Monday, August 31, 2009
NGƯỜI VIỆT TẠI ÚC SẼ BIỂU TÌNH CHÓNG NÔNG ĐỨC MẠNH
Biểu Tình Chống Chuyến Viếng Thăm của Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí Thư Ðảng CSVN, tại Canberra ngày 7-9-2009
Thứ Hai, ngày 31 tháng 8 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090831_02.htm
THÔNG BÁO KHẨN CỦA CỘNG ÐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO VICTORIA
V.v: Tham dự Cuộc Biểu Tình Chống Chuyến Viếng Thăm của Nông Ðức Mạnh, Tổng Bí Thư Ðảng CSVN tại Canberra ngày 7-9-2009.
Ban Chấp Hành Cộng Ðồng Người Việt Tự Do Victoria xin trân trọng kính mời toàn thể đồng bào, các hội đoàn đoàn thể và tổ chức chánh trị cùng tham gia cuộc biểu tình chống chuyến viếng thăm của Tổng Bí Thư Ðảng Cộng Sản Việt Nam Nông Ðức Mạnh tại Canberra vào ngày thứ Hai 7-9-2009 tới đây.
Xe bus chở đoàn biểu tình sẽ đón đồng bào tại hai địa điểm:
Tại Springvale: Văn phòng Hiệp Hội Tương Trợ Người Ðông Dương (SICMAA)
9 Hillcrest Grove, Springvale. Tel: 95477939.
Lúc: 8 giờ tối
Tại Footscray: Văn phòng CÐNVTD-VIC
214 Nicholson St, Footscray. Tel: 9689 8515
Lúc: 9 giờ tối
Vào ngày: Chủ nhật 6-9-2009
Lệ phí di chuyển: $40.00
Ðoàn biểu tình sẽ đến Quốc Hội Canberra vào khoảng 9 giờ sáng ngày 7-9, tham gia biểu tình và rời Canberra vào khoảng 1 giờ trưa để trở về tới lại Melbourne vào khoảng 10 giờ tối ngày 7-9 cùng ngày.
Ðể ghi danh, xin quý vị vui lòng liên lạc với cô Nguyễn Lê Thanh Trúc qua đt số: 0402 540 837.
Hãy cùng nhau lên tiếng cho đồng bào bất hạnh trong nước và lên tiếng cảnh báo về hiểm hoạ bán nước của CSVN do Nông Ðức Mạnh cầm đầu.
Trân trọng kính mời,
TM/BCH/CÐNVTD-VIC
Nguyễn Thế Phong
Chủ tịch xữ lý thường vụ.
31-8-2009
DẸP CÁI TRÒ "NHẬN TỘI" TRƯỚC KHI XỬ ÁN ĐI
Dẹp cái trò «nhận tội» trước khi xử án đi
Xã Luận bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 82 (1-9-2009)
Xin mời bấm vào đây để xem BNS Tự do Ngôn luận số 82
Cộng sản là một chủ nghĩa bất trí, một chế độ bất nhân và là một đảng phái bất chính, nên luôn tìm phương bù trừ mặc cảm tội lỗi hay trấn an lương tâm sai lạc bằng cách huyênh hoang tuyên bố và làm cho ai nấy tin nhận nó là một chủ nghĩa khoa học, một chế độ ưu việt và một đảng phái «của dân, do dân, vì dân». Nó cố gắng đạt mục đích này bằng một nền giáo dục nhồi sọ áp đặt lên mọi thế hệ trẻ, một nền thông tin tuyên truyền áp đặt lên mọi giới nhân dân, với công cụ hỗ trợ là bạo lực hành chánh và bạo lực vũ khí. Đặc biệt và độc đáo hơn hết, Cộng sản dùng chính miệng lưỡi hay ngòi bút của những ai từng phê bình, phản đối hoặc chống lại nó -hay đơn giản chỉ là phàn nàn, rên rỉ về nó- và sau đó đã bị nó bắt, để rồi họ bỗng nhiên đứng lên «tự nhận lầm sai», «xưng thú tội lỗi», «xin được khoan hồng» đang khi còn trong vòng thẩm vấn, giữa tay công an, hoặc thậm chí khi ra trước tòa án xét xử.
Lịch sử các đảng CS đã cho ta vô số bằng chứng về điều này. Nổi tiếng nhất là những bằng chứng từ cuộc Đại Thanh trừng thời Staline (1937-1938) mà sau đó đã được nhà văn gốc Hungari tên Arthur Koestler tiểu thuyết hóa trong tác phẩm thời danh nhan đề «Bóng tối giữa trưa» (Darkness at noon, bản tiếng Anh) hay «Số không và vô biên » (Le zéro et l’infini, bản tiếng Pháp). Qua cuộc thanh trừng này, hàng ngàn đảng viên và sĩ quan Liên Xô cao cấp -mà Staline cảm thấy đang và sẽ đe dọa quyền lực tuyệt đối của ông- đã bị tay chân ông dùng vô số thủ thuật gian manh và tàn bạo (như nhà báo Bùi Tín nói trong bài viết mới đây «Ai tự thú vậy ? Ai cần xin ân xá ?») để buộc họ nhận những tội lỗi -mà đa phần họ không hề phạm- ngay trong giai đoạn thẩm vấn hoặc khi ra trước phiên tòa. Lạ một điều là phần lớn đã xin «được xử tử» để đền tội chống lại lãnh tụ và chế độ !
Một bằng chứng cũng nổi tiếng không kém là cuộc «nhận tội» của Đức Hồng y Joseph Mindszenty (1892-1975), giáo chủ Công giáo nước Hungari. Bị nhà cầm quyền CS bắt năm 1948 vì đã dám lên tiếng phản đối chế độ, tiếp đó phải chịu nhiều cuộc tra tấn khủng khiếp trong nhà tù, cuối cùng vị Hồng y đã «thú nhận» mình có «âm mưu cấu kết với Tây phương, chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa». Văn bản «nhận tội » được nhà cầm quyền Hungari tung ra cho toàn thế giới. Thế nhưng trong phiên tòa tháng 2-1949, ĐHY hoàn toàn phản cung, nói rằng mình đã bị hành hạ dã man bởi công an Cộng sản. Việc này đã khiến Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết và Tòa thánh Vatican (qua Đức Giáo hoàng Piô XII) ra một tông thư mạnh mẽ lên án chế độ.
Tại Việt Nam, cái trò «thành khẩn nhận tội» này đã được Hồ Chí Minh bày ra từ cuộc Cải cách Ruộng đất, qua vụ Nhân văn Giai phẩm đến vụ Xét lại chống đảng và tới tận ngày nay... Dùng những thủ thuật như đánh vào các nhu cầu cơ bản của sự sống, đánh vào tình cảm và liên hệ gia đình, đánh vào tính khí và xu hướng cá nhân, an ninh và tuyên giáo cộng sản đã làm cho nhiều kẻ không may bị nhắm đến như thành phần cần «giáo dục, răn đe», hoặc bị bắt tù như thành phần cần «cải tạo, trừng trị» phải công khai xưng thú những tội lỗi không có thật hoặc không đúng nghĩa, qua những cuộc «lên đồng tập thể» hay «tự vấn bản thân». Y như nhà báo Bùi Tín đã mô tả : «Cả lớp học lên đồng tập thể, tự "vỗ ngực đôm đốp", cố lập công về "phản tỉnh", cố đạt kỷ lục về "thành khẩn". Không có cũng cố nghĩ ra, tưởng tượng ra, sáng tạo ra tội giật gân nhất, thường là tội "hủ hoá": tán tỉnh cô này, sờ người cô nọ, rủ thôn nữ ra bãi dâu, bên đụn rạ; có khi còn ly kỳ hóa, phịa ra ý định đầu hàng địch, bỏ ngũ để vào địch hậu, nói xấu lãnh đạo và lãnh tụ...» (bđd).
Thành ra, khi nghe thấy những ai từng dấn thân vào cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, rồi sau đó bị bắt và bị cho «trình làng» với thái độ «thành khẩn sám hối, mong được khoan hồng» trước mặt nhân viên thẩm vấn, chúng ta chớ có vội tin công an và vội lên án các nhà dân chủ. Những trường hợp tiêu biểu trong các năm gần đây là vụ chuyên viên Nguyễn Phong, đảng Thăng Tiến tháng 3-2007, vụ luật sư Lê Công Định tháng 6-2009, vụ bị can Nguyễn Quang Trung ở Tam Tòa tháng 7-2009, vụ thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và trung tá Trần Anh Kim tháng 08-2009. Đối tượng cần lên án không phải là các nạn nhân mà là các tên đồ tể. Ở đây cần phân biệt :
1- Bản chất việc «nhận tội». Những gì chúng ta nghe được từ miệng 4 nhà dân chủ trên đài truyền hình CSVN ngày 19-08 chỉ là những hoạt động dân chủ thuần túy, những hành vi đấu tranh bất bạo động. Việc viết bài, lên tiếng, trả lời phỏng vấn, thành lập chính đảng, liên kết với người cùng chung chí hướng trong lẫn ngoài nước, nhằm phê phán sai lầm, tố cáo tội ác của đảng cầm quyền, nhằm công bố sự thật, đòi hỏi công lý, kiến tạo dân chủ cho toàn dân, tất cả đều là những việc rất phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, với Công ước Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội mà chính Nhà nước VN đã ký kết tham gia. Các việc đó cũng không đi ngược với điều 69 Hiến pháp VN : «Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình». Đối với thế giới văn minh dân chủ, đấy là những hoạt động bình thường, chính đáng, được khuyến khích và biểu dương, vì ngăn chặn được thói lạm quyền và đem lại sự tiến bộ cho xã hội. Nhà cầm quyền CS không thể dựa vào nhận định của các nhà dân chủ ấy (cho rằng các hành vi trên là «vi phạm pháp luật»), để luận tội họ. Một nền pháp chế chân chính, đúng nghĩa chỉ xét chính bản chất các hành vi, căn cứ trên tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế là các Công ước về Nhân quyền. Ngoài ra, khi gọi là «phạm pháp» những hành động mà chính mình trước đó đã tin rằng chính đáng, đã ra sức quảng bá, đã ung dung thực thi, đã quyết tâm bảo vệ (và chắc chắn còn xác tín trong tâm lúc «nhận tội»), các nhà dân chủ «tự thú» nói trên đã mặc nhiên lên án chế độ là bất trí, bất nhân, bất chính, độc tài, độc ác và độc hại. Ấy là chưa kể trong ngôn từ, cử chỉ, sắc mặt, họ còn có thể ra một dấu hiệu bí mật nào đó đối với chúng ta. Biết đâu đấy chỉ là khổ nhục kế để còn có thể phục hận sau này, như bao tấm gương tự cổ chí kim, từ đông sang tây ! Rồi biết đâu tất cả đoạn phim chỉ là xảo thuật tinh vi của CS, như giáo sư Nguyễn Chính Kết đã giả thiết trong bài «Tại sao chúng ta lại dễ tin CS đến như vậy ?»
2- Phương thức việc «nhận tội» : Xin lưu ý rằng trong mọi trường hợp kể trên, các nhà dân chủ “nhận tội” đang còn trong giai đoạn thẩm vấn, giữa bàn tay công an, vốn nổi danh nham hiểm và tàn bạo (như lịch sử các ngành công an CS chứng thực). Khi mới bị bắt, họ không được nghe câu «Anh có quyền im lặng, vì mọi lời anh nói có thể kết án anh» như thấy tại nhiều nền pháp chế văn minh dân chủ. Họ không thể liên lạc gặp mặt gia đình để được an tâm và an ủi. Họ không được quyền thuê luật sư ngay cũng như có luật sư ngồi bên cạnh để cố vấn, để giúp thoát bẫy khi bắt đầu và suốt tiến trình hỏi cung. Họ phải nghe liên tục những lời kết án, quy chụp của nhân viên chấp pháp và phải viết liên tục những bản tường trình, kiểm điểm cho đến khi công an vừa ý, nghĩa là cho đến khi nhận tội. Họ có thể bị buộc phải xem những bài viết, nghe những bài nói trên báo chí công cụ vốn được lập tức huy động đồng loạt để đóng vai trò công tố kết án họ và vai trò hướng dẫn (đúng ra là lèo lái đầu độc) dư luận quần chúng. Ngoài ra, họ có thể bị tra tấn về thể xác như không cho ăn, không cho uống, không cho nằm, không cho đi lại, không cho có ánh sáng hoặc bị ánh sáng quá nhiều (đèn pha cực mạnh chiếu vào gáy, vào mặt). Đặc biệt nhất là không được ngủ vì bị thẩm vấn đêm này sang đêm khác. Các bị can trong nhiều vụ án chính trị những năm gần đây đã tố cáo điều này. Chỉ cần mất ngủ vài đêm là ý chí rất dễ bị đánh gục. Họ còn có thể bị giam chung (hai người) với một tên đầu gấu, nghiện ngập hay nhiễm HIV, để luôn luôn cảm thấy mạng sống bị đe dọa và đâm ra mong muốn kết thúc cuộc thẩm vấn để được an toàn. Nói tóm lại, việc «nhận tội» trong phòng thẩm vấn, trước mặt công an là hoàn toàn phi pháp, vô nghĩa, mà chỉ duy mình chế độ CS mới áp dụng. Không phải nhờ việc ấy mà chế độ CS tăng thêm uy tín và chính nghĩa.
Muốn biết các bị can có thật sự tự thú và ăn năn thì hãy đợi đến ngày họ ra tòa. Nhưng phiên toà đó phải là một phiên toà công khai, công minh, dân chủ, đúng luật quốc tế. Nghĩa là sau khi đã chịu một tiến trình thẩm vấn trong đó mọi quyền lợi bị can của họ được bảo đảm, thì khi ra toà, mọi quyền lợi của họ xét như một bị cáo phải tiếp tục được đảm bảo: nghĩa là phải có thân nhân, bằng hữu, báo chí quốc tế để họ được an tâm, có luật sư như ý muốn để họ được vững lòng. Họ phải có quyền phát biểu hết ý kiến, chứ không chỉ được trả lời «có-không». Luật sư phải được nói một cách tự do, đầy đủ và phải được quan toà cân nhắc, xem xét, đối chiếu với các ý kiến, lập luận của bên công tố, bên luận tội. Ngoài ra, tòa án phải xét xử theo một bộ luật đúng tinh thần tôn trọng nhân quyền. Nhưng thực tế của «tòa án nhân dân» CS kể từ năm 1954 đến nay làm cho chúng ta hoàn toàn không hy vọng điều ấy.
