Tuesday, October 25, 2011

VIỄN TƯỞNG II : SUY NGHĨ VỀ SỰ NGHIỆP DUY TÂN ĐẤT NƯỚC [II] - (Nguyễn Trung)


Nguyễn Trung
(viet-studies 26-10-11)


II. Lịch sử nói gì? Việt Nam dưới triều đại Gia Long và Nhật dưới thời Minh Trị

Từ lâu, mỗi khi nghĩ về thân phận hèn kém ngày nay của quốc gia và dân tộc mình, tôi băn khoăn với không biết bao nhiêu câu hỏi “vì sao?”. Trong những vì sao? không đếm xuể như sao trên trời ấy, cộm lên trên tất cả vẫn là những câu hỏi về vận mệnh đất nước ta trong thế giới ngày nay.
Đất nước ta không nhỏ, dân tộc ta có cả một bề dày lịch sử và văn hóa dù chẳng phải là tuyệt đỉnh nhân loại, nhưng hậu duệ như chúng ta ngày nay chẳng đến nỗi phải hổ thẹn về tổ tiên và nguồn gốc của mình, kể cả đối với những ai đó quá nguội lạnh và để quên đâu đó niềm tự hào về cội nguồn. Đấy là chưa nói hậu duệ chúng ta ngày nay có không ít thua kém tổ tiên mình trong những giai đoạn tổ quốc đứng trước những thách thức quyết liệt nhất, nợ các bậc tiền bối của mình về không biết bao điều!
Một đất nước như thế, một dân tộc như thế, vì sao đến hôm nay vẫn đứng trong hàng ngũ các nước nghèo và lạc hậu trên thế giới?[4] Bài 1 và trong một số bài viết khác tôi đã đưa ra những số liệu so sánh nước ta đi như vừa qua là quá chậm so với thiên hạ.
…Nhất là trong thế giới đương đại ngày nay, chỉ tính từ sau chiến tranh thế giới II, ở cả 5 châu lục cộng lại, đã có tới hàng chục nước từ hoàn cảnh tương tự như nước ta, nay đã vượt lên bỏ xa nước ta về trình độ phát triển. Trong những nước này, một số đã đứng vào nhóm các nước phát triển, một số đã tham gia tổ chức OECD (Organization for Economic Cooperation and Development), một số nước là thành viên của “G” nọ “G” kia có vai trò nổi bật đối với sự phát triển của cả thế giới. … Vì sao?
Điểm lại, Việt Nam thời Gia Long là một quốc gia phát triển hoàn chỉnh nhất trong lịch sử của mình, và đấy cũng là diện mạo của nước ta ngày nay. Việt Nam thời triều đại Gia Long có thể được coi là một nước mạnh trong khu vực của lịch sử đương thời. Có lẽ ngoài Trung Quốc giữ vị thế lịch sử là “thiên quốc”, thời ấy nước ta nếu không phát triển hơn thì có lẽ cũng không thua kém các quốc gia còn lại khác trong khu vực châu Á bao nhiêu.
Thế nhưng, sau khi triều đại Gia Long củng cố vững chắc địa vị thống trị quốc gia của mình khoảng hơn 5 thập kỷ, ở châu Á vào những năm 1866-1869 xuất hiện cuộc cách mạng Thiên Hoàng Minh Trị[5], đưa nước Nhật đi hẳn về một ngả khác, bỏ lại bơ vơ “Thiên Quốc” mà Nhật đã từng chịu không ít ảnh hưởng, bỏ lại cả châu Á lạc lõng phía sau - trong đó có nước ta.
Không thể không hỏi: Điều gì đã làm nên sự khác biệt giữa Nhật và Việt Nam như giữa trần gian và địa ngục thế này?
