Friday, October 30, 2009
15 RỦI RO của NHÀ MÁY ĐIỆN HẠT NHÂN
Giảm thiểu 15 rủi ro của nhà máy điện hạt nhân
Phùng Liên Đoàn [1]
Bài này được đăng lúc 01:07 ngày Thứ Bảy, 31/10/2009
http://bauxitevietnam.info/c/15546.html
Một người bạn đề nghị tôi cho ý kiến về bài viết “Dự Án Điện Hạt Nhân (ĐHN) Ninh Thuận và Những Câu Hỏi Bỏ Ngỏ” của ông Phạm Duy Hiển khi tôi đang công tác quyên tiền với các hội từ thiện để giúp nạn nhân bão lụt Ketsana. Đọc xong bài viết, tôi thấy phát biểu của ông Hiển có căn bản khoa học và rất rõ ràng. Vì thế tôi thấy không có gì cần phải nói thêm, nhất là khi tôi chưa được đọc Báo Cáo Đàu Tư (BCĐT) của chính phủ và cũng không có tài liệu thống kê minh bạch về kinh tế Việt Nam.
Nhưng người bạn tôi lại nói: ”40 năm làm việc về ngành nguyên tử ở Mỹ mà sao không nói lên một tiếng để đóng góp vào quyết định của Quốc Hội mà chính phủ càng ngày càng đề cao là có quyền tối hậu vì là đại diện của người dân.”
Mặc dầu một vài chi tiết có thể trình bày khác nhau, tôi thấy ông Hiển đã phát biểu rất đúng về các vấn đề như: (1) Con số 380 tỉ KWh (tương đương với 48 nhà máy ĐHN 1000 MW sản xuất điện ngày đêm với năng suất 90%) là không có căn bản xác thực vì có rất nhiều yếu tố làm con số đó sai lầm; (2) Khi có nhà máy ĐHN, ta lệ thuộc nhiều hơn vào nước ngoài chứ không có “an ninh năng lượng” nhiều hơn theo nghĩa độc lập tự quyết khi có tiền; (3) kế hoạch xây nhà máy ĐHN không “hoàn toàn khả thi” như người chào bán thường phô trương; (4) giá tiền các nhà máy này sẽ nhiều hơn dự phỏng là 11 tỉ USD; (5) Sự an toàn của nhà máy ĐHN không có gì là chắc chắn vì nhiều lý do; (6) Xử lý chất thải phóng xạ có nhiều rủi ro; (7) Ta không có đủ thầy đủ thợ để xây dựng và quản lý nhà máy ĐHN dù có sửa soạn ngay từ bây giờ; và (8) Ta không có đủ nền tảng hạ tầng để xây dựng tốt và xử dụng tốt những nhà máy ĐHN theo như dự án.
Sau đây tôi liệt kê 15 rủi ro nhà máy ĐHN sẽ gặp phải và đề nghị một giải pháp tránh hoặc giảm thiểu các rủi ro đó, để các Dân Biểu Quốc Hội, người dân và chính phủ xem xét.
BẨY RỦI RO VỀ PHÓNG XẠ VÀ KỸ NGHỆ
Rủi Ro 1: Nhà máy ĐHN là một trái bom nguyên tử
Với người bình dân, “hạt nhân” và “nguyên tử” cũng có nghĩa như nhau. Sự bất đồng chính kiến đã “chia rẽ thế giới” suốt 30 năm qua theo ông Hiển viết, sự thực có nguồn gốc từ việc chống đối ĐHN bởi người dân các xứ dân chủ cho rằng ĐHN và bom nguyên tử tuy hai nhưng là một. Thực vậy, sau 3 năm hoạt động, các nhiên liệu của nhà máy ĐHN còn chứa U-235 và Pu-239 đủ để làm 30 quả bom loại đã tàn phá Hiroshima và Nagasaki năm 1945. Rủi ro này không có ở Việt Nam bởi vì chính phủ đã tuyên bố không làm bom nguyên tử. Hơn nữa, các giao kèo bán ĐHN cho các nước đang mở mang đều có điều kiện phải trả lại các nhiên liệu đó sau khi đã dùng làm điện.
Rủi ro 2: Nhà máy ĐHN có thể nổ như Chernobyl?
