Siêu đẳng nói dối
Lừa dối nhân dân để trao giải thưởng cho Vedan có thể gọi là sự lừa dối trắng trợn, còn sau khi bị dư luận phản ứng thì bảo ‘Trao nhầm giải’ lại là nói dối thuộc hạng ‘Siêu nói dối’ vì việc nói dối trong trường hợp chỉ trao nhầm giải thưởng cho 1 sản phẩm thì sự nói dối ‘Trao nhầm’ này còn có mức độ nào đó để xếp loại... chứ ‘Trao nhầm giải thưởng đến 3 sản phẩm’ thì đúng là Siêu đẳng của nói dối !!!
Qua việc ‘kí nhầm’ một lúc 3 giải thưởng mới thấy chữ kí của các quan chức hăng hái đến cỡ nào ?
Duy Hoa
Nói láo! Nói dối!
Trong một cái còm (bình luận) một entry ở Quê Choa (bài viết của TS Hồ Bất Khuất), khi chứng kiến cái lý cùn vòng vo của ông Quyền (người ký Quy chế lập giải thưởng đó) trên báo chí và thấy tác giả HBK viết:
"Còn ông Bùi Văn Quyền – Vụ trưởng, Trưởng đại diện của Bộ Khoa học – Công nghệ ở thành phố HCM còn nói nếu không có báo chí, ông không biết là Vedan được vinh danh. Quan liêu đến thế là cùng! Ông Quyền lại còn nói rằng, các quan chức chỉ thực hiện những vấn đề theo tính pháp lý, còn những việc chi tiết do đơn vị tổ chức thực hiện. Vậy xin hỏi: Ai có vai trò quan trọng, vai trò quyết định trong việc vinh danh Vedan?"
Em còm bình luận:
NÓI LÁO ! NÓI DỐI !
Ông Cu (Q=uyền) này nói dối quá trắng trợn !
Ổng là Trưởng ban BAN TỔ CHỨC xét tặng giải thưởng “Doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuất sắc và Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng” trong Quyết định thành lập của NATUSI. Là người đầu tiên trong cái DANH SÁCH BÁN DANH đó tại sao lại nói dối trắng trợn như vậy ???
Tui nói có sách mách có chứng đây ! Nhà Bọ không post ảnh từ còm được nên bà con chịu khó theo link tui cho sau đây :
http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Chung-nhan-cho-Vedan-la-thieu-sot-cua-Ban-to-chuc/200910/65390.datviet
Theo danh sách này các vị cán bộ Cục Vụ của hai Bộ KH-CN & Y tế đều ăn “lương BTC” này rồi mà chỉ cần đổi tên QĐ là có thể thành BAN THANH TRA VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ VỆ SINH MÔI TRƯỜNG đi kiểm tra các doanh nghiệp vi phạm luật pháp !
Có cả một vị ở Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, gian lận thương mại và Sở hữu trí tuệ là Ủy viên (Bùi Chí Phương), thứ 9 trong danh sách đấy !
He he..
Vậy thì các "ban tổ chức" khi biến thành Ban Thanh tra liên ngành (cũng đúng các thành phần đó) thì chuyện "mua" kết luận thanh tra để làm nhẹ tội và giúp Vedan cù lần trong chuyện bồi thường thiệt hại chó bà con là quá rõ!
Em Còm
Bán danh ba đồng
Sao Hồng
Bài này được đăng lúc 01:02 ngày Thứ Bảy, 31/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/15625.html
Xưa các cụ ta có câu “mua danh ba vạn bán danh ba đồng” để răn dạy con cháu “giấy rách cũng phải giữ lấy lề”.
Cái danh ở đây là danh dự. Cái danh dự của một con người cụ thể không chỉ là của riêng người đó mà là của cả gia đình dòng họ, thậm chí còn là của một tổ chức như công ty, cơ quan mà người đó có vai trò như một người lãnh đạo hay chỉ là một anh nhân viên quèn.
Cái danh đó bây giờ người ta gọi là THƯƠNG HIỆU.
Những chuyện lùm xùm gần đây cho thấy “thương hiệu” hay cái danh của các ông quan đại diện cho “phương diện quốc gia” của các bộ ngành ở ta giờ thấy sao mà rẻ rúng quá!
Vụ trao giải thưởng “Top 100 sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng cho Vedan“ là một trong những ví dụ nổi bật nhất [1].
