Thursday, February 18, 2010

VĂN HỌC MIỀN NAM : TÌM Ở ĐÂU ?

Câu chuyện văn học Miền Nam: tìm ở đâu?
Trùng Dương
8 bình luận
16.02.2010
http://damau.org/archives/10892
LTS: Bài viết dưới đây, “Câu chuyện văn học Miền Nam: Tìm ở đâu?” của nhà văn Trùng Dương, đã được đăng tải trên trang Blog Nguyễn Xuân Hoàng và Thân hữu trên website của đài Voice of America (VOA), ngày 17 tháng 9, 2009. Bài viết đã nhận được những ý kiến của một số độc giả phản hồi sau khi đọc bài này, mà tác giả đã lưu trữ dưới dạng PDF. Khi tác giả đề nghị thay đổi một chi tiết trong bài, người phụ trách kỹ thuật của trang Web này đã đăng lại bài trên với chi tiết mới đó song không có các ý kiến kèm theo của độc giả, mặc yêu cầu của tác giả. Vì nhận thấy tính cách tài liệu của bài “Câu chuyện văn học Miền Nam” và giá trị của những ý kiến này, đặc biệt của vài độc giả từ trong nước, Tạp chí Da Mầu đã xin phép tác giả Trùng Dương cho đăng tải lại bài viết trên nguyên vẹn cùng với các ý kiến của độc giả.
----------------------------------------------------