Một điều hết sức ý nghĩa là «lời thú tội» của 4 nhà dân chủ được phát ra vào chính ngày kỷ niệm cái gọi là «Cách mạng tháng Tám». Theo các nhà phản tỉnh gần đây như Bùi Tín, Trần Lâm, Tô Hải (phỏng vấn của RFA ngày 25-08-2009), đó không phải là ngày “cướp chính quyền từ tay Pháp và Nhật” như CS nói mà chỉ là “cướp chính quyền Trần Trọng Kim”, một chính quyền hợp pháp, xứng đáng và đầy năng lực, để rồi từ đó cướp hết mọi nhân quyền và dân quyền của người Việt. Đó là ngày đảng CS cướp chính quyền cho riêng mình, chứ không phải cho dân tộc được độc lập và công dân được tự do. Vụ «nhận tội» của 4 nhà dân chủ cùng ngày kỷ niệm là một bằng chứng !
BAN BIÊN TẬP
ÔNG VIỆT KIỀU YÊU ...QUÁI
Ông Việt kiều yêu ... quái!
Lê Minh
Thứ Hai, ngày 31 tháng 8 năm 2009
http://www.vietvungvinh.com/Portal.asp?goto=VietNam/2009/20090831_07.htm
Cách đây mấy tuần tại Hà Nội, nhà nước CSVN đã cho ra đời cái gọi là “Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”. Theo bản tin của trang điện tử “Diễn đàn Doanh nghiệp“ thì hội nghị này có sự tham dự của nhiều cán bộ “gộc” như Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, cựu phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, thứ trưởng của nhiều bộ ngành khác nhau, và “gần 300 doanh nhân, doanh nghiệp kiều bào đến từ gần 40 quốc gia, vùng lãnh thổ; hơn 40 đại biểu của các cơ quan trung ương và địa phương; gần 80 đại diện lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty, hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong nước”.
Trang báo điện tử của ĐCSVN thì đã xác nhận rằng Hiệp hội này “chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác có liên quan về lĩnh vực Hiệp hội hoạt động”, và Hiệp hội ra đời là do “yêu cầu của công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài theo tinh thần Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị”.
Như vậy thì cái hiệp hội này nhận lãnh nhiệm vụ chính trị theo yêu cầu của nhà nước CSVN đề ra thông qua Nghị quyết 36-NQ/TW. Vấn đề đã quá rõ ràng, không có gì phải bàn cãi thêm về mục đích thành lập của cái Hiệp hội này. Thế nhưng, chung quanh câu chuyện thành lập cái hiệp hội này lại có một vài “chuyện bên lề “ có liên quan, thiết tưởng cũng nên mổ xẻ.
Chuyện bên lề trước tiên là bản tin về hội nghị thành lập Hiệp hội này là một bản tin chính trị, thế nhưng nó lại được trang web tiếng Việt của đài ABC Radio Úc, là trang Bay Vút trịnh trọng loan tải đầy đủ chi tiết với hơn 2 trang và hình ảnh, và đương nhiên là có cả hình cờ đỏ và “bác Hồ” ngồi chễm chệ trên sân khấu.
Được biết, cả hai hệ thống truyền thanh & truyền hình ABC và SBS đều là sở hữu nhà nước của Úc, tức là được tài trợ bằng tiền thuế của dân Úc, trong đó có cộng đồng người Úc gốc Việt. Nhưng trớ trêu thay hai cơ sở này lại sử dụng tiền thuế của dân Úc và dân Úc gốc Việt tỵ nạn không đúng chỗ! Trước đây đã có vụ việc đài truyền hình SBS cho phát sóng đài VTV1 của VC đã bị người tỵ nạn phản đối dữ dội; Rồi mới đây nhất là ban giám đốc đài SBS Radio cho phát sóng quảng cáo buổi trình diễn văn nghệ “Tứ đại Thiên Vương” do VC tổ chức tại Melbourne Crown Casino, bất chấp sự can gián phản đối của ban phát thanh viên Việt Ngữ và thính giả người Việt.
Đó là chuyện bên lề liên quan đến xứ Úc, còn chuyện sắp được kể ra đây là chuyện bên lề có liên quan đến xứ ... Mỹ.
Đó là câu chuyện của me-xừ Việt kiều Mỹ tên là Calvin Trần. Ông “Việt kiều yêu nước” này là một tỵ nạn chính cống, đến Mỹ từ những năm 77-78. Năm 1991, theo tiếng gọi của “tổ quốc”, ông quay về vì đã nhận ra “những người cộng sản rất tốt, rất dễ thương”.
Ông “Việt kiều yêu nước” này là một trong số 270 “đại biểu” tham dự hội nghị thành lập “Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài”. Có lẽ ông Việt kiều này đẹp trai nên đã được 2 phóng viên nữ của tờ Đại Đoàn Kết và Lao Động thay nhau phỏng vấn.
Tưởng cũng chẳng có gì đáng nói vì hầu hết các cuộc phỏng vấn “Việt kiều yêu nước” đều na ná giống nhau. Thế nhưng ông Việt kiều Calvin Trần này thì chơi trội hơn những người khác vì phong cách trả lời rất ư là yêu ... quái! Khi được phóng viên An Mỹ của tờ Lao Động mớm mồi hỏi “Trong lúc nhiều người đang nuôi “giấc mơ Mỹ”, được sống ở Mỹ, còn ông lại từ bỏ cuộc sống đó để trở về VN. Vì sao vậy?” thì ông đã cao hứng và trả lời y như ... thật: “...Tôi là một doanh nhân kiều bào, và nói thật, tôi thấy sống ở VN rất sung sướng. Tôi cũng đã từng rời bỏ VN ra đi, do những tuyên truyền lệch lạc về chế độ cộng sản. Nhưng sau một thời gian, tôi nhận thấy những người cộng sản rất tốt, rất dễ thương và tôi trở về nước”.
Ông “Việt kiều yêu quái”, Calvin Trần
http://www.vietvungvinh.com/VietNam/2009/Images/20090831_07.jpg
Nghe vui tai nhỉ. Không biết ông Việt kiều học thuộc lòng bài bản này hồi nào mà trả lời ngọt quá, nói tỉnh queo đến độ không biết liêm sỉ là gì.
Nếu ông nói rằng “ở VN rất sung sướng” thì xin mời ông bỏ quốc tịch Mỹ về ở luôn Việt Nam, xin làm công dân CHXHCNVN cho sướng, tội gì mà đi làm Việt kiều Mỹ cho nó cực thân. Mà quên, xin ông đi hỏi hơn 80 triệu dân Việt trong nước xem họ có “Tự do - Hạnh phúc” không rồi hãy đưa ra kết luận.
Nói rằng do “những tuyên truyền lệch lạc về chế độ cộng sản” mà năm xưa ông đã phải lên tàu để đi vượt biển thì e là quá lố bịch rồi đấy. Cái năm xưa mà ông còn ở VN, trước khi đi vượt biển, thì làm gì có cái hệ thống tuyên truyền nào ngoài cái “loa phường”. Ông là con nít lên ba, hay là một thanh niên ba mươi khi đó mà bị “tuyên truyền lệch lạc”?.
Ông chỉ về VN mới mấy năm mà nhận thức của ông “tiến bộ” thật, đến đỗi phải thốt lên rằng “những người cộng sản rất tốt, rất dễ thương”. Ái chà, quý hóa quá, “Bác Hồ” mà còn sống chắc thế nào bác cũng chạy đến ôm hôn ông chùn chụt, xoa đầu khen ông hết lời: “Cháu của Bác ngoan quá”.
Nói gì thì nói cũng phái cám ơn ông Việt kiều Calvin Trần, vì ông đã sốt sắng “thay mặt Đảng và Nhà nước”, đứng ra kêu gọi Việt kiều nào có lòng “yêu nước” hãy về VN mà làm ăn bởi vì “ở VN rất sung sướng”.
Người ta nói cộng sản quái quỷ, mà ông thì quá “yêu nước”, yêu người cộng sản đến đỗi “nhận thấy những người cộng sản rất tốt, rất dễ thương”, cho nên phải cho ông cái danh hiệu “Việt kiều yêu quái” là vậy!
Úc Châu, ngày 31/08/2009
Lê Minh
GIẢI QUYẾT OAN TRÁI BẰNG THỦ THUẬT
Lại giải quyết oan trái bằng thủ thuật
Trần Viết Hoài
Cập nhật ngày: 30/08/2009
http://viettan.org/spip.php?article8871
Theo một thông tin cho đến nay vẫn chỉ được phổ biến bởi báo chí Nhà Nước Việt Nam, thì Đại Sứ của Việt Nam tại Ý Đại Lợi đã hội kiến hôm 22/8/2009, với một giám mục và đã trao đổi với nhau về diễn biến gần đây nhất về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Việc tiết lộ tin tức này, tuy rằng có hơi chậm trễ, đã xảy ra trong một khung cảnh khá đặc biệt tại Việt Nam.
Từ mấy ngày qua, chính quyền tìm mọi cách để đặt các linh mục và giáo dân có liên quan đến các vụ Tòa Khâm Sứ và Thái Hà ở Hà Nội và gần đây nhất là vụ Tam Tòa thuộc Giáo Phận Vinh, vào vị thế chống lại những huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI cũng như của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sau chuyến công du thị sát các công trình khai thác quặng bô-xít tại Tây Nguyên, Thủ Tướng CSVN, ông Nguyễn Tấn Dũng đã dình dang tới thăm vị Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục tại Đà Lạt; ít ngày sau, báo chí Nhà Nước đã tung ra một chiến dịch tấn công mạnh mẽ các linh mục và tu sĩ dấn thân trong các phong trào đòi lại tài sản giáo hội, tiếp nối những vụ việc xảy ra hồi năm ngoái và trong năm nay.
Tin tức về cuộc gặp gỡ giữa đại diện Việt Nam và Vatican, cho đến nay, chưa có sự xác nhận của Rôma. Nó đã được công bố qua một bản thông cáo của Bộ Ngoại Giao Việt Nam (1). Bản tin tóm lược cũng được hãng thông tấn Nhà Nước (Thông Tấn Xã Việt Nam) phổ biến bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp (2). Một số lớn báo chí Nhà Nước trong hai ngày 27 và 28/8 cũng đăng tải (3). Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Rôma giữa Đại Sứ Việt Nam tại Ý Đại lợi, Đặng Khánh Thoại, và Đức Cha Ettore Balestrero, thứ trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh, mới được chỉ định trước đó 5 hôm vào chức vụ này. Theo bản thông cáo, Đại Sứ nhấn mạnh là chính quyền Việt Nam đã tạo thuận lợi cho các giám mục trong việc thăm viếng ad limina vừa qua cũng như tổ chức năm thánh sắp tới. Ông ta còn tuyên bố với vị giám mục Rôma rằng những huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI ban cho các giám mục Việt Nam khi ngài tiếp kiến các vị hồi tháng 6 vừa qua đã nhận được sự đồng tình của chính quyền Việt Nam. Vẫn theo bản tin trên, người đối thoại của Rôma đã trả lời bằng cách nhắc lại sự mong muốn của Vatican muốn mở rộng quan hệ với Nhà Nước Việt Nam.
Bốn ngày trước cuộc gặp gỡ nói trên, ngày 18/8 vùa qua, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện chuyến công du thị sát trên vùng Cao Nguyên miền Trung. Ông phải xem xét tình trạng các công trình khai thác quặng bô-xít đã bắt đầu khởi công mới đây bởi độc nhất các công ty Trung Quốc. Các công trình này đã dấy lên một sự chống đối dữ dội của giới trí thức, khoa học và tôn giáo trong quần chúng nhân dân. Sau cuộc thị sát này và sau khi tung ra một thông cáo nói rằng ông ta rất hài lòng về việc bảo vệ môi trường, người cầm đầu chính phủ đã tới thăm viếng giám mục Đà Lạt, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục.
Không một thông tin nào về nội dung cuộc gặp gỡ được tiết lộ, nhưng, ngay từ chiều ngày 18/8, hình ảnh của Thủ Tướng và của Giám Mục giữa các trẻ em người dân tộc tươi cười đã được tung ra rộng khắp trên đài truyền hình Nhà Nước VTV1. Việc quảng cáo không hợp thời cho cuộc viếng thăm đột xuất này đã gây ngạc nhiên và lo lắng trong giới Công Giáo. Thêm vào đó, chỉ ít hôm sau, ngày 24/8, những điều cáo buộc dữ dằn hiếm thấy đã được tung ra trên các phương tiện truyền thông Nhà Nước chống lại người Công Giáo và đặc biệt là các linh mục, tu sĩ đã dám bộc lộ công khai quan niệm của mình trong các vụ việc mới đây tại Hà Nội và Vinh. Một bài báo đăng trên tờ VietnamNet bắt đầu trích dẫn dài dòng và đảo lộn những huấn dụ mới đây của Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đọc trước các giám mục Việt Nam tới thăm viếng Rôma. Bài báo nhấn mạnh rằng huấn dụ của Đức Giáo Hoàng hoàn toàn phù hợp với chính sách của chính phủ Việt Nam đối với tôn giáo. Ngược lại, theo tờ báo, các vụ việc gần đây dẫn đến các linh mục và giáo dân có những hành động đi ngược lại huấn dụ của Đức Giáo Hoàng và hướng dẫn của Hội Đồng Giám Mục. Những lời cáo buộc do báo chí tung ra mang tính chất trầm trọng. Họ tố cáo những người này đã xúi dục giáo dân lật đổ chính quyền đương thời. Và họ đòi hỏi phải có những hình phạt nghiêm khắc.
