Wednesday, November 18, 2009

CÁC TRANH CHẤP LÃNH HẢI và TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI CHIẾN LƯỢC BIỂN (2)

thời đại mới
TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU & THẢO LUẬN

Số 17 - Tháng 11/2009
http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai17/200917_BruceElleman.htm


Các tranh chấp lãnh hải và tác động đối với chiến lược biển: Một góc nhìn lịch sử. *
Bruce A. Elleman

Giáo sư Trường Cao đẳng Hải quân Mỹ
(US Naval War College)

*Đây là bản dịch Chương 3: “Maritime territorial disputes and their impact on maritime strategy: A historical perspective” trong cuốn Security and International Politics in the South China Sea (An ninh và chính trị quốc tế ở biển Đông) do Sam Bateman và Ralf Emmers chủ biên, NXB Routledge, New York, 2009, tr. 42-57. Tạp chí Thời Đại Mới giữ bản quyền bản dịch này.

--------------------------------------


Các lực lượng hải quân, tàu ngầm và thủy lục không quân của Trung Quốc

Hạm đội Nam Hải cuả Trung Quốc đóng ở Trạm Giang (Zhanjiang), tỉnh Quảng Đông. Trực chỉ về hướng nam, đảo Hải Nam, là căn cứ cho rất nhiều máy bay đánh chặn tầm xa SU-27K và hạm đội tàu ngầm Thứ 32. Từ đây, các lực lượng mặt biển tinh nhuệ của Trung Quốc được hỗ trợ bởi các trạm thám báo vô tuyến ở Hoàng Sa và Trường Sa với thông tin liên lạc, thông tin tình báo và hậu cần hải quân. Các căn cứ trải rộng như vậy cũng giúp đỡ các hoạt động hàng hải khác của Trung Quốc gần đây được nhắc đến như là những mắt xích quan trọng trong “chuỗi ngọc trai”, nối Trung Quốc với các nhà cung cấp dầu quan trọng ở Trung Đông.
[28]

Thủy không quân
Để hỗ trợ cho các mục tiêu hàng hải trên biển Đông, Trung Quốc phải gia tăng tối đa việc kiểm soát không phận của họ. Hải quân và không quân hỗ trợ các hoạt động chiến đấu ở Hoàng Sa vào thập niên 1970 và ở quần đảo Trường Sa vào thập niên 1980. Việc hỗ trợ bằng không quân này đã tăng theo thời gian rất nhiều từ việc cung cấp các máy bay trực thăng cho đến các máy bay ném bom hải quân. Trong suốt hai thập niên vừa qua, quân số của hải quân và không quân Trung Quốc đã tăng gấp đôi, từ 15.000 lên hơn 30.000, và số lượng máy bay tăng từ 400 lên 700 chiếc. Việc tăng cường khả năng tiếp nhận của thủy không quân vào biển Đông càng được đẩy mạnh hơn nữa bằng việc hoàn thành đường băng trên đảo Phú Lâm. Một bức ảnh vệ tinh vào tháng một năm 1999 đã cho thấy một cơ sở tiếp nhiên liệu cho các máy bay hải quân đang được xây dựng.
[29] Cùng với việc có thể chứa một lúc đến 1000 binh sĩ ở Hoàng Sa, các quan sát không ảnh cũng cho thấy: “các máy bay đặt căn cứ ở đảo Phú Lâm có thể vươn tới nhiều mục tiêu dọc bờ biển Việt Nam và các đảo Trường Sa.”[30]
Trung Quốc cũng đang tiến hành kết nối các hệ thống hướng dẫn hàng hải, bao gồm mạng lưới hỗ trợ hướng dẫn bao quát tầm xa từ Hàn Quốc cho tới Hải Nam với tầm hoạt động vào ban ngày là 1200-1700km, có thể vươn tới Đài Loan và Nhật Bản, và tầm hoạt động ban đêm có thể đạt tới gần 3000km. Vào tháng 4 năm 1984, Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh đầu tiên của họ dùng sức đẩy của tên lửa Trường Chinh-3. Kể từ đó, đã có thêm hàng chục cuộc phóng vệ tinh khác trong đó ít nhất đã có 9 vệ tinh viễn thông thuộc 3 kiểu khác nhau được sử dụng để hỗ trợ các phương tiện liên lạc quân đội của Trung Quốc.
Trung Quốc không thiết kế hay là phóng các vệ tinh hải dương học cảm ứng từ xa, mà nâng cấp các trạm thu tín hiệu trên mặt đất của Cục Hải dương học Trung Quốc để có thể thu thập các thông tin dữ liệu giúp giám sát đại dương từ các vệ tinh nước ngoài như các vệ tinh của Nhật Bản, GMS, Landsat, Nimbus-1, và NOAA của Mỹ
Trung Quốc cũng lắp đặt các trang thiết bị đặc biệt cho nhiều tàu nghiên cứu hải dương học của họ. Mười tàu nghiên cứu hải dương lớn Xiang Yang Hong (East is Red) có trọng tải rất khác nhau từ 15.000 tấn đến chỉ có 1.000 tấn. Ngoài ra cũng có khoảng mười hai tàu nghiên cứu hải dương học khác, mỗi chiếc khoảng 3000 tấn, và nhiều tàu nhỏ được trang bị hiện đại để khảo sát đại dương. Tất cả những con tàu này đều có thể được sử dụng để hỗ trợ cho việc phát triển hạm đội tàu ngầm Trung Quốc