Chuyện Công ty Vedan đầu độc dòng sông Thị Vải mấy chục năm nay người ta nói quá nhiều rồi. Nói đến nhàm cả lỗ tai, lên đến diễn đàn Quốc hội mà mọi chuyện “vũ như cẩn”. Đến như đại biểu Quốc hội lại còn ví là chuyện “đùa dai”.
Rồi cái đặc điểm khí hậu hai mùa mưa nắng với 6 tháng mưa của miền Nam, rồi triều cường bão lũ đã góp phần làm sạch môi trường nước sông Thị Vải. Ông trời cũng góp phần cuốn trôi trách nhiệm của Công ty Vedan đối với bà con ngư nông dân sống nhờ vào dòng sông.
Vũng “nước tù”, mang tên nàng “Na-tu-xi” ở thành phố Hồ Chí Minh trong tháng mười vừa qua không làm bẩn áo khách qua đường, nhưng thừa sức nhấn chìm cái danh dự của các chức sắc cấp vụ, cục của ít nhất hai Bộ KH-CN & Y tế vì cái chuyện “ăn cơm nước vác tù và tư nhân”.
Chuyện Công ty Vedan được cái giải “danh giá” “vì sức khỏe cộng đồng” báo chí đã lên tiếng ầm ầm rồi, ở đây tui xin không đề cập đến nữa. Tui chỉ xin nói đến cái chuyện “mua danh ba vạn mà bán danh ba đồng” các chức sắc ăn lương ngân sách từ tiền thuế của dân đóng góp thôi!
Để có được cái vị trí như các vị tham gia “mua bán danh” vừa qua, thì các vị ấy cũng đã “mua” từ sức lực, công lao bao nhiêu năm đèn sách và chạy chọt, không loại trừ “mua” ô dù nữa.
Thôi, không nói ngoài lề. Nói trong phạm vi hẹp vụ “mua bán danh” mà Vedan dự phần ở trên.
Ở đây, bên mua có hai đối tượng. Nàng “Na-tu-xi”, kẻ trung gian mua danh của các vị chức sắc bằng tiền vé máy bay, tiền ở khách sạnh, tiền công (1 đến 1,2 triệu đồng/ngày),… Nàng này lại bán “cái danh” (hiệu) cho các công ty tham gia mua bán [2].
Như vậy, nàng Na-tu-xi đích thị là con buôn chính cống. Có điều nàng mua danh và bán danh cũng rất chi là bài bản. Có Cu Đê lập BTC; có Cu Chờ (Quy chế) [3] hoạt động và xét tuyển. Có lễ giao hàng rình rang. Có loa đài đưa tin phát hình rầm rộ [4].
Người mua danh cấp hai (mua lại) là các công ty có sản phẩm “đăng ký xét duyệt giải thưởng”. Vedan là một trong số đó. Mỗi giải thưởng cho một sản phẩm treo giá là 30 triệu đồng (theo mẫu “Hợp đồng đăng ký tham gia” của nàng Na-tu-xi)
Theo hợp đồng của bên bán (nàng Na-tu-xi) thảo ra [5]. Người mua bỏ ra 30 triệu cho một “cái danh” của một sản phẩm (25 triệu cho “hệ thống quản lý chất lượng” + 5 triệu cho “sản phẩm chất lượng vì sức khỏe cộng đồng)
Nàng Na-tu-xi còn mượn danh của đồng bào bị… bão lụt hành để bán cho các doang nghiệp, công ty với giá trăm triệu. Theo TV công bố thì hơn 500 triệu sẽ dành cho nạn nhân bão lụt miền Trung. Thực tế như Nàng Na-tu-xi phân bua thì chỉ có chưa đầy 300 triệu thôi. Còn lại là người mua xù hay nàng cho vô phần lợi nhuận của nàng thì không ai biết, bởi vì không có hóa đơn viết. Chỉ có hoá đơn… nước bọt.
Còn bán danh chính là các vị chức sắc của nhà nước mang danh là “công bộc của dân”. Dù họ không bao giờ coi mình là người bán danh. Nhưng thử hỏi, suy cho cùng cái danh mà các công ty bỏ ra mua cho sản phẩm của mình, các vị cho không biếu không à? Hợp đồng còn sờ sờ ra đó.
