Thursday, February 4, 2010

SÀI GÒN KÝ SỰ 2009

Sài Gòn ký sự 2009
Thạch Đạt Lang
04-02-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7136
Cuối tháng 11 năm 2009, sau một thời gian dài không tìm được việc tại các tiểu bang ở Mỹ. Đạt Lang tôi nẩy ra ý định đem tiền về Việt Nam đầu tư theo lời kêu gọi Duyên Dáng Việt Nam của ông Nguyễn Tấn Dũng, đồng thời theo bước chân của triết gia còi hụ Nguyễn Hữu Liêm, chuyên viên đánh giầy bằng lưỡi (chữ của tác giả Lê Diễn Đức dùng gọi ông Liêm) quyết tâm trở thành… Việt kiều yêu nước (ngoài).

Nhưng muốn đi chẳng phải dễ dàng gì. Phải nói làm sao với Liên để được đồng ý cấp giấy phép? Thế là sau một đêm… động não, chiều thứ sáu, lúc ngồi ăn cơm tối, thầy Liên vui vẻ, tôi đem ý định đi… thực địa, tìm cách đầu tư tại Việt Nam ra nói với nàng.
Nghe xong, Liên chẳng nói gì, chỉ im lặng nhìn tôi bằng cặp mắt dò hỏi, cặp mắt mà nhiều lần tôi đã thấy mình chết chìm trong đó, một lát sau nàng mới hỏi nhẹ nhàng:
‒ Chán em rồi phải không?
Tôi giật mình, than thầm trong đầu, chết cha! lạng quạng là hỏng bét.
Nghĩ thế, nên tôi vội nghiêm mặt, đính chính:
‒ Sao em lại nói vậy? Em không thấy là anh đã kiếm việc mãi không ra. Giờ nghe nói người ta về Việt Nam đầu tư quá trời. Tối qua anh có chat với anh Điện, Phạm Quang Điện, bạn học anh đó, chắc em còn nhớ? Anh Điện hồi trước ở Mỹ, mập ù như cái lu. Bây giờ về Việt Nam, mở sạp bán trái cây ở chợ Bến Thành, mỗi tháng kiếm năm bẩy ngàn đô la dễ như ăn… cơm sườn.
Liên xì một tiếng, bĩu môi cười:
‒ Anh dễ tin người thật! Bán trái cây gì ở chợ Bến Thành mà mỗi tháng kiếm mấy ngàn đô la Mỹ?
Thấy nàng không còn nét buồn, tôi nói thêm:
‒ Anh Điện nói là anh ấy nhập cảng trái cây như nho, táo, cam… từ Singapore về, vừa bỏ mối cho các chợ, vừa bán lẻ…
Liên cười, lắc đầu:
‒ Em không biết. Anh muốn đi VN thì đi, em không cản vì biết anh đang buồn. Thất nghiệp lâu không kiếm ra việc, nên đi chơi xa cho đầu óc thanh thản. Nhưng nếu anh thật sự chán em, không muốn sống với em nữa thì cho em biết.
Tôi đứng lên, bước qua ôm vai nàng:
‒ Em đừng nghĩ vậy. Đã có lần nào anh nói dối em chưa?
Liên quay đầu lại, nhìn thẳng vào mắt tôi:
‒ Em biết anh là con người trung thực. Đến bây giờ thì chưa, nhưng làm sao em biết được lúc nào anh sẽ dối gạt em? Anh định đi bao lâu? Bao giờ đi? Mà anh không sợ lây bệnh cúm heo ư?
‒ Áo quần, giầy dép còn có số, huống chí con người em ơi! Số anh mà bị lây bệnh cúm thì dù ở nhà vẫn bị lây như thường. Anh đi chừng 4 tuần. Nếu mua được vé, 27‒28 tháng này anh đi.
Liên gật đầu:
‒ Được rồi! Em đồng ý để anh đi 4 tuần. Nhưng anh phải về Mỹ trước Christmas. Và nhớ đừng tha cúm…(lợn hay heo) H1N1 về đây nghe.
Tôi mừng rỡ, hôn nhẹ lên môi nàng một cái:
‒ Cám ơn cưng!

