Saturday, June 20, 2009

THUYỀN NHÂN TRỞ LẠI ĐẢO KUKU (INDONESIA) SAU 30 NĂM XA NHỚ

Trở về Kuku sau 30 năm xa nhớ
Trần Ðông
Thursday, June 18, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96683&z=3
Sau gần 4 năm tìm kiếm con đường để đưa một nhóm vài chục người về vùng đảo Kuku giữa biển Ðông, Tháng Tư vừa qua, tổ chức Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam (www.vktnvn.com) đã thực hiện thành công chuyến đi tiền trạm. Chuyến đi không được quảng cáo, chỉ thông báo trong vòng thân hữu thế nhưng đã có 24 người ghi danh, giờ cuối 2 người bên Ðức bị tai nạn nên đành ở lại. Cả đoàn 22 người từ Hoa Kỳ, Pháp, Ðức, Thụy điển, Việt Nam, Úc đã đặt chân lên vùng đất xa xôi này sau cả 30 năm xa nhớ.

Chúng tôi còn nhớ, Tháng Tám năm 2005 tại văn phòng ở Batam, ban tổ chức chuyến đi Về Bến Tự do 2 đã cùng ông thống đốc đặc khu Riau (gồm khu vực quần đảo Natuna, Anambas, Bintang) tìm kiếm trên bản đồ lớn của đặc khu một địa danh mang tên đảo Kuku nhưng không thấy. Ông hỏi chúng tôi, “Có phải là gần Letung không?” Chúng tôi trả lời không biết. Lúc ấy chúng tôi chỉ biết Kuku là đảo Kuku, chỉ sau khi tham dự chuyến đi này, sau khi nghiên cứu bản đồ trái đất của Google, chúng tôi theo dõi vị trí đường đi của đoàn bằng máy định vị (GPS), đến đâu đánh dấu vào bản đồ khu vực in ra từ Google Earth đến đấy. Chỉ khi ấy chúng tôi mới xác định đúng vị trí của từng nơi: khu vực Kuku, khu vực Air Raya, khu vực đảo Berhala, khu vực Keramut, khu vực Terempah,... tất cả đều là những nơi xưa kia thuyền nhân Việt Nam đã từng đặt chân đến. Mỗi nơi đều có mồ mả thuyền nhân. Mỗi nơi là một di tích xây dựng bằng cả xác người, nên không thể xóa mờ vì đã góp công hình thành cộng đồng người Việt hải ngoại 3 triệu người hiện sinh sống khắp nơi trên trái đất và đóng góp vô điều kiện cho Việt Nam mỗi năm một số tiền khổng lồ không bồi hoàn trị giá gần 10 tỷ đô la Mỹ.

Ðoàn chúng tôi gồm hai nhóm. Một nhóm từ Châu Âu đến Tanjung Pinang qua phi trường Jakarta của Indonesia, một nhóm khác nhiều hơn hẹn gặp nhau tại Singapore và qua Tanjung Pianang vào ngày 10 Tháng Tư 2009.
Sáng ngày hôm sau chúng tôi ra phi trường lên máy bay đi về đảo Matak thuộc khu vực Anambas.
Anambas là một quần đảo nằm ở vị trí cách mũi Cà Mau khoảng 350 dặm về hướng Nam, cách Singapore khoảng 220 dặm về hướng Ðông và Tanjung Pinang (của Indonesia) khoảng 250 dặm về hướng Ðông-Bắc. Tọa độ của Anambas nằm ở khoảng 3 độ vĩ tuyến Bắc và 106 độ kinh tuyến Ðông. Từ phi trường Matak chúng tôi xuống bến phà đi về thị trấn Terempah. Ngủ đêm trong khách sạn nhỏ, ngày hôm sau từ Terempah chúng tôi đi tàu tốc hành đến đảo Jemayah, cách Matak khoảng 40 dặm về hướng Tây.
Tháng Ba (âm lịch) bà già đi biển. Chín mươi phút đi giữa trời nước mênh mông, các đảo nối đuôi nhau. Biển lặng sóng êm, bầu trời nhiều mây che bớt ánh sáng gay gắt của vùng nhiệt đới, bốn người chúng tôi đầu trần nằm trước mũi tàu thưởng thức hương vị trong lành của biển cả. Chúng tôi nói với nhau, “Ba mươi năm trước đây, chúng ta đi trên đoạn đường này như người tù. Ba mươi năm sau, chúng ta về đây như một chủ nhân. Thiệt là đã!” Chúng tôi móc trong túi xách chia nhau hai lon bia lạnh Heineken mua tại Terempah. Trời xanh nước biếc, gió mát lồng lộng, hơi nước thỉnh thoảng bắn tung lên người. Hương vị tự do luồn vào từng tế bào trong cơ thể. Chúng tôi tận hưởng từng giây phút ngọt ngào trước vẻ đẹp thần tiên của mây nước, núi rừng và biển cả chung quanh.
Tàu ghé qua Letung, thị trấn chánh của đảo Jemayah, công ty du lịch chuyển hành lý của chúng tôi đến nhà trọ. Lát sau tàu tiếp tục lên đường, ghé qua thị trấn nhỏ Air Raya chở thêm người rồi trực chỉ đến bãi Kuku.