Chernobyl nổ năm 1986 làm hơn 50 người bị chết, nhiều ngàn người bị bệnh vì phóng xạ, nhiề triệu cany số vuông tại nhiều quốc gia bị nhiễm xạ, và cả thành phố nguyên tử Pripyat bị bỏ hoang cả thế kỷ. Nhưng Chernobyl là loại nhà máy dùng graphite để có sức sản xuất plutonium tối đa trong chương trình làm bom của Nga. Các nhà máy ĐHN loại EPR, APWR, ABWR… mua từ các nước dân chủ thì dùng nước thành ra không dễ nổ bởi phản ứng hóa học, và còn có các thiết bị tự động khiến cho rủi ro lớn nhất cũng chỉ như Three Mile Island, một sự cố làm mất trắng vài tỉ USD nhưng không giết chết ai, và ngày nay vẫn có cả trăm ngàn người sống gần nhà máy. [2, 3]
Rủi Ro 3: Nhà Máy ĐHN thải ra phóng xạ
Với kinh nghiệm hoạt động của cả trăm nhà máy ĐHN trong 30 năm qua, các nhà máy ĐHN thải phóng xạ ra nước và không khí rất ít — ít đến nỗi phải khó khăn lắm mới phân biệt được những phóng xạ này với phóng xạ thiên nhiên do đất đá và các tia vũ trụ bắn vào mọi người khắp nơi trên trái đất. Rác rưởi có phóng xạ (như khăn lau chùi dụng cụ, nhựa lọc nước, màng lọc không khí…) được thu góp cẩn thận, ép chặt thành vài chục m3, rồi đem chôn ở những nơi an toàn có hàng rào kỹ càng. Chỉ vài năm là chúng không còn nguy hiểm nữa. Nhưng ở Việt Nam, ta phải tránh việc người nghèo ăn trộm các vật thải này đem dùng vào các việc thông thường trong đời sống. Sự thực, các rác rưởi này còn ít độc hại hơn tro bụi than có arsenic, thủy ngân; và khói có SOx, NOx, CO… bài tiết từ các nhà máy đốt than. Rác rưởi có phóng xạ thấp cũng không thể giết người dễ dàng như vi trùng và các chất hóa học thường có trong các bãi rác của thành phố.
Riêng các thanh nhiên liệu đã sử dụng làm điện thì rất nguy hiểm, bởi chúng có rất nhiều phóng xạ, sinh vật đứng gần là bị “đốt bỏng” trong vài phút. Mỗi thanh nhiên liệu này có kích thước khoảng 20 cm x 20cm x 1400cm, nặng khoảng 500 kilo, và chứa phóng xạ ghê gớm đến 50 triệu curies (mỗi curie là 37 tỉ phóng xạ), làm cho nước cũng phải phát sáng xanh lè (ánh sáng Cerenkov). Người ta ngâm các thanh nhiên liệu này trong bể nước sâu khoảng 14 m, sau 3 năm thì phóng xạ yếu đi nhiều ngàn lần, và người ta bỏ vào các hộp sắt hàn kín, đặt trong thùng xi măng cốt sắt rất dày và nặng nhiều tấn, khiến bom nổ gần cũng không vỡ và không ai có thể đem đi nếu không có dụng cụ và xe cộ đặc biệt. Nhà máy ĐHN Việt Nam, nếu có, sẽ phải trả các thanh nhiên liệu đã dùng tạo điện trở về các quốc gia bán nhiên liệu để họ biến chế các chất U-235 và Pu-239 thành nhiên liệu mới, gọi là nhiên liệu dùng MOx.
Rủi Ro 4. Chọn Địa Điểm Không Đúng
Thường vì vấn đề an toàn, việc chọn địa điểm cho nhà máy ĐHN đòi hỏi một khảo sát hết sức khắt khe về điạ chất, giao thông, cầu đường, bến phà, khí hậu, dân sinh, thực vật, động vật… Đặc biệt, địa điểm của nhà máy ĐHN không thể ở gần nơi có nguy cơ động đất. Tôi không rõ chính phủ Việt Nam đã khảo sát Bình Thuận ra sao, nhưng chỉ lưu ý là nhà máy ĐHN 621 MW của Philippines tại Bataan phải bỏ chết năm 1984 vì gần mạch động đất và núi lửa Vinatubo sau khi đã tiêu tốn 2.3 tỉ USD (3700 USD/KW, 1984). Quyết định điên rồ của nhà độc tài Marcos xây nhà máy ĐHN mà không có cơ sở khoa học vững chãi đã khiến người dân Philippines nai lưng trả nợ 56 triệu USD mỗi năm suốt 30 năm mà chưa hết nợ.