Thế là ngay ngày hôm sau, thứ bẩy, tôi vừa điện thoại, vừa ra các văn phòng bán vé máy bay do dân Mít ta làm chủ, hỏi vé đi VN. Cũng may là nhờ dịch cúm…lợn cùng với vụ làm tiền trắng trợn của Công an Y tế VN ở phi trường TSN, giá vé đi VN cộng lệ phí Visa vào cuối tháng 11 chưa tới 800 USD.
Mua vé xong, ít ngày sau, từ giã Liên và con gái của nàng, tôi hí hửng như trẻ được tiền lì xì vào dịp Tết, khăn gói quả mướp lên đường đi VN theo tiếng gọi thiết tha của ông N. T. Dũng, với hai va li quần áo… thì ít, mà bánh kẹo, choclolate “cao cấp” mua ở chợ…Walmart thì nhiều.
Sau gần 20 tiếng đồng hồ, vừa ngồi trên phi cơ chai cả bàn tọa, vừa transit, tôi tới phi trường Tân Sơn Nhất trưa ngày thứ ba. Từ khung cửa sổ chiếc Boeing 777‒300 của hãng EVA nhìn ra ngoài khi phi cơ taxi vào terminal, tôi có cảm tưởng phi trường TSN đã bị thu nhỏ lại rất nhiều. Từ đầu cánh phi cơ đến vòng đai phi đạo và những dẫy nhà dân, dưới tầm mắt tôi chỉ chừng 150m.

Ra khỏi phi cơ, đứng chờ làm thủ tục nhập cảnh, tôi bắt đầu cảm thấy cái nóng hừng hực, ẩm ướt của Sài Gòn dù đã cuối tháng 11. Thủ tục nhập cảnh tương đối đơn giản, nhanh chóng. Anh công an xuất nhập cảnh làm việc như một nười máy, không hỏi không rằng, chỉ nhìn mặt tôi, so với passport, gõ lách tách vào computer, đóng dấu, đưa trả lại, xong. Tôi nói hai chữ cám ơn, anh cũng chẳng nhếch mép.Cũng không thấy các scanner đo thân nhiệt hành khách để phát hiện bệnh cúm heo như báo chí đã lên tiếng trước đây. Khâu khám hành lý của hải quan cũng nhanh chóng, khi 3 nhân viên dường như tóm được một thùng hàng đặc biệt của ai đó, xúm lại tranh nhau mở, bỏ mặc các hành khách khác tự do lấy hành lý đi ra thoải mái.
Ra đến ngoài cảng, trong lúc chờ cậu em họ đến đón, người tôi đã bắt đầu nhớp nháp mồ hôi. May mà đã chuẩn bị trước, xuống đến sân bay tôi đã nhanh chóng thay quần áo, chỉ mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay và chiếc quần Dokker.

