Sunday, July 3, 2011

GIỚI HẠN NÀO CHO KẺ CÔN ĐỒ TRUNG QUỐC ? (Trefor Moss, The Diplmat)



Trefor Moss
The Diplomat   -   Ngày 29-6-2011

Người dịch: Đan Thanh
Đăng bởi basamnew on 03.07.2011

Những căng thẳng hiện nay trên biển Hoa Nam [Biển Đông] không thể chỉ đổ cho Bắc Kinh gây ra. Sự yếu kém của ASEAN đã góp phần rất lớn.

Trung Quốc thường xuyên được “đo ni đóng giày” cho vai kẻ côn đồ trong các vở kịch an ninh quốc phòng ở châu Á-Thái Bình Dương, và những vụ đối đầu gần đây ở biển Hoa Nam cũng không có gì khác. Kịch bản tiếp tục xoay quanh một nhân vật Trung Hoa hung hãn, liều lĩnh tung ra các yêu sách về chủ quyền, dồn dập uy hiếp các láng giềng yếu thế hơn và phá hoại ổn định khu vực.

Quả thật là hành động của Trung Quốc, cộng với truyền thông sai lệch từ phía họ, có thể đã góp phần làm nên những nốt nhạc chối tai trong bản nhạc an ninh quốc phòng, trong khi Philippines và Việt Nam nói riêng thì báo động một cách chân thành về sự quyết liệt mà Trung Hoa đang thể hiện trên vùng tranh chấp thuộc biển Hoa Nam. Có lẽ sự quyết liệt này được chuyển đổi giữa hai trạng thái, là sự hung hăng và sự vụng về thô mộc.

Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện; những khó khăn trong hàng hải ở châu Á mới thực là một thất bại tổng hợp. Các nước có quyền lợi liên quan trong khu vực đã chỉ thành công trong việc bộc lộ những yếu kém nguy hiểm trong thể chế đa phương của họ. Những thể chế đó, kể cả Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), đều đang vật lộn để có thể điều tiết được hành vi ứng xử của các nước thành viên và triển khai các biện pháp kiểm soát có ý nghĩa đối với vấn đề an ninh khu vực. Ấy là bởi vì những lợi ích đối kháng nhau, chứ không phải một mục đích chung nào cả, vẫn đang tiếp tục chi phối tư duy của khu vực, thậm chí trong nội bộ ASEAN. Điều này cũng có thể được lý giải một phần là do sự hiện diện kéo dài của một thiết chế an ninh đơn phương, rất thành công ở khu vực Thái Bình Dương: quân đội Hoa Kỳ.

Cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa đa phương ở châu Á thể hiện kiệt cùng và công khai tại Đối thoại Shangri-La được tổ chức ở Singapore đầu tháng 6 vừa qua. Đó là nơi những tranh chấp hàng hải của khu vực và giải pháp tốt nhất cho chúng là một trong hai chủ đề lấn át trong chương trình nghị sự. Chủ đề còn lại, liên quan rất chặt chẽ đến chủ đề thứ nhất, là liệu Mỹ có duy trì hiện diện quân sự ở châu Á không.

Các nhà lãnh đạo Á châu dường như đã ngừng việc cố gắng xây dựng những thể chế mới để giải quyết các khó khăn. Ý kiến của hai nhà lãnh đạo gần đây nhất còn cố làm việc này – tức cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd và cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama – ì xèo suốt thời gian họ tại vị, và chìm dần trước các chính phủ của họ. “Thành lập thể chế mới chẳng được ưa thích chút nào” – ông Tim Huxley, giám đốc IISS-châu Á (chính là viện tư tưởng (think-tank) tổ chức Đối thoại Shangri-la), nhận định. “Cái chúng tôi đã nghe ở Đối thoại là lời tái khẳng định lợi ích trong việc sử dụng các thể chế hiện nay, lấy ASEAN làm trung tâm, nhưng cùng với việc đó thì cũng xuất hiện những vấn đề khá nan giải đối với khu vực”.

Khó khăn lớn nhất của đường lối lấy ASEAN làm trung tâm là bản thân ASEAN trong những tháng qua cũng rất dễ nổi khùng – hậu quả của xung đột đang tiếp diễn giữa Thái Lan và Campuchia, cũng như xung đột của các nước thành viên khi theo đuổi những yêu sách chủ quyền gây tranh chấp của họ trên biển Hoa Nam. Việt Nam chẳng hạn, đã nắm lấy vấn đề tranh chấp biển một cách nhiệt tình y như Bangkok làm ầm ĩ về những đụng độ của họ với Campuchia nhằm hút sự chú ý khỏi các vấn đề trong nước (với trường hợp Hà Nội thì các vấn đề ấy là kinh tế). Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Ahmad Zahid Hamidi nói với tờ The Diplomat ở Singapore rằng “bất chấp tất cả những thách thức về an ninh đã phải vượt qua, ASEAN đã không ngừng tiến lên để đi tới mục tiêu xây dựng một cộng đồng an ninh – chính trị vào năm 2015”.