Không có nước nào giống nước nào trên thế giới. Nhưng so sánh tương đối mọi mặt, sự khác biệt giữa Việt Nam và Nhật đại thể không đến nỗi một trời một vực. Nói theo ngôn ngữ cổ, từ khi vua Gia Long lên ngôi năm 1802 đến khoảng giữa đời vua Tự Đức (trị vì 1847- 1883) (nghĩa là khi xảy ra cách mạng Thiên Hoàng Minh Trị 1866-1869), nếu hai nước không được kẻ tám lạng kẻ nửa cân[6], chí ít ta cũng được năm, sáu lạng hoặc nhỉnh hơn chút chút, nghĩa là đều có sự phát triển kinh tế, chính trị và nội trị - bao gồm cả văn hóa – na ná ngang nhau, có những vấn đề về phát triển phải giải quyết trong đối nội và đối ngoại gần như giống nhau.
Sử liệu mách bảo, cái mà lúc ấy nước ta không có hoặc khác hẳn so với Nhật là ở những điểm:
Sức ép mở mang thương mại của các nước “Tây dương” từ đầu thế kỷ XIX (đặc biệt là cuộc tiến công của tầu chiến Mỹ do đô đốc Perry chỉ huy bắn phá Yokohama 1853), có thể được coi như làn sóng cuối cùng dẫn tới sụp đổ triều đại Mạc Phủ, mở đường cho thời đại Thiên Hoàng Minh trị. Từ đây nước Nhật được thúc đảy cải cách, nhằm phát triển mở mang kinh tế theo con đường công nghiệp hóa. Trước đó, tại Nhật đã có những làn sóng, lúc âm thầm, lúc dữ dội, thường xuyên xói mòn mãi đến tận gốc rễ chế độ chính trị phong kiến Tống Nho của Nhật. Đó là quá trình hình thành từng bước và liên tục qua nhiều thế kỷ kinh tế đô thị của các tầng lớp trên, thường trực tạo ra sức ép về văn hóa và tư tưởng. Sức ép này chỉ rình chờ bắt lấy cơ hội thay đổi. Và khi cơ hội đến, chính nó đã trở thành động lực của sự thay đổi nước Nhật[7]. (Sức ép văn hóa tư tưởng này chính là điều đã bị triệt tận gốc ở nước ta suốt triều đại các vua Nguyễn).
Nhật tranh thủ điều kiện này mở rộng tầm nhìn ra toàn thế giới.
Từ đây Nhật đặc biệt chú trọng cải cách giáo dục; đề cao học tập nhiều cái mới, ứng dụng khoa học và công nghệ phương Tây, xây dựng được một chính thể với mục tiêu duy nhất là tạo mọi điều kiện cần thiết để phát triển nước Nhật.
Song cách phản ứng của nước ta thời ấy là:
Bế quan tỏa cảng, coi mở rộng thương mại với bên ngoài chỉ làm hỏng đất nước. Các sứ thần của ta như Nguyễn Hiệp, Lê Đĩnh, Phan Lương…đi các nơi về báo cáo nhà vua là các nước đều làm khác, khuyên phải thay đổi, nhưng nhà vua đều cho là không hợp, mặc dù suốt toàn bộ sự nghiệp thành vương của mình Gia Long tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài, không chi riêng với nước Pháp; khoảng năm 1839 vua Minh Mạng đã cho sứ bộ của mình đi một số nước châu Âu để nắm tình hình... Đã thế, sử liệu còn cho thấy nhìn chung triều đình chủ trương phó thác việc buôn bán cho Hoa kiều, Hoa kiều hầu như đứng ngoài luật pháp...[8] Không ít các trí giả như Nguyễn Đức Hậu, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Điểu… đã từng đi du học phương Tây, đưa ra nhiều kiến nghị cải cách, song tất thảy đều bị bỏ xó. Mọi điều mới mẻ được tâu lên, các cận thần thường bác bỏ trước – vì cho đấy là những gì “khác đời” và trái với đạo lý và triết lý của triều đình, sau đó đến lượt nhà vua tán thành các cận thần của mình. Không ít trường hợp nhà vua trực tiếp bác bỏ cái mới. Thực tế này đã triệt bỏ mọi khả năng canh tân của Việt Nam khi thách thức và thời cơ đến (Georges Condominas)[9]
Thế giới và thế giới quan của triều đình nước ta ở giai đoạn này chỉ có Trung Quốc và là Trung Quốc, mặc dù triều đại Gia Long ý thức rất rõ Trung Quốc như một mối nguy xâm lược thường trực. Nho giáo và Khổng giáo không những được tiếp thu nguyên vẹn mà còn được nâng lên thành nền tảng trí tuệ, đạo lý và kỷ cương cho đất nước mình, thậm chí còn được vận dụng là chất liệu cho tầm cao văn hóa nước nhà… Tất cả chỉ để nuôi dưỡng lề thói cũ như một giường cột tinh thần gìn giữ sơn hà xã tắc, thực chất chỉ là để gìn giữ triều chính tồn tại. Có thể xem đấy là một dạng ý thức hệ nguy hiểm, được nâng lên tới mức như lẽ sống, một quốc đạo của triều đại này.
