Sunday, July 3, 2011

TRUNG QUỐC ĐÃ XUẤT HIỆN DẤU HIỆU MANH NHA CỦA CÁCH MẠNG (tài liệu tham khảo)



Đăng bởi basamnew on 03.07.2011

Tài liệu tham khảo đặc biệt
của
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Thứ Sáu, ngày 01/07/2011
TTXVN (Hồng Công 28/6)

Trang web của tờ Liên hợp Buổi sáng (Xinhgapo) ngày 28/6 đăng bài của Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Á, Đại học Quốc gia Xinhgapo bàn về khả năng Trung Quốc đang bắt đầu có dấu hiệu tiến dần từ cải cách đến cách mạng. Dưới đây là nội dung bài viết:

Hiện trạng cải cách của Trung Quốc đã bộc lộ một số đặc điểm rõ ràng. Thứ nhất, cải cách trên các phương diện thiếu động lực. Cải cách kinh tế vào những năm 1990 đã tìm được bước đột phá, xác lập được chế độ thị trường cơ bản, nhưng vấn đề làm thế nào có thể tiếp tục đi sâu? Trong 10 năm qua, cải cách xã hội đã đạt được một số tiến triển, nhưng còn rất xa mới có thể thoả mãn nhu cầu thay đổi của xã hội, vậy làm thế nào để tìm ra bước đột phá? Cải cách chính trị từ Đại hội 17 đã xác lập được phương hướng “dân chủ trong đảng dẫn dắt dân chủ trong nhân dân”, việc thí nghiệm dân chủ trong đảng và dân chủ trong nhân dân cũng đã được tiến hành, nhưng vẫn chưa trở thành nỗ lực của hệ thống, vậy làm thế nào để thúc đẩy? Thứ hai, cải cách không có trọng điểm. Nhu cầu cải cách trên các phương diện đang tăng rất nhanh, nhưng không biết cái gì làm trước, cái gì làm sau, đứng trước áp lực trên các phương diện cũng không biết bắt tay từ đâu. Thứ ba, cho dù là đảng cầm quyền hay xã hội đều thiếu nhận thức chung cơ bản nhất và ở mức độ thấp nhất về cải cách.
Tại sao lại xuất hiện cục diện này? Mọi người đều đổ cho cốt lõi của vấn đề, tức là trở lực đến từ các tập đoàn đã đạt được lợi ích. Tương lai cải cách bắt đầu từ đâu? Cải cách của Trung Quốc đang nằm ở bước ngoặt. Trong thời khắc then chốt này, cần phải tiến hành tổng kết về quy luật thông thường của cải cách ở Trung Quốc. Nói một cách đơn giản, khi tiến trình cải cách ngừng lại, tiến trình cách mạng sẽ bắt đầu. Nếu xem xét ở góc độ tiến trình phát triển của các tập đoàn lợi ích, một khi các tập đoàn lợi ích chủ đạo tiến trình chính trị hoặc chính quyền hiện nay không thể khắc phục được trở lực đến từ các tập đoàn lợi ích để tiếp tục thúc đẩy cải cách, nhân tố cách mạng bắt đầu được tích luỹ.
Cho dù là lịch sử hay hiện thực, chúng đều mách bảo con người chân lý rằng chính trị phải tiến cùng thời đại, cải cách không phải là cái gì đó có cũng được, không có cũng chẳng sao, mà là việc làm thường xuyên của chính trị. Chính trị là một hoạt động không ngừng nghỉ, phải đi từ cải cách này đến cải cách khác, không ngừng đổi mới bản thân, như vậy mới có thể phát triển bền vững. Điều này đúng với tất cả mọi chính thể. Trong xã hội dân chủ phương Tây, các động thái chính trị được thực hiện dựa trên sự thay đổi luân phiên mang tính chu kỳ của các chính đảng. Nhưng cho dù là trong chính thể dân chủ thì cải cách cũng thường xuyên không hiệu quả vì gặp phải trở lực đến từ các tập đoàn đã đạt đựơc lợi ích và chính quyền cũng sẽ rơi vào khó khăn. Nhà kinh tế học Mỹ Mancur Olson từng có cái nhìn hết sức bi quan về sự phát triển của nền kinh tế bị khống chế bởi các tập đoàn lợi ích. Olson cho rằng cùng với sự hình thành của các tập đoàn đã đạt được lợi ích, cạnh trạnh sẽ bị hạn chế, sự phát triển của kinh tế sẽ thiếu động lực, tình trạng lạm phát do đình đốn xuất hiện. Olson không cho rằng chính trị dân chủ có thể khắc phục được trở lực đến từ các tập đoàn lợi ích đã đạt được này mà chỉ có chiến trinh, xung đột xã hội lớn mới có thể thay đổi được cục diện về lợi ích. Quả thực, ở một mức độ rất lớn, chính trị dân chủ là vũ khí hữu hiệu nhất được các tập đoàn đã đạt được lợi ích thiết kế ra nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Dù Olson chủ yếu đề cập tới phương diện kinh tế, nhưng kỳ thực, chính trị cũng giống như vậy.

