Wednesday, November 18, 2009

CÁC TRANH CHẤP LÃNH HẢI và TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CHIẾN LƯỢC BIỂN (1)


thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

Số 17 - Tháng 11/2009
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai17/200917_BruceElleman.htm


Các tranh chấp lãnh hải và tác động đối với chiến lược biển: Một góc nhìn lịch sử. *
Bruce A. Elleman
Giáo sư Trường Cao đẳng Hải quân Mỹ
(US Naval War College)


*Đây là bản dịch Chương 3: “Maritime territorial disputes and their impact on maritime strategy: A historical perspective” trong cuốn Security and International Politics in the South China Sea (An ninh và chính trị quốc tế ở biển Đông) do Sam Bateman và Ralf Emmers chủ biên, NXB Routledge, New York, 2009, tr. 42-57. Tạp chí Thời Đại Mới giữ bản quyền bản dịch này.

--------------------------------------

Trung Quốc đã nhiều lần đơn phương tuyên bố chủ quyền tại các đảo trên biển Đông từ hơn 100 năm nay. Đô đốc Tát Trấn Băng (Sa Zhenbing), tổng tư lệnh Hải quân Thanh triều đã từng dẫn đầu một tầu viễn dương đến những vùng biển đang trong vòng tranh chấp này vào năm 1907 để khẳng định các tuyên bố về chủ quyền của Thanh triều. Vào thập niên 1930, Nhật Bản đã cho quân đồn trú tại nhiều đảo ở đó cho tới khi những hòn đảo này lọt vào vòng kiểm soát của Trung Hoa Quốc Dân Đảng sau Thế Chiến Thứ Hai. Bất chấp các cuộc phản đối của Trung Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm đóng một số đảo mang tính chiến lược, bao gồm đảo Đông Sa (Pratas) và Ba Đình (Itu Aba - Taiping Island).
Bù lại việc Trung Quốc đã muộn màng trong việc hiện đại hóa quân đội và ngay cả chưa có hàng không mẫu hạm cho đến tận bây giờ, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (People’s Liberation Army ̶ PLA) vẫn phải bám quân ở nhiều đảo và vỉa san hô đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông. Để tăng cường khả năng chỉ huy quân báo, Trung Quốc đang từng bước xây dựng các trạm vô tuyến trên các đồn trú quân rải rác này với các thiết bị điện tử đa dạng, từ các máy chuyển tiếp tín hiệu truyền thông hiện đại cho đến các radar sóng ngắn. Điều này không những cho thấy sự gia tăng về tiềm năng quân sự của Trung Quốc trong khu vực, mà rõ ràng còn là những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị ráo riết cho việc bành trướng thêm nữa đối với các vùng biển còn đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông.
Bằng việc phân tích các mâu thuẫn trong quá khứ ở biển Đông, bài viết này sẽ cho thấy tác động của việc tranh chấp chủ quyền lên việc tăng cường lực lượng hải quân Trung Quốc cũng như tác động lên một chiến lược hiếu chiến hơn về quyền lợi biển nhằm khoanh vùng và ngăn cản các nước khác xâm phạm các vùng lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc về họ. Rõ ràng, việc xây dựng dần dần các căn cứ trên các đảo sẽ cho phép Bắc Kinh một ngày nào đó khẳng định nhiều hơn chủ quyền của họ ở biển Đông. Điều suy đoán này đã được xác định vào ngày 4 tháng 12, 2007 khi Trung Quốc đơn phương thông báo thành lập “một thành phố mới” thuộc tỉnh Hải Nam để quản lý hành chánh quần đảo Hoàng Sa (Paracels), quần đảo Trung Sa (Maccles­field Bank) và quần đảo Trường Sa (Spratlys) bất chấp rằng chủ quyền của những quần đảo này vẫn còn đang trong vòng tranh chấp.

