Khi con nợ đi gặp chủ nợ
Ngô Nhân Dụng
Tuesday, November 17, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=104267&z=7
Ông Phùng Chính Hổ (Feng Zhenghu) hy vọng sẽ được trở về nước Tầu sau khi Tổng Thống Mỹ Barack Obama chấm dứt 2 ngày thăm viếng. Ông bị kẹt ở phi trường Narita, Tokyo từ ngày 4 Tháng Mười Một, sau khi bay về Thượng Hải mà bị đuổi đi, dù ông mang thông hành của một công dân Trung Quốc. Nhân viên hãng hàng không Nhật Bản ANA giúp cảnh sát Thượng Hải lôi kéo, xô đẩy ông Phùng vào máy bay quay trở lại Tokyo - nếu không thì máy bay này không được phép cất cánh!
Phùng Chính Hổ nhất định không trở vào lãnh thổ Nhật Bản cho nên cứ ở trong phi trường, gần hai tuần lễ rồi, sống bằng bánh kẹo do các hành khách khác tặng cho, và uống nước lã! Ông đang kiện ANA và hai công ty hàng không khác không chịu bán vé cho ông về nước 8 lần trong thời gian qua. Ông nói, việc cưỡng bách trục xuất một người Tầu ra khỏi nước Tầu như vậy là điều nhục nhã cho cả dân tộc Trung Hoa!
Ông Phùng Chính Hổ đã bị chính quyền bắt giữ và sách nhiễu nhiều lần từ khi ông đứng ra bênh vực những người dân Trung Hoa bị cướp nhà, cướp đất, và phê bình đảng Cộng Sản về vụ đàn áp ở Thiên An Môn năm 1989.
Phùng Chính Hổ là một trong số bốn nhà dân chủ bị chính quyền Cộng Sản Bắc Kinh bắt, đe dọa và sách nhiễu, trước khi ông Obama sang thăm Trung Quốc hai ngày, trong chuyến đi đầu tiên của ông tới Á Châu.
Một nhà dân chủ khác là Tề Chí Dụng (Qi Zhiyong) đã viết đơn xin tổ chức một cuộc biểu tình để đón ông Obama khi sang Tầu, nộp đơn rồi là bị bắt ngay. Ông Tề đã mất một cẳng chân trong cuộc biểu tình năm 1989.
Bà Tăng Kim Yến (Zeng Jinyan), vợ của nhà tranh đấu Hồ Giai (Hu Jia) thì được công an đến tận nhà đe dọa bắt bà không được ra đường trong “thời gian nhậy cảm” trước khi ông Obama tới. Hồ Giai đã được giải thưởng về nhân quyền của Nghị Viện Âu Châu năm ngoái, vì tranh đấu cho những người dân Trung Hoa bị cướp nhà đất, cho các bệnh nhân AIDS, bảo vệ môi trường, vân vân. Nhiều người đề nghị tặng ông giải Nobel Hòa Bình trong mấy năm qua.
Ông Triệu Liên Hải (Zhao Lianhai) là người đã đứng lên phản đối các công ty sữa bò và đòi bồi thường cho các nạn nhân của vụ sữa nhiễm độc chất melamine, cho nên bị chính quyền Cộng Sản ghét. Hai ngày trước khi ông Obama tới, Triệu Liên Hải bị cảnh sát Bắc Kinh bắt giữ mặc dù ông phản đối lệnh bắt ông sai luật vì không nêu rõ lý do.
Ông Diêu Lập Pháp (Yao Lifa) bị bắt trong khi đang đi dạo với đứa con nhỏ, bà vợ ông phải tới sở cảnh sát đón con về. Hồi đầu năm 2009 ông Diêu đã bị bắt sau khi được Lãnh Sự Quán Mỹ ở Vũ Hán mời dự tiệc mừng ngày Tổng Thống Obama nhậm chức!
Trong khi gặp riêng Chủ Tịch Hồ Cẩm Ðào, ông Obama đã nêu lên vấn đề vi phạm nhân quyền ở nước Tầu, ông nhấn mạnh đến người Tây Tạng và người Hồi Giáo ở Tân Cương. Tuy nhiên, theo lời ông Jeffrey Bader, phụ trách vùng Á Ðông trong Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia, nói với nhật báo Wall Street thì trong các cuộc gặp kín với Hồ Cẩm Ðào ông tổng thống Mỹ có đề cập tới các quyền làm người căn bản của người dân, trong đó có quyền sử dụng Internet, và chưa có ai nói “thẳng thừng” (blunt talk) như vậy bao giờ.
Nhưng khi ra họp báo trước công chúng thì cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc cố ý đề cập đến sự hợp tác của hai nước trong những “vấn đề lớn” của thế giới; họ chỉ nhắc đến những điểm bất đồng một cách tổng quát, nhẹ nhàng.
