Tuesday, October 25, 2011

VIỄN TƯỞNG II : SUY NGHĨ VỀ SỰ NGHIỆP DUY TÂN ĐẤT NƯỚC [I] - (Nguyễn Trung)



Nguyễn Trung
(viet-studies 26-10-11)

Lời nói đầu
Trong khi viết bài “Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài trong giai đoạn hiện nay” (Thời Đại Mới – số 22, tháng 8 – 2011), như một tất yếu khách quan, tôi đụng chạm phải nhiều vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh đất nước đang đứng trước ngã ba đường, hoặc là.., hay sẽ là…. Ngay lập tức tôi bị thôi thúc: Phải nói suy nghĩ của mình về những câu hỏi tự mình đặt ra trong bài viết này. Lẽ đơn giản tôi không được phép chỉ đóng vai “người bình luận”.

Tôi dự định sẽ tìm cách trình bày tập trung những suy nghĩ của mình liên quan đến những câu hỏi đề ra vào 3 bài viết tiếp theo:

-  “Đất nước đang đứng trước bước ngoặt bất khả kháng như một định mệnh”
-  “Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước”
-  “Đảng Cộng Sản Việt Nam phải giành lại vai trò lãnh đạo bị đánh mất”

Với tất cả nỗ lực, tôi cố bám sát thực tế nghiệt ngã, chỉ để tìm ra những khả năng khả thi tối thiểu có thể có trong tình hình hiện nay cho việc giải quyết một số vấn đề hệ trọng đất nước. Tuy nhiên với nhiều lý do xác đáng, sẽ có những câu hỏi khó hoặc đến nay tôi chưa thể trả lời được. Vì những lẽ này, cả ba bài dự định viết này sẽ có cái tựa đề chung là Viễn tưởng.
Sự thôi thúc trong thâm tâm khiến tôi bỏ qua mọi hạn chế và ngần ngại của bản thân, liều lĩnh viết ra 3 bài viết này với hy vọng sẽ nhận được sự trao đổi rộng rãi trong dư luận.
Tất cả vì tổ quốc yêu dấu của chúng ta.

--------------------------------



Bài 2 : Suy nghĩ về sự nghiệp duy tân đất nước
Hay là ảo tưởng?

