Friday, April 1, 2011

THƯ GỬI TS PHÙNG LIÊN ĐOÀN (Bauxite Việt Nam)


Lẩm Cẩm Lão Gia
1/04/2011

Kính gởi Ông Tiến sĩ,

Thưa ông,

Cách đây vài ngày, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi được đọc bài viết “Thorium có thể thay thế uranium?” của Ông Tiến sĩ được BVN đăng tải. Cá nhân Lẩm Cẩm Lão Gia tôi rất ngưỡng mộ Tiến sĩ bởi sự uyên bác trong lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) – một lĩnh vực mà Tiến sĩ đã nghiên cứu và làm việc trong mấy chục năm trời. Lẩm Cẩm lão Gia tôi cũng hoàn toàn đồng ý với Ông Tiến sĩ về sự an toàn của các công trình nhà máy điện hạt nhân bởi những vụ tai nạn gây rò rỉ phóng xạ nguy hiểm chết người từ các nhà máy ĐHN chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay kể từ khi ĐHN được con người đưa vào sử dụng.

Thế nhưng, nếu nói rằng “Người ta có, mình có” hay “Người ta làm được, mình cũng làm được” hoặc “ĐHN rất an toàn vì thế chúng ta không phải lo” thì Lẩm Cẩm Lão Gia tôi e rằng chúng ta đã đi qua một phạm trù khác hoàn toàn, thưa Ông Tiến sĩ.
Có lẽ, Ông Tiến sĩ là một Nhà khoa học được đào tạo thành tài và làm việc ở xứ sở Tư bản nên Tiến sĩ không quen, không nằm lòng ba cái chuyện “lách luật, hoa hồng hoa huệ, lại quả, rút ruột” nên Tiến sĩ đã nghĩ rằng “họ cũng như Ông” trong việc làm và trách nhiệm. Và cũng chính bởi sự “thẳng ruột ngựa” này của Ông Tiến sĩ mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi càng quý mến và ngưỡng mộ Ông nhiều hơn.

Chắc Ông Tiến sĩ cũng đã rõ, trận động đất mới đây ở Nhật Bản là một trong những trận động đất lớn nhất trên thế giới mà nhân loại biết đến và cũng là trận động đất lớn nhất ở Nhật Bản. Nghe đâu, trận động đất kinh hoàng này ở cấp 9 độ Richter. Sự tàn phá của nó như thế nào thì chắc là không cần phải nhắc lại. Điều mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi muốn thưa với Ông Tiến sĩ ở đây là nền khoa học kỹ thuật của Nhật Bản ở đâu? Nghiên cứu chuyên sâu cũng như kinh nghiệm trong công cuộc chống động đất của Nhật Bản ở đâu?
Thế nhưng, tất cả còn lại chỉ là một sự hoang tàn đổ nát sau khi động đất xảy ra. Bởi sức Người không thể địch lại sức Trời. Ngay cả một dải bờ biển mà còn phải xê dịch đến những 4 mét thì sức mạnh cũng như sự tàn phá của trận động đất này ghê gớm biết dường nào, thưa Ông Tiến sĩ?

Trong khi đó, nền khoa khoa học kỹ thuật của Việt Nam đang ở đâu trong biểu đồ khoa học của thế giới? Việt Nam đã có nghiên cứu và có được những kinh nghiệm gì để xây dựng các công trình chống động đất cấp 9? Thế nhưng, đập hồ chứa bùn đỏ ở các công trình khai thác bauxite ở Tây Nguyên có thể chống động đất lên đến cấp 9 đấy, thưa Ông Tiến sĩ! Ôi, người Việt Nam chúng ta mới tài giỏi làm sao! Chỉ cần một “cái lưỡi” vô tri vô giác và sự nông cạn đến cùng cực và tham vọng thì không biết đâu cho cùng, là chúng ta có thể đưa nền khoa học của nước nhà vượt qua những cường quốc khoa học kỹ thuật cỡ như Nhật Bản đấy thưa Ông Tiến sĩ.

Đây là tuyến đường trọng điểm của Hà Nội nối các khu công nghiệp, khu đô thị với trung tâm. Hiện nhiều đoạn đã xuất hiện vết nứt.

Vết nứt cắt ngang mặt đường.

Nghiêm trọng nhất là vết lún, nứt rộng khoảng 5-6 cm và sâu 20 cm tại km9 +780.

Thưa Ông Tiến sĩ, trên đây là một vài hình ảnh của Đại lộ dài nhất và cũng là Đại lộ hiện đại nhất của Việt Nam ta đấy, thưa Ông (1). Đấy, chúng ta đã tiếp thu và chuyển giao những công nghệ “hiện đại tiên tiến” bậc nhất của thế giới theo cách như thế đấy!

Chỉ trong vòng mấy tháng, hàng loạt tai nạn chết người thương tâm bởi xe hơi tranh qua đường xe lửa (2). Đến một việc xây dựng những rào chắn có đèn báo hiệu cũng như vận hành tự động mà chúng ta cũng không làm được thì có thể khẳng định, có thể biết được nền khoa học kỹ thuật cao của nước nhà đã vượt xa Nhật Bản hằng mấy chục năm trời chứ ít gì! Bởi thế, chúng ta nên phải làm, cần làm dự án ĐSCT bởi vì đó là “công nghệ hiện đại”, cũng như chúng ta cần “đi ngay vào hiện đại”!

Tai nạn giao thông hàng năm đã cướp đi trên cả chục ngàn sinh mạng những người vô tội. Để đối phó với những vấn nạn chết người này, Chính phủ hiện hành đã làm gì để giảm bớt những mất mát đau thương của người dân? Tiếp thu ý kiến của “Táo quân” đấy thưa Ông Tiến sĩ (3). Một kế sách vĩ đại mà Lẩm Cẩm Lão Gia tôi không thể tìm được từ ngữ nào thích hợp để diễn tả.

Trên đây chỉ là một vài điều nhỏ nhặt mà chỉ cần mở mắt là đã thấy. Bởi thế, dù Lẩm Cẩm Lão Gia tôi tin tưởng hoàn toàn nơi Ông Tiến sĩ trong vấn đề an toàn ĐHN nhưng Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thà thắp đèn đầu hay theo gương của tiền nhân là bắt đom đóm bỏ vào chai để đọc sách thay vì tin tưởng vào “những lời đường mật của xứ sở thiên đường bánh vẽ”, thưa Ông Tiến sĩ. Bỗng dưng, Lẩm Cẩm Lão Gia tôi thoáng nghe văng vẳng bên tai cái câu “người Việt mình nó thế” của bậc cao nhân mà nay đã thành người thiên cổ! Ôi buồn thay…..

Kính chúc Ông Tiến sĩ vui khỏe.
Kính thư,
L.C.LG.


Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

-----------------------

Xem thêm :



.
.
.

No comments:

Post a Comment