“Cởi mở” để ứng phó với các tập đoàn lợi ích
Trung Quốc không có chính trị đa đảng, nên sẽ phải đối mặt với những khó khắn lớn hơn trên phương diện khắc phục trở lực đến từ các tập đoàn lợi ích. Bản thân việc một đảng nắm quyền trong thời kỳ dài sẽ rất dễ hình thành các tập đoàn lợi ích. Muốn ngăn không cho các tập đoàn lợi ích lớn mạnh, phòng chống chúng tác động đến nghị trình chính sách của nhà nước, phương thức hữu hiệu nhất là duy trì sự cởi mở của chính đảng. Chính đảng càng cởi mở, khả năng tập đoàn lợi ích lớn mạnh càng thấp. Tại Trung Quốc , việc sử dụng “cởi mở” để ứng phó với các tập đoàn lợi ích, trên thực tế, đã được bắt đầu thực hiện từ trước cải cách mở cửa. Ở thời Mao Trạch Đông, đảng cầm quyền chủ yếu dựa vào phong trào quần chúng xã hội để ngăn chặn và làm tan rã các tập đoàn lợi ích. Mao Trạch Đông tiến hành đấu tranh giai cấp, thực hiện “đại dân chủ”, dùng giai cấp này để đối phó với giai cấp khác, chủ thể của chính quyền không ngừng thay đổi. Có thể nói, ở thời kỳ đó, ngoài bản thân Mao Trạch Đông, không có một giai cấp hoặc một tầng lớp nào có thể chủ đạo chính trị Trung Quốc. Cách làm như vậy đã gây ra kết quả hết sức tiêu cực, chủ yếu là gây cản trở ngại cho việc xây dựng chế độ. Luôn ở trong các phong trào trong thời gian dài, nên Trung Quốc đã coi nhẹ việc xây dựng các chế độ nhà nước cơ bản, trong đó có pháp chế. Đương nhiên, các tập đoàn lợi ích thời đó rất đơn giản, chính trị và hình thái ý thức vẫn là chủ thể của xã hội, kinh tế xã hội thì ở trong tình trạng phát triển thấp thời gian dài.
Các tập đoàn lợi ích của Trung Quốc hiện nay là sản phẩm của cải cách mở cửa. Nếu thời đại Mao Trạch Đông là xã hội mà trong đó hình thái ý thức đóng vai trò chủ đạo thì thời đại phát triển sau cải cách mở cửa lại là xã hội mà trong đó lợi ích đóng vai trò chủ đạo. Sự chuyển đổi từ hình thái ý thức sang lợi ích là một quá trình không dễ dàng, nhưng cũng là một quá trình rất thành công. Nếu không có một xã hội Trung Quốc theo đuổi lợi ích (vật chất) trên các phương diện, rất khó có thể tưởng tượng ra việc Trung Quốc có thể thực hiện sự chuyển đổi nhanh chóng và thành công đến vậy.
Về tổng thể, trong giai đoạn từ cuối thập niên 1970 tới những năm giữa và cuối thập niên 1980, kinh tế Trung Quốc tương đối cởi mở. Khi các tập đoàn lợi ích, gồm cả công nhân và nông dân đều gặt hái được lợi ích từ cải cách. Xung đột giữa các tập đoàn lợi ích với nhau và xung đột giữa các tập đoàn lợi ích với xã hội do đó không rõ ràng. Mãi tới thời kỳ cuối thập niên 1980, khi cải cách gặp khó khăn, xung đột giữa các tập đoàn lợi ích với nahu, đặc biệt là xung đột giữa các tập đoàn lợi ích chính trị với nhau bắt đầu bộc lộ, cuối cùng là dẫn tới sự kiện Thiên An Môn năm 1989 và cải cách bị ngừng lại.
