Wednesday, October 28, 2009
TỪ CHUYỆN GIAO THÔNG tới CHUYỆN PHÁP QUYỀN ở VIỆT NAM
Từ chuyện giao thông tới chuyện pháp quyền ở Việt Nam
Lê Anh Hùng
Đăng ngày 27-10-2009
http://danchimviet.com/articles/1618/1/T-chuyn-giao-thong-ti-chuyn-phap-quyn--Vit-Nam/Page1.html
Từ chuyện "Ý thức của người tham gia giao thông" đến thực trạng "Nhà nước pháp quyền XHCN" ở Việt Nam hiện nay.
Người nước ngoài nào lần đầu tiên đến Việt Nam cũng đều không khỏi sợ hãi và ngán ngẩm khi chứng kiến cảnh tượng nhốn nháo, bất chấp luật lệ giao thông trên các đường phố của người dân nơi đây.
Các phương tiện truyền thông và các cơ quan chức năng của Việt Nam cứ một hai đổ lỗi cho cái mà họ gọi là “ý thức của người tham gia giao thông.” Thoạt nhìn, điều đó quả không sai chút nào - những hành động bất chấp luật lệ như thế chẳng phải xuất phát trực tiếp từ ý thức của người đi đường thì là gì? Tuy nhiên, nếu bình tĩnh và đi sâu tìm hiểu bản chất của vấn đề, người ta sẽ dễ dàng nhận ra rằng những ai vẫn khăng khăng với quan điểm trên thực ra mới chỉ thấy hiện tượng chứ chưa thấy được bản chất, mới chỉ nhìn thấy phần ngọn chứ chưa (hoặc không dám) chỉ ra gốc rễ của vấn đề.
Ý thức là gì nếu không phải là sự phản ảnh của thực tại khách quan vào trong não bộ con người? Và ý thức của người tham gia giao thông hay ý thức tuân thủ luật lệ giao thông của họ chẳng phải là hình ảnh phản chiếu của tình trạng tuân thủ luật lệ giao thông nói riêng và pháp luật nói chung trong xã hội hay sao? Một người Việt Nam hôm trước ở Hà Nội còn chen lấn, xô đẩy, chạy ngang, chạy tắt trên đường phố nhưng hôm sau ở Singapore có thể đã trở thành một con người khác hẳn với ý thức [tuân thủ luật lệ giao thông] đầy mình (nếu không muốn phải nộp tiền phạt). Từ đó, người ta có thể mạnh dạn đi đến kết luận: Cảnh tượng bát nháo diễn ra trên các đường phố ở Việt Nam chính là bức tranh thu nhỏ của nền pháp trị, hay thực chất của cái gọi là “Nhà nước Pháp quyền XHCN” - theo như ngôn ngữ tuyên truyền của Đảng Cộng sản - ở Việt Nam hiện nay.
Hình ảnh nhức nhối và phản cảm nhất trên các tuyến đường giao thông từ Bắc chí Nam ở Việt Nam là tình trạng các chiến sỹ Công an áo vàng ngang nhiên “làm tiền” người đi đường, từ xe máy cho đến các phương tiện cơ giới khác. Báo chí và người dân đã phản ánh quá nhiều về hiện tượng này, tới mức xã hội dường như đã “nhàm” và nghiễm nhiên chấp nhận nó như là “chuyện thường ngày ở huyện” hay một “thực tại khách quan” phổ biến (!)
Khi một phương tiện giao thông bị cảnh sát tuýt còi dừng lại, hình ảnh thường thấy là người vi phạm lấy điện thoại ra gọi cho ai đó hoặc tìm cách chuồi tiền cho cảnh sát và cuối cùng, cực chẳng đã, mới chịu ký vào biên bản vi phạm, điều rất ít khi xẩy ra. Ăn quen, nhịn không quen. Đến một ngày, anh cảnh sát giao thông đầy nhiệt huyết ngày nào cũng chẳng còn buồn động tay động chân khi không chắc là mình có thể “kiếm” được một cái gì đấy. Bản thân các chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - với nhiều chuyện chẳng kém phần nhức nhối - mà chúng ta khó nhìn thấy. Đáng buồn hơn nữa là tình trạng này không chỉ diễn ra trong lực lượng Cảnh sát Giao thông. (Đây là hình ảnh thi vị của nền hành chính Việt Nam khi đi vào “văn học dân gian”: Việc dễ không làm cho khó, làm gì có thịt chó mà ăn!)