Nhớ Sài Gòn 28 năm trước, khi tiễn Dung ra đi vào tháng 10, Sài Gòn trời đã se lạnh. Chia tay ở phi trường, Dung tặng tôi chiếc áo jacket mùa thu, màu trắng như tuyết với hàng chữ For Your Eyes Only màu đỏ, viền xanh dương, nàng đang mặc, trước khi vào khu dành riêng cho hành khách. Chợt nhớ hai câu thơ, tôi vẫn thường trêu nàng khi hai đứa đạp xe đi chơi tối về:
Lối xưa xe đạp còn in dấu
Nhà cũ bây giờ Dung ở đâu?
Còn đang mơ màng nhớ lại dĩ vãng… thì nghe tiếng kèn xe bóp inh ỏi. Tôi giật mình nhìn lên, Thắng, cậu em họ đang tà tà cho chiếc Toyota Camry màu xám, mới cáu chỉ, cặp vào lề.
Hai anh em bắt tay nhau, Thắng nhanh nhẹn giúp tôi chất hành lý lên xe. Xe chạy, Thắng hỏi:
‒ Nóng quá hả anh?
Hỏi xong, Thắng mở máy lạnh lên tối đa vì biết tôi đang bị “ sốc “ vì cái nóng của Sài Gòn. Tôi dựa người vào ghế, thở ra:
‒ Kinh thật! Anh không ngờ tháng 11 mà còn nóng dữ dội như thế này. Mang về mấy cái áo lạnh chắc không có dịp mặc đến.
Thắng cười:
‒ Nếu anh ra Bắc hay lên Đà Lạt chơi thì cũng có thể dùng đến. Còn Sài Gòn thì anh nên quên đi. Bây giờ…
Đang nói Thắng ngừng ngang, đạp mạnh thắng xe khi một chiếc xe gắn máy cắt ngang đầu xe chúng tôi. Tôi bị bắn người tới trước, may là theo thói quen, đã cài dây an toàn nên không có chuyện gì. Thắng lắc đầu, chẳng nói tiếng nào. Tôi buột miệng:
‒ Mẹ! Chạy xe kiểu gì kỳ vậy?
‒ Khu này còn đỡ, lát nữa ra đến khu Lăng Cha Cả cũ, anh sẽ thấy dân Việt Nam mình bây giờ chẳng ai sợ chết.
Thắng nói đúng. Ra khỏi phi trường TSN, trên đường về nhà, tôi thật sự bị “choáng” khi nhìn xe cộ lưu (nhưng không) thông trên đường Nguyễn Văn Trỗi. Con đường mang tên người thợ điện anh hùng đặt bom ở cầu Công Lý, định giết chết bộ trưởng quốc phòng Mỹ McNamara; Không may bị phát hiện, Trỗi bị bắt và kết án tử hình.
Nghe nói lúc ra pháp trường anh Trỗi còn gọi tên bác bác Hồ 3 lần. Thế cho nên mới có câu thơ, “Phút giây thiêng Anh gọi bác ba lần!” (Hãy nhớ lấy lời tôi, Tố Hữu, 23/10/1964 – DCVOnline.) Tuy nhiên, cũng có người nói cho tôi biết Nguyễn Văn Trỗi gọi bác bốn lần chứ không phải ba; Tố Hữu bảo phải bớt đi một lần, chứ nói “bốn lần” thì… kỳ lắm.
Đúng là một sự hỗn loạn với số lượng xe gắn máy khủng khiếp, xe hơi, xe buýt, vận tải… đan kín mặt đường, chen chúc, len lỏi, luồn lách, bóp kèn inh ỏi, leo cả lên lề đường để chạy, nhất là ở những nơi có lô cốt (khu đang xây dựng) nằm nghênh ngang chiếm hơn 2/3 con đường, người đi bộ không còn đường để đi, phải chen, lách giữa những xe gắn máy. Sài Gòn mấy năm qua đã có từ vài trăm đến hàng ngàn lô cốt này. Giao thông vì thế đã trở thành một vấn nạn nhức nhối của người dân, nhất là những người lớn tuổi, họ không còn muốn đi đâu nếu không có chuyện thật cần thiết.
Có một điều rất hay là giữa tiếng ồn ào của động cơ, bụi khói xe mù mịt, tiếng kèn bóp nghe đến nhức đầu, nhìn quanh, tôi thấy khuôn mặt mọi người vẫn bình thản, chẳng ai nhăn nhó, khó chịu…Thế mới biết dân Việt Nam mình chịu đựng hay thật (Mja! Nói chơi thôi chứ không chịu đựng thì làm gì nhau nào? Mấy năm nay rồi chứ bộ mới đây sao cha?)
Các quan lớn trong triều đình, Thủ tướng Nguyễn (Bất) Dũng, Chủ tịch Nguyễn (U) Minh Triết, các Mafioso trong bộ chính trị (Oberstrat) đâu phải không biết. Có điều các ngài thích để vậy. Có để thế thì dân lo vật lộn với chuyện giao thông, đi lại, cũng đủ mệt mề, hết ngày giờ rồi, sức đếch đâu mà lo chuyện dân chủ với tự do nữa.
Giao thông ở Sài Gòn bây giờ đã cất cánh bay cao như thế, rất xứng đáng với tầm cao thời đại về số lượng xe gắn máy nhập cảng vô tội vạ. Một ngày nào đó Sài Gòn sẽ trở thành một thành phố có số người bị bệnh phổi và viêm đường hô hấp cao nhất thế giới. Thôi! dẹp chuyện đó đi bố ơi, ăn còn chưa đủ mà bầy đặt nói chuyện Global Warming hay Lỗ thủng Ozone trên bầu khí quyển. Nói chuyện ăn uống đi.

Chuyện ăn uống ở Sài Gòn ư? Dễ thôi!