Các tuyên bố lịch sử về chủ quyền tại biển Đông trước Thế chiến Thứ Hai


Có rất nhiều tranh chấp căng thẳng và tiềm tàng giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng Đông Nam Á tại vùng biển phía nam Trung Quốc, bao gồm tranh chấp chủ quyền ở đảo Đông Sa (Pratas - Dongsha), quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, và quần đảo Trường Sa. Tranh chấp công khai về những hòn đảo này đã nổ ra vào năm 1974, khi hải quân Trung Quốc đánh bật hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Hoàng Sa, và một lần nữa vào năm 1988 khi quân đội Trung Quốc đánh bật quân đội Việt Nam ra khỏi bãi đá Gạc Ma (Johnson South Reef) thuộc quần đảo Trường Sa. Bắc Kinh luôn lớn tiếng tuyên bố rằng chỉ Trung Quốc mới có chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa (theo cách gọi của Trung Quốc, và là biển Đông theo cách gọi của Việt Nam - người dịch). Điểm đặc biệt là cả Bắc Kinh và Đài Bắc cùng tranh nhau tuyên bố chủ quyền trên rất nhiều vùng lãnh hải tương tự, bao gồm cả các đảo đang nằm trong sự kiểm soát của Đài Loan như đảo Đông Sa và đảo Ba Đình (Itu Aba) – đảo lớn nhất ở quần đảo Trường Sa.
Đơn phương tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với biển Đông và các đảo phía nam đã được lặp đi lặp lại nhiều lần qua việc Trung Quốc rêu rao rằng đã từng có giao thương hàng hải rộng khắp trong vùng bắt đầu từ thời nhà Hán (206TCN - 220 SCN).
[1] Thời nhà Minh (1368-1644), các đoàn tàu viễn dương Trung Quốc thường đi ngang các vùng nước này để đi đến eo biển Malacca, và các đoàn thuyền đầy chở đầy của cải của Trịnh Hòa (Zheng He) có thể đã ghé lại một vài đảo lớn ở đây. Mặc dù nếu tính tất cả diện tích, lãnh hải bao quanh quần đảo Trường Sa lên đến 180,000 km2, nhưng chỉ khoảng một trên một chục các đảo ở đó là có thể ở được với tổng cộng chưa đến 10 km2 đất liền.[2] Vào giữa thế kỷ 19, nhà Mãn Thanh đã thiết lập được mối quan hệ thương mại “phồn vinh” giữa Đông và Tây và do đó “các thương thuyền Trung Quốc và thương nhân phương Tây đã có thế mạnh trong nền kinh tế khu vực."[3]
Mặc dù các ngư dân Trung Quốc thường đến đánh bắt hải sản ở biển Đông trong hai thiên niên kỷ vừa qua, nhưng chẳng có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc đã đánh dấu các lãnh hải của họ ở biển Đông. Nước phương Tây đầu tiên tuyên bố chủ quyền chính thức đối với Trường Sa là Vương Quốc Anh vào năm 1864, và sau đó Nhật cũng tuyên bố chủ quyền ở đây vào năm 1877 và 1889. Thật ra những hòn đảo này chỉ là một vài đảo trong số hơn 100 hòn đảo trên Thái Bình Dương mà Vương Quốc Anh đã từng tuyên bố chủ quyền để sử dụng chúng như những trạm tiếp liệu. Rất nhiều những hòn đảo như thế sau này đã được chuyển quyền cai quản sang Tân Tây Lan.[4]
Sau xung đột Trung-Pháp 1884-1885, Pháp biến An Nam (Việt Nam) thành một xứ bảo hộ và sau đó thành thuộc địa, và trong chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất năm 1894-1895, Nhật chiếm cứ Đài Loan. Bắt đầu từ đấy, Trung Quốc đã phản đối các hoạt động khai mỏ bất hợp pháp trên các đảo giàu phốt-pho và phân chim ở Đông Sa và Trường Sa. Đó là lý do vào năm 1907 đô đốc Tát Trấn Băng đã dẫn đầu đội hải quân viễn chinh đòi lại những đảo này cho nhà Thanh như đã nhắc ở trên. Sự xuất hiện bất ngờ của đô đốc họ Tát đã buộc những phu mỏ đang làm việc ở đó phải rút lui.
Lo sợ rằng các đảo mà họ tuyên bố có chủ quyền sẽ dần rơi vào tay các nước khác, tháng 9 năm 1909 chính quyền nhà Thanh đổi tên Ủy ban Cải Tổ Hải Quân thành Bộ Hải Quân nhằm chính thức hiện đại hóa hải quân Trung Quốc. Ngay sau khi được đổi tên, Bộ Hải Quân Trung Quốc lập tức tiến hành một số hoạt động trên biển Đông, và vào năm 1909 và 1910, họ đã chính thức tuyên bố sáp nhập những đảo đang còn trong vòng tranh chấp này vào tỉnh Quảng Đông và đồng thời tuyên bố hàng năm sẽ biệt phái một tàu đến biển Đông “để duy trì liên lạc với những người Trung Quốc ở những đảo này.”
[5]
Cùng với sự sụp đổ của Thanh triều, Trung Quốc đã rơi vào tình trạng hỗn loạn trong nhiều năm. Vào năm 1926, hải quân Trung Hoa Quốc Dân Đảng vừa mới thành lập đã xây dựng một trạm vô tuyến ở Đông Sa. Nhân lúc Trung Quốc suy yếu, người Pháp ở Đông Dương đã sát nhập quần đảo Hoàng Sa vào thuộc địa Đông Dương vào năm 1932. Thấy thế, sau khi chiếm được Trung Quốc vào năm 1937, Nhật cũng tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, và Trường Sa. Cũng vào năm đó, Nhật chiếm đảo Đông Sa, bắt giữ và thẩm vấn 29 lính Trung Hoa Quốc Dân Đảng. Quan ngại trước những đe dọa từ Nhật Bản, Pháp đã tức tốc gửi một đội tàu viễn dương tới Hoàng Sa, và chính thức tuyên bố chủ quyền đảo này là thuộc Việt Nam vào ngày 4 tháng 7 năm 1938. Ngay lập tức, chính phủ Quốc Dân Đảng ở Trùng Khánh và chính phủ Nhật Bản đã phản đối hành động của Pháp; thậm chí vào ngày 8 tháng 7 năm 1938 Nhật Bản còn ra tuyên bố phản đối Pháp đã vi phạm chủ quyền của Trung Quốc khi Pháp chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Sau đó, Pháp lại tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần của Liên Hiệp Pháp vào năm 1939. Đáp trả lại, vào ngày 31 tháng 3 năm 1939, Nhật Bản thay mặt Đài Loan, lúc đó đang là một phần của đế quốc Nhật Bản, lên tiếng phản đối về việc tuyên bố chủ quyền của Pháp. Tuy nhiên, khi Pháp rút quân một năm sau đó, Nhật tái chiếm Hoàng Sa, nhưng lúc này không phải trên danh nghĩa cho Đài Loan mà là cho chính chủ quyền của Nhật dựa trên tuyên bố chủ quyền từ năm 1917, mà theo đó chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa là từ 7 đến 12 vĩ độ Bắc và 111’30’’ đến 117 kinh độ Đông! Từ năm 1939 đến 1946, Nhật chiếm đóng đảo Ba Đình, xây dựng các kho nhiên liệu, căn cứ tàu ngầm, và trạm vô tuyến ở đây. Mãi đến gần cuối Thế Chiến Thứ Hai thì Nhật Bản bị buộc phải rút lui.