Cũng nên nhắc là, nếu báo chí Nhà Nước tự hào đồng tình với giáo huấn của Đức Giáo Hoàng và những hướng dẫn của các Giám Mục Việt Nam, thì họ đã không hề đả động gì đến hai văn bản của Hội Đồng Giám Mục về các vụ việc mới đây. Đó là "Quan điểm của Hội đồng Giám mục Việt Nam về một số vấn đề trong hoàn cảnh hiện nay" được công bố hồi tháng 9/2008, và "Nghĩ về giải pháp cho những xung đột" (5) mới được phổ biến. Hai văn bản này yêu cầu không nên coi những cuộc phản đối như là phạm pháp mà phải coi như là sự bắt đầu của đối thoại.
Chắc chắn trong những ngày tháng trước mặt, lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN sẽ tiếp tục tìm mọi cách tạo hỏa mù và gieo ấn tượng như đang có sự bất đồng ý kiến giữa Vatican và các giám mục Việt Nam. Đòn phép này được xử dụng để mong làm suy giảm làn sóng hậu thuẫn mạnh mẽ của khối giáo dân hiện nay và để chuyển hướng dự luận ra khỏi cốt lõi của vấn đề, đó là số tài sản đã cướp làm của riêng nay phải hoàn lại cho giáo hội Công Giáo và các giáo hội khác trên đất nước Việt Nam.
Theo bản tin của Eglises d’Asie ngày 28.08.2009 của Đức Cha Jean Maïs
-------------------------------------
Trích dẫn:
(1) http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr040807105001/ns090827181850
(2) Xem Vietnam Net et Hanoi Moi ngày 24.8.2009.
(3) Xem Vietnamplus, 28.8.2009.
(4) Xem EDA 492
(5) Xem bài viết phổ biến ngày 24.8.2009 bởi Eglises d’Asie.
QUYẾT ĐỊNH 97 - PHẢN BIỆN, PHẢN ĐỘNG hay PHẢN TIẾN HOÁ ?
Quyết định 97 - Phản Biện, Phản Động, hay Phản Tiến Hóa?
Lê Vĩnh
Cập nhật ngày: 30/08/2009
http://viettan.org/spip.php?article8869
“Tôi khinh miệt những cái mồm oang oang rao giảng và ’khích lệ’ sự phản biện, nhưng lại lăm lăm trong tay miếng băng keo và cái… còng số 8”, câu nói ngắn gọn đó của nhà báo Võ Đắc Danh lại gieo nhiều đồng cảm và để lại dư âm dài trong những tấm lòng cương trực trên đất Việt hôm nay. Đặc biệt vào lúc mà giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam thấy rằng, sau hàng chục năm dài “đảng là chân lý”, tiếp đến nghị định 31/CP và nay là thời của luật hình sự 88, không biết bao nhiêu hình thức “băng keo và còng số 8” đã được đảng dùng đến, nhưng xem ra vẫn chưa đủ. Bây giờ, qua quyết định 97 của ông Nguyễn Tấn Dũng, đảng phải chuẩn bị thêm nhiều băng keo và còng số 8 thích hợp khác để dùng sau ngày 15 tháng 9 này, hầu đáp ứng được nhu cầu bức thiết của đảng trong thời gian sắp tới.
Thực ra quyết định 97 chỉ liên quan đến việc tư nhân tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ. Nhưng quyết định này lại ghi rõ rằng: “Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cần phải gởi ý kiến phản biện đó cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền, chứ không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học công nghệ.”. Với chính sách về phản biện được xác định như vừa kể, quyết định 97 đã gặp nhiều phản ứng không đồng tình của giới trí thức ngay sau khi được công bố. Trong mấy tuần vừa qua, nhiều chuyên gia đã vạch rõ từ sự sai phạm trong việc ra văn bản này, cho đến những phân tích và chứng minh đây chỉ là một hình thức "bịt miệng" phản biện xã hội, một bước thụt lùi về dân chủ, đi ngược lại chủ trương “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” và thậm chí đi ngược lại hiến pháp hiện hành...
Ngay cả những người dễ tính nhất cũng thấy sự vô dụng của văn bản này. QĐ 97 quy định “cần phải gởi ý kiến phản biện cho các cơ quan Đảng và Nhà nước có thẩm quyền“. Đối với giới trí thức suốt hơn nửa thế kỷ qua, và hiện nay với ngay cả những người như ông Võ Nguyên Giáp đã mấy lần gửi kiến nghị can ngăn đến Bộ Chính trị, mà còn bị đảng vứt sọt rác, rồi lại còn động viên ông tướng này hãy tiếp tục đóng góp ý kiến cho đảng. Trí thức Việt Nam đâu có khờ đến độ vẫn không biết các góp ý của mình đi đâu suốt hơn 50 năm qua và tại sao đất nước cứ vấp vào các hầm hố ngày càng sâu như hiện nay.
Phản biện là sự nhận xét, đánh giá và đóng góp ý kiến phản hồi về một vấn đề nào đó hầu làm cho vấn đề được sáng tỏ, đúng đắn hơn. Để được như vậy, và đặc biệt đối với các vấn đề mang tầm vóc quốc gia, sự phản biện phải công khai, minh bạch, độc lập và tự do. Phản biện được quy định trong quyết định 97 là về những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã, đang hoặc sẽ được thi hành trên đất nước. Với những lãnh vực vừa kể, thường thì giới chuyên gia, trí thức sẽ là thành phần lên tiếng phản biện. Như vậy, đối tượng chính của quyết định này là giới trí thức. Đến đây câu hỏi được đặt ra là: tại sao giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam lại không dám cho công khai phản biện về đường lối, chính sách, và chủ trương của họ?
Câu trả lời là, dù liên tục sai lầm, nhưng lúc nào đảng cũng muốn nắm quyền lãnh đạo duy nhất trên mọi phương diện của đất nước. Sự phản biện công khai sẽ ngày càng bóc trần con đường mòn tư duy xưa nay của “thiếu kiến thức nhưng làm đại rồi khỏa lấp hậu quả” trong lề lối lãnh đạo, đồng thời vạch rõ tinh thần vô trách nhiệm của 15 nhà cai trị đang ngồi ở Bộ Chính Trị, và hệ quả đã được thực tế chứng minh là, đất nước phải đối diện với đủ loại vấn nạn nặng nề như hiện nay. Vì vậy, phản biện công khai không những sẽ làm tổn hại cho tư thế lãnh đạo của đảng, mà sẽ còn dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường khác. Vì một khi tư thế lãnh đạo của đảng bị lung lay, thì niềm tin vào đảng cũng bị soi mòn, dễ dàng tạo nên tình trạng “tự diễn biến” ngay chính trong hàng ngũ đảng viên. Đây là điều mà lãnh đạo đảng đang báo động bằng cả lời nói, văn thư, và báo chí. Tác động của “tự diễn biến” sẽ làm cho các cột trụ đang chống đỡ đảng mục dần từ trong ra, và sẽ theo nhau xụp đổ. Bởi vậy, tuy phản biện xã hội thường chỉ giới hạn trong thành phần trí thức, nhưng ảnh hưởng của nó lại rất rộng và hệ trọng, vì nó có khả năng tác động trên tư tưởng của toàn xã hội. Mà theo kinh điển cộng sản thì... “tư tưởng sớm muộn gì cũng sẽ dẫn đến hành động”.
Do tầm mức quan trọng như vừa kể, nên từ trước đến nay những tiếng nói phản biện hầu như bị dập tắt ngay từ trong trứng nước. Cuộc đàn áp nhân văn giai phẩm vào thập niên 1950 của thế kỷ trước chính là một chiến dịch để tiêu diệt những tiếng nói phản biện của giới văn nghệ sĩ, trí thức thời đó. Tiếp theo, những cuộc đàn áp, bắt bớ, giam cầm những nhà trí thức trong cuộc thanh trừng “xét lại chống đảng”, cũng không nằm ngoài chủ trương này, để cuối cùng trong xã hội chỉ còn lại tiếng nói duy nhất của đảng và “đảng là chân lý”; còn đối với nhân dân thì phản biện được đồng hoá với “chống đối”, với “phản động”, dễ dàng bị nâng lên hàng “quan điểm” để bị trừng trị... Hệ quả là hầu hết con người trong xã hội chỉ còn có thể biến thành một đàn cừu, hoặc là chỉ biết nhắc lại ý của đảng, hoặc bưng tai bịt mắt trước những sai trái trong các đường lối, chính sách của đảng... Một thí dụ điển hình vẫn thường được nhắc lại để minh họa mức tai hại của sự vắng bóng phản biện trong xã hội, là nghị quyết đại hội lần thứ tư của đảng, với chủ trương “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội ”. Lúc đó hầu như bất cứ văn bản nào của chế độ cũng đều mở đầu bằng hàng chữ: “Dưới ánh sáng nghị quyết 4 của đảng....”. Nhưng đến khi bắt buộc phải “đổi mới” từ thời 1986 đến nay, thì cũng chính giới lãnh đạo đảng đã không tiếc lời chê bai cái thời bao cấp dưới “ánh sáng nghị quyết 4 của đảng” đó; và họ làm như thể sự bần cùng của đất nước, sự tụt hậu vì điểm xuất phát quá thấp là do ai đó tạo ra, chứ đảng chẳng có trách nhiệm gì cả. Và cứ thế họ tiếp tục huênh hoang về công trạng lãnh đạo của đảng đối với đất nước... Tuy nhiên, cũng kể từ đó, giới trí thức, văn nghệ sĩ Việt Nam đã tận dụng mọi cơ hội để gióng lên tiếng nói phản biện trước những chính sách, đường lối của đảng.
Bài viết “Bàn về sự lãnh đạo của Đảng” trên báo Khoa Học và Tổ Quốc số tháng tư năm 1990 của ông Nguyễn Kiên Giang được dư luận coi là một trong những bài phản biện mạnh mẽ nhất của thời đó. Đương nhiên tờ báo này ngay lập tức bị đóng cửa 10 tháng và tác giả bị trù dập tàn nhẫn. Trong bài viết này, ông Nguyễn Kiên Giang đã thẳng thắn nhận định rằng “Mọi ý kiến khác với ý kiến những người lãnh đạo của Đảng bị coi là chống Đảng, mà chống Đảng cũng có nghĩa là chống Nhà nước, chống chế độ, chống cách mạng. Cho đến khi Đảng nhận ra được những sai lầm của mình (triệt để hay không triệt để) thì xã hội đã gánh chịu những hậu quả cay đắng, chưa nói tới một số người phải chịu đựng sự trừng phạt trái pháp luật mà đến nay vẫn chưa giũ bỏ dược hết số phận oan trái của mình.” Sau khi phân tích về sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng đưa đến những đặc quyền cho đảng, ông đã nhấn mạnh rằng:“Nhưng còn một thứ đặc quyền khác còn nguy hiểm hơn nhiều: đặc quyền tinh thần, độc quyền chân lý. Có thể tính tác hại của đặc quyền vật chất thành những số tiền của mất đi, nhưng không thể nào tính được tác hại của đặc quyền tinh thần của độc quyền chân lý bằng những thước đo sờ thấy. Mà tác hại của thứ đặc quyền này đối với xã hội thì thật ghê gớm.”
Đến nay, gần 20 mươi năm sau khi ông Nguyễn Kiên Giang viết những giòng trên, giá trị của những nhận định đó vẫn nguyên vẹn. Do đó, những phản biện về đường lối, chính sách của đảng vẫn luôn luôn là nhu cầu bức thiết, nhất là tình hình đất nước lại đang nảy sinh thêm những vấn đề phức tạp khác phát xuất từ các “chủ trương lớn” của đảng. Thực ra bên cạnh vấn đề độc quyền lãnh đạo của đảng, từ đầu thập niên 90, những bài tiểu luận của ông Hà Sĩ Phu, đặc biệt là tập “Chia Tay Ý Thức Hệ”, đã đánh sập nền tảng tư tưởng Mác Lê, khiến cả một Hội Đồng Lý Luận Trung Ương của đảng không thể nào chống đỡ nổi; rồi sự phát triển của các phương tiện truyền thông đã ngày càng mở rộng thêm cho sự phản biện về mọi vấn đề của đất nước do đảng độc quyền kiểm soát. Nếu thực sự tự tin là mình có những đường lối đúng đắn, thì đảng đã không cần có nghị định 31/CP, không cần đến luật hình sự 88,... và không cần lúc nào cũng phải “tăng cường sự lãnh đạo của đảng” trong vấn đề này vấn đề kia. Do không tự tin, thiếu hiểu biết, thiếu chuẩn bị nên lúng túng trước những phản biện xã hội, đảng đã phải đẻ ra hết luật này này đến luật nọ, mà mục đích chỉ là để bịt miệng những tiếng nói phản biện. Và bây giờ là quyết định 97 để cho thấy rằng những cách bịt miệng và còng số 8 hiện có... vẫn chưa đủ.
Mới tháng 7 năm ngoái, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đã phát biểu tại hội thảo của giới trí thức rằng: “Rõ ràng, phải tạo điều kiện hơn nữa cho tranh luận, phản biện". Và rằng: “Cần mở rộng hơn nữa hệ tư tưởng, đặt đúng vai trò của trí thức". Không biết lúc đó ông Tuyển có biết mình đang nói gì không, hay hiện giờ chính ông cũng đã bị “dán băng keo” rồi. Cũng không lẽ giới trí thức Việt Nam đã xuống cấp quá nhanh trong vòng 1 năm và không còn là trí thức nữa? Có lẽ dưới ánh sáng của QĐ 97, người ta chỉ còn có thể kết luận các tuyên bố của Bộ trưởng Trương Đình Tuyển là “phản động”!
Phải chăng những phản biện của quần chúng về vấn đề biển, đảo, ngư dân và nhất là bô-xít Tây Nguyên đang làm cho đàn anh phương Bắc không hài lòng? Và phải chăng vì đã bỏ túi hơn 150 triệu đô thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải làm sao coi cho được? Phải chăng những lên tiếng của giới trí thức mà đảng không có cách nào phản bác được, nhưng lại vẫn muốn tiến hành “chủ trương lớn”, nên phải lập ra một khung pháp lý để ngăn chặn và dập tắt sự lên tiếng?