I. Ảo Tưởng?

I.1. Nỗi niềm
Những ý nghĩ thôi thúc tôi viết Bài 2 đơn thuần là nỗi day dứt về sự yếu kém hiện hữu kéo dài của đất nước và mong ước bằng cách nào đó nước ta sẽ thay đổi được, để trên đất nước ta là cuộc sống hạnh phúc của nhân dân, và trên thế giới là một Việt Nam không thua em kém chị trong mối quan hệ cộng đồng quốc tế.
Trước hết xin nói rõ thế này: Lâu nay tôi vốn dị ứng với bất kỳ một hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội nào ở nước ta có tên gọi “phong trào”. Đơn giản vì trong thực hiện chỉ thấy nó có bề nổi, ít giá trị thiết thực và không bền. Tôi cũng nghĩ rằng sau 35 năm xây dựng đất nước kể từ khi giành được thống nhất và 25 năm sau khi tiến hành công cuộc đổi mới, chẳng lẽ bây giờ lại nghĩ phải nghĩ đến một cái gì đó mang tính phong trào?- nhất là một phong trào mang tính duy tân đất nước?!.. Song ngẫm nghĩ mãi, tôi thấy đất nước ta trong quá trình phát triển vừa qua của mình, bên cạnh cái được, cái tha hóa đang lấn lướt trên nhiều mặt và có hệ thống, lại trong một bối cảnh thế giới quyết liệt hiện nay. Tình hình trở nên nguy hiểm đến mức đòi hỏi phải có sự thay đổi toàn diện và triệt để - như đã trình bày trong Bài 1 và một số bài khác tôi viết trước đó. Những trở lực phải vượt qua lớn quá, rất đa dạng, trên mọi bình diện của đất nước. Nếu như giờ đây không dấy lên được trong cả nước và trong toàn thể cộng đồng dân tộc Việt Nam ta một phong trào thay đổi triệt để đất nước, chẳng những sẽ khó giành được những thắng lợi mới trên chặng đường tới, mà còn có nguy cơ đất nước bị tụt hậu nữa, sẽ tích tụ thêm đủ mọi thứ nguy hiểm và ngày càng bị uy hiếp. Còn chờ nước đến chân mới đem mọi chuyện ra bàn, liệu lúc ấy có bàn được không?
Phải, làm gì? Làm thế nào? Tôi chưa nghĩ ra được. Song nỗi niềm như vậy, tự nhiên khiến tôi tưởng nhớ đến phong trào Duy Tân do các chí sỹ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp khởi xướng, nhất là vì phong trào này tập trung vào yêu cầu mở mang dân trí và thức tỉnh tinh thần dân tộc để thay đổi đất nước, với chủ đề: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Đây còn là một chương trình nghị sự nữa, một quy hoạch có lý để thực hiện: Khai dân trí đi trước.
Theo tôi, yêu cầu cụ Phan và các chiến hữu của mình đặt ra chính là cái nước ta cần trước tiên trong tình hình đất nước lúc này trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Tôi tin rằng dân trí và tinh thần dân tộc cao là yếu tố quyết định. Có trình độ dân trí và tinh thần dân tộc cao, nhân dân ta sẽ tự chọn được, thiết kế được, và sẽ có cách thực hiện được cho mình con đường phát triển của đất nước – trước hết nhân dân ta sẽ tạo ra và lập nên được đội ngũ tinh hoa lãnh đạo đất nước trên con đường phát triển.
Tự giải phóng được mình về tư tưởng và văn hóa, nhân dân ta chắc chắn sẽ xoay chuyển được tình thế[1].
Suy nghĩ nói trên của tôi xuất phát từ mong muốn: Nước ta phải từ chỗ đứng hiện tại, tìm đường phát triển đi tiếp.
Các bài học đất nước ta thâu lượm được trong hơn một thế kỷ nay rất nhiều, kinh nghiệm trên thế giới cũng nhiều, làm sao chuyển hoá được thành sức mạnh của trí tuệ và sáng tạo của cả nước, của toàn dân tộc?
Xin đừng bao giờ quên, những gì đất nước này đang có trong tay cho đến hôm nay là thành quả phải trả giá rất đắt của cả dân tộc này, dù là ai, dù là theo chủ nghĩa nào, dù đứng về bên này hay bên kia – suốt từ đêm dài 80 năm nô lệ và chiến tranh thế giới II đến nay. Để có thành quả như hôm nay, máu Việt Nam nào đã chảy và bao nhiêu tổn thất khác đều là những hy sinh của dân tộc. Mọi vết thương của cả dân tộc này, cần sớm làm lành nó, chứ không phải khư khư giữ mãi hay khoét sâu nó thêm nữa.
Tôi nghĩ đất nước lúc này còn nhiều khó khăn gian truân lắm, nhất là nhìn vào cuộc sống của một bộ phận đông đảo dân cư có thu nhập thấp dù ở nông thôn hay thành thị, vùng sâu vùng xa… Đất nước nhiều mặt còn chậm phát triển, tệ nạn quan liêu tham nhũng hoành hành, thiên tai luôn tàn phá nghiêm trọng… Nhìn vào đâu cũng thấy ngổn ngang không biết bao nhiêu việc phải làm. Đã thế, lúc này đất nước đang có nhiều khó khăn trong, ngoài rất nhạy cảm. Ngay hiện tại còn phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng có thể còn kéo dài một số năm và sức ép trên Biển Đông... Vì vậy, nên chắt chiu từng kết quả nhỏ để giảm bớt khó khăn, nhất là đừng tự chuốc thêm vào nước mình những khó khăn lẽ ra có thể tránh được, tất cả nhằm tập hợp sức mạnh cả nước.
Dù chưa biết cụ thể phải làm gì và làm thế nào, song tôi mong cho đất nước có một phong trào duy tân xoay chuyển được tình hình. Khát khao như thế cũng là thường tình. Bởi vì hàng ngày tôi thấy trên đất nước ta có không biết bao nhiêu nỗ lực không mệt mỏi của từng cá nhân hay nhiều cá nhân, của các hội, hiệp hội, hay các tập thể, doanh nghiệp, cơ quan, các hộ gia đình ở nông thôn và thành thị… hướng về mục tiêu này…
Trong những nỗ lực theo khuynh hướng nói trên, có không ít những hoạt động đang dần dần xác lập được chỗ đứng có ảnh hưởng và uy tín trong đời sống mọi mặt của đất nước, mang lại ngày càng nhiều lợi ích thiết thực.
Có không biết bao nhiêu ví dụ: Hiệp hội Khuyến học, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, nhà xuất bản Trí Thức, tạp chí Tia Sáng… Vietnamnet đã từng khởi xướng “Đổi mới II” (2006)… Gần đây một số nhà kinh tế của nước ta cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có đổi mới II… Khắp nơi trong cả nước tiếng nói kêu gọi nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới tư duy.., tuy chưa đủ mạnh như mong muốn, nhưng không nhỏ… Vân vân và vân vân…
Cho phép tôi tại đây được bày tỏ sự ngưỡng mộ và lòng trân trọng của mình đối với không biết bao nhiêu nỗ lực có tên hoặc không có tên, không mệt mỏi của những cá nhân, tập thể, trong đời sống hàng ngày. Nhiều trường hợp là những việc làm âm thầm, trước hết là để tự cứu mình. Không ít những nỗ lực phải trả giá đắt, song bản thân từng nỗ lực ấy và những kết quả thu được để lại không biết bao nhiêu gương sáng về những giá trị cần gìn giữ cho đời này… Đó có thể là một nhân viên bưu vụ nghèo rách mướp nhặt được của rơi trị giá hàng trăm triệu đồng song vẫn tìm mọi cách trao lại bằng được người đánh mất, một em học sinh hoàn cảnh hiểm nghèo vẫn tự lo liệu được việc nuôi mình đi học và nuôi bố mẹ mắc hiểm bệnh vì chất độc màu da cam, một thiếu nhi cứu được 2 bạn mình trong lũ – nhưng chính mình lại phải chấp nhận thua sóng dữ vì kiệt sức trong khi cứu tiếp các bạn khác; một nữ giáo viên già về hưu rồi nhưng vẫn đấu tranh đến cùng chống tham nhũng – vạch tận tay day tận trán từng vụ việc bà biết; một chiến sỹ kiểm lâm hy sinh vì kiên quyết không khoan nhượng với bọn lâm tặc; một doanh nghiệp đã chiến thắng cả tham nhũng tiêu cực trong nước và sự chèn ép của bên ngoài; một chị hiệu trưởng trường đại học dân lập – vì lợi ích học tập của 2000 sinh viên trường mình, đã hết keo này đến keo khác, dũng cảm, không mệt mỏi, đấu tranh, giành giật với cái bảo thủ trì trệ của hệ thống chính trị từng ly từng tý một cái không gian tự do cho việc giảng dạy, cho những hoạt động nuôi dưỡng chí hướng của trường…
Tôi đã có dịp gặp mặt một vài doanh nhân trẻ, tất cả đều tốt nghiệp đại học trong nước hoặc nước ngoài, tất cả đều chọn con đường lập nghiệp ngoài biên chế nhà nước. Phải nói họ rất độc đáo và dũng cảm. Thực sự là họ sáng tạo vô cùng và vượt qua được không biết bao nhiêu rào cản. Chỉ tiếc là đất nước ta - nghĩa là cả hệ thống kinh tế, chính trị và xã hội – chưa cho những “Bill Gates” Việt Nam nho nhỏ này môi trường đáng có cho họ tung hoành. Có người thành công ở nước ngoài trước, rồi quay về tìm đất dụng võ trong nước… Duy tân đất nước rất cần những tấm gương và những giá trị của từng con người hoặc tập thể như thế - theo tinh thần có bột mới gột nên hồ, nhiều người tốt và tập thể tốt sẽ tạo nên làn sóng mạnh trong cả nước[2]… Song cũng trong lúc tôi viết những dòng này, ngoài cuộc sống hiện có hàng chục nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa đang ngắc ngoải hoặc phải đóng cửa.