Obama chỉ nhấn mạnh đến quyền làm người của những dân tộc thiểu số chứ không nhắc đến các nhà tranh đấu dân chủ. Ðiểm mạnh nhất là ông nhắc đến người quyền của người Tây Tạng trước khi khuyến cáo chính phủ Bắc Kinh nên nối lại việc tiếp xúc với Ðức Ðạt Lai Lạt Ma. Ông Obama đã phải hoãn việc tiếp Ðức Ðạt Lai Lạt Ma tới sau khi đi Tầu, nhiều người cho đây là một nhượng bộ quá đáng. Ngày ông tới Bắc Kinh thì Ðức Ðạt Lai Lạt Ma cũng vừa chấm dứt chuyến đi thăm cộng đồng người Tây Tạng ở tiểu bang Arunachal, Ấn Ðộ, một vùng đất mà Bắc Kinh coi như một phần thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản đối chính phủ Ấn Ðộ về vụ này, và họ vẫn lên tiếng đòi vùng “Nam Tạng” từ năm 1962 đến nay.
Khi gặp Hồ Cẩm Ðào trong phòng riêng, Obama chỉ trích việc Bắc Kinh dựng “Trường Thành Lửa” ngăn chặn các mạng lưới không cho đề cập tới những đề tài “nhậy cảm,” mà chính Obama là một nạn nhân.
Cuộc nói chuyện của ông tổng thống Mỹ với các sinh viên (đã được chọn lọc và “huấn luyện” trước) ở Thượng Hải được trực tiếp truyền hình, nhưng sau đó nhiều đoạn đã bị công an cắt hết không cho lên mạng. Hiện ở Trung Quốc có 350 triệu người dùng Internet và 70 triệu người làm blog, và phần lớn đều muốn được phát biểu tự do hơn.
Khi họp báo, cả hai ông Hồ Cẩm Ðào và Barack Obama đều muốn nhấn mạnh đến những thỏa thuận hợp tác trong một số vấn đề căn bản. Nhật báo Wall Street nhận xét rằng bản Thông Cáo chung giữa hai ông là một “danh sách dài những phạm vi mà hai bên cần hợp tác,” và đây là một trong “những nỗ lực nhiều tham vọng nhất của hai quốc gia” để liệt kê các quyền lợi chung. Trong đó có những vấn đề lớn như phục hồi kinh tế thế giới, giải quyết vấn đề khí hậu toàn cầu đang nóng lên, cho tới những chương trình cụ thể như mở rộng thêm giao dịch hàng không, cùng nghiên cứu về y tế công cộng và tăng số sinh viên Mỹ du học ở Trung Quốc lên gấp năm lần. Tờ nhật báo này, thường đồng ý với các chính sách của đảng Cộng Hòa hơn đảng Dân Chủ, ghi nhận chính phủ Trung Quốc đã minh thị tỏ ý hoan nghênh nước Mỹ có một vai trò ở vùng Á Châu và Thái Bình Dương, một cách xóa bỏ những nghi ngờ trong dư luận Mỹ rằng Bắc Kinh muốn gạt ảnh hưởng Mỹ ra khỏi vùng Á Châu. Tờ báo công nhận bản thông cáo chung này là “một văn kiện đầy đủ nhất trong suốt 20 năm qua” về những điều mà hai quốc gia thỏa thuận cùng giải quyết.
Trên mặt kinh tế, một điểm bất đồng lâu dài nhất, là chính sách của chính phủ Bắc Kinh giữ hối suất với Mỹ kim ở mức cố định, do đó hạ thấp giá đồng nhân dân tệ để dễ xuất cảng hàng hóa sang Mỹ cũng như đi các nước khác. Nhưng trong cuộc họp báo chung, ông Obama chỉ nhắc khéo rằng ông hoan nghênh chính phủ Bắc Kinh khi họ tỏ ý “sẽ” để cho thị trường quyết định hối suất, một điều mà ông Hồ Cẩm Ðào không hề nhắc tới khi ra trước công chúng. Ngược lại, ông Hồ cho biết đã nhắc nhở ông Obama phải chống lại khuynh hướng “bảo hộ mậu dịch” để hàng hóa lưu thông giúp cho kinh tế thế giới hồi phục. Ðây là gián tiếp chỉ trích việc chính phủ Mỹ gần đây đã tăng giá nhập cảng một số hàng Trung Quốc, như bánh xe hơi loại rẻ tiền và các loại ống bằng thép.
Cuối cùng, chuyến đi Trung Quốc của Tổng Thống Obama chỉ có giá trị tượng trưng mà không đem lại một thay đổi quan trọng nào trong bang giao giữa hai nước. Nhiều người mô tả cảnh ông Obama gặp Hồ Cẩm Ðào giống như một con nợ đến gặp chủ ngân hàng. Nghĩa là rất khó nói mạnh miệng. Hiện Trung Quốc đang là chủ nhân 800 tỷ tiền nợ (công trái) của chính phủ Mỹ, chưa kể những khoản nợ cho các ngân hàng tư.
Tuy nhiên, món nợ 800 tỷ đó, cùng với 2000 tỷ đô la mà Trung Quốc đang giữ làm ngoại tệ dự trữ, không làm cho Trung Quốc mạnh hơn mà có thể còn khiến Bắc Kinh bị ràng buộc, trở nên yếu thế hơn. Vì chủ nợ không thể đe dọa con nợ sẽ rút tiền về, mà cũng không thể dọa sẽ không tiếp tục cho vay tiếp.