Dĩ nhiên, không ông nào tự đứng ra bán danh. Làm như rứa nghe có vẽ “kinh tế tiểu nông” lắm. Thời buổi hội nhập rồi, phải có một kẻ đứng trung gian chào hàng, tiếp thị, tổ chức liên kết người bán người mua chứ. Các ông chỉ việc cắp cặp ra vô ngồi dự họp ký trá, bắt tay bắt chân, trao và nhận hàng hóa, hoa hòe, cúp nhựa và cả phong bao gọi là tiền công ngồi BTC và hội đồng.
Chưa hết, người ta bao sân từ vé máy bay đến chổ nằm, nơi ăn rồi khi về, không chừng các ông lại lấy bill rút tiền từ ngân quỹ của cơ quan các ông gọi là “thanh toán đi công tác cơ sở”…
Có sếp nào ở hai cái bộ K, bộ Y cắc cớ “kiểm toán” cái vụ đi công cán bán danh của mấy vị trên chưa nhỉ?
Trong vụ “giải thưởng cho Vedan” này, vị trung gian đó là cái cô nàng Na-tu-xi. Cái cô Na-tu-xi này đích thị là một “câu lạc bộ mua bán danh” được bảo trợ của một cơ quan quản lý nhà nước về khoa học, Bộ KH-CN.
Khi báo chí và dư luận lên tiếng về vụ “mua bán danh” này. Mọi người nghe không ít lần các chức sắc “trong cuộc” & cơ quan quản lý đổ lỗi cho ông “BAN TỔ CHỨC” (BTC). Rồi nhất nhất mọi việc cô nàng Na-tu-xi cũng lấy danh nghĩa ông “BTC” để thanh minh thanh mua.
“Theo Bộ KH-CN, Công ty Vedan trong nhiều năm có hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đến nay đơn vị này vẫn chưa hoàn tất việc khắc phục các thiệt hại gây ra cho môi trường và cộng đồng dân cư. Vì vậy, việc trao Giấy chứng nhận Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng năm 2009 cho các sản phẩm của Công ty Vedan là thiếu sót rất lớn của Ban Tổ chức”.
Vậy cái ông BTC này là ai mà mắc lỗi “thiếu sót rất lớn” như thế? Bà con hãy xem cái ông “BTC” này là ai nhé!
Danh sách BAN TỔ CHỨC xét tặng giải thưởng “Doanh nghiệp ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng xuất sắc và Top 100 sản phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng” trong Quyết định thành lập của NATUSI
Ảnh từ Báo Đất Việt điện tử
http://bauxitevietnam.info/uploads/2009/10/Bantochuc.JPG
A, đây rồi! Cái “Cu Dê” đẻ ra ông “BTC” đây. Chỉ cần nêu đích danh 9 vị thôi cũng đủ thấy thành phần “ông bán danh” là ai nhé:
Ông Nguyễn Văn Quyến – Vụ trưởng – Trưởng đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ tại TP HCM – Trưởng ban.
Ông Phan Thế Hào – Vụ trưởng – Trưởng đại diện Bộ Công thương tại TP HCM – Phó trưởng ban.
Ông Bùi Đức Phong – Phó chánh Thanh tra Bộ Y tế – Phó trưởng ban.
Ông Nguyễn Thanh Bình – Trưởng văn phòng đại diện Cục sở hữu Trí tuệ tại TP HCM – Ủy viên.
Ông Trần Đức Long – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế – Ủy viên.
Ông Nguyễn Hùng Long – Phó Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Bộ Y tế – Ủy viên.
Ông Đặng Quang Huấn – Phó Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ – Ủy viên.
Bà Trương Thúy Trang – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tp HCM– Ủy viên.
Ông Bùi Chí Phương – Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, gian lận thương mại và Sở hữu trí tuệ – Ủy viên.
***
Nhìn vào danh sách ông BAN TỔ CHỨC này thì thấy toàn “công bộc của dân” có vai có vế cả.
Không những thế, để ngồi vào được các ghế đó, theo tiêu chuẩn hiện hành thì phải có bằng “đột phá tư duy” trở lên. Lại có vị có thêm cái danh “Giáo sư” “Phó giáo sư” nữa đấy !
Thế mà khi báo chí hỏi (nếu các bài báo đưa tin đều chính xác từng lời nói của các vị) thì họ lại nói dối trắng trợn cơ! Đến độ cư dân mạng giật tít mỉa mai “Cần cố gắng nói dối tốt hơn” [6]. (”Đột phá tư duy” là ở chỗ ấy chăng?!)