Gần đây tôi có dịp đọc một số tài liệu của người trong nước viết về văn học miền Nam 1954-1975. Rải rác đó đây không ít, nhưng gom vào một mối thì có thể kể ra hai nguồn. Thứ nhất là bài phỏng vấn khá thú vị của chị Thụy Khuê, đài RFI bên Pháp, với nhà phê bình Vương Trí Nhàn, hiện sống tại Hànội, xung quanh đề tài văn học miền Nam từ 1954-1975 (*). Thứ hai là cuốn số 4 của bộ sách 4-tập khá đồ sộ tựa là Văn Học Miền Nam Nơi Miền Đất Mới (”đất mới” đây có nghĩa là miền nam Việt Nam, xưa quen gọi là “xứ đàng trong”, chứ không phải “đất mới” của người Việt tị nạn, đặc biệt người tị nạn tại Mỹ) của Nguyễn Q. Thắng, riêng bàn về văn học miền Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hoà, do nhà Văn Học xuất bản ở Hànội năm 2008.
Thẳng thắn mà nhận xét thì phải nói đây là những nỗ lực đáng khích lệ. Nói về văn học Việt Nam thời cận đại mà chỉ được bàn về sách báo được sản xuất dưới chế độ Cộng sản toàn một loại “cúc vạn thọ”, trừ loại văn chương gọi là phản kháng đã hẳn, là một thiếu sót lớn. Trong khi một điều không ai từ miền Bắc đặt chân vào miền Nam lần đầu sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 bây giờ còn có thể phủ nhận: đó là cả rừng sách báo, từ sáng tác tới dịch thuật, muôn hồng nghìn tía phơi bầy ra trước mắt họ trước khi có cái chiến dịch man ri mọi rợ “đốt sách” của nhà nước Cộng sản vào cuối năm 1975. Đã hẳn là có vàng có thau, nhưng giới thưởng ngoạn đủ thông minh để lọc ra những gì với họ là vàng để giữ lại, hoặc dấu nếu cần, không cần chính quyền làm hộ cái việc tuyển lựa.
Không rõ vì thiếu tài liệu hay vì một lý do nào khác, Tập 4 của bộ sách Văn Học Việt Nam Nơi Miền Đất Mới của Nguyễn Q. Thắng chỉ đề cập tới, một cách hời hợt và nông cạn, 53 “văn gia” của Việt Nam Cộng Hòa, với mỗi người được tác giả gắn cho một nhãn hiệu. Chẳng hạn Nguyễn Văn Trung có nhãn “nhà văn nhập cuộc”, Cao Xuân Hạo “nhà lập thuyết ngữ học”, Nguyễn Ngọc Lan “nhà văn Công giáo, nhà báo dấn thân”, Thanh Việt Thanh (?) “nhà văn cần cù”, Thế Uyên “nhà văn nhập cuộc”, Viên Linh “‘hoàng đế’, ‘nhà độc tài’ văn học” (!?), Hồ Trường An “dược sĩ (?), nhà văn”, vv. Lại thấy cả thi sĩ Phùng Quán, người với tôi muôn đời là của thời Nhân Văn Giai Phẩm (Hànội, 1955-58), trong đám này nữa, với nhãn “nhà văn, thi sĩ hiện thực”. Tôi tò mò tìm tên các bạn gái viết văn của mình hồi ấy thì thấy Nguyễn thị Thụy Vũ được khoác cho cái nhãn “nhà văn nữ giầu tình dục”, Túy Hồng “nữ văn sĩ giầu tính nhục cảm”, Nguyễn thị Hoàng “nhà văn trẻ của tình lụy”, Thu Vân (?) “nhà văn dùng tính dục để giải quyết vần đề”, và cá nhân tôi, Trùng Dương, “nhà văn hiện thực buông xả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi không hiểu chữ “xả” đi với “buông” có nghĩa gì).
Tôi tình cờ thấy cuốn sách này của Nguyễn Q. Thắng hôm ghé thăm chị Thụy Khuê ở Paris hồi mùa hè vừa qua. Chỉ kịp chụp vài trang nghĩ mình có thể cần cho một bài viết ngắn, trong đó đã hẳn là có chụp riêng phần ông Thắng viết về tôi, vì tò mò. Mỗi tác giả được ông Thắng chi cho độ hai trang, với phần lớn là tóm tắt những tác phẩm tiêu biểu, rồi sau đó là phần in lại một bài hoặc truyện của tác giả đó. Tôi đọc phần ông Thắng viết về tôi mà thương cho người cầm bút ở nhà. Đại khái ông vừa khen tôi là viết “thẳng thắn, hồn nhiên, tự do” rồi lập tức, liền đó, ông đá giò lái một cái cho đúng đường lối, bảo tôi “buông xã (ở đây thì là “xã”, chứ không phải “xả” như cái nhãn ông cho tôi ở phần mục lục), đam mê đến độ sống sượng, khó dừng”. Cuối cùng ông in lại nguyên truyện ngắn “Mưa Không Ướt Đất” của tôi, với lời giới thiệu: “Sau đây là truyện ngắn mang hơi hám tác giả” (chữ nghiêng là của tôi, vì tôi vẫn nghĩ là phải là “hơi hướm” hay “hơi hướng” mới đúng, chứ chữ “hơi hám” làm tôi có cảm tưởng mình … lâu ngày không tắm!) Dầu sao, tôi chỉ bàn… loạn cho vui, đấy thực ra không phải là chủ đề của bài viết này.
Điều tôi muốn nói là, ngoài những gò bó của của chế độ đối với người cầm bút, nhất là những người viết biên khảo và phê bình vốn (khác với người sáng tác có toàn quyền chủ quan miễn làm sao rung động được người đọc — việc khó nhất trong sáng tác–) cần một môi trường trong đó họ có thể hành xử một cách khách quan, người viết ở nhà còn vô cùng thiếu tài liệu. Đấy cũng là nhờ công lao thanh tẩy để làm sạch xã hội của chế độ đã, ngay từ khi vừa chiếm xong miền Nam, ra tay hủy hoại sách vở và các văn hoá phẩm “Mỹ Ngụy” một cách tận tình. Tôi còn nhớ sau khi tôi đi rồi, cha mẹ tôi dọn đến ở căn nhà đầy nhóc sách báo của tôi bỏ lại ở Sàigòn, đã phải vất vả để thanh toán chúng như thế nào. Thoạt đầu khi còn bán được, nhiều sách trong thư viện tư của tôi, cuốn nào cũng có chữ đề tặng tôi của văn hữu hoặc nhà xuất bản, ra nằm lề đường để được bán tống bán tháo cho nhà kiếm tí tiền đong gạo, theo thư của người thân hồi ấy gửi ra cho tôi. Bộ hình ảnh của tôi, đặc biệt là bộ hình Ngy Thanh chụp tôi hồi đi hốt xác đồng bảo tử nạn trên Đại Lộ Kinh Hoàng trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, cả bộ hình hôm đám tang người chồng tử sĩ của tôi vào cuối 1972, thì được ông anh rể xin đem về Long Khánh cất. Khi ông này sắp đi đoàn tụ với con vào năm 1992, sợ bị liên lụy, nên ông mang đốt hết.