Các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông sau Thế Chiến Thứ Hai


Trước Thế Chiến Thứ Hai, Trung Quốc đã bỏ mặc Hải Nam mặc dù đã có một trạm hải quân ở Hải Khẩu được xây dựng vào đầu những năm 1900. Mãi đến năm 1926, quân của Tưởng Giới Thạch mới tiếp thu quyền kiểm soát Hải Nam từ tay các lãnh chúa ở Quảng Đông. Tuy nhiên Hải Nam vẫn chưa được dùng làm là căn cứ hải quân hay quân sự quan trọng nào cho đến khi chính phủ bù nhìn Trung Quốc, dưới quyền Vương Tinh Vệ, cho phép Nhật chiếm đóng Hải Nam và Nhật đã nhanh chóng xây dựng một căn cứ không quân và hải quân ở Hải Khẩu vào tháng 2 năm 1939.
Trong thời gian chiếm đóng Hải Nam, người Nhật đã xây dựng nhiều khu công nghiệp và quân sự rộng lớn song song với việc khai thác các mỏ sắt và than đá lớn, cũng như thiết lập những đường xe lửa đầu tiên nối các khu công nghiệp đó với các căn cứ tàu ngầm của Nhật ở Ngọc Lâm (Yulin). Sau khi Nhật rút quân khỏi Hải Nam vào năm 1945, một cơn bão lớn vào năm 1946 đã tàn phá nhiều khu mỏ, đường sắt và các căn cứ hải quân ở đó. Quân đội Trung Quốc thuộc quân khu Bốn đã chiếm được Hải Nam sau khi đè bẹp sự chống trả quyết liệt từ quân đội của Tưởng Giới Thạch vào ngày 1 tháng 5 năm 1950.
[6] Căn cứ không quân Hải Khẩu được chính thức được tái khánh thành bởi tư lệnh quân đội Trung Quốc vào tháng 6 năm 1952. Vào thời điểm đó, hệ thống liên lạc thông tin duy nhất của hạm đội Nam Hải Trung Quốc là một trạm vô tuyến tần số thấp ở Trạm Giang. Mãi đến năm 1957 hải quân Trung Quốc mới bắt đầu mở rộng các cở sở quân sự hạ tầng ở Hải Nam.
Sau Thế Chiến Thứ Hai, Trung Hoa Quốc Dân Đảng lại chiếm lại đảo Đông Sa từ tay Nhật Bản và một lần nữa xây dựng một trạm vô tuyến ở đó. Năm 1947, chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng tuyên bố chủ quyền của họ đối với gần như toàn bộ biển Đông với “đường yêu sách chín đoạn” qua những bản đồ được in ở Trung Quốc vào thời đó. Năm 1949, khi Trung Hoa Dân Quốc phải rút về cố thủ ở Đài Loan thì Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đã tiếp nhận quan điểm chủ quyền “đường yêu sách chín đoạn” nói trên về biển Đông mà còn tranh chấp cả với Đài Loan về chủ quyền quần đảo Đông Sa.
Khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, tranh chấp quốc tế về quần đảo Hoàng Sa lại tái diễn với việc Trung Hoa Quốc Dân Đảng xây một căn cứ trên đảo Phú Lâm (Woody Island) tại phía Bắc nhóm đảo An Vĩnh (hay Tuyên Đức - Amphitrite group), và tái khẳng định các tuyên bố chủ quyền của họ đối với quần đảo Trường Sa bằng cách đóng quân ở đảo Ba Đình từ năm 1948 đến 1950. Trong khi đó, Pháp cho đồn trú hải quân An Nam xa hơn ở phía Tây trên đảo Hoàng Sa thuộc nhóm đảo Nguyệt Thiềm (hay Trăng Khuyết - Crescent group) thuộc quần đảo Hoàng Sa. Khi Trung Hoa Quốc Dân Đảng bị buộc phải rút lui khỏi đảo Hải Nam vào năm 1950, họ cũng bị đánh bật khỏi đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Theo sau việc rút quân của Quốc Dân Đảng, Trung Quốc đưa ra các tuyên bố chính thức về chủ quyền đối với các đảo này và Pháp cũng đại diện Việt Nam tuyên bố chủ quyền như thế. Năm 1951, Nhật Bản từ bỏ tất cả các tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa như là một phần trong Hiệp ước Hòa Bình San Francisco và, một cách gián tiếp, trao quyền quản lý các đảo này cho Pháp. Khi Việt Nam bị chia thành hai miền Nam - Bắc, các đảo này trở thành một phần lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.