Rủi Ro 5. Sẽ Có Nhiều Tai Nạn Lao Động
Xây một nhà máy ĐHN phải đào một lỗ trên đất đá đường kính vài trăm mét, chiều sâu vài chục mét; phải sử dụng nhiều trăm ngàn tấn xi măng, nhiều chục ngàn tấn thép, nhiều triệu mét dây cáp và dây điện; và phải vận dụng một đội ngũ kỹ sư và công nhân chuyên nghiệp có khi đông tới 5000 người. Tai nạn lao động xảy ra hàng ngày, có thể thiệt hại lớn đến sinh mạng. Ai cũng biết là tai nạn lao động ở Việt Nam nhiều hơn ở các nước tân tiến vì ta chưa có một hiểu biết sâu rộng và chưa áp dụng triệt để các biện pháp an toàn. Việc đặt ra luật lệ, giáo dục, tập huấn, và áp dụng triệt để an toàn lao động là một vấn đề đòi hỏi nhiều thời gian, tiền bạc và quyết tâm trong văn hóa.
Rủi Ro 6. Sẽ Có Nhiều Tai Nạn Xe Cộ
Việc sử dụng cả trăm xe cam nhông hạng nặng chuyên chở đất đá và vật liệu ngày đêm, nhiều ngàn xe gắn máy của công nhân trong vùng đông dân và đường xá nhỏ, cùng là việc dùng tầu bè tấp nập cho các dụng cụ nhiều ngàn tấn sẽ dẫn đến nhiều tai nạn giao thông. Ai cũng biết văn hóa giao thông ở Việt Nam chưa được hấp thu rộng rãi, và tai nạn giao thông của ta nhiều gấp năm gấp mười tai nạn tương tự tại các nước khác tính trên số xe và số kilomet giao thông. Khi hoạch định xây nhà máy ĐHN ta cần bao gồm những yếu tố này trong việc phỏng tính hạ tầng cơ sở, thời gian thực hiện, kiện tụng… để rồi cộng vào giá đầu tư.
Rủi Ro 7. Làm việc bất cẩn, dối trá
Các rủi ro này thường xảy ra khi người lao động không có giáo dục chuyên môn tốt về kỹ thuật cũng như đạo đức nghề nghiệp. Chỉ một hành động bất cẩn, dối trá cũng có thể gây thương vong cho nhiều người khác và thiệt hại lên tới nhiều triệu USD. Ví dụ, làm việc bất cẩn có thể gây vật nặng rơi trên đầu người khác, nước có phóng xạ đổ ra mặt đất, khí có phóng xạ tuôn ra không khí, máy móc tự động không làm việc khi nhà máy có sự cố.
Làm việc bất cẩn, dối trá có thể làm nhà máy bị đóng cửa vì sự cố hoặc vi phạm luật lệ. Với sự lựa chọn nhân viên cẩn thận, tập huấn tích cực, giám sát nhạy bén, tôi tin rằng rủi ro này không cao hơn các rủi ro tương tự tại các nước khác. Ông Hiển hơi bi quan khi cho rằng người ngoại quốc không thực tâm huấn luyện ta. Thật ra, khi ta mua nhà máy ĐHN của các nước dân chủ văn minh, thì họ sẽ tận tình không giấu nghề, miễn là ta chăm chỉ, trả tiền sòng phẳng, và không có ý định bí mật làm bom.
SÁU RỦI RO VỀ KINH TẾ
Rủi Ro 1. Nhà máy bị hỏng, nằm chết một chỗ không sản xuất điện
Đây là rủi ro dễ hiểu nhất, dễ xảy ra nhất, và lại tốn kém nhất. Mọi rủi ro khác đều có thể dẫn tới rủi ro này. Mỗi ngày hoạt động tốt, nhà máy 1000 MW có thể sản xuất 24 triệu KWh, đáng giá 3 triệu USD. Khi nhà máy nằm chết, không những không thu được 3 triệu USD, mà còn gây thiệt hại một số tiền nhiều lần lớn hơn cho các hoạt động kinh tế cần điện. Ví dụ, không có điện thì các nhà máy đông lạnh có thể mất trắng sản phẩm cần phẩm chất cao; nhà máy sản xuất quần áo, giày dép không hoạt động; nhà hàng đóng cửa; nhà thương không cứu chữa được hữu hiệu… Nước ta có rất nhiều điển hình loại “thiếu một bóng đèn mà máy xerox không chạy và cả một cơ quan không thể làm việc.” Khi mọi rủi ro kỹ thuật, tai nạn, và thủ tục hành chính đều có thể dẫn tới việc nhà máy nằm chết không sản suất điện, thì ta thấy rằng cơ nguy về rủi ro này rất cao ở nước ta, và ta không thể tin các con số rất hấp dẫn như “năng suất 90%” mà các người chào hàng trình bày với ta.