Câu chuyện cái tăm tre và 2.000 tấn quặng
Anh Nguyễn Văn Hà (12/79/18 Ngõ Thổ Quan, quận Đống Đa, Hà Nội, đt 04 38514597, di động: 0904108850), bạn vong niên của tôi, sau nhiều năm kiếm ăn vất vả bằng nghề lái xe, dành dụm được ít tiền, sự đời tình cờ dẫn anh tới quyết định dốc hết vốn liếng đi sang Thái Lan mua cái máy sản xuất tăm tre xỉa răng.
Vừa học vừa làm, vừa là chủ vừa là thợ, trong khoảng thời gian khá ngắn anh trở thành “nhà sản xuất tăm” từ khâu trồng tre đến bán sản phẩm của mình đi khắp nơi trong ngoài nước, công suất khoảng 18 tấn/năm, xí nghiệp tự lo tự diễn mọi mặt; cả chủ và thợ tất cả các cơ sở gộp lại lúc cao điểm khoảng 270 người…
Thế nhưng bỗng dưng: Thương nhân Trung Quốc đến gặp, đề nghị hợp tác. Từng bước, khách đưa ra các phương án: (1)mua đứt toàn bộ xí nghiệp từ A đến Z, nghĩa là cả rừng trồng tre, nhưng xí nghiệp cứ sản xuất như thường nhật, khách trả lương cho xí nghiệp và độc quyền bao tiêu toàn bộ sản phẩm mang nhãn hiệu mới Trung Quốc; (2)như phương án 1, chỉ sửa đổi ở chỗ giữ lại nhãn hiệu Việt Nam của sản phẩm; (3)mua đứt rừng trồng tre, khách cam kết tiếp tục giữ nguyên việc cung cấp nguyên liệu cho xí nghiệp; (4)mua đứt khâu sản xuất tăm, nhãn hiệu gì cũng được; (5)nhường cho khách bao tiêu sản phẩm trong thị trường Trung Quốc; (6)góp vốn cùng kinh doanh lời cùng ăn lỗ cùng chịu… Anh Hà choáng váng, vì khách dai như đỉa đói. Anh còn muốn vươn xa nữa và đã nhìn thấy các nguồn lực cho phép thoả chí vươn xa của mình… Tất cả các phương án của khách, anh khước từ quyết liệt. Nhưng khách không chịu buông tha.
Thế là sóng dữ cuồn cuộn: Khách làm tăm rởm và tẩm độc hại, gắn nhãn mác của xí nghiệp (nhãn mác nhái), tung ra thị trường rồi tố cáo trên mạng và dư luận, về chuyện tăm của anh Hà chất lượng bẩn. Anh Hà chạy vạy gõ cửa khắp nơi cầu cứu. Sau rất nhiều tháng nỗ lực, anh Hà đã phản công được trên tivi và báo chí nước ta, và nhận được sự giúp đỡ bảo vệ nhãn mác của một số cơ quan hữu quan… Song kết quả đến hôm nay chỉ là tồn tại ngắc ngoải: Xí nghiệp bây giờ chỉ sản xuất khoảng 6 -7 tấn/năm, biên chế chỉ còn lại 34 người. Trên thị trường Việt Nam tăm Trung Quốc vẫn lấn át, vì tăm này bẩn, chế biến sơ sài, chi phí thấp, nên giá bán chỉ bằng ½ giá tăm sạch của xí nghiệp anh Hà.
Ngày ngày, nếu sau bữa ăn các bạn dùng cái tăm tre tẩm quế có bọc giấy trong rất nhiều các nhà hàng, khách sạn, các chuyến bay.., ở nước ta cũng như tại khá nhiều nước khác, có nhãn mác thường là tên nhà hàng, khách sạn bạn đang ở, hay các hãng hàng không bạn đang bay.., có thể đoán chắc đấy là cái tăm tre sạch của xí nghiệp anh Hà… Bởi vì tăm sạch đáp ứng yêu cầu của những nhà hàng này.
Một chủ doanh nghiệp rất nhỏ, để bảo vệ thứ sản phẩm vô cùng nhỏ của mình là cái tăm, anh ta phải vật lộn vỡ óc là như thế và chưa thắng được… Nhưng tại một điểm ở xã Chu Trinh – Cao Bằng, cứ đêm về là có khoảng 2000 tấn quặng, theo báo chí có lẽ là được xúc lậu lên xe tải (nghĩa là ăn cắp?), để rồi đến sáng sớm ầm ầm xuất qua biên giới; đã bao nhiêu lâu với những đêm êm ru như thế? (xem Sài Gòn Tiếp Thị, 13-10-2011)…
Đến lượt tôi cũng choáng váng như anh Hà, vì thực sự không sao hiểu nổi đất nước mình!
Mới đây lại có chuyện thương nhân Trung Quốc mua giá hời vài tấn chè với điều kiện hàng phải trộn thêm bùn, phân trâu, rác bẩn khác… Hàng được mang về Trung Quốc, không phải để bán, mà để cho báo chí và tivi Trung Quốc ghi hình , viết bài, tố cáo chè Việt Nam bẩn!.. Báo chí ta đã phải lên tiếng…

Ngày ngày, qua những gì tôi được chứng kiến, tôi cảm nhận được sự mong muốn nóng bỏng trong dân về những điều tốt đẹp cho cuộc sống của riêng mình và của đất nước. Chắc chắn đấy sẽ là một động lực mạnh. Đồng thời hàng ngày tôi cũng nghe được sự phê phán của dân đối với những sai trái hay tiêu cực. Có thể nói đấy là sự phản ứng rất quyết liệt, rất xây dựng, dù là phản ứng âm thầm, không bộc lộ ra ngoài, nguyên do trước hết vì thiếu công khai minh bạch và mất dân chủ. Sự âm thầm ấy nhiều khi thể hiện ra bên ngoài như một thái độ vô cảm… Ước gì đánh thức được nguồn năng lượng này!
Câu chuyên phi lý đến nỗi, ngồi đâu cứ vài ba người trở lên, mọi câu chuyện đứng đắn lại xoay quanh tình trạng tham nhũng tiêu cực trầm trọng của đất nước, những bất cập mới… – dù là giữa người lái xe taxi và khách trong một “cuốc” đường dài, mấy bác đảng viên về hưu cụm lại với nhau chiều chiều bên bờ hồ, lúc trà dư tửu hậu trong một bữa giỗ của gia đình… Thế nhưng cuộc sống trên báo chí lề phải, các buổi truyền hình về những hoạt động chính thống của đất nước.., lại là một bức tranh đời khoả lấp đi quá nhiều mảng tối... Sao lại có sự khác biệt đến vậy?
Nếu người dân được cung cấp thông tin và những hiểu biết cần thiết, nếu tạo ra được môi trường công khai minh bạch, tạo ra được diễn đàn cho dân nói tiếng nói của mình, chắc chắn sẽ tạo ra một bầu không khí mới tràn đầy nghị lực cho cuộc sống đích thực về mọi mặt của đất nước. Trong tôi càng khát khao đất nước có được một cao trào duy tân.
Cũng xin cho phép tôi nhân đây biểu thị sự phê phán, sự không đồng tình với không biết bao nhiêu việc xấu hoặc chẳng hay ho gì đang diễn ra chung quanh chúng ta hàng ngày hàng giờ.
Chỉ xin kể ở đây một ví dụ rất rất nhỏ: Vừa mới đây tôi được chứng kiến trên tivi trong bữa cơm trưa ở nhà, đó là việc biểu dương một em học sinh mồ côi cha mẹ đã vượt khó nuôi được chính mình và các em mình đi học - đương nhiên với sự giúp đỡ vô danh hoặc hữu danh trong xã hội. Câu chuyện trên tivi đến đây rất đáng ngưỡng mộ và ấm lòng người. Song tôi thất vọng, khi thấy thầy hiệu trưởng đứng ra phát biểu, đại ý nói kết quả này còn là công lao của nhà trường, rồi dặn dò như chỉ thị cho em… Tiếp theo là một đại diện đảng ủy và chính quyền xã, rồi đại diện hội phụ nữ xã.., cũng phát biểu tương tự.., ngoài ra còn thấy xuất hiện trên màn hình vài người nữa – có thể là các chức sắc nho nhỏ đại diện cho tổ dân cư thôn, xóm?.. Tôi tự hỏi: Tại sao có thể nhầm lẫn trách nhiệm phải làm – thậm chí đây là trách nhiệm ràng buộc về pháp lý và được trả lương để làm – là công lao như thế được nhỉ? Mà sao công lao của lắm người thế? Trong buổi tivi này còn có các nhà hảo tâm trao cho em học sinh nọ tiền trợ giúp và quà, tôi hoan nghênh những nghĩa cử này. Cứ giả định rằng các nhà hảo tâm này rất muốn nhân tiện làm một chút “PR” cho mình (public relation) – tiếng nói thời thượng bây giờ đấy, dịch nôm na là quảng cáo cho bản thân, song tôi hiểu được và chấp nhận. Nhưng đến cái chuyện tự nhầm lẫn trách nhiệm phải làm với công lao, lại trên lưng thành quả vượt khó của một em học sinh thì thật là quá đáng. Trong trường hợp cụ thể này, chỉ là sự ăn bám trong một phạm vi rất rất nhỏ cái vinh quang của người khác, song hiện tượng nhỏ này cũng đủ bóc trần một căn bệnh trầm kha của xã hội. Nó cho thấy đất nước đang bị kìm hãm, bị làm hỏng mọi mặt từng li từng tí một và bất cứ ở đâu. Nói chi đến cuộc sống đất nước hiện nay có không biết bao nhiêu sự ăn bám khiếp đảm hơn, dã man hơn nhiều…
Đành tự an ủi, mình nhận thêm được một nhắn nhủ nữa từ đời: Loại bỏ nhầm lẫn kiểu này thật không dễ…
Câu chuyện tivi nho nhỏ vừa kể giúp tôi hiểu thêm chiều sâu của vấn đề: Rồi đây duy tân sẽ phải đụng độ với những gì và với không biết những ai trong mọi giai tầng xã hội – từ đỉnh cao chót vót đến tận gốc rễ của thượng tầng kiến trúc xã hội nước ta…
Tóm lại, trên quan điểm đất nước phải từ chỗ đứng hiện tại, thay đổi triệt để và toàn diện để tìm đường đi tiếp, tôi thấy có đủ lý do nên dấy lên một phong trào sâu rộng duy tân đất nước. Xây thì phải như thế! Chắc chắn duy tân sẽ là một cuộc vận động gian khổ và phức tạp.