Bên cạnh đó còn nhiều vấn đề của đảng chưa được phản biện một cách rốt ráo, mà đảng sợ rằng, càng rốt ráo minh bạch thì đảng càng lâm vào thế bí. Chẳng hạn, như từ trước đến nay, đảng vẫn khép tội những người bất đồng chính kíến là “nói xấu nhà nước”, là “chống lại nhà nước XHCNVN”, v.v... Nếu không ngăn chặn phản biện công khai thì rồi đây sẽ có lúc vấn đề đặt ra sẽ là: “Một đảng và nhà nước nằm trong hệ thống diệt chủng như đã bị nghị quyết 1481của Nghị Viện Âu Châu lên án, thì đảng và nhà nước đó tốt hay xấu?“. “Một đảng và nhà nước bán đất, dâng biển cho ngoại bang, thì đảng và nhà nước đó tốt hay xấu? “v.v.... Nếu xấu, thì lên tiếng phản đối một đảng và nhà nước xấu là có tội, hay là nhiệm vụ của bất cứ một ai có lương tâm trên quả đất này?
Tóm lại, các nhà lãnh đạo tại Hà Nội biết rằng càng ngày họ sẽ càng bí lối về mặt lý luận cũng như trong việc biện minh cho những chính sách đường lối của họ, khi mà những phản biện công khai ngày càng vạch ra chuỗi sai lầm triền miên. Điều này chắc chắn sẽ gây thương tổn ngày càng trầm trọng cho tư thế lãnh đạo của đảng để dẫn đến những hậu quả khác như đã trình bày ở trên. Bởi vậy mà quyết định 97 đã ra đời để mong bịt miệng phản biện bằng bạo lực. Do đó QĐ 97 là bằng chứng về sự yếu kém và xuống cấp của lãnh đạo đảng CSVN.Những nỗ lực cao quí hiện nay của giới trí thức Việt Nam cho thấy không mấy ai đã nhìn ra thực trạng đất nước mà còn có thể an tâm phó mặc tương lai dân tộc vào tay 15 con người thiếu cả khả năng lẫn tinh thần trách nhiệm. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả, giới trí thức Việt Nam đang đi đầu và hướng dẫn cả dân tộc trong nhận thức: Chống những người lãnh đạo bất xứng không phải là chống đất nước; và bảo vệ đồng bào ruột thịt lại càng không phải là chống đất nước.
NGHỆ THUẬT TÀNG HÌNH & ẢO THUẬT của HÀ NỘI
Tàng hình, ảo thuật
Trần Khải
Đăng ngày 31/08/2009 lúc 12:01:49 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4082
Ai dám chê nhà nước Hà Nội dở? Ít nhất, chính phủ nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam cũng có một lĩnh vực thiện nghệ là tàng hình. Nghĩa là, làm cho người ta không thể thấy được, hoặc là không thấy gì hết, hoặc là không thấy như thực.
Nếu hiểu tàng hình như một nghệ thuật, thì nhà nước Hà Nội phải được công nhận như là đại ảo thuật gia. Các đại ảo thuật gia thế giới cỡ như Harry Houdini, hay như David Copperfield thì không thấm thía gì với nhà nước Hà Nội. Thật đấy, ngay như ở cái tên là thế giới đã thua rồi. Bạn thử đọc lên những cái tên đại ảo thuật gia trên truyền hình Mỹ như Houdini hay Copperfield mà xem, không thấy có gì gọi là sương khói mờ ảo cả. Nghe cứ y hệt như là gọi tên Obama hay Michalak, chẳng thấy huyền ảo tí nào.
Vậy chứ, chỉ cần đọc lên danh xưng nhà nước “Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” là đã thấy ngay mịt mờ hư ảo. Thế đấy, Cộng Hoà là cộng hoà nào? Thực tế làm gì có hoà với cộng? Nhưng không lẽ lại gọi tên thực là “chuyên chính toàn trị” cho đúng như thực? Còn gọi là “xã hộị chủ nghĩa” thì cả thế giới lại cười cho cái thường được gọi là “chủ nghĩa tư bản hoang dã”... Thậm chí tới như cái tên “Việt Nam” cũng là khả nghi lắm rồi, vì cứ lên xem vùng đất Tây Nguyên bauxite thì lại thấy bảng hiệu cửa tiệm toàn là chữ Tàu, nghe bên tai toàn là tiếng quan thoại... Thế mới gọi là ảo thuật gia.
Cũng có thể lý giải theo cách khoa học được, cho cái gọi là nghệ thuật tàng hình, tuy rằng khoa học Việt Nam đã đi khá là chậm, không chỉ là so với khoa học thế giới, mà còn quá chậm so với tài năng phù thuỷ tàng hình của nhà nước CHXHCNVN.
Báo Đất Việt, cơ quan của Liên Hiệp Các Hội Khoa Học và Kỹ Thuật Việt Nam, trên số báo ngày 25-7-2009 có cho biết rằng Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dán, khoa công nghệ vật liệu, ĐH Bách Khoa Sài Gòn, sau 12 năm “đã chế tạo thành công vật liệu hấp thụ sóng radar, tia hồng ngoại, tia X... với công nghệ kỹ thuật trong nước hoàn toàn chủ động”. Nghĩa là chế tạo được lớp sơn ngụy trang, “Loại vật liệu này không phản xạ lại sóng nên các thiết bị theo dõi không thể phát hiện được... Loại vật liệu hấp thụ SĐT này có thể sơn trực tiếp lên thiết bị, cũng có thể được đính lên vải, vật liệu composite, để ngụy trang cho thiết bị tránh bị đối phương dò tìm. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong an ninh quốc phòng”.
Lớp sơn để làm tàng hình? Thấy rõ là khoa học Việt Nam đang đi quá chậm, so với nghệ thuật cầm quyền của nhà nước Hà Nội.
Cứ nghe ông Đại sứ Mỹ Michael Michalak nói, cũng biết nghệ thuật tàng hình của Hà Nội ra sao rồi: Bản tin thông tấn Pháp AFP hôm Thứ Tư 26-8-2009 cho biết rằng Đại Sứ Mỹ tại VN Michael Michalak ca ngợi nhà nước CSVN đã có tiến bộ về quyền tự do tôn giáo...
Bản tin AFP này viết rằng ông Michael Michalak nói trong buổi họp báo nhân kỷ niệm 2 năm đầu giữ chức đại sứ: “Chúng tôi ca ngợi tiến bộ mà VN đã thực hiện trong vài lĩnh vực, như cải thiện việc cho người dân thực hành tín ngưỡng. Nhưng chúng tôi quan ngại, về các nhân quyền khác tại VN.... trong đó có chiến dịch trấn áp truyền thông và hình sự hóa quyền tự do phát biểu, như thế sẽ là khó hơn để chống tham nhũng và làm hại môi trường”.
Hẳn nhiên là bên đạo tràng Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh không “nhất trí” rồi. Bởi vì tình hình tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng đang ngày càng căng thẳng hơn, không ai thấy có tiến bộ hay cởi mở gì trên đất này. Sư Cô Chân Không mới mấy tuần trước còn nói với thông tấn AFP rằng nhà nước CSVN “đang trấn áp tôn giáo, rõ ràng và đơn giản như thế”. Trời ạ, làm sao mà Sư Cô lại thấy không giống như ông Đại Sứ Michalak thấy? Ai đang bị ảo thuật mà mắt?
Rồi một ngày sau khi Đại Sứ Michalak khen ngợi tình hình tôn giáo VN, bản tin của Phù Sa ngày 27-8-2009 cho biết:
“Càng gần đến ngày Tự tứ và Đại lễ Vu lan các thầy Đồng đệ tử của Thượng tọa Đức Nghi càng tăng tốc độ khủng bố lên tăng ni tu viện Bát Nhã. Tính đến ngày hôm nay đã lên đến 4 lần khủng bố với nhiều hình thức. Ngoài các hình thức cũ như: rào đường, mở loa phóng thanh với cường độ mạnh vào các giờ công phu, thiền tọa, và đập phá tượng đài, v.v... còn có thêm hai hình thức mới, đó là: bỏ rắn độc vào túi đựng bình bát của các sư cô, và hành hung dọa nạt Phật tử viếng chùa.
Tệ hại nhất là hành động đập phá tượng đài Bông Hồng Cài Áo (lần thứ hai), trong khi chỉ còn không đầy 1 tuần lễ nữa là đến ngày Đại lễ Vu lan - Báo hiếu ấy thế mà các thầy Đồng đã đan tâm đập bể tách rời hai bé ra khỏi hai bàn tay của người mẹ, xô ngã hai bé úp mặt xuống đất. Phải chăng đó cũng là lời cảnh cáo, dọa giết gần 400 tăng ni đang tu học tại đây?”
Rào đường, đập phá tượng đàì, xô hai tượng em bé úp mặt xuống đất, bỏ rắn độc vào bình bát sư cô... Thiệt là tuyệt vời, không cần một lớp sơn nào của Tiến Sĩ Nguyễn Văn Dán, mà Đại Sứ Michalak vẫn không thấy những hình ảnh y hệt như phim ảnh thời họ Mao phát động Cách Mạng Văn Hóa vừa nêu. Mở loa phóng thanh, lớn tiếng doạ nạt... Cũng tuyệt vời, không cần rào cách âm, mà ông Đại Sứ Michalak vẫn nghe ra như có giọng tiến bộ, cởi mở... Thế mới biết là tài nghệ ảo thuật siêu đẳng của nhà nước Hà Nội.
Thực ra, câu chuyện tu viện Bát Nhã chỉ là một chương, một hồi trong toàn cảnh một vở tuồng khổng lồ của nhà nước CHXHCNVN.
Nhà báo Huy Đức, cũng là người viết trang blog Ôsin, trong bản tin ông ghi trên blog này, rằng kể “từ 25-8, nhà báo Huy Đức không còn là phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị”. Lý do là vì nhà nước không hài lòng về nhiều bài viết của ông trên blog, gần nhất và cụ thể nhất về dị biệt tư tưởng với Ban Tuyên Giáo là bài có nhan đề “Bức Tường Berlin”, trong đó, đoạn kết được nhà báo Huy Đức viết như sau:
“...Cũng trong tháng 6-2004, tôi có đi qua một vài nghĩa trang quân Đồng Minh chết sau sự kiện Normandy. Những tấm bia ở đây nói rõ là nghĩa trang được lập bởi dân chúng địa phương góp đất và tiền để tưởng nhớ những người lính Anh, Mỹ, New Zeland, Australia… Những “nghĩa trang dân lập” ấy vẫn được gìn giữ cho đến ngày nay với hoa tươi quanh năm. Trong khi, năm 2007, Tổng thống Nga Putin bị các quốc gia lân bang đặt trước tình huống phải ký sắc lệnh lập 7 văn phòng đại diện tại Ba Lan, Hungary và các nước vùng Baltic để bảo vệ mộ của Hồng quân. Thật không phải khi đụng đến nơi tưởng niệm những người đã hy sinh. Nhưng, cái cách mà Putin cư xử với lân bang đã khiến họ nhớ lại thời Liên Xô và nhận thấy những tượng đài Hồng quân “không còn là một biểu tượng chống phát xít mà là biểu tượng của sự chiếm đóng”.
Bên cạnh những bao cát của Checkpoint Charlie, chốt gác giữa Đông và Tây Berlin, cũng luôn có hoa tươi. Có lẽ ngay chính người Mỹ, sau những chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Iraq, cũng thèm khát hình ảnh của chính mình trên bờ biển Normandy hay ở cái Checkpoint Charlie ấy. Từng là một người lính ở Campuchia tôi hiểu, không có người lính nào sẵn sàng hy sinh nếu không nghĩ, sứ mệnh của mình là giải phóng. Nhưng, không chỉ những người đã nằm xuống, người lính thường kết thúc sứ mệnh sau khi buông súng, mà những việc có ảnh hưởng tới “các giá trị thiêng liêng” khi ấy mới thực sự bắt đầu. Một cuộc chiến không còn được coi là “giải phóng” nếu những gì mà nhân dân cuối cùng được hưởng không phải là độc lập tự do”.
Giải phóng, độc lập, tự do... hóa ra rồi chỉ là màn sương khói trên tay người phù thuỷ.
Cũng cần nhìn cho rõ, để đừng bị sương khói sân khấu làm mờ mắt. Dù là cùng giỏi về tài ảo thuật, các nhà đại ảo thuật như Harry Houdini và David Copperfield thực ra vẫn có nhiều dị biệt với nhà nước CSVN. Điều này, hình như Đại Sứ Michalak chưa phân biệt nổi: ảo thuật như Houdini và Copperfield không làm chết một mạng người nào, trong khi sau làn khói mờ ảo của Đảng CSVN là cả những núi xương, sông máu.
Trần Khải
© Thông Luận 2009
NGHĨ LẠI VỀ "ĐỘC LẬP DÂN TỘC"
Nghĩ lại về “Độc lập dân tộc”
Phạm Hồng Sơn
01/09/2009 1:53 sáng
http://www.talawas.org/?p=9676
Rất nhiều quốc gia trên thế giới đều lấy từ “độc lập” đặt tên cho ngày quốc khánh. Đó thường là ngày đánh dấu người dân sở tại giành lại được chính quyền (quyền quản lý đất nước) từ tay lực lượng ngoại bang. Tại Việt Nam cũng thế, 64 năm qua trên miền Bắc và 35 năm qua trên toàn Việt Nam, ngày 02 tháng Chín luôn được kỷ niệm với những nghi thức trọng thể nhất. Vào ngày 02 tháng Chín năm 1945, Tuyên ngôn Độc lập đã vang lên trên Quảng trường Ba Đình, đánh dấu quyền quản lý đất nước Việt Nam chính thức trở lại với người dân Việt Nam sau hơn 80 năm bị kiểm soát dưới bàn tay của thực dân, đế quốc. Ngày 02 tháng Chín còn được nhiều người gọi là ngày “Tết độc lập”.
Tuy nhiên, “độc lập” không chỉ nói đến tình trạng của một dân tộc hay một quốc gia, “độc lập” còn nói đến tình trạng của một con người. Theo Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, “độc lập” có hai nghĩa: 1. Đứng một mình, không nhờ cậy ai – Không cần ai bảo hộ mình (être indépendent). 2. Nước có năng lực tự trị, nội chính ngoại giao đều không bị nước khác can thiệp. Và đa số các cuốn từ điển tiếng Việt, Anh, Pháp, mục từ “độc lập” (independence, indépendence) cũng đều có hai nghĩa tương tự như theo Đào Duy Anh.