Vì thiếu tài liệu nên đã bắt đầu thấy nhiều sai sót trong việc trích dẫn, ít ra là ở các trường hợp có liên can tới tôi. Điển hình là tôi thấy người ta trích dẫn tôi, rải rác đó đây, theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Hoặc như năm ngoái, tôi được vài thân hữu cho biết Talawas có chuyển nguyên một tập truyện của tôi, Lập Đông (Văn, Saigon, 1972), sang dạng digital và đưa lên Web. Tôi nghe, cảm động, vào xem, nhận thấy có vài chi tiết người đánh máy tự ý thêm vào, có viết thư cho người chủ trương, sau khi cám ơn (mặc dù chẳng ai hỏi xin phép mình để sử dụng tác phẩm của mình), có đề nghị xin sửa lại cho đúng với bản đã in. Thư đi, đã lâu rồi, không nghe hồi âm (**).
Cũng xung quanh vấn đề thiếu tài liệu, trong bài phỏng vấn của chị Thụy Khuê về văn học miền Nam, ông Vương Trí Nhàn, khi được hỏi “có thấy có những điều gì nói thêm về việc đưa Văn học miền Nam trở lại văn đàn, điều mà anh thật sự hết lòng mong muốn thúc đẩy”, đã trả lời như sau, xin trích lại nguyên văn:
“Tôi bị ám ảnh bởi một điểm là chúng ta đến chậm quá, làm muộn quá,” ông Nhàn nói. “Hiện nay nếu muốn quay trở lại Văn học miền Nam, ngoài khó khăn tôi nói trên về tư tưởng, các quan niệm, thì khó khăn vật chất cũng rất cụ thể. Như không khí chểnh mảng không ai chuyên tâm. Lòng người thì vẫn tâm lý hậu chiến, tức là vẫn bị ảnh hưởng ngày hôm qua, không tách ra được để nhìn đối tượng văn hóa, bình tĩnh làm công việc một cách tốt hơn. Thứ nữa, tư liệu thì mất rất nhiều. Gần đây trên mạng Talawas cũng đã trích đăng lại một số tác phẩm cũ của Văn học miền Nam, ở bên Mỹ, nhiều tác phẩm cũ được in lại, nhưng tôi vẫn cảm thấy chưa đủ. Thỉnh thoảng trao đổi với một vài nhà nghiên cứu khác cũng thấy thế. Chúng tôi có cảm tưởng mỗi người nắm một tí, tức là mỗi người chỉ nắm được phần của mình thôi, còn sự thực người có khả năng bao quát chung thì không có.
“Câu chuyên về tài liệu đang là chuyện cấp thiết lắm,” ông Nhàn tiếp. “Có những tờ báo, tạp chí quan trọng mà thiếu nó không thể hình dung đời sống văn học một thời. Ở miền Nam, đó là Bách Khoa, Văn rồi là Trình bày, Khởi hành, Vấn đề, Thời tập… Nhưng những bộ sưu tập báo và tạp chí đó không biết ở trong và ngoài nước còn giữ được bao nhiêu, và làm thế nào đưa nó lên thành tài liệu tiện dụng cho tất cả mọi người. Việc này cần không chỉ cho các chuyên gia Văn học miền Nam mà cho mọi người nghiên cứu nói chung. Bản thân tôi, khi giải quyết vấn đề gì, tôi đều rất muốn có dịp trở lại Văn học miền Nam, đọc lại nó để đối chiếu và tham khảo.”
Vốn vẫn bị “méo mó nghề nghiệp” (tôi làm thư viện tin tức — news library — trên cả chục năm trước khi về hưu ba năm về trước), nên tôi thích chia sẻ những gì mình biết. Và điều tôi muốn chia sẻ là làm cách nào để tới được (access) những tài liệu này của văn học miền Nam.
Mặc dù cộng sản Việt Nam hô hào đốt sách để thanh tẩy “tàn dư Mỹ Nguỵ” từ ngay sau khi chiếm miền Nam, kho tàng văn hóa phẩm của miền Nam thực ra đã được “tẩu tán” ra nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, từ lâu rồi. Trước thời Internet, những văn hoá phẩm này nằm trong hai thư viện lớn bên Mỹ, đó là Thư Viện Quốc Hội ở Washington, D.C. và thư viện Kroch Asia thuộc hệ thống thư viện của Đại học Cornell ở Ithaca, New York. Muốn tham khảo những tài liệu này, ta phải tới tận nơi lưu giữ chúng.
Ngày nay, với sự phát triển và thịnh hành của kỹ thuật Internet, ta chỉ cần ngồi trước máy vi tính, ít ra cũng lấy được chi tiết (citations) của một tài liệu nào đó, rồi nhờ thư viện địa phương, nếu bạn ở Hoa Kỳ hay Canada, mượn hộ qua hệ thống InterLibrary Loan. Gần đây, khi một nhóm làm phim tài liệu về trận Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 cần một số trang nhất của những tờ báo ở miền Nam dạo ấy có tường thuật chiến trận này, tôi đã giúp họ lấy được một số “citations” của các báo Chính Luận, Đại Dân Tộc, Điện Tín, Sóng Thần, Trắng Đen, vv. hiện được lưu giữ dưới dạng microfilm tại Đại học Cornell, để họ mượn về in và chụp lại. Tôi cũng được biết là Cornell có toàn bộ microfilm tạp chí Sáng Tạo do Mai Thảo chủ trương từ năm 1956 tới 1961, cùng tạp chí kỳ cựu và thọ nhất của miền Nam, tờ Bách Khoa, đã được ông Vương Trí Nhàn đề cập tới và là cái lò sản xuất ra nhiều cây bút của miền Nam, trong đó có Lê Tất Điều, Túy Hồng, Nguyễn thị Hoàng, Nguyễn thị Thụy Vũ, và tôi.
Tuy nhiên, nếu ở ngoài Hoa Kỳ hay Canada, như trường hợp ông Vương Trí Nhàn ở Việt Nam, thiết tưởng việc tham khảo những tài liệu của Cornell cũng không khó. Ông có thể vẫn lên Web kiếm, rồi 1) hoặc nhờ ai quen, rảnh rang ở Mỹ mượn về rồi sao hộ ông, hoặc tốt nhất, 2) ông làm một cái dự án nghiên cứu (research proposal) và xin một cái học bổng (fellowship) của một trong những cơ quan tại Mỹ để đích thân mình đi làm nghiên cứu. Một trong những cơ quan cấp học bổng đi nghiên cứu này là chương trình Fulbright tại Việt Nam của Hoa Kỳ, chi tiết có tại Web site
http://vietnam.usembassy.gov/fulbright.html.