Giáo dục chẳng những hầu như không đếm xỉa gì đến khoa học - công nghệ, càng không quan tâm mở mang dân trí, tri thức, mà chỉ tập trung vào dùi mài kinh sử làu làu theo kiểu trích cú tầm chương (chủ yếu là Tứ thư Ngũ kinh, Sử Tàu…), với mục tiêu duy nhất là đào tạo ra các tầng lớp quan lại giúp vua cai trị đất nước. Nguồn lực quốc gia thực hiện mục tiêu này chủ yếu lấy từ thuế đánh vào đất đai rất hạn chế, đương nhiên với mọi hệ quả hủ bại của tình trạng một đất nước kém phát triển; quan liêu tham nhũng tệ hại trở thành tất yếu[10].
Kết quả hai nước gặt hái được cũng hoàn toàn trái ngược nhau:
Nhật trở thành nước đế quốc trong khoảng thời gian rất ngắn, chỉ vài thập kỷ sau đã cùng nhiều đế quốc khác tham gia cuộc chiến tranh nha phiến… Sau hơn 3 thập kỷ, năm 1895, Nhật đã có chiến thắng đầu tiên chống Trung Quốc và chiếm được Đài Loan, thập kỷ tiếp sau đó lại chiến thắng đế quốc Nga Hoàng trong thủy chiến ở Hoàng Hải năm 1905 giành được Mãn Châu; tháng 12-1941 – nghĩa là chỉ sau 7 thập kỷ kể từ cách mạng Thiên Hoàng - Minh Trị, Nhật đánh trận Chân Châu Cảng làm nước Mỹ bàng hoàng và trở thành một đế quốc gây chiến tranh thế giới II…
Khi quân Pháp nổ súng chiếm Đà Nẵng 1858, Việt Nam từ đỉnh cao của triều đại Gia Long phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhượng địa Nam Kỳ, rồi lần lần sau nhiều diễn biến khác, phải gông trên người mình ách thuộc địa Pháp cho đến tận 1945, với không biết bao nhiêu hệ lụy.
Những điều kiện địa lý tự nhiên và tình hình thời sự mọi mặt thời đó trong khu vực châu Á cho phép giả định là sức ép mở mang thương mại từ các nước Tây Dương dội vào Nhật lúc bấy giờ đại thể cũng tương đương như tác động vào nước ta. Chỉ có cách tiếp cận và sự lựa chọn giải pháp cho thách thức của hai nước lúc đó khác nhau.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới hai kết quả trái ngược nhau của hai nước có lẽ bắt đầu từ tầm nhìn.