Như vậy nói đến “độc lập” không thể chỉ nghĩ đến tình trạng của lãnh thổ, quốc gia, dân tộc mà còn phải chú ý đến tình trạng “độc lập” của các cá nhân – các thành viên thuộc quốc gia, lãnh thổ, dân tộc đó. Nền tảng căn bản cho sự ”độc lập cá nhân”, không gì khác, phải là khả năng của một con người biết “độc lập trong tư duy” (độc lập tư duy) để có thể tự quyết định cho vận mệnh cá nhân mình một cách tích cực. Vì vậy “độc lập dân tộc” hiểu theo nghĩa chỉ là tình trạng của một ”nước (một dân tộc) có năng lực tự trị, nội chính ngoại giao đều không bị nước khác can thiệp” hay chỉ là việc chính quyền đã về tay người đồng tộc với mình là hoàn toàn chưa đủ. Vì đại đa số người dân của một dân tộc vẫn có thể không có hoặc không được hưởng quyền độc lập tư duy (và thường kèm theo nhiều quyền khác) dưới một chính quyền hoàn toàn do người của dân tộc đó nắm giữ.
Do đó cái gọi là “độc lập dân tộc” theo nghĩa quốc gia độc lập, dân tộc độc lập phải bao hàm hai yếu tố: có một chính quyền tự chủ (không phụ thuộc thế lực ngoại bang) và sự độc lập cho mọi thành viên của quốc gia đó, dân tộc đó. Một cách nền tảng là phải đảm bảo cho mọi thành viên có khả năng độc lập tư duy – có khả năng phán xét, giải quyết các vấn đề cá nhân và có tinh thần phán xét, tham gia giải quyết các vấn đề cộng đồng và xã hội một cách độc lập, tích cực. Nói một cách khác, cái gọi là “nền độc lập dân tộc” hay “độc lập quốc gia” đó sẽ vô nghĩa nếu các thành viên của dân tộc hay quốc gia đó không được hoặc không có khả năng độc lập tư duy. Vì suy cho cùng, mục tiêu “độc lập dân tộc” là phải đem được sự độc lập đến cho từng cá nhân – thành viên của dân tộc đó. Không phải ngẫu nhiên mà mọi thế lực áp bức (ngoại tộc hay đồng tộc), bên cạnh việc cậy vũ lực, luôn tìm đủ mọi cách (đánh lạc hướng, gây suy yếu, triệt tiêu khả năng độc lập trong tư duy) hòng làm cho tư duy của dân chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ[1], bị phụ thuộc, bị rập khuôn theo ý muốn, định hướng của chúng. Khi con người đã mất hoặc không thể độc lập tư duy thì việc bị phụ thuộc (hay trở thành nô lệ) chỉ còn là vấn đề thời gian. Và điều tệ hại hơn là khi con người đã mất khả năng độc lập tư duy thì cũng không còn hoặc ít có khả năng nhận biết được tình trạng phụ thuộc hay nô lệ của bản thân.
Do đó, không gì ngoài sự đáng hổ thẹn, khi một quốc gia, một dân tộc được gọi là độc lập, nhưng các thành viên của quốc gia đó, dân tộc đó lại thờ ơ hay thiếu năng lực phán xét, tham gia giải quyết các vấn đề của quốc gia, của dân tộc. Và sẽ là vô lý đến mức mỉa mai nếu những thành viên của một quốc gia, một dân tộc độc lập lại bị cản trở hay bị đe dọa khi họ muốn nâng cao hay thực hiện khả năng độc lập tư duy cá nhân.
Khả năng độc lập tư duy của người dân phải được bảo vệ bằng việc đảm bảo để không cá nhân nào bị áp chế, đe dọa hay bức hại chỉ vì có ý nghĩ khác với người khác (kể cả người có quyền lực hay địa vị cao nhất). Nói một cách khác, độc lập tư duy cá nhân chỉ có thể được phát triển thực sự nếu cá nhân được an toàn khi tự do công bố, tự do trao đổi, tự do truyền bá mọi suy nghĩ hay đức tin của cá nhân mình với mọi cá nhân khác trong xã hội. Những tự do vừa kể chính là thuộc về hai quyền tự do đã trở thành những quyền cơ bản của con người, đã được thừa nhận trên toàn cầu: tự do ngôn luận (gồm cả tự do báo chí) và tự do tư tưởng (gồm cả tự do học thuật và tự do tôn giáo). Như vậy, nếu quyền tự do tư tưởng là cái cần để có độc lập tư duy thì tự do ngôn luận chính là phương tiện (đủ) để độc lập tư duy được thể hiện và phát triển. Mọi suy nghĩ, tư duy sẽ vô nghĩa nếu không được thể hiện và trao đổi tự do. Do đó sẽ là phản lại “độc lập dân tộc” nếu không để người dân được tự làm báo, tự xuất bản hay bắt báo chí phải đi theo một “lề” nào đó. Và bất kỳ luật lệ hay qui định nào làm ảnh hưởng hay hạn chế việc công bố các góp ý, phản biện của dân chúng đều là sự vi phạm quyền độc lập tư duy của người dân, nghĩa là gây tổn hại tới “độc lập dân tộc”.
Việc đảm bảo để dân chúng được độc lập trong tư duy không chỉ làm cho cái gọi là “độc lập dân tộc” trở nên thực sự và có ý nghĩa cho cá nhân và xã hội mà còn giúp cho dân tộc đó duy trì được nền độc lập. Nền độc lập dân tộc chỉ có thể được duy trì khi dân tộc đó có đủ sức mạnh cân bằng với các dân tộc khác. Trong khi sức mạnh bền vững của bất cứ dân tộc hay quốc gia nào trên trái đất hiện nay đã được chứng tỏ luôn là hệ quả của sự giải phóng tư duy cá nhân hay đảm bảo cho mọi cá nhân được độc lập trong tư duy. Lịch sử đã cho thấy ngay cả khi có một tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất, sâu sắc nhất cũng không đảm bảo cho dân tộc hay quốc gia đó độc lập, phát triển thực sự nếu người dân của dân tộc đó, quốc gia đó không được đảm bảo độc lập tư duy.[2]
Vì vậy mọi cuộc cách mạng, dù có tiếng vang đến mấy, nhưng nếu không mang lại hay không đảm bảo được sự độc lập tư duy cá nhân, thì cái mà chúng ta vẫn gọi là giành được độc lập đó chỉ đơn giản là một biến cố phân chia lại quyền áp bức hoặc chỉ là sự thay đổi kẻ áp bức ngoại tộc bằng kẻ áp bức đồng tộc. Thực trạng này rất nên được đặt cho cái tên là thực trạng nửa độc lập hay bán-độc lập, để người dân các nước (đã giành được chính quyền từ ngoại bang) phải có ý thức tiếp tục hoàn thiện nền độc lập, tránh sự âm thầm trở lại với thân phận của kẻ bị áp bức bởi chính những người đồng tộc. Bởi những đặc điểm đồng ngôn ngữ, đồng dạng về nhân chủng học, đồng chia sẻ một cội nguồn, một nền văn hóa hay lịch sử không chỉ luôn làm khó cho việc phát hiện, nhận dạng và đấu tranh với kẻ áp bức đồng tộc mà có thể còn làm cho chính những kẻ đang áp bức những người đồng tộc (đồng bào) lầm lẫn giữa tội ác với công trạng. Do đó, nếu chúng ta phải cảnh giác với những thế lực áp bức ngoại tộc ẩn dưới những vỏ bọc như “khai hóa văn minh” hay “tình hữu nghị anh em, đồng chí” thì chúng ta càng phải cảnh giác hơn với những lực lượng áp bức đồng tộc ẩn dưới các khẩu hiệu như “giữ vững độc lập dân tộc” hay “bảo vệ thành quả cách mạng”.
Có thể dân chúng thường hân hoan khi chính quyền đã về tay người đồng bào, đồng tộc với mình. Nhưng chỉ có dựa vào quyền và khả năng độc lập tư duy của người dân mới có thể biết được người dân đã thực thoát khỏi ách áp bức hay chưa. Và nếu có một thế giới đại đồng (xóa nhòa ranh giới vật chất giữa các quốc gia, dân tộc) thì thế giới đó chắc hẳn cũng sẽ phải dựa trên một nền tảng là phải tôn trọng và bảo vệ sự độc lập tư duy cá nhân[3].
Hơn nữa, nếu ý nghĩa thiêng liêng và đầy đủ nhất của độc lập dân tộc chỉ là việc có một chính quyền do người đồng tộc nắm giữ thì không có chuyện Albert Einstein đã bỏ nước Đức ra đi ngay khi tinh thần dân tộc Đức đang bừng bừng khí thế và cũng không có chuyện một số chính quyền lại trải thảm đỏ đón trở lại những kiều bào đã từng bị coi là “phản quốc” chỉ vì không chấp nhận sự thiếu thốn hay trấn áp.
Nhìn lại trường lịch sử Việt Nam, nếu chỉ kể từ năm 938 khi Ngô Quyền giành lại được chủ quyền[4] cho người nước Nam từ đế chế phương Bắc, là một chuỗi các biến cố kháng chiến giữ và giành lại chính quyền, lãnh thổ từ các thế lực ngoại bang. Có thể yếu tố địa chính trị của Việt Nam đã đóng vai trò quan trọng làm nên đặc điểm lịch sử này. Nhưng có một yếu tố luôn song hành với lịch sử đó là sau các chiến thắng giành lại lãnh thổ và chính quyền từ ngoại bang, vấn đề độc lập trong tư duy cho các cá nhân (thần dân hay công dân) chưa bao giờ được trở thành một vấn đề quốc gia cần bảo vệ và tôn vinh[5].
Trong các thời kỳ quân chủ phong kiến, rõ ràng các quan niệm thịnh hành trong xã hội lúc đó như “vô ngã”, “vô thường” (Phật giáo), “vô vi” (Lão giáo) hay thuyết “chính danh” (Khổng giáo) không thể đưa được đến cách nhìn coi trọng sự độc lập tư duy của cá nhân. Chưa kể đến những câu răn dạy như “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” hay “Quân sử thần tử, thần bất tử bất trung” còn thể hiện rõ sự áp đặt ý kiến của người đi trước hay sự đe dọa của kẻ có quyền lực. Đó cũng chính là nguyên nhân sâu xa của sự thúc thủ nhanh chóng của quốc gia khi Việt Nam phải tương tác với sức mạnh vượt trội của phương Tây trong trào lưu tìm thuộc địa thế kỷ XIX.
Nhưng ngay những năm đầu tiên của thế kỷ XX – khi đất nước đang bị Pháp đô hộ, các sỹ phu trong phong trào Duy Tân đã nhận ra nhược điểm cốt tử của dân tộc Việt Nam: “Nước ta là nước quân chủ, trải qua các đời, dân chỉ chịu sự cai trị của vua quan, không có thể dùng tâm và mưu cho nước, nước tự nó sống còn. Trên có vua hiền, tướng giỏi thì tạm thời nước yên ổn, dân yên ổn. Bất hạnh mà không có vua hiền, tướng giỏi thì nước loạn li, nhân dân lầm than. Từ xưa đến nay, sở dĩ ít ngày được bình trị mà có lắm cuộc loạn li, nguyên nhân là ở đó. Muốn nước được bình trị mà mong vua hiền, tướng giỏi thì không bằng mong ở dân mạnh. Dân mạnh thì nước yếu có thể chuyển thành mạnh, và mạnh lâu dài. Dân nước ta có ưu điểm là an phận, thành thực và nhẫn nại. Không biết lợi dụng những ưu điểm ấy thì sẽ sinh ra ba cái tệ. Một là, bảo thủ mà không biết tiến thủ. Hai là, dựa vào người mà không biết tự lập. Ba là, yên thân mình, nhà mình mà không biết ái quần, ái quốc. Không trừ ba cái tệ đó thì dù có vua hiền tướng giỏi cũng chỉ bình trị nhất thời mà thôi, sao có thể chống chọi với các nước lớn được? Cho nên, ngày nay chúng ta phải nghĩ đến tự cường thì ngày sau mới tự cường được.“[6]
An phận, ỷ lại, bảo thủ, thờ ơ với việc nước đều là những tính cách vắng bóng khả năng độc lập tư duy. Các sỹ phu Duy Tân còn mạnh dạn đến mức phê rằng : ”… Còn nước ta thì trong triều, ngoài nội, chính trị, phong tục không thay đổi chút nào. Dụng cụ của ta đều cũ kỹ, lạc hậu, đồng ruộng hoang vu, dân đói rách, chưa bỏ thói ngang ngạnh, tính nô lệ vẫn còn.“[7] (người viết tô đậm các chữ cuối).
Các sỹ phu Duy Tân không chỉ “chẩn bệnh” cho Nước mà còn “kê đơn” rất rõ ràng: ”Loài người cũng như động vật, thực vật đều có cơ thể. Cơ thể của nước là dân. Dân có trí tuệ thì cơ thể linh hoạt, nước sẽ thịnh cường, mãi mãi sẽ không bị phá hoại. Đó là điều tất yếu.“[8]
Để có trí tuệ thì đương nhiên phải khuyến khích và đảm bảo tối thiểu để người dân được độc lập tư duy.
Thật đáng tiếc là sau Cách mạng tháng Tám, những người “cướp” được chính quyền từ tay ngoại bang đã không lưu tâm đến những ấp ủ, trăn trở, những nhận xét, đề xuất sáng suốt và thức thời của các sỹ phu Duy Tân[9], đã không trân trọng những cá nhân có độc lập tư duy.