Bản thân hệ thống văn bản pháp luật ở Việt Nam cũng rất bất cập, thiếu tính thực tế, nhiều lỗ hổng và thường rơi vào tình trạng văn bản pháp luật này mâu thuẫn với văn bản kia. Bên cạnh đó, các chế tài xử phạt mang tính chất kinh tế trong hệ thống văn bản dưới luật lại được áp dụng chung trên toàn lãnh thổ Việt Nam, bất chấp một thực tế là trình độ phát triển giữa các địa phương vốn rất chênh lệch. Nghị định số 152/2005/NĐ-CP ngày 15-12-2005 của Chính phủ Quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ là một minh chứng cụ thể. Cùng một lỗi vi phạm nhưng người vi phạm ở một tỉnh miền núi như Hà Giang cũng phải chịu một mức xử phạt như ở Hà Nội và Tp phố Hồ Chí Minh. Trong khi ở Hà Giang, chế tài xử phạt có tác dụng răn đe, ngăn ngừa thì ở Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh lại ngược lại. Đơn giản là vì thu nhập bình quân đầu người ở hai địa phương đó cao gấp mấy lần so với ở Hà Giang. Điều này khiến cho ý thức chấp hành luật lệ giao thông ở các thành phố lớn đã kém lại càng kém hơn. (Quy định của các bộ ngành liên quan đến việc chi trả lương cho bộ máy hành chính ở các địa phương cũng ở vào tình trạng tương tự. Lẽ ra, cùng với quá trình phân cấp quản lý Nhà nước đang diễn ra, các địa phương phải được giao thêm quyền tự chủ về ngân sách, trong đó có quyền quyết định mức lương cho bộ máy công chức, viên chức của mình trên cơ sở tình hình kinh tế - xã hội và quy mô ngân sách của địa phương, nhằm đảm bảo công bằng, góp phần ngăn ngừa tình trạng quan liêu, tham nhũng, nâng cao hiệu lực và hiệu quả của bộ máy công quyền.)
Tình hình tuân thủ pháp luật trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam cũng không hơn gì, chỉ khác là nó diễn ra một cách thầm lặng và tinh vi hơn thôi. Từ chuyện “chạy” chức, “chạy” quyền, “chạy” dự án, “chạy” trường điểm… cho đến “chạy” án; ngay cả việc để được ra Trường Sa bảo vệ Tổ quốc cũng phải “chạy” chứ không dưng mà có được “vinh dự” đó – do chế độ đãi ngộ dành cho cán bộ, chiến sỹ ngoài hải đảo rất cao. Cả xã hội ai cũng vắt chân lên cổ mà “chạy,” người nào không “chạy” thì coi như bị gạt ra ngoài lề của cuộc sống sôi động, gấp gáp và sặc mùi kim tiền này. Kết cục của tình trạng trên thế nào thì ai cũng có thể hình dung ra được. Luật pháp bị lũng đoạn, các chuẩn mực đạo đức bị xói mòn, kỷ cương xã hội ngày càng lỏng lẻo. Cái gọi là “Nhà nước Pháp quyền XHCN” chỉ là một khái niệm trống rỗng, loè bịp không hơn không kém. Các “vụ án điểm” như PMU18, PCI, Nguyễn Đức Chi, Điện kế Điện tử (Điện lực Tp HCM), New Century… chính là những minh chứng hùng hồn cho nhận định ấy.
Quá trình phân cấp quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề. Phân cấp quản lý Nhà nước là xu thế tất yếu bởi khi xã hội ngày càng phát triển, Chính phủ trung ương không thể ôm đồm, quản lý nhiều việc cụ thể trên các lĩnh vực như kinh tế, văn hoá - xã hội, dịch vụ công... trong khi đó địa phương lại bị động trong thẩm quyền giải quyết những vấn đề này; phân cấp quản lý là để Chính phủ trung ương làm đúng chức năng, chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ hoạch định chính sách vĩ mô, xây dựng thể chế, thanh tra, kiểm tra.... Song để quá trình này diễn ra êm thấm và có hiệu quả thì các thiết chế dân chủ ở địa phương phải đủ sức giám sát bộ máy chính quyền của mình.