Đảo Phú Lâm gần như không có người ở trong suốt những năm cuối của thập niên 1950. Vào năm 1974, lợi dụng cuộc tổng tiến công của quân đội Bắc Việt xuống miền nam Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã đánh bật hải quân Việt Nam Cộng Hòa ra khỏi Tây Hoàng Sa, và một lần nữa tuyến bố chủ quyền với tất cả các đảo ở đây. Sau khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975, chính quyền Hà Nội đã gửi công văn chính thức phản đối Bắc Kinh và tái khẳng định chủ quyền của mình đối với tất cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Năm 1979, e rằng hải quân Trung quốc đang đồn trú ở Trường Sa có thể tham gia vào cuộc xâm lăng Việt Nam, và Trung Quốc rất có thể sẽ tìm cách chiếm thêm nhiều đảo nữa trong vùng đang tranh chấp, một số các tàu chiến Xô-Viết đã được lập tức gửi đến Việt Nam. Ngày 22 tháng 2 năm 1979, tùy viên quân sự Liên Xô ở Hà Nội, Đại tá N.A. Trarkov, thậm chí đe dọa rằng Liên Xô sẽ "thực hiện các nghĩa vụ của họ như đã được thỏa thuận trong hiệp ước hữu nghị Việt – Xô”; một mặt, các nhà ngoại giao Xô-Viết đã tỏ rõ quan điểm của Liên Xô là họ sẽ không can thiệp khi mà xung đột giữa Trung Quốc và Việt Nam còn ở mức hạn chế.
[7]
Năm 1988, Trung Quốc chính thức sáp nhập quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Hải Nam. Tháng 3 năm 1988, hải quân Trung Quốc, gồm ba khu trục hạm có trang bị tên lửa, đã đánh bật bộ đội Việt Nam ra khỏi vị trí họ đang trú đóng tại bãi đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Mặc dù không có thêm những cuộc chạm súng những năm sau đó, quan hệ Việt-Trung vẫn tiếp tục căng thẳng. Ví dụ như là vào năm 1992, tàu chiến Trung Quốc đã áp giải một loạt các tàu hàng Việt Nam, ngược lại vào năm 1994 một tàu nghiên cứu địa chấn, điều hành bởi công ty Crestone Energy - một đối tác đầu khí của Trung Quốc đóng trụ sở ở Colorado, bị một tàu hải quân Việt Nam chĩa súng và ra lệnh rời khỏi khu vực còn trong vòng tranh chấp.
Trong năm 2002, Trung Quốc và các nước thuộc khối ASEAN đã đồng ý giải quyết các tranh chấp còn tồn tại trên nguyên tắc hòa bình. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa. Trong khi đó, vì không được mời, nên trước ngày các hiệp định được ký kết, Đài Loan đã tuyên bố là họ sẽ không tuân thủ bất kỳ một thỏa ước đa phương nào mà họ không được chấp nhận là thành viên. Cần hiểu rằng Đài Loan vẫn đang thực sự kiểm soát một số hòn đảo thuộc loại lớn nhất và sẵn sàng đáp trả với lực lượng hải quân đáng gờm của họ, do đó bất cứ giải pháp lâu dài nào cũng phải tính đến Đài Loan.
Các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông xem ra rất phức tạp. Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ đối với quần đảo Hoàng Sa, trong khi đó Đài Loan và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với đảo Đông Sa và Trung Sa. Đối với quần đảo Trường Sa, thì Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan tuyên bố toàn bộ chủ quyền, các nước Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia và Indonesia có những tuyên bố giới hạn hơn (tuyên bố chủ quyền một phần – người dịch). Ngoại trừ Brunei, thì tất cả các quốc gia trong danh sách kể trên đều đã từng có các hoạt động quân sự để hỗ trợ cho các tuyên bố chủ quyền của họ trong vùng tranh chấp này; chỉ riêng trong năm 1990 đã có trên một chục các báo cáo về tranh chấp lãnh hải ở đây. Tuy nhiên, trong tất cả các nước đang tuyên bố chủ quyền lãnh hải ở biển Đông, chỉ có Trung Quốc liên tục tìm cách xây dựng và củng cố rất nhiều các cơ sở hạ tầng để phục vụ các mục tiêu chiến lược cho một ngày nào đó nếu họ cần dùng đến vũ lực.

Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Đông

Các căn cứ quân sự của Trung Quốc ở biển Đông dần dần được củng cố và có khả năng tác chiến cao hơn. Điển hình là đảo Hải Nam với hạ tầng cơ sở viễn thông được nối kết rất tinh vi và được ngụy trang rất khó phát hiện từ khi Trung Quốc chủ động bành trướng xuống phía nam đảo Hải Nam qua việc cưỡng chiếm Hoàng Sa từ tay Việt Nam vào năm 1974. Trong thập niên 1990 Trung Quốc tiếp tục xây dựng thêm các căn cứ quân sự trên một số hòn đảo khác thuộc quần đảo Trường Sa. Dựa trên các thiết bị điện tử và cơ sở vật chất được quan sát qua vệ tinh, thì đảo Phú Lâm và bãi đá Gạc Ma dường như là hai căn cứ chính cho các hoạt động bành trướng của hải quân Trung Quốc kéo dài từ biển Đông đến tận eo biển Malacca. Các đảo và các rặng đá ngầm khác có vũ trang của Trung Quốc được nối kết qua vệ tinh hay trạm vô tuyến mặt đất, và thậm chí họ còn có mạng Internet để liên lạc giữa các tướng lĩnh địa phương và các hạm đội. Đó là chưa kể đến các thiết bị điện tử tinh vi trên các chiến đấu cơ, tàu chiến, và tàu ngầm, tất cả đều phục vụ vào việc tăng cường tiềm năng quân sự sẵn có trên đất liền của Trung Quốc rất nhiều.[8]