Rủi Ro 2. Tính sai, mua sai
Quá trình phát triển kinh tế Việt Nam từ năm 1990 đến nay có rất nhiều điển hình của việc tính sai, mua sai. Nhà máy lọc dầu Dung Quất đáng nhẽ không nên mất quá nhiều thời gian và chọn lựa địa điểm phi kinh tế. Đường dây 500 KV Bắc Nam tốn nhiều hơn và xây dựng ít chất lượng hơn là dự toán. Đập nước Hòa Bình và Trị An có những sự cố kỹ thuật và kinh tế ngoài tầm khảo sát ban đầu, gây tốn kém nhiều hơn về thời gian, vật liệu, và chất lượng công trình. Đập A Vương đã không tránh được lũ lụt cho người dân mà còn làm hại hơn cho dân. Các công trình cầu, đường, sân vận động, bến cảng… khắp nước đều hầu như tốn kém hơn, mất nhiều thời gian hơn, và ít chất lượng hơn là thiết kế. Điển hình mới nhất là đường ven biển Đà Nẵng bị Ketsana đánh sập và phơi ra là bên trong không có cốt thép!
Khi xây nhà máy ĐHN, sai một chút thì có thể bị phá đi làm lại để bảo đảm an toàn. Giữa những năm 1970-1980, việc xây nhiều nhà máy ĐHN ở Mỹ đã đi tới tình trạng làm việc ẩu tả, mỗi nhà máy khi giám định có tới 5,000-10,000 vấn đề làm sai “một chút cỏn con” nhưng không thể dung thứ. Vì thế, cần phải có người chuyên môn sửa sai, vật liệu mới, thời gian thêm… và kết quả là các nhà máy này tốn kém gấp 2, gấp 3, có khi gấp 5 phí tổn dự toán [4]. Nếu dữ kiện là nhà máy ĐHN tốn 5000 USD/KW ở Nhật hoặc Hàn Quốc, thì xây tại Việt Nam sẽ tốn kém nhiều hơn, có thể hơn 20%-30%, bởi vì Việt Nam chưa có luật lệ rõ ràng, hành chính rườm rà, hạ tầng cơ sở phôi thai, đội ngũ công nhân thiếu chuyên nghiệp. Lời tuyên bố của ông Đại Sứ Nhật năm 2008 về sự khó khăn của đầu tư Nhật tại Việt Nam vì ta thiếu công nghệ phụ để cộng hưởng là một thực tế người hoạch định nhà máy ĐHN cần phải để ý và để ý hàng ngày. Các yếu tố này cho ta khẳng định là con số 11 tỉ USD cho nhà máy ĐHN 4000 MW, nghĩa là 2750 USD/MW là sai hoặc không bao gồm nhiều yếu tố cần thiết. Giá đầu tư thật sự khi nhà máy bắt đầu sản xuất điện có thể nhiều gấp hai, gấp ba. [5]
Rủi Ro 3. Chưa có và chưa kiện toàn Luật Hạt Nhân
Quốc Hội Mỹ đã có Luật Hạt Nhân từ năm 1953, nghĩa là 56 năm rồi, và luật này càng ngày nhiều thêm, tinh vi hơn. Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (NRC) đã dựa trên luật của Quốc Hội mà phát triển nhiều ngàn luật áp dụng, chuẩn hạt nhân, phương pháp tính toán, phương pháp điều hành, phương pháp giám định. Họ còn khảo cứu “những gì chưa biết” và liệt kê nhiều trăm đề tài còn chưa có giải thích thỏa đáng. Các luật lệ và văn kiện, chuẩn định này nhiều hàng trăm ngàn trang. Các nước tiên tiến khác cũng có luật lệ nhà máy ĐHN tương tự, và họ cùng cố gắng hợp tác với nhau qua Cơ Quan Nguyên Tử Quốc Tế (International Atomic Energy Agency—IAEA) mà Việt Nam là một hội viên. Trong 10 năm nữa Việt Nam làm sao có luật lệ hạt nhân? Dĩ nhiên, cách tốt nhất cho nước nghèo và đi sau là áp dụng những gì đã có sẵn, nhưng chỉ riêng việc này cũng đòi hỏi ta có một đội ngũ giỏi tiếng Anh, giỏi kỹ thuật hạt nhân, giỏi luật pháp và giỏi giao thiệp. Có vậy thì ta mới tránh được tình trạng bất lực mà vẫn phải chịu trách nhiệm mà ông Hiển gọi là “sở hữu nhưng không là chủ”.