Về tới nhà, Thắng chờ tôi tắm rửa cho hạ hỏa rồi dùng xe Honda 250 cm3 chở tôi ra quán Ngon trên đường Pasteur, quán này trước đây nằm trên Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tiêu Công Lý?)
Đã hơn 2 giờ chiều mà quán còn khá đông. Việt kiều, Tây, Ta… đủ cả, quần áo sang trọng, lịch sự. Xe hơi, taxi, gắn máy ra vào liên tục. Quán khá lớn, có cả lầu, bán đầy đủ các thức ăn ba miền Bắc, Trung, Nam, tha hồ cho khách lựa chọn.
Tôi gọi một tô bún bò Huế giá 38.000 đồngVN và một ly chè chuối chưng giá 12.000. Thắng, một tô miến xào cua 60.000, một ly cam vắt 49.000. Lúc thức ăn được đem ra, dùng đũa khoắng vào tô bún bò, tôi mới nhận ra rằng, tô bún nhiều quá…ăn không đủ. Mèng ới! Tô bự mà toàn nước với nước, lõng bõng vài cọng bún, 2 miếng thịt bò gân, một cục giò heo to cỡ quả trứng gà… toàn mỡ và da. Chén chè chuối thì to như mắt muỗi, dùng muỗng ăn bún bò múc một cái thì vừa hết. Tôi không dám đụng đến đĩa rau sống vì trước khi đi, Hằng, vơ Thắng đã nhắc nhở:
‒ Hai anh em đi ăn ngoài, chớ đụng đến rau sống nhé. Rau nhiều nơi trồng, tưới bằng phân bắc đấy, toàn vi khuẩn và trứng sán lãi.
Bữa ăn hết 163.000đ, cộng thêm tiền 2 khăn lạnh 4.000đ, dù chúng tôi không dùng đến. Thắng cho tiền tip chẵn 170.000 Đ = 9 USD. Tôi lắc đầu:
‒ Đắt hơn bên Mỹ! Tô bún này ăn muốn no thì phải từ 3‒4 tô, so với bún bò Huế Cà Mau ở San Jose thì đắt hơn và không ngon bằng.
Thắng cười:
‒ Chuyện! Làm sao mà so với đế quốc Mỹ được.

Ngày hôm sau, hai vợ chồng Thắng đi làm, tôi một mình đón taxi từ Trần Huy Liệu (Trương Tấn Bửu cũ) vào chợ Bến Thành, 80.000đ, rẻ hơn taxi bên Mỹ. Khung cảnh chợ vẫn thế sau gần 35 năm đưới chế độ cộng sản, những gian hàng trái cây, vải vóc, quần áo, bánh mứt… vẫn bày la liệt trên những sạp nhỏ. Những con đường chung quanh chợ vẫn đầy dẫy những người bán hàng rong, chè, cháo, bún, trái cây gọt sẵn… Người dân Sài Gòn vẫn vô tư ngồi xổm hay trên những chiếc ghế đẩu nhỏ thưỏng thức các món ăn nóng, sốt, tươi… Thú thật, tôi không có can đảm ngồi ăn như thế nữa, dù trước đây cơm hàng, cháo chợ vẫn là thói quen của tôi khi còn ở VN.
Lang thang từ chợ Bến Thành qua Lê Lợi, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Huệ quay trở lại Pasteur, tôi chụp được khá nhiều hình ảnh, tương phản nhau về sinh hoạt của Sài Gòn. Từ chiếc BMW X6 mới tinh, đậu nghênh ngang ngay góc đường Nguyễn Trung Trực‒Lê Lợi, cho chủ nhân mặc áo bà ba, quần lãnh đen vào tiệm kim hoàn mua bán, đến người bán hàng rong ngồi xổm trên lề đường, múc chè cho một cô gái, đứng ăn tỉnh queo trước cửa tiệm, giữa đám đông qua lại.
Trên đường Lê Lợi, trước những cửa tiệm, nhà hàng có bảo vệ, du khách dễ dàng trông thấy những người bán vé số, ăn xin…
Trên con đường Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Trung Trực, buổi trưa, các học sinh trường Cao Đẳng Kỹ thuật (Tước đây là trung học kỹ thuật Cao Thắng) ra nghỉ trưa, ăn uống đầy trên lề đường. Một gian hàng bán cơm, đang nướng thịt, khói bốc mù mịt bên cạnh một đống rác nằm sát một cài chòi, dựng bằng tôn của các công nhân xây dựng gần đó, ở tạm. Không thấy ai phàn nàn, khó chịu hay nhíu mày. Có chăng chỉ là những du khách hay Việt kiều như tôi.
Đi dọc đường Pasteur, thấy một người đàn bà gánh hàng rong, bán bánh kẹp nướng đang loay hoay đổ bánh cho một cô gái. Tôi dừng lại, tò mò hỏi bà bán bao nhiêu một cái, một cái lời bao nhiêu? Một ngày kiếm được bao nhiêu? Bà nhìn tôi, có vẻ ngạc nhiên, rồi cho biết 1.000 VNĐ/c, lời khoảng 500 VNĐ/c. Ngày nào cao lắm lời chừng 40.000 VNĐ, nghĩa là phải bán được 80 cái. Một người bán dừa tươi khác cho biết, một trái dừa anh bán 2.000 VNĐ, lời cũng chỉ 500 một trái.
Đi một hơi gần 2 tiếng đồng hồ, mỏi chân, mồi hôi đổ ra ướt đẫm lưng áo, tôi ghé vào tiệm kem Bạch Đằng, góc đường Pasteur‒Lê Lợi, ăn một ly kem Bananen Split 54.000đ. Kem Bạch Đằng có 2 tiệm đối diện nhau, một là cà phê Mai Hương cũ và một, tôi ngồi ăn. Kem khá ngon, giá sánh gần bằng kem Moevenpick ở Đức.
Gần 6 giờ chiều, tôi đón taxi về do có hẹn với vợ chồng Thắng đi ăn tối. Chuyến đi 80.000 đ nhưng về 140.000 đ vì…kẹt xe. Mất gần 30 phút, chiếc taxi chở tôi mới từ Nguyễn Đình Chiểu‒Pasteur thoát ra được Võ Thị Sáu về Nam kỳ Khởi Nghĩa.
Đây có lẽ là đoạn đường khủng khiếp nhất của Sài Gòn vào giờ tan sở. Tất cả các loại xe, từ xe buýt, taxi đến người đi bộ…. chỉ nhích từng chút một. Hệ thống đèn xanh‒đỏ hướng dẫn lưu thông vẫn hoạt động nhưng hoàn toàn vô dụng vì chẳng còn ai tôn trọng luật giao thông nữa.

