Saturday, January 1, 2011

LỜI NGƯỜI RA ĐI (Arnold Schwarzennegger hết nhiệm kỳ) - Hoàng Ngọc Nguyên

HOÀNG NGỌC NGUYÊN/Việt Tribune
December 31, 2010

Hôm nay là ngày cuối của Arnold Schwarzennegger ở Sacramento. Ngày mai đây, ông sẽ trở lại làm thường dân – như chúng ta. Nhìn lại đoạn đường bảy năm vừa qua, ông nói rằng ông vẫn xứng đáng để được người ta gọi là “Terminator” – Người Sát Thủ – vai trò quen thuộc của ông trong điện ảnh trước khi ông bước vào đời thực với trách nhiệm thống đốc của tiểu bang đông dân nhất, phức tạp nhất của nước Mỹ. Đó là “Lời Người Ra Đi” mà những người ở lại như chúng ta nên bỏ chút ngày giờ thao thức trong ngày Tân Niên này.

Thống đốc California Arnold Schwarzenegger tại buổi gặp gỡ với tân Thống đốc Jerry Brown ngày 26 tháng 10, 2010. Kevork Djansezian/Getty Images

Vấn đề ở California lâu nay vẫn thế, nhưng nay đã trở nên rõ hơn và đòi hỏi phải có giải pháp, và mọi giải pháp đều đòi hỏi một cách nhìn mới, nhận thức mới về vấn đề, đó là giai cấp công chức nói chung, và những nguòi làm việc cho nhà nước, ăn lương nhà nước, ở đâu cũng thế, nhà giáo, cảnh sát, nhân viên y tế, xã hội, nhân viên chữa lửa, … tất cả đều như thế, đều thuộc một “giai cấp quí tộc”, mà đã là giai cấp quí tộc thì xã hội phải xúm vào để bảo tồn, bảo vệ, bằng bất cứ giá nào, và cái giá nào thì nay ai cũng thấy rõ nơi tình trạng của tiểu bang này chính phủ bị sa lầy trong nợ nần như núi, ngân sách thiếu hụt mênh mông như biển. Trong xã hội nào cũng thế, nguòi dân dưới thấp cuối cùng là thành phần phải trả giá lúc thì bằng xương máu, lúc thì bằng tài sản, hay bằng sức lao động,mồ hôi nước mắt của mình, cho những tội lỗi của bề trên.

Có hai đồ biều ở đây đáng để ý. Trong đồ biểu ở trên “The cost of the protected class” (Phí tổn của giai cấp quí tộc phải được bảo vệ) cho thấy, từ tháng Giêng năm 2008 cho đến tháng 12 năm 2009, trong khi khu vục tư nhân đã mất gần đến 1.2 triệu công ăn việc làm, thì giới công chức hầu như bình chân như vại, chỉ có khoảng hai mươi, ba mươi ngàn người bị mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở California là 12.4%, nhưng con số này đối với người làm việc trong khu vực tư lên đến cả 15-16%, trong khi trong khu vực công, số người thất nghiệp chỉ trong khoảng 1-2%. Những con số tương phản này tự chúng có thể nói lên nhiều điều. Nó cho thấy khi chủ nhân là “nhà nước” thì người ta “nhân đạo” hơn so với chủ nhân là tư nhân? Các doanh nghiệp tư nhân có thể ném người ta ra đường dễ dàng, nhưng các cơ quan chính quyền thì có quá nhiều hệ lụy cho nên chẳng dám bỏ ai. Hay là vì tổ chức chính quyền là không vụ lợi, giống như là tổ chức bất vụ lợi (non-profit organization) hay tổ chức “phi chính quyền” (non-government organization – NGO), cho nên chẳng cần tính toán lời lỗ mà cứ hoạt động như thường. Câu trả lời đúng nhất là doanh nghiệp tư nhân phải cắt người vì họ hết tiền, trong khi cơ quan chính phủ thì “nguồn thu vô tận” khi họ nhìn ra thấy không phải “đời là bể khổ” mà là cả một đại dương những người nộp thuế. Như vậy thì “của người (nộp thuế), phước ta (chính quyền)”. Một điều tế nhị hiện nay là guồng máy nhà nước thì hầu như vẫn cồng kềnh như thế, trong khi số người đang đưa lưng ra gánh vác giang san của nhà nước lại ít đi vì khá đông người đã lẳng lặng rút lui hay nằm ẹp xuống, cho nên những người đang phải còng lưng gánh vác sơn hà xã tắc đó nay sẽ thấy nặng hơn, còng người hơn nữa, giống như hoàn cảnh người già hiện nay, sức thì yếu hơn mà nghĩa vụ như thể lớn hơn!

