Dalai Lama tạo thế đối đầu
Paul Koring
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
17.02.2010
http://www.x-cafevn.org/node/2734
Hai nhân vật từng thắng giải Nobel Hoà bình sẽ có cuộc họp kín vào thứ Năm tại Nhà Trắng khi Barack Obama tìm cách giảm thiểu tầm cỡ của buổi gặp mặt chậm trễ với Dalai Lama.
Tổng thống đã thất hứa một lần với vị lãnh đạo lưu vong Tây Tạng 74 tuổi - từ chối gặp ông mùa thu năm ngoái trước cuộc viếng thăm Trung Quốc của Obama, nơi Dalai Lama được xem là mối đe doạ ly khai. Đấy là lần đầu tiên từ năm 1991 một Tổng thống Hoa Kỳ từ chối gặp mặt Dalai Lama trong những chuyến viếng thăm thường xuyên của ông tại Hoa Kỳ.
Một tranh cãi ồn ào đã xảy ra như đã đoán trước, với những người chỉ trích lên án Tổng thống đã cố gắng quá độ trong việc tránh làm phiền lòng những nhà lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc.
Cuộc gặp gỡ hôm thứ Năm sẽ là một cuộc họp nhỏ - tương phản với sự đón chào rất công khai của tổng thống George W. Bush dành cho Dalai Lama vào năm 2007. Sẽ không cho phép chụp ảnh, mặc dù các quan chức Nhà Trắng nói rằng họ sẽ công bố hình ảnh của cuộc gặp gỡ.
Cuộc gặp mặt là một sự kiện được xếp đặt đầy cẩn trọng trong sân khấu chính trị với cả Bắc Kinh và Washington sẽ đóng vai trò mà mình đã chọn lựa. Ngay cả khi Dalai Lama đang đi đến Nhà Trắng bất chấp sự phản đối ồn ào của Bắc Kinh, hàng nghìn lính thuỷ Hoa Kỳ thuộc hàng không mẫu hạm nguyên tử Nimitz sẽ đổ lên bến cảng Hồng Kông, khi Trung Quốc ra tín hiệu tái lập những chuyến viếng thăm của hải quân hai tuần sau khi tuyên bố huỷ bỏ mọi trao đổi quân sự.
Quan hệ giữa hai siêu cường đã gặp phải một loạt sự cố trong vài tuần qua, gần nhất là khi Obama quyết định bán 6.4 tỉ đô-la vũ khí cho Đài Loan, một việc mà Bắc Kinh tố cáo là "can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc, đe doạ nghiêm trọng an ninh quốc gia của Trung Quốc."
Việc này xảy ra ngay sau khi Google tuyên bố rằng các nhân viên tình báo của Trung Quốc đã thâm nhập vào tài khoản e-mail của những nhà đối lập. Những cuộc tấn công mạng - theo nhận định của các chuyên gia Hoa Kỳ - cũng nhắm vào việc trộm cắp bí mật công nghệ từ các tập đoàn thương mại lớn của Hoa Kỳ.
Những cáo buộc về các cuộc tấn công trên mạng đã chuyển vấn đề từ mâu thuẫn thương mại sang an ninh quốc gia đối với Nhà Trắng. Ông Obama muốn biết "những câu trả lời" và tin rằng những ai có trách nhiệm cần phải "lãnh chịu hậu quả," một phát ngôn viên của Nhà Trắng nói.
Nhưng các chuyên gia về Trung Quốc tin rằng bất chấp những xích mích - cả mới lẫn cũ - Washington và Bắc Kinh cần tìm cách xây dựng điều được xem như là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới.
"Cả hai bên sẽ muốn tránh những tổn thất nặng nề trong các quan hệ, điều này vô cùng quan trọng đối với nhu cầu làm việc chung trong các vấn đề thay đổi khí hậu, khủng hoảng tài chính và những vấn đề khác," Robert Barnett, giám đốc chương trình nghiên cứu Tây Tạng đương đại ở Đại học Columbia nói trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến, được đăng tại Uỷ ban Quan hệ Quốc tế.
Với "Ba chữ T" - Tibet, Taiwan và Trade (Tây Tạng, Đài Loan và Thương mại) đang khuấy động quan hệ Hoa Kỳ - Trung Quốc trong những tháng vừa qua, có thể cả Bắc Kinh và Washington đang tìm kiếm những cơ hội để hàn gắn.
Chính quyền Obama đang rất cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc (hoặc ít nhất là thiện chí chịu kiềm chế và ngồi yên) để tăng cường việc phong toả Iran vì sự thách thức về vũ khí hạt nhân của quốc gia này. Nhưng ngay cả với việc không cần có sự hợp tác của giới lãnh đạo về những vấn đề song phương như quản lý việc thay đổi khí hậu, cả hai người khổng lồ này vẫn không thể để mặc quan hệ của họ xấu đi.
Với việc Trung Quốc ngày càng giàu có và mạnh mẽ, thì không thể tránh được quyền lợi của họ sẽ phủ lấp hoặc thậm chí đối chọi với quyền lợi của Hoa Kỳ. Trong khi hiểm hoạ của sự đối đầu vẫn còn rất xa, Bắc Kinh đôi khi vẫn quảng bá bằng cách phô diễn sức mạnh quân sự của mình. Ba năm trước họ đã tạo ra một cơn sốc chính trị lan toả khắp thế giới khi đã dùng một vệ tinh để phá huỷ một vệ tinh khác.
Nhìn chung, cả hai quốc gia đã tìm cách tránh được những bất hoà chính trị không thể kiểm soát được.
Cuộc gặp mặt hôm thứ Năm mà tuần trước Bắc Kinh đã đòi hỏi phải huỷ bỏ, sẽ xúc phạm Bắc Kinh rất ít so với cuộc gặp gỡ đầy công khai trước đây với ông Bush.
Những người lính thuỷ Mỹ vãng lai tại các quán rượu và cửa hàng ở Hồng Kông có thể không biết được rằng họ chính là phương cách của Bắc Kinh để quên đi chuyến viếng thăm của vị sư già.
Nguồn: The Globe & Mail
No comments:
Post a Comment