Trước khi ông Obama đi sang Á Châu, ông Lưu Minh Khang (Liu Mingkang), chủ tịch ủy ban điều hành hệ thống ngân hàng, đứng ngang hàng với thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, đã lên tiếng chỉ trích Hệ Thống Dự Trữ Liên Bang ở Mỹ về chính sách giữ lãi suất thấp làm hạ giá đồng đô la. Mỗi khi đô la xuống giá, Trung Quốc lại bị thiệt hại vì dự trữ ngoại tệ của họ bị giảm giá trị theo. Nhưng khi Trung Quốc đã chọn gắn đồng tiền của họ vào đô la Mỹ thì họ đành phải chịu. Ông Ngô Hiểu Cầu (Wu Xiaoqiu), giáo sư Ðại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh đã nói một cách cay đắng rằng Trung Quốc đang bị đồng đô la Mỹ bắt làm con tin (kidnapped by American currency).
Trung Quốc không thể đem các công trái chính phủ Mỹ đi bán để tấn công tài chánh. Vì khi đem bán nhiều, giá các công trái đó giảm thì chính Bắc Kinh bị mất tiền trước. Trung Quốc cũng không thể ngưng mua công trái Mỹ. Vì họ cần xuất cảng hàng sang Mỹ, và khi bán hàng đi khắp thế giới phần lớn cũng được trả tiền bằng đô la Mỹ. Thay vì dùng số đô la “nhập siêu” thặng dư đó để nhập cảng hàng, khuyến khích dân Trung Hoa tiêu thụ thêm bằng cách cải thiện hệ thống an sinh xã hội, giáo dục, và y tế công cộng, thì chính phủ Bắc Kinh đã chọn tiếp tục cho Mỹ vay, khiến lãi suất ở Mỹ thấp hơn để người Mỹ tiếp tục nhập cảng. Bởi vì chính phủ Bắc Kinh đã coi chủ trương “sản xuất để xuất cảng” như một chính sách bảo đảm an ninh trong xã hội. Nền kinh tế Trung Quốc lệ thuộc xuất cảng, nếu không tiếp tục bán ra ngoài được như cũ thì hàng trăm triệu công nhân có thể thất nghiệp, sẽ là một mối đe dọa trên độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản.
Chính sách kinh tế của Bắc Kinh làm thiệt hại cho nước Trung Hoa. Vì người dân Trung Hoa phải cần cù làm việc mà không được tiêu thụ. Mười năm trước đây số tiêu thụ chiếm 50% tổng sản lượng nội địa Trung Quốc, hiện nay chỉ còn 35%, tức là người Trung Hoa làm ra 100 đồng thì chỉ được tiêu 35 đồng. Trong khi đó chính phủ Cộng Sản “trợ cấp” cho người tiêu thụ ở Mỹ bằng cách giúp họ được hưởng lãi suất thấp để có thẻ mua hàng nhập cảng rẻ! Vì thế, Bắc Kinh không chịu nâng giá trị đồng tiền của họ so với Mỹ kim, dù các chính quyền Mỹ từ hàng chục năm nay vẫn thúc giục.
Ngoài miệng thúc giục, nhưng bên trong thì các chính phủ Mỹ từ thời Clinton, Bush cho tới Obama vẫn thản nhiên khi Bắc Kinh chỉ nhích giá đồng “nguyên” một chút mỗi lần dư luận quốc tế đòi hỏi. Vì các chính quyền Mỹ đều biết khi nào Trung Quốc còn dư đô la thì còn phải cho Mỹ vay thêm. Nhất là trong lúc này, khi ngân sách nước Mỹ đang khiếm hụt nặng, cần vay thêm hơn bao giờ hết. Chỉ có những người dân bình thường ở Trung Quốc là chịu thiệt thòi. Họ được tiếng là “tiết kiệm” nhất thế giới. Nhưng họ không thể không tiết kiệm vì ai cũng phải lo xa khi cả nước chưa có một hệ thống an sinh xã hội, đại đa số không có bảo hiểm y tế, số người già ngày càng tăng lên mà không có quỹ hưu bổng xã hội, và gia đình nào cũng phải lo việc học cho con cái, lại lo để dành tiền cho con trai cưới vợ, trước cảnh trai thừa gái thiếu do “chính sách một con” tạo ra!
Mối liên hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ là một tình trạng bất thường, làm cho nền tài chánh quốc tế mất cân bằng. Không phải chỉ vì người Mỹ tiêu thụ nhiều quá, mà còn vì chính quyền Trung Quốc bắt dân phải nhịn tiêu thụ quá lâu. Nhưng hai nước vẫn cần lẫn nhau để giữ thế “mất cân bằng” này trong hàng chục năm nữa. Con nợ và chủ nợ không ai có thể một mình bỏ người kia được!
No comments:
Post a Comment