Chẳng có tờ báo nào đáng tuyên dương như tờ Los Angeles Times, với hàng loạt bài trong năm nay về lương bổng của công chức đã cho người dân thấy vì sao những người làm việc cho chính quyền đáng được gọi là giai cấp quí tộc. Những câu chuyện về tiền lương và phúc lợi, hưu bổng của giới công chức ở Bell City hay thành phố Vernon, hay ngay cả chính quyền ở Los Angeles County đáng làm cho người ta rùng mình – nhất là khi nghĩ đến thái độ làm ngơ như không hề hay biết của các nhà dân cử vẫn cứ quen thói ngậm miệng ăn tiền trước những vấn đề người dân mong họ phải lên tiếng. Tất cả đều là những chuyện có khả năng châm ngòi cho một cuộc “cách mạng vô sản” như chơi, may mà ngày nay chẳng còn mấy người ngông cuồng và hoang tưởng như Vladimir Lenin thế kỷ trước. Lương cao, bổng (tiền hưu trí) hậu, đưa đến tình trạng như được một nhà cách mạng chống bọn “cướp ngày” nhận xét “Ít người dân California trong khu vực tư nhân có tiền tiết kiệm lên cả triệu đồng, nhưng đó chính là khoản hưu bổng người ta đã bảo đảm cho giới công chức muốn về hưu ở lứa tuổi 55 và có quyền lãnh một chi phiếu hàng tháng, được bảo vệ chống ảnh hưởng lạm phát, là $3.000 cho đến suốt đời. Tiền hưu bổng của công chức một phần nhỏ là do họ đóng góp, nhưng phần lớn là từ “hảo tâm” của chính quyền với những tính toán phức tạp, đầu tư bất kể lời lỗ, khiến cho khoản hưu bổng này lớn dần, quỹ cho tiền hưu ngược lại ngày càng cạn, do đó nợ của chính phủ do chính mình tạo ra với quỹ hưu của cựu công chức đã trở nên “hết biết”. Nơi đồ biểu thứ hai, chúng ta thấy gánh nặng phí tổn hưu trí của công chức tiểu bang trong quá khứ và dự phóng cho mười năm sắp đến. Trong năm 2000, chi phí hưu bổng này chưa đến 1.500 tỷ. Mười năm sau, năm 2010, chi phí này đã quá mức 6.000 tỉ. Và trong mười năm nữa, chi phí này dự phóng đến cả 27.000 tỉ – tức hơn năm 2000 18 lần và hơn hiện nay 4.5 lần! Hỏi tiền đâu ra trước gánh nặng nợ này, người ta lại nhìn xuống đám “dân đen” ở dưới, quên rằng trong đó cũng có đến cả 10% di dân bất hợp pháp mà những người hợp pháp cũng phải ôm!

Hai đồ biểu này, cùng những con số khác được đưa ra là từ “Lời Người Ra Đi”, ông Arnold Schwarzennegger, con người trước đây chúng ta chỉ biết qua những phim dữ dằn đề cao nhân vật chỉ dùng sức mạnh anh hùng cái thế để thực hiện những mục đích của mình – thường là những mục tiêu “thế thiên hành đạo”. Người ta nói thông thường những người hay đóng vai “kép độc” trên sân khấu ngoài đời thường rất hiền. Bảy năm qua, ông đã làm thống đốc của tiểu bang California. Nhiều người bỏ phiếu cho ông hai lần 2003 và 2006 vì nghĩ ông là người sẽ mang niềm vui đến cho Cali như đã từng gây náo hoạt cho Hollywood. Và người ta nói nay ông đã để “lộ bộ mặt thật của ông”. Chính ông cũng nói: “Gần đây một số người phê phán đã tố cáo tôi hiếp đáp công chức của tiểu bang. Các tít báo ở California đã la toáng lên ‘Thống đốc hành hung công chức tiểu bang’ và ‘Schwarzennegger đe dọa công bộc tiểu bang’”. Nay trước khi ông ra đi, ông muốn có đôi lời giải thích những mục tiêu chính yếu của ông, những gì ông đã theo đuổi, đã thực hiện – vốn là chuyện đương nhiên đã gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua. Ông viết: “Sự thật đơn giản là thế này: California không thể giải quyết những vấn đề ngân sách của nó nếu không tính được chuyện tiền lương và phúc lợi của những người làm việc cho tiểu bang”.

