Monday, August 31, 2009

DẸP CÁI TRÒ "NHẬN TỘI" TRƯỚC KHI XỬ ÁN ĐI


Dẹp cái trò «nhận tội» trước khi xử án đi
Xã Luận bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 82 (1-9-2009)

Xin mời bấm vào đây để xem BNS Tự do Ngôn luận số 82

Cộng sản là một chủ nghĩa bất trí, một chế độ bất nhân và là một đảng phái bất chính, nên luôn tìm phương bù trừ mặc cảm tội lỗi hay trấn an lương tâm sai lạc bằng cách huyênh hoang tuyên bố và làm cho ai nấy tin nhận nó là một chủ nghĩa khoa học, một chế độ ưu việt và một đảng phái «của dân, do dân, vì dân». Nó cố gắng đạt mục đích này bằng một nền giáo dục nhồi sọ áp đặt lên mọi thế hệ trẻ, một nền thông tin tuyên truyền áp đặt lên mọi giới nhân dân, với công cụ hỗ trợ là bạo lực hành chánh và bạo lực vũ khí. Đặc biệt và độc đáo hơn hết, Cộng sản dùng chính miệng lưỡi hay ngòi bút của những ai từng phê bình, phản đối hoặc chống lại nó -hay đơn giản chỉ là phàn nàn, rên rỉ về nó- và sau đó đã bị nó bắt, để rồi họ bỗng nhiên đứng lên «tự nhận lầm sai», «xưng thú tội lỗi», «xin được khoan hồng» đang khi còn trong vòng thẩm vấn, giữa tay công an, hoặc thậm chí khi ra trước tòa án xét xử.

Lịch sử các đảng CS đã cho ta vô số bằng chứng về điều này. Nổi tiếng nhất là những bằng chứng từ cuộc Đại Thanh trừng thời Staline (1937-1938) mà sau đó đã được nhà văn gốc Hungari tên Arthur Koestler tiểu thuyết hóa trong tác phẩm thời danh nhan đề «Bóng tối giữa trưa» (Darkness at noon, bản tiếng Anh) hay «Số không và vô biên » (Le zéro et l’infini, bản tiếng Pháp). Qua cuộc thanh trừng này, hàng ngàn đảng viên và sĩ quan Liên Xô cao cấp -mà Staline cảm thấy đang và sẽ đe dọa quyền lực tuyệt đối của ông- đã bị tay chân ông dùng vô số thủ thuật gian manh và tàn bạo (như nhà báo Bùi Tín nói trong bài viết mới đây «Ai tự thú vậy ? Ai cần xin ân xá ?») để buộc họ nhận những tội lỗi -mà đa phần họ không hề phạm- ngay trong giai đoạn thẩm vấn hoặc khi ra trước phiên tòa. Lạ một điều là phần lớn đã xin «được xử tử» để đền tội chống lại lãnh tụ và chế độ !

Một bằng chứng cũng nổi tiếng không kém là cuộc «nhận tội» của Đức Hồng y Joseph Mindszenty (1892-1975), giáo chủ Công giáo nước Hungari. Bị nhà cầm quyền CS bắt năm 1948 vì đã dám lên tiếng phản đối chế độ, tiếp đó phải chịu nhiều cuộc tra tấn khủng khiếp trong nhà tù, cuối cùng vị Hồng y đã «thú nhận» mình có «âm mưu cấu kết với Tây phương, chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa». Văn bản «nhận tội » được nhà cầm quyền Hungari tung ra cho toàn thế giới. Thế nhưng trong phiên tòa tháng 2-1949, ĐHY hoàn toàn phản cung, nói rằng mình đã bị hành hạ dã man bởi công an Cộng sản. Việc này đã khiến Liên Hiệp Quốc ra một nghị quyết và Tòa thánh Vatican (qua Đức Giáo hoàng Piô XII) ra một tông thư mạnh mẽ lên án chế độ.