Rủi Ro 4. Thiếu thầy, thiếu thợ
Về ngành ĐHN, Việt Nam rất thiếu phương tiện, thiếu thầy, thiếu thợ với kinh nghiệm thực tế để giáo dục, tập huấn, và làm việc với một trình độ chuyên môn cao. Điển hình sự kiện này là việc Intel chỉ có thể tuyển 50 người có đủ điều kiện trong số hơn 2000 người nộp đơn làm việc trong đợt tuyển chọn đầu tiên của chương trình đầu tư 1 tỉ USD (nhỏ hơn chương trình nhà máy ĐHN ít nhất 5 lần.) Trong chương trinh xây thêm khoảng 30 nhà máy ĐHN, Mỹ cũng kêu trời là thiếu thầy thiếu thợ, mặc dầu vẫn có hơn 30,000 người làm việc hàng ngày tại gần 100 nhà máy ĐHN đang hoạt động. Để sửa soạn kỹ lưỡng, DOE và NRC đã đầu tư hơn 100 triệu USD vào các chương trình khuyến khích các trường đại học, cao đẳng, và công ty điện đào tạo công nhân và kỹ sư cho tương lai. Việt Nam cũng có thể làm như vậy, nhưng tiền bạc của ta khiêm tốn hơn mà ta lại phải gửi người ra nước ngoài học tập. Và ta có nhiều kinh nghiệm gửi người đi thì dễ, đem được người về và giữ được những người đó làm việc cho mục đích xây nhà máy ĐHN thì rất khó. Từ năm 1977 tôi có giúp một số sinh viên ưu tú Việt Nam đi Mỹ học lấy tiến sĩ. Không những họ học rất lâu, mà sau khi học xong, không ai về lại Việt Nam cả. Tôi được biết nhiều chương trình khác cũng vậy, người học xong thì tìm cách ở lại nước ngoài (chính tôi ngày xưa cũng làm như vậy), hoặc về nước thì làm chuyện khác chứ không thể thực dụng cái học của mình với đồng lương bằng 10%-20% lương tương tự tại nước ngoài. Tôi có trình bày trực diện sự kiện này với bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trong chương trình đào tạo 20,000 tiến sĩ của Bộ, nhưng ngài Bộ Trưởng tin như đinh đóng cọc là các vị tiến sĩ do Bộ đào tạo sẽ trở về xây dựng giáo dục Việt Nam.
Thực tế cho ta biết là chỉ khi nào kinh tế quốc gia phát triển ngang với kinh tế Hàn Quốc và Đài Loan vào 30 năm trước (khoảng 4000-5000 USD/người dân) thì các chương trình to lớn như ĐHN mới có cơ hội cất cánh. Và lúc đó nhân tài mới qui tụ để đóng góp vào các công trình lớn nếu chính phủ biết đãi ngộ nhân tài một cách dân chủ, công bằng và minh bạch.
Không có một đội ngũ giỏi thì mọi rủi ro kỹ thuật và kinh tế đều rất dễ xảy ra.
Rủi Ro 5. Phải phụ thuộc 100% vào vật liệu và nhiên liệu của nước ngoài
Nhà máy ĐHN Việt Nam sẽ phải mua hầu hết các vật liệu và nhiên liệu của nước ngoài. Việc này không thể biện minh là có “an toàn năng lượng”, bởi vì khi có sự vô tình hay cố ý làm chậm lại việc giao hàng thì nhà máy ĐHN của ta không chạy nữa. Ông Hiển nói rất đúng, an toàn nhất là năng lượng mặt trời (gồm cả năng lượng gió, năng lượng nước, năng lượng củi và cỏ, bởi vì không có mặt trời thì không có các năng lượng đó), dầu khí của ta, hơi khí của ta, than đá của ta. Chắc rằng BCĐT có nói những nguồn đó không bảo đảm, nhưng tôi chưa tin bởi vì tôi chưa được đọc những lý do xác đáng. Tại sao ta nói đến “Bể Than Sông Hồng?” Tại sao ta xuất khẩu than qua Trung Quốc? Tại sao Trung Quốc tranh chấp các đảo trong Biển Đông? Tại sao Mỹ nói có hơi khí nhiều đến mức có thể thay thế nhiều nhà máy đốt than và còn có thể dùng cho hơn 100 triệu gia đình và cả 20 triệu xe vận tải? Ta đã khảo sát kỹ về khả năng hơi khí của ta ở dưới sâu vài ngàn mét chưa?
