Saturday, November 26, 2011

KHÔNG PHẢI CHỈ CÓ NHỮNG NGƯỜI CHỐNG TƯ BẢN (Lê Mạnh Hùng)



Lê Mạnh Hùng

Tuần này, một ủy ban độc lập ở Anh tuyên bố lương của các giám đốc phải được cải tổ một cách toàn diện để ngăn chặn tình trạng lương tiếp tục leo thang.

Ủy ban này nói là tình trạng lương của các giám đốc quá cao có ảnh hưởng “hủy hoại” đối với nền kinh tế, đe dọa tạo ra tình trạng bất công và bất bình đẳng mà lần cuối cùng Anh Quốc chứng kiến là dưới thời của Nữ hoàng Victoria.

Ðồng ý với những người biểu tình chống sự “quá độ” của tư bản trong phong trào “Chiếm đóng” khởi đầu từ “Chiếm đóng Wall Street,” Ủy Ban High Pay Commission, một ủy ban độc lập được sự bảo trợ của hai tổ chức thiện nguyện, đã nghiên cứu trong suốt một năm trời vấn đề lương hướng của các vị đứng đầu doanh nghiệp.

Ủy ban nói là cái gọi là đồng lương của các vị đứng đầu doanh nghiệp ngày càng phức tạp, làm hại đến liên hệ với cổ đông và tạo rối loạn. Ủy ban đề nghị đồng lương cho các vị đứng đầu doanh nghiệp phải được giới hạn ở lương căn bản cộng với một yếu tố dựa trên thành quả, thay vì ba bốn yếu tố như thường có hiện nay. Ủy ban đề nghị là phần thưởng dựa trên thành quả sẽ chỉ là nằm trong việc tặng một số cổ phần do ủy ban lương hướng của công ty quyết định và phải duy trì trong ít nhất 5 năm.

Ủy ban cũng kêu gọi cho nhân viên được tham gia ủy ban lương hướng, cũng như các công ty phải tiết lộ tổng số lương của một giám đốc, và các chủ nhân phải bị buộc phải công bố tỷ lệ tiền lương giữa người có lương cao nhất và lương trung bình của công ty.

Chủ tịch ủy ban, bà Deborah Hargreaves, tuyên bố là có một cuộc khủng hoảng ở thượng tầng của doanh nghiệp Anh và nó có ảnh hưởng hủy hoại đối với nền kinh tế. Ủy ban này cũng xin mở ngoặc, do Compass, một nhóm áp lực cánh trung tả và sáng hội Joseph Rowntree Charitable Trust thành lập.

Bà Hargreaves cũng nói thêm: “Khi lương của các chức vụ cao cấp nhất được ấn định bí mật, nó thường không phản ảnh sự thành công của công ty, và nó đã giúp thúc đẩy một sự bất bình đẳng rất lớn tạo nên một tình trạng bệnh hoạn ở ngay tột đỉnh của xã hội chúng ta.”

Bản phúc trình kể ra là ông John Varley, tổng quản trị của Ngân hàng Barclays' trong năm 2010, lãnh 4.36 triệu bảng Anh, 169 lần cao hơn lương trung bình của người Anh, trong khi hồi năm 1980, lương cao nhất ở ngân hàng Barclays chỉ cao hơn có 13 lần lương trung bình toàn quốc. Tổng lợi tức của ông tổng quản trị ngân hàng như vậy là 4,899 lần cao hơn cách đây 30 năm. Ở công ty dầu khí BP, ông chủ có đồng lương gấp 63 lần đồng lương trung bình của công ty, trong khi hồi năm 1980 thì chỉ gấp có 16.5 phần trăm. Nói chung, ủy ban nói lương của các giám đốc đã tăng 4,000 phần trăm từ năm 1980, trong khi lương của nhân viên bình thường chỉ lên có 300 phần trăm.
Năm 1979, số 0.1 phần trăm những người kiếm nhiều tiền nhất mang về nhà 1.3 phần trăm lợi tức quốc gia, nhưng đến năm 2007 thì số tiền họ đưa về nhà đã tăng lên đến 6.5 phần trăm. Ở mức hiện nay, mức gia tăng lợi tức của nhóm 0.1 phần trăm ở tột đỉnh sẽ lên đến 14 phần trăm tổng lợi tức quốc gia vào năm 2035, một sự việc tương đương với tình trạng chỉ thấy dưới thời Victoria.

