Wednesday, October 28, 2009

BA MƯƠI ĐỒNG BẠC XƯA và BA CHỤC TRIỆU ĐÒNG NGÀY NAY


Ba mươi đồng bạc xưa và ba chục triệu đồng ngày nay
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Oct 28, '09 12:24 AM
http://jbnguyenhuuvinh.multiply.com/journal/item/151/151
Gần đây, con số 30 triệu đồng tiền Việt Nam được nhắc đến khá nhiều và khá rôm rả với những chi tiết lạ lùng đến giật mình.

Chuyện nay

Trước hết là vụ tờ báo Đảng Cộng sản VN đăng tin Hải quân Trung Cộng tập trận ở Hoàng Sa, một bản tin mà ông Đào Duy Quát (Tổng biên tập) được công dân mạng phong hàm “Hán gian” hoặc là tay sai cho Tàu Cộng vì đã tuyên truyền cho việc quân xâm lược trên lãnh thổ đất nước. Trong khi đó có những người công khai biểu thị tấm lòng yêu nước của mình bằng những khẩu hiệu “Hoàng Sa – Trường Sa là của VN” đã ngay lập tức được các đồng chí công an chăm sóc, bắt bớ, giam cầm trấn áp không thương tiếc.
Dù ông Quát có biện hộ một cách hết sức vụng về theo phương châm “tranh công, đổ lỗi” cho “cậu đánh máy”, rằng đã thiếu mất chữ “ngang ngược” mà ông định thêm vào…
Nhưng, dân chúng đâu có mù, đâu có ngu, họ chỉ rõ cho ông thấy rõ ràng rằng cách giải thích đó mới chính là sự ngang ngược đúng nghĩa của ông trước nhân dân và dư luận.
Lòng dân nổi giận, cư dân mạng bức xúc, nhiều người lên tiếng, có người còn lên tiếng đòi đuổi cổ ông ra khỏi Ban Chấp Hành, khỏi hội nhà báo… - Tất nhiên chỉ là báo chí “lề trái” - Thậm chí có người đòi phải xử thật nặng “tội bán nước” bằng án tù.
Vậy nhưng, ông Đào Quy Quát thoát nạn ngoạn mục, lại vẫn giữ vững chiếc ghế Tổng Biên tập chờ cơ hội mới và hàng ngày ông vẫn có thể tung ra những lời khuôn vàng thước ngọc về lòng yêu nước, biển đảo… Tất nhiên phải theo cách của ông là “có lợi cho ai”?
Những sai lầm đến mức tội lỗi đó cũng chỉ đáng 30 triệu đồng tiền… phạt, thế là xong.
Mới đây, dân chúng nổi giận qua việc trao giải thưởng môi trường. Công ty Vedan - kẻ đã giết chết dòng sông Thị Vải xanh đẹp, để lại hậu quả khôn lường cho một khu vực dân chúng rộng lớn. Tiếng kêu của dân chúng đã vang dội từ lâu, nhưng sự chậm chạp uể oải của các cơ quan chức năng đã phát huy tác dụng đến cao độ. Vì vậy đến nay, những nông dân kia vẫn cứ mỏi mòn chấp nhận chờ đợi các cơ quan giải quyết, dòng Thị Vải vẫn một màu đen chết chóc trôi lững lờ như thách thức lòng dân.
Còn Công ty Vedan vẫn “ung dung yên ngựa” đi dự thi về môi trường và… ẵm luôn giải thưởng “…Vì sức khỏe cộng đồng năm 2009”.
Được tin này, người ta cho rằng đó là sự nhạo báng công lý, sự phỉ nhổ vào ngôn ngữ và là sự lật ngược của thời cuộc, của lương tâm. Báo chí không chỉ “lề trái” bùng lên phẫn uất, mà ngay cả báo “lề phải” cũng không thể nín nhịn. Các đại biểu Quốc Hội vốn xưa nay ít khi hài hước, cũng cho rằng đó là chuyện “đùa dai”.
Nguyên nhân nào mà sát thủ lại được trao giải thưởng bồ tát? Câu hỏi này làm nhiều người nghi ngại và đặt ra.
Thì ra, người ta biết được rằng để dự thi, công ty cũng đã phải nộp vào đó 30 triệu đồng. Và khi đã ẵm giải thưởng, thì chuyện đề nghị Vedan bỏ giải thưởng ra là không được, là phản đối.
Vậy là 30 triệu đồng trong cả hai trường hợp nói trên đã phát huy tác dụng mạnh mẽ sức mạnh của nó với câu nói từ ngàn xưa “Nén bạc đâm toạc… công lý” hay “triệu bạc đâm toạc…lương tâm”.

Chuyện xưa
Kinh Thánh kể lại rằng: Xa xưa, từ hai ngàn năm trước, Giuđa Ixcariôt phản bội lại người Thầy Giêsu đã nuôi dạy nó nhiều năm, đã yêu thương nó hết mình. Nhưng chỉ vì 30 đồng bạc, nó vẫn cam tâm phản bội và bán Chúa Giêsu cho những kẻ đóng đanh người vào Thập giá.
Hỡi ôi, con số 30 độc địa xưa kia, sao vẫn còn lưu mãi đến giờ?
Tôi cũng không rõ giá trị của 30 đồng bạc Do Thái xưa và 30 triệu đồng Việt Nam ngày nay có tương đương nhau hay không mà đã làm nên những điều kinh dị?
Chỉ khác rằng, Giuđa Ixcariôt sau khi bán Chúa, đã biết ân hận trả lại ba mươi đồng bạc để chuộc lỗi, và khi không thể chuộc lỗi lầm của mình, thì đã treo cổ tự vẫn.
Dù đó là hành động tiêu cực, song đó cũng là hành động cuối cùng của một con người để chứng minh rằng, trong anh ta “lương tâm vẫn còn có răng” vẫn biết cắn rứt.
Anh ta đã tự kết liễu đời mình bằng sợi dây, không hề “ngang ngược”, không hề cố giữ giải thưởng bồ tát đã trót trao cho sát thủ.
Chuyện xưa và chuyện nay có nhiều điều khá trùng hợp, chỉ khác cách xử sự của con người ngày nay khác xa con người ngày xưa. Có phải vì đã hai ngàn năm trôi qua?

Hà Nội, ngày 27/10/2009
J.B Nguyễn Hữu Vinh


No comments:

Post a Comment