Nhiên liệu hạt nhân giá khoảng 240 triệu USD cho một nhà máy, và cứ khoảng 18 tháng thì phải thay mới khoảng 80 triệu USD. Mua nhiên liệu hạt nhân cho 4 nhà máy vào năm 2020-2025 sẽ tốn 960 triệu USD ban đầu và khoảng 320 triệu USD mỗi 18 tháng.[6] Ngoại tệ này ta sẽ phải dùng tiền trao đổi nhờ xuất khẩu quần áo, tôm cá, gạo, cà phê, nguyên liệu thô như bauxite, và lao động làm việc thuê tại nước ngoài dưới các điều kiện nô lệ. Rõ ràng ta cần rất thận trọng khi đầu tư vào những dự án to lớn nhưng có nhiều rủi ro mà các thế hệ tương lai sẽ phải gánh chịu.
Rủi Ro 6. Tranh chấp, khiếu kiện
Xây một nhà máy đáng giá 5-20 tỉ USD và mất 10, 20 năm chắc chắn sẽ nẩy sinh nhiều tranh chấp với cả trăm công ty bán thiết bị, vật liệu; với thợ thuyền, nghiệp đoàn; và cả với người dân. Xã hội càng văn minh thì sự tranh chấp càng nhiều bởi vì ai cũng có quyền bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật. “Ký giao kèo” là một công tác quan chức của ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Văn kiện của các nước bán nhà máy ĐHN rất nhiều, rất chuyên môn, do đó quan chức của ta không thể hiểu hết. Sau khi ta ký, bất cứ một thay đổi nào cũng có thể đi tới việc tăng giá và nếu ta không đồng ý thì họ sẽ không làm nữa hoặc kiện tụng ra tới các tòa án ngoài sự tự chủ của Việt Nam. Sự kiện một người dân Ý có thể kiện Air Vietnam thắng nhiều triệu USD là một điển hình.
Ngoài ra, viên chức, công nhân, người bị tai nạn, người dân bị hại… bất cứ ai cũng có thể kiện người chủ trương nhà máy. Sự kiện này có hậu quả hiển nhiên là mất nhiều thì giờ và tốn kém nhiều hơn nếu không có hoạch định cẩn thận từng ly từng tý. Nếu chính phủ Việt Nam chủ trương xây nhà máy ĐHN trong vòng 10-15 năm, thì đội ngũ của ta phải có từ bây giờ, và thực tế cho biết là ta chưa đủ người và chưa đủ kinh nghiệm làm các dịch vụ này.
HAI RỦI RO VỀ AN NINH VÀ QUỐC PHÒNG
Rủi Ro 1. Phá hoại vì bất mãn
Nạn khủng bố, phá hoại ngày nay xẩy ra khắp thế giới, đặc biệt là do một số người quá khích bất mãn với chính sách của các nước hùng mạnh. Thực ra, khủng bố phá hoại do người yếu chống kẻ mạnh đã có từ khi loài người tranh chấp nhau vì miếng ăn, chỗ ở, quyền lợi. Người Do Thái khủng bố các chính quyền Trung Đông cho tới khi chiếm được một vùng đất lập quốc. Trong chiến tranh Bắc Nam 1955-1975, miền Bắc Việt Nam có biệt tài phá hoại và khủng bố tại miền Nam. Với sự cần thiết an toàn và giá tiền đầu tư to lớn của nhà máy ĐHN, ta không thể coi thường rủi ro khủng bố phá hoại của những phần tử bất mãn. Khủng bố phá hoại có thể xẩy ra từ bên trong, khi có người làm việc trong nhà máy chủ trương thực hiện. Hoặc cũng có thể xẩy ra từ bên ngoài, khi có người dùng bom, súng đạn, hoặc máy bay để phá hoại nhà máy. Chỉ có chính sách hòa hoãn và công bình với mọi người mới tránh được nạn bất mãn, và khi thấy có bất mãn thì cần phải dùng những biện pháp khi mềm khi cứng để vô hiệu hóa các động tác khủng bố phá hoại. Hiện nay, các nhà máy ĐHN trên thế giới đều có những biện pháp rất tốt đề phòng và phản ứng với khủng bố, phá hoại. Tuy nhiên, ta không nên quên rằng khi con người đã quyết chí “trả thù” thì họ sẽ tìm ra phương pháp gây tai họa cho “kẻ thù”. Tốt nhất là trong hoạch định chương trình ta phải có biện pháp chống đối, vô hiệu hóa, và tái lập an ninh đối với rủi ro khủng bố phá hoại.