Các tàu ngầm của Trung Quốc.
Các điểm dễ xảy ra xung đột ở biển Đông có thể cần đến tàu ngầm vì theo báo cáo trong trận hải chiến Trung-Việt ở quần đảo Hoàng Sa năm 1974 có cả 2 tàu ngầm Trung Quốc tham gia. Trong suốt thập niên 1970, Ngọc Lâm trở thành căn cứ của Hạm đội tàu ngầm Thứ 32. Cuối thập niên 1980, tàu ngầm tiếp nhiên liệu 10.000 tấn R-327 Yong Xing Dao đã hỗ trợ các tàu Yulin kiểu 033. Các hoạt động sửa chữa và bảo trì lớn cho các tàu ngầm ở Nam Hải được thực hiện tại xưởng đóng tàu ngầm ở Quảng Châu phía nam Trung Quốc. Ngoài 3 tàu ngầm loại Dajang dùng hỗ trợ các tàu mặt biển được đóng từ 1978 đến 1980, Trung Quốc còn có khoảng 10 tàu ngầm cứu hộ dùng hỗ trợ các tàu mặt biển khác được phân bổ rải rác ở các căn cứ.
Đầu thập niên 1990, các tàu ngầm Trung Quốc có thể đi đến bất cứ chỗ nào trong vùng biển Đông đang tranh chấp để chứng tỏ các tuyên bố chủ quyền của mình. Các căn cứ tàu ngầm Trung Quốc có thể sẵn sàng hoạt động không chỉ ở quần đảo Hoàng Sa, bao gồm cả đảo Phú Lâm, mà còn có thể vươn xa tới Ấn Độ Dương. Ấn Độ đã từ lâu nghi ngờ căn cứ hải quân mà Trung Quốc xây dựng ở Myanmar vào năm 1992 có thể một ngày nào đó được sử dụng để hỗ trợ cho các tàu ngầm của hải quân Trung Quốc. Được đặt ở đảo Hainggyi trên sông Irrawaddy, căn cứ này có thể mở rộng ra đến vịnh Bengal và Ấn Độ Dương. Căn cứ này có vị trí chiến lược rất quan trọng vì ngoài việc cung cấp thông tin tình báo cho các căn cứ và cho các tàu mặt biển hay tàu ngầm, nó còn được nối trực tiếp với tỉnh Côn Minh Trung Quốc chỉ qua một con sông và một hành lang đường bộ
Việc Trung Quốc mua các tàu ngầm loại Kilo của Nga và việc Trung Quốc tiếp tục tự sản xuất các tàu ngầm sơ khai chạy bằng diesel càng làm gia tăng mối đe doa đối với các nước đang có tuyên bố chủ quyền một phần hay toàn bộ ở biển Đông. Các cở sở hạ tầng hỗ trợ cho tàu ngầm của Trung Quốc đang được gấp rút triền khai. Trong tháng 5, 2005, một tàu ngầm nguyên tử kiểu Hán đã bị phát hiện đang dừng lại ở đảo hải Nam. Đây là “lần đầu tiên một tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử được chính thức triển khai ở biển Đông, cho thấy tầm quan trọng chiến lược của vùng này đối với Trung Quốc.”
[31]
Lực lượng tàu ngầm ngày càng đóng vài trò quan trọng hơn đối với hải quân Trung Quốc qua việc một số lớn tàu đang được chuyển về phía Nam để sẵn sàng cho các hoạt động trên biển Đông. Trước đây các tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc chỉ là để bảo vệ các cơ sở phương tiện của hạm đội phương Bắc nhưng từ thập niên 1990, Trung Quốc đã xây dựng các đường hầm bí mật cho các tàu ngầm ở phía Nam. Những đường hầm này, mỗi cái có vài cửa, được báo cáo là đặt ở Yalongwan.[32] Nếu các báo cáo này là đúng sự thật, thì các cơ sở này có thể chứa được các tàu lớn, ngay cả các tàu ngầm nguyên tử và thậm chí cả Luyang DDGs (các tàu khu trục có dàn phóng tên lửa).[33] Vào tháng 2 năm 2008, một tàu ngầm kiều Jin bị chụp ảnh tại căn cứ Ngọc Lâm ở đảo Hải Nam.
Trong suốt thập niên vừa qua, việc Trung Quốc mua của Nga 4 khu trục hạm có trang bị tên lửa loại Sovremenny và thêm 8 tàu ngầm diesel loại Kilo đã tăng cường một cách cực kỳ nhanh chóng tiềm năng quân sự của Trung Quốc ở biển Đông. Mối đe dọa của các tàu ngầm Trung Quốc thực nghiêm trọng vì trong khi tổng số tàu ngầm đang hoạt động của Trung Quốc là 30 chiếc, so với 50 chiếc của hải quân Mỹ, nhưng số tàu ngầm Trung Quốc đã đóng mới trong năm năm vừa qua nhiều hơn Mỹ gấp 8 lần! Một chuyên gia quân sự cho rằng, “Mặc dù tính tổng quát họ vẫn chưa bắt kịp Mỹ nhưng chỉ đến cuối thập niên này thôi, Trung Quốc sẽ có nhiều tàu ngầm hơn Mỹ.”
[34] Cứ với đà này Trung Quốc sẽ đủ sức trong việc sử dụng sức mạnh tàu ngầm để cũng cố quyền kiểm soát phần lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp tại biển Đông.

