Tranh giành quyền lực có thể làm tăng các mối rủi ro ở Việt Nam
VOA
Thứ Năm, 18 tháng 2 2010
Ý kiến (28)
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/vietnam-politic-02-18-2010-84692152.html
Thành phần tinh hoa trong Đảng Cộng Sản Việt Nam đã bắt đầu chuẩn bị cho việc thay đổi nhân sự lãnh đạo vào năm 2011 và sự tranh giành quyền lực của các phe phái trong những tháng sắp tới có thể làm tăng mối rủi ro cho các doanh nghiệp và công cuộc giao thương với Hoa Kỳ.
Đó là nội dung chính của một bài phân tích thời sự hôm thứ Năm của hãng thông tấn Reuters về tình hình trước Đại hội Đảng lần thứ 11 của Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tổng bí thư Đảng Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và một số nhân vật khác dự kiến sẽ rút lui tại Đại hội Đảng dự trù diễn ra vào tháng Giêng sang năm, và điều này tạo ra một chuỗi những chỗ trống hấp dẫn sẽ được lấp đầy qua một tiến trình bí mật của những sự mặc cả giữa các phe nhóm.
Bài viết trích lời ông Jacob Ramsay, phân tích gia khu vực của công ty tư vấn Kiểm soát Rủi ro (Control Risks), nói rằng “những hoạt động nhằm tranh giành các chức vụ giờ đây đã bắt đầu và sẽ gia tăng cường độ từ nay cho đến cuối năm, và kết quả là công việc thực sự của chính phủ, của việc hoạch định chính sách, sẽ chịu thiệt hại.”
Nhiều nhà phân tích cho rằng kinh tế vĩ mô Việt Nam chỉ gặp phải những mối rủi ro nhỏ vì tất cả các phe phái trong đảng đều muốn kinh tế tăng trưởng ổn định và kiềm chế lạm phát.
Mặc dù vậy, diễn tiến này sẽ có những ảnh hưởng rất quan trọng. Một trong những vấn đề mà một số các doanh nhân và các nhà phân tích đang theo dõi là phải chăng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ lưu nhiệm, một sự việc có ảnh hưởng tới mức độ liên tục của nền kinh tế đang tăng trưởng khả quan.
Tuy không thể tính được phí tổn kinh tế của cuộc vận động diễn ra 5 năm một lần này, nhưng vì các nhà làm chính sách và các phe phái ngày càng bận bịu nhiều hơn với sự thay đổi nhân sự lãnh đạo cho nên các viên giám đốc công ty và các chuyên gia chính trị dự kiến là việc phê chuẩn và cấp phép cho các doanh nghiệp mới hoặc cho các dự án lớn sẽ trở nên khó khăn hơn.
Bên cạnh những vấn đề kinh tế thương mại, bài phân tích của Reuters cũng đề cập tới những vấn đề khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong lãnh vực ngoại giao.
Bài viết trích lời các nhà quan sát chính trị nói rằng việc kết án hàng loạt những vụ án chính trị, sự gia tăng luận điệu cứng rắn trên báo chí do nhà nước kiểm soát và việc ngăn chận trang mạng xã hội Facebook có dính líu tới những hoạt động tranh giành quyền lực trước Đại hội Đảng.
Không mấy ai cho rằng những sự kiện vừa kể phát sinh chỉ vì sắp có Đại hội Đảng và nhiều người nêu lên rằng Đảng Cộng Sản đang lo ngại về những thách đố mới đã bùng ra trong vài năm qua, như những vụ biểu tình công khai để chống lại việc Trung Quốc đòi chủ quyền những vùng biển và các hải đảo ở Biển Đông.
Tuy nhiên, các nhà ngoại giao và các nhà phân tích nói rằng điều được mô tả là một chiến dịch đàn áp những người bất đồng chính kiến có thể có hiệu quả tiêu cực cho mối quan hệ với Hoa Kỳ.
Một nhà ngoại giao cao cấp của Mỹ không muốn nêu danh tánh nói rằng điều này đã khiến cho nhiều người ở Quốc hội Mỹ và những nơi khác đặt câu hỏi về vấn đề giao thương với Việt Nam.
Nhà ngoại giao này cho biết điều này tạo ra một tình huống khó khăn hơn cho việc tiến tới trong tất cả những lãnh vực khác mà chính phủ Mỹ muốn tiến tới.
Hồi gần đây một số người lại đề nghị đưa tên Việt Nam trở lại danh sách CPC của Bộ Ngoại giao Mỹ, tức danh sách các quốc gia cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo. Nếu đòi hỏi này được đáp ứng Việt Nam có thể sẽ phải gánh chịu những biện pháp chế tài từ phía Hoa Kỳ.
Nhà ngoại giao Mỹ cho biết thêm rằng một số thành viên quốc hội cũng đang vận động cho việc thông qua một nghị quyết về nhân quyền Việt Nam và chiến dịch trấn áp đối lập ở Việt Nam rõ ràng là tạo thêm cơ hội cho những người nghĩ rằng nghị quyết này cần được thông qua.
No comments:
Post a Comment