Những ngày sau đó theo lời khuyên của Thắng, tôi mua một tập vé xe buýt giá 90.000 đ/60 vé, tính ra có 1.500 đ/vé =10 cent, “siêu rẻ” (Super cheap) hay cực rẻ (Absolute cheap)? Đi vòng quanh khắp Sài Gòn, Chợ Lớn. Sáng ra khỏi nhà vài trăm thước, nhẩy lên bất cứ xe nào, một vé là một lượt đi… khắp cõi ta bà. Hiện có 144 tuyến xe buýt thể nghiệm như thế. Chẳng hiểu thể nghiệm là gì? Phải chăng là thử nghiệm?
Trên xe buýt, nhìn quần áo, giầy dép những người bán hàng rong, những đứa trẻ đánh giầy, những người công nhân lao động…ta sẽ biết ngay mức sống của họ như thế nào. Nghèo! Nghèo quá! Giá vé chỉ có 3.000đ nhưng có người loay hoay mãi mới lấy ra trả cho đủ.
Nhân tiện cũng xin ngã nón chào thua những người lái xe buýt ở Sài Gòn. Với số lương hàng tháng từ 200‒300 USD tùy theo tuyến đường, họ là những người lái giỏi nhất mà tôi gặp, xe thì lớn, dài, luôn bị bao vây bốn phía bởi lực lượng xe gắn máy hùng hậu, đông nghẹt như ruồi, họ luôn bình tĩnh, lấn, lách, thắng, nhường, bóp kèn… liên tục mỗi ngày từ 10 tới 12 giờ.

Nhờ đi xe buýt và đi bộ, tôi nhận ra được một điều, dân VN trong nước bây giờ văn hóa rất cao. Bằng chứng là khắp nơi, chỗ nào cũng có những khẩu hiệu hay cổng chào, đại khái như: Khu Phố X, quyết tâm đoàn kết bảo vệ danh hiệu khu phố Văn hoá, Toàn dân phường Y quyết tâm đoàn kết thực hiện nếp sống văn hóa…Nhưng nếu chịu khó quan sát chung quanh, người ta sẽ dễ dàng nhận ra những điều trái ngược. Chai lọ, rác rưởi, bao ny lông… Nói chung là đủ các loại phế thải được vứt bừa bãi, vô ý thức khắp mọi ngõ ngách, nẻo đường. Tiệm sửa xe đổ nhớt ra cống, người bán hàng, người ngồi ăn nhậu trên các lề đường rất “vô tư” vứt bỏ xương, thức ăn thừa xuống đường, chẳng ai nói ai, cũng không ai thắc mắc những thứ đó sẽ đi về đâu? Cũng có công ty vệ sinh, nhũng người hành nghề đổ rác, nhưng dường như họ làm không xuể với sự vô ý thức của người dân và vô trách nhiệm của những người lãnh đạo đất nước.
Tôi đã đi qua nhiều thành phố, thủ đô trên thế giới, Paris, Berlin Amsterdam, Rome, Barcelona, Praha, Tokyo, Taipei, Bangkok, Singapore…, chẳng thấy nơi nào người dân hành xử như ở Việt Nam.