Các đơn vị hải quân Trung Quốc.
Biết là có nhưng lực lượng thủy quân lục chiến của Trung Quốc ít được biết đến trước đây. Lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên của Trung Quốc gồm khoảng 4000 lính và thiết giáp lội nước được thành lập ở Hải Nam vào thập niên 1980, trong khi một lữ đoàn thủy quân lục chiến thứ hai gồm 5000 lính được thành lập ở Trạm Giang năm 1991. Thay vì đặt căn cứ gần vùng tranh chấp Đài Loan, nơi đáng lẽ ra là địa điểm hợp lý nhất, lữ đoàn thủy quân lục chiến đầu tiên này lại được đặt căn cứ ở Hải Nam. Điều này cho thấy chủ ý của Trung Quốc là nhắm tới phía nam, và rõ ràng là họ đang lên kế hoạch sử dụng hải quân để hỗ trợ cho những hoạt động cả ở trên lục địa và lãnh hải ở biển Đông. Những sự kiện sau đó, chẳng hạn như là việc Trung Quốc chiếm nhiều đảo và đảo san hô trong suốt thập niên 1980 đã minh xác quan điểm này.
Hải quân Trung Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong những xung đột ở biển Đông. Quần đảo Hoàng Sa đã bị đánh chiếm từ tay Nam Việt Nam bằng vũ lực vào ngày hai ngày 19 và 20 tháng 1 năm 1974. Trong trận hải chiến này hải quân của Trung Quốc, với sự tham gia của 42 tàu chiến đủ kích cỡ và chủng loại, đã đánh bại hải quân Việt Nam. Trận chiến dành đảo Quang Hòa Đông (Duncan Island) được triển khai với một số tàu ngư lôi, 2 tàu đánh cá lưới rà có vũ trang, và một tàu biển đổ bộ, được hỗ trợ bởi các chiến đấu cơ Mig đồn trú ở đảo Hải Nam.
Vào thập niên 1980, có một vài báo cáo cho rằng quân đoàn hải quân Trung Quốc đã lớn mạnh và chia thành ba hạm đội, gồm tổng cộng 56000 quân. Đầu thập niên 1980, Trung Quốc cũng thành lập các hạm đội nhỏ phản ứng nhanh, hầu hết là để bảo vệ trong nước và biên giới, nhưng một hạm đội lớn hơn dành cho các hoạt động tấn công ven biển được thành lập ở Vùng Quân Sự Quảng Châu vào năm 1990. Vào tháng 11 năm 1995, một cuộc tập trận có đổ bộ lên đất liền lớn nhất đã diễn ra ở đây.
Để hỗ trợ cho hải quân, một loạt thuyền đổ bộ đất liền được đóng ở Trung Quốc. Từ năm 1962 đến năm 1972, Trung Quốc đã đóng tổng cộng 50 chiếc LCM lớp Yuqin (tàu đổ bộ hạng trung). Vào năm 1968, Trung Quốc lại bắt đầu cho đóng hơn 30 chiếc LCM lớp Yuchai và 235 chiếc LCM lớp Yunnan. Giữa năm 1972 và 1974 có đến 23 chiếc LCU hạng Yuling (hệ thống phụ trợ tàu đổ bộ) được đóng. Còn tàu đổ bộ lớn nhất đầu tiên được thiết kế và đóng tại Trung Quốc vào năm 1979 là chiếc LST (tàu đổ bộ với xe tăng lội nước) loại Yukan 4100 tấn. Tổng cộng bảy chiếc tàu thuộc loại này đã được hoàn thành từ năm 1980 đến năm 1995 bắt chước loại tàu American World War II LSTs mà Trung Quốc đã tiếp thu được vào năm 1949, loại LST lớp Yukan này có thể chở tới 5 xe tăng cùng với các loại xe cơ giới và binh lính.
Vào năm 1980, Trung Quốc bắt đầu xây dựng các xe chuyển lính lớp Qiongsha 2150 tấn mà mỗi lần có thể chuyên chở 400 lính. Hai chiếc Qiongsha khác cũng được đóng để làm tàu bệnh viện để cứu thương cả trên đất liền và trên biển.
[35] Năm 1980 cũng tiến hành đóng 4 chiếc LSM (landing ships medium – tàu đổ bộ cỡ trung- người dịch) lớp Yudao trọng tải 1460 tấn, và trong suốt năm 1991 đến năm 1996 tiến hành đóng 6 chiếc cỡ lớn LST lớp Yuting. Những chiếc này có trọng tải lên đến 4800 tấn gồm 10 xe tăng, 4 LCUs cho 250 lính , và 2 máy bay trục thăng cỡ trung. Chiếc LST lớp Yuting này có trọng tải này gấp 2 lần so với LST của Mỹ hoặc loại LST lớp Yukan của Trung Quốc được đóng trước đó. Vào năm 2000, Trung Quốc bắt đầu cho đóng các LST hạng Yuting, được biết đến với tên gọi Yuting – III . Ít nhất 4 chiếc loại này đã được hoàn thành.
Việc đóng quân của lực lượng hải quân Trung Quốc và các tàu hỗ trợ ở đảo Hải Nam cho thấy rằng họ đang chuẩn bị các cơ sở cần thiết để sử dụng những con tàu đổ bộ và hải quân cho những cuộc xung đột ở biển Đông. Vào tháng 3 năm 1992 , trước những báo cáo về tình hình khoan dầu tại biền Đông của Việt Nam, hải quân Trung Quốc đã đổ bộ lên dải đá ngầm Da Ba Dau, gần đảo Sinh Tồn do Việt Nam nắm giữ, và một cuộc chạm sung đã diễn ra vào ngày 19 tháng 3 năm 1992. Bốn tháng sau đó hải quân Trung Quốc lại đổ bộ lên dải Da Lac trên cồn Tizard. Một chuyên gia hải quân đã có giả thuyết rằng, những hành động của Trung Quốc “là một lời cảnh cáo đinh tai nhức óc tới những nước láng giềng để họ hiểu rằng họ không thể thoát khỏi tay Trung Quốc khi tính đến chuyện khai thác những nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực”.
[36]
Nhờ vào các thủy không quân, tàu ngầm, lực lượng hải quân của PLAN đóng tại đảo Hải Nam và một số đảo xa bờ, Trung Quốc có thể tiến hành rất nhiều hoạt động quân sự ở biển Đông. Từ các căn cứ kể trên, quân đội Trung Quốc có thể:
dùng tàu để ngăn chặn đối phương đến từ rất xa - nếu tính từ Trung Hoa lục địa. Một lực lượng hải quân như vậy có thể làm khó dễ cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu, đặc biệt là những con tàu chở dầu tới Nhật Bản và Hàn Quốc. Quan trọng là hạm đội Nam Hải có một dải đất lớn nhất để tập trận, tổng cộng có 7 bãi tập trận.
[37]
Hải lực hung hậu này một ngày nào đó sẽ giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu chiến lược dài hạn là nắm quyền kiểm soát hoàn toàn biển Đông.

