Sunday, June 20, 2010

CÔNG ĐOÀN RA TRẬN

Công Đoàn Ra Trận

NGUYỄN XUÂN NGHĨA

Việt Báo Thứ Bảy, 6/19/2010, 12:00:00 AM

http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=114&nid=160638

Công Đoàn Vào Sân Đá Rách Gôn Nhà...
Khi phong trào đình công tự phát tại Trung Quốc lan rộng, và từ hãng Honda đã bén lửa vào hãng Toyota hôm 15 vừa qua, người ta mới để ý tới vai trò của Tổng công đoàn quốc doanh (Trung Hoa Toàn Quốc Tổng Công Hội - ACFTU), dưới sự lãnh đạo của một Ủy viên Bộ Chính trị, hiện nay là Hoàng Triệu Quốc. Tổng công đoàn vừa có lệnh nhập trận để giải quyết mâu thuẫn về lao động - mà có khi sẽ càng gây thêm mâu thuẫn.
Hãy nhắc lại vài hàng về tổ chức này trước khi nhìn vào kết quả vận dụng của đảng.
***
Trung Hoa Cộng Sản đảng thành lập một nghiệp đoàn từ năm 1925, để gọi là bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân. Thời chiến tranh quốc cộng, nghiệp đoàn giữ trận tuyến kiều vận chống lại chính quyền của Tưởng Giới Thạch. Sau khi Cộng sản chiến thắng tại Hoa lục năm 1949, nghiệp đoàn quốc doanh trở thành vô ích vì đảng và nhà nước nay là "chủ đầu tư" của giai cấp công nhân. Vì vậy Tổng công hội được giải tán năm 1966.
Khi Đặng Tiểu Bình tiến hành cải cách, vai trò của công đoàn được hâm nóng, nhưng chỉ âm ỉ cho tới khi Giang Trạch Dân quyết định sử dụng lại làm công cụ giải quyết các mâu thuẫn lao động... Lần thứ ba mà Tổng công hội thoát xác là sau khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và phải cải tổ cơ chế kinh tế.
Thoát xác với hai nhiệm vụ mới, đề ra từ năm 2002.
Thứ nhất là kế hoạch "cổ phần hóa" các doanh nghiệp nhà nước bị lỗ lã và phá sản dẫn tới việc sa thải công nhân viên dư dôi. Tổng công đoàn quốc doanh được trao nhiệm vụ cắt giảm cấp số thợ thuyền và tìm việc cho họ. Và báo cáo là đã tìm việc cho hơn ba triệu công nhân trong năm năm liền, một con số thật ra rất nhỏ. Đó là về phần "đối nội".
Về đối ngoại, Tổng công đoàn quốc doanh được chỉ thị phải chú ý tới công nhân viên làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư của nước ngoài. Cụ thể là đoàn ngũ hoá công nhân trong các hãng ngoại quốc. Trên lý thuyết là để bảo vệ quyền lợi công nhân trước các chủ đầu tư ngoại quốc. Trong thực tế là để ổn định và hòa giải mọi mâu thuẫn lao động hầu chiêu dụ đầu tư nước ngoài.
Chìm bên dưới là một nhiệm vụ rất cộng sản: Tổng công hội là tai mắt của đảng để thu thập thông tin trong doanh nghiệp ngoại quốc, kể cả thông tin về tình báo kỹ nghệ. Và khi hữu sự thì gây sức ép với các cơ sở kinh doanh này. Chúng ta không nên quên nhiệm vụ này.
***
Nhưng, kinh tế lại có sự vận hành khách quan của nó:
Trung Quốc thiếu nhân công có tay nghề và quá thừa nhân lực trên một thị trường lao động đang có nhiều chuyển động. Quy luật khách quan ấy dẫn tới hiện tượng "dân công" - chữ chính thức của Trung Quốc để nói về làn sóng lao động từ các tỉnh lạc hậu hay thôn quê nghèo túng tiến vào thành thị kiếm sống. Mấy trăm triệu dân đã xiêu dạt từ nơi này qua nơi khác để tìm việc như vậy. Và họ cũng cần được đảng đoàn ngũ hóa, được kiểm soát. Đấy là một nhiệm vụ mới của Tổng công đoàn quốc doanh, được ban bố vào tháng Chín năm 2003.
Nhiệm vụ tế nhị vì đoàn dân công ấy bị bóc lột không phải bởi bọn tư bản xấu xa của quốc tế - họ chưa đủ tiêu chuẩn về tay nghề - mà bởi các cơ sở và doanh gia Trung Quốc làm gia công cho doanh nghiệp ngoại quốc. Họ không có hộ khẩu, gia đình không có quy chế an sinh xã hội hay trợ cấp về gia cư, y tế và giáo dục. Họ nằm dưới quyền sinh sát của đảng viên cán bộ, các chủ hãng xưởng người Hoa co quan hệ với đảng bộ địa phương. Vì vậy, Tổng công hội được thả vào đó để làm áp lực với các đảng bộ và doanh nghiệp hầu phần nào điều tiết được lưu lượng của làn sóng dân công và ngăn ngừa động loạn nếu thành phần này bị bóc lột quá đáng.