Một buổi sáng, trên một con hẻm nhỏ đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn, tôi thấy một người đội nón an toàn, bịt mặt như Ninja, dùng cái nia để sàng rác chẩy trên một miệng cống. Sàng được bao nhiêu, anh đổ vào một cái thùng phuy cắt ngang đặt trên xe 3 gác, gắn máy. Tôi tò mò dừng lại xem, dù mùi chua, thối bốc nồng nặc. Thì ra anh sàng thức ăn thừa đổ ra cống từ một nhà hàng gần đó. Hỏi chuyện, mới biết anh thu gom những thứ đó đem về nấu cho heo ăn. Kinh hoàng!

Tuy nhiên cũng trên xe buýt, tôi thấy ở Sài Gòn còn sót lại một điểm son. Rất nhiều lần khi xe đông, không còn chỗ ngồi, có những em bé 15‒17 tuổi đứng lên nhường ghế cho những người tàn tật, già hay phụ nữ mang thai, có con nhỏ…Tuổi trẻ Sài Gòn cũng thế, đa số những thanh thiếu niên tôi gặp, trò chuyện trong quán cà phê, nhà hàng, hỏi thăm ngoài đường phố… đều lễ phép, lịch sự… trái ngược với Hà Nội (theo những gì tôi nghe kể và đọc trên báo trong nước).
Có lẽ đây là một điểm son còn sót lại ở Sài Gòn trong nền giáo dục hiện nay. Nền giáo dục dưới chế độ cộng sản sau gần 35 năm đã phá hủy toàn bộ đạo đức, liêm sỉ, lòng tự trọng, lòng yêu nước... của con người. Tìm đọc những tờ báo phát hành trong nước, ngày nào cũng có những tin tham nhũng, hối lộ, làm ăn gian dối, lừa bịp, cậy quyền thế, ức hiếp người dân… bị phát giác. Nhưng phát giác rồi và được xử lý như thế nào mới là điều quan trọng thì lại chẳng thấy ai nói đến. Báo chí trong nước dường như quên hẳn phần này, nhất là khi đụng đến các giới chức cao cấp, đảng viên…

Nói đến giao thông ở Sài Gòn hiện nay mà không nhắc đến đêm 15/12/09 thì quả là một thiếu sót “cực lớn”.
Sau khi đội tuyển U‒23 Việt Nam thắng đội tuyển Singapore 4‒1 ở trận bán kết, đường phố Sài Gòn collapse hoàn toàn. Tôi ngồi uống cà phê ở tiệm Les Midas nhìn xuống góc đường Nguyễn Trung Trực‒Lê Lợi mà chóng mặt.
Đường phố phủ kín xe gắn máy và cờ đỏ sao vàng. tiếng động cơ, tiếng người la, hét, tạo thành một không gian hỗn loạn cùng cực. Trên lề đường người ta chen chúc nhau để tiến tới đằng trước từng… bước một. Hầu hết đếu là thanh thiếu niên.
Tiệm cà phê tôi đang ngồi uống, không khá gì hơn. Khoảng 8:30g, tiệm đông nghẹt người, màn hình lớn tường thuật trận đấu bị một số thiếu niên, nam nữ quá kích động che khuất, nhẩy lên trên bàn reo hò điếc cả tai. Một cô quá hứng khởi nhẩy múa làm sao không biết, té xuống sàn nhà làm gẫy cả ghế ngồi.
Trong tiệm ồn ào quá, tôi định đứng lên đi về, nhưng nhìn dòng người và xe cộ bên dưới, đành lắc đầu, ngán ngẩm, bỏ ý định bước xuống đường. Đêm đó, gần 12 giờ khuya tôi mới kêu được xe ôm về nhà.May là tối 17/11/2009 Việt Nam thua Mã Lai trận chung kết Sea Game 0‒1 nên đường phố Sài Gòn không collapse thêm lần nữa.
Sáng 18/11, nhìn hình cô giáo Minh Hiếu dạy ở trường Mầm Non phường 7, quận Bình Thạnh trên báo Tuổi Trẻ khóc mà thấy xót xa cho tuổi trẻ Việt Nam. Đã có bao nhiêu giọt nước mắt cho trận chung kết U‒23 và bao nhiêu nước mắt cho ngư dân tỉnh Quảng Ngãi bị Tầu cộng bắn chết, hành hạ suốt năm qua? Đâu là tình yêu quê hương, đất nước, dân tộc? Đâu là niềm hãnh diện quốc gia?

