Sunday, June 20, 2010

CHO THUÊ ĐẤT TRỒNG RỪNG - VÒNG VÈO CHỐI TỘI BÁN NƯỚC

Cho “thuê đất trồng rừng?” – Vòng vèo chối tội bán Nước!

Tháng Sáu 20, 2010

http://freelecongdinh.wordpress.com/2010/06/20/cho-thue-d%e1%ba%a5t-tr%e1%bb%93ng-r%e1%bb%abng-vong-veo-ch%e1%bb%91i-t%e1%bb%99i-ban-n%c6%b0%e1%bb%9bc/

Một trong những vấn đề “nóng” được các đại biểu Quốc hội chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này, đó là việc cho nước ngoài thuê đất rừng tràn lan. Hàng trăm ngàn héc ta đất rừng đã được các địa phương cho nhà đầu tư nước ngoài thuê trồng rừng mà nhiều đại biểu Quốc hội cho biết là cho thuê cả những vị trí xung yếu về quốc phòng, rừng phòng hộ.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nói rằng việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng là trách nhiệm các địa phương và những nơi này khi cho thuê đã cân nhắc, tính toán đến các yếu tố kinh tế, an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban An ninh- quốc phòng Quốc hội Lê Quang Bình không đồng tình với nhận định này, thậm chí Bộ trưởng Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc nói thẳng là cần phải rút giấy phép các dự án và việc này không gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Vấn đề các địa phương cho người nước ngoài thuê đất rừng với diện tích lớn, gây ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và mất đất sản xuất của người dân được đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) nêu ra chất vấn. Bộ trưởng Phát cho rằng ở 10 địa phương hiện có 15.664 héc ta đất rừng được người nước ngoài với thời hạn 50 năm, 15.800 héc ta đất rừng đã được các doanh nghiệp nước ngoài trồng mới. Phần đất rừng người nước ngoài liên doanh với trong nước đầu tư trồng là 18.600 héc ta.

“Do vậy, con số 305.353 héc ta đất rừng đã được người nước ngoài thuê như những thông tin trước đó là không chính xác”, ông Phát giải thích.

Ông còn viện dẫn là đã đi kiểm tra ở 2/10 địa phương có cho thuê đất rừng và do phân cấp đầu tư, trách nhiệm cho thuê rừng thuộc về UBND các tỉnh. “Họ (ý nói UBND các tỉnh) đã cân nhắc kỹ các yếu tố kinh tế, an ninh và quốc phòng”, ông Phát nói.

Không đồng tình với những con số mà ông Phát nêu ra, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) trưng báo cáo của Chính phủ ra dẫn chứng: “Báo cáo nêu rõ là 305.353 héc ta đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, trong đó nhà đầu tư đến từ lãnh thổ Đài Loan được thuê hơn 260.000 héc ta thì không thể nói là chưa giao đất cho họ được”. Con số này cho thấy nhiều tỉnh đã cấp phép đầu tư quy mô quá lớn, lấn cả vào diện tích đất rừng đã có chủ, đất rừng tự nhiên và việc xử lý 10 tỉnh đã cấp phép trồng rừng như thế nào là vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Ông Phát lý giải các tỉnh đã cấp hơn 300 ngàn héc ta rừng nhưng chưa thể gọi là giao đất cho người nước ngoài mà sau khi cấp phép, chính quyền cấp huyện, xã còn phải khảo sát các điều kiện và không giao vào đất rừng có chủ. Tuy nhiên, ngay sau đó chính ông lại thừa nhận: “Địa phương đúng là có thiếu sót khi cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ dựa vào các thông tin sơ bộ, do đó có cấp giấy phép cho cả diện tích đất đã giao cho bà con, đất giao cho dự án khác. Trong quá trình rà soát lại sẽ loại ra những phần này”.

Chủ nhiệm Ủy ban An ninh và quốc phòng của Quốc hội Lê Quang Bình đưa ra kết quả kiểm tra, giám sát của ủy ban này: “Bộ nói 10 tỉnh cho thuê đất trồng rừng nhưng chúng tôi kiểm tra có tới 19 dự án/18 tỉnh và diện tích thực tế đã cấp giấy chứng nhận đầu tư gần 400 ngàn héc ta, chứ không phải 305 ngàn héc ta như báo cáo”. Ông cũng khẳng định đặc điểm đất giao cho doanh nghiệp thuê là đất “nằm ở vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, có khu vực là rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn chứ không phải đất rừng tự nhiên” như ông Phát nói.

Ông Bình đề nghị Chính phủ phải xử lý các khu đất rừng được địa phương cấp phép khai thác sau khi có giấy chứng nhận đầu tư (33.800 héc ta). Đặc biệt, ông đề nghị Chính phủ không cho phép địa phương cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và không cấp cho các doanh nghiệp nước ngoài ngoài diện tích đất đã giao nói trên.

“Nếu đã giao đất rừng thì phải giao cho doanh nghiệp và người dân trong nước”, ông đề nghị và yêu cầu Chính phủ phải xem lại việc phân cấp. Nếu phân cấp cho địa phương thì Chính phủ phải kiểm tra, giám sát, địa phương phải báo cáo trình Chính phủ rồi mới được giao cho nhà đầu tư”, ông Bình nói.

Ông Phát nói sẽ xem lại việc phân công, phân cấp. “Các địa phương trong thời gian này ngừng cấp phép để chờ đợi chỉ đạo của Thủ tướng ”, ông Phát cho hay.

Bộ trưởng Kế hoạch-đầu tư Võ Hồng Phúc đã đi thẳng vào vấn đề chính là phải rút giấy phép các dự án. Ông còn so sánh tình trạng cấp giấy phép cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng không khác gì việc địa phương cấp tràn lan giấy phép khai thác sân gôn, khai khoáng trước đây.

Thực tế Bộ Kế hoạch-đầu tư kiểm tra cho thấy có đến gần 400 ngàn héc ta đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. “Một con số rất lớn”, ông Phúc thốt lên. Trong đó riêng công ty của Đài Loan (Innova Green) thuê hơn 260 ngàn héc ta là quá lớn như lời ông nói.

Tuy nhiên, ông khẳng định việc xử lý các dự án này không khó vì các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngoài việc tôn trọng luật đầu tư phải tôn trọng các luật khác có liên quan, trong đó có Nghị quyết 66 của Quốc hội, quy định việc sử dụng, cho thuê diện tích đất rừng trồng tự nhiên từ 500 héc ta trở lên phải trình ra Quốc hội. Như vây chỉ các dự án quy mô vừa phải, chứng minh được năng lực triển khai mới cho thực hiện. Nếu vi phạm vào diện tích đã giao cho dân, cho doanh nghiệp trong nước hay diện tích quá lớn thì phải rút giấy phép.

“Tương tự như việc rút phép khai khoáng, rút giấy phép sân gôn, rút giấy phép cho thuê rừng không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư vì ta chứng minh được họ chỉ xin dự án để giữ đất lâu dài mà không triển khai gì”, ông Phúc chứng minh.

PV

Nguồn : VitInfo

.

.

.

No comments:

Post a Comment