Sau khi lên lãnh đạo từ năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư - Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo hay Uý Kiện Hành - có thấy ra nhiều bất toàn của chiến lược phát triển được thi hành thời Đặng Tiểu Bình rồi Giang Trạch Dân nên muốn tập trung quyết định kinh tế về trung ương, thay vì để các tỉnh tự động phát triển theo động lực riêng của quyền lợi.
Hiện tượng phát triển trong hỗn loạn và hoang phí như vậy đào sâu dị biệt về lợi tức và nhận thức giữa các địa phương và thành phần giàu nghèo, và gây ra nhiều biến động xã hội có thể dẫn tới động loạn. Bài toán của Bắc Kinh là nếu không điều chỉnh và sửa sai thì xã hội sẽ vỡ đôi vỡ ba. Nhưng nếu không khéo thì đảng lại vỡ đôi, hay vỡ ba, với quyền lực quá lớn của các tỉnh duyên hải miền Đông và miền Nam đang cấu kết với tư bản ngoại quốc làm lệch lạc quốc sách của trung ương.
Lãnh đạo tại trung ương vì vậy chật vật xoay trở với các đảng bộ địa phương, và các đại gia có nhiều thế lực lẫn tiền tài, để hợp lý hóa việc tăng trưởng sao cho công bằng hơn.
Trong cuộc vận động ấy, Tổng công đoàn có nhiệm vụ lập ra một khuôn khổ hợp tác - nền tảng luật lệ về các thỏa ước lao động áp dụng tập thể - cho công nhân và chủ đầu tư. Tổng công đoàn cũng được chỉ thị đẩy mạnh nhiệm vụ "đối tác" với các doanh nghiệp ngoại quốc. Đó là tình hình của các năm 2005-2006, và bối cảnh của các hiệp ước lao động ký kết với các chủ đầu tư Đông Á, như Nam Hàn hay Đài Loan, hoặc... Hoa Kỳ, như hãng Wal-Mart.
Khi chuyện ấy xảy ra, đa số dư luận không để ý tới điều khoản là công nhân trong các hãng xưởng ngoại quốc phải có quyền lập nghiệp đoàn, thực tế là các công đoàn chi nhánh của Tổng công hội. Quyền tự do nghiệp đoàn - lập ra nghiệp đoàn độc lập của thợ thuyền - vẫn chưa có. Trong nỗ lực đoàn ngũ hóa công nhân dưới sự lãnh đạo của đảng, Bắc Kinh tận dụng truyền thông và báo chí quốc doanh: mở chiến dịch công kích chủ đầu tư nước ngoài về điều kiện lao động khắc nghiệt. Nhờ vậy mà đạt kết quả là Tổng công hội có cơ sở trong 30% các doanh nghiệp nước ngoài. Chỉ tiêu là phải đạt 60% vào cuối năm 2006.
Thực tế thì sinh hoạt công khai của các chi bộ công đoàn chỉ là liên hoan vui vẻ vì công nhân không được phép đình công và mọi thỏa thuận với chủ đầu tư nước ngoài đều do "tập thể" ở trên quyết định. Doanh nghiệp ngoại quốc chưa thấy phiền hà gì lắm về bài toán công đoàn này. Nhưng chìm sâu ở dưới là khả năng xâm nhập, nghe ngóng, vận động và khuynh đảo của mạng lưới Tổng công hội. Và của lãnh đạo Bắc Kinh.
Kể thì cũng tinh!
***
Nhưng, một lần nữa, kinh tế lại có sự vận hành khách quan của nó:
Toàn cầu bị nạn suy trầm vào các năm 2008-2009 nên Tổng công đoàn phải nhắm vào ưu tiên khác. Đồng ý với quyết định ngừng tăng lương và sa thải thợ thuyền, công đoàn quốc doanh trở về nhiệm vụ đối phó với nạn thất nghiệp. Khi nạn suy trầm chấm dứt tại Trung Quốc và kinh tế tăng trưởng mạnh cùng với vật giá, công nhân thợ thuyền bắt đầu ý thức được sự thiệt thòi của mình dưới sự toa rập của chủ đầu tư với tổng công đoàn quốc doanh.
Họ bất chấp sự cấm đoán mà đình công, lãn công, bỏ sở và tranh đấu để được đòi tăng lương. Vì Trung Quốc thừa người mà lại thiếu nhân lực có tay nghề chuyên môn, thành phần hiếm hoi này ở trên thế mạnh để đòi mức lương cao hơn, nếu không, họ nhảy việc và đi tìm hãng khác. Trong khi ấy, thành phần công nhân cùng khốn, dân công thiếu tay nghề, thì cũng bất mãn về điều kiện sinh hoạt và lao động của mình. Thấy công nhân trong các hãng xưởng Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản và cả Hoa Kỳ (thí dụ là sau Wal-Mart tới mạng lưới phân phối của hãng KFC bán gà chiên với thoả thuận tăng lương tại Liêu Ninh, ký kết hôm 17 vừa qua) đều có thoả ước tập thể cho phép tăng lương, họ lăm le nhảy vào cuộc. Phong trào đình công tự phát lan rộng, với sự hưởng ứng của giới trẻ, và có nguy cơ trở thành toàn quốc.