Nhưng đó là một đánh giá cực kỳ lạc quan vào lúc này. Ông Huxley cho biết: “ASEAN rất khó thừa nhận thất bại, do đó họ có thể sẽ phải quay lại với cái hạn 2020 đặt ra lúc đầu. Dù sao thì cũng rõ ràng là (kế hoạch xây dựng) Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các nước ASEAN lại có vẻ như đang để cho lịch trình của cả khối bị đổ bể ngay vào lúc sự ngạo mạn của Trung Quốc lẽ ra đã phải kích thích ASEAN siết chặt hàng ngũ hơn. Trong một chuyến thăm Brunei hồi tháng 6, Tổng thống Philippinesz Benigno Aquino đã nói về việc ông ủng hộ một mặt trận ASEAN thống nhất trong vấn đề biển Hoa Nam. “Chúng ta hãy xích lại bên nhau như một tổ chức” – ông nói, và khuyến nghị cần có một cách tiếp cận tổng hợp, thay vì thực thi đường lối riêng rẽ như các nước ASEAN hiện nay với việc mỗi nước tự giải quyết vấn đề của mình với Trung Quốc một cách song phương (như là Việt Nam và Trung Quốc bây giờ đang có xu hướng song phương hóa).

Tuy nhiên, dường như ít có dấu hiệu về việc ASEAN hình thành một khối trong đàm phán để giải quyết tranh chấp với nước láng giềng phương Bắc. Quan hệ kinh tế chặt chẽ giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN đã ngăn cản những quốc gia không trực tiếp liên quan tới tranh chấp biển Hoa Nam, khiến họ phải giữ một tiếng nói trung lập trước hành động bị coi là xâm lược của Trung Quốc. Trong khi đó, các yêu sách mâu thuẫn của các thành viên ASEAN ngăn trở họ hành động thống nhất.

Vì lợi ích của chính họ, các thành viên ASEAN, nếu không đoàn kết chống Trung Trung Quốc, thì cũng phải siết chặt hàng ngũ để làm cho Bắc Kinh khó khăn trong việc theo đuổi bất kỳ chiến lược “chia để trị” nào. Công cuộc đàm phán để cho ra một bộ Quy tắc Ứng xử (COC) nghiêm ngặt hơn để thay thế bản Tuyên bố chung về Ứng xử (DOC) vốn rời rạc – là điều mà Philippines đang đặc biệt kêu gọi và Indonesia bây giờ cũng đang ủng hộ – nên là điểm gắn kết các nước ASEAN: Ít nhất họ cũng phải có khả năng nói cùng một giọng khi bàn đến việc lập ra các quy tắc nền tảng, chưa nói đến việc giải quyết các bất đồng thực sự. Khi ấy, một khi Trung Quốc xâm phạm thỏa thuận mới, ASEAN sẽ có thể tự coi mình là một mặt trận tổng hợp, như vai trò họ từng đóng trong lần vận động cho ra DOC hiện nay.

Thái độ kiêu ngạo mà Trung Quốc thể hiện gần đây được cho là nhằm phản ứng trước hai yếu tố: Ý thức của Trung Quốc, được hình thành một cách vội vã, về việc Mỹ đã yếu thế ở châu Á, và ý thức đúng đắn hơn về những yếu kém của ASEAN. Việc Mỹ tái khẳng định lợi ích chiến lược của họ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể thuyết phục Trung Quốc phải dè dặt hơn trong tương lai. Nhưng sẽ thật nhục nhã nếu những lời hứa của Mỹ chỉ là để ru ngủ ASEAN, để ASEAN bỏ quên việc sửa chữa những khuyết tật về thể chế mà họ đang cực kỳ cần tiến hành. Nếu Mỹ đóng vai trò nhà bảo trợ an ninh cuối cùng, thì sự hiện diện của Mỹ đã không thể ngăn chặn những tranh chấp hàng hải kéo dài mòn mỏi, đang tiếp tục làm hỏng mối bang giao giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương. Các biện pháp xây dựng lòng tin – điều mà Trung Quốc luôn to giọng ủng hộ – chắc chắn là hữu ích, nhưng rất hay có xu hướng chỉ hàn gắn một cách đơn giản những trục trặc xuất phát từ các lần sụp đổ niềm tin trước đây. Một khung thể chế mạnh mẽ và có tính chất ngăn ngừa sẽ đảm bảo cho những lần sụp đổ niềm tin như thế xảy ra ngày một ít đi, bằng cách vạch nên những đường ranh giới rõ ràng mà Trung Quốc và các bên có lợi ích khác sẽ buộc phải thử nghiệm (trước khi vượt qua).

Do đó bước đầu tiên trên con đường phục hồi là thiết lập một COC mới, mạnh hơn, chi phối biển Hoa Nam, như thể được đàm phán bởi một ASEAN thống nhất. Kết quả tốt đẹp sẽ là lời tái khẳng định vai trò của ASEAN như là nền tảng vững chãi cho an ninh của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này rất quan trọng bởi nếu an ninh châu Á-Thái Bình Dương lấy ASEAN làm trung tâm – và không ai đưa ra một khung thể chế mới với những điều khác biệt gì khác – thì ASEAN, trung tâm của cái cấu trúc quyền lực đó, sẽ là thành tố cần được củng cố nhất.
Một ASEAN chia rẽ, nơi các thành viên thích theo đuổi những thỏa thuận an ninh song phương của riêng mình hơn là đoàn kết phối hợp, sẽ chỉ tạo ra một châu Á-Thái Bình Dương nghiêng ngả.

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
.
.
.

No comments:

Post a Comment