Nhận thức thế giới một cách khác, Nhật đã mau chóng học hỏi và tự tạo ra cho mình động lực mạnh mẽ đi vào con đường công nghiệp hóa, bắt kịp sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và vươn lên rất nhanh. Trong khi đó các triều đại vua Việt Nam thay nhau tự trói mình vào tầm nhìn thủ cựu của chính mình để tự vệ, và qua đó tự biến mình trở thành kẻ nô lệ của quá khứ, trước khi bị ngoại bang áp đặt ách thuộc địa.
Rất nên có những công trình nghiên cứu tìm hiểu kỹ thêm khía cạnh Việt Nam thời ấy đã tự trói mình vào triết lý hủ bại để tự làm suy yếu mình, trước khi Pháp có thể dốc ra lực lượng chưa hẳn là mạnh áp đảo về mặt quân sự để khuất phục được Việt Nam thành thuộc địa. Từ điểm này của lịch sử, nên chăng tự hỏi: Ngày nay ta đang tự trói mình như thế nào?
Trước hết phải nói tới bộ máy quan liêu cai quản đất nước ta quá bất cập của thời ấy, được đào tạo ra trên cơ sở một thế giới quan lỗi thời và từ một nền giáo dục lạc hậu như đã nói trên. (So với ngày nay thế nào?) Ngoài việc xây dựng lăng tẩm, khó mà nói rằng các vương triều thời đại Gia Long đã để lại tiến bộ mới nào đáng kể về kinh tế, khoa học công nghệ, hay kết cấu hạ tầng của đất nước… – giữa lúc thế giới phương Tây đã chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, và chủ nghĩa tư bản đang trên đường trở thành chủ nghĩa đế quốc.
Trên cơ sở một nền kinh tế ngày càng sa sút nhanh chóng do sự kìm hãm của bộ máy cai trị quan liêu, và với triết lý quốc gia lấy Nho giáo - Khổng giáo làm gốc như thế, đã hình thành một thượng tầng kiến trúc “gia cố” không ngừng sự lạc hậu của đất nước, làm cho đất nước ngày một nghèo đi và tích tụ những mâu thuẫn xã hội mới. Sức ép thương mại từ bên ngoài và sự thâm nhập của công giáo (được vận dụng là những hình thức mở đường cho chủ nghĩa thực dân) làm cho nội trị đất nước phức tạp thêm, đồng thời làm cho triều đình càng tự trói mình chặt hơn nữa, càng bảo thủ lạc hậu để cố thủ; từ đó quan liêu gia tăng, mâu thuẫn xã hội và loạn lạc ở các địa phương cũng gia tăng. Cuối trào – kể từ Tự Đức, đất nước còn phải chịu thêm gánh nặng loạn các “giặc cờ” (các nhóm giặc cờ đen, cờ vàng khác nhau là tàn dư tan vỡ của cuộc cách mạng Thái bình thiên quốc ở Trung Quốc).
Có thể nói, đến triều Tự Đức đất nước thật sự kiệt quệ, mục nát, triển vọng để phát triển không có, sức đề kháng không còn lại bao nhiêu. Chúng ta trân trọng và tôn vinh ý chí hy sinh chiến đấu của Nguyễn Tri Phương trong bảo vệ thành Hà Nội. Song cũng cần chú ý một chi tiết của lịch sử thành Hà Nội bị hạ năm 1882 (thất thủ lần thứ nhất), được viên lãnh sự Pháp tại Hà Nội thời đó là Kergaradec báo cáo về nước, Tsuboi đã sưu tầm được và đưa vào luận văn tiến sỹ của mình: “…188 thủy thủ hay binh sĩ Pháp và 24 người châu Á, với chỉ 8 họng súng (đại bác hay súng trường?- NT) đủ đánh chiếm một tỉnh thành được bảo vệ bởi những lực lượng thiện chiến nhất của Việt Nam, từ Huế ra, gồm 7000 người, dưới quyền lãnh đạo của viên tướng tài nhất của họ..”[11]. Một số sử liệu chi tiết khác còn ghi, khi tướng Nguyễn Tri Phương từ Huế ra đến nơi để giữ thành, nhiều súng thần công đã hoen gỉ không dùng được, kỷ cương trong thành mục nát… Có lẽ một chi tiết này cũng đủ cho chúng ta thấy tận bên trong mọi hệ quả mọt luỗng sâu xa của một triều chính quốc gia tự trói mình làm nô lệ quá khứ.