Tuy nhiên những hạn chế, trấn áp sự độc lập tư duy bất cứ ở đâu và thời nào cũng luôn nấp dưới những vỏ bọc chính đáng. Không có bạo chúa hay nhà độc tài nào tự nhận mình là người độc đoán hay không lắng nghe, không cầu thị ý kiến của dân chúng. Chế độ quân chủ thường chỉ dựa vào Trời với những luân lý chính thống như “trung quân”, “thiên mệnh”, “thiên tử”, kèm theo tội “khi quân”, để những bạo chúa hay gian thần loại bỏ, trấn áp những cá nhân có độc lập tư duy trái với ý kiến hay quyền lợi của chúng. Còn chế độ sau quân chủ lại không cần dựa vào “ý trời” nữa, những người cầm quyền tự tạo ra đủ những lý do có bề ngoài rất to tát, rất đạo đức như “tăng cường đoàn kết nội bộ”, “chống chủ nghĩa cá nhân”, “phải gần gũi nhân dân lao động”, “chống hữu khuynh”, “chống tư tưởng tiểu tư sản”, “học và làm theo nghị quyết”, “hòa nhập chứ không hòa tan”, “giữ vững ổn định chính trị”, “chống diễn biến hòa bình”,…, và kèm theo là đủ mọi áp lực về vật chất và tinh thần, nhằm trấn áp, gạt bỏ những tư duy độc lập, trái với Đảng (Cộng sản) hoặc trái với một nhóm quyền lợi trong Đảng.
Năm 1952, nếu Chủ tịch Hồ Chí Minh trân trọng những đề xuất độc lập của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường thì Việt Nam chắc đã có một nhà nước biết tôn trọng pháp luật và chắc chắn đã tạo ra một cú hích lịch sử cho độc lập tư duy của giới trí thức và toàn xã hội.[10]
Năm 1968, nếu lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam chịu lắng nghe và tiếp thu sáng kiến của thuộc cấp như Bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc thì chắc chắn nhiều người dân Việt Nam đã không bị chết đói và Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được một tiền lệ tốt về dân chủ nội bộ.[11]
Ngay thời kỳ còn chập chững, quyền lực công đã tỏ rõ sự độc đoán, hắt hủi các ý kiến độc lập đến thế, thì đến giai đoạn trưởng thành, nó sẽ còn độc đoán hơn, vùi dập độc lập tư duy cá nhân của toàn xã hội cũng là điều dễ hiểu. Có thể những người có quyền thường ít có khả năng nghe và chấp nhận những suy nghĩ khác biệt, nhưng một chế độ chính trị văn minh luôn có các cơ chế buộc những người có quyền phải lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến, kể cả sự phản đối của dân chúng, không để cho họ được tùy tiện làm tổn thương tới khả năng độc lập tư duy của cá nhân và xã hội.
Điều đau xót là biết bao người đã dành trọn niềm tin và sự hy sinh cho một chế độ chính trị dung dưỡng thói kiêu ngạo, hợm hĩnh, độc đoán, tùy tiện của những người cầm quyền, trong niềm hy vọng chủ quyền đất nước sẽ được bảo toàn, dân tộc sẽ được tự do hơn và hạnh phúc hơn. Nhưng tiếc thay, như các bậc tiền nhân của người Việt đã nói, khi trí tuệ của dân, sự độc lập tư duy của dân không được nuôi dưỡng, trân trọng thì Nước làm sao tránh được sự phá hoại. Và đương nhiên, sự phá hoại đất nước sẽ phải khủng khiếp hơn, sự tha hóa, trơ lỳ của kẻ áp bức cũng sẽ phải ghê gớm hơn khi độc lập tư duy của mọi cá nhân và xã hội đã bị kìm giữ, trấn áp dưới những vỏ bọc to lớn hơn và đạo đức hơn. Đó chính là thực trạng đau lòng của dân tộc Việt Nam, của lãnh thổ Việt Nam hôm nay.
Để đưa được đất nước, dân tộc thoát khỏi tình trạng lâm nguy hiện nay, chắc chắn người Việt Nam sẽ phải nỗ lực không kém những tiền nhân đã dày công dựng và giữ nước. Nhưng để có một nền độc lập đầy đủ, thực sự và vững bền cho dân tộc, người Việt Nam không thể không gắng tạo lập, rèn rũa, giữ lấy hoặc giành lấy cho được thói quen độc lập tư duy. Và tối hậu cần phải tạo dựng một chế độ chính trị biết trân trọng và bảo vệ độc lập tư duy cá nhân. Độc lập dân tộc phải được tựa trên và gắn liền với độc lập tư duy cá nhân.
30/08/2009
© 2009 Phạm Hồng Sơn
© 2009 talawas blog
---------------------------------------
[1] Đề thi đại học môn văn khối C năm 2009 là một ví dụ. Đề thi này như sau: Trong thư gửi thầy hiệu trưởng của con trai mình, Tổng thống Mỹ A. Lin-côn (1809-1865) viết: “Xin thầy hãy dạy cho cháu biết chấp nhận thi rớt còn vinh dự hơn gian lận khi thi.” Từ ý kiến trên, anh/chị hãy viết 1 bài văn ngắn (không quá 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về đức tính trung thực trong khi thi và trong cuộc sống. Việc kêu gọi chống giả dối, gian lận trong thi cử hay kêu gọi sống trung thực là một việc không có gì độc đáo. Nhưng một nền giáo dục tử tế phải hướng con người tới khả năng và thói quen độc lập tư duy. Nhưng đề thi nói trên đã bỏ đi một ý rất độc đáo và quan trọng ngay sau đoạn trích trong bức thư đó: “Xin giúp cháu có niềm tin vào ý kiến riêng của bản thân, dù tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm…” Nguồn tham khảo http://nguyenvanphu.blogspot.com/2009/07/de-thi-la-hay.html.
[2] Nước Mỹ, sau Tuyên ngôn Độc lập nổi tiếng năm 1776, đã suýt tan rã nếu 13 bang không cùng cam kết phải bảo vệ một số quyền cụ thể của dân chúng (trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do khiếu nại chính quyền, tự do tôn giáo là những quyền cụ thể để đảm bảo cho sự tự do và độc lập trong tư duy). Đó chính là 10 tu chính án đầu tiên (the Bill of Rights) của Hiến pháp Mỹ..
[3] Một trong những nền tảng chính của Liên hiệp châu Âu (EU) hiện nay (gồm 27 quốc gia, và nhiều dân tộc khác nhau), có thể gọi là phác thảo hay là tiền thân cho một “thế giới đại đồng” tương lai, là sự thừa nhận và cam kết bảo vệ các quyền con người (trong đó có quyền độc lập tư duy cho mọi cá nhân – quyền tự do ngôn luận và tự do tư tưởng).
[4] Các sách sử hiện nay vẫn gọi là mở ra thời kỳ “Độc lập” hay giành lại được “Độc lập” (theo nghĩa giành lại được chính quyền cho người nước Nam)
[5] Giai đoạn tại miền Nam 1954-1975 là giai đoạn tạm không xem xét ở đây.
[6] Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Prose et Poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hóa 1997.
[7] Theo sách đã dẫn (Sđd).
[8] Sđd.
[9] Căn cứ vào những tài liệu giảng dạy của Đông Kinh Nghĩa Thục còn được lưu cho đến nay, các sỹ phu Duy Tân lúc đó đã đề cập đến nhiều vấn đề thiết thực và cơ bản đối với dân chúng và đất nước như vệ sinh thân thể, mở mang trí thức cá nhân, mở mang kinh doanh (áp dụng máy móc, ủng hộ các nhà tư bản nội địa…), trách nhiệm công dân với cộng đồng, đất nước, các kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị (chính phủ, quốc hội, luật pháp, tư pháp…)…Và có cả những ý tưởng tương tự những gì mà chúng ta hiện đang gọi là Xã hội dân sự (civil society). Xin tham khảo Văn thơ Đông Kinh Nghĩa Thục, Prose et Poésies du Đông Kinh Nghĩa Thục, Nxb Văn Hóa 1997.
[10] Tham khảo tạp chí Xưa & Nay số 286 tháng 06/2007.
[11] Tham khảo Đặng Phong, Tư duy kinh tế Việt Nam – Chặng đường gian nan và ngoạn mục, Nxb Trí Thức, 2008.
SUY NGHĨ VỀ LỜI "NHẬN TỘI & XIN KHOAN HÒNG"
Suy nghĩ về lời “nhận tội và xin khoan hồng”
của 4 nhà dân chủ trên truyền hình nhà nước độc tài CSVN !
Hồ Thị Bích Khương
Ngày 25-4-2009
http://www.doi-thoai.com/baimoi0809_355.html
Thông tin biến động diễn ra rất nhiều với bao nhiêu sự cố đang xẩy ra và diễn biến khá sôi động, như về các vấn đề : lãnh thổ biên giới Việt - Trung, hải phận biển Đông của nước ta đang bị Cộng sản Trung Hoa uy hiếp, rồi cả sự kiện chính quyền CSVN đã chỉ đạo công an tỉnh Quảng Bình tiến hành đàn áp giáo dân giáo xứ Tam Tòa, Đồng Hới rất dã man, tàn bạo….vv…
Tôi nghĩ rằng có lẽ trong tình trạng sức khỏe hiện nay của tôi đau yếu nên không tập trung chú ý được nhiều, nhưng tôi cũng muốn nói đến suy nghĩ của mình về sự cố “nhận tội, xin khoan hồng” của 4 nhà dân chủ khi được an ninh CSVN đưa lên công chiếu trên truyền hình tối 19/8/2009 vừa rồi để cùng chia sẻ với mọi người.
Theo suy nghĩ của tôi về việc cái gọi là “nhận tội xin khoan hồng” của các anh em trí thức đấu tranh dân chủ này là không có nhiều điều đáng buồn, đáng phải thất vọng và nản chí cả, bởi khi vô nhà tù CSVN thì mọi sự phản kháng của các nghi phạm, can phạm dù là tù chính trị, tôn giáo, kinh tế, hay thường phạm khác thì đối với công an Cộng Sản đều là vô giá trị. Có tội hay vô tội đối với pháp luật rừng rú của thể chế độc tài của CS nói chung và hệ thống cai trị độc đoán của đảng cộng sản Việt Nam nói riêng là không hề phân chia được ranh giới rạch ròi. Sự nhận mình là có tội trong nhà tù cộng sản VN không hẳn người nhận tội đã cho rằng mình là có tội thật. Rất nhiều giả thiết xảy ra trong nhà tù trước một lời nhận tội, nó phụ thuộc vào mục tiêu và hướng đâu tranh của mỗi con người. Rất có thể sau sự nhận tội giả này để khi được ra khỏi nhà tù cộng sản thật nhanh chóng nhất sẽ là một phong cách đấu tranh mới, là một hướng đi mới để bước đấu tranh nhanh chóng sớm được tới đích hơn. Cuộc đấu tranh với độc tài CSVN để dành lại nhân quyền, dân chủ cho cả dân tộc này đang còn dài và nhiều gay go, khắc nghiệt. Theo tôi tốt nhất là xin hãy chờ, hãy chờ đợi hành động của họ ở một thời gian tranh đấu về sau để ta kết luận khi họ đã được trở lại xã hội đoàn tụ gia đình và ta sẽ theo dõi mọi động thái tiếp theo của tất cả. Lúc ấy chúng ta sẽ xem họ câm nín, im lặng hoàn toàn nhụt ý chí, hay họ sẽ lấy luôn cơ hội đã được phần nào tự do để tiếp tục cất tiếng đấu tranh tố cáo mạnh mẽ hơn trước !!!???
Nhưng dù sao thì lũ công an CSVN đã, đang và sẽ dở những thói lưu manh, những thủ đoạn khủng bố, đàn áp đê hèn với các tù nhân chính trị này để buộc họ nhận tội không đúng lương tâm, không đúng với sự thật thì đều là những hành vi phạm pháp nghiêm trọng cần phải lên án mạnh mẽ trước công luận. Chúng ta cần phải đồng lòng lên án, cần tố cáo thật mạnh mẽ, quyết liệt thói gian manh, các thủ đoạn đê hèn như kiểu này của công an CSVN để chúng không còn dám dở những trò xấu xa đê tiện như vậy nhằm bịp lừa dư luận mãi mãi mà không thấy có gì gọi là “cải tiến” khá hơn trước cả !!!
Tôi cũng đã từng trải qua 2 lần tù đầy dưới chế độ công an trị của độc tài gian dối CSVN tại Hà Nội và Nghệ An nên biết rất rõ về chúng, và có thể nói tôi “đi guốc trong bụng dạ tăm tối” của chúng quá rành rẽ rồi nên nói được như vậy. Nhưng dù sao tôi cũng thấy những việc làm đáng tiếc về các hành động không đáng xảy ra của số anh em trí thức hiền lành, đầy nhiệt huyết với dân chủ tự do và đất nước trước bạo quyền độc tài như mới rồi. Tôi nghĩ rằng đáng lẽ ra nó không nên có, không đáng diễn ra như kịch bản đạo diễn của an ninh CSVN đã dàn dựng thì là tốt đẹp nhất. Nếu được như thế thì để chúng không có cơ hội xuyên tạc một cách quá dễ dàng nhằm bêu xấu hình ảnh công cuộc đấu tranh cao thượng vì các quyền Con người, và vì Tự do, Dân chủ mà phong trào đối khác của chúng ta đang đi tiên phong !
Tôi còn nhớ những ngày ở tù CS trong tỉnh Nghệ An, gã cán bộ công an cộng sản tỉnh này trực tiếp thẩm vấn tôi mấy tháng liên tục là tên điều tra viên trung tá Nguyễn Hồng Tuyến của sở công an tỉnh. Khi y hỏi cung vụ án của tôi đã bị tôi phản kháng lại mạnh mẽ thì tên điều tra viên này đã phát biểu thẳng thừng với tôi rằng : “Đây là vụ án của chị chẳng qua là có quá nhiều oan khuất nên chúng tôi còn nhẹ tay, chứ tôi mà điều tra thằng Lý ( tức LM Nguyễn Văn Lý trong Huế ) thì, thì... tôi mà điều tra hắn tôi đấm chết luôn… ”. Xin nói rằng đây là một điều tra viên an ninh công an tỉnh Nghệ An được bộ máy đàn áp trong tỉnh này ca ngợi hết lời, y là một tay có tiếng khá “nhẹ nhàng, lịch sự” của công an cộng sản Việt Nam vậy mà còn hỗn láo, bậy bạ như thế nhé.
