Saturday, June 20, 2009

VỤ LS LÊ CÔNG ĐỊNH NGÀY CÀNG THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA QUỐC TẾ

Vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định ngày càng thu hút sự chú ý của quốc tế
Thanh Phương

Bài đăng ngày 20/06/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 20/06/2009 13:00 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3910.asp
Từ ngày 18/06, báo chí Việt Nam đã đăng tải rộng rãi đoạn phim vidéo trong đó, luật sư Lê Công Định, bị bắt ngày thứ bảy tuần trước, đọc '' bản thú nhận các hành vi vi phạm pháp luật ''.
Đoạn phim vidéo này nói tiếp hàng loạt bài báo được đăng tải rộng rãi trên báo chí Việt Nam trong những ngày qua, nhằm chứng minh là luật sư Lê Công Định đã thật sự có những hành động '' Tuyên truyền chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội nghĩa Việt Nam ''.
Trước đó, ngày 17/6, phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã tuyên bố với báo chí quốc tế rằng : '' Theo thông tin do bộ Công an cung cấp, Lê Công Định đã vi phạm pháp luật, cấu kết với một số người ở nước ngoài hoạt động nhằm chống Nhà nước Việt Nam. Việc bắt giữ Lê Công Định được tiến hành theo đúng trình tự của pháp luật''. Ông Lê Dũng còn khẳng định là Việt Nam ''vẫn bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do chính kiến của công dân''.

Nhưng những lời biện minh đó vẫn không đủ sức thuyết phục, vì các tổ chức bảo vệ nhân quyền tiếp tục lên án vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định. Gần đây nhất, trong bức thư đề ngày 17/06, gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Hiệp Hội Luật Sư Quốc Tế đã cho rằng vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định '' vi phạm Hiến pháp Việt Nam cũng như chuẩn mực pháp lý quốc tế''.

Về phía các chính phủ phương Tây, Hoa Kỳ là quốc gia có phản ứng mạnh mẽ nhất, vì ngay từ ngày 15/6, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ Ian Kelly đã yêu cầu chính phủ Việt Nam trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho luật sư Lê Công Định. Phản ứng của Hà Nội cũng mạnh mẽ không kém, vì ngày 18/6, đại diện của Tổng Cục An Ninh (bộ Công an Việt Nam ) đã đến gặp phó đại sứ Mỹ tại Hà Nội, bà Virginia Palmer, để trao cho bà bản tường trình '' tự thừa nhận vi phạm pháp luật Việt Nam'' của luật sư Định và hứa sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về kết quả điều tra đối với luật sư này, nhưng đại diện bộ Công an đã yêu cầu phía Mỹ không can thiệp vào việc nội bộ của Việt Nam. Hiện giờ, phía Mỹ chưa có phản ứng về yêu cầu này của phía Việt Nam.

Việc bắt giữ và xét xử những người hoạt động cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam là chuyện không có gì mới mẻ, nhưng vụ bắt giữ Lê Công Định đã gây sự chú ý đặc biệt của quốc tế. Trong một bài bình luận đăng trên tờ báo điện tử Asia Times online hôm nay, ông Roby Alamway, giám đốc điều hành của Liên Minh Báo Chí Đông Nam Á SEAPA, ghi nhận rằng, việc bắt giữ Lê Công Định đáng nói ở chỗ vị luật sư này không thể được xem là một nhà bất đồng chính kiến.

Theo ông Alamway, tất cả những việc làm cho tới nay của ông Lê Công Định là hoàn toàn nằm trong khuôn khổ hoạt động của một luật sư ở Việt Nam, ngay cả khi ông bào chữa cho các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền. Luật sư Lê Công Định đã bị bắt cũng là vì ông bị xem là đã '' lợi dụng việc bào chữa cho các đối tượng chống đối như hai luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân và blogger Điếu Cày) để tuyên truyền chống chế độ, xuyên tạc Hiến pháp, pháp luật, lên án Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.'' Giám đốc điều hành của SEAPA nhắc lại nhận định của Mạng Lưới Bảo Vệ Pháp Lý Truyền Thông Đông Nam Á, cho rằng Việt Nam như vậy là đã hình sự hóa nghĩa vụ của luật sư biện hộ cho thân chủ.
Tổ chức Human Rights Watch cũng đã nhấn mạnh rằng '' ở Việt Nam, những luật sư nào muốn bào chữa cho các nhà đấu tranh nhân quyền còn đều bị hăm dọa và xách nhiễu.''

Vụ bắt giữ luật sư Lê Công Định như vậy đã gây sự chú ý của quốc tế tương tự như vụ xét xử hai nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ vì đã điều tra về vụ tham nhũng PMU 18. Vụ bắt giữ này nay đã được đăng tải và bình luận rộng rãi trên báo chí toàn thế giới, kể cả những tờ báo ít khi quan tâm đến thời sự chính trị ở Việt Nam.

No comments:

Post a Comment