản luôn luôn đi đầu trong khi dân chúng
thì vui vẻ theo sau. Những cố gắng của Phạm Xuân Ẩn nhằm phân biệt giữa cuộc
chiến đấu vì nền độc lập của Việt Nam và cuộc chiến đấu vì chủ nghĩa cộng sản
đã bị cắt.
Chúng
tôi mới đọc đến trang 38 thì bạn tôi nói: “Họ muốn giết tác phẩm này. Họ hoàn
toàn không thích nó”. Những cuộc thảo luận về chiến dịch Cải cách Ruộng đất và
và quyền sở hữu tập thể của cộng sản - cắt. Cộng sản không còn chịu trách nhiệm
về việc phục kích và sát hại người giáo viên trung học cũ của Phạm Xuân Ẩn vào
năm 1947 nữa. Thay vào đó là “một cuộc phục kích” của những kẻ vô danh nào đó.
Ý kiến của John F. Kennedy và Robert, em trai ông này, khi tới thăm Việt Nam
năm 1951 - cắt. Những đoạn nói về mấy hòn đảo của Việt Nam và những mỏ dầu ở
ngoài khơi hiện đang tranh chấp với Trung Quốc – cắt. Lời tuyên bố nói rằng lực
lượng hải tặc của Bảy Viễn đã chiến đấu vì cộng sản trước khi chạy sang phía
bên kia - cắt. “Càng ngày họ càng hoang tưởng hơn”, bà nói.
Chúng
tôi lập được một danh sách dài các lỗi dịch thuật, những từ mà các biên tập
viên Việt Nam của tôi đã hoặc là hiểu lầm hoặc cố tình không hiểu, đấy là những
từ như: người viết thuê, sự phản bội, hối lộ, dối trá, khủng bố, tra tấn, tổ
chức bình phong, dân tộc thiểu số và trại cải tạo. Người Pháp không được phép
dạy người Việt Nam bất cứ điều gì. Người Mỹ cũng thế. Việt Nam chưa bao giờ tạo
ra người tị nạn. Nó chỉ sinh ra những người định cư ở nước ngoài. Những đoạn
nói rằng chủ nghĩa cộng sản là “vị thần đã thất bại” – cắt. Ý kiến của Phạm
Xuân Ẩn rằng ông là bộ não Mỹ được ghép vào cơ thể Việt – cắt. Đoạn phân tích
của ông về cách thức mà cộng sản thay nhà nước cảnh sát của Ngô Đình Diệm bằng
nhà nước cảnh sát của mình – cắt.
Câu
chuyện về tổn thất đầu tiên của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, sự kiện ông A.
Peter Dewey, sĩ quan của lực lượng OSS, vô tình bị cộng sản giết năm 1945, đã
bị xóa. Các sĩ quan quân đội Việt Nam bị tẩy khỏi chiến dịch. Không được nói
Tết Mậu Thân là một thất bại quân sự. Không được kể chuyện chó bị thui. Những
lỗi lầm trong lĩnh vực tình dục, tình nhân, hôn nhân ép buộc - tất cả đều biến
mất khi các quan chức cộng sản dính vào. Những đoạn viết về Sài Gòn trong những
tuần ngay sau khi chiến tranh kết thúc, trong đó có tình trạng thiếu lương thực
và thắt chặt an ninh quốc gia – bị xóa sạch. Ngay cả lệnh cấm chọi gà cũng
không được nhắc tới. Những đoạn viết về thuyền nhân bỏ trốn sau năm 1975 - cắt.
Những đoạn viết về Việt Nam chiến đấu chống Campuchia năm 1978 - cắt. Những
đoạn viết về Việt Nam đánh nhau với Trung Quốc năm 1979 - cắt. Mong muốn cuối
cùng của Phạm Xuân Ẩn: hỏa táng và đem tro cốt rắc trên sông Đồng Nai, đã bị
cắt. (Thay vào đó, người ta đã tổ chức tang lễ cấp nhà nước với một bài diễn
văn ca ngợi do người đứng đầu ngành tình báo quân sự đọc.) Khi đọc đến cuối
cuốn sách, chúng tôi thấy nhiều trang ghi chú và nguồn tài liệu đã không còn. Bảng
chỉ mục (index) cũng biến mất. Nếu còn, chắc nhiều từ trong phần này đã chuyển
sang nghĩa hoàn toàn ngược lại." [hết trích].
-----------------------------
RỪNG SÁT : VỀ VIỆC BỊ
KIỂM DUYỆT Ở VIỆT NAM
NGUỒN :
Phạm
Thị Hoài - Cuốn sách về một
điệp viên không hoàn hảo
http://www.procontra.asia/?p=5572
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (1)
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (1)
http://www.procontra.asia/?p=5586
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (2)
Thomas A. Bass - Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (2)
http://www.procontra.asia/?p=5617
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (3)
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (3)
Thomas
A. Bass – Rừng
Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam
(4)
http://www.procontra.asia/?p=5648
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (Toàn bài trong bản PDF)
Thomas A. Bass – Rừng Sát: Về việc bị kiểm duyệt ở Việt Nam (Toàn bài trong bản PDF)
No comments:
Post a Comment