Như vậy, các nhà đấu tranh dân chủ ở trong lao tù hiện nay đang ở trong hoàn cảnh nào, tâm lý họ ra sao ? Chúng ta bên ngoài không biết họ còn phải chịu những đày đọa gì nữa đây của cỗ máy nghiền đàn áp do an ninh CS Hà Nội đang điều hành đêm ngày. Tôi nghĩ rằng làm thế nào để sớm ra khỏi nhà tù đảm bảo sức khỏe để sẵn sàng chiến đấu cho lâu dài sau này cũng là điều rất tốt. Vì thế ta nên thông cảm và sẻ chia với họ những kinh nghiệm và đau đớn này hơn là tập trung chỉ trích, phê phán họ. Và nếu có phê phán thì nên có tính nhẹ nhàng, mức độ hạn chế để tất cả cùng rút kinh nghiệm về sau, nhất là nên lấy đó làm bài học cho các trường hợp khác tránh mắc phải lỗi lầm tai hại kiểu này, bởi bối cảnh hiện nay đã khác trước rất nhiều.
Tôi còn nghĩ, hơn thế nữa chấp nhận ngồi tù lâu dài với số anh em trí thức này để phản kháng với CSVN không phải trường hợp nào cũng đều là lợi nhất trong cuộc đấu tranh dằng dai đầy nguy hiểm này miễn là không được rời bỏ mục tiêu đấu tranh đến cùng là cũng vẫn được. Thế nhưng anh chị em đấu tranh cũng cần phải biết rằng, đối với CSVN rất gian manh, xảo trá nên không phải cứ ngoan ngoãn cúi đầu “nhận tội xin khoan hồng” là được chúng đáp ứng cho án xử tù nhẹ hoặc tha bổng khỏi nhà tù đâu nhé. Mà ngược lại chúng ta càng đấu tranh kiên cường bất khuất thì chính chúng giờ đây rất run sợ, kinh hãi, lo lắng do sự chính nghĩa của chúng ta mà chúng phải lùi bước, phải nhụt ý chí trấn áp điên cuồng phong trào dân chủ mà thôi. Hiện nay chúng đang hành xử các vụ án đàn áp chính trị, tôn giáo được dư luận trong nước quốc tế, hải ngoại chú ý biết đến rất nhiều theo kiểu nguyên tắc “già thì nắn, rắn thì buông” mà.
Viết đến đây tôi xin đưa một chứng từ, tài liệu để thêm những bằng chứng nhằm chứng minh sự áp đặt dối trá của CSVN với nhân dân trong nước ra sao của bộ máy công an trị CS. Và tôi xin nói chính đó cũng là để cho toàn thể người dân nên biết để thực thi các khẩu hiệu rất thiết thực mà đối phó với Cộng Sản Việt Nam hiện nay :
1 - “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm !!!”
2- “Không sợ những gì cộng sản làm mà phải làm những gì cộng sản sợ !!! ”
Sau đây tôi xin đưa ra Bản làm chứng viết bằng tay của các nhân chứng trong vụ án vừa qua mà CSVN đã dựng đứng ăn không nói có ra sao cho bản thân tôi để quý vị tỏ tường : http://www.doi-thoai.com/baimoi0809_355.html
Bản làm chứng ngày 16-4 -2007 tại trụ sở ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, công an cộng sản đánh đập dã man tôi. Tôi đã nêu lên để tố cáo trong khi viết bài : “Công an cộng sản tỉnh Nghệ An chuẩn bị cáo buộc Hồ Thị Bích Khương với tội danh chống phá đảng và nhà nước”. Trước đây bản làm chứng này có tới 20 người dân lương thiện ký tên, nhưng gia đình tôi đã để thất lạc do mấy năm trong lao tù CS nay chỉ còn giữ lại được danh sách 8 người thôi. Khi bước vào nhà tù của hệ thống độc tài CSVN bao gồm: công an, viện kiểm sát, tòa án, bộ máy tuyên truyền trắng trợn đã đổi trắng thay đen bất chấp những chứng từ, chứng cứ, tài liệu có giá trị pháp lý này nhưng chúng vẫn buộc tội tôi 2 năm tù giam theo điều 258 trong bộ luật hình sự phát xít của CSVN với tội danh là : “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, tổ chức xã hội….” để đem tôi đày đọa trong nhà tù cộng sản thì mới thấy chúng đã gian ngoan, điêu trác, áp đặt con người tới mức độ nào ? Nay tôi xin đánh máy lại để mọi người dễ đọc.
16-4-2007
Bản làm chứng của nhân dân có mặt tại UBND tỉnh Nghệ an
Hôm nay tôi vừa đến trụ sở tiếp dân UBND tỉnh Nghệ An. Tôi vừa đạt chân đến thì bị 3 công an không cho vào. Tôi đưa tờ giấy của UBKTTW đảng CSVN ra ( Chú thích viết tắt tên của cơ quan : Ủy ban kiểm tra trung ương đảng CSVN). Chúng lôi kéo tôi, tôi tiếp tục phản đối, tôi chống cự thì bị công an bóp cổ bịt mồm, vặn tay tôi rất dã man trước mặt quần chúng nhân dân. Vậy tôi viết giấy này để nhân dân cùng làm chứng.
Ký tên : Nạn nhân Hồ Thị Bích Khương
Các ý kiến làm chứng của nhân dân biết rõ sự việc :
1. Tôi: Hoàng Văn Hội ở xã Diễn Lâm – huyện Diễn Châu- tỉnh Nghệ An thấy việc làm của công an hoàn toàn sai (Vi phạm nhân quyền)
2. Tôi: Lê Xuân Tứ ở xã Vân Diên – huyện Nam Đàn –tỉnh Nghệ An thấy công an bóp cổ cô Khương, khóa tay cô Khương không cho nói, đẩy cô Khương xuống đất, việc làm của công an sai trái đề nghị xem lại, hôm nay ngày 16-4-07
3. Bùi Tôn Kiểm, ở phường Bến Thủy, thành phố Vinh thấy công an móc cổ kéo chị Hồ Thị Bích Khương. Tôi có ra ngăn và thấy đúng như vậy.
4. Tôi là người qua đường qua UBND tỉnh Nghệ An thấy hành động công an tỉnh Nghệ an đang nắm tay bẻ ra sau lưng, bóp cổ bịt mồm và dùng chân đạp chị Hồ Thị Bích Khương ngay trước cổng Uỷ ban tỉnh. Thấy thật là thậm tệ của chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa bác Hồ lãnh đạo. Ngày 16-4-2007 - Đặng Bá Hạnh ở xã Xuân Trường-huyện Thanh Chương – tỉnh Nghệ An
5. Tôi Nguyễn Thị Kỳ thấy công an họp hội đồng tiếp dân bóp cổ gì Khương cắp 2 tay ra phía sau.
6. Tôi là người trực tiếp nhìn thấy sự việc công an không cho cô Hồ Thị Bích Khương vào tố cáo và lôi ra cổng, hành vi này là vi phạm pháp luật.
7. Tôi là Ngô Thị Hòa ở phường Lê Lợi thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Chị Hồ Thị Bích Khương vừa đến tới cổng thì công an ngăn cản không cho vào. Chị Khương đòi lập văn bản nguyên nhân nguyên nhân không cho vào, họ không lập văn bản rồi kéo chị Khương đi ra, mà chị Khương không chịu thì 3 công an đánh chị Khương người thì bóp cổ, người thì dúi đầu xuống đất, người thì đá.
8. Tôi là Đào Thi Hiên, ở Khối 11- phường Lê Lợi – thành phố Vinh thấy công an làm việc trái pháp luật nên tôi là chứng sự thật.
Một lần nữa tôi muốn nói rằng chúng ta hãy thật bình tĩnh để chờ đợi khi mọi người được ra tù, trở về nhà để sẵn sàng có nhiều biện pháp mới trong đấu tranh cho thật hiệu quả với chế độ độc tài CSVN lắm mưu gian, kế quỷ rất ác độc.
Ngày 25-4-2009
Hồ Thị Bích Khương
Xóm 2- xã Nam Anh- huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An
Điện thoại liên hệ: 0974 - 915 - 195
VỢ ÔNG HOÀNG MINH CHÍNH PHẢN ĐỐI BÁO THANH NIÊN và TÁC GIẢ TỬ DU
THƯ PHẢN ĐỐI BÁO THANH NIÊN VÀ TÁC GIẢ TỬ DU
Hà nội ngày 31/8/2009
Kính gửi :
- Ông tổng biên tập báo Thanh Niên – Hà Nội
- Đồng kính gửi ông Tử Du tác giả bài báo
Vừa qua trên báo Thanh Niên ngày 09-8-2009 có bài của tác giả Tử Du đã viết, tựa đề bài báo đó là “Sự thật về Đảng Dân Chủ Việt Nam phục hoạt”, trong nội dung bài báo đó đã nêu hoàn toàn sai sự thật những diễn biến lịch sử có liên quan đến ông Hoàng Minh Chính với dụng ý không đẹp đẽ gì. Ông Tử Du đã sử dụng nguyên văn lời phát biểu của ông Huỳnh Văn Tiểng (nay đã mất) mà không có sự điều tra, xác minh xem sự thật ra sao. Tác giả Tử Du đã viết : “Ông Hoàng Minh Chính đã bị khai trừ khỏi Đảng Dân Chủ” ?! Theo tôi nghĩ nguyên tắc chung là tại sao ông Huỳnh Văn Tiểng trước đây và ngày nay là tác giả Tử Du đã không gửi “văn bản kỷ luật bị khai trừ khỏi Đảng” đó cho ông Hoàng Minh Chính và gia đình chúng tôi được biết. Nhất là khi đó ông Chính vẫn còn sống để ông ấy được trực tiếp trả lời một cách đàng hoàng, minh bạch và rộng rãi nhất cho chính ông Huỳnh Văn Tiểng và công luận được sáng tỏ ???
Cuối năm 2007 khi ông Hoàng Minh Chính nghe được tin có nội dung bịa đặt, hoàn toàn sai trái với sự thật lịch sử như vậy, mặc dù đang lâm bệnh rất nặng nhưng ông Chính vẫn cố gắng phát biểu vào băng ghi âm gửi lại cho gia đình gìn giữ, sử dụng để công bố sau này nếu thấy cần thiết. Lúc đó vì quá bận việc chăm sóc Cụ ông đang lâm trọng bệnh, tình cảnh thật ngặt nghèo nên gia đình chúng tôi không tiện đưa ra công khai nội dung bài phát biểu đó của Cụ ông được… Và chỉ ít tháng ngay sau đó thì Cụ ông đã qua đời vào đầu năm 2008 như dư luận đã biết rõ.
Cụ Vũ Đình Hoè là một nhân sĩ trí thức đã tham gia Chính phủ cách mạng lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu ngay trong Lễ ra mắt ngày độc lập mùng 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình ở thủ đô Hà Nội với tư cách là bộ trưởng bộ giáo dục đầu tiên của nhà nước đa đảng, dân chủ của nước ta. Cụ còn là một nhân chứng hiện nay vẫn còn sống và đáng lưu ý các ông điều đặc biệt là, Cụ cũng nguyên là Uỷ viên thường vụ Đảng Dân Chủ Việt Nam. Hiện nay Cụ Vũ Đình Hòe đã trên 95 tuổi và vẫn đang sống tại Sài Gòn ( tức thành phố - Hồ Chí Minh bây giờ) cùng các con cháu trong gia đình. Cụ Hòe là một trong những người đồng chí đã từng làm việc, hoạt động cách mạng trực tiếp với ông Hoàng Minh Chính thời kỳ trước đây trong Đảng Dân Chủ Việt Nam quãng thời gian khá dài. Khi biết được chuyện không trung thực này của ông Huỳnh Văn Tiểng, nên Cụ Vũ Đình Hòe đã phải cười và phát biểu ngay rằng: “Ông Hoàng Minh Chính là thủ lĩnh Đảng Dân Chủ Việt Nam thì có, chứ không có ông Hoàng Minh Chính nào bị Đảng Dân Chủ Việt Nam khai trừ ra cả !!!”
Như mọi người đã biết, ông Hoàng Minh Chính là một con người đúng như trong bản điếu văn đã viết do Cụ luật sư Trần Lâm đọc trong Lễ Tang tại nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội ngày 17/2/2008 : “Cụ Hoàng Minh Chính đến với chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một thanh niên yêu nước, dũng cảm, khát khao độc lập, tự do cho dân tộc và Cụ cũng đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản bằng trái tim của một trí thức yêu nước…”
Theo tôi nghĩ, đồng thời cũng chính là đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam chúng ta thì đối với người đã mất, cần phải có sự tôn trọng anh linh và hương hồn của họ. Bất cứ dù là ai càng không được nói những điều không đúng sự thật, không trung thực về người đã khuất.
Để rộng đường dư luận biết rõ hơn hư, thực về sự kiện này có liên quan làm đã tổn thương đến uy tín, danh dự của ông Hoàng Minh Chính và tiếp tục đầu độc dư luận bởi những luận điệu bịa đặt mang tính hệ thống và hoàn toàn có tính toán, rất bài bản. Nên hôm nay gia đình chúng tôi không biết nói gì hơn là việc cho đăng lại thật công khai, rộng rãi, trung thực toàn văn lời nói qua băng ghi âm của Cụ ông Hoàng Minh Chính đã phát biểu về việc này ngay từ trên giường bệnh vào ngày 29 tháng 10 năm 2007 để công luận cùng sáng tỏ.
Cuối cùng tôi gửi lời cảm ơn các ông đã xem thư và theo dõi nguyên văn bài phát biểu của ông Hoàng Minh Chính đã được gia đình chúng tôi chép ra, rồi đính kèm với bức thư này để phổ biến trước công chúng trong và ngoài nước cùng biết.
Tôi cũng sẵn sàng cung cấp cho mấy ông bản sao của cuốn băng ghi âm này để các ông tiện theo dõi và đối chiếu nếu các quý vị thấy có nhu cầu.
Kính chào các ông
Thay mặt gia đình ông Hoàng Minh Chính - bà quả phụ Lê Hồng Ngọc đã ký.