I.2. Xin bộc bạch một ý nghĩ nữa
Trong Bài 1 tôi viết:
“Dù với cái giá đau thương như thế nào, chặng đường đất nước đã vượt qua được trong thế kỷ trước là chặng đường hoàn thành sự nghiệp giành lại độc lập thống nhất đất nước. Chặng đường tiếp theo đất nước ta bây giờ phải thay đổi tất cả để từ nay bước vào có thể đặt tên là chặng đường phát triển đổi đời đất nước, đổi đời chính dân tộc Việt Nam ta, để nước ta sớm trở thành một quốc gia phát triển, có vị thế xứng đáng với chính nó trong thế giới hiện đại ngày nay. Gọi đấy là chặng đường tiếp theo, hàm nghĩa dứt khoát là kế thừa, sàng lọc, cải tạo, phát triển những gì đã làm được trong chặng đường trước, để đưa đất nước bước vào chặng đường mới, để đi tiếp.”
Trước khi quyết định chia sẻ với bạn đọc mong muốn của mình việc nước ta nên lựa chọn kịch bản chặng đường tiếp theo với nội dung như vừa trình bày trên, tôi đã “rà soátlại chính mình, không phải một lần. Cuối cùng tôi khẳng định cho chính mình: …Có lẽ không có một kịch bản khả dĩ xảy ra nào về sự vận động của đất nước, từ cực tả nhất đến cực hữu nhất - với mọi sắc thái khác nhau - là xa lạ đối với sự tưởng tượng của tôi và tôi không thể hình dung được.
Đương nhiên, tôi vẫn một mực lựa chọn cho đất nước mình kịch bản chặng đường tiếp theo.
Vì lẽ này, tôi ước mong một trào lưu duy tân cho đất nước.
Tôi không nghĩ rằng kịch bản này là êm dịu. Thậm chí tôi tin rằng nó rất gian truân và có thể cũng rất đau đớn. Nhưng tôi hy vọng nó tiết kiệm hơn mồ hôi xương máu cho dân tộc. Nhưng điều quan trọng nhất, tôi tin rằng kịch bản này sẽ từng bước gặt hái được những thành tựu chắc chắn; càng thu hoạch được nhiều thành tựu vững chắc, đất nước sẽ càng phát triển, sẽ càng đẩy ra xa mãi nguy cơ phải xóa đi làm lại từ đầu theo kiểu cách mạng hoa lan hoa nhài!
Ai muốn gọi kịch bản chặng đường tiếp theo – kịch bản duy tân đất nước như vậy là diễn biến hòa bình – không sai. Nhưng theo tôi, đây là diễn biến hòa bình đáng mong muốn, ít nhất là tôi mong muốn, nó chẳng liên quan gì đến cái diễn biến hòa bình được nhập khẩu.
Trên mạng, tôi nhận được khá nhiều ý kiến phê phán gay gắt việc tôi lựa chọn kịch bản chặng đường tiếp theo (đã được nêu trong Bài 1). Người lời lẽ ôn hòa nhất nói: Tôi ảo tưởng, mong con người vượt qua được cái bóng của mình. Người khác nói: Tôi quỳ xuống cầu xin quyền lực trở thành bồ tát. Không ít người có lời lẽ còn thậm tệ hơn nhiều lần – ngay cả trong đám bạn bè đồng tuế đồng học của tôi…
Nhưng ngồi viết Bài 2 này, tôi vẫn kiên định với cách nhìn và sự lựa chọn của mình.
Có thể vì tôi sợ cái chết chóc – một tâm lý của một người tuổi “U80” có tới hơn 40 năm trong cuộc đời mình (1946-1989) trực tiếp trải qua hay tiếp xúc với chiến tranh trên tổ quốc mình!.. Nghĩ về tôi như vậy không oan.
Tôi tôn trọng các phản ứng tự nhiên và sự khác biệt chân thực của mọi người đối với suy nghĩ của mình. Nhưng tôi kiên định cách nhìn và sự lựa chọn của mình. Bởi vì đấy là cách nhìn và sự lựa chọn của tôi, được chắt lọc ra từ những gì tôi trải nghiệm, những gì tôi quan sát được trên cuộc đời này. Đúng hay sai là chuyện phán xét của cuộc sống. Về phần mình, tôi không đánh giá cao bất kỳ “sự thông minh” nào theo kiểu cứ vẽ hay phán cho thỏa thích (thỏa cái gì đó thì còn tùy người), còn không quan tâm đến việc đất nước có thể chịu hệ quả gì, sẽ rơi vào thảm họa ra sao.
Sự sụp đổ của các nước Liên Xô Đông Âu cũ là một cuộc xóa đi tất cả làm lại từ đầu, sự phát triển tiếp theo cơ bản là trong hòa bình, trước hết bởi vì chỉ có những quốc gia này mới có tất cả những điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị (và môi trường thế giới nữa) để vươn tới sự phát triển tiếp theo cơ bản trong hòa bình như vậy. Có lẽ trừ Cộng Hòa Dân Chủ Đức trước kia bây giờ là một bộ phận hữu cơ của Cộng Hòa Liên Bang Đức ngày nay, tất cả các nước LXĐÂ cũ còn lại cho đến ngày hôm nay – trên 20 năm rồi – vẫn đang phải xây dựng tiếp thể chế dân chủ của mình; riêng tại các nước thuộc Liên Xô cũ tiến trình này còn dài và gian khổ hơn nhiều, cá biệt vẫn có nơi có chỗ chưa thực sự có ổn định.
Tại Iraq và Afghanistan dân chủ được bưng đến tận tay người dân. Nhưng cho đến hôm nay, tại cả 2 nước này máu vẫn đổ và người dân làm gì có dân chủ và hòa bình? Tình hình Sy-ri đang nóng bỏng không kém… Ai-cập sau Mubarak và Ly-bi sau Kadhafi còn cả một chặng đường vô cùng hiểm nghèo và gian truân phía trước. Cầu mong cho 2 quốc gia này không phải tốn thêm nhiều máu nữa cho tương lai của mình bằng cách lựa chọn con đường đoàn kết hòa hợp hòa giải dân tộc… Xin đừng bao giờ quên, con đường dẫn đến Mubarak và Kadhafi lúc đầu cũng là một dạng con đường cách mạng nào đấy. Lùi nữa vào lịch sử, trong Bài 1 tôi đã nêu nhận thức của mình về các cuộc cách mạng đã diễn ra tại các quốc gia trên trái đất này.
Thế còn Việt Nam?
Tôi đã nêu suy nghĩ của mình trong Bài 1 cũng như tại đây. Đến lượt bạn đọc tự nêu suy nghĩ của các bạn, xin mời. Tôi chỉ có thể nói trước: Tôi kiên định.
Vâng, tôi kiên định tới mức không loại trừ rằng khát vọng duy tân này vì những lý do nào đấy có thể thất bại hoặc sẽ bị đàn áp, giập tắt.., như đã từng xảy ra ngay trong lịch sử nước ta, và cả trong lịch sử nhiều nước khác... Không thiếu lý do và sự kiện cho phép hình dung một kết cục như vậy.