Ý của ông rất rõ rệt. Tiểu bang này có một truyền thống lâu đời từ thời này qua thời khác, từ đời thống đốc này qua đời thống đốc khác, dành những ưu đãi đặc quyền đặc lợi vô song cho giới công chức, từ chuyện thu dụng (bao nhiêu là vừa), tiền lương (bao nhiêu là đáng), đến hưu bổng (bao nhiêu là xứng) bất kể khả năng của chính quyền (vì cứ tin tưởng ở nguồn thuế là bất tận của một nền kinh tế trù phú lớn thứ tám trên thế giới), cũng như lẽ công bằng trong xã hội (tạo nên một privileged class – một giai cấp ưu thế trong xã hội). Và đàng sau những người công chức này là các nhà dân cử. Và đàng sau các nhà dân cử là những nghiệp đoàn công chức hùng mạnh có đủ phương tiện tài chánh để điều động các cuộc bầu cử. Vì những thế lực này mà California ngày càng lún sâu vào khủng hoảng ngân sách. Theo ông thống đốc, đến 80 xu trong mỗi đô-la của chính quyền là dành cho lương bổng công chức. “Chi tiêu cho công chức tiểu bang trong thập niên qua đã gia tăng gần gấp ba lần nhịp độ gia tăng của số thu thuế, làm cho những chương trình có tầm quan trọng ưu tiên trong xã hội trở thành thứ yếu, như giáo dục đại học, bảo vệ môi trường, phát triển công viên và phương tiện giải trí cho đại chúng.” Ông Schwarzennegger cũng tố cáo là “Do một quỹ hưu bổng to lớn nhưng cạn kiệt và những lời hứa y tế cho người về hưu mà những chính quyền trước đây đã thoải mái đưa ra, cùng do cách tính toán mập mờ của những quỹ hưu bổng của tiểu bang (chẳng hạn như những dự báo trên trời dưới đất về tiền lời do đầu tư quỹ hưu!), California nay đang đứng trước một khoản nợ hưu bổng là 550 tỉ!

Schwarzennegger kết luận: “Chúng ta có một ‘chính phủ là của dân, do dân, vì dân’, không phải một ‘chính phủ của công chức, do công chức và vì công chức’”. Và ông đã hành động hàng loạt như ta đã thấy nổi bật để làm giảm thiểu hụt ngân sách: tăng thuế, cắt ngân sách, giảm công chức, xem lại lương và bổng của họ.