Chuyện ăn và đi lại như thế, giờ xin nói đến chuyện ở.

Một chiều thứ bẩy, vợ chồng Thắng chở tôi qua quận 7 (Nhà bè trước đây) và Phú Mỹ Hưng, đi một vòng xem giới thượng lưu Sài Gòn ở ra sao? Đường xá bên Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè…rộng lớn và khá thưa thớt so với nội thành Sài Gòn, nhiều con đường sạch sẽ, có 3‒4 lằn đường cho xe chạy. Hai bên đường có cây cối xanh mát, cột đèn cao, sáng.
Thắng cho biết đất đai, nhà cửa Sài Gòn hiện nay thuộc hàng đắt nhất thế giới, chẳng thua gì Tokyo bao nhiêu.
Bạn không tin ư? Hãy đọc báo trong nước, các tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp Thị… nơi đăng rao vặt về nhà cửa, địa ốc sẽ thấy giá đúng là ở trên trời. Đọc mà chóng mặt.
Một căn nhà 3 tầng đường Trần Hưng Đạo 8x12m= 96m2 rao bán 3.500 lượng vàng. Ra khỏi trung tâm thành phố, đi về Gò Vấp, Hóc Môn thì rẻ hơn nhưng dân nghèo thành thị ở Đức cỡ như Đạt Lang tôi cũng khó lòng mà ti toe, sở hữu một căn. Đọc thử một căn khác trên đường Trường Sơn, gần sân bay TSN: Nhà 2 tầng, 8x22m, giá bán 32 tỷ VNĐ=1.600.000 USD.
Việt kiều mua nhà trong trung tâm Sài Gòn hổng nổi thì… qua Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Nhà Bè, quận 7, chơi một cái Apartment xây theo Style Tây Ban Nha, 3 mặt giáp sông, không khí trong lành mà rẻ…như vàng. Một căn hộ 60m2 hai phòng ngủ+bếp+phòng tắm+toilet, giá chỉ chừng 60‒70.000 USD, có cái sang trọng hơn lên đến 100.000‒120.000 USD. Mẹ ơi! Lương cán bộ, đảng viên nhà nước chỉ từ 200‒300USD/ tháng mà cái apartment 60‒70 tới 120 ngàn đô la Mỹ thì chừng nào mới mua nổi hè?
Không tham nhũng, hối lộ, rút ruột công trình xây dựng…mới là chuyện lạ.
Không có tiền mua nhà, apartment, căn hộ cao cấp… nhưng lại muốn ở Sài Gòn thì chỉ có nước… đi thuê. Giá thuê tháng trung bình từ 100 đến 400‒500 USD cho một apartment tùy theo khu vực quận1, 2, 3, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh…, và trang trí nội (ngoại) thất, có tiện lợi giao thông hay không? Muốn rẻ nữa thì đi share phòng, thuê ghế bố. Rẻ nhất là vào ở nhà lưu trú công nhân của các khu công nghiệp (nếu bạn là…công nhân)…
Còn muốn ở thật sang như trong các biệt thự biệt lập trên đường Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm…thì phải… ứng cử Uỷ viên bộ Chính trị, ủy viên trung ương đảng, không thì giá chót cũng phải là Bí Thư thành ủy…
Tôi ở nhà Thắng, căn nhà 4 tầng trên đường Trần Huy Liệu (Sử gia, tác giả của chuyện thần thoại cây đuốc sống Lê Văn Tám). Tôi có một phòng riêng với đầy đủ tiện nghi như ở khách sạn, TV, DVD Player, Computer, phòng tắm với nước nóng, lạnh…Thắng lá bác sĩ, có phòng mạch, vợ có sạp vải trong chợ An Đông nên thu nhập khá cao so với đa số người khác. Đi ăn uống, đi chơi, hai vợ chồng chẳng bao giờ để tôi trả tiền.
Thành phần elite như vợ chồng Thắng ở Sài Gòn hiên nay không nhiều lắm. Hầu hết dân Sài Gòn sống bằng dịch vụ, nên mặt bằng trở nên đắt khủng khiếp.Người ta tìm đủ cách buôn bán, mưu sinh, làm bất cứ cái gì để có tiền. Nếu không là cán bộ, công nhân viên, có việc làm trong cơ quan, hãng xưởng công, tư.
Thành phố đầy quán cà phê nhạc sống, quán ăn, nhà hàng, quán nhậu, đường lớn, đường nhỏ, hẻm, ngõ ngách nào cũng có đủ loại, thượng vàng, hạ cám…Giá cả tùy theo có máy lạnh, phòng kính hay ngồi ngoài đường, vừa uống cà phê, ăn, nhậu vừa hít khói xe…cho bổ phổi.
Sài Gòn có lẽ cũng là thành phố có nhiều xe ôm và bảo vệ (Guardian) nhất thế giới. Do đó có những công ty cổ phần cung cấp dịch vụ bảo vệ cho các nhu cầu của nhà hàng, hãng xưởng, tiệm buôn..