Đầu những năm 1990, sự kiện Liên Xô, Đông Âu sụp đổ đã thúc đẩy Trung Quốc tiến hành cải cách ở quy mô lớn hơn. Năm 1992, sau khi Đặng Tiểu Bình đi khảo sát ở phía Nam, đảng cầm quyền đã phát động một làn sóng mở cửa và trao quyền mới có quy mô lớn hơn, hình thành cục diện phân phối lại lợi ích với quy mô lớn. Giai cấp lãnh đạo truyền thống như giai cấp công nhân bắt đầu bị đẩy ra bên lề, tầng lớp mới nổi như doanh nghiệp dân doanh lớn mạnh nhanh chóng. Đứng trước cục diện mới, đảng cầm quyền bắt đầu điều chỉnh nền tảng thống trị của mình, thông qua sửa đổi hiến pháp và đề ra các bộ luật mới nhằm bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, hơn nữa còn cho phép các nhà doanh nghiệp dân doanh tham gia quá trình chính trị, mở rộng một cách hữu hiệu nền tảng xã hội của chính quyền.
Từ đầu thế kỷ 21 tới nay, đảng cầm quyền bắt đầu điều chỉnh chính sách cải cách. Dưới sự dẫn dắt của “quan niệm phát triển khoa học” và học thuyết chính sách “xã hội hài hoà”, đảng cầm quyền hi vọng sẽ cân bằng được quan hệ giữa tầng lớp mới nổi và tầng lớp xã hội truyền thống, chủ yếu là nhằm vào căn chỉnh cục diện nghiên về tầng lớp mới nổi một cách phiến diện ở giai đoạn đầu mà coi trọng không đúng mức lợi ích của tầng lớp xã hội truyền thống, nỗ lực thực hiện công bằng xã hội. Đương nhiên, cách làm như vậy cũng phù hợp với lợi ích của tầng lớp mới nổi. Bởi trong bối cảnh thiếu sự công bằng chính nghĩa xã hội, các vấn đề xã hội khó có thể tiếp tục và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới lợi ích của tầng lớp mới nổi.

Doanh nghiệp nhà nước và công chức trở thành tập đoàn lợi ích mới
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bắt đầu năm 2008 là một bước ngoặt. Nhằm ứng phó với khủng hoảng, nhà nước (Chính phủ Trung Quốc) đã tung ra chương trình tài chính tiền tệ rất lớn. Nguồn lực tài chính khổng lồ từ chương trình đó đều được rót cho bản thân nhà nước, tức là các ngành quốc hữu. Thực tế này đã dẫn tới sự bành trướng mạnh mẽ của tập đoàn lợi ích. Sự bành trướng mạnh mẽ của các ngành quốc hữu ngay lập tức đã phá vỡ trạng thái tương đối cân bằng trước đây giữa ngành quốc hữu và ngành dân doanh, các doang nghiệp quốc hữu giành lấy vị trí chủ đạo tuyệt đối, nhanh chóng chiếm lĩnh không gian của các doanh nghiệp dân doanh. Sau những năm giữa và cuối của thập niên 1990, các doanh nghiệp dân doanh có được không gian phát triển rất lớn, nhưng hiện nay thời kỳ tốt đẹp ấy không còn và họ bắt đầu đi tìm lối thoát mới như thông qua phương thức di dân để rút khỏi xã hội Trung Quốc.