Tôi hiểu chứ. Ngay trong đời sống báo chí hàng ngày hiện nay, một bài báo nho nhỏ, có hơi hướng lề trái một tí, cũng phải chịu tới dăm bảy cú điện thoại, rồi phải rút bỏ. Một IDS bé tí teo cũng phải loại bằng được! Cho đến nay có không biết bao nhiêu kiến nghị đúng đắn của giới trí thức về những vấn đề trọng đại của đất nước bị bỏ ngoài tai… Nói gì đến chuyện duy tân to tát!?.. Vân vân…
Song tôi vẫn mong rằng cả nước không phân biệt ai, người dân và người cầm quyền, hãy nên chủ động dồn sức cùng nhau nghĩ, xây dựng và thực hiện kịch bản duy tân đất nước, làm cho những tư tưởng của duy tân trở thành dòng tư tưởng mạnh mẽ trong xã hội nước ta, thành những giá trị đáng khao khát, thành động lực tinh thần của xã hội, thành hành động của xã hội. Hãy khởi sự bằng việc tất cả trấn tĩnh lại, cùng nhau suy nghĩ như thế! Người dân và người cầm quyền! Chỉ riêng việc tao ra được sự hiệp lực với nhau suy nghĩ như vậy của cả nước, của toàn dân tộc cho một ý tưởng như thế, đã có thể tự nó là một thắng lợi mở đường cho một triển vọng tốt đẹp của đất nước, của dân tộc. Duy tân như thế là ngay từ đầu đánh thức cái tâm, cái thiện trong mỗi người, chủ động tránh mọi đổ vỡ, tranh thủ mọi thuận lợi để cải cách, để phát triển. Đấy, theo tôi, chính là con đường tối ưu nhất cần lựa chọn. Hay là có thể vì Phật Thích Ca đã chiếm được một phần trong trái tim tôi, nên tôi còn quá tin, hay chưa mất hết lòng tin vào con người?!..
Tôi nghĩ đến Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (MTTQVN) là người và cũng là pháp nhân thích hợp nhất trong chế độ chính trị và tình hình pháp lý hiện nay của đất nước. MTTQVN có đầy đủ năng lực và chính danh đứng ra vận động trí tuệ và tâm huyết cả nước xây dựng và thực hiện một phong trào duy tân như thế. Có thể gắn sự vận động này với những vận động tham gia thiết thực của toàn dân chung tay tháo gỡ những khó khăn và sớm đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế.
Làm được như vậy, vừa thay đổi hẳn không khí nặng nề do mất niềm tin hiện nay trong mối quan hệ giữa dân và thể chế chính trị, vừa tạo ra một hào khí mới, cổ xúy cho cái mới, cái tốt. Chống tham nhũng và mọi tiêu cực trong xã hội có hiệu quả nhất có lẽ cần bắt đầu từ phía “xây” như thế, trước hết là tạo ra công khai minh bạch để cổ xúy cho cái đúng, cái xây, cái tích cực. Bắt tay vào sự nghiệp duy tân này, cả nước sẽ có một khí thế mới hào hùng vì đất nước, đồng thời Việt Nam ngay lập tức sẽ được sự cổ xúy của toàn thế giới tiến bộ, vị thế quốc tế của đất nước sẽ được cải thiện mạnh mẽ. Xin nói ngay, chắc chắn các nước phát triển trên thế giới kể từ Mỹ trở đi, và cùng với họ là cả trào lưu tiến bộ rộng rãi trên thế giới nữa, trong bàn cờ thế giới hiện nay tất cả đều không ai muốn có một kịch bản “hoa lan hoa nhài” ở Việt Nam. Dẫn chứng là họ có nhiều quan điểm “vênh” với xử sự của ta trong nhiều chuyện, song tất cả đang tìm cách nâng cao quan hệ với nước ta, mong muốn nước ta ổn định và tiếp tục phát triển.
Đương nhiên, điều kiện tiên quyết cho một kịch bản duy tân như thế là - xin mượn câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh – “Phải để cho người dân mở mồm ra nói!”, phải có tự do báo chí, phải có dân chủ, phải thực hiện công khai minh bạch.
Xin hỏi: Còn việc nào đáng làm hơn nữa đối với MTTQVN?
Xin kể lại một chuyện cũ. Hà Nội những năm tháng trước cách mạng Tháng Tám về nhiều mặt là một cuộc sống lay lứt, chán trường, mất phương hướng; có những mặt lam lũ, có những mặt bê tha trụy lạc ghê gớm (một Hà Nội của lừa đảo, cờ bạc, nghiện hút, nhà thổ, cô đầu, của tim la – [bệnh giang mai]…).., một Hà Nội vật vờ! Tình cảnh này dễ hiểu vì chiến tranh (chiến tranh thế giới II đã lan đến nước ta), vì nạn đói ở miền Bắc lúc đó, Nhật đến chiếm đóng và làm đảo chính hất Pháp… Thế nhưng ngay những ngày sau Cách Mạng Tháng Tám là một không khí khác hẳn ở hà Nội. Một trong các yếu tố trực tiếp và sớm nhất góp phần tạo ra sức sống mới lúc ấy là phong trào “Khỏe vì nước!”, do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề xướng.
Phải, hầu như mọi việc sau những ngày cướp chính quyền bắt đầu từ Khỏe vì nước. Có thể nói, sáng sớm hay chiều chiều rất nhiều đường phố, công viên trở thành các bãi tập thể dục, tập võ cho cả Hà Nội. Già trẻ lớn bé ganh đua nhau tập tành. Song phong trào Khỏe vì nước này đã mở đầu và kéo theo một phong trào khác lớn hơn chính nó rất nhiều. Đó là cả một phong trào rộng lớn cổ xúy cho nếp sống lành mạnh, văn minh, trung thực, đoàn kết, hòa đồng và hiệp đồng cùng nhau trong xã hội – cái tên gọi chung lúc ấy cho sự vận động này là thực hiện đời sống mới. Dân trong phố bắt đầu gặp gỡ nhau, chan hòa (trước kia không thế), cùng nhau tự làm, tự lo liệu việc này việc nọ cho phố xá mình mà chẳng phải có bàn tay nào của chính quyền (lúc này đúng là nhân dân tự quản toàn diện, bàn tay của chính quyền nếu có muốn có cũng không đào đâu ra), trộm cắp và mọi tệ nạn biến mất. Xã hội dân sự là như thế, vốn xã hội quả là có những khả năng khó đánh giá hết. Một nếp sống mới trong xã hội thực sự hình thành. Thực dân Pháp lúc này đã lăm le quay lại. Hà Nội cùng với cả nước sôi sục các phong trào yêu nước: vào tự vệ, tự trang bị vũ khí, quyên vàng cứu nước, đục tường nhà nọ thông sang nhà kia để hình thành các tuyến, các phố cho sẵn sàng chiến đấu…
Nếu như ngày nay, làm cho toàn dân ý thức được tính hình và mọi thách thức đang đặt ra đối với đất nước, nếu như có được một phong trào duy tân với hào khí như phong trào Khỏe vì nước năm nào!..