Ở được hai tuần, chịu không nổi cái nóng của Sài Gòn dù đã tháng 12, cái nóng mà sau trận mưa tầm tã hơn 2 tiếng đồng hồ, trời vẫn oi bức và nhớp nháp, không dịu đi chút nào, tôi định đi ra Hà Nội chơi. Gọi phone cho một người bạn đang làm việc ở Hà Nội, anh khuyên tôi đừng ra làm gì, không có gì đặc biệt hay khá hơn Sài Gòn. Trời mát hơn Sài Gòn thật nhưng hãy chờ qua tháng giêng, anh xin nghỉ phép, sẽ đưa tôi đi Trường Sa hay Sapa chơi cho biết chứ ở Hà Nội thì chán lắm.
Nghe thế cũng nản, tôi bỏ ý định đi Hà Nội, đổi vé máy bay về lại Mỹ sớm hơn dự định một tuần.
Những ngày cuối, trước khi rời Sài Gòn về lại Mỹ, tôi lang thang vào các tiệm sách, tiệm DVD, mua được một số sách giấy trắng tinh, in đẹp và sáng của Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư…, giá thật rẻ, chỉ từ 40‒60.000 VNĐ/ cuốn.

Bước chân ra bên ngoài phi trường San Fracisco, tôi ngước mặt đón làn gió mát lạnh ùa đến, xua đi cái nóng còn giữ trong lòng từ nửa vòng trái đất. Chiếc Lexus lướt nhẹ vào lề, Liên nhảy xuống mừng rỡ ôm tôi chặt cứng như thể sợ rằng nếu ôm lỏng hơn thì tôi sẽ mọc cánh bay mất...
Sau nụ hôn dài, Liên mở cửa sau, giúp tôi chất hành lý lên xe rồi giục giã:
‒ Lên xe đi anh...
Tôi ngồi dựa lưng vào ghế, nhìn dòng xe xuôi ngược trên freeway mà lòng còn nhớ đến cái cảnh đường không lane (Không lane thắng 8 lanes = Vô chiêu thắng hữu chiêu) với hàng hà, sa số xe gắn máy lắc lư tại chỗ ở VN mà rùng mình...
Tiếng nói âu yếm của Liên làm tôi bừng tỉnh:
‒ Sao anh về sớm vậy? Lúc anh gọi điện thoại cho em, em ngạc nhiên lắm, đoán anh có “sự cố” gì quan trọng nên về sớm. Dự định đi 4 tuần mà, chắc không phải chạy trốn nợ....tình chứ?
Tôi cười, nụ cười vô tội nhất trên đời:
‒ Thì đúng là nợ tình, nhưng không phải là chạy trốn mà chạy đến chủ nợ để trả.
Liên lườm tôi:
‒Ý anh là sao?
- Tại nhớ em quá, không thể chịu nổi nên phải về sớm chứ sao?
Liên cười khanh khách:
- Xạo vừa thôi! Chứ không phải hết tiền hay gẫy súng nên phải về sớm?

© DCVOnline


No comments:

Post a Comment