Nghiêm trọng hơn là sự bành trướng của ngành quốc hữu cũng không mang lại cái gì đó tốt đẹp cho tầng lớp xã hội truyền thống. Dưới nền kinh tế kế hoạch truyền thống, ngành quốc hữu là nền tảng chế độ của giai cấp công nhân. Nhưng hiện nay ngành quốc hữu đã có tính chất khác, các doanh nghiệp quốc hữu rất khó có thể nói là của nhà nước mà phần nhiều đã thuộc về người quản lý doanh nghiệp nhà nước hoặc người đại diện của nhà nước. Trên thực tế, doanh nghiệp quốc hữu đã trở thành căn nguyên của các hiện tượng như bất công xã hội, khoảng cách giàu nghèo nới rộng…
Bản thân hệ thống công chức cũng trở thành tập đoàn lợi ích. Sau cải cách mở cửa, dù đã đưa ra mục tiêu cải cách là xây dựng “chính quyền nhỏ, xã hội lớn” và mỗi lần cải cách cũng muốn tinh giản cơ cấu chính quyền và số lượng công chức, nhưng thực tế diễn ra lại ngược với mong muốn. Hệ thống công chức ngày càng lớn, xã hội ngày một nhỏ đi. Trong bối cảnh phân quyền, các tầng nấc chính quyền ngày càng nhiều, ngày càng phức tạp. Ví dụ: cấp địa khu trước đây chỉ là cơ quan hành chính thì nay đã trở thành thực thể, là một cấp chính quyền. Đồng thời, cũng đã xuất hiện các thành phố kế hoạch kinh tế độc lập (thành phố được coi là một đơn vị trong kế hoạch của nhà nước, có quyền hạn quản lý kinh tế ngang cấp tỉnh như Đại Liên, Thanh Đảo, Ninh Ba, Hạ Môn, Thâm Quyến). Đây không chỉ là biểu tượng cho sự phình to về cơ cấu công chức, mà hơn thế còn gây ra cản trở trong quan hệ giữa trung ương và xã hội.
Sự phình to vô hạn của cơ cấu công chức đương nhiên thu hẹp không gian xã hội. Cùng với việc nguồn tài chính tập trung vào cơ cấu công chức, tình trạng nước giàu dân nghèo đã không thể tránh được. Nghiêm trọng hơn là việc cơ cấu công chức đang cho thấy sự không ăn khớp nghiêm trọng với xã hội, các cơ cấu công chức như một thành luỹ không có sự liên hệ hữu cơ với nhân dân. Hơn nữa, hệ thống công chức bắt đầu diễn biến thành hệ thống độc lập, hưởng thụ những gì tốt đẹp của thị trường và có thể không phải chịu đựng những gì xấu xã của thị trường. Việc này được thể hiện qua sự không ngừng xuất hiện những hệ thống cung cấp đặc biệt về bảo đảm xã hội, y tế điều trị, nhà ở và thực phẩm (cho công chức) trong xã hội. Một sự thật tàn khốc là cải cách của Trung Quốc thường đi từ trên xuống dưới, vì thế trong bối cảnh hệ thống công chức đang không ăn khớp nghiêm trọng với xã hội, không cảm nhận được nỗi khổ của nhân dân, lẽ nào động lực của cải cách lại có thể xuất hiện?
Đồng thời việc phình to của các tập đoàn lợi ích, khả năng giới lãnh đạo đảng cầm quyền khắc phục trở ngại đến từ các tập đoàn lợi ích cũng ngày càng bị hạn chế và sẽ giảm mạnh. Do nhu cầu dân chủ trong đảng, giới lãnh đạo thực hiện tập thể lãnh đạo và không ngừng mở rộng quy mô của giới lãnh đạo (ví dụ: Thường vụ Bộ Chính trị từ 5 người của những năm 1980 tăng lên 9 người hiện nay). Mức độ dân chủ trong đảng được tăng cường đồng nghĩa với trạng thái phân tán quyền lực ở phần chóp bu. Do quyền lực không còn được tập trung, sự thực thi của quyền lực tự nhiên không còn hữu hiệu. Thêm vào đó, do phân quyền cho xã hội, nên các tổ chức xã hội không thể phát triển. Đồng thời, xã hội cũng không có một cơ chế hữu hiệu để có thể ảnh hưởng tới quá trình chính trị, cho nên xã hội vừa không thể ủng hội giới lãnh đạo về chủ trương cải cách, cũng không thể nào kiểm soát được các lợi ích đã đạt được.