Mục tiêu chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông

Sau khi tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ biển Đông, Trung Quốc liên tục lập luận rằng họ cần khai thác trữ lượngdầu khí để phát triển nền kinh tế. Trong suốt thập niên 1990, Việt Nam liên tục phản đối hoặc điều động tàu để can thiệp và gây trở ngại cho việc khảo sát dầu khí của Trung Quốc. Vào ngày 25 tháng 2 năm 1992 , Đại Hội đại biểu Nhân dân toàn quốc đã thông qua luật của Trung Quốc về hải phận và những vùng tiếp giáp. Bất chấp những phản đối gay gắt từ phía Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Phillipines, Indonesia, và Brunei, Trung Quốc vẫn khăng khăng tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với tất cả đảo, rặng đá ngầm và những bãi đá ở quần đảo Trường Sa.
Ngoại giao có thể là con đường mà Bắc Kinh sẽ chọn để giải quyết cuộc tranh chấp này, nhưng sự lớn mạnh rất nhanh của hải quân Trung Quốc rõ ràng đóng một vai trò rất quan trọng. Theo Giang Trạch Đông (Yuan Jing-dong), chiến lược của Trung Quốc gồm hai bước: “Bước đầu là dùng ngoại giao là để duy trì tình hình hiện tại và phát triển hợp tác; đồng thời với việc tăng cường sức mạnh hải quân để trong trường hợp ngoại giao không được thì mới phải dùng đến vũ lực”.
[38] Vào năm 1995, Phillipines và Trung Quốc đã thông qua 8 “nguyên tắc ứng xử”. Tuy nhiên , Bắc Kinh vẫn tiếp tục nâng cấp các công sự ở Trường Sa mặc dù đang có những tranh chấp với Phillipines về chủ quyền đối với bãi cạn Scarborough (Scarborough Shoal-Huangyan Dao), bãi đá lộ Luzon. Theo một bản báo cáo từ trung tâm nghiên cứu chiến lược RAND thì từ năm 1999, những việc như vậy chứng tỏ rằng “Trung Quốc có thể dùng vũ lực để thực hiện các tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đang trong vòng tranh chấp ở biển Đông”[39]
Chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và những lợi ích kinh tế luôn đi đôi với nhau vì những hải lộ quan yếu, các vùng đánh bắt thủy sản trù phú, và hàng loạt tiềm năng dầu khí ở biền Đông. Đặc biệt là trữ lượng lớn dầu khí của Trung Quốc đều nằm ở ngoài khơi, và vì những khu vực này đều nằm ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của quân đội Bắc Kinh, những mối đe doạ này chỉ có thể giải quyết bởi lực lượng hải quân và không quân. Rất nhiều nguồn năng lượng ngoài khơi vẫn chưa được khai thác và những ước tính của Trung Quốc về trữ lượng dầu và khí đốt ở biển Đông rất lớn, đạt đến 213 tỉ thùng dầu thô cho lần khai thác đầu tiên và 33 tỉ mét khối cho lần khai thác thứ hai.[40]
Khi nhìn vào bối cảnh lịch sử của Trung Quốc về việc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, biến cố EP-3 vào tháng tư năm 2001 khiến người Mỹ thấy rõ ràng rằng đây là “dấu hiệu gần đây nhất cho thấy Bắc Kinh đang cố tìm mọi cách để thâu tóm chủ quyền trên toàn bộ biển Đông”.[41] Vào ngày 1 tháng 4 năm 2001, hai chiếc máy bay chiến đấu F-8 được chế tạo ở Trung Quốc đã tiếp cận máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ trên vùng biển Đông khoảng 150km về phía đông nam đảo Hải Nam, và một trong số 2 máy bay F-8 đã vô tình va chạm với máy bay trinh sát EP-3. Trong khi EP-3 hạ cánh an toàn xuống Hải Nam thì máy bay của Trung Quốc đã bị rơi. Chu Shulong, giám đốc khu vực Bắc Mỹ tại Học viện quan hệ Quốc tế đương đại tuyên bố rằng: “Đối với dân chúng, dường như máy bay Mỹ đã bay vào lãnh thổ của Trung Quốc và gây ra cái chết cho viên phi công của chúng ta”. Nhắc đến viên phi công máy bay F-8, Wang Wei, người đã tử thương trong vụ va chạm kể trên thì Chu Shulong cho rằng: “Có cảm giác rằng chúng ta đang bị xâm lăng.”[42]