Ðoàn chúng tôi đã dành hai ngày tại Kuku, ngày thứ nhất tìm kiếm mộ thuyền nhân. Trong đoàn có 3 gia đình tìm kiếm mộ thân nhân, anh Triệu ở Melbourne về Kuku tìm mộ vợ. Vợ anh qua đời tại Kuku khi mang thai cháu bé mới chào đời được 6 tháng. Hai vợ chồng mới cưới, tới đảo chị bị bệnh sốt rét cấp tính một tháng sau thì mất. Anh Triệu đã trăn trở 30 năm, nay mới đủ duyên về tìm mộ người vợ ngày xưa.
David Lee từ Georgia về Kuku tìm mộ mẹ. Mẹ đến Kuku một mình rồi qua đời vì sốt rét. David đến Malaysia lúc mới 8 tuổi. Ba mươi năm nay David lúc nào cũng muốn về Kuku tìm mộ mẹ. David chẳng có hình mẹ, chẳng có hình ngôi mộ, không biết mẹ được chôn ở đâu. Anh chỉ biết là mai táng tại Kuku và quyết tâm đi tìm. Như một phép mầu, buổi trưa, nhóm tìm mộ dừng chân, một anh bạn lật mảnh đá, thì ra đó tấm bia viết bằng chữ hoa. Ðọc kỹ từng chữ, tấm bia ghi tên và ngày tháng năm qua đời của mẹ, khớp từng chi tiết với mảnh giấy David mang theo.

Ðảo Kuku, nơi từng dung chứa thuyền nhân Việt Nam vào những năm cuối của thập niên 70.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/96683-medium_NV-090618-KUKU%201.jpg

Một ngôi mộ thuyền nhân Việt Nam trên đảo Kuku.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/96683-medium_NV-090618-KUKU%203.jpg

Letung, thị trấn chánh của đảo Jemayah
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/96745-medium_NV-090618-KUKU%202.jpg

Ngày thứ hai chúng tôi trở lại Kuku, đoàn chia thành 3 nhóm, hai nhóm hốt cốt, một nhóm tiếp tục công tác tìm kiếm mộ người thân.
Gia đình anh Trung, Minh và chị Thanh tại Sydney đã dành trọn hai ngày nhưng vẫn chưa tìm được mộ thân phụ dù anh Minh nhớ như in vị trí. Chính anh là người đã làm mộ cho cha anh bằng xi măng, rất gần với ngôi chùa, mộ nhìn ra biển, trên sườn đồi. Chúng tôi sục sạo chung quanh ngôi chùa và cả triền đồi, nhưng vẫn không tìm ra ngôi mộ. Cuối ngày, đoàn phải trở về Letung và đành hẹn về Kuku lần nữa vào năm tới.

Ngày thứ ba chúng tôi đi tìm mộ trên đảo Berhala. Berhala là một đảo nhỏ. Từ Letung, chúng tôi băng ngang một cây cầu xi măng chừng cây số, băng ngang vùng biển cạn chừng 1-2 mét nước. Nước trong veo, nhìn thấy tận đáy, trông rõ từng đàn cá tung tăng và các cụm san hô nhiều màu dưới đáy nước.
Letung đối với chúng tôi là Venice của biển Ðông. Thị trấn nằm trên biển. Letung là khu nhà sàn. Nhà này nối nhà kia bằng cầu ván hay xi măng. Ðời sống nơi đây thanh bình, mộc mạc. Cả thị trấn chỉ có hai chiếc xe hơi, một chiếc là xe đưa đón học sinh, một chiếc khác là xe làm đường, tuy nhiên Letung lại có rất nhiều xe gắn máy và gần như nhà nào cũng có ăng-ten dĩa lớn. Thị trấn nhỏ chừng ngàn nóc gia có đến hai trường tiểu học. Có xe đưa đón học sinh. Ðủ thấy từ nơi vùng đất xa xôi này, Indonesia dù nghèo nhưng chính phủ chăm lo đời sống con em của họ rất là chu đáo. Tôi bùi ngùi cho một Việt Nam 20 năm mở cửa, học sinh trung tiểu học đều phải đóng tiền học phí và chẳng có xe đưa đón học sinh nào của nhà nước.
Sau Berhala, chúng tôi kéo nhau ra khu bãi tắm của Letung. Bãi biển dài mấy cây số, cát trắng phau, nước xanh trong, chưa có một tiện nghi du lịch nào. Letung như một vùng đất mới mở ra đón chờ những nhà đầu tư lớn cho khách tứ phương về hưởng thú an nhàn và thiên nhiên mộc mạc.