Tiến trình cách mạng lặng lẽ bắt đầu
Kết quả là làm công cuộc cải cách của Trung Quốc rơi vào trạng thái đã đề cập ở phần đầu của bài viết. Rất nhiều dấu hiệu cho thấy khi cải cách không thể tiếp tục, tiến trình cách mạng sẽ lặng lẽ bắt đầu. Người ta có thể cảm nhận được sự tồn tại của các nhân tố cách mạng ở Trung Quốc trển tất cả các phương diện.
Trước tiên, các tập đoàn lợi ích có thể ảnh hưởng tới chính sách cải cách. Thông thường, họ có thể tối đa hoá các chính sách có lợi cho lợi ích của họ và giảm đến mức thấp nhất các chính sách không có lợi cho lợi ích của họ. Các tập đoàn lợi ích có thể bao vây nghị trình cải cách của các nhà lãnh đạo bất cứ lúc nào. Nếu có một quan niệm cải cách nào đó không phù hợp với lợi ích của họ, họ liền “đánh hội đồng” với tất cả các thủ đoạn. Do đó, việc có người cho rằng các tập đoàn lợi ích đã “thao túng” nghị trình cải cách của Trung Quốc là muốn nói việc các tập đoàn lợi ích có thể đề ra chính sách và giới lãnh đạo cùng chính quyền chỉ là “công cụ” giúp họ vẽ ra chính sách.
Người dân đã mất đi niềm tin cơ bản vào hệ thống công chức, chính quyền và nhân dân bắt đầu rơi vào trạng thái đối lập. Phong trào chống đối trong xã hội không ngừng diễn ra. Do cải cách lâm vào khó khăn, chính quyền rất khó sử dụng phương thức cải cách để hoá giải sự đối lập giữa chính quyền và người dân, cho nên các ngành hữu quan bắt đầu dùng biện pháp cưỡng chế để thống trị và kiểm soát xã hội, ví dụ như hành động “duy trì ổn định”. Nghiêm trọng hơn là trong quá trình kiểm soát xã hội với cường độ cao, công cụ bạo lực vốn do nhà nước độc quyền bắt đầu được tư hữu hoá. Quyền lực công “thuê ngoài” của một số chính quyền địa phương đã dẫn tới sự sản sinh của một số hành vi mới như “gian giữ trái pháp luật”. Một số doanh nghiệp bất động sản đã hung hãn đánh người, thậm chí là giết người trong quá trình giải phóng mặt bằng. Kết quả là làm sâu sắc hơn sự đối lập giữa nhà nước và xã hội, giữa chính quyền và nhân dân.
Cần phải chỉ ra rằng, trong bất cứ một xã hội nào, phong trào đối kháng xã hội là bình thường và không phải tất cả sự đối kháng xã hội nào cũng dẫn tới cách mạng. Nhưng đối kháng xã hội mang ý thức chính trị cuối cùng cũng sẽ dẫn tới cách mạng. Trong rất nhiều năm, các sự kiện mang tính tập thể hoặc các phong trào chống đối xảy ra ở Trung Quốc đều là nhằm lợi ích kinh tế cụ thể. Nhưng ngày nay, trong xã hội Trung Quốc, các hình thái ý thức ồ ạt trỗi dậy và đồng thời với sự phân hoá về hình thái ý thức trong xã hội, ý thức chính trị cũng đựơc rót vào các tập thể xã hội. Người dân có thể lựa chọn trong rất nhiều hình thái ý thức xã hội khác nhau, phát triển ra các loại ý thức chính trị khác nhau. Hình thái ý thức là kim chỉ nam của hành động, sự tồn tại của các loại hình thái ý thức khác nhau đương nhiên sẽ gây ra hâu quả chính trị.
Trong bối cảnh như vậy, các tập đoàn lợi ích cũng bắt đầu cảm nhận được sự mất an toàn. Ngoài việc thực hiện kiểm soát với cường độ cao, họ còn muốn luận chứng về tính hợp pháp, hợp lý của mình về mặt tư tưởng. Họ bắt đầu tìm kiếm lực lượng ủng hộ trong các trào lưu tư tưởng. Nhưng những tư tưởng này cho dù là sản sinh ở Trung Quốc hay du nhập từ nước ngoài, đối với họ, chỉ mang tính chất của một loại công cụ. Về tổng thể, các tập đoàn lợi ích đang trong trạng thái vô ý thức tập thể. Họ không muốn cải cách, sợ cải cách, sợ sẽ mất cái gì đó trong cải cách. Họ chỉ biết không thể làm gì mà không biết nên làm gì. Một số phần tử cực đoan thậm chí còn bắt đầu “ma quỷ hoá” cải cách.