Mặc dù rằng máy bay Mỹ đã ở bên ngoài giới hạn địa phận Trung Quốc 22km và đang bay trên vùng biển quốc tế, giới chức Trung Quốc vẫn khăng khăng cho rằng vụ va chạm đã xảy ra cách đảo Hải Nam 150km, chính phủ Trung Quốc vẫn tuyên bố chủ quyền trên không phận những vùng biển này bởi vì có một số đảo nhỏ thuộc vùng biển Đông và chính những đảo này đã mở rộng lãnh hải của Trung Quốc. Một người dân Trung Quốc đã tức giận nói: “Biển Đông là lãnh thổ của chúng ta. Chúng ta phải dạy cho người Mỹ một bài học và cho họ thấy Trung Quốc không phải là Iraq.”[43] Để tranh luận với những lý lẽ có vẻ hợp pháp của Trung Quốc, Lori F. Damrosch, giáo sư Công Pháp Quốc Tế tại trường Đại Học Columbia, đã vạch ra rằng những đảo nhỏ mà Trung Quốc đã đưa ra như là một phần của biên giới thực chất chỉ là “những cụm đá nhỏ lốm đốm”, và chúng không đủ lớn để có hải phận của riêng chúng.[44]
Trong suốt những cuộc đàm phán nhằm thả tự do cho phi hành đoàn của Mỹ, Trung Quốc đã cố gắng lợi dụng vụ xung đột EP-3 để làm giảm tầm ảnh hưởng của quân đội Mỹ ở châu Á. Richard Solomon, Chủ Tịch Học viện Hoà Bình Hoa Kỳ (the US Institute of Peace) thậm chí đã cảnh cáo rằng:
Bối cảnh [cho cuộc xung đột máy bay này] đã khiến người ta nhớ lại hồi đầu thập niên 1990, khi mà người Trung Quốc đã tìm mọi cách để gạt bỏ Hoa Kỳ ra khỏi vùng Châu Á Thái Bình Dương nếu như họ muốn lấy lại những gì mà họ cho là của họ: Đài Loan và biển Đông,
và nếu như Trung Quốc đã có thể ngăn chặn máy bay của Mỹ bay gần đảo Hải Nam thì điều này vô hình chung “làm giảm sự có mặt tổng quát của chúng ta [Hoa Kỳ] ở vùng này”
[45]
Trung Quốc vẫn không ngừng tìm cách thâu tóm toàn bộ biển Đông. Gần đây nhất, vào ngày 4 tháng 12 năm 2007, Trung Quốc thông báo rằng tất cả lãnh thổ ở biển Đông sẽ được đặt dưới quyền quản lý như là một quận được chia trong phạm vi hành chánh của tỉnh Hải Nam. Thành phố mới khổng lồ được gọi là Nam Sa, quản lý 3 quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa và Trung Sa. Ngay sau thông cáo này của Trung Quốc, “làn sóng phản đối nổi lên khắp nơi trong vùng: cả Việt Nam và Indonesia đều đã chính thức phản đối lại hành động đơn phương và phủ đầu của Trung Quốc.”[46] Để đáp trả cho hành động tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc, đầu tháng hai năm 2008, chủ tịch Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) đã bay sang đảo Ba Đình, đảo lớn nhất ở Trường Sa đang nằm trong vòng kiểm soát của Đài Loan. Chuyến viếng thăm của Trần Thủy Biển không những chứng tỏ rằng việc kéo dài đường phi đạo trên đảo Ba Đình trong thời gian gần đây để có thể tiếp nhận máy bay vận tải khổng lồ C-130, mà còn khằng định các tuyên bố về chủ quyền của Đài Loan đối với các vùng lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp. [47]