Đây là hai cái Web links mỗi người muốn nghiên cứu sách báo của Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 nên lưu giữ trong máy computer của mình:
Library of Congress Online Catalog:
http://catalog.loc.gov/
Cornell University Catalog:
https://catalog.library.cornell.edu/cgi-bin/Pwebrecon.cgi?DB=local&PAGE=First
Happy searching!
(09/2009)

Ghi chú:
(*) Bài Thụy Khuê phỏng vấn Vương Trí Nhàn hiện có tại
http://www.hopluu.net/default.aspx?LangID=38&tabId=510&ArticleID=734
(**) Sau khi bài viết trên được phổ biến, tôi có nhận được điện thư của một người trẻ trong nhóm Talawas, xin lỗi về sự sơ sót, và hai bản điện tử truyện ngắn nhờ tôi xem lại. Tôi xin ghi nhận thiện chí của người bạn trẻ đó.

----------------------------------------

bài đã đăng của Trùng Dương
câu chuyện văn học miền Nam: tìm ở đâu? - 16.02.2010
Trông vời quê mẹ... - 01.02.2010
Đi thăm ngôi nhà của Hemingway ở Key West, Florida - 04.01.2010
Newseum: Triển lãm một mảnh tường Bá Linh, vọng gác ‘Tử thần’; Vai trò của báo chí và truyền thông dẫn tới biến cố ‘địa chấn’ này - 16.11.2009
Kiểm kê di sản văn hoá nghệ phẩm của các nhà thờ - 16.10.2009
Đọc ‘Audition,’ hồi ký của Barbara Walters - 15.04.2009
Đi thăm Taos và ‘Vòng Tròn Mê Hoặc’ ở New Mexico - 01.04.2009


No comments:

Post a Comment