Suy cho cùng, các công ty doanh nghiệp mua cái danh đó để bán hàng hóa của họ cho được nhiều hơn. Rồi tiền lời họ thu về hàng tỷ. Chi phí mà họ bỏ ra được tính vô 20-30% chi phí quảng bá sản phẩm. Đến lượt họ, cái danh đó họ đăng báo đài, in logo để lèo người tiêu dùng.
Còn cái danh của người bán là các quan chức được bán đi bán lại vài “thương vụ” cùng lắm là dăm ba chục triệu mà thôi. So với cái lời mà họ thu về, tỷ như Công ty Vedan, thì chỉ như “ba đồng” mà thôi.
Không những thế, cái danh của các vị sau các loại vụ như thế này thì hỡi ôi, đã ô uế bốc mùi như nước sông Thị Vải nơi nhà máy của Vedan đổ ra. Khốn nỗi, “mùi” đó lại là mùi mang danh NHÀ NƯỚC, vì các vị đều là quan chức nhà nước đang… thực thi công cán cả. Thế thì Nhà nước của chúng ta có đau không? Có nghị định nào cần đưa ra kịp thời để ngăn chặn nỗi đau này không? Rất nên, thiển nghĩ còn cần thiết gấp vạn lần cái QĐ97 kia đấy!
Than ôi,
Thế thái nhân tình gớm chết thay
Lạt nồng coi chiếc túi vơi đầy
(Nguyễn Công Trứ)
Viết đến đây tôi bỗng thương cho các cụ thân sinh của các ông tham gia “bán danh”. Thương vì con cháu họ không thuộc lời răn của ông bà cha mẹ: MUA DANH BA VẠN BÁN DANH BA ĐỒNG.
SH
-----------------------------
Tài liệu tham khảo:
http://www.baodatviet.vn/Home/chinhtrixahoi/Chung-nhan-cho-Vedan-la-thieu-sot-cua-Ban-to-chuc/200910/65390.datviet
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200944/20091027234748.aspx
http://www.natusi.vn/detailnews.php?id=249
http://www.natusi.vn/detailnews.php?id=272
http://www.natusi.vn/detailnews.php?id=135
http://quechoablog.wordpress.com/2009/10/27/oi-vedan-ch%E1%BB%A9a-chan-tieu
c%E1%BB%B1c/comment-page-1/#comment-21885
HC Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
Không phải chuyện đùa
Hồ Bất Khuất
Đăng ngày: 00:02 28-10-2009
http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho
Phải chăng dư luận đang bị thách thức?
Chúng ta đang sống trong thời kỳ người dân rất quan tâm đến thông tin, hơn nữa họ có thể trao đổi thông tin với nhau quan mạng Internet. Do vậy, những gì xẩy ra trong nước cũng như ngoài nước được mọi người biết đến rất nhanh; người ta trao đổi, bàn luận quanh những thông tin đáng chú ý và bày tỏ thái độ. Đây chính là dư luận.
Thời gian gần đây có những sự việc dường như là thách thức do luận. Đó là việc ông Đào Duy Quát cho đăng tin dịch của nước ngoài về việc Trung Quốc tập trận ở Trường Sa. Sau khi rất nhiều người phản ứng dữ dội, ông Quát bị kỷ luật, bị phạt tiền. Ông chống chế bằng cách đổ lỗi cho “cậu đánh máy” quên hai chữ “ngang ngược”. Nhiều người cho rằng, trong trường hợp này chính ông Quát ngang ngược, không coi dư luận ra gì mới nói là thêm chữ ngang ngược vào bản tin dịch của nước ngoài.
Nhưng sự việc chưa dừng ở đó. Mấy hôm sau ông Quát còn đi trao giải cho những người làm bài xuất sắc trong cuộc thi tìm hiểu về biển và đảo! Một người vừa bị kỷ luật do cho đăng tin Trung Quốc tập trận trên vùng biển đảo của ta, bị dư luận lên án dữ dội, lại là người đi trao giải thưởng cho cuộc thi về biển đảo! Mỉa mai và đau đớn làm sao?! Nhưng có vẻ nhiều người vẫn nhẫn nhục chịu đựng.