Tờ Los Angeles Times cũng giống như tờ New York Times, có khuynh huớng thiên về đảng Dân Chủ, cho nên không ủng hộ lắm chuyện “thu hồi” (recall) ông thống đốc Dân Chủ Gray Davis vào năm 2003 để đưa ông Schwarzennegger của đảng Cộng Hòa lên. Tuy nhiên, họ cũng mong đợi ông mới này vì mấy chuyện: ông có tiền, như ông vẫn tự nhận, do đó ông không cần tiền, có thể thoát được sự chi phối của những nhóm có lợi ích riêng; ông có danh, là “terminator”, người sát thủ, cho nên không cần danh; ông sinh ra ở Áo, cho nên không có tham vọng tổng thống được, cho nên chẳng cần chiều ai; và vợ ông thuộc gia đình Kennedy, cho nên vì nể vợ ông sẽ không đi theo một hướng. Tuy nhiên, tờ này thất vọng khi ông cầm quyền, ông đã để lộ những xu hướng đơn giản của người Cộng Hòa, đó là cắt giảm thuế “một cách vô trách nhiệm”, trong đó nổi bật nhất là thuế xe 2% – đưa đến tình trạng ngân sách thâm thủng. Tờ LAT nói rằng ông vẫn muốn là một ngôi sao điện ảnh được người ta vỗ tay hơn là muốn làm một ông thống đốc có trách nhiệm điều hành một chính quyền cần sự lành mạnh ngân sách. Nhưng sau đó, bước vào nhiệm kỳ hai năm 2006, tờ Times đã đề cao những quyết định can đảm của ông, bất kể sự chống đối ngay từ đảng của ông, đó là tăng thuế hàng hóa (sales tax) và thuế lợi tức. Trong nhiệm kỳ hai, dĩ nhiên là nhiệm kỳ cuối của ông, Schwarzennegger muốn “kết thúc” nhiều việc hơn, một khi ông đã không bị tương lai làm vướng bận nữa. Nhiều đề nghị cải cách được đưa ra về cải tạo môi trường, cải tổ y tế… Ông cũng mạnh dạn hơn trong việc dung nạp những biện pháp được xem là cực đoan để làm giảm thiếu hụt ngân sách, như cắt chi phí dành cho một số công trình công cộng, phúc lợi xã hội, y tế, ngay cả cho các trường học…
Trong tuần lễ đưa tiễn ông, tờ Los Angeles Times nói những lời tạ từ đáng ghi nhận: “Trong suốt thời gian ông chấp chánh, Schwarzennegger đã kiên trì với những chính sách xã hội thông thường là cấp tiến trong khi giữ được ý thức về trách nhiệm ngân sách. Trong nghĩa đó, ông đã phản ảnh tâm não của California trong đầu thế kỷ thứ 21: không tin vào chính trị phân hóa giữa hai đảng, không sẵn sàng dứt bỏ quan hệ với những cam kết có tính lịch sử của chúng ta đối với tăng trưởng và trách nhiệm với xã hội và môi trường, và đôi khi lúng túng trước sự trầm trọng của những vấn đề ngân sách của chúng ta. Ông đã ra đi mà không “dẹp đi dược sự bộn bề của chính phủ” như ông đã quyết chí, và để lại một ngân sách tơi tả. Nhưng ông đã vạch ra một con đường chính trị mới cho California. Tiểu bang này, nếu chẳng tốt hơn bởi chuyện truất bãi ông cũ, cũng cho thấy chẳng tệ hơn vì chuyện đó – phần lớn là vì nhờ Schwarzennegger đã tỏ ra mình lớn hơn nhân vật anh hùng ra tranh cử như một diễn viên năm 2003”.

Chúng ta đã từng sống trong một xã hội “vô giai cấp” trong đó tầng lớp “cán bộ công nhân viên” được lựa chọn theo lý lịch chính trị là một giai cấp được “đặc quyền đặc lợi” về mặt “nhu yếu phẩm” nhưng những người này nếu không vì lý do chính trị có lẽ cũng gia nhập hàng ngũ chợ trời sướng hơn. Chúng ta cũng đã sống một thời trong xã hội người công chức có ít nhiều danh giá cho dù chật vật với đồng lương – đó là nhờ sự nghiêm chỉnh nơi mục tiêu và tổ chức điều hành định chế chính quyền của những người có ý thức “quốc gia hành chánh”. Cho nên, nói chung chúng ta hiểu những chuyện thay đổi đang xảy ra và sẽ xảy ra trong cuộc chiến đấu chống nạn “cướp ngày” hiện nay ở California mà người đang ra đi đã để lại.

Thời xưa, người ta ra đi là để “làm cách mạng”. Nay ông ra đi, là để vui thú điền viên và bỏ dở cuộc chơi. Cuộc cách mạng của ông có thể không bỏ dở mà giao cho người thừa kế, là ông Jerry Brown của đảng Dân Chủ, với quyết tâm vừa cao của người tân nhiệm và sự hỗ trợ của cả một Quốc Hội tiểu bang của những người Dân Chủ. Với người ra đi, chúng ta có một lời chúc chân thành, tử tế: Bon voyage![HNN]
.
.
.

No comments:

Post a Comment