Các căn cứ quân sự trên đảo Hải Nam
Phần lớn các căn cứ quân sự ở bờ biển phía nam Trung Quốc được kết nối vô tuyến với các hoạt động hải quân ở ngoài khơi. Trung tâm đầu não của hệ thống viễn thông này dường như tập trung ở đảo Hải Nam. Mặc dù là tỉnh nhỏ nhất của Trung Quốc tính về mặt lãnh thổ, chỉ khoảng 35000 km2, tỉnh Hải Nam là nơi đặt tổng hành dinh của Cục bờ biển và hải đảo Trung Bộ, Tây, và Nam Trung Quốc để giám sát quần đảo Hoàng Sa, Trung Sa, và quần đảo Trường Sa. Theo tính toán này, vùng biển đảo Hải Nam xấp xỉ khoảng 2 triệu km2, hay là gấp 50 lần diện tích lãnh thổ đất liền của nó cho nên việc quản lý của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải này rất là khó khăn và tốn nhiều thời gian.[9]
Để kiểm soát được một khu vực rộng lớn như thế, một ra-đa lớn loại quét sóng quá chân trời (Over The Horizon Backscatter Radar- OTHB Radar) được đặt gần bờ biển Hải Nam và chĩa thẳng về hướng Nam. Trong thập niên 1970, Trung Quốc đã từng thử nghiệm radar loại OTH có đường kính 2,3 mét với khả năng phát hiện tàu qua lại trong vòng bán kính 250 km.[10] Để tuần tra khu vực này, các tàu hải quân Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị có khả năng bắt tín hiệu vệ tinh của Trung Quốc cũng như là của nước ngoài. Một thiết bị hướng dẫn hải quân chính khác là hệ thống định vị mặt đất kỹ thuật số DGPS, được sản xuất bởi công ty thiết bị viễn thông Hoa Kỳ, công ty Communication Systems International, có độ chính xác khoảng 5 đến 10m trong phạm vi hoạt động 300 km. Việc nghiên cứu được bắt đầu vào thập niên 1970 qua ba trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến điện công suất lớn ở miền nam Trung Quốc. Trong khi đó các trạm tín hiệu hỗ trợ hướng dẫn vô tuyến kết nối hàng hải (RBN-DGPS) được đặt ở Tam Á, Hải Khẩu, và Haifou. Một trạm tín hiệu DGPS khác có công suất cao hơn với tần số 295 kHz được đưa vào hoạt động vào năm 1999 tại Tam Á, và sau đó thêm hai trạm ở Yangpu và Baohujiao cũng tại miền nam Trung Quốc.
Từ năm 2000, Trung Quốc đã phóng ba vệ tinh lên quỹ đạo không gian để thiết lập cho riêng họ hệ thống vệ tinh định vị Beidou, còn gọi là “Big Dipper”. Khác với hệ thống GPS của Mỹ và GLONASS của Nga, Beidou là hệ thống vệ tinh định vị khu vực. Từ khi được đưa vào hoạt động vào năm 2008, hệ thống định vị Beidou đã giúp Trung Quốc ít lệ thuộc hơn và đang dần dần “trở thành một đối thủ đáng gờm đối với vai trò tiền phong của các vệ tinh định vị của Mỹ và châu Âu,”[11] đặc biệt là một thách thức đối với vị trí dẫn đầu trong hai thập niên qua của hệ thống định vị GPS của Mỹ. Mặc dù chỉ có khả năng giúp định vị một cách hạn chế, chủ yếu là vùng bờ biển Trung Quốc, hệ thống Beidou có thể phủ sóng tới toàn bộ phần lãnh hải mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền ở biển Đông.
Trong khi đó, dịch vụ kiểm soát hàng hải (VTS) được đặt ở Trạm Giang với sự hỗ trợ của hệ thống vi tính hiện đại và các radar được xây dựng dọc theo bờ biển phía Tây Hải Nam tại Dong Fang và ở Hải Khẩu. Hệ thống kiểm soát hàng hải này “được trang bị một trạm radar tần số X - một ở trong đất liền và ba được điều khiển từ xa cùng một thiết bị xác định phương hướng tần số VHF.”[12] Đa số các thiết bị vô tuyến cao cấp kể trên Trung Quốc đã mua của công ty Hoa Kỳ Lockheed Martin nhằm trang bị các phần cốt lõi của hệ thống hàng hải viễn liên. Vì các căng thẳng liên tục với Việt Nam, Trung Quốc cũng đặt mua một số hệ thống tình báo điện tử (ELINT) quan yếu để lắp đặt trên đảo Hải Nam gồm có một trạm tại phía Tây Nam và một trạm ở bờ biển phía Đông Nam thuộc căn cứ không quân Lăng Thủy (Lingshui), khu liên hợp quân sự được thành lập vào năm 1968 và sau đó được mở rộng rất nhiều vào năm 1995, với khoảng 1000 chuyên gia phân tích tín hiệu ở đây. Một trung tâm thu thập tín hiệu vệ tinh cùng một khu liên hợp vi tính kết nối với Bắc Kinh có thể được đặt ở Trường Thành (Changcheng), Hải Nam, mặc dù vai trò chính thức của khu liên hợp này là để hỗ trung tâm hải dương học quốc gia thu thập các số liệu về thời tiết từ một trung tâm thời tiết của Trung Quốc đặt ở Nam cực.
Để hỗ trợ cho các hoạt động tàu ngầm ở khu vực này, một trạm vô tuyến tần số thấp công suất cao đã được xây dựng ở Hải Nam vào năm 1965. Một căn cứ tàu ngầm ở Ngọc Lâm (Yulin) được nối kết chặt chẽ với Tổng hành dinh của các tàu nhỏ và tàu ngầm Thứ 32. Những trung tâm này bao gồm việc thông tin vô tuyến tần số rất thấp (VLF) với tàu ngầm và các tàu mặt biển ở vùng biển Đông. Tính tới năm 1985, năm trung tâm vô tuyến VLF được đặt ở Phúc Châu (Fuzhou), Lữ Thuận Khẩu (Lushun), Ninh Ba (Ningbo), Trạm Giang (Zhanjiang), và Ngọc Lâm (Yulin). Ngoài các nhiệm vụ dân sự kể trên, hệ thống quản lý giao thông vô tuyến này còn giúp điều phối một cách hiệu quả các tàu ngầm quân sự đang di chuyển trong vùng nước nông trên eo biển Quỳnh Sơn (Qiongzhou) nằm giữa đảo Hải Nam và lục địa.

