Friday, April 1, 2011

SINH VIÊN VIỆT NAM CHÊ GIÁO ĐIỀU CỘNG SẢN (Người Việt)

Thursday, March 31, 2011 7:40:05 PM

SÀI GÒN (PL) - Tại cuộc hội thảo với chủ đề “Làm gì để người học tìm đến với nhóm ngành khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV)?” diễn ra hôm 30 tháng 3 tại Sài Gòn, hầu hết các cán bộ ngành này tại các trường đại học công-tư thục đều hô hào phải “khẩn cấp vực dậy một ngành học sắp lụi tàn.”

Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường Ðại Học Văn Hiến thú nhận: “Ngành KHXH&NV tại các trường đại học công-tư đang đối diện với một thực trạng đáng ngại. Số thí sinh dự thi vào ngành mỗi năm một giảm, một số khoa không tuyển đủ sinh viên cho một lớp học. Có khoa buộc phải ngừng hoạt động.”

Nhiều phúc trình kêu rêu tuyệt vọng về một ngành giáo dục sắp “tan hàng” vì bị giới trẻ từ chối. Theo báo Pháp Luật, trường ÐHKHXH&NV Sài Gòn đang dần biến thành trường đại học “hạng hai,” và hầu như không có sinh viên giỏi chịu vào học.

Phúc trình của ông Hồ Quốc Hùng, trường ÐH Văn Hiến còn xác nhận: “Ngành KHXH&NV đang chết dần vì người học quay lưng. Chính cách dạy một cách hàn lâm vớ vẩn và cực kỳ ngớ ngẩn đã triệt tiêu tình yêu của các em đối ngành này. Cách dạy ngữ văn trong trường phổ thông hiện nay toàn truy bài, ép buộc khiến các em có ác cảm với ngành học.”

Ðược biết tại Hà Nội và Sài Gòn đều có trường ÐH KHXH&NV dạy các môn: tâm lý học, khoa học quản lý, xã hội học, triết học, chính trị học, công tác xã hội, lịch sử, báo chí và tuyên truyền...

Trong trang nhà của mình, Trường ÐH KHXH&NV tại Sài Gòn (trường Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 1975) có 18 khoa với trên 500 giảng viên trong đó có gần 250 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, thạc sĩ... được đào tạo ở ngoại quốc như Nga, Ba Lan, Ðức, Bulgary, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Úc, Nhật... Trường này có thể đào tạo hàng năm trên 20,000 sinh viên gồm 12,000 sinh viên và 1,300 sinh viên sau đại học.

Hầu hết các sinh viên vào học ngành KHXH&NV đều bị ép học các môn triết học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kinh tế-chính trị học, lịch sử đảng... mà họ đã quá chán ngán vì nặng giáo điều.

Tưởng cũng cần phải nhắc lại, vào thập niên 1980, một số sinh viên các trường đại học ở Sài Gòn đã đòi bỏ môn triết học Mác-Lênin và kinh tế-chính trị học trong chương trình đại học vì cho rằng đó là môn học giáo điều, bóp méo lịch sử. Tuy nhiên, cuộc tranh đấu này không thành công. Giờ đây, khi được tự do chọn lựa trường và ngành học, các sinh viên thẳng thừng nói “không” với các môn học như thế.

Theo báo Pháp Luật, tại hội nghị nói trên, giảng viên một trường ÐH ở Sài Gòn hô hào cấp học bổng và “có chính sách tuyển dụng để thu hút học sinh giỏi vào học ngành KHXH&NV.”
Có lẽ vì quá ế ẩm nên trường KHXH&NV còn mở thêm các khóa dạy ngoại ngữ, công nghệ thông tin, kế toán và cả các lớp dạy nghề như cắt tóc, sửa điện thoại di động, massage, lái xe...

----------------------------------------

.
.
.

No comments:

Post a Comment