Rủi Ro 2. Chiến Tranh
Nếu có chiến tranh, nhà máy điện sẽ là mục tiêu đầu tiên bị tàn phá, bởi vì như vậy sẽ làm tê liệt nhiều khả năng kinh tế, truyền thông, và phản công của kẻ thù. Với nhà máy ĐHN, thế giới đủ hiểu biết để chỉ phá hoại các cơ quan phụ như đường dây, tháp tỏa nhiệt, đường sá… mà không cần đánh phá để phóng xạ có thể thoát ra ngoài. Việt Nam đã có chiến tranh với Trung Quốc nơi miền Bắc và biển Đông và chiến tranh với Cam Bốt nơi miền Nam. Khả năng bất đồng trong tương lai vẫn có thể đi tới chiến tranh. Đầu tư một số tiền rất lớn vào nhà máy ĐHN là đối diện với một rủi ro không phải là nhỏ.
TRÁNH HOẶC GIẢM THIỂU RỦI RO CỦA NHÀ MÁY ĐHN
Nếu Việt Nam thật sự cần và có tiền mua ĐHN, phương pháp rất hấp dẫn là chuyển hoán hầu hết các rủi ro hạt nhân cho một nước tiên tiến qua công ty thương mại của họ. Đó là việc mua khoán ĐHN qua giao kèo với một công ty có nhiều kinh nghiệm xây nhà máy ĐHN như Areva của Pháp, Westinghouse và General Electric cua Mỹ, Kepco của Hàn Quốc, Mitsubishi và Toshiba của Nhật. Tất cả các rủi ro như vay tiền xây dựng, xây cất cho thật chất lượng và nhanh chóng, điều hành cho nhạy bén với năng suất trên 90%… đều do họ đảm nhiệm, ta có thể học hỏi nhưng không tốn kém. Bảo vệ các nhà máy này chống phá hoại ta cũng có thể học hỏi nhưng không có trách nhiệm tốn kém. Kinh nghiệm chiến tranh cho biết là hai kẻ thù nhau không muốn đụng đến một nước thứ ba, nhất là nước đó lại hùng mạnh cả về kinh tế lẫn quân sự như Pháp, Nhật và Mỹ. Ngay trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ chưa từng cố ý oanh tạc các tầu Nga và Trung Quốc mặc dầu biết là các tầu đó chuyên chở vũ khí và vật liệu tới miền Bắc.
Nếu ta thực sự tin rằng ta cần nhiều điện vào năm 2020-2025, và nếu ta biết rằng giá điện như phỏng tính là khả thi, thì tốt nhất là ta dùng phương pháp BOT (Build, Operate, Transfer—Xây Dựng, Điều Hành, Chuyển Giao) để tạo lập “an ninh điện lực” vào những năm tương lai đó. Ta chỉ cần khảo sát thật kỹ giá điện và khả năng “có thể trả theo giao kèo” của ta, và việc này thì Việt Nam có thể thực hiện được với một đội ngũ khoảng 100 người được đào tạo giỏi nhất, có hiểu biết về kỹ thuật ĐHN, luật lệ hạt nhân, luật lệ giao kèo quốc tế, và rất trung trực thanh liêm. Nếu đối tượng đồng ý với các điều kiện của ta và nếu ta đồng ý mua điện của nhà máy ĐHN của họ, thì ta đạt được mục đích tạo điều kiện tốt cho kinh tế tương lai. Nếu họ đưa giá điện quá cao thì ta biết ngay hoặc là họ muốn ăn lời nhiều, hoặc là ước lượng của ta sai lầm. Trong thị trường cạnh tranh và với kinh nghiệm của thế giới nhiều hơn ta, xác suất rất lớn là ta ước lượng sai lầm. Nếu ta thực sự giỏi như ta tự tin, thì phương pháp BOT sẽ giúp ta dùng 10-20 năm tới để đào tạo đội ngũ chuyên nghiệp về ĐHN, và dùng những người tiên phong giám sát công tác của công ty ngoại quốc, tạo lập luật lệ ĐHN, tạo lập đội ngũ thầy thợ có chất lượng cao, để tiếp tục các công tác to lớn sau đó.