Nên gây vấn đề cho Tổng công đoàn toàn quốc!
***
Trong làn sóng đình công vừa qua, người ta thấy Tổng công hội toàn quốc không đứng cùng thợ thuyền, còn thực tế cản trở công nhân, có khi gây xung đột hoặc làm điềm chỉ cho công an vào dẹp biểu tình. Họ không tin vào lời khuyên giải cí gian ý của tổng công đoàn và tự động đình công.
Phản ứng tự phát này của thợ thuyền nằm ngoài dự liệu của lãnh đạo.
Thật ra nếu các doanh nghiệp ngoại quốc chấp nhận tăng lương thì... cũng tốt thôi vì từ đầu năm Bắc Kinh đã chỉ thị cho các tỉnh phải nâng mức lương tối thiểu bị đông lạnh từ cuối năm 2008 - do nguy cơ tổng suy trầm. Vả lại, việc tăng lương sẽ nâng lợi tức và khả năng chi tiêu của dân chúng, nghĩa là mở rộng thị trường nội địa khi thị trường xuất cảng đang bị thu hẹp và cón có thể suy sụp vì vụ khủng hoảng Âu châu. Nó nằm trong dự tính "tái phân lợi tức" của lãnh đạo.
Tuy nhiên, Bắc Kinh không chấp nhận được loại phản ứng tự phát như vậy!
Đêm mùng bốn Tháng Sáu vừa qua, Tổng công đoàn quốc doanh cấp tốc có chỉ thị mới: mở rộng mạng lưới công đoàn trong các doanh nghiệp cả ngoại quốc và nội địa, lẫn doanh nghiệp có vốn nước ngoài đang hoạt động tại Hong Kong và Ma Cao. Song song, phải đẩy mạnh vai trò đại biểu của tổng công đoàn trong thành phần "dân công".
Kết quả sẽ ra sao? Dễ nói mà khó xử!
***
Thứ nhất, doanh nghiệp ngoại quốc bắt đầu nhìn ra vai trò của công đoàn quốc doanh khi đảng viên cán bộ đòi làm đại diện công nhân để cùng quyết định về chánh sách quản lý lẫn chiến lược phát triển kinh doanh của họ. Phản đòn của họ là dùng lợi ích thuế khóa ở từng địa phương để khai thác mối quan hệ với các đảng bộ địa phương. Nhờ vậy, nhiều địa phương không mấy sốt sắng thúc đẩy việc công đoàn hoá lực lượng thợ thuyền theo chỉ thị của trung ương và Tổng công đoàn. Bây giờ, sau khi phải tăng lương vì áp lực của phong trào đình công tự phát, doanh nghiệp ngoại quốc còn phải mở cửa đón nhận thêm công đoàn quốc doanh thì làm sao làm ăn?
Việc ấy sẽ dẫn tới nhiều tính toán khác về mối lợi đầu tư vào Hoa lục.
Thứ hai, ở cấp khác, các đảng viên cán bộ và doanh nghiệp địa phương cũng không mấy vui vì vai trò xoi mói và khả năng xen lấn của tổng công đoàn quốc doanh vào chuyện làm ăn của họ! Quyết định tăng lương tối thiểu vốn dĩ đã gây sức ép vì bảo mỏng mức lời của các doanh nghiệp địa phương làm gia công cho các đại gia ngoại quốc. Nay tổng công đoàn còn có quyền nhảy vào lãnh đạo lực lượng "dân công" và đòi thêm quyền lợi cho thành phần này thì ngân sách của địa phương và doanh nghiệp sẽ càng hao hụt.
Nghĩa là trận đánh âm thầm giữa trung ương và địa phương sẽ còn tiếp tục, trên một lãnh vực nhạy cảm là thành phần dân công, trên thị trường lao động.
Thứ ba, chỉ thị mới của Tổng công đoàn không có nghĩa là quyền lợi công nhân sẽ được bảo vệ chặt chẽ hơn - thợ thuyền Trung Quốc biết rõ điều ấy. Nhưng nó hàm ý tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng trong các công đoàn. Một ách chuyên chính khác trên đầu công nhân. Sở dĩ như vậy vì đại biểu của cho bộ công đoàn không do công nhân bầu ra mà do quyết định của doanh nghiệp sau khi thỏa thuận với lãnh đạo của công đoàn ở trên. Công nhân Trung Quốc bén nhạy nhìn ra sự toa rập giữa đảng và chủ đầu tư - ở trên lưng của họ.
Cho nên họ sẽ không vì vậy mà chấm dứt đình công hay lãn công. Ngược lại, họ càng tranh đấu mạnh hơn.
Chúng ta rất nên theo dõi chuyện này. Nói theo ngôn ngữ túc cầu, trọng tài ngoài biên phải nhảy vào sân đốn giò đội banh của công nhân. Và có khi... đá rách gôn nhà.

.

.

.

No comments:

Post a Comment