Tại Việt Nam, cái trò «thành khẩn nhận tội» này đã được Hồ Chí Minh bày ra từ cuộc Cải cách Ruộng đất, qua vụ Nhân văn Giai phẩm đến vụ Xét lại chống đảng và tới tận ngày nay... Dùng những thủ thuật như đánh vào các nhu cầu cơ bản của sự sống, đánh vào tình cảm và liên hệ gia đình, đánh vào tính khí và xu hướng cá nhân, an ninh và tuyên giáo cộng sản đã làm cho nhiều kẻ không may bị nhắm đến như thành phần cần «giáo dục, răn đe», hoặc bị bắt tù như thành phần cần «cải tạo, trừng trị» phải công khai xưng thú những tội lỗi không có thật hoặc không đúng nghĩa, qua những cuộc «lên đồng tập thể» hay «tự vấn bản thân». Y như nhà báo Bùi Tín đã mô tả : «Cả lớp học lên đồng tập thể, tự "vỗ ngực đôm đốp", cố lập công về "phản tỉnh", cố đạt kỷ lục về "thành khẩn". Không có cũng cố nghĩ ra, tưởng tượng ra, sáng tạo ra tội giật gân nhất, thường là tội "hủ hoá": tán tỉnh cô này, sờ người cô nọ, rủ thôn nữ ra bãi dâu, bên đụn rạ; có khi còn ly kỳ hóa, phịa ra ý định đầu hàng địch, bỏ ngũ để vào địch hậu, nói xấu lãnh đạo và lãnh tụ...» (bđd).

Thành ra, khi nghe thấy những ai từng dấn thân vào cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền, rồi sau đó bị bắt và bị cho «trình làng» với thái độ «thành khẩn sám hối, mong được khoan hồng» trước mặt nhân viên thẩm vấn, chúng ta chớ có vội tin công an và vội lên án các nhà dân chủ. Những trường hợp tiêu biểu trong các năm gần đây là vụ chuyên viên Nguyễn Phong, đảng Thăng Tiến tháng 3-2007, vụ luật sư Lê Công Định tháng 6-2009, vụ bị can Nguyễn Quang Trung ở Tam Tòa tháng 7-2009, vụ thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức và trung tá Trần Anh Kim tháng 08-2009. Đối tượng cần lên án không phải là các nạn nhân mà là các tên đồ tể. Ở đây cần phân biệt :

1- Bản chất việc «nhận tội». Những gì chúng ta nghe được từ miệng 4 nhà dân chủ trên đài truyền hình CSVN ngày 19-08 chỉ là những hoạt động dân chủ thuần túy, những hành vi đấu tranh bất bạo động. Việc viết bài, lên tiếng, trả lời phỏng vấn, thành lập chính đảng, liên kết với người cùng chung chí hướng trong lẫn ngoài nước, nhằm phê phán sai lầm, tố cáo tội ác của đảng cầm quyền, nhằm công bố sự thật, đòi hỏi công lý, kiến tạo dân chủ cho toàn dân, tất cả đều là những việc rất phù hợp với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, với Công ước Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội mà chính Nhà nước VN đã ký kết tham gia. Các việc đó cũng không đi ngược với điều 69 Hiến pháp VN : «Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí ; có quyền được thông tin ; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình». Đối với thế giới văn minh dân chủ, đấy là những hoạt động bình thường, chính đáng, được khuyến khích và biểu dương, vì ngăn chặn được thói lạm quyền và đem lại sự tiến bộ cho xã hội. Nhà cầm quyền CS không thể dựa vào nhận định của các nhà dân chủ ấy (cho rằng các hành vi trên là «vi phạm pháp luật»), để luận tội họ. Một nền pháp chế chân chính, đúng nghĩa chỉ xét chính bản chất các hành vi, căn cứ trên tiêu chuẩn của pháp luật quốc tế là các Công ước về Nhân quyền. Ngoài ra, khi gọi là «phạm pháp» những hành động mà chính mình trước đó đã tin rằng chính đáng, đã ra sức quảng bá, đã ung dung thực thi, đã quyết tâm bảo vệ (và chắc chắn còn xác tín trong tâm lúc «nhận tội»), các nhà dân chủ «tự thú» nói trên đã mặc nhiên lên án chế độ là bất trí, bất nhân, bất chính, độc tài, độc ác và độc hại. Ấy là chưa kể trong ngôn từ, cử chỉ, sắc mặt, họ còn có thể ra một dấu hiệu bí mật nào đó đối với chúng ta. Biết đâu đấy chỉ là khổ nhục kế để còn có thể phục hận sau này, như bao tấm gương tự cổ chí kim, từ đông sang tây ! Rồi biết đâu tất cả đoạn phim chỉ là xảo thuật tinh vi của CS, như giáo sư Nguyễn Chính Kết đã giả thiết trong bài «Tại sao chúng ta lại dễ tin CS đến như vậy ?»

