Thursday, February 4, 2010

ĐẢNG là "ĐẠI BIỂU TRUNG THÀNH" CHO AI ?

Đảng là “đại biểu trung thành” cho ai? (Phần 2)
Trân Văn, phóng viên RFA
2010-02-03
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Maintenance-single-party-government-to-keep-privilege-part-2-TrVan-02032010202642.html

ĐẢNG là "ĐẠI BIỂU TRUNG THÀNH" CHO AI ? (Phần 1)

Không chỉ có sự khác biệt cơ bản giữa chế độ XHCN trong Hiến pháp 1992 với thực thể chính trị hiện nay, mà quan điểm của Đảng CSVN về chế độ XHCN tại Việt Nam liên tục thay đổi.
Mời quý vị theo dõi thêm cuộc trao đổi giữa Trân Văn với ông Nguyễn Thượng Long, một nhà giáo nghỉ hưu, đang sống tại Hà Đông, Hà Nội...

Không xây dựng “con người mới xã hội chủ nghĩa”?

Trân Văn: Có một giai đoạn khá dài, Việt Nam đề ra chủ trương “Xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa (XHCN)” với một số tiêu chí rất rõ ràng nhưng mà gần đây không thấy nhắc đến định hướng “Xây dựng con người mới XHCN” nữa. Là một nhà giáo mà công việc gắn liền với sự nghiệp giáo dục của Việt Nam trong nhiều thập niên, ông có thể giải thích vì sao mà bây giờ người ta không đề cập đến việc “Xây dựng con người mới XHCN” nữa hay không?
Ông Nguyễn Thượng Long: Đúng là như vậy ạ! Tôi đứng bục giảng 37 năm là 37 năm tôi phải thực thi một trọng trách hết sức nặng nề. Tức là phải hình thành nên nhân cách con người mới cho thế hệ trẻ. Con người mới trong thế hệ trẻ mà những người thầy phải hình thành cho được là những con người XHCN như anh vừa mới nói.
Thế nhưng từ khi hệ thống XHCN ở Đông Âu sụp đổ, từ khi thành trì của chủ nghĩa xã hội là Liên bang Cộng hòa XHCN Xô viết tan vỡ thì nền giáo dục của Việt Nam cũng lâm vào tình trạng khủng hoảng, suy thoái rất nghiêm trọng.
Tôi nghĩ là hiện nay, trong đất nước chúng ta, xã hội chúng ta, đời sống, tư tưởng đang lâm vào giai đoạn khủng hoảng rất nghiêm trọng. Tức là khủng hoảng về con đường. Giáo dục bây giờ không còn nói tới những tiêu chí mà ngày xưa chúng tôi gọi là “long trời, lở đất” như: “Nhà trường là pháo đài của chủ nghĩa xã hội” hay “Thầy cô giáo là những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng”. Đấy là thời mà lứa tuổi chúng tôi, thế hệ chúng tôi chưa quên được.
Gần đây, giáo dục đào tạo trong nước không thấy nhắc đến những từ “đại ngôn” như thế nữa. Điều đó phản ánh thực trạng khủng hoảng rất nghiêm trọng. Cho nên điều anh phát hiện ra là hòan toàn đúng.
Tôi nghĩ rằng là trong giai đoạn này, muốn chấn hưng được, muốn phát triển được, chúng ta phải có những cải tổ rất sâu sắc, phải có những thay đổi, phải có định hướng, phải có những lý luận mới.

Trân Văn: Thưa ông, hệ quả hiện nay có phải là do những con người đã được đào tạo theo tiêu chí “con người mới XHCN”?
Ông Nguyễn Thượng Long: Hiện nay, xã hội chúng ta có một cái bất cập. Tôi tin trí thức Việt Nam, tôi tin ở trí tuệ Việt Nam lắm. Tôi tin rằng dân tộc Việt Nam không thiếu những người có trí tuệ, không thiếu những người có kiến thức, không thiếu những người có tấm lòng với đất nước nhưng rất tiếc là nền chính trị, thể chế chính trị trong nước giai đoạn này không phát huy được những tiềm năng về chất xám, những tiềm năng mà người ta gọi là nguyên khí của quốc gia và nó dẫn đến tình trạng như vậy.
Thật ra tôi không thất vọng gì về trí tuệ của người Việt Nam. Thế nhưng rất tiếc, chúng ta không vượt qua được khủng hoảng, bế tắc này vì nguyên nhân như vậy.