Kết luận

Sau khi xem xét những dẫn chứng lịch sử về việc tranh chấp hải phận của Trung Quốc, bao gồm cả đảo Đông Sa, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, cùng các tuyên bố chủ quyền đơn phương của Trung Quốc song song với việc bắt đầu từ năm 2002 mà theo đó Trung Quốc hứa sẽ làm việc cùng với các quốc gia ASEAN để hạn chế những xích mích và giải quyết những mối bất đồng về chủ quyền các đảo này một cách hoà bình, ở một chừng mực nào đó cần được theo dõi và xem xét một cách cẩn trọng. Đặc biệt vì Đài Loan bị loại trừ ra khỏi hiệp định - mặc dù Đài Bắc vẫn là bên đưa ra những tuyên bố chủ quyền đối với các lãnh thổ đang trong vòng tranh chấp này và hiện đang chiếm hữu một số đảo lớn - thì lại càng không thể hy vọng đạt được một giải pháp lâu dài qua đường lối ngoại giao. Điều này rõ ràng đã mở rộng cửa để một ngày không xa Trung Quốc sẽ áp đặt và sử dụng vũ lực ở biển Đông.
Nhìn vào việc phát triển nhanh chóng tiềm năng liên lạc vô tuyến, vệ tinh thám báo, và các công trình hỗ trợ của hải quân trên các đảo ở biển Đông, Trung Quốc rõ ràng đang tiến hành một chiến lược hải quân nhằm gia tăng việc kiểm soát hàng hải ở vùng này. Thay vì đầu tư vào việc xây dựng một hàng không mẫu hạm đắt tiền và phải mất thời gian khá lâu để có thể đưa vào sử dụng, Trung Quốc đã quyết định xây dựng các căn cứ đa năng, đa dụng trên các đảo nằm ở các vị trí chiến lược ngoài khơi và đã liên kết các căn cứ này bằng một mạng thông tin điện tử vô tuyến hiện đại. Hầu hết những căn cứ này đều có những bãi đáp trực thăng và những bến tàu từ nhỏ đến trung bình để có thể tiếp nhận thêm nhân sự cũng như tiếp tế hậu cần bằng đường biển.
Nếu xung đột quân sự nổ ra, hoặc nếu như Bắc Kinh có những chính sách hiếu chiến hơn, thì những con tàu trên mặt biển của Trung Quốc, hải lục không quân, tàu ngầm, và những lực lượng hải quân khác có thể sử dụng những căn cứ này một cách dễ dàng để hỗ trợ cho việc bành trướng xa hơn nữa. Từ những bài học trong quá khứ, Bắc Kinh sẽ không do dự để có những hành động chống lại những gì mà họ cho là một “sự thách đố” đối với “thanh thế đang lên của Trung Quốc như là một siêu cường.” Mi Chấn Ngọc (Mi Zhenyu), nguyên sĩ quan chỉ huy của Học viện Khoa học Quân sự của quân đội Trung Quốc, đã phát biểu rằng: “Trung Quốc phải phát triển sức mạnh hải quân đề bảo vệ và nhất định không nhân nhượng dù chỉ một inch trong tổng số ba triệu km đường lãnh hải. Trung Quốc phải xây dựng cho được một Vạn Lý Trường Thành trên biển.”
[48]
Tuy nhiên, để bảo đảm cho các tuyên bố mở rộng chủ quyền ở biển Đông, Bắc Kinh trước hết sẽ phải vượt qua rất nhiều những nhược điểm và thiếu sót nghiêm trọng trong lực lượng hải quân của họ. Không thể chỉ với một quan điểm quân sự đơn thuần, hải quân Trung Quốc lại có thể thách thức cùng một lúc với tất cả các nước láng giềng Đông Nam Á. Rất có thể Trung Quốc sẽ tìm cách triển khai những chiến lược về hàng hải dài hạn hơn để họ có đủ thời gian vượt qua các nhược điểm về học thuyết, về trang thiết bị, và về huấn luyện. Cũng như Michael McDevitt đã từng cảnh báo một cách khéo léo rằng:
Việc tranh giành diễn ra liên tục trong vùng ở biển Đông về chủ quyền của quần đảo Trường Sa….và hồi ức lịch sử còn đó về một “thế kỷ nhục nhã” của Trung Quốc… gây ra bởi các nước phương Tây “đến từ biển” tất cả đã kết hợp lại thành vấn đề trọng tâm của việc cần thiết phải có một chiến lược đối với biên giới biển đảo của Trung Quốc.
[49]

Chú thích :