2- Phương thức việc «nhận tội» : Xin lưu ý rằng trong mọi trường hợp kể trên, các nhà dân chủ “nhận tội” đang còn trong giai đoạn thẩm vấn, giữa bàn tay công an, vốn nổi danh nham hiểm và tàn bạo (như lịch sử các ngành công an CS chứng thực). Khi mới bị bắt, họ không được nghe câu «Anh có quyền im lặng, vì mọi lời anh nói có thể kết án anh» như thấy tại nhiều nền pháp chế văn minh dân chủ. Họ không thể liên lạc gặp mặt gia đình để được an tâm và an ủi. Họ không được quyền thuê luật sư ngay cũng như có luật sư ngồi bên cạnh để cố vấn, để giúp thoát bẫy khi bắt đầu và suốt tiến trình hỏi cung. Họ phải nghe liên tục những lời kết án, quy chụp của nhân viên chấp pháp và phải viết liên tục những bản tường trình, kiểm điểm cho đến khi công an vừa ý, nghĩa là cho đến khi nhận tội. Họ có thể bị buộc phải xem những bài viết, nghe những bài nói trên báo chí công cụ vốn được lập tức huy động đồng loạt để đóng vai trò công tố kết án họ và vai trò hướng dẫn (đúng ra là lèo lái đầu độc) dư luận quần chúng. Ngoài ra, họ có thể bị tra tấn về thể xác như không cho ăn, không cho uống, không cho nằm, không cho đi lại, không cho có ánh sáng hoặc bị ánh sáng quá nhiều (đèn pha cực mạnh chiếu vào gáy, vào mặt). Đặc biệt nhất là không được ngủ vì bị thẩm vấn đêm này sang đêm khác. Các bị can trong nhiều vụ án chính trị những năm gần đây đã tố cáo điều này. Chỉ cần mất ngủ vài đêm là ý chí rất dễ bị đánh gục. Họ còn có thể bị giam chung (hai người) với một tên đầu gấu, nghiện ngập hay nhiễm HIV, để luôn luôn cảm thấy mạng sống bị đe dọa và đâm ra mong muốn kết thúc cuộc thẩm vấn để được an toàn. Nói tóm lại, việc «nhận tội» trong phòng thẩm vấn, trước mặt công an là hoàn toàn phi pháp, vô nghĩa, mà chỉ duy mình chế độ CS mới áp dụng. Không phải nhờ việc ấy mà chế độ CS tăng thêm uy tín và chính nghĩa.

Muốn biết các bị can có thật sự tự thú và ăn năn thì hãy đợi đến ngày họ ra tòa. Nhưng phiên toà đó phải là một phiên toà công khai, công minh, dân chủ, đúng luật quốc tế. Nghĩa là sau khi đã chịu một tiến trình thẩm vấn trong đó mọi quyền lợi bị can của họ được bảo đảm, thì khi ra toà, mọi quyền lợi của họ xét như một bị cáo phải tiếp tục được đảm bảo: nghĩa là phải có thân nhân, bằng hữu, báo chí quốc tế để họ được an tâm, có luật sư như ý muốn để họ được vững lòng. Họ phải có quyền phát biểu hết ý kiến, chứ không chỉ được trả lời «có-không». Luật sư phải được nói một cách tự do, đầy đủ và phải được quan toà cân nhắc, xem xét, đối chiếu với các ý kiến, lập luận của bên công tố, bên luận tội. Ngoài ra, tòa án phải xét xử theo một bộ luật đúng tinh thần tôn trọng nhân quyền. Nhưng thực tế của «tòa án nhân dân» CS kể từ năm 1954 đến nay làm cho chúng ta hoàn toàn không hy vọng điều ấy.

Một điều hết sức ý nghĩa là «lời thú tội» của 4 nhà dân chủ được phát ra vào chính ngày kỷ niệm cái gọi là «Cách mạng tháng Tám». Theo các nhà phản tỉnh gần đây như Bùi Tín, Trần Lâm, Tô Hải (phỏng vấn của RFA ngày 25-08-2009), đó không phải là ngày “cướp chính quyền từ tay Pháp và Nhật” như CS nói mà chỉ là “cướp chính quyền Trần Trọng Kim”, một chính quyền hợp pháp, xứng đáng và đầy năng lực, để rồi từ đó cướp hết mọi nhân quyền và dân quyền của người Việt. Đó là ngày đảng CS cướp chính quyền cho riêng mình, chứ không phải cho dân tộc được độc lập và công dân được tự do. Vụ «nhận tội» của 4 nhà dân chủ cùng ngày kỷ niệm là một bằng chứng !

BAN BIÊN TẬP

No comments:

Post a Comment