Điện thoại số : 0902-583-552
Địa chỉ nhà ở hiện nay : Ngõ số 26, phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, TP – Hà Nội
Chú thích :
Khi Cụ bà Lê Hồng Ngọc, 80 tuổi đã gửi thư phản đối này đến Báo Thanh Niên tại Hà Nội từ mấy ngày nay thì không thấy Ban biên tập Báo này hồi âm trả lời, hay chính thức xin lỗi hoặc đăng bài chính gì theo quy định của Luật báo chí nước CHXHCN Việt Nam đang có hiệu lực pháp lý. Chính vì vậy gia đình Cụ bà đã đi đến quyết định cần phải công bố các văn bản này trên mạng lưới interrnet toàn cầu để công luận khắp nơi cùng được biết sự thật.
http://www.doi-thoai.com/baimoi0809_356.html
------------------------------------------------------
Sự thật về “Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt”
Bài 1: “Phục hoạt” hay chiếm đoạt danh xưng?
08/08/2009 2:21
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/200932/20090808022120.aspx
Sau việc cơ quan an ninh Việt Nam bắt giữ Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Anh Kim... để điều tra, một số trang web có nguồn gốc hải ngoại đưa ra những thông tin sai lệch về một “Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt” nhằm đánh lừa dư luận. Đâu là sự thật?
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi – người chống đối chính quyền Việt Nam nói trên trang web của đài Châu Á Tự Do rằng: “ ...Nói Đảng Dân chủ Việt Nam là một đảng lưu vong phản động thì hoàn toàn không đúng, tại vì Đảng Dân chủ Việt Nam là đảng đã thành lập tại Việt Nam từ năm 1944 và đã được phục hoạt bởi GS Hoàng Minh Chính cách đây 3 năm, có thể nói căn bản của Đảng Dân chủ Việt Nam là ở trong nước chớ không phải ở ngoài nước. Và việc công an Việt Nam hay sử dụng những từ ngữ như là “phản động”, “lật đổ chính quyền” để cáo buộc cho những người nào phê bình chính phủ hay là không cùng chính kiến với đảng cầm quyền thì rõ ràng là không đúng sự thật và hoàn toàn có tính cách xuyên tạc… Đảng Dân chủ Việt Nam là một đảng được thành lập từ năm 1944 và đến năm 2006 thì cố Tổng thư ký Hoàng Minh Chính đã lãnh đạo Đảng Dân chủ Việt Nam với một đường lối hoàn toàn mới, tuy nhiên vẫn hoạt động ôn hòa và chủ trương dân chủ hóa đất nước, đoàn kết và phát triển. Đó là 3 chủ trương chánh của Đảng Dân chủ Việt Nam...” (!?)
Nghe có vẻ “có lý” nhưng nếu không cẩn thận thì dễ bị mắc lừa.
Nếu cứ xem ông Nguyễn Xuân Ngãi là một chánh trị gia đúng nghĩa, thì hẳn ông phải biết những nguyên tắc khế ước xã hội đầu tiên. Một quyết định bất kỳ do một tổ chức nào ban hành cũng phải do chính người đứng đầu tổ chức đó ký phát, nếu người đứng đầu vắng mặt thì phải ủy quyền lại cho người được tổ chức đó cho phép ký thay. Cấp nào ký quyết định thì cấp đó mới có quyền rút lại hoặc hủy quyết định đã ký. Trong cùng một ngành quản lý thì người đứng đầu cơ quan quản lý cấp trên có quyền ký hủy bỏ quyết định của cơ quan quản lý cấp dưới.
Người đứng ngoài cơ quan, tổ chức, không có quyền ra những quyết định của cơ quan, tổ chức mà người đó không tham gia. Nguyên tắc cơ bản này áp dụng cho tất cả các tổ chức, đơn vị, đoàn thể tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Giám đốc cơ quan FBI làm việc dưới quyền Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ, nhưng lại được bổ nhiệm hoặc bị miễn nhiệm bởi một quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ, không thể có chuyện vì lý do nào đó mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ ký quyết định bổ nhiệm giám đốc FBI thay tổng thống.
Trở lại chuyện Đảng Dân chủ Việt Nam, trước hết phải ghi nhận vai trò của đảng này trong việc tập hợp lực lượng, đoàn kết mọi thành phần dân chúng trong hai cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Pháp và các lực lượng can thiệp do Mỹ đứng đầu. Được thành lập vào ngày 30.6.1944, với thành phần ban đầu là các nhà tư sản, trí thức yêu nước với tôn chỉ, mục đích của Đảng là đoàn kết, cùng nhân dân đấu tranh, giành độc lập cho dân tộc, xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh. Đảng Dân chủ ra đời có sự hậu thuẫn của Đảng Cộng sản Đông Dương nhằm "đập tan âm mưu thâm độc của phát xít Nhật định lôi kéo tư sản dân tộc và các tầng lớp trí thức Việt Nam". Ngay sau đó Đảng Dân chủ đã gia nhập Mặt trận Việt Minh. Cùng với Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Dân chủ đã tham gia Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đồng thời, Đảng Dân chủ đã cùng Đảng Nhân dân Cách mạng Việt Nam thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam để chống các lực lượng can thiệp Mỹ. Từ ngày 30.4.1975 cho đến năm 1988, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng sản Việt Nam tồn tại trên toàn quốc Việt Nam. Đến năm 1988, với lý do đã kết thúc sứ mạng lịch sử, Đại hội đại biểu Đảng Dân chủ họp từ ngày 18 đến ngày 20.10.1988 đã ra tuyên bố giải thể Đảng.
Dù hòa bình đã 34 năm, vẫn không người lớn nào quên hình ảnh lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam với ngôi sao vàng trên nền nửa đỏ nửa xanh dương. Một nửa màu xanh dương ấy chính là màu của đảng kỳ Dân chủ. Đạo diễn – Nghệ sĩ ưu tú Thanh Hạp, người từng đóng vai cậu bé Lê Văn Tám trong vở kịch Lửa cháy lên rồi của đạo diễn Phan Vũ, đến tận những năm 1993, khi gặp tác giả tại TP.HCM vẫn còn hát véo von đảng ca Dân chủ với lời kết “Màu xanh Dân chủ, sáng soi muôn đời” mà ông thuộc làu qua hai mùa kháng chiến... Những cựu đảng viên đảng Dân chủ có quyền tự hào về quá trình hoạt động chính trị của Đảng mình và cá nhân mình trong sự nghiệp thống nhất đất nước, vì hòa bình dân tộc. Và họ rất ngạc nhiên khi nghe tin đảng Dân chủ của mình tái hoạt động với cái danh nghĩa “phục hoạt”.
Thì ra sau chuyến đi Mỹ về, chẳng biết nghe theo ai mà ngoài những lời lẽ kêu gào quốc tế đừng mua hàng của Việt Nam sản xuất, đừng viện trợ phát triển cho Việt Nam dù cả với hình thức cho vay, để cho dân Việt Nam ý thức rằng phải... đứng lên mà đòi dân chủ (!), ông Hoàng Minh Chính đã lấy tư cách nguyên Tổng thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam tuyên bố “phục hoạt” Đảng này vào ngày 1.6.2006. Đây là “cơ sở pháp lý” duy nhất cho ông Nguyễn Xuân Ngãi lập luận “có thể nói căn bản của Đảng Dân chủ Việt Nam là ở trong nước chớ không phải ở ngoài nước”. Vậy cơ sở pháp lý này có đứng vững không?
(Còn tiếp)
Tử Du
Sự thật về “Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt”
Bài 2: Đi ngược bản chất và nguyện vọng Đảng Dân chủ trước đây
09/08/2009 0:56
http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/200932/20090809005625.aspx
“Tôi xin nhấn mạnh rằng, Đảng Dân chủ hiện nay mà ông Hoàng Minh Chính lên tiếng “khôi phục” về bản chất đã khác Đảng Dân chủ từng tồn tại từ năm 1944 đến 1988”. Nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng - nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ - đã từng khẳng định như thế.
Theo hồ sơ của Đảng Dân chủ Việt Nam thì Tổng thư ký Hoàng Minh Chính đã bị khai trừ khỏi đảng này từ thập niên 60 thế kỷ trước, và từ năm 1958 đến lúc giải thể năm 1988, người lãnh đạo chính đảng này là Tổng thư ký Nghiêm Xuân Yêm.
Do bị khai trừ khỏi Đảng Dân chủ, ông Hoàng Minh Chính không có tư cách sử dụng vị trí “nguyên Tổng thư ký” để ra bất cứ văn bản nào nhân danh tổ chức này, ngay cả tư cách đảng viên để tham dự đại hội và góp ý về văn bản, nghị quyết của đảng này cũng không có. Vậy thì cái tuyên bố “Phục hoạt” Đảng Dân chủ của ông Hoàng Minh Chính có được công nhận hay không? Nếu còn có tâm huyết “phục hồi Đảng Dân chủ vì sự nghiệp dân tộc”, sao ông Chính không gửi ý kiến phục hồi tổ chức này ngay từ năm 1988 mà phải đợi chờ đến 18 năm sau mới “phục hoạt”? Câu trả lời quá đơn giản, ngay năm 1988, yêu cầu của ông ta đi ngược với nghị quyết của Đại hội Đảng Dân chủ và bản thân ông sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng viên đang còn sinh hoạt tới thời điểm đó, những người chưa bị Đảng Dân chủ khai trừ.
Ngay lúc ông Hoàng Minh Chính tuyên bố “phục hoạt” Đảng Dân chủ và tự phong mình làm “Tổng thư ký”, nhà văn hóa Huỳnh Văn Tiểng (vừa từ trần) – nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ đã có ý kiến: “Tôi ngạc nhiên khi nghe tin ông Hoàng Minh Chính ra tuyên bố cái gọi là khôi phục “Đảng Dân chủ”. Bản thân ông Chính đã bị khai trừ khỏi Đảng Dân chủ từ lâu; khi không được sự đồng tình của số đông cựu đảng viên, ông không có quyền và không đủ tư cách đứng ra khôi phục Đảng. Bản thân tôi từng là đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam, nguyên Ủy viên Thường vụ Đảng Dân chủ Việt Nam từ năm 1944 đến năm 1988. Tôi có biết ông Hoàng Minh Chính và nghe nhiều anh em trong Đảng Dân chủ nói về ông ấy. Năm 1946, khi tôi ra Hà Nội, ông Chính với vai trò là Thư ký thường trực của Đảng Dân chủ, đã thay mặt Đảng tiếp tôi. Nhìn chung ông Chính là người lanh lợi, nhanh nhẹn. Tuy nhiên, thời gian về sau ông Chính đã gây mâu thuẫn trong Đảng Dân chủ và bị coi là chống Đảng. Khi đó, Đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ đường lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh: kháng chiến, kiến quốc và bảo vệ quyền lợi của số đông, trong khi ông Chính chỉ bảo vệ quyền lợi của một ít nhà tư sản, đưa ra quan điểm chỉ những người giàu mới được phép đến Hà Nội học. Ông Chính đã không nhận được sự đồng tình của đa số thành viên Đảng Dân chủ (một số người nói với tôi: "Nghe ông ấy là hỏng đấy!"). Vì vậy, ông Chính bị khai trừ khỏi Đảng Dân chủ.
Tôi cho rằng sự hiện diện của Đảng Dân chủ và một số đảng khác tại Việt Nam trong những năm đầu phấn đấu giành độc lập cũng như củng cố nền độc lập là có cơ sở. Bởi vì, khi đó, nhiều tầng lớp trong xã hội còn chưa hiểu Đảng Cộng sản, cần có những đại diện của họ hướng họ vào mục tiêu đấu tranh chống thực dân. Nhưng sau vài thập kỷ, Đảng Cộng sản đã chứng minh được vai trò của mình: lãnh đạo đất nước đấu tranh giành độc lập, thống nhất thành công; và suốt trong ba thập kỷ tiếp theo đã lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn. Nhìn chung, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thu phục được lòng người. Chính sách đại đoàn kết của Đảng Cộng sản chú trọng phát huy sức đóng góp của mọi thành phần giai cấp trong xã hội. Vì vậy, đã đến lúc không cần đến những đảng phái khác, dễ gây chia rẽ nội bộ.
Tôi xin nhấn mạnh rằng, Đảng Dân chủ hiện nay mà ông Hoàng Minh Chính lên tiếng “khôi phục” về bản chất đã khác Đảng Dân chủ từng tồn tại từ năm 1944 đến 1988. Tôi được biết, Đảng Dân chủ hiện nay là tập hợp của một số ít người bị xúi giục, thậm chí bị mua chuộc, kích động hoặc mang sự ấm ức với chính quyền trong nước, khác hẳn với suy nghĩ tâm huyết của số tư sản, trí thức yêu nước hoạt động với tôn chỉ đại đoàn kết trước đây. Cuối cùng, xin được nói rõ rằng, đông đảo những cựu đảng viên Đảng Dân chủ hiện nay không có ý định khôi phục Đảng Dân chủ. Do vậy, ông Hoàng Minh Chính phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm có dụng ý xấu của mình”.
Về cơ sở pháp lý cho “Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt” của ông Hoàng Minh Chính, nói như vậy có lẽ là đã đủ. Nhưng để cho khách quan, xin nêu một chứng cứ khác. Trong bài phỏng vấn của đài BBC với Trần Khuê – nhân vật được phong là “Phó tổng thư ký Đảng Dân chủ”, khi viết và hỏi ông Trần Khuê, thay cho cụm từ "phục hồi" hay "phục hoạt", BBC đã chỉ dùng cụm từ "thành lập từ 1.6.2006", ông Khuê đã không lần nào phản đối hay cải chính. Như vậy, hẳn quá đầy đủ để trao đổi với ông Nguyễn Xuân Ngãi về tính chính xác của những gì mà ông nói về cái căn bản của “Đảng Dân chủ Việt Nam thế kỷ 21” mà theo ông là “chính đảng đã được thành lập từ năm 1944 và đến năm 2006 thì cố Tổng thư ký Hoàng Minh Chính đã lãnh đạo theo một đường lối mới...” (?!)
Nói như một nhà kinh doanh lương thiện thì hành vi “phục hoạt” Đảng Dân chủ Việt Nam theo kiểu cách nói trên là hành vi “chiếm đoạt thương hiệu”. Hành động này không những trái ngược với nguyện vọng mà còn xúc phạm tới những cựu đảng viên Dân chủ đã từng hy sinh tài sản, tuổi xuân và cả máu thịt của mình để tưới cho tươi màu xanh của đảng kỳ Dân chủ trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại để giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Tử Du