Chế độ chính trị của nước ta bây giờ, những người đang giữ vai trò cầm quyền đất nước bây giờ, từng đảng viên và toàn thể Đảng cộng Sản Việt Nam bây giờ có đủ bản lĩnh và nghị lực, trước hết là có đủ cái tâm và ý chí, làm nên một phong trào duy tân đáng mong mỏi như thế? Không một ai trong thâm tâm có thể trốn tránh nổi câu hỏi này, dù muốn. Trong thâm tâm mỗi người cũng tự biết, trả lời như thế nào thì chính mình là thế nấy. Không ai tự chạy trốn được chính mình đâu.
Hôm nay, viết những dòng này, trong tâm khảm tôi vẫn vang lên lời ca hào hùng năm xưa: “Khỏe vì nước kiến thiết quốc gia, nào thanh niên ta góp tài ba…”
Xây dựng nên một cao trào duy tân như vậy, có nghĩa là phải tạo ra được một cái đích mà trước sau dân tộc ta nhất định sẽ hướng tới. Cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước bây giờ và về sau! Cái đích ấy là gì, duy tân phải xác định cho đúng, xác định có sức thuyết phục, làm cho cái đích ấy là của cả dân tộc, trở thành cái đích và lẽ sống của từng người con trong cộng đồng dân tộc này. Bảo vệ đất nước cũng trước hết phải như vậy.
Việc xây dựng và xác định một cái đích như thế trong tình hình đất nước hiện nay không thể là sản phẩm của một bộ não kiệt xuất nào đó, càng không thể là một thứ gì đó “copy” vào – dù có cái tên là chủ nghĩa xã hội hay định hướng xã hội chủ nghĩa. Một cái đích như thế, chỉ có thể được tích tụ và hình thành từ khát vọng của dân. Nhiệm vụ của trí tuệ và lòng yêu nước là phải tinh túy được cái khát vọng ấy của người dân thành cái đích chung như thế của cả dân tộc, trở thành cái cốt lõi của dân chủ cho nước ta, nhất là đúng với tinh thần người dân là chủ của đất nước.
Trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tinh túy được khát vọng ấy thành cái đích: Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Cái đích chính đáng ấy đã và đang bị rất nhiều sai trái, tiêu cực, tệ nạn quan liêu tham nhũng, và cả dốt nát nữa làm cho mờ đi trong quá trình tha hóa đang diễn ra trên đất nước ngày nay, đảy ra xa mãi người dân, xa đất nước, xa dân tộc… Thậm chí cái đích đúng đắn ấy được sáng tạo thêm những cái đích mới: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn của dân tộc.., nhưng lại trong một bối cảnh kinh tế - xã hội – văn hóa của đất nước ngày càng mang nhiều cái hoang dã của thời thời kỳ tích tụ tư bản ban đầu. Rút cuộc, cái đích do Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết nên ấy, chưa trở thành mục tiêu trung tâm bất di bất dịch và bất khả xâm phạm đối với toàn bộ hệ thống chính trị. Và chính điều này làm cho nó chưa thu hút được toàn bộ tâm trí và nghị lực của đất nước, lấy đi của nó bao nhiêu ý nghĩa thiêng liêng, gây ra tâm lý hoài nghi trầm trọng trong nhân dân.
Có lẽ vì thế, nên đã phải sáng tạo ra cái định hướng xã hội chủ nghĩa rất co giãn để thích nghi với những hiện tượng khó mà “khớp” với chủ nghĩa xã hội? - một bước lùi hay là một sự khôn ngoan tương tự như các nhà lý luận Trung quốc từng làm: Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc. Đôi ba lần tôi đã có dịp thử phân tích thực chất cái chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc này là gì[3]. Trong thực tế, cái quốc gia theo chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc ấy đang gây ra cho nước ta không ít mối uy hiếp rất đặc sắc Trung Quốc...
Thế nhưng trong nhiều bài giảng và giáo trình của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhiều văn kiện quan trọng của Đảng, trong không ít phát biểu của những lãnh đạo cấp cao của Đảng và nhà nước… có sự khẳng định dứt khoát như dao chém cột: Việt Nam kiên trì con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội… Xã hội loài người nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Cái đích xây dựng một Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh dù bây giờ chỉ còn tồn tại gần như là một khẩu hiệu như thế, song vẫn chưa được yên thân. Khẩu hiệu này đang bị những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày trên đất nước tiếp tục tước bỏ dần sự thiêng liêng còn lại của nó. Tìm được những quyết sách, những chủ trương lớn bám sát được cái đích Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết nên như thế quả là hiếm. Những sai trái lớn, nghiêm trọng trong kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đi ngược lại cái đích như thế không hiếm! Trong tình trạng xã hội đang lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc các giá trị như hiện nay (đã trình bầy trong Bài 1) – kịch bản duy tân đất nước phải làm sao xác lập nên được một cái đích tiêu biểu cho khát vọng đích thực và thiết thực của dân tộc thật không dễ.
Tôi không có đủ tư cách, trí tuệ cần thiết cũng không có nốt, để lúc này phác thảo ra một cái đích như thế. Vậy xin khuyến nghị mọi trí tuệ và tâm huyết cùng nhau động não suy nghĩ việc hệ trọng này. Hơn bao giờ hết, cả dân tộc lúc này cần hội tụ lại triệu người như một, tạo ra ý chí, ra sức mạnh thực hiện cái đích mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết nên trong Di chúc của Người. Viết cái gì cụ thể ra bây giờ để thôi thúc, để tạo ra ý chí và sức mạnh hành động thực hiện cái đích như thế, cần lắm. Hay là có thể còn một cách gì khác nữa làm sống động cái đích này?..