Tuy nhiên, trên thực tế, hội đồng nhân dân các cấp, từ cấp xã cho tới cấp tỉnh, hầu hết đều bị các cấp uỷ Đảng thao túng, dẫn tới tình trạng hoạt động kém hiệu quả, thậm chí bị vô hiệu hoá. Hãy thử hỏi bất kỳ một vị “đại biểu nhân dân” nào xem họ tuân theo chỉ đạo của “cấp uỷ” hay nghe theo lời đề đạt của nhân dân và việc họ vào HĐND chủ yếu là do “Đảng cử” hay do “dân bầu” thì sẽ hiểu được căn nguyên của thực trạng ấy. (Ngay cả Quốc hội hiện nay cũng bị biến thành công cụ của Ban Chấp hành TW Đảng thì còn mong gì hơn ở HĐND các cấp. Đại biểu Quốc hội gì mà quanh năm suốt tháng cứ im như thóc; người trình độ kém - do được “cấp uỷ” phân công vào Quốc hội - không dám mở miệng thì đã đành; người có trình độ, muốn góp ý chân thành lại sợ bị xem là thiếu thiện chí, rồi bị lãnh đạo địa phương, bộ ngành hoặc cao hơn nữa là lãnh đạo Đảng, Nhà nước “nhắc nhở.” Ban Chấp hành TW Đảng quyết và Quốc hội thông qua – có thể tóm tắt “quy trình lập pháp” của Việt Nam từ xưa đến nay một cách ngắn gọn như thế.) Dù vậy, nếu như Đảng CSVN mà anh minh, mọi Đảng viên CS đều cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư, thì đất nước này xem ra vẫn còn may mắn lắm.
Đáng tiếc là thực tế lại phũ phàng, “đời không như là mơ.” Đây là minh chứng thuyết phục nhất cho cái gọi là “sức chiến đấu của Đảng” và “đạo đức cách mạng” mà các nhà lãnh đạo vẫn không ngớt hô hào các Đảng viên “tăng cường” và “thấm nhuần”: Từ trước tới nay chưa có bất kỳ một vụ tham nhũng hay vụ tiêu cực nào do các cấp uỷ hay chi bộ Đảng phanh phui. Thiết tưởng chẳng có gì là bất bình thường ở đây cả: Các cấp uỷ hay chi bộ đó không muốn tự bắn vào chân mình, không muốn lấy tay này chặt tay kia; “cháy nhà ra mặt chuột,” lòng vả cũng như lòng sung cả thôi. (“Dao sắc không gọt được chuôi” - điều này không chỉ đúng với từng chi bộ hay cấp uỷ mà còn đúng với cả Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách một thực thể thống nhất.) Và kết cục của thực trạng trên là như những gì mà chúng ta đã thấy, địa phương nào ở Việt Nam hiện nay cũng đầy rẫy những vụ khiếu kiện vượt cấp, nhân dân vô cùng bất bình và chán ngán vì “kêu Trời không thấu.” (Đến nỗi vị Đại biểu Quốc hội chuyên trách Trần Thị Quốc Khánh “ước ao” có được hai người giúp việc: “Một người tập hợp tư liệu, giúp tôi tham gia xây dựng pháp luật; người kia giúp việc trong công tác giám sát, đôn đốc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của dân." Không có thư ký, có khi đại biểu 'gật gù cho xong' – báo Vietnamnet, 30/7/2009).
Trong khi đó, hãn hữu lắm mới có một vụ tham nhũng nào đấy ở địa phương hoặc do báo chí [Trung ương] phanh phui, hoặc do Bộ Công an chỉ đạo điều tra; các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương gần như bị tê liệt, không đóng góp được gì đáng kể ngoài việc răn đe và kìm kẹp dân chúng. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ tại cuộc họp báo ngày 9/7/2009 ở Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2009, có tới 9 tỉnh báo cáo không có vụ việc tham nhũng nào (!!!???) Tôi chắc chỉ riêng lương tâm nghề nghiệp không thôi cũng đủ khiến phần lớn các vị lãnh đạo Công an tỉnh, huyện muốn đưa những vụ việc tham nhũng ra ánh sáng. Song họ cũng không dám đi ngược lại chỉ đạo của “cấp uỷ.” Một cánh én không làm nên mùa xuân. Họ mà “hăng hái” quá thì hậu quả nhãn tiền là sớm bị gạt ra khỏi cấp uỷ ngay. Lúc đó thì ông Bộ trưởng Công an hay ông Giám đốc Công an tỉnh có ba đầu sáu tay cũng không dám [tái] bổ nhiệm họ. Tình trạng ấy không chỉ diễn ra trong ngành Công an mà thực trạng trong ngành Kiểm sát và ngành Toà án cũng chẳng khác gì.
Điều đáng quan ngại hơn nữa là khi không thể thực hiện đúng chức năng, quyền hạn và không thể phát huy khả năng của mình trong công cuộc bảo vệ công lý, bảo vệ sự chính đáng, bất kỳ hành động hay sự không hành động nào của những người thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng đều có thể gây tác hại khôn lường cho xã hội, khiến người dân ngày càng mất niềm tin vào hệ thống pháp luật, mất niềm tin vào chế độ. Một thực tế đáng buồn và nhức nhối không kém là việc một bộ phận trong số họ lại bị biến thành công cụ trấn áp những người con dũng cảm của đất nước dám cất lên tiếng nói của lương tri, của lý trí trước bất công và cường quyền.