Bản phúc trình cũng nói trung bình lương của 350 vị tổng quản trị trong các công ty có tên trong chỉ số FTSE của Anh đã tăng 108 phần trăm giữa năm 2000 đến 2010, trong khi lợi tức từ cổ phiếu chỉ tăng 73 phần trăm còn trị giá tiền lời công ty trả cho các cổ đông vào lúc cuối năm giảm 5 phần trăm.

Bản phúc trình không nói gì đến vấn đề lương bổng ở các quốc gia khác, nhưng các cuộc khảo sát tương tự cho thấy ở Nhật Bản, sự sai biệt trong 30 năm qua là gấp 45 lần trong khi ở Hoa kỳ là gấp 300 lần so với đồng lương trung bình tại hai quốc gia này. Chiều hướng trên toàn Âu Châu thay đổi nhưng nói chung cũng không khác gì Anh, mặc dầu ở Anh, vì vai trò quan trọng của khu tài chánh Luân Ðôn nên biểu đồ hơi bị lệch vì có quá nhiều giám đốc ngân hàng.

Nói cho cùng liệu các ông bà tổng quản trị có đáng đồng lương của họ không? Một loạt những thất bại ngoạn mục trong thế giới doanh nghiệp trong thập niên qua có thể cho thấy là đa số họ không đáng nhận đồng lương đó. Từ vụ nổ bong bóng Internet đến công ty Enron đến các ngân hàng, tất cả cho chúng ta thấy có lẽ các ông bà cầm đầu doanh nghiệp đã được chiều chuộng quá mức.

Tình trạng khủng hoảng tài chánh toàn cầu đã làm cho vấn đề lương giám đốc bị đặt câu hỏi. Và nay nó đã trở thành một đề tài nóng bỏng toàn cầu. Nhưng có lẽ những giải pháp như của Ủy Ban High Pay đề nghị, đòi giới hạn số tiền thưởng, có lẽ quá chật hẹp trong một nền kinh tế tư bản.

Nhưng lý luận là nếu không trả đồng lương đó thì không kiếm được người tài giỏi cũng đã bắt đầu khó biện minh khi chính những vị gọi là tài giỏi đó liên tiếp đưa công ty vào thảm bại. Tuy vậy đồng lương của các giám đốc cũng không nên được điều chỉnh bằng luật lệ của chính phủ.

Một số các nhà bình luận thì cho là tốt hơn hết việc này phải để cho các cổ đông quyết định. Bình luận gia ký tên là Lex trong tờ Financial Times thì nói là “nếu không thích việc 40 phần trăm lợi tức của Goldman Sachs đi vào việc trả lương cho nhân viên hồi năm ngoái, mà đa số là vào các giám đốc, thì bán cổ phần của họ đi.” Khổ một nỗi, chính Lex cũng công nhận là các quản trị viên của các quỹ đầu tư, vốn là chủ nhân của đa số cổ phần của các công ty có tên trên thị trường chứng khoán, cũng được trả lương quá mức. Thành điều tốt nhất mà những người có ít cổ phần như chúng ta hy vọng là một sự thăng bằng quyền lợi sao cho phải lẽ.

Vả lại, các ông bà giám đốc cũng đừng quên tình trạng của sự bất công thường tạo phản ứng. Bất công quá mức tạo cách mạng. Cuộc cách mạng Hoa Lài ở Tunisia bùng lên vì một thanh niên có bằng đại học, thất nghiệp, đi làm nghề bán trái cây nuôi sống gia đình, bị một viên cảnh sát phá xe trái cây, vốn liếng duy nhất của anh. Uất ức quá anh tự tử. Và cái chết của người thanh niên vô tội này đã là ngòi châm lửa của cách mạng.

Khi đến những người làm việc tại Wall Street cũng cảm thấy một phần nào thông cảm với các cuộc biểu tình chiếm đóng Wall Street thì có lẽ đã đến lúc chính những vị giám đốc nên suy nghĩ lại. Bất công trong một giai đoạn kinh tế phồn thịnh đang lên, ai cũng có công ăn việc làm, là chuyện đa số có thể bỏ qua. Bất công trong giai đoạn kinh tế khủng hoảng, thất nghiệp cao, chính là mầm mống của cách mạng. Mà cách mạnh xảy ra ai cũng mất hết.
.
.
.

No comments:

Post a Comment