Không có cái đích làm động lực như thế, không trải qua con đường duy tân đất nước, mà cố ý hay sơ xuất để xảy ra bất khả kháng đất nước rơi vào đổ vỡ, kể cả kịch bản xóa đi làm lại từ đầu, chắc chắn sẽ đẩy đất nước rơi sâu vào thảm họa, sẽ tụt hậu nữa. Mà như thế, thật chưa biết đất nước lại phải tìm đường ngoi ra như thế nào. Đất nước trong hoàn cảnh như thế, chắc gì thoát khỏi số phận con kiến mà leo cành đa..? Trong khi đó thế giới thì chỉ tiến về phía trước, không biết chờ.
Không có một nỗ lực duy tân sâu rộng và triệt để, chắc chắn cái tha hóa sẽ lấn tới và càng trở nên ác tính hơn (acute), là sự chuẩn bị vô ý thức cho cái đổ vỡ. Xin nhấn mạnh, vào thời khắc nhạy cảm hiện nay của đất nước, theo tôi, càng phải chủ động dấy lên một phong trào duy tân như thế, chứ không phải bàn lùi.
Trải qua kịch bản duy tân của toàn dân tộc đáng mong muốn như trình bày trên, thành công thì thật là toại nguyện và phúc đức cho dân tộc. Nhưng cứ giả định là vì lý do nào đấy nó bị thất bại, thì chí ít kịch bản duy tân bị đè bẹp này cũng có thể là nền móng, là định hướng, là sự chuẩn bị nhất thiết phải có trước, trước khi tình huống bất khả kháng xảy ra cho đất nước một kịch bản tiếp theo nào khác.
Cứ giả thử là bị đè bẹp, một cuộc duy tân bị bóp chết như thế sẽ lại một lần nữa trong lịch sử thôi thúc đất nước bóc toạc mọi dối trá. Đất nước sẽ đứng dạy phân định dứt khoát ai là ai?, phân định trận tuyến đến lúc đòi hỏi phải phân định cho những quyết định mới của dân tộc. Một sự vạch trần và phân định dứt khoát như thế, đến lúc nào đó trong một hoàn cảnh nào đó sẽ là cần thiết, là không thể tránh được.
Cho nên, con đường duy tân như thế có thể tiết kiệm xương máu và thời gian cho đất nước, tránh được từ trước những quanh co, hẫng hụt không đáng có, trước khi kịch bản tiếp theo bất khả kháng phải nổ ra. Đơn giản là thế này: sự nổi dạy khi bất khả kháng phải xảy ra của một nhân dân được trang bị trí tuệ, sẽ khác rất nhiều sự nổi dạy của một nhân dân với động lực là sự bức xúc của tâm lý số đông (tôi tránh dùng cái tên gọi “tâm lý bày đàn”). Nói cách khác, kể cả với khả năng xảy ra kết cục xấu nhất, một phong trào duy tân như thế có thể được coi là một dạng học phí trả trước, trước khi đất nước bất khả kháng phải bước vào thử thách quyết liệt tiếp theo.
Không ai “bói” đúng được bước đi của cuộc sống. Ý kiến của tôi cũng chỉ là một ý kiến để tham khảo, lựa chọn. Không loại trừ cuộc sống có thể còn có các bản đồ và lộ trình khác.
Lại nữa, lịch sử đất nước có một giai đoạn chuyển thời rất đáng để chúng ta ngày nay ngẫm nghĩ, học hỏi. Đó là sự chuyển hóa hòa bình thành công từ triều Lý lúc suy tàn sang triều đại nhà Trần huy hoàng – một thiên sử sáng chói mãi mãi trong lịch sử dân tộc ta. Hòa bình ở đây được hiểu với nghĩa tiết kiệm xương máu nhất, nhà Trần không cần phải tiến hành chiến tranh giành quyền từ tay nhà Lý. Hòa bình ở đây được hiểu là kế thừa tốt nhất mọi thành quả của nhà Lý, phát huy tốt nhất những thành quả này trong thời Trần kế theo.
Đương nhiên ở đây phải đánh giá cao vai trò cá nhân mang tính khởi xướng, hoạch địch và hành động quyết định của Trần Thủ Độ. Xin phép tạm đặt tên là bài học Trần Thủ Độ cho dễ nhớ.
Có lẽ đây là cuộc chuyển hóa hòa bình duy nhất thành công rực rỡ trong lịch sử nước ta từ triều đại vua này sang triều đại vua khác, khẳng định rõ ràng đã từng có một con đường, một công cuộc chuyển hóa hòa bình như thế. Chẳng lẽ bài học thành công này không có ý nghĩa gì đối với đất nước ta hôm nay?- giữa lúc đất nước bất khả kháng đứng trước bước ngoặt phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới hoàn toàn khác trước! Rõ ràng kịch bản duy tân cần học hỏi bài học này, học hỏi trí tuệ của nhân loại hôm nay, để thành công như thời Trần đã từng thành công. Những người đang nắm giữ vận mệnh đất nước trong tay nghĩ gì về bài học Trần Thủ Độ?
Đầu óc tôi có lẽ đủ thực tế để hiểu rằng trong những điều kiện của hệ thống chính trị - xã hội nước ta như hiện nay, không thể chờ đợi xuất hiện một minh quân. Trong bài Việt Nam và vấn đề sử dụng người tài trong giai đoạn hiện nay (Tạp chí Thời đại mới, số 22, xuất bản tháng 7-2011), tôi đã chứng minh: Tệ hại của tiêu cực, hệ quả của hiện tượng đảng hóa, cả hai thứ này luôn luôn có bản năng đố kị và thải loại hiền tài.
Tôi tự đặt cho mình câu hỏi: “Nếu không sao tìm được một minh quân lúc này, thì kịch bản duy tân có thể thúc đẩy mọi cố gắng của cả nước tạo ra một Trần Thủ Độ tập thể được không?” ngay từ những tâm huyết trong hàng ngũ cầm quyền, từ những tinh hoa trong dân tộc.
Hay là tạo ra trong toàn dân một chí hướng tìm tòi sự chuyển hóa hòa bình theo bài học Trần Thủ Độ, được vận dụng một cách sáng tạo? Được không?
Tôi tin rằng cái thiện và trí tuệ trong lòng đất nước hiện nay vẫn đủ sức làm nên một Trần Thủ Độ tập thể hay một chí hướng Trần Thủ Độ như thế. Rất cần đánh thức và hội tụ cái thiện và trí tuệ ấy, trước hết làm cho cái thiện và trí tuệ ấy vượt qua được nỗi sợ của chính nó, đứng lên thực hiện trách nhiệm của nó.