Trong khi lẽ ra phải là một quyền lực xã hội giúp “phò chính, trừ tà” đồng thời đóng vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với quyền lực Nhà nước, báo chí Việt Nam lại phải chịu đủ thứ trói buộc, khống chế. Điều đáng nói là những ràng buộc, hạn chế đó phần lớn là “vô hình” hay “bất thành văn,” khiến bản thân các nhà báo cũng chẳng biết đâu mà lần để rồi nhiều khi phải hứng chịu những cơn “tai bay vạ gió” bất kỳ. Hãy hỏi những Nguyễn Công Khế, Nguyễn Việt Chiến (cựu Tổng Biên tập và nhà báo của báo Thanh Niên) hay những Lê Hoàng, Nguyễn Văn Hải (cựu Tổng Biên tập và cựu nhà báo của báo Tuổi Trẻ) xem họ sợ ông trùm Nam Cam hay ông trùm nào ở Việt Nam nhất thì khắc biết. Những ông trùm đó đều không cần biết đến luật pháp hay đạo lý. Tiêu cực trong xã hội bởi vậy càng được thể tác oai tác quái.
Những thực tế trên đây là hệ quả tất yếu của tình trạng mọi quyền lực Nhà nước (lập pháp, hành pháp và tư pháp) ở Việt Nam đều nằm trong tay Đảng Cộng sản, chưa kể một quyền lực xã hội vô cùng quan trọng khác là báo chí cũng bị họ thâu tóm nốt. Và họ vẫn quyết không “buông lỏng” bất kỳ một lĩnh vực nào. Quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam là “Đảng vừa là bộ phận của hệ thống chính trị, vừa là hạt nhân lãnh đạo hệ thống ấy, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật” (Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hệ thống chính trị, Xã luận báo Quân đội Nhân dân, 20/10/2009). Diễn đạt như thế e rằng cao siêu và rối rắm quá, quảng đại quần chúng nhân dân khó lòng nắm bắt nổi, mà hãy nói nôm na như thế này cho dễ hiểu: Đảng Cộng sản VN vừa đá bóng vừa thổi còi trên chính sân chơi do mình thiết lập.
“Quyền lực dẫn tới hủ bại, quyền lực tuyệt đối dẫn tới hủ bại tuyệt đối” (John Dalberg-Acton, Anh, 1834-1902; Letter to Bishop Mandell Creighton, 1887). Những hệ thống không dựa trên các giá trị đạo đức phổ quát của nhân loại cuối cùng đều đi tới chỗ ruỗng mục. Đó là quy luật tất yếu của lịch sử. Cho dù chủ nghĩa xã hội có đem lại sự phát triển kinh tế thần kỳ (điều cuối cùng đã không xẩy ra), người ta cũng cần phải xem xét lại hệ thống ấy. Rốt cuộc, đạo đức là vấn đề không thể đánh đổi hay nhượng bộ, bất kể vì lý do gì. Tước đoạt các quyền tự do cơ bản của người dân cũng đồng nghĩa với việc tước đoạt nhân phẩm của họ, biến họ thành những con người thấp hèn. Dù thế nào đi nữa, một dân tộc gồm những cá nhân như thế không thể, và cũng không xứng đáng, có được một tương lai sán lạn!
Bài do tác giả gửi, danchimviet biên tập và tựa đề.
----------------------------------------------------------
(i) Những người yêu thể thao theo tinh thần của Aziz Nesin có thể hình dung thế này: Người đội trưởng vĩ đại Maradona (với tên Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam) của chúng ta dẫn đầu một đội bóng gồm các cầu thủ mang những cái tên Việt Nam rất đáng yêu khác như Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân… ra sân; cầu thủ huyền thoại số 10 này lại còn được trao cho chiếc còi điều khiển trận đấu. Cảnh tượng ấy đem lại cho chúng ta cảm giác vô cùng ngây ngất như mỗi lần được chứng kiến thần tượng của mình thi đấu và chúng ta vẫn không ngớt vỗ tay, hò reo, tụng ca, khua chiêng, múa trống… cho đến khi bất chợt nhận ra rằng khung thành đang hứng chịu trận mưa gôn tơi bời phía trước không phải là của một đội tuyển Đức nào đó mà lại là của đội tuyển mang tên “Dân tộc Việt Nam.” Hình ảnh ấy có lẽ là câu trả lời thuyết phục nhất dành cho những ai vẫn còn đang mơ màng với viễn cảnh một “Nhà nước Pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.”
No comments:
Post a Comment