Saturday, January 1, 2011

SIÊU CƯỜNG MỚI và CHUYỆN CÁI NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG (Aditya Chakrabortty)

Tác giả: Aditya Chakrabortty
Bài đã được xuất bản.: 31/12/2010 05:00 GMT+7

Cho dù Thủ tướng Cameron và các nhân viên tùy tùng của ông nói gì đi nữa, Trung Quốc vẫn còn rất nghèo so với những gì người ta tưởng, và cũng còn xa mới là một nước giàu mạnh.

Khi Thủ tướng Anh David Cameron sang thăm Trung Quốc [1], các nhà báo ngồi trên máy bay đi theo ông nghiêm chỉnh ca ngợi Trung Quốc là siêu cường tiếp theo, một huyền thoại thành công của thời đại chúng ta và sẽ rất nhanh thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khi các bạn nghe thấy những lời tốt đẹp ấy, tôi mong các bạn sẽ giúp tôi nghĩ tới câu chuyện cái nhà vệ sinh công cộng.

Xin lưu ý, đây không phải là cái nhà vệ sinh công cộng bình thường mà là nhà vệ sinh công cộng lớn nhất thế giới. Cách đây vài năm, nó được khai trương tại giữa thành phố Trùng Khánh, nghe nói có 1000 bồn xí bố trí trên 4 tầng lầu một tòa nhà trông như tòa cung điện bằng sứ, trên nóc nhà còn có pho tượng con nhân sư nữa kia. Rất nhiều bồn tiểu tiện làm thành hình miệng cá sấu, một số còn giống hình Đức Mẹ Đồng trinh Mary. Toàn bộ nhà vệ sinh công cộng chìm trong âm thanh các điệu nhạc và tin tức của đài truyền hình.

Nhưng cái nhà vệ sinh công cộng to lớn của Trùng Khánh này còn cho chúng ta biết một sự thực: thành phố công nghiệp khổng lồ (số dân gấp 4 lần London) ở miền Tây siêu cường tiếp theo này còn thiếu đến thế các thiết bị vệ sinh công cộng, tới mức việc làm một cái nhà vệ sinh miễn phí cũng trở thành sự kiện lớn. Khía cạnh này thể hiện một điều: cho dù Thủ tướng Cameron và các nhân viên tùy tùng của ông nói gì đi nữa, Trung Quốc vẫn còn rất nghèo so với những gì người ta tưởng, và cũng còn xa mới là một nước giàu mạnh.

Dĩ nhiên tôi biết rằng các số liệu thống kê cho thấy những chuyện khác: kinh tế Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ 9% mỗi năm, lượng ngoại tệ dự trữ lên tới 27 nghìn tỷ USD. Từ nghèo đói, sau 30 năm họ đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Điều đó thật sự làm ta ngạc nhiên, song Trung Quốc cũng có số dân đông nhất thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc tính theo sức mua chỉ vào khoảng 6240 USD. Tính theo đầu người, nền  kinh tế của Con Rồng này chỉ phồn vinh như Namibia mà thôi.

Tình hình nói trên không ăn nhập gì với những cuốn sách thời thượng trương cái tên như "Khi Trung Quốc thống trị thế giới" [2]. Hãy nhớ lại những chuyện xảy ra trong mấy năm qua. Năm 2008, hồi ấy giá thực phẩm tăng vòn vọt, tình trạng ấy bị quy kết là do những người mới giàu lên ở Trung Quốc và Ấn Độ gây ra, vì họ muốn được ăn thịt!

Nhưng sau đấy một báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới phát hiện tình trạng tăng giá có 3/4 là do dự án nhiên liệu sinh học của Tổng thống Bush con gây nên - nói cách khác là người Mỹ dùng lương thực làm nhiên liệu để đốt. Ấn Độ và Trung Quốc chỉ là kẻ bàng quan vô tội.

Các vị mọt sách và nhà bình luận thường hay nói cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu là tác nhân trong sự suy thoái kinh tế của phương Tây, nhưng xét từ góc độ khác, thực ra nó chứng minh địa vị quan trọng cao chót vót của kinh tế Mỹ. Tôi đoán rằng có lẽ sau đây rất lâu các nhà lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp một cuộc hội nghị quan trọng để đối phó với khủng hoảng nợ thứ cấp nổ ra tại Thượng Hải.

Trên thực tế cái Trung Quốc thiếu không chỉ là nhà vệ sinh và các thiết bị vệ sinh công cộng. Vùng nội địa mênh mông ở Trung Quốc còn cực kỳ thiếu những thiết bị cơ sở hạ tầng khác như bệnh viện và trường học. Nông dân nghèo Trung Quốc nếu ốm nặng thì hoặc là chọn biện pháp điều trị để sau đó không còn một xu dính túi, hoặc chọn cách chờ chết.

Nói kinh tế Trung Quốc "Không ổn định, không cân đối, không hài hòa, không bền vững" là rất có lý. Ho-fung Hung nhà kinh tế chính trị sinh ra ở Hong Kong còn đi xa hơn: ông nói Trung Quốc là "đại quản gia của nước Mỹ (America's head servant)" - sống dựa vào việc Mỹ mua hàng xuất khẩu của mình, sau đó lại bán tài sản Mỹ kim của mình cho nước Mỹ. "Là một quốc gia, họ rơi vào cái bẫy." - ông nói.

Những người cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc tất sẽ thách thức địa vị thống trị của phương Tây hãy suy nghĩ kỹ về điểm này. Ảnh hưởng trực tiếp của Washington có thể bị yếu đi đôi chút nhưng ảnh hưởng gián tiếp của họ lại chưa có dấu hiệu suy giảm chút nào.

Hãy xem phản ứng của mấy cường quốc chính đối với cuộc khủng hoảng tài chính hai năm nay. Xin hỏi vị lãnh đạo nào kêu gọi xây dựng hệ thống Bretton Woods mới? Đó là Gordon Brown [3] chứ không phải Hồ Cẩm Đào. Trước Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Seoul, người ta thảo luận về kiến nghị hạn chế thặng dư buôn bán do Washington đề xuất chứ không phải là các phương án khác do một chính phủ quốc gia châu Á đưa ra.

Chắc chắn các nhà tiên đoán và nhà bình luận vĩ đại của thời đại chúng ta sẽ nói rằng những điều đó nhất định sẽ tới. Tôi mong như vậy. Nhưng nhất định người ta sẽ lác mắt đến kinh khủng khi thấy trước mắt họ là một quốc gia thiếu cả các thiết bị vệ sinh công cộng và ỷ lại vào việc buôn bán với nước Mỹ nhưng lại đầy tự tin tuyên bố mình là siêu cường tiếp theo trên thế giới này.

Nguyên Hải lược dịch

Ghi chú:
[1] Là nói chuyến thăm Trung Quốc của tân Thủ tướng Anh David Cameron cùng một đoàn doanh nhân đông đảo, bắt đầu hôm 16/11/2010 nhằm đẩy mạnh quan hệ buôn bán giữa hai nước.
[2] Ý nói cuốn sách When China Rules the World: The Rise of the Middle Kingdom and the End of the Western World của Martin Jacques (người Anh), xuất bản năm 2009, đang được dư luận Trung Quốc tâng bốc.
[3] Thủ tướng Anh nhiệm kỳ trước, thất cử trong cuộc tổng tuyển cử tháng 6/2010.
.
.
.

No comments:

Post a Comment