Saturday, November 26, 2011

SAU CHUYẾN CÔNG DU CHÂU Á CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (Song Chi)



Song Chi
Saturday, November 26, 2011 6:02:42 PM

Chuyến công du Châu Á kéo dài 9 ngày, từ ngày 12 đến 20 tháng 11 của Tổng Thống Barack Obama vừa qua được báo chí thế giới đánh giá là thành công lớn về nhiều mặt.

Khẳng định sự trở lại Châu Á “ngoạn mục” của Hoa Kỳ trong sự ủng hộ của nhiều quốc gia tại khu vực.

Sau chuyến công du này, chí ít Trung Quốc và những quốc gia nào trong vùng chưa tin vào sự trở lại của Hoa Kỳ, hẳn phải ngồi tính lại đường đi nước bước trên bàn cờ chính trị của mình.

Với những người lãnh đạo Trung Quốc, nhất là phái diều hâu, hung hăng, chuyên sử dụng chiêu bài chủ nghĩa dân tộc cực đoan, đây là một đòn đánh khá mạnh của Tổng Thống Obama và Hoa Kỳ. Sự nóng vội, tự tin thái quá của họ về sự hết thời của Mỹ, về sức mạnh của Trung Quốc, vai trò lãnh đạo khu vực, tiếp theo là thay thế Mỹ lãnh đạo toàn cầu, kể cả việc cho rằng Trung Quốc đã kềm chế, thao túng, đe dọa được nhiều nước láng giềng nhỏ bé hơn... Có lẽ đã “nguội” đi ít nhiều.

“Con rồng khổng lồ” Trung Quốc chợt nhận ra nó cô đơn, bị cô lập đến thế nào ngay trong biển Ðông mà nó vẫn cho là ao nhà của mình.

Các nước chung quanh từ những đối thủ nặng ký như Ấn Ðộ, Nhật Bản, cho tới Hàn Quốc, Úc... hay những nước nhỏ bé dễ dàng bị Trung Quốc bóp chết nếu xảy ra chiến tranh như Ðài Loan, Philippines, Indonesia, Thái Lan... chẳng có nước nào là bạn bè, đồng minh của Trung Quốc. Tất cả đều phối hợp, liên minh thành từng cụm với nhau, và liên minh với Hoa Kỳ, hoặc nằm trong vòng ảnh hưởng của Hoa Kỳ!

Ngay cả những nước Trung Quốc tưởng là đã kềm tỏa được trong bao nhiêu năm nhờ vào sức mạnh của đồng tiền như Miến Ðiện, nay cũng đã tìm cách thay đổi nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc và hướng về phía thế giới còn lại.

Còn Việt Nam, quốc gia có nhiều mối ràng buộc với Trung Quốc do vị trí địa lý “núi liền núi, sông liền sông”. Có mối quan hệ lịch sử, ý thức hệ, mô hình thể chế chính trị như anh em sinh đôi và lại còn bị Trung Quốc thao túng về chính trị, kinh tế lẫn văn hóa từ lâu nay. Nhà cầm quyền Trung Quốc cũng thừa hiểu bản chất thực dụng, đón gió, đu dây của nhà cầm quyền Việt Nam là như thế nào!

Trong khu vực và Châu Á đã không có ai, may ra có... Bắc Hàn và Pakistan! Nhìn rộng ra thế giới, từ Nga cho đến các nước Châu Âu, cũng chẳng có ai là bạn bè, đồng minh đích thực.

So với “đế chế” Liên Xô trước kia, Trung Quốc tuy nhiều tiền hơn, đường lối chính sách thực dụng, uyển chuyển hơn, có quan hệ buôn bán rộng rãi hầu khắp thế giới, nhưng Liên Xô lại có các đồng minh trong khối xã hội chủ nghĩa cũ và sức mạnh quân sự hùng hậu. Nhiều loại vũ khí tàu ngầm máy bay chiến đấu của nước Nga bây giờ, Trung Quốc vẫn phải đặt mua và học làm nhái theo.

Thế là con rồng Trung Quốc chợt hiểu ra vẫn chưa đến thời của mình. Và buộc phải dịu giọng. Tiếp tục tích lũy tiền bạc, tiếp tục đầu tư vào quốc phòng, tìm kiếm lôi kéo đồng minh, chờ đợi. Trước mắt, trong thời gian một vài thập niên tới Trung Quốc chưa thể thay đổi được gì nhiều.

Không chỉ Trung Quốc, quốc gia nào cũng vì lầm tưởng rằng thế kỷ này là thế kỷ của Trung Quốc, vì quá sợ hãi hoặc bị lệ thuộc Trung Quốc về kinh tế, chính trị mà muốn chọn Trung Quốc làm “đồng chí anh em” hẳn cũng phải tính lại.

Nhà cầm quyền Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng về lãnh thổ, lãnh hải. Trong đường lối chính sách làm ăn lẫn quan hệ kinh tế thì mang nặng tính chất thực dân pha trộn với chủ nghĩa tư bản thời hoang dã, chỉ biết vơ vét trục lợi về phần mình. Cộng với tinh thần bành trướng có từ thời Ðại Hán chỉ muốn đồng hóa, tiêu diệt văn hóa của nước khác...