Rất rõ ràng, khi mục tiêu cuối cùng của các tập đoàn lợi ích là bảo vệ lợi ích của mình và làm cho nó trở nên vĩnh cửu hoá, họ hoàn tàon không còn năng lực để vượt qua lợi ích bản thân. Khi họ không thể vượt qua lợi ích bản thân, sự cởi mở về chính trị chắc chắn sẽ mất đi. Trong khi đó, sự khép kín của thể chế chắc chắn sẽ dẫn tới sự nảy sinh và phát triển của các nhân tố cách mạng. Nguyên nhân rất đơn giản, khi không thể tiến hành cải cách từ nội bộ, cải cách bên ngoài sẽ trở thành lựa chọn.
Kinh nghiệm mách bảo chúng ta rằng đây đều là hiện tượng manh nha của tiến trình cách mạng, nhưng tiến trình cách mạng được tiến hành như thế nào thì vẫn còn phải xem xem việc tồn tại hay không công cuộc cải cách hữu hiệu. Nếu trong thời kỳ đầu của tiến trình cải cách mà cải cách được thực thi một cách hữu hiệu, tiến trình cách mạng sẽ dừng lại. Trong trường hợp ngược lại, tiến trình cách mạng sẽ tiếp tục tới khi bùng nổ thực sự. Xem xét lịch sử, người ta thấy khi cách mạng sắp bùng nổ, giai cấp thống trị sẽ còn tiến hành một cuộc cải cách lớn, nhưng đáng tiếc là khi đó đã muộn. Thời Mãn Thanh là một minh chứng điển hình. Khi Hoàng đế Quang Tự muốn tiến hành cải cách, Từ Hi Thái hậu và các thế lực bảo thủ đã giết hại các nhà cải cách. Nhưng sau này khi tình hình thúc ép, vì sự sinh tồn, Từ Hi Thái hậu thực sự muốn tiến hành cải cách, thậm chí là với mức độ và cường độ lớn hơn cả mong muốn của Hoàng đế Quang Tự. Tuy nhiên, xu thế chung đã qua đi, cách mạng đã trở thành động lực chính, bất cứ công cuộc cải cách nào cũng khó có thể vãn hồi được thế cuộc nữa.
Vậy thì cách mạng sẽ có kết quả như thế nào? Trong trạng thái lý tưởng, cách mạng là hành động sống mái, là trò chơi được mất ngang nhau. Nhưng cách mạng cũng thường dẫn tới kết cục cùng huỷ diệt. Cho dù trong bất cứ tình huống nào, hi sinh nhiều nhất là đại đa số người dân trong xã hội, đặc biệt là lợi ích của tầng lớp trung, hạ lưu. Mỗi lần cách mạng, giới tinh hoa xã hội cũng bị hy sinh, nhưng so với đại đa số của xã hội, sự hi sinh này không thấm tháp gì. Xem xét ở góc độ chính trị, trong môi trường chính trị của Trung Quốc, kết quả của cách mạng rất có tểh chính là một sự thay đổi không có bất cứ ý nghĩa mang tính thực chất nào. Sự thay đổi thực sự của xã hội Trung Quốc nằm ở sự cải cách dần dần. Cải cách vì thế phù hợp với lợi ích của các bên, vừa phù hợp lợi ích của quần chúng xã hội, vừa phù hợp lợi ích của các tập đoàn lợi ích.
Cho dù cách mạng trong nhiều tình huống đều cáo chung bằng bi kịch, nhưng trong bối cảnh các tập đoàn lợi ích vô ý thức, bị kịch này lại là điều bình thường của lịch sử. Nếu không phải như vậy thì rất khó giải thích sự tuần hoàn của cách mạng trong lịch sử.
Rất rõ ràng, đối với Trung Quốc hiện nay, cải cách tuyệt đối không phải là cái gì đó có cũng được, không có cũng chẳng sao, mà cải cách là cần thiết./.
.
.
.

No comments:

Post a Comment