Các căn cứ quân sự ở Hoàng Sa
Quần đảo Hoàng Sa là nơi Trung Quốc có các căn cứ quân sự đứng thứ hai về tầm quan trọng chỉ sau Hải Nam xét về phương diện hệ thống hỗ trợ điện tử vô tuyến. Một bức không ảnh về Hoàng Sa vào thập niên 1980 cho thấy một chuỗi ăng-ten lớn gồm 16 cái, mỗi cái gồm 8 nhánh ăng-ten trời (Yagi cross arm). Đây có thể là một trạm VHF, nhưng lại được miêu tả rất khác nhau như là một ăng-ten thông tin vệ tinh,”[13] hay là một mảnh hình thánh giá của radar cảnh báo thế hệ cũ.[14] Đảo Phú Lâm hình như được trang bị một radar tiếp cận chính xác (PAR), tần số X kiểu 791. Tháng 6 năm 2001, có một nguồn tin không chính thức cho rằng Trung Quốc đã đưa tên lửa chống hạm HY-2 lên đảo. Nếu tin đồn này là đúng thì nhiên hậu Trung Quốc sẽ phải xây dựng một radar thám sát tầm xa đặt trên đảo để phát hiện các mục tiêu di động trên mặt biển Đông.[15]
Đầu tiên Trung Quốc đã xây dựng một đường băng dài khoảng 360 mét ở đảo Phú Lâm.[16] Sau đó, đường băng được mở kéo dài thành trên hai kí-lô-mét, và cuối cùng là hai kí-lô-mét rưỡi. Đường băng bê-tông này có thể tiếp nhận các máy bay ném bom và các máy bay vận tải lớn. Trong khi đó, một cầu tàu dài hơn được xây dựng để tăng cường cho cầu tàu duy nhất trên đảo. Gần với đường băng là “một khu chứa máy bay bao gồm bốn nhà khối bê tông có mái che, mỗi cái có thể chứa hai máy bay chiến đấu, và một bãi đậu có thể chứa thêm 30 chiếc nữa. “Ngoài ra còn có thêm một khu đặt súng cao xạ bắn máy bay ở đầu cuối phía Bắc đảo Phú Lâm. Từ năm 1991, cả thảy đã có 67 chiến đấu cơ với tổng cộng 14 lần điều động đến đảo này.”[17]
Đảo lớn nhất ở quần đảo Hoàng Sa cũng có tên là Hoàng Sa (Pattle Island), nơi từng đặt một trạm ghi nhận thời tiết. Trong khi đó một cảng thuộc đảo Quang Hòa Đông (Duncan) – đảo lớn thứ hai ở Hoàng Sa mà theo báo cáo đã được mở rộng với việc gia cố các công sự phòng thủ và lắp đặt các trang thiết bị điện tử viễn thông. Mặc dù chưa thấy có tin tức gì về các thiết bị vô tuyến được xây dựng trên đảo Duy Mộng, trọng tâm của cuộc hải chiến Việt Trung vào năm 1974, nhưng giữa năm 1995, một trạm thám báo vô tuyến mới được đưa vào hoạt động ở đảo Hòn Đá (Rocky) gần đảo Phú Lâm.[18]
Mặc dù Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố là sẽ không can thiệp vào việc tự do đi lại của các tàu bè quốc tế, nhưng họ từ chối minh bạch hóa những vùng nào mà họ tuyên bố là có chủ quyền. Bằng cách vẽ “đường yêu sách chín đoạn” bao quanh quần đảo Hoàng Sa, Bắc Kinh rõ ràng đã đơn phương sát nhập vào họ các vùng lãnh hải và không phận thuộc vùng tự do đi lại quốc tế từ xưa đến nay. Theo Mark Valencia, rất có thể Bắc Kinh sau này sẽ bắt buộc các tàu bè qua lại phải xin phép khi đi qua các vùng đang được tự do di chuyển hiện nay. Dĩ nhiên là bây giờ Trung Quốc chưa thể áp đặt một chính sách như thế nhưng khi họ đủ mạnh, họ có thể sẽ thực hiện điều này.[19] Việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự và thám báo trên quần đảo Trường Sa khiến khả năng có một chính sách kiểm soát qua lại trên biển Đông nghiêm ngặt như thế ngày càng trở nên hiện thực hơn.