Ngày thứ tư chúng tôi đến Air Raya. Anh Hồ Tắc, hiện sống ở Georgia, đã từng ở đây trên một năm trời. Anh đứng tần ngần trên bờ biển, mắt rớm lệ, tai anh vẫn còn nghe rõ tiếng xôn xao của hàng chục ngàn thuyền nhân, các lều trại vẫn còn rõ ràng trong trí nhớ của anh. Thế nhưng trước mắt giờ đây chỉ còn là rừng xanh, núi biếc, bãi biển ngày xưa giờ chỉ còn hàng cột của cầu jetty. Chúng tôi bày ra nhang đèn vàng mã khấn vái và cầu nguyện cho các vong linh oan khuất.
Rời Air Raya, tàu đến khu bãi biển Thần Tiên. Cát trắng phau. Nước trong vắt, sóng biển lấp lánh như pha lê, như thủy tinh, đẹp như một cảnh thần tiên. Chúng tôi ngâm mình trong nước. Tắm chán, lên bờ uống nước dừa tươi mới vừa hái xuống. Xong lại xuống tắm nữa vì không muốn xa rời bãi biển nước trong như ngọc.

Rồi cũng phải lên đường ra đi

Cả đoàn ghé lại Keramut. Thăm hòn đảo nơi chiếc tàu anh Tôn Thất Vinh, chị Vân Hải tại Paris và gia đình anh Nam chị Mai Hương, cùng Trung và Ngọc và Chấn tại Ðức đã tạm trú mấy ngày chờ chuyển đến Kuku. Cuối cùng chúng tôi trở lại Terempah. Nghỉ ở Terempah qua đêm, hôm sau chúng tôi đến phi trường Matak rồi về Tanjung Pinang, để qua Batam đi thăm trại Galang.

Ðảo Galang ngày nay nối với đảo Batam bằng con đường nhựa phẳng phiu nối liền bằng 6 cây cầu qua 6 hòn đảo. Ngày nay, đến Galang, du khách từ Singapore có đến và về trong ngày. Từ thị trấn Batam, du khách có thể thuê tắc xi hay ghe gắn máy ôm chạy thẳng một tiếng đồng hồ sau sẽ đến khu trại. Viếng khu trại chừng vài ba tiếng đồng hồ, sau đó về Batam để xuống phà qua Singapore. Galang là khu di tích lịch sử, là khu trại được săn sóc đẹp nhất trong tất cả các di tích Thuyền nhân Việt Nam khu vực Ðông Nam Á. Chùa Quan Âm được phật tử Ðài Loan chiêm bái và cúng dường nên sửa sang khang trang sang trọng; chùa Kim Quang, chùa Nam Tông, nhà thờ Galang 2, Youth Center, nghĩa trang Galang 3 với trên 500 ngôi mộ, các di tích, các tượng đều còn nguyên như xưa. Cả khu trại Galang mỗi ngày có hàng chục công nhân chăm sóc, tỉa bông, cắt cỏ. Galang là khu du lịch của tỉnh Riau, của quần đảo Bintang, của Batam. Rất gần với Singapore, ngày nào cũng có du khách từng đoàn đến thăm.

Ngày 16 Tháng Tư, tất cả chúng tôi từ giã nhóm Châu Âu. Ngày 17 Tháng Tư về Singapore, ngày 18 về nước. Chia tay nhau, ai cũng bồi hồi xúc động. Chuyến đi đã để lại một kỷ niệm đẹp, một ấn tượng sâu sắc không thể nào quên trong lòng từng mỗi người. Chưa rời Letung nhưng ai cũng hẹn nhau trở về Letung - Venice của miền Viễn Ðông - một lần nữa.

Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam sẽ tổ chức chuyến đi thứ nhì về Kuku vào Tháng Năm 2010, mọi chi tiết xin vào trang web:
www.vktnvn.com.

Xem thêm các bài tường thuật chi tiết về chuyến đi Kuku của 2 trang web:

http://www.vnbp.org/vbtd/vbtd06/index.htm ,

http://www.congdongnguoiviet.fr/CDNVQGTDTP/0905HoiKyKuku2H.htm .


No comments:

Post a Comment