Đến việc Vedan được vinh danh một lúc 3 sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng thì rõ ràng là nhiều người không chịu nổi. Một công ty hủy hoại môi trường, “giết chết” dòng sông Thị Vải đang gây nhức nhối lại được vinh danh! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đã phải thốt lên: “Đùa dai!”. Ai đùa đây? Những người cấp bằng vinh danh cho Vedan đùa cợt tất cả chúng ta? Tôi cho rằng, không chỉ như vậy, họ còn đi xa hơn: Họ thách thức dư luận!
Có những việc nữa góp phần khẳng định điều này. Đó là vụ án ông Huỳnh Ngọc Sĩ và bà Trần Ngọc Sương. Ban đầu bản chất của sự việc trong vụ án ông Sĩ là do phía Nhật Bản cho biết là ông Sĩ ăn hối lộ. Phía Nhật Bản đã xử lý người của họ. Còn phía Việt Nam chỉ xử ông Sĩ tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và được giải thích là án nhẹ vì thân nhân tốt, công nhiều hơn tội.
Còn bà Trần Ngọc Sương nguyên là Giám đốc Nông trường sông Hậu, người từng được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới (cha bà cũng là nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, cũng từng được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới) từng là gương mặt tiêu biểu cho phụ nữ châu Á – Thái Bình Dương, sau 28 năm làm việc không ngừng nghỉ, đến lúc nghỉ hưu chỉ là tay không, phải đi ở nhờ và bị xử 8 năm tù vì tội lập quỹ trái phép!
Tội của ông Sĩ thì đã rõ, còn bà Sương đang kháng án, nhưng cứ cho là bà có lập quỹ trái phép thật đi chăng nữa thì mức độ nguy hại làm sao so với việc ông Sĩ ăn tiền trong dự án làm với Nhật Bản! Còn về công – thân nhân tốt thì ông Sĩ làm sao so với bà Sương được. Ấy thế mà ông Sĩ chỉ bị kết án 3 năm tù, còn bà Sương những 8 năm. Đây không phải là sự thách thức thì là gì?!
Chỉ điểm qua một vài sự việc như thế để thấy rằng, có thể có những ai đó đang thể hiện thái độ ngang ngược, xem thường pháp luật và đạo lý, thách thức dư luận, chà đạp lên niềm tin vào công lý của nhân dân. Đây có lẽ không phải là chuyện đùa nữa rồi.
Tái bút: Người ta lại tiếp tục đổ lỗi cho nhân viên trong việc vinh danh Vedan có 3 sản phẩm "vì sức khỏe cộng đồng". Nào là "giấy chứng nhận đã được ký khống", nào là "từng sản phẩm cụ thể của Vedan là tốt"... Càng thanh minh, càng lộ rõ việc quan chức của ta hầu như không có kỹ năng làm việc và không hiểu pháp luật. Tại sao ông Phó Cục trưởng Hoàng Thủy Tiến lại ký khi không biết giấy chứng nhận này vinh danh công ty nào? Làm đến chức như vậy, sao ông lại có thể ký khống những giấy tờ quan trọng như vậy? Còn ông Bùi Văn Quyền - Vụ trưởng, Trưởng đại diện của Bộ Khoa học - Công nghệ ở thành phố HCM còn nói nếu không có báo chí, ông không biết là Vedan được vinh danh. Quan liêu đến thế là cùng! Ông Quyền lại còn nói rằng, các quan chức chỉ thực hiện những vấn đề theo tính pháp lý, còn những việc chi tiết do đơn vị tổ chức thực hiện. Vậy xin hỏi: Ai có vai trò quan trọng, vai trò quyết định trong việc vinh danh Vedan?
Tất cả đồng loạt cho rằng, chỉ có ban tổ chức sai sót. Vậy xin hỏi: Ai sinh ra ban tổ chức? Các thành viên trong hội đồng xét duyệt đều là người của Bộ Khoa học - Công nghệ và Bộ Y tế, Bộ Công Thương... chứ có phải là người thuê ở chợ lao động vào đâu?!
Tôi xin thử trả lời cho việc Vedan - Kẻ "bức tử" sông Thị Vải được vinh danh là do quan chức của ta vừa dốt, vừa tham, vừa vô trách nhiệm. Còn ai đưa những người có phẩm chất như vậy nắm những chức vụ quan trọng chính là người có lỗi.
Tại sao chúng ta không thẳng thắn công nhận những sai lầm của mình để hy vọng có ngày khá lên?
No comments:
Post a Comment