[1] Rafe de Crespigny, Generals of the South: The Foundation and Early History of the Three Kingdoms State of Wu, originally published in Asian Studies Monographs, New Series No. 16 (Canberra: The Australian National University, Faculty of Asian Studies, 1990), chapter 1.
[2] www. globalsecurity. org/military/world/war/Spratly. htm.
[3] Robert J. Antony, Like Froth Floating on the Sea; The World of Pirates and Seafarers in Late Imperial South China (Berkeley, CA: China Research Monograph, 2003), p. 9.
[4] James Truslow Adams, Empire on the Seven Seas: The British Empire, 1784-1939 (New York: Charles Scribner's Sons, 1940), p. 264.
[5] Bruce Swanson, Eighth Voyage of the Dragon: A History of China's Quest for Seapower (Annapolis, MD: Naval Institute Press, 1982), pp. 117-120.
[6] He Di, "The Last Campaign to Unify China: The CCP's Unrealized Plan to Liberate Taiwan, 1949-1950," in Mark A. Ryan, David M. Finkelstein, and Michael A. McDevitt (eds), Chinese Warfighting: The PLA Experience Since 1949 (Armonk, NY: M. E. Sharpe, 2003), p. 83.
[7] John Blodgett, "Vietnam: Soviet Pawn or Regional Power?" in Rodney W. Jones and Steven A. Hildreth (eds), Emerging Powers: Defense and Security in the Third World (New York, Praeger Publishers, 1986), p. 98.
[8] Information for the following sections references James Bussert and Bruce Elleman, "People's Liberation Army Navy (PLAN) Combat Systems Technology: 1949-2007" (currently being reviewed for publication).
[9] "Anti-smuggling Drill in Haikou," People's Daily Online, July 28, 2006; http://english.peopledaily.com.cn/200607/28/eng20060728_287664. html.
[10] Le-wei Li, "High-frequency Over-the-horizon Radar and Ionospheric Backscatter Studies in China," Radio Science, 33, 5 (1998), pp. 1445-1458.
[11] http://geocarta.blogspot.com/2007/02/china-launches-4th-navigation-satellite.html.
[12] James Bussert, "China Expands Influence Through Electronics," Signal (October 2003), p. 61.
[13] Bradley Hahn, "Maritime Dangers in the South China Sea," Pacific Defence Reporter 11,11 (May 1985), pp. 13-16 at p. 15.
[14] James Doman, Chinese War Machine (New York: Crescent Books, 1974), p. 158.
[15] Bill Gertz, "Woody Island Missiles," Washington Times, June 15, 2001.
[16] Keith Jacobs, "China's Military Modernization and the South China Sea," Jane's Intelligence Review 4, 6 (June 1992), pp. 278-281 at p. 280.
[17] “China Unlikely to Launch War in S. China Sea," Asian Political News, September 27, 1999.
[18] www.fas.org/irp/world/china/facilities/shi-tao. htm.
[19] Mark J. Valencia, "Tension Increasing in South China Sea," Honolulu Advertiser, April 5, 2001.
[20] Wolfgang Schippke, DC3MF, "Itu Aba Island," www.425dxn.org/dc3mf/ituaba. html.
[21] Bussert, "China Expands Influence Through Electronics," p. 62.
[22] Jacobs, "China's Military Modernization," p. 280.
[23] Frederic Lasserre, "Once Forgotten Reefs . . . Historical Images in the Scramble for the South China Sea," www.cybergeo.presse.fr/ehgo/lasserre. htm.
[24] Bussert, "China Expands Influence Through Electronics," p. 62.