Trong phần nói về đình thần – nghĩa là về các tầng lớp quan lại kế cận triều đình của các vương triều thời Nguyễn, sử gia Trần Trọng Kim nhận xét: Nhà vua cai trị đất nước qua đình thần nên hầu như xa rời và không nắm được thực trạng đất nước; đình thần vừa bảo thủ, tranh giành lẫn nhau về ảnh hưởng và quyền lợi, vừa rất sợ những ai hơn mình, coi bất kể cái gì mới đều là không hợp và có nguy cơ làm bộc lộ yếu kém của mình… Sử gia kết luận đau sót: “Đến khi nước Pháp đã sang lấy đất Nam Kỳ, đã ra đánh Bắc, tình thế nguy cấp đến nơi rồi, thế mà cứ khư khư giữ lấy thói cổ, hễ ai nói đến sự gì hơi mới một tí, thì bác đi. Như thế thì làm thế nào mà không hỏng việc được.”[12] Còn sứ Pháp tại Huế P. Rheinart báo cáo về thống đốc Pháp ở Nam Kỳ năm 1875 “…Con số những người muốn chống đối vì mất độc lập công nhiên của đất nước Việt Nam sẽ rất nhỏ không thể lôi cuốn nhân dân. Dân chúng biết là chẳng còn có thể mất gì thêm nữa, sẽ chỉ có thể được lợi trong sự đổi thay, bất kể đổi thay thế nào khỏi tình trạng hiện tại…”[13] Tâm thế dân tình như vậy, làm sao nước không mất?!
Sự tranh giành diệt lẫn nhau trong nội bộ đình thần rất quyết liệt, như xưa và nay thường thấy ở bất kỳ một triều chính chuyên chế nào trên thế giới – nghĩa là không có ngoại lệ. Càng mục nát càng tranh giành nhau. Đỉnh cao của sự vận động này trong lịch sử các triều vua Nguyễn theo các sử liệu Tsuboi sưu tầm được có lẽ là sự việc nhân vật quan đại thần Trương Đăng Quế loại bỏ các kình địch của mình, tự tay tiến hành âm mưu phế con cả của vua Thiệu Trị là Hồng Bảo (An Phong), để đưa con thứ của vua là Hồng Nhậm lên ngôi – vua Tự Đức. Hậu họa là đất nước đã kém, nát, lại không bao giờ được yên do những chống đối phát sinh sau đó.
Cuối đời, vua Tự Đức cũng tiến hành một số thay đổi: cải cách thuế ruộng đất 1875, cải cách quân đội 1876, cải cách thi cử 1879… Tsuboi nhận xét: “…Tuy nhiên mọi cải cách đều hỏng chỉ vì bản thân chế độ không đặt ra một vấn đề nào cho cả Tự Đức lẫn các quan; họ thấy chính quyền của họ điều hành tồi tệ, nhưng họ không ngờ vực gì hết đối với những khuôn phép Nho giáo đang là nền móng của triều đại. Sự tin tưởng mù quáng của họ vào hệ thống đó đã ngăn cản họ…”[14] (người trích dẫn tô đậm). Một nhận xét nhức buốt còn nguyên tính thời sự cho hôm nay.
Chỉ có thể kết luận: Chính vì sự mù quáng này, chung cuộc Việt Nam mất nước vào tay thực dân Pháp ở thời điểm Việt Nam phát triển hoàn chỉnh nhất trong lịch sử của mình và là một nước mạnh trong khu vực. Đấy cũng là cảm nghĩ chua xót của tôi khi ngồi vào bàn phím viết “Thời cơ vàng – Hiểm họa đen” năm 2006.