Tóm lại, phương pháp BOT giúp Việt Nam thực hiện ĐHN mà không phải đầu tư môt số tiền rất lớn, không phải nhận nhiều rủi ro có thể làm số tiền đó mất trắng, đảm bảo an toàn điện lực cho kinh tế tương lai, dùng tiền lúc này tạo công ăn việc làm cho nhiều triệu người để họ có đủ tiền trả tiền điện trong tương lai mà giá cả họ đã biết trước.
Duy ý chí tự quyết định mọi chi tiết kỹ thuật và kinh tế của nhà máy ĐHN một cách phiến diện trong lúc này là làm một cuộc phiêu lưu có nhiều rủi ro và bắt con cháu ta trong tương lai phải gánh vác những rủi ro đó.
---------------------------------
[1] Ông Phùng Liên Đoàn, 70 tuổi, là Tổng Giám Đốc công ty tư vấn Professional Analysis, Inc. (PAI) tại Mỹ, chuyên môn về các dịch vụ nguyên tử và môi trường. Ông Đoàn đã từng là cố vấn cho Bộ Năng Lượng (Department of Energy-DOE) và Cơ Quan Giám Định Luật Lệ Hạt Nhân (Nuclear Regulatory Commission- NRC) của Mỹ. Ông đã tham gia thiết kế 4 nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) và viết hơn 100 khảo cứu và phúc trình về sự an toàn và giá thành của ĐHN so với các nguồn tạo điện khác. Ông cũng đã tham gia tẩy uế phóng xạ tại 10 trung tâm nguyên tử khắp nước Mỹ, cùng là khảo cứu hiện tượng hâm nóng khí quyển do việc sử dụng năng lượng toàn cầu. Ông Đoàn tốt nghiệp cử nhân toán và vật lý tại đại học Florida State University, thạc sĩ vật lý và nguyên tử tại Massachusetts Institute of Technology (MIT) và tiến sĩ nguyên tử tại MIT. Ông là đồng tác giả tài liệu WASH-1400 về sự an toàn của nhà máy ĐHN của Mỹ, 1975; và sách The Second Nuclear Era: A New Start for Nuclear Power, Praeger Publishers, New York, 1985. Ông Đoàn đã từng làm việc tại Viện Nghiên Cứu Hạt Nhân Đà Lạt, 1964-1967.
[2] U.S. Nuclear Regulatory Commission. 1975. WASH-1400 (NUREG-75/014): Reactor Safety Study: An Assessment of Accident Risk in U.S. Commercial Nuclear Power Plants. Washington D.C. (Doan L. Phung là đồng tác giả)
[3] Doan L. Phung. 1985. “Light Water Reactor Safety Before and After the Three Mile Island Accident,” Nuclear Science and Engineering, Volume 90, No.4, August
[4] Doan L. Phung. 1983. ORAU/IEA-83-1 (M). “Economics of Nuclear Power: Past Record, Present Trends, and Future Prospects.” Institute for Energy Analysis, Oak Ridge Associated Universities, Oak Ridge, Tennessee, USA
[5] Khi tính giá nhà máy ĐHN, ta phải phân biệt giá thiết bị (lò hạt nhân, lò làm hơi nước, tua bin, máy làm điện, các máy bơm, các máy an toàn, các máy biến điện…), giá công trình xây dựng (nhà chứa các thiết bị, công trình làm nguội nước trước khi bơm trở lại chu kỳ, công trình xưởng thợ, công trình nhà điều khiển, bãi biến điện, đường xá, bến cảng…) và lao động. Các giá tiền đó phải có thời gian khi nào phải vay, khi nào phải trả, lãi suất bao nhiêu, biến động giá cả như thế nào… Tổng cộng những giá cả đó, tính đến ngày bắt đầu bán KWh điện đầu tiên, gọi là “giá đầu tư”. Giá điện bán ra phải gồm bốn thành phần: (1) tiền trả nợ giá đầu tư, (2) tiền nhiên liệu hạt nhân, (3) tiền tiêu pha hàng ngày trả lương cho mọi thành phần lao động và vật liệu, và (4) tiền lời. (Xem tài liệu dẫn chứng số 4 ở trên)
[6] Vì thiếu dữ kiện của BCĐT, tôi đã dùng phương pháp tính ngược từ giá điện, với 0.01 USD/KWh là giá nhiên liệu (so với khoảng 0.01 USD/KWh là giá điều hành, và 0.10 USD/KWh là giá đầu tư.)
No comments:
Post a Comment