[25] Ian Storey, "Manila Looks to USA for Help over Spratlys," Jane's Intelligence Review 11, 8 (August 1999), pp. 46-50 at pp. 46-47.
[26] Sujit Dutta, "Securing the Sea Frontier: China's Pursuit of Sovereignty Claims in the South China Sea," Strategic Analysis 29, 2 (April—June 2005), p. 288.
[27] A. B. Mahapatra, "Commanding the Ocean," Newslnsight, May 16, 2001.
[28] This term is not Chinese, but was coined in a study entitled "Energy Futures in Asia," commissioned from consulting firm Booz Allen Hamilton in 2005 by the US Department of Defense's Office of Net Assessment.
[29] Bill Gertz, "Beijing Readies China Sea Exercises," Washington Times, May 17, 2001.
[30] www.prio.no/files/file44432_01-07_paracels_isa_hong_kong_paper. pdf.
[31] http://cnair.top81.cn/han_xia_kilo_song. htm.
[32] "Underground Facilities of Chinese Nuclear Submarine," Kanwa Intelligence Review (Internet), March 30, 2006 at www. kanwa. com.
[33] Kanwa Defence Review, May 2006, p. 56, at www.kanwa.com.
[34] David Lague, "US Military Officials Wary of China's Expanding Fleet of Submarines," International Herald Tribune, February 7, 2008.
[35] www.denaljogja.mil.id/janes/jfs2001/jfs_0637. htm.
[36] Lieutenant Michael Studeman, US Navy, "Calculating China's Advances in the South China Sea: Identifying the Triggers of 'Expansionism,'" Naval War College Review (Spring 1998), pp. 68-90.
[37] "Was America Hunting for a New, Killer Submarine?" www.stratfor.com, April 4, 2001.
[38] Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China's Conditional Multilateralism and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, 2000), pp. 18-19.
[39] Zalmay M. Khalilzad, Abram N. Shulsky, Daniel L. Byman, Roger Cliff, David T. Orletsky, David Shlapak, and Ashley J. Tellis, The United States and a Rising China: Strategic and Military Implications (Santa Monica, CA: Rand, 1999), p. 30.
[40] www.globalsecurity.org/military/world/war/Spratly-oil.htm.
[41] Bruce Elleman and S. C. M. Paine, "A Spy Plane Caught in a Chinese Web of Reviving Grandeur," International Herald Tribune, April 9, 2001.
[42] John Pomfret, "Chinese Driven by Anger, Pride," Washington Post, April 4, 2001.
[43] Calum MacLeod, "Beijing Blames US for Plane Collision," Washington Times, April 3, 2001.
[44] Christopher Drew, "Old Hijinks May Pull the Rug from the US Claim to Plane," New York Times, April 4, 2001.
[45] Jim Mann, "Crisis Forces Bush Team to Speed up Decisions on China Policy," Los Angeles Times, April 3, 2001
[46] Vu Duc Vuong, "Between a Sea and a Hard Rock," Asian Week, January 8, 2008.
[47] Brian McCartan, "Roiling the Waters in the Spratlys,"Asia Sentinel, February 4, 2008.
[48] Yuan Jing-dong, Asia-Pacific Security: China's Conditional Multilateralisni and Great Power Entente (Carlisle, PA: Strategic Studies Institute, US Army War College, January 2000), pp. 18-19.
[49] Michael McDevitt, The PLA Navy: Past, Present and Future Prospects (Alexandria, VA: The CNA Corporation, May 2000), pp. 1-2.

© Thời Đại Mới



No comments:

Post a Comment