Cho nên nhìn về mọi phương diện, giả thử nếu không thành công mà lại bị giập tắt, ít nhất kịch bản duy tân đất nước cũng là một chặng đường nên trải qua, trước khi tình hình bất khả kháng xảy ra kịch bản nào khác tiếp theo. Nói một cách khái quát hơn nữa: Vận động là quy luật, là bản chất của cuộc sống; câu chuyện còn lại là kịch bản duy tân này phải dẫn dắt sự vận đông này đi qua chặng đường nào – chứ không phải kìm hãm sự vận động này – sao cho có lợi nhất, tối ưu nhất, với cái giá phải trả thấp nhất trong bối cảnh trong, ngoài hiện nay của đất nước cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Trong Bài 1 tôi đã lưu ý: Thực sự đang có cuộc chạy đua quyết liệt về thời gian giữa một bên là sự phát triển của đất nước và một bên là sự tích tụ trong lòng xã hội nước ta những mâu thuẫn đối kháng có thể dẫn đến “mùa hoa lan, hoa nhài”. 70 năm Liên Xô còn đổ… Cũng trong Bài 1, tôi thầm lo về cuộc chạy đua này, thâm tâm cầu mong phát triển sẽ thắng cuộc, mong muốn sẽ không xảy ra tình hình bất khả kháng dẫn tới các “mùa hoa” này nọ. Mà nếu phải xảy ra các “mùa hoa” này nọ , mong sao là với cái giá phải trả rẻ nhất (chứ không phải là rẻ - vì chuyện này không có được) cho đất nước, cho dân tộc. Cần phải có duy tân là vì vậy.
Nói đến đây, tôi phải thừa nhận cuộc sống đất nước đang tồn tại một sự thật, một tình thế tiến thoái lưỡng nan (một dilemma). Đó là tình trạng giữa một bên là quyền lực thường không biết lẽ phải, bên kia là những hệ quả không thể tránh được của “các mùa hoa lan hoa nhài”. Kịch bản duy tân đất nước không thể có chỗ đứng trong bất cứ bên nào ở đây cả. Làm sao bây giờ?
Giải quyết “dilemma” này như thế nào? – thiết nghĩ từng người con của đất nước đang nợ câu trả lời. Phần tôi cũng vậy.
Hướng của câu trả lời tôi đang theo đuổi trước sau vẫn là kịch bản phát triển đất nước của con đường tiếp theo (hàm nghĩa không xóa đi làm lại từ đầu), kinh qua duy tân thay đổi và chấn hưng đất nước theo tinh thần và hào khí như cụ Phan một thời đã dấy lên.
Sự thực đang tồn tại một tâm lý “sợ” trong cả hai phía: người dân và người cầm quyền. Dân thì sợ bị đàn áp, người cầm quyền thì sợ tuột tay để xảy ra tình hình bị lật đổ. Bài 1 tôi đã trình bày: Dân được giác ngộ, nhất định dân sẽ không sợ. Người cầm quyền lo cho dậu không đổ thì cũng không phải sợ bìm leo! Nhất thiết phải khắc phục bằng được cái tâm lý “sợ”, để cả hai phía không tự mình tước đi nhuệ khí của mình phấn đấu cho cái tốt, cho duy tân vì sự nghiệp quốc gia.
Người cầm quyền nếu vì dân vì nước mà không lo giữ cho dậu khỏi đổ thì làm gì? Nói mà không làm nổi là bất cập, nói mà không làm là nói dối, nói mà làm khác, là lừa đảo - mà như thế câu chuyện trở nên hoàn toàn khác mất rồi. Để cho tha hóa leo thang hoành hành nữa, nguy cơ đổ vỡ sao tránh được? Vậy sự lựa chọn của người cầm quyền nên là đừng để cho cái “sợ” này của mình biến tướng thành thụ động đối kháng, là kiên quyết vượt qua cái “sợ” của mình để cải cách sâu rộng kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của đất nước, để chặn lại và đảo ngược xu thế tha hóa.
Nội dung đích thực của keo vật thời đoạn này của toàn dân tộc ta, theo tôi, không phải là đập phá, mà phải là dũng cảm vượt qua nỗi sợ của chính mình, dám đối mặt với quan liêu tham nhũng, quyết đẩy lùi tha hóa - kể cả tha hóa của chính mình, trau giồi cái tiên tiến, học hỏi cái mới và xả thân vì nó.
Khát vọng và sức mạnh của dân tộc, xu thế chủ đạo trên thế giới mong muốn có một Việt Nam giàu mạnh và phát triển cùng dấn thân với cả cộng đồng quốc tế tiến bộ, đấy chính là những yếu tố vô cùng quan trọng cho phép nhân dân ta thành công. Không làm được như vậy, nguy cơ nước ta phải chịu nô dịch một lần nữa là hiện hữu – nô dịch kiểu mới. Hiện nay đất nước đã lâm vào sự lệ thuộc ở mức nguy hiểm.
Ngay trong khi tôi đang viết những dòng này (tuần lễ thứ nhất và thứ 2 của tháng 10 – 2011), Thủ tướng Chính phủ đã đặt vấn đề phải xây dựng Luật biểu tình. Tôi muốn bình ngay rằng, nếu không có các cuộc biểu tình yêu nước bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trong những tháng 7 và 8 vừa qua ở Hà Nội và Thành phố Hồ chí Minh, có lẽ vấn đề này chưa được đặt ra (còn Luật này sẽ là gì thì cần phấn đấu tiếp, chờ đợi và bàn luận sau). Cũng thời gian này, hiển nhiên các cuộc đi thăm nước ngoài của Chủ tịch Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rõ ràng nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam, tạo thuận lợi cho chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Những sự kiện cụ thể như thế là những ví dụ hé ra triển vọng và không gian hoạt động của kịch bản duy tân đất nước, nếu cả nước dấn thân thực hiện.
Vâng, cái khó nhất là làm thế nào? để nhân dân đứng lên tự giải phóng! Tôi mong được thảo luận rộng rãi để cùng nhau tìm câu trả lời.
Khoảng hai năm nay liên tục, trong điều kiện có thể của mình, qua các cuộc tiếp xúc và một số hội thảo, tôi đã làm một cuộc thăm dò ý kiến theo cách của mình và được kết quả: Lý tưởng nhất trong hoàn cảnh đất nước hiện nay là ĐCSVN nhận thức được vấn đề và tự đứng lên trước, khởi xướng công cuộc duy tân này. Có thể nói đó là nguyện vọng của nhiều người dân ở mọi tầng lớp khác nhau. Ngay trong 3 kiến nghị gần đây nhất về những vấn đề trọng đại của đất nước, cộng đồng trí thức trong nước và đang sống ở nước ngoài gửi Quốc hội Việt Nam và Bộ Chính trị ĐCSVN, cũng toát lên ý ĐCSVN phải đứng lên trước, và còn nhấn mạnh đó là trách nhiệm phải làm của ĐCSVN. Đó là sự lựa chọn tối ưu cho đất nước và cho ĐCSVN. Lại câu chuyện: Phải quay mặt về phía mặt trời để vượt lên cái bóng của chính mình mà đi!
Như vậy, hy vọng tôi đã trình bày có đầu đuôi cách nhìn và sự lựa chọn của tôi về một cao trào duy tân đất nước.
.
.
.

No comments:

Post a Comment