Các căn cứ trên quần đảo Trường Sa

Mặc dù phân tán trên một vùng rộng lớn, một vài đảo thuộc quần đảo Trường Sa có thể trở thành căn cứ quân sự của Trung Quốc. Trong quá khứ quần đảo Trường Sa gần như không có người ở cho mãi đến Thế Chiến Thứ Hai khi Nhật Bản xây dựng các công sự ở đảo đá Danger (Danger Reef- nay là đảo đá Kingman – người dịch), cồn Tizard (Tizard Bank) và đảo Nam Yết (Namyit); rất nhiều khu vực đó hiện nay đang có quân đội Việt Nam và Philippines trú đóng. Đảo Ba Đình là một trong những đảo nằm xa nhất về hướng Bắc của quần đảo Trường Sa và là một trong số rất ít những đảo đủ lớn để xây dựng một sân bay và một căn cứ tàu ngầm.[20] Đài Loan vẫn tiếp tục chiếm giữ đảo Ba Đình, và gần đây đã kéo dài đường băng ở đấy để có thể tiếp nhận được những máy bay trọng tải lớn hơn.
Trung Quốc đang tìm mọi cách để nhanh chóng thay đổi cán cân quyền lực mỏng manh trong vùng bằng cách xây dựng các căn cứ ở những đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa này. Vào thập niên 1980, các cuộc tuần tra trên biển bằng các tàu nghiên cứu đại dương đều được các tàu chiến Trung Quốc hộ tống. Sau khi các tàu dân sự và tàu khoa học thăm dò khu vực này vào tháng 10 năm 1987, Trung Quốc đánh chiếm bãi đá Chữ Thập (Fiery Cross Island hay là Chigua Atoll) vào tháng 3 năm 1988. Các bức không ảnh cho thấy một tòa nhà xi-măng dài trên bãi đá chữ thập có vẻ giống như các ăng-ten ra-đa HF tiêu chuẩn của các tầu chiến:
Một ăng-ten Trung Quốc làm nhái theo kiểu Bean Sticks của Mỹ có tần số từ 70 đến 73 MHz và phạm vi hoạt động trong vòng bán kính 180 km. Hai vòm của hai ăng-ten phát sóng đặt trên tòa nhà tương tự như là thiết bị RWS-1 đặt trên các khu trục hạm của Mỹ. Một vài cáp của ăng-ten truyền thông và cột ăng-ten cao hơn cũng được đặt trên nóc nhà.[21]
Vào năm 1988-1989, vài chục tàu chiến Trung Quốc cũng tiến hành các cuộc tập trận lớn trùng với việc chiếm đoạt thêm một số dải đá ngầm chiến lược ở quần đảo Trường Sa. Sau đó vào tháng 11 năm 1990, Trung Quốc công bố một bản báo cáo về hải lưu rất dài của các tàu “nghiên cứu”.[22] Tới thập niên 1990, Trung Quốc lại khởi công xây dựng các trạm đóng quân tạm thời và các công trình bát giác bằng gỗ trên các cọc gỗ ở sáu rặng đá ngầm. Những công sự này được chính quyền Bắc Kinh gọi là “những chòi trú bão”.[23]
Một căn cứ quân sự nhỏ khác cũng được xây dựng ở bãi đá Gạc Ma. Theo các bức không ảnh, các nhà gỗ bát giác tạm thời này ban đầu được xây trên những cọc gỗ nhưng đến năm 1989 thì hai ăng-ten liên lạc vệ tinh đường kính 2,5m đặt cạnh một trụ ăng-ten cao 2,4m được lắp đặt trên hai tòa tháp tròn xi-măng nằm trên hai đầu của một tòa nhà xi măng hai tầng. Trong khi đó ở rặng đá Su bi (Subi Reef), Trung Quốc cho xây một trại lính và một tòa nhà hai tầng cùng với một ăng-ten liên lạc vệ tinh. Trạm này cũng có “một sân đáp trực thăng và một cầu xi-măng kiên cố với nhịp uốn xi măng nối liền với tòa nhà sở chỉ huy.”[24]
Năm 1995, Trung Quốc bắt đầu xây dựng trên bãi đá Vành Khăn (Mischief Reef) và tháng 10 năm 1998 họ bắt đầu mở rộng thêm với việc lắp đặt những chảo ăng-ten vệ tinh 2,5m. Theo một nguồn tin, những tòa nhà xi-măng 2 tầng này giống với những công sự phòng thủ được trang bị với những ăng-ten râu tần số cao liên lạc trực tiếp qua vệ tinh.[25] Hai năm sau đó, các bệ súng và các thiết bị điện tử chính được lắp đặt thêm ở một tòa nhà nhỏ hơn ở phía Bắc. Các cầu tàu, bãi đáp trực thăng, và một số súng phòng không đã được dựng lên, cùng với một hệ thống tên lửa chưa xác định được là loại gì. Có một vài báo cáo cho rằng đó là những tên lửa chống hạm Silkworm.[26]
Trong khi đảo Hải Nam là nơi đồn trú tất cả các căn cứ hải quân và không quân chủ lực, thì các phương tiện thiết bị nhỏ hơn nhiều ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa giúp liên lạc và thám báo cho các cuộc viễn chinh hàng hải trong tương lai và cho các tàu ngầm Trung Quốc thường xuyên qua lại biển Đông. Để hỗ trợ cho các tàu trên mặt biển, Trung Quốc đã dần dần tăng số lượng máy bay, tàu ngầm và hạm đội trong vùng này. Vài năm gần đây, Hải quân Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động tuần thám và tập trận ở rất xa vươn tới vịnh Bengal và biển Andaman, nơi mà Trung Quốc bắt đầu xây dựng trạm tình báo điện tử (SIGINT) quan yếu đời mới vào năm 1993, và “đang nắm quyền kiểm soát đảo Coco của Miến Điện với hệ thống thám báo vô tuyến điện tử và ra-đa công suất cao của Nga cùng với các trạm thám báo điện tử bổ sung ở Man-aung, Hainggyi và Zadetkyi Island.”[27]

(xem tiếp phần 2)





No comments:

Post a Comment