Vì vậy vẫn chưa hết, vẫn nhoi nhói các câu hỏi:
- Vì sao Nhật thời Minh Trị có được cách nhìn khác, dẫn tới tầm nhìn khác và sự lựa chọn khác, trong khi đó Việt Nam dưới triều đại các vua thời Gia Long không có được?
- Vì sao Nhật thời Minh Trị thực hiện được cái mà tầm nhìn mới mở ra cho họ, còn Việt Nam các triều đại Gia Long cuối cùng cũng nhận ra phải cải cách nhưng hoàn toàn bất lực?[15]
- Vân vân…
Sử gia Trần Trọng Kim còn ghi chuyện này nữa: Nước sắp mất, triều đình ta còn cử sứ Phạm Thận Duật sang cầu cứu nước Tàu, mà không biết là chính Tàu lúc này ốc không mang nổi mình ốc, cho nên chỉ rước thêm hậu họa. Tổng đốc Lưỡng Quảng lúc ấy là Trương Thụ Thanh báo cáo về Bắc Kinh: “Nước Nam và nước Tàu tiếp giáp với nhau mà thế lực nước Nam thật suy hèn, không có thể tự chủ được nữa, vậy ta nên mượn tiếng sang đánh giặc mà đóng giữ các tỉnh thượng du. Đợi khi có biến thì ta chiếm lấy những tỉnh phía Bắc sông Hồng Hà…”[16]
Chuyện ngày xưa là như vậy.
Tôi tin rằng kìm hãm kinh tế phát triển qua việc bế quan tỏa cảng đã trực tiếp giữ Việt Nam đứng lại trong chế độ phong kiến nông nghiệp lạc hậu. Song có lẽ chưa đủ. Đến nay tôi thực sự chưa có câu trả lời nào thuyết phục được chính mình về khúc quanh lịch sử này. Chắc chắn còn phải có các yếu tố gì khác nữa sâu xa hơn thuộc phạm trù văn hóa. Xin thỉnh cầu mọi người lý giải.
Trong hầu hết những bài tôi viết gần đây có liên quan, tôi vẫn chưa giải thoát được mình khỏi câu hỏi: Chẳng lẽ dân tộc ta chỉ thông minh dũng cảm, chỉ cố kết được với nhau khi bị ngoại xâm, còn trong thời bình thì…? Xin nói ngay, sự cố kết để tự vệ, để tồn tại như thế, cho dù anh dũng đến thế nào đi nữa, vẫn là dạng thấp hơn so với cố kết để phát triển và để từ đó tạo ra văn hóa của phát triển của dân tộc, của quốc gia. Có phải như vậy không? Tự nhận diện lại dân tộc mình và vai trò của thể chế chính trị – rõ ràng là một vấn đề rất trọng đại của kịch bản duy tân.
Ngoài đời phong phú những đàm tiếu: Một người Việt Nam nếu không hơn, không bằng, không hẳn thua một người Nhật; ba người Việt Nam thường thua một người Nhật; ba người Việt Nam chắc chắn thua ba người Nhật!..
Rồi đây, đàm tiếu hay không đàm tiếu, duy tân hay không duy tân… sẽ có thể tranh luận nổ trời với nhau. Song trước hết xin hãy để lịch sử là tấm gương soi lại mình khởi đầu cho cuộc tranh luận này.
Cuối cùng, dựa vào sử, tôi muốn đặt ra ở đây câu hỏi cũ kỹ đã bao nhiêu người đặt ra và vẫn đang tìm câu trả lời: Có hay không nguy cơ đất nước ta ngày nay lại lỡ hẹn với con tầu thời đại, như triều đại Gia Long đã từng lỡ hẹn? Lịch sự gợi ý cho ta những gì?
.
.
.

No comments:

Post a Comment