Chưa kể, là một con rồng khổng lồ, Trung Quốc luôn khát tài nguyên, khát năng lượng cho đến nguồn thực phẩm, bao nhiêu cũng không đủ. Dân số thì hơn 1.3 tỷ luôn sẵn sàng tràn sang nước khác, giành việc làm, giành không gian sống, lấy vợ sinh con cắm trụ lâu dài...

Chính những điều đó đã làm cho các nước láng giềng phải nâng cao cảnh giác, thậm chí thực sự lo ngại với Trung Quốc.

Thế giới đang thay đổi từng ngày. Phong trào cách mạng lật đổ các quốc gia độc tài ở các nước Bắc Phi, Trung Ðông. Sự chuyển mình của các quốc gia mang tiếng là bảo thủ như Cuba, Miến Ðiện... Trong khu vực thì một sân chơi lớn như Hiệp Ðịnh Ðối Tác Kinh Tế Xuyên Thái Bình Dương TPP đã mở ra...

Tất cả, dù muốn dù không, những người lãnh đạo Việt Nam cũng buộc phải cân nhắc. Việt Nam lại là một quốc gia mà do những vấn đề về lịch sử, nên lòng dân nói chung lại càng cảnh giác từng nhất cử nhất động của nhà nước Trung Quốc từ trước đến nay.

Những người lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam thừa hiểu rằng, giữa thời điểm này, muốn được lòng dân là phải tỏ ra cấp tiến, hướng về thế giới tự do dân chủ, thoát khỏi vòng kềm tỏa của Trung Quốc. Ðã qua rồi cái thời một người lãnh đạo cao cấp có thể ngang nhiên bày tỏ sự quỵ lụy với nhà cầm quyền Trung Quốc như thời ông Lê Khả Phiêu, Ðỗ Mười hay Nông Ðức Mạnh.

Trong “bộ tứ triều đình” hiện nay, dư luận râm ran nhiều về sự cạnh tranh ngấm ngầm nhưng không kém phần quyết liệt phía sau hậu trường giữa Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng.

Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi ông Trương Tấn Sang ngồi vào cái ghế chủ tịch nước, dù cái ghế ấy có vẻ như ít quyền lực nhất nhưng ông Dũng đã kịp nhận ra ông Sang rất biết tận dụng những gì mình đang có. Và đã phần nào “đánh bóng” được hình ảnh của mình trong mắt người dân vốn đang tuyệt vọng vì tương lai vận mệnh của đất nước, khiến họ le lói chút hy vọng vào “cái phao” Trương Tấn Sang. Dù không biết cái phao ấy là của thật hay của dởm.

Có lẽ vì vậy mà ông Dũng liền chuyển hướng, làm ra vẻ cấp tiến, đề xuất luật biểu tình, công khai nhắc đến vụ Hoàng Sa và chủ trương đường lối của đảng, nhà nước trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước trước Quốc Hội, đề nghị Quốc Hội thông qua luật biểu tình, v.v. Báo chí chính thức vội vã khen ngợi. Có vẻ như ông Dũng đã học được bài học sử dụng truyền thông báo chí mà ông Sang đã làm lâu nay.

Người dân thì nửa tin nửa ngờ. Một số cho rằng đây chỉ là những hành động nhằm làm dịu lòng dân, vớt vát lại phần nào hình ảnh tệ hại của ông thủ tướng do “thành tích” điều hành quản lý kinh tế quá kém cộng với việc triệt để thi hành một chế độ công an trị trong thời gian qua.

Rằng “đừng nghe những gì nhà nước Việt Nam nói, mà hãy nhìn những gì nhà nước Việt Nam làm”, bởi khẳng định chủ quyền bằng miệng thì có gì khó, cái chính là làm cách nào để lấy lại Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình như ông thủ tướng nói đây. Luật biểu tình cũng vậy, ở đâu chứ ở Việt Nam, nhiều khi có luật với vô số những điều kiện ràng buộc chặt chẽ, cấm đoán càng khiến người dân khó mà biểu tình và dễ bị nhà nước quy tội hoặc bắt bớ hơn!
Dẫu sao, lâu ngày sống với một nhà nước độc tài, nói một đằng làm một nẻo, với rất nhiều “chiêu” chụp mũ, bịt miệng dân như nhà nước Cộng Sản Việt Nam, người dân đã biết dùng chính ngôn ngữ, phương pháp của họ để mà gây áp lực với họ. Ðã có những blogger ra lời kêu gọi biểu tình ngày Chủ Nhật 27 tháng 11 để “ủng hộ Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đề xuất và Quốc Hội ban hành luật Biểu Tình”. Biểu tình ủng hộ thủ tướng thì làm sao công an dám đàn áp?

Dù không mấy hy vọng gì vào khả năng tự thay đổi của nhà nước Việt Nam, nhưng thực tế sự trở lại Châu Á của Hoa Kỳ, âm mưu bành trướng đã bị lộ rõ của Trung Quốc cũng khiến những người đang lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam và cả nhân dân Việt Nam có lối thoát hơn trong mối quan hệ với Trung Quốc.

Về lâu dài, quy luật tự nhiên của đời sống xã hội con người là bất cứ một chế độ độc tài nào, đi ngược với lợi ích của dân tộc và xu thế chung của nhân loại, cũng sẽ bị sụp đổ. Ðiều đó cũng đúng với Việt Nam -dù sớm dù muộn.
.
.
.

No comments:

Post a Comment