Ước mong...

Trân Văn: Thưa ông, khi mà chủ trương “Xây dựng con người mới XHCN” không còn được đề cập nữa và ngay cả khái niệm “yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội” cũng rất ít được nhắc đến. Thế thì tại sao lại có nhiều người bị bắt, bị kết án tù vì bày tỏ tinh thần yêu nước của họ theo những quan điểm khác với cách nhìn của chính quyền? Ông có thể lý giải giúp không?
Ông Nguyễn Thượng Long: Người trong nước chúng tôi, nhất là thế hệ từ chúng tôi trở lên thì luôn luôn được giáo dục “yêu nước nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội”, tức là người ta đánh đồng chủ nghĩa xã hội với quốc gia, với tổ quốc. Thật ra người ta còn đặt lý tưởng một thế giới đại đồng còn cao hơn cả tổ quốc, cả đất nước chứ không phải là “như” đâu! Cho nên, nói vậy chứ thật ra khái niệm đó đâu phải toàn bộ nhân dân chúng ta ai cũng tin theo những tín điều đó đâu.
Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta, dù là người quốc gia hay là người cộng sản thì luôn luôn dành cho tổ quốc một vị trí rất thiêng liêng. Tôi nghĩ rằng mọi chủ nghĩa, mọi lý tưởng thì đều là hữu hạn. Chỉ có tổ quốc, chỉ có đất nước mới vĩnh cửu, mới vĩnh hằng, mới trường tồn.
Chủ nghĩa xã hội đâu đã được tám thập kỷ và bây giờ chúng ta thấy đã khủng hoảng nghiêm trọng đến như thế. Chỉ còn sót lại một vài nơi trên thế giới này thôi. Trong đó có Việt Nam.
Cho nên nếu nói yêu tổ quốc cũng đồng nghĩa như yêu chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa xã hội như là một phát hiện chưa ở đâu đạt được cả. Từ ông Các Mác ngày xưa cho đến những người cộng sản hiện nay thì người ta vẫn hy vọng về một thế giới như thế. Thế nhưng hiện nay, một thế giới như thế chưa có tiền lệ nào, chưa có hình mẫu nào.
Hiện nay có hiện tượng là nhiều trí thức, nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh mà lại không nhớ đến câu “yêu nước nghĩa là yêu chủ nghĩa xã hội” nữa, mà lại cứ lần lượt phải ra Toà, rồi chấp nhận lao lý thê thảm như vậy thì tôi nghĩ rằng rõ ràng giữa điều mà chúng ta tuyên truyền, những điều mà chúng ta kêu gọi với thực tế vẫn có khoảng cách.
Tôi nghĩ rằng là những người lãnh đạo nhà nước, những người lãnh đạo quốc gia cần phải nhìn thẳng vào hiện trạng như thế, để chúng ta có các sách lược thì chúng ta mới có thể đi ra khỏi khủng hoảng. Mới có thể có những tiếng nói chung, đồng thuận với nhau được. Chứ còn cứ như thế này thì tôi nghĩ rằng rất thất vọng!

Triển vọng...

Giống như nhiều trí thức Việt Nam ở cả trong lẫn ngoài nước, ông Nguyễn Thượng Long hi vọng Đảng CSVN đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc lên trên hết. Tổ chức đối thoại, tìm tiếng nói chung nhằm đạt được sự đồng thuận, phát triển quốc gia. Tuy nhiên điều này không dễ.
Trong diễn văn đọc tại lễ kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng CSVN, ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư Đảng CSVN, vừa thừa nhận “đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”, vừa khẳng định, điều đó nhằm để “nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị”.

Vì sao diện mạo thực thể chính trị đang tồn tại ở Việt Nam dù đã khác rất xa với lý thuyết về chủ nghĩa xã hội nhưng Đảng CSVN vẫn cương quyết bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa? Một số người bảo rằng, đó là bởi điều 4 Hiến pháp cho phép Đảng CSVN duy trì vai trò “lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội”. Bill Hayton thì xem đó như một cơ hội “thoả mãn nhu cầu của số ít chứ không phải nguyện vọng của số đông”.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.



No comments:

Post a Comment